Final Destination (Lưỡi hái tử thần) là loạt phim kinh dị bao gồm năm phần, được ra mắt lần đầu tiên trên thế giới vào cuối năm 2000.
Bộ phim đã đem đến một thương hiệu ấn tượng và không thể nhầm lẫn đối với những khán giả yêu thích những cảnh quay chết chóc xuyên suốt từng phần phim.
Trailer đầu tiên của Final Destination được ra mắt vào năm 2000
Kéo dài hơn một thập kỉ từ năm 2000 đến năm 2011, Final Destination trải qua nhiều đời đạo diễn như James Wong, David R. Ellis hay Steven Quale.
Tuy nhiên, linh hồn của bộ phim thì vẫn không thay đổi bởi dù nhân vật chính có linh cảm hay điềm báo gì thì thần chết vẫn luôn ở đó và vạch ra kế hoạch cho từng người.
Mô típ quen thuộc nhưng vô cùng hấp dẫn của Final Destination
Phần đầu của loạt phim kể về câu chuyện một lớp trung học đang trên đường đến Paris cùng nhau. Bỗng nhiên một vụ nổ thảm khốc xảy ra với những chi tiết vô cùng chân thật khiến khán giả phải rùng mình thế nhưng tất cả chỉ là giấc mơ của Alex Browning (do Devon Sawa thủ vai).
Alex hoảng hốt khuyên mọi người rời khỏi máy bay để tránh tai nạn mình linh cảm nhưng không một ai tin và thậm chí còn cho rằng anh bị điên. Cuối cùng, anh cùng năm học sinh khác và một giáo viên bị đuổi khỏi máy bay do ẩu đả.
Sau đó, chiếc máy bay vẫn cất cánh và tất cả đều nhìn Alex một cách sững sờ khi thấy chiếc máy bay đã thật sự phát nổ.
Tưởng chừng như bảy người bọn họ đã thoát khỏi sự sắp đặt vào cái chết của số phận nhưng mọi chuyện không chỉ có thế. Dựa theo vị trí của ghế ngồi, lần lượt từng cái tên phải ra đi theo những cách vô cùng hợp lí theo ý muốn của thần chết.
Phần hai của Final Destination trở lại một năm sau vụ tai nạn máy bay., lần này linh cảm thuộc về Kimberly Corman (do A.J.Cook đảm nhận). Trong một chuyến dã ngoại với bạn bè, cô đã mơ thấy rằng sẽ có một vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra.
Chính sự cố này sẽ cướp đi sinh mạng của tất cả mọi người, cô đã cố gắng thông báo cho cảnh sát để ngăn chặn vụ việc nhưng nỗ lục không thành. Kết quả là bốn người trong số họ đã tử nạn nhưng Kimberly và bảy người khác đã may mắn thoát nạn.
Tuy nhiên, chưa kịp hoàn hồn với những gì vừa xảy ra, từng người trong số họ lần lượt phải nằm dưới lưỡi hái của tử thần. Và cũng từ đây, họ biết rằng cách duy nhất để không bị giết chết đó là phải đánh lừa được tử thần.
Đến với Final Destination 3, cách xây dựng cốt truyện ở phần một được lặp lại khi lấy bối cảnh sáu năm sau vụ nổ máy bay. Nhân vật chính là Wendy (do Mary Elizabeth Winstead diễn xuất), một nữ sinh trung học.
Một buổi tối, cô cùng những người bạn của mình đến công viên vui chơi để tổ chức tiếc tốt nghiệp. Khi đang chơi tàu lượn, cô bỗng dưng thiếp đi và mơ thấy cảnh tượng kinh hoàng là chiếc tàu lượn bị trật bánh và rơi ra khỏi đường ray, những người ngồi trên con tàu đó đều chết.
Khi tỉnh dậy, Wendy đem giấc mơ kể lại và khuyên mọi người rời khỏi con tàu nhưng không ai tin cô. Một vụ ẩu đả đã xảy ra giữa các học sinh, một số rời tàu để tránh liên lụy, sau đó may mắn thoát nạn và họ vô tình đã làm hỏng một phần kế hoạch của Thần chết.
Tuy nhiên, may mắn không ở lại lâu với họ, từng người trong số họ lần lượt phải dùng cả tính mạng để trả giá cho hành động này.
Wendy và bạn cô là Kevin, hiểu rằng những người đã không lên chiếc máy bay 180 mà họ đã từng biết qua bản tin đều lần lượt chết và có lẽ rằng điều này cũng sẽ lặp lại đối với chiếc tàu lượn này.
Với định dạng 3D cùng những bước tiến của công nghệ, phần 4 của Final Destination đã mang đến những đột phá nhất định.
Tại đây, khán giả sẽ gặp nhân vật Nick O’bannon (do Bobby Campo thủ vai), khi anh đang ở trên khán đài McKinley Speedway và mọi người cuồng nhiệt theo dõi cuộc đua xe tốc độ cao thì Nick cảm nhận được những điều bất thường xung quanh mình.
Từ những dòng chữ trên áo một người đàn ông, cho đến mảnh giấy rơi trước mặt đều khiến anh bất an và khi nhìn lên trên cao, Nick lại thấy một vết nứt trên cây cột trụ. Dù có bấy nhiêu linh cảm không lành cũng như rất muốn rời khỏi khán đài nhưng không hiểu sao anh đã không làm thế.
Để rồi cuối cùng, anh và những người bạn của mình đã phải trả giá. Một chiếc xe thay xăng bất cẩn đã gây ra một vụ thảm họa, mảnh vỡ của những chiếc xe bắn lên khán đài gây sạt lở gạch đá và giết chết toàn bộ khán giả.
Nhưng rồi người xem lại được một phen thở phào khi đó chỉ là tưởng tượng của Nick. Trở về với thực tại, anh băn khoăn liệu đó là ảo giác hay chính là điềm báo tai ương.
Sau cùng anh vẫn quyết định thông báo với bạn bè và rời khỏi khán đài vì những gì đang diễn ra càng làm anh chắc chắn rằng thảm kịch rồi sẽ xảy đến.
Đúng như linh cảm của anh, tai nạn thảm khốc đã diễn ra ở chính nơi họ vừa ngồi. Tưởng chừng như đã thoát nạn nhưng đây lại là sự khởi đầu cho những thảm kịch đẫm máu ở phía trước.
Nick dùng hết khả năng để cứu các bạn của mình nhưng không phải tất cả đều tin vào anh. Do đó Nick cùng cô bạn gái Lori đã phải chạy đua với thời gian, chạy trốn thần chết để tìm cho ra sự sắp đặt của hắn cùng mấu chốt để cứu lấy sợ sống mọi người.
Nhưng liệu họ có thoát khỏi vòng tay của định mệnh hay không thì chỉ đến khi thực sự trải nghiệm những giây phút nghẹt ngở và bất ngờ của bộ phim, khán giả mới có câu trả lời.
Final Destination 5 khác với diễn biến của các tập phim trước, bộ phim quay ngược trở về thời điểm trước khi vụ máy bay 180 gặp nạn.
Nhân vật Sam Lawton (do Nicholas D’Agosto đảm nhận) cùng với vài người đồng nghiệp đi đến công ty trên một chiếc xe bus như thường lệ. Tình cờ, Sam mơ thấy chiếc cầu mà xe bus chuẩn bị đi qua sẽ bị đổ sập và tất cả những người trên chiếc cầu đó đều phải chết.
Khi tỉnh dậy, anh đã kêu gọi đồng nghiệp ra khỏi chuyến xe, đánh lừa thần chết để giữ lấy mạng sống nhưng họ cũng không thể ngờ rằng, rồi từng người sẽ đều lần không thể thoát khỏi sự săn đuổi của thần chết.
Có thể thấy, loạt phim đã rất biết dùng mô típ những giấc mơ báo trước số phận hay những dấu hiệu để lần mò ra lối thoát của nhân vật chính.
Final Destination luôn nỗ lực tìm ra những hoàn cảnh khác nhau để vừa mang tính thống nhất cho thương hiệu của loạt phim nhưng cũng không gây nhàm chán cho khán giả.
Đặc biệt phần năm của loạt phim đã mang đến một hướng đi thuyết phục và khó đoán hơn những phần trước đó bởi thay vì việc xoay quanh quá trình loay hoay đi tìm lối thoát cho cái chết không thể tránh khỏi của các nhân vật thì người sống sót có thể giết một người khác để thế mạng cho mình.
Lấy cảm hứng từ chuyến bay có thật TWA Flight 800, bộ phim không chỉ đơn giản là một tác phẩm điện ảnh mà còn là một kí ức lịch sử để tưởng nhớ vụ tai nạn vô cùng thương tâm này.
Sự trưởng thành của thương hiệu phim qua thời gian
Với những tác phẩm điện ảnh nhiều phần như Final Destination thì có lẽ việc duy trì thương hiệu nhưng vẫn mang đến những điểm mới nhất định là điều khó nhất với đoàn làm phim.
Tuy vậy, Final Destination đã làm rất tốt công việc này khi mỗi phần phim được ra mắt là sự quen thuộc đến từ mô típ nhưng được kể dưới những lăng kính, bối cảnh cũng như nhân vật hoàn toàn mới lạ.
Chính sự ủng hộ từ người xem đã là nguồn động lực cho đoàn làm phim ra mắt những phần tiếp theo. Có thể thấy, sự trưởng thành của Final Destination chính là nhờ sự gắn bó của khán giả đối với phim.
Đặc biệt, đến phần năm của bộ phim, việc sử dụng công nghệ 3D đã được ứng dụng linh hoạt trong dựng cảnh.
Ngay từ mở đầu, hiệu ứng 3D kính vỡ bay ra khỏi màn hình về phía khán giả làm không ít người xem giật mình, tiếp đó là những cảnh máu me tàn bạo, nhằm thẳng về phía ghế ngồi khiến khán giả vô cùng thích thú.
Final Destination và sự đón nhận từ phía khán giả
Với những gì đã làm được, Final Destination không chỉ nhận được nhiều đánh giả từ giới chuyên môn mà còn rất chuộng người xem trên toàn thế giới.
Với diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên chính từ phần một đến hết phần năm, người xem hoàn toàn cảm nhận được nỗi sợ trên từng biểu cảm cũng như ý chí quyết tâm muốn đánh bại thần chết để tự định đoạt cuộc sống của mình từ phía dàn diễn viên chính.
Bên cạnh đó, kĩ xảo hình ảnh và âm thanh trong phim đều làm rất tốt vai trò của mình, khi không chỉ mang đến những giây phút giật gân mà cả những trải nghiệm vô cùng chân thực.
Không chỉ có vậy, kịch bản của Final Destination luôn khiến khán giả phải tự đặt câu hỏi lần này sẽ là giấc mơ của ai và liệu các nhân vật có thể thoát khỏi lưỡi hái tử thần hay buộc phải đầu hàng trước số phận.
Ngoài ra, loạt phim vô cùng thu hút người xem bởi nỗi sợ được mang đến không phải xuất thân từ ma quỷ hay một sinh vật kì lạ nào, cũng không phải một kẻ sát nhân mà chỉ đơn giản là sự sắp đặt của số mệnh.
Với tổng doanh thu từ 5 phần phim hơn 150 triệu đô thì đây không phải là một con số đáng tự hào thế nhưng có thể thấy được lượng vé mỗi năm đều tăng. Điều này chứng minh tính hấp dẫn của loạt phim kinh dị Final Destination trong suốt hơn một thập kỉ.
Có thể nói, Final Destination là một bộ phim kinh dị không thể bỏ qua với những ai yêu thích những pha giật gân chân thật không qua quá nhiều các kĩ xảo điện ảnh.
Bởi bộ phim không chỉ đem đến những trải nghiệm về một tác phẩm điện ảnh mà còn là bài học về khát vọng muốn thay đổi số phận và đánh gục thần chết trong mỗi con người.
Thu Thảo
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất