Nanh trắng là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Jack London, xuất bản lần đầu vào năm 1906 và được biết đến như phiên bản đảo ngược của Tiếng gọi nơi hoang dã.

Nếu Tiếng gọi nơi hoang dã kể về hành trình trở về rừng thẳm của một chú chó kéo xe thì Nanh trắng lại viết nên câu chuyện của một chú chó sói được thuần hóa bởi tình yêu thương của con người.

Mang phong cách văn xuôi đặc thù của Jack London, Nanh trắng được viết dưới lối nhìn của động vật và giúp độc giả quan sát rõ hơn cách chúng nhìn nhận thế giới cũng như con người. Trong tác phẩm, thế giới của loài dã thú và thế giới văn minh đều tồn tại một màu sắc bạo lực rõ nét.

Jack London và hành trình đến với văn chương

Là một trong những nhà văn được yêu thích nhất nhưng không phải ai cũng biết về hành trình đến với văn chương của Jack London, một người đã trải qua tuổi thơ đầy bi kịch nơi khu phố nghèo ở San Francisco trước khi xuất bản những tác phẩm để đời như Đứa con của chó sói, Ánh sáng ban ngày cháy đỏ.

Nhà văn Jack London lúc sinh thời
Hình chụp nhà văn Jack London năm 1916

Tên khai sinh của ông được nhận định là John Griffith Chaney, phỏng theo tên của người cha William H. Chaney, một nhà chiêm tinh học. Tuy nhiên, cái tên này đến nay vẫn chỉ là giả thuyết vì Chaney đã không nhận ông là con và những hồ sơ liên quan đã bị phá hủy bởi thảm họa động đất năm 1906 của San Francisco.

Gia đình gặp nhiều khó khăn nên khi mười tuổi, Jack đã phải làm người giao báo và dẫu có đam mê với biển cả, cha mẹ vẫn quyết định rằng ông cần phải nghỉ học để đi làm. Mười bốn tuổi, Jack London phải làm việc trong một nhà máy đóng hộp với mức lương rẻ mạt, chỉ mười xu một giờ.

Mệt mỏi trước thực tại, Jack London đã nảy ra một kế hoạch có thể giúp ông kiếm nhiều tiền hơn và được quay lại thế giới đẹp đẽ bên ngoài, đó chính là trở thành một kẻ săn trộm hàu.

Hành trang ban đầu của Jack chỉ có chiếc thuyền một cánh buồm tên Razzle Dazzle mua từ một kẻ cũng làm nghề trộm hàu. Tuy nhiên, công việc phi pháp này chẳng kéo dài lâu vì sau vài tháng, chiếc thuyền này trở nên hư hỏng đến mức không thể sửa chữa.

Ảnh minh họa công việc ăn trộm hàu của Jack London
Những tên “cướp biển” đang tiến hành săn trộm hàu vào buổi đêm (Ảnh minh họa)

May mắn thay, Jack được thuê bởi Cơ quan Tuần tra Cá California, ông đã làm công việc này một thời gian trước khi tham gia chuyến hải trình tại biển Bering và Nhật Bản trên con tàu Sophie Sutherland.

Bảy tháng sau, Jack London trở về nhưng đất nước đã biến chuyển nhanh chóng hơn bao giờ hết, tình trạng suy thoái kinh tế khiến mọi thứ rơi vào hỗn loạn, nhiều người bạn của ông đã chết hoặc bị bỏ tù. Đối mặt với cảnh hoang tàn, Jack buộc phải làm việc trong một nhà máy đay và nhận mức lương rẻ mạt mười xu một giờ.

Những tưởng hành trình phiêu lưu đến đây là hết thì mẹ của ông bỗng tìm thấy cuộc thi viết cho các cây bút trẻ của một tờ báo địa phương. Lúc đầu, Jack có chút do dự nhưng ông cũng thử bỏ ra hai ngày liền viết lách liên tục, khi tác phẩm hoàn thành cũng là lúc chàng trai trẻ ấy gần như mê sảng vì thiếu ngủ.

Tác phẩm ấy đã giành giải nhất và Jack nhận 25 đô tiền thưởng, tương đương một tháng lương. Tuy nhiên, đây chỉ là chút động lực nhỏ vì sau đó, ông cũng không giành được giải thưởng nào nữa và chuyển sang làm thợ xúc than, thậm chí là gia nhập đội ngũ người biểu tình.

Chỉ đến khi Jack đi học lại thì năng lực trí tuệ của ông mới được tận dụng đến mức tối đa. Theo nhiều học giả, Jack London thường xuyên đọc sách, học thêm từ vựng, viết báo cho tạp chí của trường và thậm chí là tham gia một diễn đàn tranh luận tại địa phương.

Jack London và hành trình đến với Nanh trắng
Một trong những tấm ảnh hiếm hoi về nhà văn Jack London

Nỗ lực không mệt mỏi đã giúp ông đỗ Học viện Alameda nhưng chỉ vài tuần sau, Jack bị đuổi học vì yêu cầu được hoàn thành sớm chương trình. Không nản lòng, ông tiếp tục thi vào đại học California nhưng tình hình tài chính của gia đình sa sút nên phải từ bỏ chỉ sau một học kỳ.

Đam mê viết lách và học hỏi cứ thế bị ngăn trở cho đến một ngày, cơn sốt vàng Klondike lan đến California. Bị thu hút bởi chuyến phiêu lưu và cơ hội kiếm đủ tiền để nuôi sống gia đình, cứu rỗi sự nghiệp viết lách đang bị bủa vây bởi những hóa đơn, Jack London nhanh chóng lên đường.

Dẫu phải về nhà trong tình trạng suy nhược và chỉ kiếm được một số tiền ít ỏi, kinh nghiệm trong chuyến đi đã giúp ông viết nên những tác phẩm kinh điển cho nền văn học thế giới. To Build a Fire, Tiếng gọi nơi hoang dã đến Nanh trắng, từng câu chữ đều mang đậm dấu ấn của vùng Klondike.

Nanh trắng và câu chuyện về nơi vành đai Bắc cực

Được xuất bản vào năm 1906, Nanh trắng vừa là tên tác phẩm cũng vừa là tên của nhân vật chính, một chú chó sói hoang dã. Phát hành lần đầu vào năm 1997 với bản dịch của Bảo Hưng, Nanh trắng đã in dấu trong nhiều thế hệ độc giả Việt Nam.

Bìa sách của Nanh trắng
Bìa sách của Nanh trắng do Đinh Tị phát hành

Lấy bối cảnh ở nơi vành đai Bắc cực với những lớp băng vĩnh cửu và điều kiện sinh sống bấp bênh, tác phẩm của Jack London đã vẽ nên sự đấu tranh không ngừng nghỉ giữa muôn loài để sinh tồn.

Nơi vành đai ấy còn được gọi là miền Wild, vốn là một thế giới băng giá rộng lớn với những ngọn đồi, đồng cỏ và những dãy núi lô nhô. Con người đến đây để tìm vàng còn lũ sói thì đuổi theo bất cứ thứ gì chúng có thể săn, cả hai bên rơi vào thế đối đầu.

Nanh trắng và sự đối đầu với người từ xứ văn minh
Ẩn hiện trong Nanh trắng là sự đối đầu giữa tự nhiên và những người từ xứ sở văn minh (Ảnh minh họa)

Câu chuyện bắt đầu với hai nhân viên nhà đòn, Bill và Henry cùng một đàn chó kéo xe. Trên hành trình vận chuyển thi thể đến pháo đài M’Gurry, họ va chạm với một đàn sói trong nhiều đêm liền và mọi thứ cứ thế hao hụt dần, cho đến khi chỉ còn lại một mình Henry.

“Anh chàng cô đơn lần đầu tiên ngắm nghía thân hình mình một cách tỉ mẩn khác thường.

Nắn nắn bắp tay bắp chân, lắc lắc hai bàn tay và mỉm cười khoái chí thấy chúng rất mềm mại, rất vâng lời. Bỗng anh cảm thấy thương xót tấm thân có thể sẽ bị xâu xé tan tành. Giờ đây anh là thứ gì… Chỉ còn là món đồ ăn cho bầy sói đói.

Chẳng khác thân phận con thỏ rừng mà anh đã dùng làm thức ăn một tối nọ.

Con sói cái ngồi cách Henry vài bước chân nhìn anh ta không chớp mắt. Thỉnh thoảng nó há rộng mồm khoe những chiếc răng đáng gờm trắng nhởn. Có lúc nó còn liếm mép.

– Người kia! Ta sẽ ngoạm cổ ngươi, sẽ ăn thịt ngươi, xé xác ngươi…

Henry hốt hoảng ném vội một thanh củi đang cháy làm con vật biến mất. Đêm trôi qua, không xảy ra sự cố gì thêm”

Đứng trước những sinh vật hoang dã, Henry dần kiệt sức và không thể chống chịu thêm nữa. May mắn thay, nhiều người khác đã đến và giải cứu cho anh khỏi loài thú dữ. Lũ sói mà khởi nguồn là con sói cái với bộ lông màu hung đã chạy đi tìm con mồi khác, bỏ lại người đàn ông tội nghiệp.

Con sói cái ấy chính là Kiche, vốn được người Anh-điêng nuôi nấng nhưng đã rời trại và nhập đàn cùng lũ sói hoang. Khi tiếp cận con mồi, nó trở thành tên trộm đặc biệt táo tợn và không tỏ ra sợ hãi trước ánh lửa hay sự đe dọa đến từ hai con người khốn khổ.

Dưới ngòi bút của Jack London, Kiche với trí khôn của mình đã từng bước dụ dỗ lũ chó kéo xe và khiến chúng phải bỏ mạng nơi rừng thẳm, lực lượng của tự nhiên đã đánh bại những kẻ đến từ nền văn minh xa xôi.

Henry bị vây bởi đàn sói hoang nơi rừng thẳm trong Nanh trắng
Henry bị vây bởi đàn sói hoang nơi rừng thẳm (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, mọi thứ không kéo dài lâu vì đàn sói đã nhanh chóng chia làm hai, để rồi chỉ còn lại duy nhất Kiche cùng một con sói chột. Những con còn lại đã tranh đấu đến chết để giành lấy con sói cái đẹp nhất trong bầy, sự chân thực trong Nanh trắng hiển hiện trên từng chi tiết nhỏ.

“Một cuộc chiến tàn bạo diễn ra. Sói già chột mắt cùng với sói xám to con không do dự đồng loạt tấn công sói trẻ. Lúc này quãng đời sống bên nhau trước kia chẳng còn ý nghĩa gì. Số phận nghiệt ngã giáng xuống đầu gã trẻ si tình bắt gã phải mang sinh mạng trả giá cho thói cả gan yêu đến mê muội đầu óc.

Sói cái ngồi im ngắm cuộc chiến đấu mà nó là món tiền đặt cược. Máu phun tung tóe, lông dứt ra bay khắp nơi… sói trẻ ngã gục. Nó nằm chết gí trên tuyết đỏ, sói cái thản nhiên nhìn nó, hai mép nhếch cao như mỉm cười.”

Sói cái và sói chột, cả hai đã đi cùng nhau qua nhiều tuần lễ liền trước khi tìm ra một vách đá dựng đứng bên dòng thác nhỏ. Đây chính là nơi mà sói cái Kiche hạ sinh năm sói con, dẫu sau này chỉ một trong số chúng lớn lên và trở thành con sói mang tên Nanh trắng.

Trong tác phẩm, Jack London đã miêu tả một cách chân thực cảnh sinh hoạt của loài vật, từ việc lần theo những dấu chân để săn mồi đến cách mà những con non tìm hiểu về thế giới xung quanh. Độc giả dễ nhận thấy lũ sói cũng có sự tò mò giống con người, cũng có những ham muốn riêng.

Bầy sói trong Nanh trắng
Bầy sói trong Nanh trắng được miêu tả hết sức chân thực (Ảnh minh họa)

Để rồi, từ Kiche và sói chột, ngòi bút của nhà văn dần chuyển sang Nanh trắng, chú sói con nay đã lớn phổng lên và chứng kiến sức ép của nhu cầu trưởng thành nảy nở trong cơ thể. Nó can đảm bước ra ngoài tự nhiên, nơi ghi dấu trận đánh đầu tiên và rất nhiều trận đánh nảy lửa về sau.

Dẫu đã xây dựng được bối cảnh cho tác phẩm, phần đầu của Nanh trắng được nhận định giống với truyện ngắn hơn. Đây là điều dễ hiểu vì Jack London được biết đến như một bậc thầy về thể loại này, nhiều độc giả cho rằng ông đã sử dụng câu chuyện của hai nhân viên nhà đòn để mô tả cuộc đấu tranh không ngừng nơi vùng cực.

Trong những lần chạm trán đó, Kiche muốn thân thiện với con người như đã từng nhưng cơn đói đã áp chế nó, Henry và Bill muốn tìm hiểu về con sói cái có bộ lông màu hung nhưng họ vẫn luôn phải đề phòng nguy hiểm có thể ập tới bất cứ lúc nào.

Cuộc gặp với người Anh-điêng và sự sống tù túng nơi rừng thẳm

Một ngày, Nanh trắng vô tình chạm mặt với người Anh-điêng và nhanh chóng phát hiện rằng họ là chủ cũ của mẹ nó, sói cái Kiche. Cố gắng đào thoát nhưng không thể, sói con đành phải theo họ về trại và bắt đầu cuộc sống mới, nơi quyền tự do chạy nhảy đã bị thay thế bằng sự cầm tù.

“Sói con tiếp tục tập cách sống trong thế giới đầy cạm bẫy ngày càng phức tạp này. Tuy trong bộ não nó không có chỗ cho khái niệm công bằng nhưng nó cảm nhận theo cách của nó sự công bằng của con người, những sinh vật định ra và áp đặt luật lệ của họ. Chỉ có cái cách thi hành luật của họ là kỳ cục. Khác hẳn các sinh vật khác nó đã gặp, con người không cắn nhau, không cấu xé nhau. Họ thực thi luật qua trung gian những vật chết: gậy gộc, đá hòn đá cục. Sói con cho rằng để làm được như vậy họ phải có một quyền lực khác thường, vượt quá giới hạn của tạo hóa, chắc do một vị thần linh ban cho.

Sói con nghĩ tới lần tiếp xúc đầu tiên với những con vật độc ác được coi là anh em ruột thịt với nó. Qua suy nghĩ Nanh Trắng khám phá ra rằng có những sinh vật cùng giống loài với nó, và nó thấy thật không công bằng khi chúng xông vào đánh hai mẹ con. Nó cũng buồn khi thấy con người buộc mẹ nó vào một cây gậy.”

Theo thời gian, Nanh trắng dần quen với cuộc sống mới và phải cam chịu số phận nô lệ. Từ một kẻ được thoải mái vui chơi bên những vách núi dựng đứng, những cuộc săn mồi và không khí thanh bình của một vùng thiên nhiên, Nanh trắng giờ phải quen với sự ồn ào nơi con người.

Tuy nhiên, những cuộc chiến vẫn không ngừng tiếp diễn. Không phải là với lũ chồn, chim ưng hay linh miêu như ở ngoài tự nhiên, chú sói nhỏ giờ đây phải chiến đấu với lũ chó trong bầy và thường xuyên bị đánh hội đồng.

Những trận chiến không cân sức khiến sói nhỏ dần trở nên khôn ngoan và lọc lõi, nó thậm chí đã giết chết một con chó trong bầy. May mắn cho Nanh trắng, người chủ Chồn Xám đã luôn chở che cho nó khỏi công kích của người trong trại Anh-điêng.

“Trong một trận giao chiến gần bìa rừng, Nanh Trắng quật địch thủ ngã chổng bốn vó, lôi đi xềnh xệch một quãng dài rồi cắn đứt tĩnh mạch chính ở cổ con chó làm nó chết đứ đừ.

Tối đó, cả trại Anh-điêng ồn ào.

Các bà nhắc lại những vụ mất trộm thịt trước đây rồi kéo tới chất vấn Chồn Xám. Họ gào lên:

– Con chó của anh là kẻ cắp! Là đồ phản chủ! Nó là chó sói!

Anh chàng này kiên quyết đứng chắn ngoài cửa không cho ai vào lều, nơi anh giấu Nanh Trắng và khăng khăng chống lại mọi người, nhất định không chịu trừng phạt kẻ tội phạm.

Trong suốt thời gian lớn lên Nanh Trắng bị lũ chó và mọi người căm ghét, không một lúc nào được yên thân.”

Theo thời gian, nó ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn và dẫu sống giữa xã hội của loài người, Nanh trắng vẫn lớn lên như những con sói khác trong tự nhiên. Được giáo dục theo tư tưởng tôn sùng quyền uy, chú sói con dần trở nên phục tùng những kẻ mạnh và thẳng tay áp bức kẻ yếu.

Một thời gian sau, nó phải đi theo Chồn Xám tới pháo đài Yukon để bán vật dụng cần thiết cho dân đào vàng. Đây cũng là lần đầu chú sói hoang dã thấy người da trắng và lũ chó của họ, thấy sự kình địch giữa hai nhóm người chỉ vì một chi tiết nhỏ.

“Ở pháo đài Yukon có hai loại người da trắng.

Những người tới định cư ở đây từ lâu tự xưng là Bột Chua vì họ ăn thứ bánh mì không có bột nở. Những người mới từ con tàu đổ bộ xuống là những người ăn bánh mì có nhào lẫn bột nở.

Loài người là như vậy, chỉ một khác biệt nho nhỏ thế thôi cũng đủ làm cho họ kình địch nhau chí tử.

Người Bột Chua căm ghét những kẻ mới tới, nên rất khoái khi thấy Nanh Trắng và băng của nó xử ác với chó của họ.

Mỗi lần có tàu tới, người địa phương kéo nhau ra hết bờ sông xem Nanh Trắng choảng nhau với chó người da trắng.”

Trong suốt khoảng thời gian đó, Nanh trắng vẫn cứ vô tư đắm mình trong các trận chiến. Không biết bản thân mình đã bị nhắm tới bởi một kẻ có tên Smith “đẹp trai”, nó cứ thế bị tách khỏi Chồn Xám và trở thành nhân vật chính trong những cuộc chọi chó tàn nhẫn.

Trong tác phẩm, sự phát triển của Nanh trắng được nhiều nhà phê bình cho rằng có liên hệ với sự trưởng thành của thanh thiếu niên. Dẫu là con người hay động vật, môi trường sống vẫn là nơi quyết định cho phần lớn hành vi sau này, sự tàn nhẫn chỉ có thể mang đến sự tàn nhẫn hơn.

Nanh trắng vẫn liên tục chiến thắng cho đến khi nó gặp một đối thủ không thể nào bị khuất phục. Cuộc sống nơi miền Wild thật khắc nghiệt, mọi thứ dường như đều dẫn đến cái chết và Nanh trắng, chú sói ấy hẳn đã thấm nhuần quy luật chinh phục hoặc bị chinh phục.

Weedon Scott và cuộc sống tràn ngập yêu thương của Nanh trắng

Khi đang trong cơn hấp hối, Weedon Scott đã đến và giải thoát Nanh trắng khỏi Smith “đẹp trai”, người chủ tàn nhẫn chỉ coi vật nuôi của mình như thú tiêu khiển và công cụ để kiếm tiền. Được về với nơi ở mới, nó lo lắng và thậm chí đã tấn công người xung quanh.

Đáp lại bản năng tự vệ đầy mãnh liệt của Nanh trắng, Scott vẫn cất tiếng dịu dàng và thậm chí còn cho nó rất nhiều đồ ăn, nhẹ nhàng vuốt ve đến khi chú sói ấy cảm thấy sẵn sàng thuần phục.

“Hình như một cuộc đời mới sắp đến với Nanh Trắng. Nó sắp rời bỏ thế giới hận thù tàn nhẫn, bước vào một cuộc đời đẹp đẽ hơn, xứng đáng hơn. Một cuộc đời có ánh mặt trời sau thời gian dài chìm trong bóng đêm dày đặc.

Thời kỳ khủng khiếp đã chấm dứt. Một cuộc sống tràn đầy yêu thương vừa mở ra trước mắt nó. Nhưng để thực hiện được điều đó Weedon Scott sẽ phải tốn rất nhiều công sức. Nanh Trắng không còn là chú sói con xuất thân từ miền Wild đất dữ. Nó đã lớn lên trong thù hận, trong tàn bạo, trong người nó dường như không có chút dấu vết nào của lòng nhân từ. Giờ đây phải làm sống lại lòng nhân từ đó, làm sống lại tình yêu thương đó. Đây là việc của Scott, là món nợ của con người đối với con vật, một món nợ nhất thiết phải trả bằng xong.

Nanh Trắng dần dần cảm thấy gắn bó với thượng đế mới của nó và để chứng minh thiện ý, trước hết nó canh giữ tài sản cho anh ta.”

Không bạo lực, không ngược đãi mà luôn tràn ngập tình yêu thương, đây là điểm khác biệt của Scott so với Chồn xám hay Smith “đẹp trai”, hai người chủ cũ mà Nanh trắng đã từng phục vụ. Nếu Chồn xám thường có những trận đòn ác liệt thì Smith cũng độc ác không kém.

Ba người chủ là ba thái cực khác nhau, nhiều ý kiến cho rằng Jack London đã sử dụng hình tượng của họ để khắc họa nên những kiểu người trong xã hội. Một số người thương yêu động vật nhưng một số lại coi chúng là trò tiêu khiển, là công cụ để kiếm chác.

Tuy nhiên, sự phát triển của Nanh trắng khi cạnh bên mỗi người chủ lại liên quan đến môi trường nhiều hơn. Chủ nhân đầu tiên của nó là Chồn Xám sống trong một thế giới khắc nghiệt, anh ta mong Nanh trắng sẽ hỗ trợ mình và giữa cả hai chỉ tồn tại sự thuần phục dựng nên từ bạo lực. 

Trong giai đoạn này, sức ép của Nanh trắng chủ yếu đến từ những con chó khác trong trại, mặt dã thú của nó phát triển nhưng phần nhiều là toan tính để có thể sống mà không bị chèn ép. Đến khi gặp Smith “đẹp trai”, một kẻ dùng lòng thù hận để cai trị thì mặt dã thú ấy mới phát triển hoàn toàn.

“Điều phải đến đã đến, Nanh Trắng bị ảnh hưởng ông chủ mới, trở thành độc ác không kém gã ta.

Gã luôn xích chặt con sói, thấy nó thường nổi cáu khi nghe tiếng cười nhạo báng nó, gã kích bạn bè ra sức châm chọc chê cười làm con sói thực sự phát điên vì tức giận.

Nanh Trắng đâm ra thù ghét tất cả, từ các thượng đế đến bọn chó, sợi xích, các đồ vật xung quanh…

Một bữa kia gã Đẹp tháo xích cho nó chạy trong khu đất có rào kín. Ngay lập tức con sói muốn chồm lên cắn đứt cổ tất cả những người đứng xem nó.”

Chỉ duy nhất Weedon Scott mang đến cho Nanh trắng tình yêu thương, dẫu nó vẫn có chút nghi ngờ lúc ban đầu và thậm chí đã tấn công Scott. Để rồi, cũng chính tình yêu đã thuần hóa chú sói ấy, quy luật của miền Wild vẫn tồn tại nhưng đã không còn ảnh hưởng đến Nanh trắng quá nhiều.

Nanh trắng và những âm hưởng còn đọng lại sau cùng

Sử dụng lối nhìn của loài sói nhưng Jack London không hề tập trung vào việc nhân hóa chúng. Trái lại, ông cố gắng cho độc giả thấy thế giới của tự nhiên, cách động vật sinh tồn và sự khác biệt căn bản giữa con người với loài thú hoang.

Trong Nanh trắng, con người được xem như những sinh vật mạnh mẽ, bề trên và nắm trong tay thứ quyền uy bí ẩn. Nanh trắng những tưởng họ sẽ dùng bạo lực chân tay để áp chế đồng loại nhưng trái lại, họ sử dụng luật lệ để khiến người khác phải nghe theo. 

Sở hữu lối viết ngắn gọn, đơn giản và hướng tới số đông, tác phẩm của Jack London đã trở thành cuốn sách hoàn hảo cho độ tuổi thanh thiếu niên. Dẫu một số phần trong Nanh trắng không có sự liên kết hoàn hảo với nhau, tất cả vẫn tạo thành chặng đường phiêu lưu ngập tràn thú vị.

Về sau, Nanh trắng còn được chuyển thể thành phim với hai phiên bản. Phiên bản đầu tiên do Walt Disney sản xuất bao gồm hai phần, ra mắt lần lượt vào năm 1991 và 1994 còn phiên bản thứ hai ra mắt năm 2018, được phân phối bởi Neftlix và công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Sundance.

Nanh trắng phiên bản 1991
Ảnh bìa phim Nanh trắng (1991) do Walt Disney sản xuất

Ra đời chỉ ba năm sau Tiếng gọi nơi hoang dã, cuốn sách không tránh khỏi việc bị so sánh. Hai tác phẩm tựa hai môi trường đối lập nhau, nếu Tiếng gọi nơi hoang dã tập trung vào việc sinh tồn trong một môi trường tàn khốc thì Nanh trắng lại cho độc giả thấy chủ nghĩa tự nhiên nguyên thủy, chỉ kẻ mạnh được quyền sống sót.

“Về nhiều mặt, Nanh trắng tàn bạo hơn và ít kịch tích hơn Tiếng gọi nơi hoang dã.” – Goodreads

Một số khác lại mê mẩn cách Nanh trắng cho phép người đọc được nhập tâm vào suy nghĩ của nhân vật chính, cho phép họ chứng kiến xúc cảm của một sinh vật lớn lên từ sự khắc nghiệt của tự nhiên và dần bị cảm hóa bởi tình yêu thương của con người.

“Tác giả đã có cách dẫn truyện tuyệt vời và tôi thường xuyên phải rơi lệ vì điều đó, thậm chí là thấy nghèn nghẹn ở cổ họng.” – Goodreads

Tuy nhiên, việc chú sói ấy được nhận nuôi đã biến Nanh trắng thành một sinh vật của xã hội văn minh, tránh thoát khỏi những cạm bẫy của miền Wild hoang dã và dần tiếp nhận tình yêu thương của loài người.

Điều này dẫn đến việc khi gấp lại cuốn sách, những âm hưởng của sự cứu chuộc và các vấn đề liên quan đến chủng tộc, đồng hóa xã hội vẫn còn đọng lại trong suy nghĩ của nhiều độc giả. 

Minh Tuấn