Cô gái Đan Mạch là một quyển tiểu thuyết lấy nguồn cảm hứng dựa trên câu chuyện có thật về cuộc đời của người họa sĩ nổi tiếng Einar Wegener. Không lâu sau khi được xuất bản lần đầu, quyển tiểu thuyết đã tạo nên tiếng vang lớn trên toàn thế giới và chiếm trọn sự yêu thích của vô vàn độc giả.
Quyển sách là tác phẩm đầu tay đầy ấn tượng của nhà văn người Mỹ David Ebershoff. Năm 2015, Cô gái Đan Mạch được chuyển thể thành bộ phim cùng tên, sau đó trở thành hiện tượng gây sốt phòng vé toàn cầu và xuất sắc giành giải thưởng Oscar danh giá cũng vào năm ấy.
Nhà văn đa tài David Ebershoff và vài nét về tác phẩm nổi bật Cô gái Đan Mạch
David Ebershoff sinh tháng 1 năm 1969, ông vừa là một nhà văn vừa là một biên tập viên cũng đồng thời là một giáo viên.
David Ebershoff từng xuất hiện hai lần trong danh sách 100 người có ảnh hưởng đến cộng đồng LGBT trên tạp chí Out. Những đầu sách của người tác giả tài ba phần lớn đều rất được ưa thích, chỉ tính mỗi tác phẩm Cô gái Đan Mạch mà đã có hơn hai mươi quốc gia khác nhau dịch lại và phát hành rộng rãi.
Tác phẩm Cô gái Đan Mạch ra đời năm 2000 đánh dấu một bước ngoặt to lớn trong sự nghiệp của David Ebershoff. Dẫu chỉ là sáng tác đầu tay nhưng sự tài tình hiếm thấy lại được thể hiện rõ trong từng dòng chữ của quyển tiểu thuyết và cũng từ đó mà trên văn đàn thế giới người ta lại phát hiện thêm một cái tên sáng giá, một tác phẩm kinh điển để đời.
Cô gái Đan Mạch dẫn chúng ta đến với một bức chân dung đẹp đẽ lạ thường nhưng cũng đầy rẫy bi thương của người họa sĩ Einar Wegener. Về những đau đớn, khổ tâm lẫn dằn vặt mà anh phải chịu đựng khi chiến đấu vì khát vọng lớn lao nhất nhưng cũng nhỏ bé nhất– được là chính mình.
Nội tâm sâu thẳm đầy giằng xé của một con người trong hình hài nam giới nhưng lại ẩn chứa tâm hồn của người phụ nữ được thể hiện thông qua toàn bộ nội dung Cô gái Đan Mạch. Và khi vấn đề nhạy cảm được khai thác, câu chuyện còn mang đến cho ta nhiều ý nghĩa hơn ta tưởng.
Cô gái Đan Mạch và ước mơ dị thường đầy trái ngang
Hai nhân vật chính trọng tâm trong Cô gái Đan Mạch là đôi vợ chồng Gerda và Einar Wegener. Cặp đôi họa sĩ người Đan Mạch luôn hạnh phúc và vui vẻ ở công việc lẫn đời thường cho đến một ngày Gerda vô tình đưa ra một lời yêu cầu bất ngờ. Chính lời yêu cầu hôm ấy là chất xúc tác, là yếu tố quyết định dẫn đến chuỗi sự kiện diễn ra về sau.
Trong một lần người mẫu cho bức tranh của mình gặp vấn đề, Gerda đã nhờ chính chồng mình Einar Wegener làm người mẫu tạm thời để cô hoàn thành bức họa. Khoảnh khắc Einar Wegener ướm lên thân hình gầy guộc của mình chiếc váy khiêu vũ lộng lẫy, có điều gì đó đã vĩnh viễn thay đổi trong trái tim chàng họa sĩ ấy.
“Tôi không thể phủ nhận, dù lạ lùng đến đâu, rằng tôi cảm thấy thoải mái trong bộ đồ ấy. Tôi thích cảm giác mềm mại của quần áo phụ nữ.”
Từng ngón tay anh cứ thế chậm rãi mân mê dưới lớp tất mỏng, Einar Wegener thẫn thờ chìm đắm vào cảm giác khoác lên mình chiếc váy để rồi trong tâm hồn chầm chậm nhóm lên một ngọn lửa. Thời gian càng trôi đốm lửa ngày càng lớn, lớn đến nỗi thiêu rụi cả bức màn che khiến cho anh nhận ra trong con người mình còn tồn tại một nhân cách khác.
Những lần giả trang đi dự tiệc cùng vợ ngày càng thường xuyên đến nỗi chẳng biết tự lúc nào cuộc hôn nhân của họ bỗng chốc trở thành một trò chơi hóa trang nơi hiện thực lẫn lộn với mộng ảo. Câu chuyện cũng từ giai đoạn này mà bao trùm một bầu không khí buồn man mác, tiếc nuối đến lạ.
Ở thời điểm mà Einar Wegener sống, khái niệm chuyển giới và nhận thức về cộng đồng LGBT còn rất xa lạ và mới mẻ. Mà cũng chính vì thế nên những nỗ lực của chàng họa sĩ ấy phải lớn lao đến nhường nào, phải dũng cảm đến nhường nào.
Khát vọng mãnh liệt tìm ra câu trả lời cho câu hỏi mình là ai, mình thuộc về nơi nào luôn trằn trọc và ám ảnh tâm trí chàng họa sĩ. Mong muốn được là chính mình tưởng như nhỏ nhoi lại hóa xa vời đến vô cùng.
Cuộc chiến bền bỉ đến cùng cho mơ ước được chạm tay vào niềm hạnh phúc là chính mình được thể hiện qua nhân vật Einar Wegener
Sau khi đưa ra quyết định với cuộc đời của chính mình, Einar Wegener tiến hành những cuộc phẫu thuật chuyển giới và anh cũng đã lấy cái tên Lili cho thân phận mới của mình. Những cuộc phẫu thuật đầy đớn đau ấy được xem là đỉnh điểm của hành trình Einar Wegener tìm lại đúng bản dạng giới tính của chính anh.
Những nỗi đau thấu trời cùng vô số liều morphin mà Lili phải chịu đựng là cái giá quá đắt. Chúng khiến con người ta không ngừng suy ngẫm và tự hỏi rốt cuộc có xứng đáng không, cuối cùng có ý nghĩa gì không khi có thể phải đánh đổi cả mạng sống.
Sau cuối, mặc cho những nỗ lực to lớn, Lili vẫn không thể qua khỏi. Cuộc phẫu thuật cấy ghép tử cung thất bại vì loại thuốc ngăn ngừa sự đào thải của các cơ quan cấy ghép chưa ra đời vào thời điểm ấy.
Nhưng xét về một mặt nào đó cái chết của Lili hoàn toàn không phải là một thất bại mà ngược lại là một chiến thắng sâu xa vang dội, là khởi nguồn mạnh mẽ cho những người đồng cảnh ngộ mãi không thể tìm ra lối thoát.
Sự ra đi của Lili đã trở thành một biểu tượng cho cuộc chiến không lùi bước trước tạo hóa, trước cuộc đời và trở thành một điều gì đó quý hóa đáng trân trọng. Dù cho quãng thời gian mà Einar Wegener được sống với bản chất của mình vô cùng ngắn ngủi nhưng ngần ấy thời gian cũng đã đủ để thỏa niềm khát vọng mãnh liệt, thiêng liêng nhất cuộc đời người họa sĩ.
Chính Lili cũng đã từng viết rằng cô không hối hận, dẫu chỉ vỏn vẹn mười bốn tháng nhưng đó lại là khoảng thời gian hạnh phúc nhất, trọn vẹn nhất. Cô viết cho người bạn của mình những dòng tâm thư đầy nặng nề nhưng vẫn ẩn chứa thấp thoáng sự ngọt ngào của niềm hạnh phúc. Lili bảo cô có quyền được sống và cũng đã chứng minh quyền được sống ấy suốt mười bốn tháng cuối đời.
Những nỗi buồn thăm thẳm tồn tại bên trong những nhân vật dưới ngòi bút của David Ebershoff
Trong Cô gái Đan Mạch, người đọc thỉnh thoảng lại nhận thấy có nét gì đó thật buồn, thật bi thương ở các nhân vật. Chẳng hạn như quá khứ của Gerda và tấn bi kịch cô phải chịu đựng.
Gerda trong tác phẩm là một cô gái người Mỹ phóng khoáng, tự do. Nhưng đau đớn thay cô lại có một quá khứ chịu nhiều mất mát. Gerda từng phải chính tay chôn cất đứa con duy nhất của mình để rồi sau đó cô cũng lại bất lực chứng kiến người chồng đầu tiên của mình qua đời vì bệnh lao.
Ngỡ cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc đời mình nơi người chồng thứ hai Einar Wegener nhưng cuộc đời vẫn chưa thôi đày đọa cô gái tội nghiệp. Bi kịch là khi người đàn ông mà Gerda đã gặp, yêu và hôn đắm say nơi sảnh học viện Mỹ thuật Đan Mạch nhiều năm trước lại không phải là Einar Wegener cô hằng biết mà đó chỉ là lớp vỏ bọc bên ngoài của một Lili đang ngủ say.
Những gì ban đầu cả hai ngỡ chỉ là một trò chơi bỗng chốc trở thành một tình cảnh không ai nghĩ mình sẽ phải đối mặt. Ngẫm lại mới thấy dường như cuộc hôn nhân bất hạnh của đôi vợ chồng lại thực chất đang xoay quanh ba người: Gerda, Einar và Lili.
Gerda đối mặt với sự giằng xé trong ước muốn của chính bản thân và ước muốn mong rằng Einar Wegener được hạnh phúc cũng như cái cách mà chàng họa sĩ bị giằng xé giữa lớp vỏ bọc là đàn ông và khát khao được làm phụ nữ vốn đã luôn tồn tại bên trong anh kể từ ngày được sinh ra.
Sự thành công của bộ phim chuyển thể cùng tên của đạo diễn Tom Hooper
Năm 2015, bộ phim chuyển thể cùng tên lấy cảm hứng từ quyển sách được công chiếu. Bộ phim của đạo diễn Tom Hooper nhanh chóng nhận được vô số lời phản hồi tích cực từ khán giả và những người có chuyên môn.
Từ bối cảnh với vẻ đẹp tráng lệ đến những âm hưởng, giai điệu mang đậm dấu ấn cổ điển kiến trúc châu Âu đầu thế kỷ 20, tất cả hiện lên như một bức tranh tuyệt đẹp có thể lay động trái tim của bất kỳ ai.
Thêm vào đó, phong cách thời trang ấn tượng của thập niên 1920 vô cùng đặc sắc với những chiếc váy suông hay giày Mary Jane qua bàn tay của các nhà thiết kế nổi tiếng sẽ đánh thức tất cả mọi giác quan của người xem.
Hơn hết thảy, diễn xuất nhập tâm đến rùng mình của hai nhân vật chính Einar Wegener (Eddie Redmayne thủ vai) và nữ bạn diễn Gerda Wegener (Alicia Vikander thủ vai) đã làm nổi bật cả bộ phim. Nét biến hóa trong từng ánh mắt, từng chuyển động cơ thể cùng với diễn biến nội tâm phức tạp của họ chính là nền tảng tạo nên sức ảnh hưởng to lớn cho Cô gái Đan Mạch.
Cô gái Đan Mạch quả thật là quyển tiểu thuyết mà bạn nên đọc một lần trong đời. Bởi với vô số kiếp người, nó không chỉ đơn giản là một quyển sách mà còn là cả một biểu tượng, là một minh chứng đầy dũng cảm cho cộng đồng thế giới thứ ba.
Đồng thời, sự tài tình của David Ebershoff sẽ đưa bạn đến với những cung bậc cảm xúc sâu lắng, tha thiết khác nhau để rồi đến tận khi kết thúc bạn vẫn còn vấn vương, suy tư mãi về câu chuyện tuyệt đẹp ấy.
Thanh Thảo
Thanh Thảo
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất