Dấu chân người lính được xuất bản năm 1972 và trở thành cuốn tiểu thuyết tiêu biểu cho văn chương của Nguyễn Minh Châu trước Cách mạng tháng Tám. Lần theo bước chân của những người lính, nhà văn đưa độc giả trở về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ đầy oanh liệt của dân tộc.

Đôi nét về Nguyễn Minh Châu và tiểu thuyết Dấu chân người lính 

Nguyễn Minh Châu là một cây bút xứ Nghệ, ông sinh năm 1930 và mất khi mới 59 tuổi. Tên khai sinh của nhà văn là Nguyễn Thí nhưng sau này khi ông đi học, bố mẹ đổi lại thành Minh Châu.

Sau năm 1975, cùng với sự biến đổi lớn lao của lịch sử dân tộc, văn chương cũng chứng kiến một thời kỳ chuyển mình mạnh mẽ. Nguyễn Minh Châu được biết đến như một người tiên phong trong công cuộc đổi mới vĩ đại ấy. 

Chân dung nhà văn Nguyễn Minh Châu
Chân dung nhà văn Nguyễn Minh Châu

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Minh Châu hướng ngòi bút đến số phận từng con người để hiểu rằng, trong cuộc sống thường nhật của nhân dân vẫn tồn tại một cuộc chiến tranh không tiếng súng. Những tác phẩm tiêu biểu của ông trong giai đoạn này phải kể đến Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành. 

Nhà văn tận dụng ngòi bút để khám phá vẻ đẹp ẩn sau lam lũ của người lao động và tìm hướng đi giải phóng họ khỏi những cuộc giao tranh vô hình trong thời đại mới. Tô Hoài đã từng nhận xét về văn chương của Nguyễn Minh Châu: 

“Đọc Nguyễn Minh Châu, người ta thấy cuộc đời và trang sách liền nhau. Chặng đường đời hôm nay cũng như từng đoạn sáng tạo trên trang giấy của tài năng. Những cái tưởng như bình thường lặt vặt trong cuộc sống hằng ngày dưới con mắt và ngòi bút của Nguyễn Minh Châu đều trở thành những gợi ý đáng suy nghĩ và có tầm triết lý.”

Trước khi đất nước giành được độc lập, Nguyễn Minh Châu đã từng khoác áo lính, cùng bước qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ quyết liệt của dân tộc. Trong giai đoạn này, các tác phẩm của ông mang tính sử thi, anh hùng và chủ yếu tìm kiếm vẻ đẹp con người trong kháng chiến.  

Là nhà văn đã từng xả thân trên chiến trường, tư liệu để Nguyễn Minh Châu chắp bút nên các tác phẩm về một thời bom đạn vô cùng chân thực và phong phú. Cửa Sông hay Những vùng trời khác nhau đều là những tiểu thuyết xuất sắc của ông trước năm 1975, ghi lại một thời kỳ chống giặc oai hùng của đất nước. 

Xuyên suốt hai mươi chín năm trong sự nghiệp cầm bút, dù ở thời kỳ trước hay sau Cách mạng tháng Tám, tác phẩm của Nguyễn Minh Châu luôn được độc giả đón nhận nồng nhiệt, đồng thời ông cũng khẳng định được màu sắc cá nhân, với lối văn kết hợp hài hòa giữa triết lý cuộc đời và trữ tình lãng mạn. 

Dấu chân người lính là tiểu thuyết được Nguyễn Minh Châu thai nghén từ năm 1969 và hoàn thành vào năm 1972, đây là kết quả của một chuyến đi tham dự buổi tổng kết chiến dịch của nhà văn. 

Cuốn sách tái hiện cuộc chiến vô cùng ác liệt ở thung lũng Khe Sanh, đi cùng với nó là câu chuyện của những người lính như Kinh, Lượng, Khuê, Lữ. Họ đến từ những vùng miền khác nhau đem theo nỗi niềm riêng biệt nhưng cùng mang một tình yêu tổ quốc và nỗi căm thù giặc. 

Dấu chân người lính được chia ra thành ba phần Hành Quân, Chiến dịch bao vâyĐất giải phóng. Cùng đi theo bước chân của những người lính, Nguyễn Minh Châu làm sống dậy giai đoạn cam go của cuộc chiến tranh, cùng họ trải qua từng cung bậc cảm xúc từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc chiến dịch. 

Dấu chân người lính và vẻ đẹp của những người cầm súng

Ở mỗi cuộc kháng chiến, người lính lại mang trong mình vẻ đẹp khác nhau. Những năm tháng chống Pháp, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh anh vệ quốc quân, xuất thân từ đồng ruộng với nét thôn quê, thật thà trong tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng hay Nguyễn Tuân

Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, những chiến sĩ trong Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu vẫn tiếp tục kế thừa những vẻ đẹp của thế hệ đi trước nhưng họ lại mang đến nét tính cách riêng với dấu ấn cá nhân rõ nét hơn. 

Những vẻ đẹp được kế thừa qua nhiều thế hệ 

Giống như bậc cha anh, người lính trong tác phẩm cũng mang trong mình một tình yêu nước và căm thù giặc sâu sắc. Chứng kiến cảnh quê hương bị xâm lược, những đứa trẻ sẵn sàng từ bỏ con đường học hành để lên đường chiến đấu.

“Mình đã lôi ra đốt cùng với sách vở ở trường cả những tập nhật ký trong những năm đi học. Phải từ giã hết, tất cả mọi thứ sách vở và bản thân những thằng học trò như mình cũng cần phải được ném vào lửa. Đấy, thằng thiếu niên mười sáu tuổi của mình đã nghĩ như vậy, không trù trừ và do dự gì hết!”

– Dấu chân người lính

Lữ khi ấy chỉ là một cậu bé mười sáu tuổi, anh đã cùng hai người bạn thân đốt hết sách vở để có thể vứt bỏ những lưu luyến quê nhà mà cầm súng đánh giặc. Những suy nghĩ của đứa trẻ ấy tuy ngây thơ dại dột nhưng ẩn sâu trong đó là ngọn lửa hừng hực của lòng yêu nước và quả thực sau này, Lữ đã trở thành một người chiến sĩ giỏi. 

Vẻ đẹp của người lính trong trang văn của Nguyễn Minh Châu không chỉ toát lên ở những lớp người trẻ tuổi mà còn ở thế hệ xuất thân từ cuộc kháng chiến chống Pháp, giàu kinh nghiệm. 

Cuộc đời chính ủy Kinh gắn liền với khói lửa chiến tranh, ông xông pha qua hai cuộc chiến trường kỳ của dân tộc. Người chiến sĩ này phải gác lại việc gia đình để chuyên tâm phục vụ đất nước, bao nhiêu gánh nặng gia đình ông đành phó thác lên đôi vai người vợ.

Hình ảnh bìa cuốn sách Dấu chân người lính
Hình ảnh bìa cuốn sách Dấu chân người lính

Chính ủy Kinh là một người khôn ngoan và tinh tường trong những chiến dịch khó khăn và điều ấy đã truyền động lực cho rất nhiều người lính trẻ tài giỏi sau này. Không chỉ thế, vẻ đẹp của ông còn ở tấm lòng cũng như sự quan tâm đồng đội hết mực như ruột thịt trong gia đình.

Trong Dấu chân người lính, những người lính còn mang vẻ đẹp của tinh thần lạc quan cũng như lòng dũng cảm trong chiến đấu. Người chiến sĩ đã hành quân qua rất nhiều cánh rừng, giáp mặt với vô vàn quân thù và cũng nhiều lần đấu tranh với thần chết nhưng họ đều không run sợ, chân vẫn bước đều để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. 

Vẻ đẹp mang đầy chất thơ của những người lính 

Tuy nhiên, khác với thời kỳ trước, người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ còn mang một vẻ đẹp rất riêng, đó là tâm hồn thơ mộng và đầy chất thơ. Rất nhiều người lính xuất thân là trí thức tiểu tư sản, họ gác bút nghiên lên đường chiến đấu nhưng vẫn mang trong mình tình yêu văn chương sâu sắc. 

Lữ níu lại đam mê viết lách qua những dòng nhật ký về điều anh đã trải qua trên chặng đường hành quân và chiến đấu. Những dòng chữ thể hiện rõ một tâm hồn nhạy cảm cùng vô vàn suy tư của một người lính. 

Bên cạnh Lữ còn có Thái Văn, anh là một người lính nhưng cũng là một nhà thơ. Anh đã trải qua nhiều cuộc chiến và gặp mặt nhiều người, mỗi lần như thế đều mang đến cho Thái Văn trải nghiệm quý giá để anh chắp bút thành những tác phẩm để đời. 

“Mỗi thế hệ bước vào cuộc chiến đấu với một dáng cầm súng khác nhau. Thái Văn nghĩ như vậy. Có cái gì khác nhau trong vẻ đẹp của lớp người cầm súng trước đây và lớp người hôm nay? Ngày xưa, những người lính nông dân cầm khẩu súng để chiến đấu cho Tổ quốc đồng thời cho mảnh vườn và mái nhà của mình. Hôm nay, những người chiến sĩ mà Thái Văn đã đi theo họ suốt dải rừng Trường Sơn, họ từ giã gia đình, trường học và từ giã một cuộc sống tương lai đẹp đẽ hết sức đảm bảo đã bắt đầu xây dựng cho họ, vậy thì trong cuộc trường chinh hôm nay họ đang chiến đấu cho cái gì? Họ từ bỏ cái trái hạnh phúc đã ửng hồng trong vườn nhà mình để cầm súng đi chiến đấu cho mục đích gì?”

– Dấu chân người lính

Chân dung người chiến sĩ trong Dấu chân người lính là kết tinh của rất nhiều vẻ đẹp, họ anh dũng, kiên cường trong chiến đấu xong cũng rất thơ mộng, trữ tình trong đời sống tâm hồn. Những người lính ấy là biểu tượng cho một thế hệ đáng tự hào của dân tộc Việt Nam.

Chiến tranh cùng vô vàn những mất mát và gian khổ

Chiến tranh đi qua luôn để lại vô vàn những mất mát không thể chữa lành và Dấu chân người lính như một thước phim ghi lại tất cả sự hy sinh ấy của nhân dân dành cho đất nước. 

Rất nhiều người đã ngã xuống trong cuộc chiến phi nghĩa này, từ người già, trẻ nhỏ đến những thanh niên trai tráng, tất cả được thuật lại đầy đau đớn trong từng trang văn của Nguyễn Minh Châu. 

Khuê là một chiến sĩ cần vụ thông minh, khéo léo, anh đã phải chứng kiến ngôi làng của mình bị phá hủy sau một đêm cùng sự ra đi của mẹ và người em nhỏ dưới bom đạn của lính Mỹ. Thế nhưng đất nước vẫn chưa hòa bình, anh phải nén chặt đau thương trong lòng để tiếp tục cầm súng chiến đấu vì Tổ Quốc. 

Nết là chị gái của Khuê, hiện công tác như một chiến sĩ quân y. Mặc du cô cũng chịu chung nỗi đau mất người thân với anh lính trẻ thế nhưng trái với những suy nghĩ của Khuê rằng Nết sẽ khóc lóc, kể lể về sự ra đi của mẹ và em thì Nết mỗi ngày lại thêm phần mạnh mẽ. 

Cô gác lại tất thảy nỗi buồn mà nghiến răng tiếp tục chiến đấu và Nết nhất định không khóc khi nhiệm vụ cần thực hiện vẫn còn đang ngổn ngang. Trong cuộc chiến ngày ấy, có vô vàn gia đình phải chịu chung sự mất mát như Nết và Khuê tuy nhiên họ vượt lên nỗi đau cá nhân để hướng đến mục tiêu cao cả hơn là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Làm sao sinh ra người con gái giàu nước mắt vậy, nhưng Nết không rỏ một giọt nước mắt nào cho mẹ và em ở nhà đã chết vì bom Mỹ. Hãy nghiến răng lại mà làm việc đừng quản ngày đêm. Hãy nghiến răng lại mà chiến đấu và làm việc để trả thù cho những người thân đã mất!”

– Dấu chân người lính

Bên cạnh sự ra đi của gia đình, người lính phải tiễn đưa rất nhiều đồng đội trong những cuộc tiến công. Họ chứng kiến đồng chí của mình hy sinh trước mũi súng kẻ thù, thậm chí phải bước qua xác người đã nằm xuống để tiếp tục chiến đấu.

Để bảo vệ Lữ, người đang giữa chiếc đài liên lạc thì Đam, một anh chiến sĩ vùng biển đã chẳng ngại việc phải hy sinh. Lữ nhớ mãi hình ảnh cuối cùng của người đồng đội với máu chảy ròng trên mặt cùng đôi tay giữ chặt kẻ thù, quyết không để chúng bắt được anh. 

Dấu chân người lính là những trang văn đầy cảm xúc
Dấu chân người lính là những trang văn đầy cảm xúc

Chiến tranh khiến hàng triệu mái nhà phải chia tách, có người đi lính đến mấy năm không trở về nhà, thế nhưng nỗi nhớ ấy đành phải cất lại vì một lý tưởng cao cả hơn, đó là giành độc lập cho dân tộc. 

Trong những nỗi đau tột cùng mà chiến tranh đem lại, có lẽ không sự tủi nhục nào lớn lao bằng việc có người con đi theo lính Mỹ. Ông Phan, một cụ già miền núi mang một tình yêu nước nồng nàn đã phải trải qua điều ấy. 

Ông Phan một lòng theo cách mạng nhưng thằng Kiếm con ông lại bị những xa hoa của kẻ thù làm mờ mắt, nên hắn đã trở thành tên lính ngụy. Đối với ông, đây là điều nhục nhã và đau đớn nhất trong cuộc đời mình phải trải qua.

Dù có là kẻ phản quốc thì Kiếm vẫn là đứa con trai duy nhất của ông Phan vì thế ông trách con nhưng cũng là trách bản thân mình vì đã không thể nuôi dạy nó thành một người tốt.

“Cái lần thằng Kiếm bỏ đi lính cho Mỹ, ông già gầm lên như một con hổ bị thương: “Con trai ông già Phang mà bỏ chạy theo giặc? Chúng nó cướp mất đứa con của ông từ bao giờ?”. Ông lão đau đớn đến muốn phát điên lên. Tội nghiệp, giá có thể chết đi hay trở thành điên dại được? Nhưng ông lão vẫn phải sống tỉnh táo để theo dõi tất cả những công việc của đứa con. Ông lão nuôi trong lòng cái ý định giết nó, giết hòn máu độc nhất của mình như một sự trả thù chính mình. Cái ý định ấy thật dứt khoát sau khi ông lão đã suy nghĩ kỹ.”

– Dấu chân người lính

Là một người có lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc, ông Phan đã bỏ qua tình phụ tử và muốn tự tay giết Kiếm. Sự tuyệt vọng hằn sâu trong từng ánh mắt cũng như suy nghĩ của người cha có con đi theo giặc, quyết định của ông cụ không chỉ là sự trừng phạt cho thằng Kiếm mà còn là của chính cuộc đời mình. 

Cuộc chiến cam go khốc liệt ấy đã gây ra muôn vàn nỗi đau cho nhân dân nói chung và người lính nói riêng, đó có thể là làng mạc bị tàn phá hay những kiếp người đã ngã xuống. Bên cạnh đó, cũng có những vết thương không do bom đạn nhưng lại khiến con người cả đời sống trong tủi nhục, như ông cụ Phan trong tác phẩm phải trải qua. 

Những tình cảm nở hoa giữa chiến tranh khốc liệt

Trong cuộc chiến tranh cam go, ác liệt, người lính phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thậm chí là sự hy sinh, thế nhưng giữa nơi ồ ạt tiếng súng ấy vẫn nở rộ những tình cảm thiêng liêng, đó là tình đồng chí, quân dân và tình yêu đôi lứa . 

Những tình cảm ấy nảy sinh trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất nên nó càng trở nên đẹp đẽ và cao cả. Chúng trở thành đôi cánh nâng đỡ tâm hồn người lính vượt qua ngày tháng đầy thử thách. 

Tình đồng chí và tình quân dân trong Dấu chân người lính

Dù ở thời kỳ chống Pháp hay chống Mỹ thì tình đồng chí và tình quân dân luôn là những tình cảm cao đẹp nhất trong tháng ngày chiến tranh gian khổ. Ta có thể dễ dàng bắt gặp vô số tác phẩm ca ngợi về mối quan hệ vĩ đại này như trong Việt Bắc của Tố Hữu hay Rừng Xà Nu của Nguyễn Trung Thành. 

Những người chiến sĩ trong Dấu chân người lính xuất thân từ mọi miền tổ quốc với rất nhiều nét tính cách khác biệt thế nhưng khi họ lên đường đi chiến đấu, tất cả hòa làm một và gắn bó như anh em ruột thịt. 

Họ cùng nhau chia sẻ gian khổ trên chặng đường hành quân bằng nụ cười và sự thấu hiểu. Những người lính không chỉ kết nối bằng lòng yêu nước mà còn bằng nhiều tâm sự thầm kín trong cuộc sống thường nhật. 

Hình tượng cao đẹp của người lính
Hình tượng cao đẹp của người lính

Trong một cuộc chiến, khi nguy hiểm đang cận kề thì Lượng, đại đội trưởng đại đội trinh sát, đã sẵn sàng liều mình mở đường để chính ủy Kinh cùng những người đồng đội khác rút lui an toàn. Người lính luôn có thể vì nhau mà hy sinh tính mạng, đó là một nghĩa tình cao cả và vĩ đại. 

Những chiến sĩ cùng nhau trải qua ngày tháng sinh tử bởi thế họ rất thấu hiểu nhau, thay vì lời nói họ quan tâm đồng đội qua hành động thầm lặng. Ngày Kinh bị thương, Khuê luôn nhắc nhở mọi người không để Kinh hoạt động nặng nhọc và chăm sóc ông như người thân thật sự của mình. 

“- Đúng ạ! Đồng chí ấy bảo, “cái ông già” thương lính như kiểu một người đàn bà là không nên!

Kinh ngửa cổ cười. Ông thương lính như kiểu một người đàn bà, hay bằng tấm lòng một người mẹ.”

– Dấu chân người lính

Trong chiến đấu, những con người xa lạ trên dải đất hình chữ S hóa thành đồng đội và khi ngồi quanh bếp lửa, họ lại trở thành người bạn tâm giao. Mối quan hệ ấy được tạo nên từ một niềm yêu nước và được thách thức qua gian khổ bởi thế nó vô cùng bền chặt, mạnh mẽ. 

Bên cạnh tình đồng chí thì tình quân dân trong tác phẩm cũng được Nguyễn Minh Châu khắc họa rõ nét. Những ngôi làng ở thung lũng Khe Sanh bị tàn phá nặng nề, khiến người dân lâm vào cảnh nghèo đói, không nơi trú ẩn. 

Trước khó khăn chồng chất cùng sự cám dỗ của kẻ thù, nhân dân vẫn một lòng tin vào Đảng, cách mạng và những người lính. Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ bộ đội cũng như hừng hực khí thế chiến đấu khi giáp mặt quân thù. 

Để san sẻ khó khăn, những người chiến sĩ luôn sẵn sàng cho đi lương thực mà họ có, dù cho có những ngày họ phải ăn gạo rang để cầm hơi, tiếp tục chiến đấu.

Nhân dân và những người lính tương trợ lẫn nhau, gắn kết thành một khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nó biến thành nguồn sức mạnh to lớn để đất nước vùng lên đánh bại mọi kẻ thù xâm lược. 

Tình yêu lứa đôi thầm lặng sau khắc nghiệt của bom đạn 

Những chàng trai, cô gái ra chiến trường để bảo vệ Tổ quốc vào đúng độ tuổi thanh xuân đẹp nhất. Có nhiều tình yêu nơi quê nhà hay chớm nở nơi bom đạn, họ đều phải tạm gác lại sau lưng vì mục tiêu cao cả của dân tộc. 

Lượng đem lòng yêu Xiêm, người đàn bà vùng cao đã có chồng nhưng hắn đã bỏ đi làm tay sai cho Mỹ. Tình cảm ngang trái ấy đã không thể đến đích của hạnh phúc, khi Lượng dứt khoát từ bỏ để tập trung cho sự nghiệp cứu nước. 

Một mối tình mãi mãi chỉ nằm trong những nhớ thương cùng dòng ký ức sẽ phai nhạt theo thời gian của cả hai người và Xiêm sẽ tồn tại trong tâm trí Lượng với hình ảnh chị ngồi bên bếp lửa, đẹp như một nữ thần. 

Chiến tranh không chỉ chia cắt khao khát yêu đương lứa đôi mà nó còn mãi mãi chôn vùi người lính dưới đất cát cùng những mong mỏi về hạnh phúc, không bao giờ được hoàn thành. 

Lữ là người chiến sĩ mang một tình yêu thầm lặng chưa một lần dám ngỏ lời với người con gái tên Hiền. Anh mong chờ đến một tương lai tươi đẹp và hạnh phúc, ngày đất nước giành được độc lập, Lữ sẽ nói với Hiền điều anh luôn ấp ủ.

“Anh vẫn yêu Hiền. Anh vẫn yêu cô với tất cả sự hiểu biết và tùng trải của anh hiện nay trong khói lửa. Anh đã yêu cô bắt đầu từ một tiếng hát đảm đang. Cho đến bây giờ, tất cả tình yêu thầm kín và niềm mong mỏi anh đặt vào cô vẫn là cái tiếng hát cô đang đem đến cho mọi người.”

– Dấu chân người lính

Thế nhưng, khi dự định chưa kịp hoàn thành thì trên ngọn đồi 495 Lữ đã hy sinh, anh phải nằm xuống cùng với lời yêu thương không bao giờ được ngỏ thành lời.

Người chiến sĩ luôn xuất hiện rất gân guốc và lạnh lùng trước súng đạn nhưng ẩn sâu trong tâm hồn họ luôn có nỗi niềm, tình cảm được giấu kín. Nguyễn Minh Châu đã dùng ngòi bút của mình để khơi gợi một cách sinh động chất thơ trong những người lính. 

Dấu chân người lính ghi chép lại chân thực và cụ thể những năm tháng chiến đấu oai hùng của dân tộc với chân dung một lớp thế hệ vĩ đại đã ngã xuống. 

Cuốn sách cũng một lần nữa khẳng định tài năng và tâm huyết của nhà văn Nguyễn Minh Châu, điều này được chứng minh qua sự trường tồn của tác phẩm trong dòng chạy khắc nghiệt của văn học Việt Nam. 

Ngọc Linh