Ngày không còn mẹ (The Preparation) là bộ phim đầy ấm áp về tình mẫu tử, tình thân gia đình của Hàn Quốc. Phim có sự góp mặt của nhiều diễn viên gạo cội như Go Doo-shim, Kim Sung-kyun, Yoo Sun và được đạo diễn bởi Cho Young-jun, một nhà làm phim đang chập chững vào nghề.
Ngày không còn mẹ – Teaser Trailer
Không sở hữu tình tiết ngoài lề, không cố gắng “thêm thắt” kịch tính và những phản ứng quá mức cần thiết, Ngày không còn mẹ chậm rãi đưa khán giả qua từng cung bậc cảm xúc khác nhau. Để rồi khi những phân đoạn cuối cùng kết thúc, chỉ còn chút dư âm nhẹ nhàng ở lại nơi sâu thẳm trái tim.
Ngày không còn mẹ và câu chuyện cảm động về tình mẫu tử
In-gyu (Kim Sung-kyun thủ vai) là một chàng trai đã gần ba mươi tuổi, tuy nhiên anh chỉ có trí tuệ của một đứa trẻ vì căn bệnh thiểu năng quái ác. Tất cả nhu cầu của In-gyu, từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân đều phải nhờ đến người mẹ Ae-soon (Ko Du-shim thủ vai), thậm chí anh còn giận dỗi khi bữa ăn không đúng ý.
Về phần Ae-soon, bà gần như không lấy làm phiền trước thái độ của In-gyu mà còn thường xuyên chơi đùa với con trai. Từ trò oẳn tù tì đến giả vờ giật kẹo, những khoảnh khắc vui đùa của hai mẹ con diễn ra xuyên suốt phần đầu của bộ phim và cho thấy tình mẫu tử đầy thiêng liêng.
Quyết định đầy bất ngờ của người mẹ bệnh tật
Dẫu không giàu có, họ vẫn thoải mái với cuộc sống của chính mình, thoải mái với bữa cơm ít rau thịt, căn hộ nhỏ chẳng có gì nhiều ngoài chiếc tivi cũ mèm. Ở đó, cuộc sống trôi qua chậm rãi và dường như kéo dài đến vô tận, cho đến khi bà Ae-soon phát hiện bản thân mắc trọng bệnh.
Thời gian đầu, triệu chứng chỉ đơn giản là tê tay chân, về sau khi thường xuyên bị đau đầu thì bà mới quyết định đi khám. Để rồi, lời nói của bác sĩ đã khiến con người ấy bàng hoàng khi biết nếu không phẫu thuật, cơ hội sống chỉ còn lại một năm và thậm chí là sáu tháng.
Sáu tháng, khoảng thời gian ngắn ngủi để một người có thể hoàn thành những tâm nguyện cuối. Với Ae-soon, điều ấy còn khó gấp bội vì mong ước của bà là In-gyu có thể sống tự lập, vấn đề mà những người thường xuyên tiếp nhận như trưởng phòng phúc lợi Park (Park Chul-min thủ vai) cũng hết sức e ngại.
“Nhưng bác gái à, sống độc lập cho dù được tập huấn ở cơ quan chuyên trách, cũng phải mất ít nhất một, hai năm. Và cũng có trường hợp thất bại. Cũng không có nơi nào có thể lập tức thu nhận cậu ấy.
Thế nên tôi mới muốn tự dạy nó. So với người khác, tôi hiểu con trai mình hơn.
Chuyện đó…
Tôi muốn dạy nó trước khi làm phẫu thuật xem sao. Trưởng phòng Park, xin hãy giúp tôi. Được không?”
Biết chặng đường sắp tới sẽ rất khó khăn nhưng bà Ae-soon vẫn quyết định dạy In-gyu từng chút một. Từ việc nấu ăn đến di chuyển bằng phương tiện công cộng, người mẹ ấy tự nhận bản thân có học vấn thấp nhưng vẫn kiên nhẫn đọc sách, mong muốn duy nhất là giúp con mình tự lập về sau.
Hành trình tự lập khó khăn trước biến cố cuộc đời
Đối với người thiểu năng trí tuệ, cuộc sống ngoài kia luôn tiềm ẩn những hiểm nguy không thể lường trước. Bản thân In-gyu tuy trưởng thành về thể xác nhưng tự lập là chuyện cả đời, bắt gặp ánh mắt đờ đẫn của những người thiểu năng khác cũng khiến cậu lo lắng và bối rối.
“Mẹ ơi.
In-gyu không thích ở đây. Chúng ta về nhà đi.”
Thế nhưng, In-gyu cũng cho khán giả thấy sự cố gắng của riêng mình khi hoàn thành tốt mọi việc được hướng dẫn, từ phối hợp với đồng nghiệp trong tiệm bánh đến tự mình nấu ăn, di chuyển về nhà bằng phương tiện công cộng.
Dẫu vết thương tâm lý vẫn có những lần tái phát, chàng trai ấy đã biết kiềm chế và cởi mở hơn với mọi người, thậm chí là hạnh phúc dẫu tỏ tình không thành với cô giáo Kyeong (Shin Se-kyung thủ vai).
Vốn suy nghĩ như một đứa trẻ, không ai nghĩ In-gyu lại có thể nhớ hết sở thích của mọi người. Chỉ đến khi anh tặng mẹ hộp bánh su kem tự làm, mọi người mới nhận ra chàng trai này vẫn luôn giữ tất cả trong trái tim mình, âm thầm chờ ngày bộc lộ.
Không nhuốm màu bi lụy, Ngày không còn mẹ dem đến góc nhìn đầy tích cực cho khán giả và dẫn nhập họ vào hành trình của In-gyu. Từ một chàng trai phụ thuộc vào mẹ, anh dần tự lập và có thể đóng góp cho xã hội, đồng thời nuôi dưỡng mơ ước về những vùng đất xa xôi.
Khi gia đình là điều duy nhất còn lại
Trước Ngày không còn mẹ, điện ảnh Hàn đã có nhiều bộ phim về tình cảm gia đình như Lời hứa với cha, Điều ba mẹ không kể và Điều ước cuối của mẹ. Dẫu vậy, việc sở hữu một câu chuyện rất “đời” chính là yếu tố khiến phim trở nên đầy cảm xúc.
Ngoài In-gyu, bà Ae-soon còn một người con gái tên Moon-kyung (Yoo-sun thủ vai), tuy nhiên hai mẹ con ít khi liên lạc với nhau. Chỉ đến khi Moon-kyung kinh doanh thất bại và trở về nhà thì mối quan hệ của cả gia đình mới dần được tiết lộ.
Nơi quá khứ ấy, In-gyu vì những lời mẹ nói trong lúc không thể kiềm chế mà sinh tổn thương suốt năm tháng dài về sau, Moon-kyung nhẫn tâm chối bỏ đứa em bệnh tật để lấy chồng giàu, cô thậm chí không cho In-gyu xuất hiện ở đám cưới.
Để rồi trong bữa cơm gia đình, câu nói ngô nghê của đứa cháu gái Mi Song (Kim Ha-yeon thủ vai) đã mở ra nỗi niềm mà In-gyu chôn giấu bấy lâu.
“Hôm chị đi lấy chồng, In-gyu không được tham dự. In-gyu đã xem ảnh rồi. Ảnh chị mặc lễ phục màu trắng. Rất đẹp. Nhưng In-gyu đã khóc, vì không được sống chung với chị. Em rất đau lòng.”
Sau tất cả, gia đình là điều duy nhất còn lại, tình thân là thứ không bao giờ có thể tách rời. Tiếc rằng các chi tiết về thời niên thiếu của In-gyu lẫn Moon-kyung không được khai thác kỹ lưỡng, phần nào dẫn đến những bỏ ngỏ trong suy nghĩ khán giả về tình thân của hai chị em.
Quyết định rời xa chưa bao giờ là điều dễ dàng
Không nhận thức được nhiều nhưng In-gyu vẫn mơ hồ nhận ra ẩn ý đằng sau những câu nói của mẹ. Từ ý niệm về thiên đường đến sự tỏ rõ của cái chết, tất cả đều khiến anh dần thay đổi theo thời gian.
“In-gyu à, con có biết chết là gì không?
Là lên thiên đường.
Lên thiên đường rồi con có biết sẽ xảy ra chuyện gì không?
Được ăn ngon, chơi vui rồi về.”
Chàng trai ấy ban đầu còn rất vui vẻ, chỉ khi cùng mẹ ghé thăm nhà tang lễ thì mới hiểu được ý nghĩa của sự ra đi. Hành động ôm đầu và chạy ra ngoài như một đứa trẻ là sự phản kháng yếu ớt của anh khi biết mình sau này không thể gặp lại mẹ thêm nữa, cũng không thể đảo ngược điều đó.
Quyết định rời xa chưa bao giờ là điều dễ dàng, cho dù tìm hiểu trước thì In-gyu cũng không thể vơi đi những câu hỏi còn bỏ ngỏ. Chàng trai ấy chỉ đành chống lại mọi buồn đau trong tương lai bằng nụ cười của mình, giữ nó đến những phút cuối.
Thời gian dần trôi, ba chú gà con mà bà Ae-soon mua về nay chỉ còn một, tuy nhiên nó đã đủ lông đủ cánh và có thể tự mình sống sót. Hình ảnh này tượng trưng cho In-gyu khi anh có thể tự mình làm tất cả, thậm chí là nấu ăn cho mẹ hàng ngày và tự đi leo núi.
Không đơn thuần nói về nỗi buồn khi phải chia ly, Ngày không còn mẹ cho khán giả thấy những khía cạnh đặc biệt khác của In-gyu. Anh thích xem chương trình động vật và muốn đặt chân đến các vùng đất xa xôi, không tự giới hạn bản thân bằng suy nghĩ của một đứa trẻ.
Dàn diễn viên đầy thực lực trong Ngày không còn mẹ
Sở hữu nhiều tác phẩm nổi bật như High Society, Kê Long tiên nữ truyện, Ông chú của tôi, Khi hoa trà nở và mới đây nhất là Everglow, diễn viên gạo cội Go Doo-shim không chỉ vang danh xứ Hàn mà còn được biết đến ở nhiều nước Đông Nam Á.
Bắt đầu diễn xuất từ năm 1972, bà đã có 45 năm kinh nghiệm trong nghề vào thời điểm tham gia Ngày không còn mẹ. Hình tượng người mẹ truyền thống, tận tụy và hy sinh cho gia đình là thế mạnh của Go Doo-shim, vậy nên bà không gặp nhiều khó khăn trong lần trở lại này.
Mấu chốt nằm ở Kim Sung-kyun, anh phải hết sức nhập tâm để có thể lột tả hình ảnh của In-gyu, cậu bé bị “mắc kẹt” trong thân hình người đàn ông gần ba mươi. Nhiều khán giả nhận xét tính cách đơn thuần của In-gyu có phần giống với Kim Sung-kyun, vai diễn cùng tên anh trong Reply 1988.
Nổi danh qua nhiều bộ phim như Găng tơ vô danh, Reply 1994, Kỷ nguyên bạo tàn và Reply 1988, Kim Sung-kyun cho thấy khả năng biến hóa đa dạng và sự chuyên nghiệp khi tham gia Ngày không còn mẹ. Đạo diễn Cho Young-jun cho biết anh được người đồng nghiệp hỗ trợ rất nhiều.
“Kim Sung-kyun gọi cho tôi và nói “Vợ tôi đã khóc hết nước mắt sau khi đọc kịch bản”. Anh ấy đã xem rất nhiều video về người khuyết tật và nghiên cứu thông tin về họ.”
Chậm rãi nhưng sâu lắng, mạch phim chuyển biến nhẹ nhàng theo thời gian mà không cần đến những “cú nổ” về mặt cảm xúc. Một người mẹ luôn bảo vệ con trước mọi biến cố bên ngoài, một người con làm theo di nguyện đến phút cuối dẫu đau đớn, tất cả tạo nên dấu ấn riêng cho phim.
Ngoài hai diễn viên chính, diễn xuất của Park Chul-min hay Yoo Sun cũng được chú ý. Nếu Park Chul-min khiến người xem ấn tượng về hình ảnh ân cần của trưởng phòng Park thì Yoo Sun lại cho thấy chuyển biến rõ rệt trong tâm lý nhân vật Moon-kyung, cô nhận trách nhiệm chăm sóc em trai để mẹ sớm yên lòng.
Ngày không còn mẹ và thách thức lớn của vị đạo diễn mới vào nghề
Ít ai biết, đạo diễn Cho Young-jun lấy chất liệu cho Ngày không còn mẹ từ chương trình truyền hình thực tế Capture the Moment, How is that Possible của đài SBS. Hoàn cảnh của một người mẹ đã ngoài tám mươi nhưng vẫn phải chăm sóc cho đứa con năm mươi tuổi khiến anh hết sức xúc động.
“Tôi thấy người mẹ nói trong chương trình rằng cô ấy muốn chết cùng ngày với con mình. Sau đó, tôi nghĩ “Điều gì sẽ xảy ra với chú ấy?”
Sau khi có ý tưởng, đạo diễn Cho đã đến gặp một số gia đình và cơ sở bảo trợ người khuyết tật để lắng nghe câu chuyện của họ. Càng tìm hiểu kỹ, anh càng phát hiện Hàn Quốc thiếu hỗ trợ về mặt xã hội cho những hoàn cảnh kém may mắn và các biện pháp bảo vệ họ khi người giám hộ qua đời.
“Vài tháng trước khi xem chương trình truyền hình đó, tôi công tác trong nhóm PR của một văn phòng Quận tại Seoul, nơi giúp tôi có cơ hội đến thăm một số cơ sở bảo trợ người khuyết tật ở vùng nông thôn. Ở đó, tôi đã đi đến quyết định phải làm một bộ phim. Một số điều chứng kiến ở đó khiến tôi thấy sốc, tôi đã cố truyền tải chúng thông qua hành trình tìm kiếm nơi chăm sóc cho con của bà Ae-soon.” – Đạo diễn Cho Young-jun
Tuy nhiên, việc đưa hình tượng người khuyết tật lên màn ảnh đòi hỏi rất nhiều công sức của đội ngũ sản xuất. Theo đạo diễn, dù anh tiếp cận vấn đề này một cách chân thành nhất thì người khác vẫn có thể chỉ ra những sai lầm, những cảnh vượt mức cần thiết do đó đều bị loại bỏ.
Với thời lượng chưa đến hai tiếng, Ngày không còn mẹ được miêu tả như một thách thức cho đạo diễn Cho. Là biên kịch kiêm đạo diễn, anh chịu trách nhiệm cho toàn bộ dự án và không được để bất kỳ sơ suất nào xảy ra trước khi đóng máy, điều không tưởng với một người mới vào nghề.
Từ nghiên cứu, viết kịch bản, thu hút nhà đầu tư đến tìm diễn viên, mọi thứ không hề dễ dàng và Cho Young-jun thậm chí phải nhận những lời khuyên như “Anh không thể tìm thấy diễn viên nào chịu đóng vai khuyết tật đâu” hay “Điều này chẳng thể giúp bộ phim được phát hành”.
Thế nhưng vị đạo diễn này vẫn làm mọi thứ một cách hoàn hảo, quá trình sản xuất thậm chí được miêu tả như một phép màu. Thiếu kinh nghiệm và phải làm việc với những người có thâm niên lên tới hàng chục năm trong nghề, anh vẫn cho thấy bản thân đủ khả năng “lèo lái”.
Thành tích thương mại khiêm tốn khi chỉ thu về hơn một triệu đô doanh thu phòng vé nhưng Ngày không còn mẹ được khán giả và giới chuyên môn đánh giá cao về mặt nghệ thuật. Điểm số của bộ phim trên diễn đàn Letterboxd đạt mốc 3.3 với mười lượt nhận xét.
“Ngày không còn mẹ sở hữu cốt truyện gọn gàng, lời thoại chắc chắn, giải quyết tốt vấn đề. Go Doo-shim thể hiện rất tốt nhân vật Ae-soon, một người mẹ mạnh mẽ với nhiều vấn đề phải đối mặt. Kim Sung-kyun không đủ linh hoạt để đóng một nhân vật có hạn chế về thể chất, diễn xuất của anh ấy không phù hợp. Không vững chắc như Oh Jung-se (It’s Okay to Not Be Okay), Hrithik Roshan (Koi Mil Gaya) hay Ryu Seung-ryong (Phép màu ở phòng giam số 7).” – Letterboxd
Một số khán giả lại cho rằng phim thực sự làm rất tốt nhưng vẫn còn điểm trừ là diễn xuất gượng gạo, chưa đủ tự nhiên. Chủ đề không mới, thiếu đi sự sắc sảo và tinh tế nhưng vẫn lấy đi nước mắt khán giả nhờ tình cảm chân thành.
Minh Tuấn
Minh Tuấn
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất