“Con người ta đều phải học cách thích nghi với dòng chảy của cuộc đời.”
Hồi còn bé, tôi không hiểu tường tận câu nói trên. Nói thật, tôi không để tâm đến nó. Suy nghĩ của tôi hồi ấy đơn giản lắm, chỉ mong được một lần nhìn thấy cái gọi là dòng chảy của cuộc đời kia.
Gia đình tôi có hai chị em, một gái một trai. Mẹ tôi mãi đến năm tôi gần 10 tuổi mới sinh em trai.
Chính vì vậy, tuy là chị cả, nhưng tôi lại rất được nuông chiều. Và nuông chiều càng nhiều, thì bản tính ích kỉ, kiêu căng của tôi càng lớn.
Tôi rất hay uốn mẹ. Hay ăn vạ. Giả dụ, trong một bữa cơm mà có món tôi ghét, là mẹ sẽ phải dỗ dành và đi nấu một bát mì gạo khác cho tôi. Còn bố tôi thì sẽ dành hàng giờ để ngồi đút cho tôi vài thìa mì chạy bữa đó.
Tôi đã vin vào cái cớ gọi là tình thương ấy, đem những giọt nước mắt, những lời nhõng nhẽo ra để đạt được mục đích mà mình mong muốn. Và bố mẹ đều nghe theo ý tôi hết.
Tuy rằng, đôi lúc bố tôi có bực bội mà nạt nộ tôi vài câu, nhưng mẹ, bằng tất cả tình mẫu tử ngọt ngào và thiêng liêng nhất, đã đứng ra che chở cho tôi trước mọi cơn tức giận của bố. Và tôi coi đó là một điều thích thú, là một thú vui để mà tiêu khiển.
Những ngày về quê, tôi lại càng được các bác, các anh chị yêu chiều hơn chỉ vì cái mác con gái Hà Nội, nhưng thật ra, tôi mang gốc của một miền quê dân dã, cái gốc gác cha truyền con nối từ thuở xa xưa trong cái dòng tộc họ X. Cái sự đó ngấm ngầm vào trong con người tôi, tạo nên một bản tính khó dời.
Tôi tưởng, vạn vật đều quay quanh tôi. Tôi tưởng, mọi người đều sống vì tôi. Tôi tưởng, ai cũng sẽ yêu thương tôi. Cái tôi tưởng thì nhiều lắm, có cái đúng, có cái sai.
Nhưng chung quy, những cái tôi có, như là tình thương của bố mẹ, như là sự yêu quí của ông bà, tôi đều không biết trân trọng. Tôi đem ra bào mòn, tôi phung phí nó, tôi coi đó là một thứ tài nguyên không bao giờ lụi tàn.
Mặc cho tiếng thở dài của mẹ, mặc cho những sợi tóc bạc trắng mỗi đêm của bố, mặc cho sự già nua yếu đuối của tất thảy mọi người, tôi vẫn không biết đường mà quay đầu. Và rồi, tôi ra đời.
Đời không đẹp như mơ, và càng không hồng như mộng. Tôi phải cúi mình mà nhặt nhạnh từng cơ hội từ tay kẻ mạnh làm rơi rớt. Hay, tôi phải gồng mình mà giành giật từng miếng mồi từ tay đối thủ.
Sau cùng, thứ tôi trên cơ chỉ có thể là gia đình. Tôi còn nhớ, hồi bé, tôi luôn tỏ ra là không thích trứng, và nếu chúng có trong bữa ăn là tôi lại nhăn mày nhăn mặt. Nhưng khi mẹ dỗ dành là tôi lại ngoan ngoãn ăn hết sạch.
Làm bộ làm điệu vậy thôi chứ ai mà chả thích miếng trứng rán vàng thơm phức, nhất là lại do mẹ làm. Ấy vậy mà khi ra đời, tôi phải ngấp nghẹn mà nhai, mà nuốt cái thứ gọi là trứng nhưng nguội tanh nguội ngắt, lại mặn chát chúa trên mâm cơm của những người đối tác mà tôi phải bồi.
Tôi nhai trệu trạo trong miệng, cầm ly nước uống ừng ực để cho trôi cái thứ thực phẩm đầy dầu mỡ vào dạ dày. Tôi, bằng một cách nhục nhã đã phải tỏ ra ơn huệ đối với những thứ mà đời ban phát cho mình.
Và tôi khóc. Tôi nhớ nhà. Tôi nhớ mọi người. Tôi nhớ bữa cơm gia đình. Tôi nhớ nhiều thứ mà tôi tưởng chừng như đã quên từ lâu.
Tôi từng nghe một nhà hiền triết nói: “ Vì đời người như trà, phải đắng trước ngọt sau, nên cuộc sống như nước, cần an yên bình đạm. Nếm trải vị đắng rồi mới biết thưởng thức cái ngọt ra sao, đi qua gian khổ rồi chúng ta mới càng cần trân trọng sự bình yên của cuộc sống.” Giờ tôi quả thật đã thấm thía câu nói này.
Để nói về ước mơ ngày lớn, tôi chỉ muốn được một lần trở lại ngày bé thơ.
Nhưng không phải để nhõng nhẽo, để được mọi người nuông chiều, mà là tôi sẽ mặc một chiếc váy hoa thật xinh, gõ cửa từng nhà, hàng xóm có, họ hàng có, tôi sẽ cúi đầu cảm ơn họ và nói những lời yêu thương nhất.
Cuối cùng, tôi sẽ trở về nhà, ôm chầm lấy bố mẹ và tận hưởng cảm giác trong vòng tay của gia đình.
Iris Quynh | Gửi từ group Hall of Dreamers
Hall of Dreamers
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất