Ray Bradbury Douglas được mệnh danh là một trong những nhà văn vĩ đại nhất trong hai thế kỷ XX, XXI của nước Mỹ. Với khả năng sáng tạo vô hạn ở thế loại kinh dị và khoa học viễn tưởng, ông đã đưa độc giả ra khỏi Trái Đất và trải nghiệm những điều vượt xa khả năng của một hành tinh xanh thông qua trang viết của mình. 

Cả một đời cống hiến cho văn học, tác giả ghi dấu tên tuổi với 27 cuốn tiểu thuyết cùng 600 truyện ngắn và trở thành cây bút được hàng triệu người, ở mọi thế hệ đón nhận. Ray Bradbury xứng đáng được vinh danh là bậc thầy kể chuyện của thời đại. 

Đôi nét về cuộc đời của nhà văn Ray Bradbury

Ray Bradbury sinh ngày 22 tháng 8 năm 1920 tại Waukegan, Illinois và mất vào năm 2012 khi nhà văn đã 91 tuổi. Ông được mọi người biết đến với những tiểu thuyết, truyện ngắn giàu trí tưởng tượng.

Trang văn của Bradbury vừa đậm chất thơ khi nhắc về một thời thơ ấu đẹp đẽ, đồng thời cũng rất sắc bén thể hiện sự ý thức về mối nguy hại của việc công nghệ, khi nó đang dần phát triển vượt quá tầm kiểm soát của con người.

Ngay từ khi còn nhỏ ông đã rất ưa thích các bộ phim, sách hay tạp chí về đề tài kinh dị cũng như khoa học viễn tưởng, những tác giả mà Bradbury luôn hâm mộ là L. Frank Baum, Jules Verne và Edgar Rice Burroughs.

Chân dung nhà văn Ray Bradbury
Chân dung nhà văn Ray Bradbury

Bradbury nung nấu ý định trở thành một nhà văn lúc ông mới mười hai tuổi và sau này khi nói về lý do tác giả chia sẻ rằng, ông hy vọng những vị anh hùng mình ngưỡng mộ sẽ sống mãi trong trang viết bản thân đã chắp bút.

Vào năm 1934, Bradbury cùng cha đến Los Angeles trong thời kỳ suy thoái. Khi còn là học sinh, ông tham gia câu lạc bộ kịch của trường và tại đây nhà văn có cơ hội làm quen với một số người nổi tiếng tại Hollywood. Khoản thu nhập đầu tiên Bradbury kiếm được từ việc viết lách là nhờ đóng góp cho kịch bản của show Burns and Allen. 

Ray Bradbury tốt nghiệp một trường cấp ba tại Los Angeles vào năm 1938, mặc dù việc học chính quy của ông dừng lại ở đây nhưng Bradbury đã trở thành một học sinh thực sự của “trường đời”.

Ban ngày, bên cạnh việc đi bán báo ở khắp các ngõ ngách trên những con phố tại L.A, ông còn dành thời gian viết bài cho các tạp chí. Vào buổi tối, nhà văn vùi mình trong thư viện để tự học và đến năm 1943, Ray Bradbury quyết định tập trung hoàn toàn vào sự nghiệp viết lách. Ông chia sẻ rằng: 

“Thư viện là nơi đã nuôi dưỡng tôi. Tôi đã đặt niềm tin vào thư viện bởi hầu hết các học sinh đều không có tiền. Thời điểm tôi tốt nghiệp cấp 3 cũng là khi thời kỳ suy thoái diễn ra và chúng tôi hoàn toàn trắng tay. Tôi không thể học đại học vì thế trong suốt 10 năm liền, mỗi tuần tôi đều đến thư viện ba lần.”

Ông dành gần như cả cuộc đời mình cho việc sáng tác và để lại cho nhân loại khối lượng tác phẩm đồ sộ ở nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch và tiểu luận. Những cuốn sách đem đến tên tuổi cho Bradbury phải kể đến 451 độ F, The Martian ChroniclesNgười minh họa.

Bradbury kết hôn năm 27 tuổi, ông cùng vợ sống một cuộc đời hạnh phúc ở L.A với bốn người con cùng các chú mèo, tuy nhiên năm 1999, tác giả bị đột quỵ và phải ngồi xe lăn đến khi qua đời.

Những bước đầu trong sự nghiệp và đột phá nhờ 451 độ F

Có thể nói con đường đến với văn chương của Ray Bradbury không quá gian nan, ông ấp ủ hy vọng trở thành một nhà văn từ khi còn nhỏ và dành toàn bộ quỹ thời gian của mình để từng bước chạm tới mong ước ấy. 

Bradbury bắt đầu hành trình viết lách bằng những bài viết trên tạp chí, một vài truyện ngắn và nó thực sự thăng hoa khi tiểu thuyết 451 độ F được xuất bản. Cuốn sách ấy là bước ngoặt vĩ đại trong sự nghiệp nhà văn, nó ghi dấu tên tuổi của ông trong dòng chảy miên viễn của văn học thế giới. 

Sự nghiệp cầm bút của Ray Bradbury 

Những truyện ngắn đầu tiên của Ray Bradbury được đăng tải lên Imagination vào năm 1938, tuy nhiên đây chỉ là một tờ tạp chí không chính thống, mà do những người có chung sở thích và đam mê tạo nên.

Ông cũng thành lập một nơi tương tự cho riêng mình mang tên Futuria Fantasia nhưng vì không muốn mọi người biết rằng, tất cả bài viết đều do Bradbury chắp bút nên nhà văn đã cố gắng sử dụng nhiều bút danh khác nhau cho mỗi ấn phẩm trên tạp chí. Ông từng chia sẻ về quãng thời gian đó:

“Phải mất nhiều năm sau, tôi mới viết được tác phẩm truyện ngắn đặc sắc đầu tiên. Nhưng tôi có thể thấy được tương lai của mình, tôi biết rằng đâu là nơi mình muốn chạm tới.”

Năm 1939, Ray Bradbury đến New York tham dự hội nghị Khoa học viễn tưởng Thế giới, tại đây ông có cơ hội gặp gỡ rất nhiều nhà biên tập nổi tiếng ở lĩnh vực này. Hai năm sau đó, Pendulum trở thành truyện ngắn đầu tiên của nhà văn được xuất bản trên Super Science Stories, một tờ tạp chí danh tiếng. 

Những truyện ngắn hay nhất của Bradbury được tập hợp trong cuốn Dark Carnival và xuất bản vào năm 1947. Khi ra mắt, tác phẩm rất được đón nhận nhờ cốt truyện độc đáo cùng cách sử dụng từ ngữ ẩn dụ, mô phỏng thú vị, điều mà các sáng tác trên tạp chí lúc bấy giờ không làm được. 

Tuyển tập truyện ngắn Người minh họa của Bradbury
Tuyển tập truyện ngắn Người minh họa của Bradbury

Năm 1950, cuốn sách đầu tiên của Bradbury được ra mắt với tên gọi The Martian Chronicles hay tên tiếng Việt là Biên niên sử người sao Hỏa. Tác phẩm kể về cuộc xung đột giữa con người đang cư trú trên sao Hỏa với những người sao Hỏa bản địa. 

Người minh họa ra mắt năm 1951, cũng là một tuyển tập truyện ngắn đặc sắc của Bradbury. Mở đầu cuốn sách là hình ảnh người minh họa với cơ thể đầy hình xăm kỳ quái, mà mỗi hình xăm lại đưa chúng ta đến một câu chuyện kỳ lạ nhưng đầy hấp dẫn. Đây cũng là tiểu thuyết thứ hai của Bradbury được dịch sang tiếng Việt, sau 451 độ F.

Những tác phẩm của ông bắt đầu được các đạo diễn để mắt và họ chuyển thể chúng thành phim và hoạt hình. Điều này giúp tên tuổi Bradbury ngày càng đến gần hơn với khán giả và nó cũng khởi đầu cho một sự nghiệp phất lên như diều gặp gió của nhà văn. 

Bước ngoặt vĩ đại nhất trong sự nghiệp của Ray Bradbury phải kể đến sự ra mắt của tiểu thuyết 451 độ F. Tác phẩm xuất bản vào năm 1953, nội dung chính là sự lên tiếng của tác giả về việc bảo vệ văn hóa đọc, trước sự xâm lấn của phương tiện truyền thông. 

Bắt đầu từ những năm 1970, Ray Bradbury không viết truyện ngắn sung mãn như trước nữa, thay vào đó ông chuyển ngòi bút của mình sang thơ ca và kịch bản. Trong khoảng thời gian còn lại của sự nghiệp, nhà văn viết thêm một số cuốn sách như Death is a lonely Business, A Graveyard for Lunatics hay Let’s All Kill Constance. 

Tác phẩm cuối cùng của Bradbury là Farewell Summer xuất bản năm 2006, đây là phần tiếp theo của cuốn Dandelion Wine. Ông kết thúc sự nghiệp với hơn tám triệu bản sách được bán ra và dịch sang 36 ngôn ngữ trên toàn thế giới.

451 độ F là tác phẩm kinh điển của văn học giả tưởng

451 độ F thuộc thể loại tiểu thuyết phản địa đàng, bối cảnh của cuốn sách là thế giới trong tương lai, mặc dù khoa học phát triển đến mức khó tin nhưng con người nơi đây lại bị thao túng bởi truyền thông rác. Họ đắm chìm vào những bản tin nhanh mà không thể phân biệt được đúng sai và một bi kịch xảy ra khi sách bị cấm vĩnh viễn trong thế giới này. 

Một hành tinh u tối, bế tắc trong tương lai được tái hiện qua ánh mắt của Guy Montag. Nếu ở nền văn minh của chúng ta có những người lính cứu hỏa thì ở nơi con người mộng mị trong công nghệ, lại có người lính phóng hỏa như Montag. 

451 độ F - cuốn sách làm nên tên tuổi của Ray Bradbury
451 độ F – cuốn sách làm nên tên tuổi của Ray Bradbury

Nhiệm vụ của anh là thiêu rụi mọi thứ liên quan đến sách, Montag thắp lên ngọn lửa đốt cháy nền văn minh hàng tỉ năm và đi cùng với nó là trí khôn của toàn nhân loại. Con người trong thế giới không sách ấy ngày một trở nên lười biếng, vô cảm, hoàn toàn biến thành nô lệ cho công nghệ. 

Anh không cần sách làm gì cả, thứ mà anh cần là những điều đã từng nằm trong cuốn sách… Chẳng có ma thuật gì cả. Thứ ma thuật duy nhất là những gì mà sách nói, chúng khâu những mảnh vải của vũ trụ với nhau để tạo nên quần áo cho chúng ta.”

– 451 độ F

Montag luôn hoàn thành công việc của mình không chút hoài nghi cho đến một lần, trong khi làm nhiệm vụ, anh chứng kiến một bà cụ nguyện chết cùng kho sách đã bị tẩm nồng nặc mùi xăng.  Anh lính lén cầm một cuốn sách về đọc và hoàn toàn bị đắm chìm trong thế giới ấy. 

Xuyên suốt tác phẩm là hành trình thức tỉnh và giải cứu sách của Montag, cái tài của Ray Bradbury là khả năng miêu tả từng giai đoạn biến đổi trong tâm lý nhân vật, từ hoài nghi đến giác ngộ.  

Thời điểm cuốn sách ra mắt cũng là lúc nước Mỹ loạn lạc trong chủ nghĩa McCarthy. Dưới danh nghĩa trung thành với tổ quốc, vô vàn đạo luật được đưa ra khiến hàng ngàn người dân mất việc làm cũng như bị kết án tử hình một cách vô lý.

Sách báo cũng chịu chung số phận khi phải trải qua sự kiểm duyệt nghiêm ngặt trong suốt một thập kỷ. Trong bối cảnh xã hội như thế, tác phẩm càng được đón nhận một cách nồng nhiệt hơn.

Neil Gaiman, cũng là một cây bút xuất sắc ở thể loại giả tưởng, khoa học viễn tưởng, kinh dị với các tác phẩm nổi tiếng như Đại dương cuối đường làng, Coraline hay Câu chuyện nghĩa địa từng ca ngợi Bradbury:

 

“Tôi có thể tưởng tượng ra thế giới với đủ kiểu khác nhau nhưng tôi không tài nào tưởng tượng nổi một thế giới mà không có Bradbury.”

Sau nhiều thập kỷ, khi nhìn lại 451 độ F, người ta không thể ngừng cảm thán bởi những điểm tương đồng của cuốn sách với cuộc sống hiện đại. Dù cho không có các phát minh vượt xa trí tưởng tưởng nhân loại như trong tác phẩm, nhưng không thể phủ nhận thực trạng đang diễn ra về sự vượt trội của thông tin truyền thông so với việc đọc sách. 

Tác phẩm như một lời cảnh tỉnh với độc giả trước sự lạm dụng mạng và các thông tin nhanh, 451 độ F xứng đáng với tất cả những lời tán dương nó nhận được. Năm 1966, một bộ phim chuyển thể từ cuốn sách ra mắt và ngay lập tức đón nhận rất nhiều sự yêu mến.

Bên cạnh việc viết văn và những giải thưởng danh giá của Ray Bradbury

Bên cạnh là một nhà văn đại tài về thể loại khoa học viễn tưởng và giả tưởng thì Ray Bradbury còn là biên kịch tài năng. Năm 1954, ông dành sáu tháng ở Ireland với đạo diễn John Huston để lên ý tưởng và viết  kịch bản cho bộ phim Moby Dick.

Những trải nghiệm trong chuyến đi đến Ireland đó đã được Bradbury hư cấu lại trong cuốn tiểu thuyết Green Shadows, White Whale, xuất bản vào năm 1992. Sau khi phát hành Moby Dick, Bradbury được đề nghỉ ở lại làm biên kịch ở Hollywood và viết kịch bản cho Playhouse 90Alfred Hitchcock Presents và The Twilight Zone.

Nhà văn vĩ đại của nước Mỹ Ray Bradbury
Nhà văn vĩ đại của nước Mỹ Ray Bradbury

Năm 1986, Bradbury phát triển loạt phim truyền hình HBO cho riêng mình với tên gọi The Ray Bradbury Theater, toàn bộ kịch bản được chuyển thể từ 59 truyện ngắn của ông. Tác giả cũng xuất bản tuyển tập các vở kịch ngắn do bản thân sáng tác mang tên The Anthem Sprinters and Other Antics

Những năm cuối cuộc đời, Ray Bradbury vẫn tiếp tục sáng tác, ông đọc để cho người con gái của mình ghi chép lại. Trong sinh nhật lần thứ 80, nhà văn chia sẻ rằng: 

“Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời tôi là mỗi sáng thức dậy được lao vào chiếc máy đánh chữ khi một ý tưởng tuyệt vời đột nhiên ập tới. Cảm giác mà tôi có mỗi ngày ấy giống hệt khi tôi còn ở độ tuổi 12. Dù có chuyện gì xảy ra đi nữa thì tôi vẫn ở đây, một ông già 80 nhưng chẳng có gì khác biệt cả, tôi vẫn tràn trề cảm giác hứng khởi và tôi cảm thấy hạnh phúc khi cuộc sống lâu dài này đã cho phép tôi cảm nhận được điều đó. Tôi đã có kế hoạch hoàn hảo cho 10 hay thậm chí 20 năm sau nữa và tôi hy vọng các bạn sẽ luôn đồng hành cùng tôi.” 

Ray Bradbury nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá cho những cống hiến của bản thân, bao gồm giải Emmy cho tiểu thuyết The Tree Halloween và huân chương Nghệ thuật Quốc gia do Tổng thống George W. Bush và Laura Bush trao tặng. 

Hội đồng Pulitzer đã ca ngợi ông bởi sức ảnh hưởng sâu sắc của mình với tư cách là một nhà cầm bút vô song ở thể loại khoa học viễn tưởng và giả tưởng. Ray Bradbury rất mãn nguyện với việc đạt được hoài bão ngày thơ ấu cùng những thành tựu ông có trong suốt sự nghiệp.

Mặc dù trái tim của một cây bút đa tài đã ngừng đập nhưng cái tên Ray Bradbury chưa bao giờ ngưng mãnh liệt sống trên những trang văn. Ông trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho những nhà văn theo dòng khoa học viễn tưởng sau này.  

Ngọc Linh