Natalie Portman là nữ diễn viên, đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim người Mỹ gốc Israel. Cô được biết đến rộng rãi qua những tác phẩm nổi tiếng như Léon: The Professional, Star War, Black Swan Closer.

Không sở hữu nhan sắc quyến rũ như Angelina Jolie, kỹ năng diễn xuất đỉnh cao như Cate Blanchett, Natalie Portman vẫn ghi dấu ấn trong lòng khán giả. Cô là hình mẫu mà phụ nữ hiện đại hướng đến, thông minh, xinh đẹp và tràn đầy nhựa sống.

Natalie Portman được ví như đóa bạch trà tinh khôi giữa Hollywood hào nhoáng
Natalie Portman được ví như đóa bạch trà tinh khôi giữa Hollywood hào nhoáng

Sau gần ba thập kỷ cống hiến cho nghệ thuật, nữ minh tinh giờ đây sở hữu tượng vàng Oscar và hai giải Quả cầu Vàng, cô cũng là gương mặt được nhiều đạo diễn tại kinh đô điện ảnh Hollywood săn đón.

Mục lục ẩn

Natalie Portman “thông minh hơn một ngôi sao điện ảnh”

Natalie Portman tên thật là Natalie Hershlag, nữ diễn viên sinh năm 1981 tại thánh địa Jerusalem. Tuy nhiên, gia đình cô đã chuyển đến Hoa Kỳ một thời gian ngắn sau đó và hiện định cư tại Long Island, New York.

Từ nhỏ Natalie Portman đã sở hữu nhan sắc xinh đẹp cùng khuôn mặt khả ái
Từ nhỏ Natalie Portman đã sở hữu nhan sắc xinh đẹp cùng khuôn mặt khả ái

Natalie lớn lên trong một gia đình trí thức gốc Do Thái, cha cô là bác sĩ sản khoa, mẹ thì phụ việc nội trợ kiêm trợ lý cho nữ diễn viên. Sự ủng hộ hết lòng của gia đình là động lực lớn để cô tiếp tục theo đuổi nghệ thuật.

Con đường học vấn của Natalie Portman

Thuở nhỏ, Natalie Portman theo học trường Do Thái Charles E. Smith, Washington, D.C. và sau đó chuyển đến trường Solomon Schechter ở New York. Năm 1999, cô tốt nghiệp trung học và xuất sắc ghi danh vào ngôi trường Harvard danh giá.

Tại Harvard, Natalie có cơ hội làm trợ lý cho Alan Dershowitz, tác giả cuốn sách The Case for Israel. Giáo sư Dershowitz nhận xét rằng cô nằm trong số ít sinh viên xuất sắc mà ông từng giảng dạy.

Năm 22 tuổi, Natalie Portman tốt nghiệp Đại học Harvard với tấm bằng cử nhân tâm lý học. Trong một lần phỏng vấn, cô từng chia sẻ về việc bỏ dở sự nghiệp để theo đuổi việc học tập:

“Tôi không quan tâm việc theo học đại học khi sự nghiệp đang phát triển khiến tôi bị mất đi những cơ hội và giảm bớt phần danh tiếng và thành công hay không. Tôi muốn là một phụ nữ thông minh hơn cả khát khao trở thành diễn viên điện ảnh nổi tiếng.”

Sau đó, Portman trở về quê hương Jerusalem để theo học trường Hebrew. Tại đây, cô nghiên cứu về lịch sử Israel, lịch sử đạo Hồi và tiếng Do Thái. Mùa xuân năm 2004, Natalie Portman tốt nghiệp Đại học Hebrew.

Natalie Portman phát biểu trong một sự kiện tại Đại học Harvard
Natalie Portman phát biểu trong một sự kiện tại Đại học Harvard

Năm 2006, Natalie Portman được mời làm giảng viên tại trường Đại học Columbia về chủ đề khủng bố và chống khủng bố. Trong quá trình giảng dạy, cô đã lấy những trích đoạn trong phim V for Vendetta để làm ví dụ minh họa.

Đồng tác giả những công trình nghiên cứu khoa học

Trong thời gian học ở Harvard, Natalie Portman tham gia hai công trình nghiên cứu ᴠà đóng góp nhiều bài báo khoa học. Với những thành tựu ấy, cô đã được vinh danh tại hiệp hội Những tài năng trẻ nghiên cứu khoa học.

Năm 1998, Natalie đã cùng các giáo sư nghiên cứu và xuất bản một bài báo về công nghệ sinh học, cô sau đó được tôn vinh tại cuộc thi Intel STS. Bốn năm sau, Natalie Portman tiếp tục chứng minh tài năng học thuật khi là đồng tác giả một đề tài về tâm lý học.

Ngoài ra, cô thành thạo tiếng Do Thái, tiếng Anh và hiện đang học thêm tiếng Ả Rập, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Pháp. Nữ diễn viên chia sẻ lý do trau dồi ngôn ngữ mới để “luôn trong tâm thế sẵn sàng ở mọi vai trò khi có cơ hội lựa chọn”.

Bước đầu trong sự nghiệp diễn xuất của Natalie Portman

Khi lên bốn, Portman bắt đầu học khiêu vũ và nhiều lần được biểu diễn ở đoàn kịch địa phương. Năm mười tuổi, chuyên viên hãng mỹ phẩm Revlon phát hiện tài năng và ngỏ ý mời cô làm người mẫu nhưng bị từ chối.

“Khác với những đứa trẻ khác, tôi có nhiều tham vọng, tôi biết những gì bản thân thích và những gì mình muốn. Tôi là một cô bé rất nghiêm túc.” – Natalie chia sẻ về quyết định của mình

Khi lên trung học, Natalie tham dự Hội thảo khiêu vũ New Hyde Park và được đào tạo về múa ba lê, nhảy hiện đại. Cô cũng có cơ hội biểu diễn tại trại hè nghệ thuật Usdan ở Wheatley Heights.

Vụt sáng với Léon: The Professional khi mới mười ba tuổi

Năm 1994, Natalie Portman tham gia Léon: The Professional, tác phẩm thuộc thể loại tâm lý hình sự được dẫn dắt bởi đạo diễn Luc Besson. Bộ phim đánh dấu sự hợp tác của Natalie cùng hai diễn viên kỳ cựu Jean Reno, Gary Oldman.

Lấy bối cảnh thành phố New York, bộ phim là câu chuyện về Léon Montana (Jean Reno thủ vai), một gã sát thủ sống dưới vỏ bọc người quét dọn. Hắn sống lạnh lùng, cô độc và buộc phải cưu mang Mathilda sau khi gia đình cô bé bị sát hại. 

Trong phim, Portman hóa thân vào Mathilda, bé gái mồ côi với đôi mắt nâu ấn tượng. Kiểu tóc vuông huyền thoại của cô ngày đó đã trở thành biểu tượng thời trang, đại diện cho phong cách “ngổ ngáo” ở những cô gái trẻ thập niên chín mươi.

Natalie Portman hóa thân vào Mathilda với diễn xuất tròn trịa
Natalie Portman hóa thân vào Mathilda với diễn xuất tròn trịa

“Chào sân” với vai Mathilda, Portman gây ấn tượng khi mang đến diễn xuất tròn trịa, thể hiện được nỗi bất hạnh và tâm lý bất ổn trong nhân vật. Đóng cùng Gary Oldman, Jean Reno nhưng cô không hề lép vế dù mới mười ba tuổi.

Ánh mắt, biểu cảm, cử chỉ của Mathilda toát lên sự quyến rũ đầy mê hoặc qua lối diễn của Natalie Portman. Mathilda là vai diễn đầu tiên, cũng là bước đệm giúp Natalie Portman tỏa sáng, trở thành ngôi sao điện ảnh tại Hollywood.

Léon: The Professional đạt thành công lớn khi thu về hơn 45 triệu đô, nhận được bảy đề cử César và lọt vào bảng xếp hạng năm trăm bộ phim hay nhất mọi thời đại theo tạp chí Empire.

Vai diễn Mathilda đã giúp cô bé Natalie chiến thắng giải Diễn viên mới xuất sắc nhất tại Faro Island Film Festival. Trong lễ trao giải Circuit Community Awards, cô tiếp tục nhận về danh hiệu Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.

Đi cùng lời tán thưởng là những rắc rối từ vai diễn đầu đời, Léon: The Professional gặp phản ứng trái chiều bởi những cảnh nóng quá mức dành cho Portman khi cô còn đang ở tuổi vị thành niên.

Vai diễn đầu đời khiến Natalie Portman gặp phải nhiều ý kiến trái chiều
Vai diễn đầu đời khiến Natalie Portman gặp phải nhiều ý kiến trái chiều

Khi trò chuyện cùng người dẫn chương trình Dax Shepard trong Armchair Expert, Natalie nhớ lại quãng thời gian khó khăn mà bản thân trải qua khi mới ở độ tuổi mười ba:

“Tôi chắc chắn rằng bản thân bị mô tả như một nhân vật Lolita ở thời điểm đó. Việc bị nhục cảm hóa ở độ tuổi còn nhỏ đã lấy đi bản năng tính dục của tôi vì nỗi sợ hãi tăng dần. Nó khiến tôi cảm thấy rằng cách mà mình an toàn là phải giống như thế này, giống như thế kia. Tôi trở nên bảo thủ, nghiêm túc, muốn mọi người tôn trọng mình và không muốn nhìn những ánh mắt săm soi mình.” 

Sau Léon: The Professional, Natalie dường như kín tiếng hơn, cô lựa chọn thử sức với những vai diễn thiên về diễn biến nội tâm và tránh xa những cảnh quay nhạy cảm.

Đó là vũ nữ Alice quyến rũ trong Closer, nàng thiên nga dữ dội điên cuồng ở Black Swan, Jackie với Đệ nhất phu nhân Kennedy sau biến cố tâm lý. Những tác phẩm ấy đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của nữ diễn viên đồng thời phá vỡ “cái bóng” Mathilda trong quá khứ.

Trở thành ngôi sao triển vọng trong bộ phim Heat (1995)

Năm 1995, Natalie Portman trở lại màn ảnh với vai Lauren Gustafson trong Heat, tác phẩm do Michael Mann đạo diễn. Kịch bản phim dựa trên kinh nghiệm của cựu sĩ quan cảnh sát Chuck Adamson, người từng điều tra tên tội phạm McCauley. 

Bộ phim là câu chuyện về nhóm tội phạm do Neil McCauley (Robert De Niro thủ vai) cầm đầu, chúng đã lên kế hoạch lấy trộm số trái phiếu trị giá hàng triệu đô của gã tội phạm Roger Van Zant (William Fichtner thủ vai)

Trong Heat, Natalie đã khắc họa thành công chuyển biến nội tâm của cô bé Lauren Gustafson, người mắc chứng trầm cảm nặng nề. Những biến cố gia đình trở thành bóng đen tâm lý khiến cô dần sống khép mình với xã hội.

Natalie Portman trong vai cô bé Lauren Gustafson nhạy cảm, rụt rè
Natalie Portman trong vai cô bé Lauren Gustafson nhạy cảm

Heat thành công lớn về mặt thương mại khi đạt doanh thu 187 triệu đô trên toàn thế giới, tác phẩm cũng nhận về số điểm cao trên nhiều chuyên trang đánh giá như Rotten Tomatoes.

“Trong Heat, sự chân thực tỉ mỉ được các nhân vật khắc họa vô cùng sắc sảo. Bức tranh của Michael Mann tạo dựng nên bộ phim tâm lý tội phạm hiếm hoi trong lịch sử có quy mô và tham vọng đáng kinh ngạc.” – Rotten Tomatoes

Với nhân vật Lauren, nữ diễn viên nhận về nhiều lời tán dương từ giới phê bình trong việc “chuyển đổi tâm lý một cách tinh tế” và “kỹ năng diễn xuất vượt ngoài mong đợi”. Năm 1997, Natalie Portman được đề cử giải YoungStar Awards cho hạng mục Nữ diễn viên triển vọng. 

Liên tiếp xuất hiện trong nhiều dự án điện ảnh

Thành công rực rỡ trên con đường nghệ thuật với vô số lời tán dương từ giới phê bình, Natalie Portman vẫn không ngừng tìm kiếm cơ hội tạo nên những bước tiến mới trong sự nghiệp diễn xuất.

Natalie Portman liên tiếp xuất hiện trên màn ảnh
Natalie Portman liên tiếp xuất hiện trên màn ảnh trong nhiều dự án nổi tiếng

Năm 1996, Natalie liên tiếp xuất hiện trên màn ảnh trong loạt dự án nổi tiếng Mars Attack!, Beautiful Girl, Everyone Says I Love You. Mỗi tác phẩm nữ diễn viên tham gia đều để lại những ấn tượng khó phai trong lòng khán giả.

Mars Attacks! đánh lần đầu hợp tác cùng vị đạo diễn tài ba Tim Burton 

Đầu năm 1996, Natalie Portman xuất hiện trong bộ phim khoa học viễn tưởng Mars Attacks! do Tim Burton đạo diễn, ông là chủ nhân của loạt tác phẩm đình đám như Beetlejuice, Batman, Alice in Wonderland.

Mở đầu Mars Attacks! là phân cảnh đĩa bay được phát hiện trong sự ngỡ ngàng của người dân toàn thế giới. Họ tò mò xem nhân loại sẽ được bảo vệ ra sao trước sự xâm chiếm của người sao Hỏa, vốn chủ tâm tiêu diệt trái đất.

Trong Mars Attack!, Portman vào vai Taffy Dale, con gái đầu lòng của vị tổng thống James Dale (Jack Nicholson thủ vai). Dù xuất hiện với thời lượng ít ỏi, cô vẫn hoàn thành xuất sắc vai diễn và để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả.

Dù xuất hiện với thời lượng ít ỏi, Natalie Portman vẫn ghi dấu ấn trong lòng khán giả với vai diễn Taffy Dale
 Natalie Portman vẫn ghi dấu ấn trong lòng khán giả với vai diễn Taffy Dale

Bộ phim được đánh giá như một bom tấn ở thời điểm đó khi tổng doanh thu phòng vé cán mốc một trăm triệu đô. Mars Attacks! còn chiến thắng Giải thưởng nhạc phim xuất sắc nhất và góp mặt trong nhiều hạng mục đề cử tại Saturn Awards năm 1997.

Trưởng thành diễn xuất trong Beautiful Girl (1996)

Tháng Ba năm 1996, Natalie Portman tham gia dự án Beautiful Girl, bộ phim hài – chính kịch lãng mạn của Mỹ do Ted Demme làm đạo diễn, Scott Rosenberg ở vị trí biên kịch.

Beautiful Girl hành trình trở về Massachusetts của nghệ sĩ dương cầm Willie Conway (Timothy Hutton thủ vai) để tham dự buổi họp mặt cùng những người bạn thời trung học.

Khi trở về quê hương, Willie được chào đón bởi những người hàng xóm thân thuộc. Trong đó có Marty (Natalie Portman thủ vai), cô bé mười ba tuổi với tính cách hoạt ngôn, lanh lợi và luôn biết quan tâm đến người khác.

Vai diễn Marty đưa Natalie Portman trở thành một gương mặt trẻ tiềm năng
Vai diễn Marty đưa Natalie Portman trở thành một gương mặt trẻ tiềm năng

“Beautiful Girl là câu chuyện về một người đàn ông tìm thấy chính mình. Đó là một cô gái trẻ được nếm trải tình yêu, mặc dù tình yêu đó đến từ người chưa đủ chín chắn. Đó là câu chuyện về một người đàn ông phải trưởng thành và buông bỏ những năm tháng vinh quang đã qua thời trung học. Đó là một câu chuyện về các mối quan hệ, giữa bạn bè, gia đình và các cặp vợ chồng. Tất cả những câu chuyện này được đan xen hài hòa tạo nên một bộ phim cảm động.”-  IMDb

Ngoại hình nổi bật đi cùng lối diễn xuất tự nhiên giúp Marty nhận được nhiều sự yêu mến từ khán giả. Là “em út” trong dàn diễn viên nhưng nhân vật Natalie thể hiện được đánh giá vượt trội hơn cả.

“Màn trình diễn đáng nhớ nhất của bộ phim là phần thể hiện bởi Natalie Portman, người ở tuổi mười lăm đóng vai cô bé Marty mười ba tuổi, một cô gái trưởng thành và khôn ngoan. Mặc dù là diễn viên nhỏ tuổi nhất nhưng cô ấy vượt trội hơn hầu hết những người trưởng thành trong Beautiful Girl.” – IMDb

Năm 1996, Beautiful Girl đoạt giải CEC Award cho Kịch bản xuất sắc nhất. Tại sự kiện Chicago Film Critics Association, Natalie Portman cũng nhận đề cử Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho vai diễn Marty.

Gây tiếng vang với bộ nhạc kịch đình đám Everyone Says I Love You

Cuối năm 1996, Portman tiếp tục tham gia dự án Everyone Says I Love You do Woody Allen đạo diễn. Tác phẩm có sự tham gia của nhiều tên tuổi đình đám như Julia Roberts, Alan Alda, Edward Norton, Drew Barrymore, Tim Roth, Goldie Hawn.

Lấy bối cảnh ở ba thành phố New York, Venice và Paris, bộ phim tái hiện cảm xúc của một gia đình thượng lưu vùng Manhattan trong hành trình chữa lành tâm hồn cho Joe (Woody Allen thủ vai), nhà văn Pháp gặp nhiều trắc trở trong tình yêu.

Hành trình chữa lành vết thương tâm hồn trong Everyone Says I Love You
Hành trình chữa lành vết thương tâm hồn trong Everyone Says I Love You

Trong Everyone Says I Love You, Natalie Portman đóng vai Lauren, con gái của nhà tâm lý học Steffi Dandridge (Goldie Hawn thủ vai) và luật sư Bob Dandridge (Alan Alda thủ vai)

Dù chỉ thể hiện giọng ca qua vỏn vẹn hai lời thoại, nhân vật Laura vẫn gây ấn tượng với khán giả khi bộc lộ thành công những rung động đầu đời ở tuổi mười bốn.

Năm 1997, tại lễ trao giải Chicago Film Critics Association, Natalie được đề cử hạng mục Nữ diễn viên triển vọng. Vai Lauren trong Everyone Says I Love You cũng giúp cô nhận về nhiều lời khen ngợi từ công chúng:

“Lần đầu tiên tôi xem phim này với tư cách là một người hâm mộ của Natalie Portman và Woody Allen. Tôi hoàn toàn bị ấn tượng với dàn diễn viên, họ đã có màn biểu diễn xuất sắc nhất. Những lời ca hoàn toàn mê hoặc mặc dù tôi hơi thất vọng khi Natalie chỉ hát được hai lời thoại. Tuy nhiên Woody Allen đã làm rất tốt việc phân chia phù hợp lời thoại cho hầu hết các diễn viên, không bỏ sót ai cả.” – IMDb

Dưới sự dẫn dắt của đạo diễn kiêm diễn viên chính Woody Allen, Everyone Says I Love You đã gặt hái nhiều giải thưởng lớn nhỏ và trở thành Phim quốc tế xuất sắc nhất tại sự kiện Turia Awards năm 1998.

Natalie Portman cùng khát khao không ngừng tiến bộ trong diễn xuất

Được nhiều đạo diễn săn đón nhưng Natalie Portman nổi tiếng là “kén vai diễn”. Dù không nhận nhiều kịch bản, mỗi tác phẩm cô tham gia đều “thể hiện sự lao động nghiêm túc, có đầu tư của Natalie”, theo nhận xét của tờ Guardian.

Natalie Portman được mệnh danh là "mỹ nhân kén vai diễn"
Natalie Portman được cho là “mỹ nhân kén vai diễn”

Không đóng khung vào những vai diễn nhất định, Natalie Portman luôn nỗ lực thay đổi hình tượng bản thân trong mắt công chúng. Điều đó được minh chứng qua loạt tác phẩm đình đám Star Wars, Anywhere but Here và cả Nhật ký Anne Frank.

Tỏa sáng trên sân khấu Broadway với Nhật ký Anne Frank

Khi mới mười lăm tuổi, Natalie Portman được mời lên sân khấu chuyên nghiệp Broadway tại Mỹ trong suốt mùa kịch 1997 – 1998 để đóng vai cô bé Anne Frank trong vở kịch Nhật ký Anne Frank.

Nhật ký Anne Frank lấy cảm hứng từ hiện thực đẫm máu trong thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng Hà Lan. Bộ phim tái hiện chân thực những ghi chép của Anne về hành trình chạy trốn cùng gia đình.

Nữ diễn viên đã thành công khắc họa cô bé Anne Frank đáng thương, kiên cường trong quá trình trốn chạy trước mũi súng của phát xít Đức. Sự kiện ấy trở thành bằng chứng cho nỗi kinh hoàng của người Do Thái trong Thế chiến thứ hai.

Câu chuyện cảm động của Anne Frank đã nhiều lần được tái hiện qua các tác phẩm điện ảnh và truyền hình nhưng màn trình diễn của Natalie Portman trên sân khấu Broadway năm đó được đánh giá cao hơn cả.

Nhật ký Anne Frank là dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp của Portman, nữ diễn viên trẻ được công chúng khen ngợi trong việc xây dựng nhiều góc nhìn mới về cô bé Anne.

Nữ hoàng Amidala trong bom tấn Star Wars

Năm 1999, Portman trở lại màn ảnh khi vào vai Nữ hoàng Amidala trong loạt phim Chiến tranh giữa các vì sao. Cô đảm nhận vai diễn này suốt ba phần gồm Bóng ma đe dọa (1999), Sự xâm lăng của người vô tính (2002)Sự trả thù của người Sith (2005).

Hơn ba mươi năm từ khi phần phim đầu tiên Episode IV: A New Hope (1977) được công chiếu, loạt phim Star Wars đã trở thành tượng đài lớn của nền điện ảnh và hiện tượng văn hóa có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn cầu.

Công chiếu lần đầu năm 1977, Star Wars trở thành bom tấn nổi tiếng trên toàn thế giới
 Star Wars trở thành bom tấn nổi tiếng trên toàn thế giới sau khi công chiếu năm 1977

George Lucas, Rick McCallum và đạo diễn Robin Gurland đã chọn Natalie Portman, người khi ấy mới mười tám cho nhân vật Padmé Amidala giữa nhiều cái tên sáng giá khác. Theo tư liệu trong quá trình sản xuất, yêu cầu cho nhân vật của cô là vô cùng khắt khe:

“Vai diễn yêu cầu một người phụ nữ trẻ, đủ chững chạc để có thể được tin tưởng là người đứng đầu cả một hành tinh, tuy nhiên cũng cần đến sự nhạy cảm và cởi mở.”  – Nhà sản xuất Rick McCallum chia sẻ

Ngoài ra, màn trình diễn đầy ấn tượng của Portman trong Léon: The ProfessionalBeautiful Girls cũng là lý do khiến đạo diễn Lucas quyết định gửi gắm vai diễn này cho cô gái trẻ:

“Vào thời điểm ấy, tôi tìm kiếm một người trẻ và mạnh mẽ giống như Leia vậy.  Natalie hội tụ đủ tất cả những phẩm chất đó và thậm chí còn nhiều hơn thế.” – George Lucas bày tỏ sự tin tưởng

Được “chọn mặt gửi vàng” cho vai diễn đình đám Amidala khiến Natalie vô cùng bất ngờ, trước đó cô không hề nhận ra độ phủ sóng rộng rãi của Chiến tranh giữa các vì sao:

“Tôi thực sự đã không nhận ra Star Wars được yêu thích đến mức nào. Khi được chứng kiến những bộ phim đó, mặc dù rất thích, tôi vẫn không hiểu vì sao chúng lại có nhiều người hâm mộ cuồng nhiệt đến vậy.” – Trả lời phỏng vấn của CNN

Dù vậy, Portman tỏ ra vô cùng hào hứng với vai diễn nữ hoàng Naboo, nhân vật mà cô hy vọng sẽ trở thành một hình mẫu lý tưởng cho giới trẻ:

“Thật tuyệt vời khi được thể hiện một nữ hoàng trẻ với nhiều quyền lực tới vậy. Tôi nghĩ đó là một điều tốt nếu các bạn trẻ được truyền cảm hứng bởi một người phụ nữ mạnh mẽ, thông minh và có khả năng lãnh đạo.”

Trong tác phẩm, sau khi trị vì hành tinh Naboo, nữ hoàng Amidala đã trở thành nghị sĩ của Thượng viện Cộng hòa. Cô tích cực tham gia phong trào phản đối chiến tranh và đồng sáng lập tổ chức Liên minh Rebel.

Vị nữ hoàng Amidala do Natalie Portman đảm nhận được người hâm mộ đón nhận
Vị nữ hoàng Amidala do Natalie Portman đảm nhận được người hâm mộ đón nhận

Với vai nữ hoàng Amidala, cái tên Natalie Portman đã góp mặt trong danh sách đề cử của nhiều giải thưởng danh giá, tiêu biểu là Saturn Awards cho Nữ diễn viên trẻ xuất sắc nhất.

Gặt hái thành công song nhân vật Amidala lại nhận về ý kiến trái chiều từ giới phê bình. Cây bút Annlee Ellingson cho rằng “vai diễn của Natalie cứng đơ và tẻ nhạt, nó có thể đến từ bộ trang phục quá đỗi cồng kềnh”.

Kịch bản phim cũng bị giới chuyên môn chỉ trích gay gắt, đặc biệt là trong phần Sự xâm lăng của người vô tính. Cây bút Roger Ebert của tờ Chicago Sun – Times nhận định thời lượng tác phẩm đã bị lãng phí vào mối tình giữa Padmé và Anakin. 

Lần đầu đóng cặp cùng nữ diễn viên gạo cội Susan Sarandon 

Cuối năm 1999, Natalie Portman nhận được lời mời tham gia bộ phim Anywhere but Here. Tuy nhiên, cô đã từ chối vai diễn khi phát hiện trong tác phẩm có phân cảnh không phù hợp.

Sau khi kịch bản được đạo diễn Wayne Wang sửa lại, Natalie mới đồng ý tham gia dự án. Anywhere but Here là lần đầu kết hợp của nữ diễn viên với Susan Sarandon, chủ nhân tượng vàng Oscar qua tác phẩm đình đám Dead Man Walking.

Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Mona Simpson, bộ phim kể về Adele August (Susan Sarandon thủ vai), người mẹ đơn thân có tinh thần tự do, phóng khoáng và cô con gái Ann August (Natalie Portman thủ vai) vốn nhạy cảm, rụt rè.

Anywhere but Here đánh dấu sự kết hợp đầu tay của Natalie Portman và nữ diễn viên gạo cội Susan Sarandon
Anywhere but Here đánh dấu sự kết hợp đầu tay của Natalie Portman và nữ diễn viên gạo cội Susan Sarandon

Khi chuyển đến Beverly Hills, Adele hy vọng Ann sẽ trở thành diễn viên Hollywood bất chấp việc cô muốn theo học tại Đại học Brown. Việc bất đồng quan điểm khiến mối quan hệ giữa hai mẹ con dần trở nên xa cách, họ buộc phải ngồi lại với nhau.

Với vai diễn Ann August trong Anywhere but Here, cô đã nhận đề cử Quả cầu Vàng cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Nhà phê bình Mary Elizabeth Williams sau đó nhận xét Natalie là “một cô gái đáng kinh ngạc”:

“So với bất kỳ nữ diễn viên nào cùng tuổi, Portman không sụt sùi, ủy mị nhưng cũng không thách thức, ngổ ngáo. Ann August vừa là một cô gái rất điềm tĩnh nhưng cô đơn và đầy suy tư. Nhân vật của cô ấy là linh hồn của câu chuyện.”

Anywhere but Here trở thành bước tiến lớn trong sự nghiệp Natalie Portman, đánh dấu sự trưởng thành về mặt diễn xuất của cô gái trẻ. Vai diễn Ann August là bước đệm để Natalie khẳng định tên tuổi với loạt tác phẩm đình đám sau này.

Quả cầu Vàng đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất

Năm 2004, Natalie Portman tái xuất trên màn ảnh với Closer cùng sự góp mặt của nhiều tên tuổi đình đám Julia Roberts, Jude Law và Clive Owen. Tác phẩm đã mang về cho Natalie Quả cầu Vàng đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất.

Được chấp bút bởi biên kịch Patrick Marber, Closer là tác phẩm điện ảnh chính kịch lãng mạn của Mỹ, dựa trên nguyên tác cùng tên năm 1997 do Mike Nichols đạo diễn kiêm sản xuất.

Trong Closer, Natalie Portman vào vai Alice, vũ nữ thoát y người Mỹ. Khi cô chuyển đến London thì vô tình gặp Dan (Jude Law thủ vai), một nhà văn trẻ si tình. Hệt sự sắp đặt của số phận, họ trở thành tình nhân và gửi trọn niềm tin vào tình yêu ấy.

Cuộc tình lãng mạn của vũ nữ Alice và nhà văn Dan
Cuộc tình lãng mạn của vũ nữ Alice và nhà văn Dan

Trong phim, mỗi nhân vật là một mảnh ghép hoàn hảo trong vở kịch cuộc đời. Dưới lăng kính của đạo diễn Mike Nichols, Closer đã gieo vào lòng khán giả những suy tư, trăn trở về tình yêu và bản chất con người. 

Sau khi ra mắt, Closer nhận được sự yêu thích từ đông đảo công chúng với số điểm đánh giá 7.1 trên chuyên trang IMDb. Tác phẩm cũng thu về 22 giải thưởng và 50 đề cử ở nhiều hạng mục khác nhau.

“Closer là bộ phim lãng mạn ấn tượng. Ở đâu đó trong mỗi con người vẫn luôn tồn tại sự suy sụp, lòng ích kỷ, nhỏ nhen, sự vô tâm đáng trách. Jude Law, Julia Roberts, Clive Owen và Natalie Portman đã có màn thể hiện xuất sắc. Sau cùng, vẻ đẹp mới là sự trường tồn. Bộ phim gửi gắm bài học tình yêu bản thân mới có thể đưa chúng ta giải thoát và tái sinh.” – IMDb

Vai diễn Alice đã đem về giải Quả Cầu Vàng đầu tiên trong sự nghiệp của Natalie Portman với hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Cô cũng nhận đề cử cho hạng mục này ở lễ trao giải Oscar lần thứ 77 nhưng không đoạt giải.

Natalie Portman và những nỗ lực làm mới bản thân trên màn ảnh

Đầu năm 2006, Natalie Portman tham gia dự án V for Vendetta, bộ phim hành động do đạo diễn James McTeigue chỉ đạo. Tác phẩm đánh dấu sự hợp tác của Natalie cùng nam diễn viên Hugo Weaving, vị lãnh chúa Elrond trong bom tấn Chúa tể của những chiếc nhẫn.

Lấy bối cảnh hậu Thế chiến thứ ba, nước Anh bị thống trị bởi nền độc tài chuyên chế, chính phủ lâm thời thì dùng mọi cách để “bịt miệng” những người bất đồng chính kiến.

Nhân vật chính của phim là V (Hugo Weaving thủ vai), một kẻ chống đối chính phủ “Đức Quốc xã” kiêm chiến binh đấu tranh cho tự do và sự thật, anh luôn giấu mình sau mặt nạ Guy Fawkes. 

Ra mắt công chúng năm 2006, V for Vendetta trở thành bản tuyên ngôn đanh thép về công lý và tự do
V for Vendetta trở thành bản tuyên ngôn đanh thép về công lý và tự do

Trong V for Vendetta, Natalie Portman đóng vai Evey Hammond, một nhân viên của đài truyền hình Anh. Cô bị cảnh sát mật truy đuổi vì chống đối lại chính phủ nhưng may mắn được V cứu thoát.

Cuộc gặp gỡ ấy đã hoàn toàn thay đổi số phận Evey, cô quyết định giúp V trong cuộc chiến chống lại chính phủ độc tài. Nữ diễn viên đã từng bước khắc họa Evey Hammond, một cô gái ngây thơ dần trở nên mạnh mẽ, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng.

Để hóa thân trọn vẹn cho Evey Hammond, Natalie đã miệt mài luyện tập giọng Anh –  Anh cùng huấn luyện viên trong nhiều tháng. Không những vậy, cô còn chấp nhận từ bỏ mái tóc dài đặc trưng để thể hiện nét gai góc của nhân vật.

Natalie Portman hy sinh mái tóc dài đặc trưng để có hóa thân trọn vẹn cho Evey Hammond)
Natalie Portman hy sinh mái tóc dài đặc trưng để có hóa thân trọn vẹn cho Evey Hammond

Sau khi công chiếu, V for Vendetta đã thành công thu về hơn 130 triệu đô doanh thu phòng vé. Bộ phim nhận được đông đảo sự quan tâm của khán giả với số điểm cao trên nhiều chuyên trang đánh giá.

“Cuộc phiêu lưu bùng nổ, hình ảnh hấp dẫn, màn trình diễn mạnh mẽ của Natalie Portman và kết thúc ấn tượng đã tạo nên một tác phẩm vô cùng thú vị.” – Rotten Tomatoes

Không dừng lại ở đó, V for Vendetta còn nhận về bảy giải thưởng và 29 đề cử khác nhau, tiêu biểu là việc chiến thắng hạng mục Bộ phim khoa học viễn tưởng xuất sắc nhất tại lễ trao giải Scream năm 2006.

Cùng sự thành công của V for Vendetta, vai diễn của Natalie cũng nhận về nhiều lời tán dương từ giới phê bình với diễn xuất tròn trịa, sự hi sinh lớn lao cho nghệ thuật:

“Portman là một lựa chọn tuyệt vời để tái hiện một Evey dễ bị tổn thương, người sở hữu một sức mạnh nội tâm mà cô chưa từng biết tồn tại trước khi cô gặp V.”- FlickDirect

Nhân vật Evey Hammond cũng giúp Natalie Portman nhận “cơn mưa giải thưởng” năm ấy. Cô xuất sắc đoạt giải Saturn Awards cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất và Nữ diễn viên của năm tại lễ trao giải Golden Schmoes.

Vị Hoàng hậu Anne Boleyn trong The Other Boleyn Girl (2008)

Năm 2008, Natalie tham gia dự án The Other Boleyn Girl. Tác phẩm lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Philippa Gregory, xuất bản lần đầu năm 2001.

The Other Boleyn Girl đánh dấu sự kết hợp của Natalie Portman cùng hai tên tuổi đình đám là nam diễn viên Eric Bana, hoàng tử Hector của Cuộc chiến thành Troy và Scarlett Johansson, quý cô xinh đẹp Charlotte trong Lạc lối ở Tokyo.

Trong phim, Natalie đóng vai Anne Boleyn, hoàng hậu nổi tiếng nhất nước Anh qua các thời đại. Không sở hữu vẻ đẹp chuẩn mực của đệ nhất phu nhân nhưng Anne vẫn đủ sức hút khiến Henry VIII (Eric Bana thủ vai) si mê, theo đuổi bảy năm trời.

Cuộc tình tay ba đầy toan tính trong The Other Boleyn Girl
Cuộc tình tay ba đầy toan tính trong The Other Boleyn Girl

Bộ phim khắc họa mối tình tay ba của Mary (Scarlett Johansson thủ vai) và Anne với vị vua nước Anh Henry VIII. Hai cô gái đều là những con rối trong cuộc chiến giành quyền lực của gia đình, giữa họ vốn có tình cảm chị em nhưng cũng đầy sự đố kị.

The Other Boleyn Girl không được đánh giá cao về chuyên môn, thậm chí vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ khán giả. Trên nền tảng IMDb, số điểm đánh giá của The Other Boleyn Girl chỉ ở mức khiêm tốn.

“The Other Boleyn Girl sử dụng quyền tự do hư cấu vượt quá giới hạn với những sự thật về Anne Boleyn, em gái Mary và Henry VIII và việc anh ta rời khỏi Giáo hội Công giáo.” – Newsweek 

Màn hóa thân của Natalie Portman bị cho là “chưa có đủ tầm vóc tâm lý cũng như thể chất cần thiết để vào vai Anne”. Tuy vậy, hoàng hậu Anne Boleyn vẫn ghi dấu trong lòng công chúng với nhan sắc mê hoặc cùng những bộ trang phục lộng lẫy.

Hiện thân của nữ quyền với vị thẩm phán Ruth Bader Ginsburg

Trong tác phẩm On The Basis of Sex phát hành năm 2018, Natalie Portman vào vai Ruth Bader Ginsburg, vị thẩm phán tối cao của Mỹ và là biểu tượng nữ quyền quan trọng suốt nhiều thập kỷ.

On the Basis of Sex được lấy cảm hứng từ câu chuyện có thực vào năm 2002, miêu tả chặng đường khó khăn mà Ginsburg đã cố gắng vượt qua để sửa đổi điều luật IX nhằm mang đến nhiều lợi ích cho phụ nữ Mỹ. 

Bộ phim tập trung tái hiện cuộc đời của bà Ginsburg kể từ khi còn là nữ sinh viên trường Đại học Harvard cho đến khi trở thành thẩm phán tối cao của Mỹ vào năm 1993 với nhiều cản trở liên quan đến phong trào nhân quyền.

Vị thẩm phán Ginsburg và Natalie Portman có nhiều điểm chung
Vị thẩm phán Ginsburg và Natalie Portman có nhiều điểm chung

Natalie Portman và bà Ginsburg có khá nhiều điểm chung, họ đều là người Do Thái, thông minh và cùng khao khát đấu tranh vì nữ quyền. Nhà báo Irin Carmon, đồng tác giả cuốn sách The Life and Times of Ruth Bader Ginsburg nhận định:

“Cuộc đời vị thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, đề tài giàu có cho điện ảnh. RBG đã thay đổi lịch sử và cũng đổi đời nhờ lịch sử. Bộ phim đáng xem và Natalie Portman chính là lựa chọn hoàn hảo cho vai diễn này. Cô ấy sẽ mang lại vẻ thông minh và kiên quyết có thừa của nhân vật.”

On the Basis of Sex nhận về bốn giải thưởng và mười hai đề cử tại nhiều lễ trao giải năm 2019, tiêu biểu là Phim chính kịch xuất sắc nhất tại Humanitas Prize và đề cử HMMA cho Nhạc phim xuất sắc nhất.

Thiên Nga Đen: dấu son đáng nhớ trong sự nghiệp của Natalie Portman

Lấy cảm hứng từ vở nhạc kịch kinh điển Hồ Thiên Nga, đạo diễn Darren Aronofsky đã đem tới một góc nhìn mới về sự hoàn hảo và tấn bi kịch nghệ thuật qua cách kể chuyện đầy tinh tế trong Thiên Nga Đen (2010).

Natalie từng học múa từ khi lên bốn và thường xuyên biểu diễn cho các đoàn ca múa tại địa phương. Việc này đã giúp cô nhận được vai nữ chính Nina, vốn sở hữu rất nhiều phân cảnh đòi hỏi kỹ năng múa ba lê chuyên nghiệp.

Để phục vụ tốt cho vai diễn, sáu tháng trời trước khi bấm máy, Natalie đã miệt mài tập luyện và kiên trì giảm cân để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của đạo diễn Aronofsky.

“Chuẩn bị vào vai diễn, tôi luyện tập nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày trong liên tục mười tháng, ăn theo chế độ của một diễn viên múa chuyên nghiệp. Vai diễn không chỉ vắt đẫm những giọt mồ hôi trên sàn tập và còn đưa chính tôi vào một trò chơi tâm lý của nhân vật Nina.” – Nữ diễn viên chia sẻ về quãng thời gian luyện tập khắt khe

Thiên Nga Đen xoay quanh hành trình đi tìm tự do từ bóng tối ẩn sâu trong tâm hồn nhân vật Nina Sayers, nữ vũ công triển vọng của New York. Nguyện vọng lớn nhất trong đời cô là được hóa thân thành Swan Queen trong vở nhạc kịch Hồ Thiên Nga.

Cơ hội đến với Nina khi giám đốc nhà hát quyết định tìm một gương mặt mới cho vở ba lê này. Tuy nhiên, vũ công trẻ Lily (do Mila Kunis thủ vai) đến từ San Francisco bất ngờ xuất hiện và trở thành đối thủ cạnh tranh “đáng gờm” cho vai diễn.

Sự ganh đua khiến Nina trở nên đen tối hơn và có những biểu hiện tâm lý bất thường)
Sự ganh đua khiến Nina trở nên đen tối hơn và có những biểu hiện tâm lý bất thường

Nina thì phù hợp với Thiên nga trắng còn Lily phù hợp với vai Thiên nga đen, tuy nhiên diễn viên múa chính đòi hỏi khả năng thực hiện trọn vẹn hai khía cạnh ấy. Sự ganh đua khiến Nina trở nên đen tối hơn và có những biểu hiện tâm lý bất thường.

Nỗi sợ hãi khi xâm chiếm tâm hồn Nina đã tạo nên các mối xung đột dữ dội trong tiềm thức cô gái trẻ. Cô bắt đầu hoang mang và không còn nhận ra đối thủ thực sự của mình, những bí mật từ đây cũng dần được hé lộ.

Thiên Nga Đen đã thu về hơn ba trăm triệu đô doanh thu phòng vé mặc cho kinh phí chỉ vỏn vẹn mười ba triệu. Tác phẩm còn nhận “cơn mưa giải thưởng” với năm đề cử Oscar, bốn đề cử Quả cầu Vàng.

Màn thể hiện của Natalie Portman trong Thiên Nga Đen đã đem về cho cô tượng vàng Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất
Màn thể hiện của Natalie Portman trong Thiên Nga Đen đã đem về cho cô tượng vàng Oscar 

Sự hy sinh của Natalie Portman cho vai diễn Nina vô cùng xứng đáng, khi bất cứ ai xem phim đều trầm trồ khen ngợi. Đạo diễn Aronofsky không giấu nổi niềm hạnh phúc khi chứng kiến “quả ngọt” sau hành trình dài nỗ lực của nữ diễn viên:

“Portman đã cống hiến cả về thể xác và tinh thần cho vai diễn. Cô ấy vô cùng chuyên nghiệp. Tôi chưa hề gặp một diễn viên nào trẻ mà lại có khả năng đến vậy” – Aronofsky bày tỏ sự ngưỡng mộ

Với vai nữ chính trong Thiên Nga Đen, Natalie Portman đã được lưu danh tại lễ trao giải Oscar lần thứ 83 ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Không chỉ vậy, cô còn giành giải Quả Cầu Vàng, giải SAG, BAFTA cho vai diễn Nina Sayers.

Tái xuất trên đường đua Oscar trong Jackie (2016)

Năm 2016, Natalie Portman có cơ hội tái lập chiến thắng Oscar cách đây sáu năm khi đóng vai Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy trong Jackie, tác phẩm lấy bối cảnh cuối năm 1963 khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát ở Dallas, Texas.

Sau biến cố, bà Kennedy đã nén nỗi đau để đương đầu với hàng loạt thử thách, từ quyết định lễ quốc tang của chồng tới chăm lo con nhỏ, gói ghém đồ đạc ở Nhà Trắng để trao trả cho chủ nhân mới là vợ chồng Tổng thống Lyndon B. Johnson.

Xoay quanh một nhân vật có nội tâm và đời tư phức tạp, thành bại của Jackie hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng Natalie Portman. Không phụ lòng đội ngũ sản xuất, cô một lần nữa chứng tỏ khả năng diễn xuất chuyên nghiệp với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Nữ diễn viên từng bước đưa khán giả đi sâu vào những góc khuất tâm lí của phu nhân Jackie Kennedy
Natalie Portman từng bước đưa khán giả đi sâu vào những góc khuất tâm lí của phu nhân Jackie Kennedy

Dưới sự dẫn dắt của đạo diễn Pablo Larraín, Jackie đã có mặt trong hàng loạt lễ trao giải lớn nhỏ với tổng số 45 giải thưởng và 171 đề cử. Tác phẩm đã gây tiếng vang không chỉ ở xứ sở cờ hoa mà còn nổi tiếng trên toàn thế giới.

“Jackie của Pablo Larraín là một tác phẩm điện ảnh độc nhất vô nhị về nhân vật được hàng triệu người yêu mến. Sở hữu phần trình diễn xuất sắc của Natalie Portman và nhiều gương mặt khác, phim chắc chắn sẽ là trải nghiệm đáng nhớ dành cho khán giả trong cuối năm nay.” –  Fox Searchlight

Jackie một lần nữa đưa tên tuổi của Natalie Portman có mặt trong lễ trao giải Oscar với đề cử ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Bên cạnh đó, cô còn gặt hái vô số giải thưởng lớn nhỏ cho vai diễn Jackie Kennedy. 

Lần đầu thử sức làm đạo diễn của nữ minh tinh Natalie Portman

Bên cạnh diễn xuất, Natalie Portman còn ấp ủ ước mơ trở thành đạo diễn điện ảnh, chính hướng đi này đã giúp cô phát huy hết các khía cạnh của tài năng. Khi được hỏi về quyết định đảm nhận trong vai trò mới, nữ diễn viên chia sẻ: 

“Thay đổi và cố gắng làm những điều mới mẻ, kích thích bản thân, đối diện sự sợ hãi và làm những điều mình e ngại là một cách để tôi tận hưởng cuộc sống.”

Năm 2015, nữ minh tinh Hollywood lần đầu thử sức làm đạo diễn với bộ phim đầu tay A Tale of Love and Darkness, chuyển thể từ cuốn hồi ký ăn khách cùng tên của nhà văn Amos Oz.

Cuốn tiểu thuyết là câu chuyện cảm động về thời thơ ấu của Oz tại Jerusalem. Với A Tale of Love and Darkness, nàng “thiên nga đen” không chỉ lần đầu đảm nhận vai trò đạo diễn mà còn tự mình thủ vai chính trong phim.

Natalie lần đầu thử sức làm đạo diễn với bộ phim đầu tay A Tale of Love and Darkness
Natalie lần đầu thử sức làm đạo diễn với bộ phim đầu tay A Tale of Love and Darkness

Nhân vật Fania của Natalie Portman là một cô gái gốc Ba Lan lãng mạn, xinh đẹp. Trước khi kết hôn, cuộc sống của cô được bao quanh bởi bốn bức tường với những thú vui tao nhã, quý tộc. 

Thế nhưng, thực tế nghiệt ngã với cuộc hôn nhân không tình yêu đã biến cô gái mộng mơ thành người phụ nữ cùng quẫn giữa xã hội nghèo nàn, đầy bạo lực trong giai đoạn hình thành nhà nước Israel năm 1948.

Khác với những bộ phim thường đề cập tới sự xung đột giữa hai nền văn hóa Israel – Palestine, A tale of love and darkness chỉ sử dụng nó như phông nền để làm nổi bật tình yêu và tình cảm gia đình, sự đấu tranh nội tâm trong bối cảnh xã hội biến động.

Sau khi được giới thiệu tại Liên hoan phim Cannes, Natalie nhận về nhiều ý kiến trái chiều từ giới phê bình quốc tế. Tạp chí Variety nhận định bộ phim “buồn ảm đạm” và phải nhờ cậy danh tiếng của nữ diễn viên mới có thể thành công.

Đời tư kín kẽ của nàng “Thiên nga đen”

Giữa Hollywood hào nhoáng và đầy rẫy thị phi, nàng “thiên nga đen” Natalie được ví như đóa bạch trà tinh khôi, tự đi lên bằng chính năng lực của mình với đời tư kín kẽ, danh tiếng trong sạch.

Dù được nhiều quý ông giàu có săn đón nhưng Natalie chọn trao cuộc đời cho vũ công người Pháp. Họ phải lòng nhau trên phim trường Thiên Nga Đen và đã tổ chức đám cưới theo truyền thống người Do Thái tại California, Mỹ.

Cuộc sống gia đình viên mãn của nữ diễn viên và Benjamin Millepied
Cuộc sống gia đình viên mãn của Natalie Portman và Benjamin Millepied

“Benjamin là người chồng tuyệt vời, tôi chỉ có thể nói như thế. Phần còn lại xin giữ cho tổ ấm riêng.” – Natalie Portman tâm sự về gia đình nhỏ

Sau mười năm kết hôn, họ vẫn là cặp vợ chồng nổi tiếng, viên mãn đáng ngưỡng mộ nhất nhì Hollywood. Đến nay, cặp đôi đã có với nhau hai người con, cậu bé Aleph và con gái út Amalia.

Dương Minh