Lâu đài bay của pháp sư Howl (Howl’s Moving Castle), tác phẩm điện ảnh xuất sắc của Ghibli đã dẫn dắt khán giả đến thế giới ma thuật đầy tàn khốc. Thế nhưng, tình yêu cùng những giá trị sống nhân văn vẫn luôn rạng ngời trên màn ảnh.
Trailer chính thức của phim Lâu đài bay của pháp sư Howl
Mỗi người khi thưởng thức tác phẩm đều có thể hiểu thông điệp của phim theo nhiều cách khác nhau. Đó là nghệ thuật xây dựng câu chuyện đa tầng ý nghĩa, điều khiến Lâu đài bay của pháp sư Howl giành được vị trí đặc biệt trong lòng hâm mộ.
Đôi nét về bộ phim Lâu đài bay của pháp sư Howl
Là bộ phim điện ảnh hoạt hình Nhật Bản của Studio Ghibli, Lâu đài bay của pháp sư Howl dựa trên tiểu thuyết cùng tên do nữ nhà văn người Anh Diana Wynne Jones chấp bút.
Dưới bàn tay của vị đạo diễn xuất chúng Miyazaki Hayao, tác phẩm Lâu đài bay của pháp sư Howl đã trở thành một trong những phim điện ảnh Nhật Bản có doanh thu cao nhất bấy giờ.
Ở thời điểm ra mắt, Lâu đài bay của pháp sư Howl đã nhận về vô số lời khen ngợi từ giới phê bình, không chỉ bởi những khung hình đẹp mê hoặc mà còn vì cách đạo diễn Miyazaki gửi gắm bức thông điệp đầy ý nghĩa.
Vì vậy, khán giả không khó để hiểu vì sao tác phẩm này lại được đề cử giải Oscar lần thứ 78 cho hạng mục Phim hoạt hình hay nhất cùng nhiều giải thưởng khác bên cạnh mức doanh thu cao ngất ngưởng cho một bộ phim điện ảnh.
Giữ nguyên màu sắc kỳ ảo từ trên trang sách đến màn ảnh rộng, Lâu đài bay của pháp sư Howl đưa khán giả đến một vương quốc hư cấu, nơi vừa có ma thuật từ phù thủy lẫn công nghệ tiên tiến của loài người ở thế kỉ XX.
Lấy bối cảnh ở châu Âu với những tòa nhà cổ kính, bến thuyền nhộn nhịp cùng cánh đồng hoa yên bình, câu chuyện xoay quanh cuộc sống của Sophie, cô gái làm mũ trẻ và hành trình tìm lại bản thân, hóa giải lời nguyền bằng tình yêu với pháp sư Howl.
Lâu đài bay của pháp sư Howl mở ra thế giới phép thuật và công nghệ
Với mạch phim nhẹ nhàng nhưng lôi cuốn và thâm thúy, Lâu đài bay của pháp sư Howl giúp người xem từ từ nhận ra những tầng ý nghĩa độc đáo qua mỗi lần thưởng thức bộ phim này.
Không chỉ đơn thuần xoay quanh hành trình khám phá bản thân cùng tình yêu của hai nhân vật chính Howl và Sophie, Lâu đài bay của pháp sư Howl còn mở ra nhiều khía cạnh với những lời nguyền khác nhau từ các nhân vật phụ.
Cuộc sống đơn điệu của Sophie đã thay đổi kể từ ngày gặp pháp sư Howl
Ngay từ thước phim mở đầu, Lâu đài bay của pháp sư Howl đã gây ấn tượng với người xem bởi tòa lâu đài bằng đống sắt vụn trên đồng cỏ bát ngát. Chuyển cảnh, khán giả được đặt chân đến khu phố cổ kính, đặc trưng kiến trúc châu Âu.
Bước vào căn phòng của Sophie, nữ thợ may làm việc tại cửa hàng mũ của gia đình, cô đang tất bật với công việc. Dẫu chỉ là một cô gái mười tám tuổi nhưng thiếu nữ ấy lại rất tận tụy cùng trách nhiệm mà gia đình giao phó.
Trên đường đến quán cà phê Caseri để thăm cô em gái Lettie, Sophie vô tình bắt gặp một phù thủy bí ẩn tên Howl, anh đã giải vây nàng khỏi sự trêu chọc của hai tên lính canh. Từ giây phút ấy, Sophie bắt đầu có ấn tượng đặc biệt dành cho chàng pháp sư.
“- Anh tìm em mãi… Em định đi đâu? Cho phép anh hộ tống em đến đó nhé.”
Tối hôm ấy, mụ Phù thủy Vùng hoang địa độc ác đã tìm đến cửa hàng mũ của Sophie và biến cô thành một bà cụ chín mươi tuổi. Lời nguyền ấy khiến Sophie không thể nói với bất kỳ ai về thân phận thật sự, vì vậy cô quyết định rời nhà và đi tìm sự giúp đỡ.
Hành trình tìm đến lâu đài bay của bà cụ Sophie
Quyết định ra đi để tìm cách hóa giải lời nguyền, Sophie chỉ biết chậm rãi leo lên những ngọn đồi bằng cơ thể một cụ bà chín mươi tuổi, tất cả nhằm tìm kiếm tòa lâu đài bay của pháp sư Howl.
Trên con đường đầy chông gai ấy, Sophie bắt gặp được một con bù nhìn kỳ lạ và đặt tên cho nó là Đầu Củ Cải, nhờ nó tìm kiếm một nơi trú ẩn. Không lâu sau, sinh vật này đã dẫn lâu đài bay đến như lời của cô.
Bước vào ngôi nhà đầy ma quái này, Sophie bị bất ngờ trước con quỷ lửa Calcifer, kẻ đã giúp Howl điều khiển lâu đài khổng lồ. Nhận ra cô cũng mắc phải lời nguyền rắc rối, Calcifer đề nghị sẽ giúp với điều kiện giải được thứ trói buộc nó ở đây.
Đứng trước mặt Howl, Sophie tự nhận mình là người dọn dẹp mới cho lâu đài, “Bà tự vào nhà đấy. Còn chỗ nào bẩn như cái nhà này nữa”. Ở đây, cô cũng gặp được Markl, đệ tử nhỏ tuổi của Howl, tuy là người lạ nhưng cậu bé rất niềm nở với Sophie.
Cuộc chiến tranh vô nghĩa giữa hai vương quốc
Cùng lúc đó, tại quê hương Ingary của Sophie, cuộc chiến chống lại vương quốc láng giềng đã nổ ra vì một hoàng tử bị mất tích. Không muốn rơi vào chiến tranh, Howl quyết định nhờ Sophie đóng giả làm mẹ mình để từ chối lời đề nghị của Đức Vua.
Bước đến cung điện ở thủ đô Kingsbury, cô được diện kiến Suliman, pháp sư hoàng gia, bà đã dùng phép thuật để trừng phạt Phù thủy Vùng hoang địa, biến mụ về tuổi thật của mình.
Đồng thời, bà cảnh cáo Sophie rằng nếu Howl không chiến đấu vì hoàng gia thì anh cũng phải chịu hình phạt tương tự. Khi biết chuyện, Howl đến gặp Suliman nhưng bất ngờ bị gài bẫy và biến thành quái vật.
Trong tình huống nguy cấp, Sophie đã giúp Howl nhớ lại chính mình, họ sau đó cùng nhau thoát khỏi sự truy bắt của Suliman. Dù vậy, anh không dẫn Sophie trở về tòa lâu đài mà quyết định ở lại để đánh lạc hướng quân thù.
Một gia đình tạm bợ nơi Lâu đài bay của pháp sư Howl
Biết rằng thời gian làm người không còn bao lâu, Howl quyết định dùng phép thuật để biến một phần lâu đài thành căn phòng quen thuộc của Sophie. Không chỉ vậy, anh còn liên kết nó với vùng đất ở ngoại ô, nơi có căn nhà nhỏ mà anh thường sống.
Vài ngày sau, bằng thủ đoạn của mình, Suliman đã dùng phép thuật nhằm điều khiển mẹ Sophie đồng thời để lại một loại phép thuật khiến Calcifer lụi tàn và không còn khả năng che giấu lâu đài nữa, điều đó giúp bà dễ dàng tìm thấy cô và Howl hơn.
Trước sự truy đuổi của Suliman, Howl nói với Sophie rằng sẽ không chạy trốn nữa vì bản thân đã có thứ muốn bảo vệ. Ngay sau đó, anh rời khỏi tòa lâu đài để chiến đấu còn cô thì cùng mọi người lẫn Calcifer ra ngoài.
Điều này khiến tòa lâu đài bay sụp đổ nhưng cô đã kịp trao cho Calcifer bím tóc của mình, nó khiến ngọn lửa ấy có đủ sức mạnh để vận hành “đống sắt vụn” còn sót lại.
Hai nhân vật chính trong Lâu đài bay của pháp sư Howl
Cốt truyện tuy nhẹ nhàng nhưng lại không hề đơn giản, tuyến nhân vật được đạo diễn Miyazaki khai thác trọn vẹn. Mỗi tính cách chứa đựng một bức thông điệp với ý nghĩa khác nhau, từ đó làm nên sự thú vị, đặc sắc riêng cho bộ phim.
Bước chân vào thế giới nội tâm mỗi nhân vật, khán giả lại một lần được khám phá bức thông điệp về giá trị cuộc sống mà bộ phim gửi gắm. Không chỉ là tình yêu, Lâu đài bay của pháp sư Howl còn ẩn chứa ý nghĩa của sự tự do.
Thiếu nữ Sophie mười tám với tâm hồn của bà cụ chín mươi
Bước chân vào thế giới nội tâm của mỗi nhân vật, khán giả lại một lần được khám phá bức thông điệp về giá trị cuộc sống mà bộ phim gửi gắm. Không chỉ là tình yêu, Lâu đài bay của pháp sư Howl còn ẩn chứa ý nghĩa của sự tự do.
Ngay từ những phân cảnh mở đầu, người xem có thể dễ dàng nhận ra sự kỳ lạ từ thiếu nữ mười tám tuổi Sophie, nàng không hứng thú với điều mà mọi cô gái khác quan tâm, lâu đài bay của Howl và kể cả anh.
Xuất hiện với vẻ ngoài chín chắn, quần áo của Sophie mang tông màu trầm cùng mái tóc nâu, cô không điệu đà như những cô gái cùng trang lứa trong cửa hàng làm mũ.
Sophie hoàn toàn thờ ơ trong những cuộc trò chuyện, thậm chí còn từ chối ngay khi được rủ đi chơi. Trên đường đến gặp em gái Lettie, Sophie đi thẳng một mạch mà chẳng buồn nhìn ngắm sự nhộn nhịp của lễ hội xung quanh.
“- Sophie này. Cô đóng cửa tiệm rồi. Sophie đi cùng tụi cô thì sẽ vui lắm
– Cháu bận làm nốt cái này rồi, mọi người đi vui vẻ nhé.”
Trên đường đến tiệm Caseri, Sophie vô tình gặp được Howl và cùng nhau đi trên không. Dù được anh dành lời khen nhưng niềm vui ấy không kéo dài lâu, vào lúc Howl rời đi thì mọi cảm xúc trong cô cũng biến mất.
Sophie sau đó kể với em mình rằng “Howl chỉ nhắm vào mỹ nữ thôi”. Điều này gián tiếp thể hiện cô là người luôn cảm thấy tự ti, cho rằng bản thân không đủ xinh đẹp và sẽ chẳng ai quan tâm hay để ý đến.
“- Nè chị ơi. Không lẽ chị định làm ở tiệm làm nón suốt đời luôn sao?
– Đấy là cửa hàng mà bố yêu quý. Chị là con cả mà.
– Không phải nhé. Chị có thực sự muốn làm ở cửa hàng bán nón không?
– Cái đó… Chị đi đây.
– Chị không tự quyết định cuộc sống của bản thân là không được đâu.”
Có vẻ như, trên đôi vai Sophie luôn mang áp lực phải tiếp tục công việc gia đình, việc cô thực sự mong muốn hay không đều không quan trọng. Hai chữ “trách nhiệm” dường như khiến nàng đánh mất tâm hồn trong sáng của thiếu nữ mười tám.
Khi bị Phù thủy Vùng hoang địa biến thành một bà lão chín mươi tuổi, Sophie lúc này dường như đã trở về đúng với “tuổi thật” tâm hồn. Không như bao người, cô bình tĩnh đến lạ kỳ khi phát hiện mình già đi rất nhiều.
Ban đầu là một bà cụ nhưng sau khi tìm đến Howl, nếm trải cảm giác yêu và được yêu, Sophie đã hóa giải lời nguyền. Tâm hồn cô trở lại tươi vui, trẻ trung như mọi thiếu nữ cùng tuổi khác.
Mỗi chi tiết gửi gắm vào thước phim đều thể hiện một khía cạnh của nhân vật cùng bức thông điệp mà Lâu đài bay của pháp sư Howl muốn nhắn nhủ đến khán giả. Có lẽ, đây là điều ấn tượng nhất mà nhà làm phim đã để lại trong lòng người xem.
Howl pháp sư có nội tâm hoàn toàn trái ngược với Sophie
Nếu ấn tượng ban đầu của người xem với Sophie là một cô gái giản đơn đến tẻ nhạt cùng sự tự ti thì ngược lại, chàng pháp sư Howl lại hiện lên với vẻ ngoài hào nhoáng và được chăm chút kỹ lưỡng.
Thế nhưng, sâu trong tâm hồn mình, thiếu nữ Sophie lại vô cùng mạnh mẽ và giàu lòng yêu thương. Còn Howl tuy hoàn hảo là vậy nhưng trái tim anh yếu mềm, nhạy cảm như một đứa trẻ.
Lần đầu tiên gặp gỡ Sophie, Howl đã thể hiện mình là người đàn ông dịu dàng, ấm áp. Anh giành việc nấu ăn và chào đón cô bằng bữa sáng thịnh soạn đến mức Markl phải thốt lên “Lâu rồi thầy trò mình mới ăn sáng đàng hoàng đó”.
Tuy vậy, khi Sophie dọn dẹp và làm xáo trộn những món đồ trong nhà tắm của Howl, anh như biến thành con người khác vì mái tóc bị đổi màu. Howl hoàng loạn, cáu gắt, giận dỗi rồi suy sụp khi mất đi diện mạo đẹp đẽ.
“- Hết thật rồi. Hết đẹp trai rồi thì tôi thiết sống làm gì nữa.”
Vẻ điển trai bên ngoài hệt như lớp vỏ bọc mà Howl luôn gồng mình để duy trì, nó giúp anh che giấu tâm hồn vốn bị tổn thương và không thể chữa lành. Trở về với mái tóc màu đen, anh dường như trở về với hình hài một con người khác.
Trong Lâu đài bay của Howl, khi Sophie trở thành người dọn dẹp cho lâu đài, trái tim anh như được chữa lành trở lại. Howl dần cảm nhận được tình yêu bản thân dành cho người ấy và dũng cảm đứng ra bảo vệ gia đình tạm bợ nhưng ấm áp của mình.
Bức thông điệp muôn màu mà Lâu đài bay của pháp sư Howl để lại
Vị đạo diễn làm nên tên tuổi của Dịch vụ giao hàng của phù thủy Kiki, Vùng đất linh hồn tiếp tục khẳng định tài năng qua một trong những tác phẩm hoạt hình thành công nhất mọi thời đại, Lâu đài bay của pháp sư Howl.
Người hâm mộ sẽ dễ dàng nhận ra điều tạo nên dư âm vang dội cho Lâu đài bay của pháp sư Howl không chỉ đến từ nét vẽ tỉ mỉ mà còn là thông điệp, ý nghĩa nhân văn, bài học về sự tự do và hạnh phúc được nhà làm phim gửi gắm.
Một lâu đài bay ấm áp tình thân gia đình
Ở lâu đài bay, mỗi người đều là một phần quan trọng trong mái nhà tạm bợ nhưng ấm áp này. Phép thuật của Howl giúp anh biến đống sắt vụn phế liệu, những món đồ trang trí lấp lánh thành tòa lâu đài to lớn.
Sophie là người giúp việc nhưng đã giúp Howl, cậu bé Markl, Calcifer, chú chó Heen lẫn Phù thủy Vùng hoang địa cảm nhận được sự ấm áp từ tình yêu thương cô dành cho mọi người.
Các thành viên trong gia đình đều không cùng huyết thống, họ gắn bó với nhau bằng trải nghiệm trong hành trình đầy gian nan. Trên con đường ấy, những mảnh đời đã cùng nhau tận hưởng từng khoảnh khắc bình yên, hướng về tương lai tươi sáng.
Lời nguyền ra đi tìm kiếm bản ngã và sự tự do
Sophie trước kia là một người tự ti, vì trách nhiệm mà cô sẵn sàng gạt bỏ đam mê của bản thân. Tuy nhiên, khi bị mụ Phù thủy Vùng hoang địa nguyền rủa trở thành một bà cụ chín mươi tuổi, cuộc đời nàng đã hoàn toàn thay đổi.
Thiếu nữ Sophie bắt đầu dấn thân vào hành trình tìm kiếm bản ngã và sự tự do. Trước kia, cô là người thợ làm mũ với tâm hồn già dặn nhưng khi gặp Howl rồi lên tiếng để bảo vệ người mình yêu, Sophie như đã trẻ lại dù trong phút chốc.
Trong Lâu đài bay của pháp sư Howl, cô nàng đã trải qua muôn vàn khó khăn và thử thách để hiểu được giá trị từ hai chữ “hạnh phúc”, nó đến từ việc đặt người mình yêu lên trước hạnh phúc của bản thân mình.
Hành trình ra đi tìm kiếm sự tự do cũng khiến Sophie hiểu được lòng trắc ẩn cùng sự vị tha trong trái tim. Dẫu Phù thủy Vùng hoang địa có gây ra bao điều sai trái, cô nàng vẫn cảm thông và giải thoát bà khỏi sự trừng phạt của Suliman.
Sức mạnh của tình yêu giúp con người tìm về chính mình
Tình yêu ấm áp giữa Howl và Sophie thật đáng mơ ước. Tìm thấy nhau, họ dành cho đối phương những cảm xúc chân thật nhất của bản thân, chính tình yêu ấy đã giúp cả hai tìm về bản thể tốt đẹp.
“- Anh thấy mệt quá, cơ thể nặng như chì vậy.
– Đúng vậy, trái tim nặng lắm đó.”
Howl đã đánh cược một phần sự sống để trở thành một pháp sư đầy quyền năng. Đến khi Sophie xuất hiện, anh mới cảm nhận được tình yêu. Nàng là người mà Howl luôn muốn bảo vệ và che chờ, điều đó giúp anh tìm về trái tim của chính mình.
Cũng như vậy, Sophie với trái tim dần nguội lạnh sau khi đến bên Howl và cảm nhận được hơi nóng từ tình yêu đã từ một người con gái thờ ơ, vô cảm với mọi thứ trở nên hoạt bát, yêu thương tất cả mọi người xung quanh.
Đôi khi, chỉ cần gặp đúng người, tình yêu sẽ đơm hoa, kết trái và chữa lành mọi vết thương, kể cả những gánh nặng nơi trái tim. Nỗi sợ hãi cùng lớp vỏ bọc đã dằn vặt, ám ảnh nhiều năm qua, Howl giờ đây có đủ dũng khí để đối mặt với chúng.
Lâu đài bay của pháp sư Howl trở thành tượng đài bất hủ của Nhật Bản
Sau thành công vang dội với Vùng đất linh hồn, đạo diễn Miyazaki Hayao tiếp tục gây tiếng vang với màn thể hiện xuất sắc trên màn ảnh rộng về mặt hình ảnh lẫn âm thanh trong Lâu đài bay của pháp sư Howl.
Mỗi nhân vật trong phim đều được đầu tư chăm chút và tỉ mỉ nhờ nét vẽ tay nhưng không vì thế mà mất đi sự mộc mạc. Từ Phù thủy Vùng hoang địa, quỷ lửa Calcifer, cậu bé Markl hay chú chó Heen, tất cả đều được đầu tư chỉn chu.
Với những cảm hứng về công nghệ trong tương lai cùng nét vẽ của Albert Robida, đạo diễn Miyazaki Hayao đã tái hiện thành công vùng đất châu Âu vừa cổ kính bởi các công trình kiến trúc, vừa hiện đại bởi công nghệ tân tiến.
Tuy vậy, Lâu đài bay của pháp sư Howl vẫn giữ được nét đặc trưng của một bộ phim hoạt hình châu Á. Đội ngũ sản xuất khiến khán giả mê mẩn trước hình ảnh tòa lâu đài hoành tráng nhưng cũng lộn xộn giữa cánh đồng hoa bao la, nền trời xanh ngát.
Mở đầu bộ phim, tất cả không khỏi ấn tượng trước thứ âm nhạc mà Lâu đài bay của pháp sư Howl mang lại. Ca khúc The Merry-go-round of life thân quen vang lên khiến người xem nóng lòng thưởng thức bộ phim hơn bao giờ hết.
Joe Hisaishi đã biến tác phẩm điện ảnh lần này của Ghibli thành một trải nghiệm trọn vẹn và đủ đầy với khán giả. Việc Promise Of The World kết thúc bộ phim là cách ông truyền tải những thông điệp ý nghĩa đồng thời khơi gợi cảm xúc nơi người xem.
“Những người yêu thích các tác phẩm giàu sức sáng tạo, vừa cực kỳ mãnh liệt về mặt cảm xúc lại vừa rất đỗi nhẹ nhàng của Miyazaki, sẽ có rất nhiều điều để ngợi khen về bộ phim này vì nó một lần nữa thể hiện khả năng sáng tạo về mặt hình ảnh và độ tinh tế của ông ấy khi kể chuyện.” – Báo The New York Times viết về bộ phim
Không những vậy, Lâu đài bay của pháp sư Howl còn nhận đề cử Oscar cho hạng mục Phim hoạt hình hay nhất và 87% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes.
Đó là phần thưởng xứng đáng cho một bộ phim điện ảnh ý nghĩa cùng những thông điệp nhân văn của Ghibli. Lâu đài bay của pháp sư Howl chắc chắn sẽ giúp khán giả có trải nghiệm tuyệt vời, nhẹ nhàng nhưng cũng rất sâu sắc.
Bí Ngô
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất