Khép mình bên đôi dòng sông Nakdong và Suyeong, có một thành phố xinh đẹp mang tên Busan. Những danh xưng mỹ miều như thủ đô mùa hè, thành phố loài chim biển Seagull, thành phố cây Hoa Trà, tất cả đều gợi nhớ về hình ảnh đặc trưng của vùng đất hải cảng phía Đông Nam Hàn Quốc.

Không chỉ là cảng biển sầm uất bậc nhất xứ sở kim chi, Busan còn được biết đến với những trung tâm thương mại nhộn nhịp, các bãi biển trong xanh, đầy nắng cùng phong cảnh thiên nhiên tươi tốt, khí hậu ôn hòa, dễ chịu.

Lịch sử thành phố cảng Busan 

Thông qua việc kiểm tra di vật tại Cheongsapo, Haeundae, Jwadong và Jungdong, có thể xác định con người đã xuất hiện tại thành phố từ thời kỳ đồ đá cũ. Tuy nhiên, hầu hết tàn tích còn sót lại hiện nay đều thuộc về thời kỳ đồ đá mới.

Những ụ đất, lăng mộ gần khu vực Dongsamdong, Yeongseondong, Dadaedong, Amnamdong, Geumgokdong và Beombang là bằng chứng tiêu biểu về thời kỳ đồ đá mới tại Busan. 

Đến giữa thế kỷ thứ VI, Busan được biết đến với tên gọi Geochilsangun và trở thành đơn vị hành chính của vương quốc Silla. Đến thời trị vì của nhà vua Gyeongdeock, Geochilsangun được đổi tên thành Dongnaehyeon.

Trải qua giai đoạn bất ổn vào giữa thời kỳ Goryeo (918 – 1392), tầm quan trọng trên phương diện quân sự của Busan càng gia tăng. Lúc này, một pháo đài được xây dựng tại thành phố nhằm phòng thủ trước sự bành trướng từ Nhật Bản.

Một góc thành phố cảng lớn nhất xứ sở kim chi
Một góc thành phố cảng lớn nhất xứ sở kim chi

Bước vào triều đại Joseon, địa giới hành chính xung quanh Busan được thiết lập rõ ràng. Đến năm 1470, thương mại giữa Joseon và Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, vai trò trong lĩnh vực quốc phòng, ngoại giao của thành phố càng trở nên quan trọng.

Việc giao thương với Nhật Bản phát triển trong thời kỳ này góp phần đưa Busan trở thành thương cảng quốc tế đầu tiên tại bán đảo Triều Tiên. Khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, thành phố là vùng đất cho người tị nạn và được xem như thủ đô lâm thời của Hàn Quốc. 

Năm 1963, Busan được công nhận là thành phố loại đặc biệt tại Hàn Quốc (Jikhalsi). Đến năm 1995, vùng đất này trở thành một trong những thành phố trực thuộc trung ương và giữ vai trò quan trọng đối với quá trình khôi phục, phát triển kinh tế của Đại Hàn Dân Quốc.

Đền chùa – Nét trầm mặc giữa lòng thành phố sôi động 

Ngày nay, Busan không chỉ được nhớ đến với hình ảnh của một thành phố biển xinh đẹp, nhộn nhịp mà còn là một trong những vùng đất trung tâm của Phật giáo Hàn Quốc.

Haedong Yonggungsa, Beomeosa, Samgwangsa là những ngôi đền, chùa nổi tiếng tại đây với hàng nghìn năm lịch sử, thu hút vô vàn tín đồ Phật giáo từ khắp thế giới viếng thăm mỗi dịp lễ Phật Đản.

Đền Haedong Yonggungsa 

 Haedong Yonggungsa nằm ở phía đông bắc thành phố Busan và được xây dựng vào năm 1376 dưới thời Goryeo, đây là một trong những ngôi đền lâu đời và nổi tiếng nhất tại Hàn Quốc. 

Sự ra đời của Haedong Yonggungsa gắn liền với truyền thuyết về vị đại sư Naong. Lúc bấy giờ, đất nước đối diện với tình trạng hạn hán, mất mùa thường xuyên, cuộc sống người dân do đó rơi vào cảnh lầm than.

Một đêm mơ, Naong vô tình bắt gặp hình ảnh con rồng xuất hiện bên bờ biển phía Đông. Sau khi tỉnh giấc, vị đại sư cho rằng đây là dấu hiệu may mắn và lập tức bẩm báo lên nhà vua nhằm ban lệnh xây dựng ngôi đền. 

Haedong Yonggungsa - một trong những ngôi đền biểu trưng của Busan
Haedong Yonggungsa – một trong những ngôi đền biểu trưng của Busan

Haedong Yonggungsa sở hữu vị thế đặc biệt khi là ngôi đền duy nhất tại Hàn Quốc tọa lạc bên bờ biển với hình dáng tựa lưng vào núi đá hùng vĩ, mang đến cảm quan thoáng đãng, mênh mông.

Theo tương truyền, Haedong Yonggungsa giữ vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh người dân Hàn Quốc. Bên phải ngôi chùa là tượng Phật Thích Ca và trên đỉnh núi có một bức tượng Bồ Tát Quan Âm hướng ra biển. 

Phía trước cổng Haedong Yonggungsa là tòa tháp mười tầng, một tòa tháp ba tầng khác cũng xuất hiện ở chính điện ngôi đền và được nâng đỡ bởi bốn bức tượng sư tử tượng trưng cho hỉ, nộ, ái, ố, bốn cung bậc cảm xúc của con người theo quan điểm Phật giáo. 

Người dân từ khắp mọi nơi thường đến nơi này để cầu nguyện những điều tốt lành cho bản thân và gia đình. Ngoài ra, Haedong Yonggungsa đặc biệt đông đúc vào tháng tư với không khí thiêng liêng, nhộn nhịp của lễ hội Phật Đản.

Chùa Beomeosa

Tọa lạc bên ngọn núi Geumjeongsan, chùa Beomeosa là một trong những nhân chứng lịch sử, song hành cùng nhiều đổi thay của vùng đất hải cảng. Bên cạnh đó, Beomeosa cũng ghi tên vào danh sách như một trong năm ngôi chùa lớn nhất Hàn Quốc.

Toàn cảnh ngôi chùa Beomeosa từ trên cao
Toàn cảnh ngôi chùa Beomeosa từ trên cao

Theo ghi chép, Beomeosa đã hơn 1300 tuổi và ra đời từ năm 678 dưới thời vua Munmu, triều đại Silla. Sau hai lần bị phá hủy bởi chiến tranh, lần trùng tu gần nhất vào năm 1614 đã giúp ngôi chùa giữ lại trọn vẹn kiến trúc thời đại Joseon, đặc biệt là ở khu vực chính điện Daeungjeon.

Beomeosa mang đến cho du khách cảm giác cổ kính, thiêng liêng giữa lòng thành phố cảng sôi động. Theo người dân, ngôi chùa còn có chương trình trải nghiệm riêng dành cho du khách, giúp họ cảm nhận rõ nét văn hóa địa phương và đời sống tu viện.

Chùa Samgwangsa

Nằm bên sườn ngọn núi Baekyang, Samgwangsa được thành lập năm 1986 và không sở hữu bề dày lịch sử hàng ngàn năm như Haedong Yonggungsa, Beomeosa. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những địa điểm tâm linh quen thuộc của người dân địa phương.

Ngôi chùa Samgwangsa sở hữu khuôn viên hoành tráng, rộng lớn với kiến trúc tinh xảo, kết hợp hài hòa yếu tố truyền thống và hiện đại. Nhờ vậy, ngôi chùa có thể chứa hơn mười ngàn khách tham quan cùng lúc.

Hình ảnh đèn lồng lung linh tại Samgwangsa
Hình ảnh đèn lồng lung linh tại Samgwangsa

Vào ngày lễ Phật Đản hằng năm, Samgwangsa là địa điểm quy tụ của hàng ngàn tín đồ Phật giáo ở khắp Châu Á. Trong ngày này, ngôi chùa trở nên thơ mộng và lung linh với vô số đèn lồng hoa sen được trang trí khắp nơi. 

Busan và những bãi biển níu chân du khách 

Từ lâu, thành phố Busan đã nổi tiếng với bãi biển xanh cùng các cung đường cát tuyệt đẹp. Haeundae, Gwangalli hay Songdo là những địa điểm thích hợp để du khách hòa mình vào khí biển tươi mát, ngắm nhìn hoàng hôn lãng mạn nơi bờ biển.

Bên cạnh đó, hầu hết bãi biển tại Busan đều gần kề với những trung tâm thương mại lớn, các khu ẩm thực đẳng cấp và là địa điểm tổ chức nhiều lễ hội truyền thống.

Haeundae – Bãi biển đẹp nhất Busan

Haeundae là bãi biển biểu trưng cho thành phố Busan, địa điểm du lịch nổi tiếng vượt ngoài biên giới Hàn Quốc. Vào ngày trời quang đãng, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh Hàn Quốc từ ngọn đồi Dalmaji tọa lạc phía Đông Nam Haeundae.

Khi màn đêm buông xuống, mặt biển trở nên huyền ảo bởi hình ảnh phản chiếu từ các tòa nhà chọc trời. Thời điểm này, những cung đường biển cũng trở nên nhộn nhịp khi dòng người tấp nập hòa vào không khí sôi động bên trong hàng quán.

Bãi cát vàng mịn là điểm nổi bật của bãi biển Haeundae
Bãi cát vàng mịn là điểm nổi bật của bãi biển Haeundae

Bên cạnh đó, những trung tâm mua sắm sầm uất, khu nghỉ dưỡng và khách sạn xung quanh bãi biển như Shinsegae, Hanwha Resort Haeundae, Haeundae Grand Hotel cũng góp phần đưa Haeundae trở thành điểm đến đầy thu hút.

Haeundae cũng là địa điểm tổ chức các lễ hội đặc sắc bậc nhất Hàn Quốc như lễ hội cát Haeundae vào mùa hè, lễ hội Haedoji diễn ra trong mùa đông với nhiều hoạt động và trò chơi mang đậm dấu ấn văn hóa Hàn Quốc.

Sự cuốn hút riêng biệt từ bãi biển Gwangalli

Cùng với Haeundae, Gwangalli là một trong hai bãi biển nổi tiếng nhất tại thành phố Busan. Không thu hút lượng lớn du khách quốc tế như “người hàng xóm” Haeundae, Gwangalli vẫn sở hữu những sức hút khó tả.

Cây cầu Gwangan Daegyo - hình ảnh gắn liền với bãi biển Gwangalli
Cây cầu Gwangan Daegyo – hình ảnh gắn liền với bãi biển Gwangalli

Sức hấp dẫn của Gwangalli được tạo nên từ Gwangan Daegyo – cây cầu bắt qua bãi biển từng xuất hiện trong bộ phim siêu anh hùng Black Panther. Hiện nay,  Gwangan Daegyo đã trở thành biểu tượng mới của Gwangalli. 

Đối với người yêu thích mạo hiểm, các trò chơi thể thao cảm giác mạnh như trượt ván, lái cano cũng thường xuyên diễn ra tại Gwangalli, chúng mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị. 

Bãi biển Songdo và sự hồi sinh

Vào thập niên 60 của thế kỷ XX, Songdo được biết đến là một trong những bãi biển đẹp nhất tại Busan. Tuy nhiên, cơn bão Selma đổ bộ năm 1987 cùng sự ô nhiễm môi trường nặng nề khiến Songdo dần đánh mất vị thế vốn có.

Bước vào thế kỷ XXI, thông qua dự án cải tạo môi trường cũng như việc đẩy mạnh xây dựng và mở rộng diện tích biển của Chính phủ Hàn Quốc, Songdo dần lấy lại ánh hào quang năm xưa, trở thành cái tên tiêu biểu cho du lịch biển Busan.

Một phần hệ thống kiến trúc du lịch tại bãi biển Songdo
Một phần hệ thống kiến trúc du lịch tại bãi biển Songdo

Songdo tập hợp hệ thống kiến trúc du lịch biển hấp dẫn bậc nhất Hàn Quốc với đảo Rùa tại trung tâm bãi biển, cầu ngắm cảnh đặt ngay trên biển cùng mạng lưới cáp treo trong suốt, có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Busan. 

Hoạt động trải nghiệm cáp treo biển Songdo được du khách vô cùng yêu thích khi có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn cầu Namhang hay tháp Busan. Bảo tàng Songdo Doppel Meyer World hiện là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử của tuyến cáp treo đặc biệt này.

Những địa điểm mua sắm không thể bỏ lỡ tại thành phố Busan

Là một trong những trung tâm kinh tế và du lịch lớn nhất Hàn Quốc, Busan tập hợp nhiều địa điểm mua sắm và trung tâm thương mại đẳng cấp thế giới như Shinsegae Centum City, Seomyeon.

Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa nét hiện đại của những tổ hợp thương mại tỷ đô và tính cổ điển từ các khu chợ truyền thống đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt trong đời sống văn hóa địa phương. 

Shinsegae Centum City – Trung tâm thương mại lớn nhất thế giới

Tọa lạc tại Haeundae, Shinsegae Centum City được sách kỷ lục Guinness ghi nhận là khu phức hợp mua sắm lớn nhất thế giới, vượt qua cả trung tâm thương mại nổi tiếng Carrousel du Louvre nước Pháp.

Hình ảnh của trung tâm thương mại lớn nhất thế giới tọa lạc tại thành phố cảng Busan
Hình ảnh của trung tâm thương mại lớn nhất thế giới tọa lạc tại thành phố cảng Busan

Shinsegae Centum City được mệnh danh là trung tâm mua sắm tỷ đô khi sở hữu diện tích lên đến 509,810 m2, bao gồm mười bốn tầng với các tổ hợp giải trí, mua sắm đẳng cấp thế giới, từ nhà hàng, khách sạn đến phòng thể dục, sân trượt băng.

Đặc biệt, có đến chín trong tổng số mười bốn tầng của Shinsegae Centum City phục vụ riêng cho nhu cầu mua sắm, quy tụ 21 thương hiệu xa xỉ và 622 thương hiệu nổi tiếng khác. 

Seomyeon – Trung tâm thương mại dưới lòng đất

Busan không chỉ có Shinsegae Centum City, trung tâm thương mại Seomyeon cũng là một trong những địa điểm độc đáo, thu hút hàng nghìn tín đồ đam mê thời trang mỗi năm. 

Tọa lạc tại ngã ba đường Seomyeon, nơi đây gồm hai khu vực với diện tích tương đương tám làn xe ô tô. Cùng với Shinsegae Centum City, Seomyeon là địa chỉ mua sắm thân thuộc của du khách quốc tế khi dừng chân tại xứ sở kim chi.

Một góc trung tâm mua sắm dưới lòng đất Seomyeon
Một góc trung tâm mua sắm dưới lòng đất Seomyeon

Trung tâm thương mại này tập hợp lượng lớn hàng hóa, từ quần áo, mỹ phẩm, giày dép đến phụ kiện của nhiều thương hiệu trong nước và quốc tế. Nơi đây đón khách từ 10 giờ sáng đến 22 giờ mỗi ngày, ngoại trừ ngày đầu tiên của tuần thứ hai trong tháng.

Gukje – Chợ truyền thống lớn nhất thành phố Busan

Bên cạnh những khu phức hợp, thành phố vẫn tồn tại nhiều ngôi chợ truyền thống mang dấu ấn riêng biệt của văn hóa Hàn Quốc. Nổi tiếng nhất trong số đó là chợ Gukje, tọa lạc tại Sinchang Dong, Busan. 

Theo ghi chép, Gukje ra đời từ những năm 1950 nhằm phục vụ mục đích trao đổi hàng hóa trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên. Vì thế, nơi đây không chỉ là địa điểm mua sắm mà còn giữ ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với lịch sử Hàn Quốc.

Gukje - một trong những ngôi chợ truyền thống nổi tiếng nhất tại thành phố
Gukje – một trong những ngôi chợ truyền thống nổi tiếng nhất tại thành phố

Sau hơn bảy mươi năm tồn tại và phát triển, Gukje hiện sở hữu quy mô gồm sáu khu mua bán, mười hai tòa nhà và khoảng bảy trăm gian hàng kinh doanh. Không gian đậm chất cổ điển của những gian chợ cá và quầy hàng san sát đã tạo cho nơi đây vẻ đẹp đầy hoài niệm.

Những món ăn phổ biến tại thành phố biển Busan

Bên cạnh những bãi biển tuyệt đẹp hay các khu chợ truyền thống, trung tâm mua sắm nổi tiếng, Busan còn níu chân du khách bởi văn hóa ẩm thực mang hương vị đặc trưng của vùng đất hải cảng.

Tuy nhiên, song hành cùng các nguyên liệu và cách chế biến địa phương, ẩm thực Busan vẫn nằm trong dòng chảy văn hóa ẩm thực Hàn Quốc khi ưu ái những món ăn với gia vị cay nồng, màu sắc đỏ cam.

Cua ngâm Ganjang Gejang

Cua ngâm Ganjang Gejang là món ăn rất được ưa chuộng bởi đông đảo người dân địa phương và du khách quốc tế khi ghé thăm thành phố Busan. Trong tiếng Hàn, cua được gọi là “Ge” và “Jang” có nghĩa là tương, bản thân từ Gejang do đó hàm chứa ý nghĩa cua ngâm tương.

Cua ngâm Ganjang Gejang - món ăn không thể bỏ lỡ khi đặt chân đến Busan
Cua ngâm Ganjang Gejang – món ăn không thể bỏ lỡ khi đặt chân đến Busan

Theo lưu truyền, đây là một trong những món ăn truyền thống nổi tiếng bậc nhất xứ sở kim chi và ra đời từ khoảng thế kỷ XVII. Khi bộ phim Vì sao đưa anh tới ra mắt năm 2014, cua ngâm Ganjang Gejang đã được đông đảo khán giả châu Á biết đến.

Công thức khởi nguồn của Ganjang Gejang là cua ngâm cùng nước muối. Sau khoảng thời gian dài phát triển đã xuất hiện nhiều phiên bản biến tấu như cua ngâm tương, cua ngâm sốt ớt cay, tuy nhiên nổi tiếng nhất vẫn là cua ngâm tương.

Canh cá Chueotang 

Canh cá Chueotang là món ăn phổ biến rộng khắp Hàn Quốc và gắn liền với loài cá Chueo, “đặc trưng” của thành phố Busan. Điểm đặc biệt khi thưởng thức món ăn này tại Busan nằm ở việc nguyên liệu đều được ninh nhừ.

Canh cá Chueotang - món ăn giúp tăng cường lưu giữ nét đẹp trẻ trung
Canh cá Chueotang – món ăn giúp tăng cường lưu giữ nét đẹp trẻ trung

Bên cạnh nguyên liệu chính là cá Chueo, nhiều thực phẩm như giá đỗ, bắp cải, rau lang và các gia vị đặc trưng của ẩm thực Hàn Quốc cũng được kết hợp, góp phần phần gia tăng hương vị của món ăn. 

Theo người dân địa phương, nếu sử dụng canh cá Chueotang thường xuyên, người thưởng thức có thể tăng cường sự trẻ trung, xinh đẹp bởi lượng lớn vitamin, khoáng chất và canxi trong loài cá.

Cá xào Agujjim 

Cá xào Agujjim còn được biết đến với tên gọi cá om cay, đây là một trong những món ăn đặc biệt nhất tại Hàn Quốc vì hình dáng có phần đáng sợ của loài cá Angler, nguyên liệu chính tạo nên món ăn.

Màu sắc bắt mắt của món cá xào Agujjim rất được ưa chuộng tại Busan
Màu sắc bắt mắt của món cá xào Agujjim rất được ưa chuộng tại Busan

Dẫu vậy, cá xào Agujjim vẫn nằm trong danh sách món ăn được tìm kiếm nhiều nhất khi du khách đặt chân đến Busan. Bởi lẽ, theo người địa phương, cá Angler được mệnh danh là thịt bò miền biển với hương vị vô cùng thơm ngon, độc đáo. 

Tương tự canh cá Chueotang, cá xào Agujjim thường kết hợp cùng giá đỗ, bắp cải, mè rang. Trong đó, đặc biệt nhất là bột ớt truyền thống Hàn Quốc, sự xuất hiện của loại gia vị này làm tăng thêm dư vị cay nồng và màu sắc sặc sỡ của món ăn.

Busan – Thành phố biểu tượng cho sự hội nhập 

Nếu yêu mến đất nước và con người Hàn Quốc, Busan chắc chắn là điểm đến không thể bỏ lỡ. Khác với nét đẹp hài hòa của thủ đô Seoul, Busan ẩn chứa sức sống năng động và nhộn nhịp, xứng tầm vị thế cảng biển lớn thứ chín thế giới.

Trong hơn một thập niên gần đây, song hành cùng sự trỗi dậy của nền kinh tế Hàn Quốc cũng như làn sóng văn hóa Hallyu, tên tuổi thành phố Busan đã vượt ngoài phạm vi lãnh thổ Hàn Quốc. 

Busan hiện là một trong những thành phố giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế Hàn Quốc
Busan hiện là một trong những thành phố giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế Hàn Quốc

Những sự kiện đẳng cấp thế giới như hội nghị Diễn đàn hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), liên hoan phim Busan, liên hoan nghệ thuật đương đại quốc tế – Busan Biennale đều được ra đời tại Busan hoặc lựa chọn Busan là địa điểm tổ chức.

Thành phố này còn là mảnh đất quê hương của hàng loạt ngôi sao giải trí xứ sở kim chi như bộ đôi thần tượng đình đám Jimin và JungKook (BTS), MinhyunRen (NU’EST), chàng center quốc dân Kang Daniel hay nam tài tử Gong Yoo

Diệu Ngô