Quê hương là hai tiếng giản dị mà thiêng liêng. Đặc biệt với những người con xa xứ, hình ảnh nơi cội nguồn luôn đau đáu trong tâm can, lúc làm họ tự hào, hãnh diện nhưng đôi khi lại day dứt khôn nguôi.

Xa quê, nhớ quê, vọng nguyệt hoài hương và buồn sầu xa xứ là những đề tài quen thuộc trong thơ cổ Trung đại Phương Đông. Độc giả hiện đại có thể dễ dàng tìm thấy chất văn chương đó ở một số thi sĩ như Lý Bạch, Hạ Tri Chương.

Nếu Lý Bạch cất tiếng lòng xa quê bằng những vần thơ nhẹ nhàng mà quằn quại thì với Hạ Tri Chương, nỗi nhớ và tình thương dành cho đất mẹ vẫn luôn vẹn nguyên, dạt dào ngay cả khi đã cáo quan về quê.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, Hạ Tri Chương đem những xúc cảm chân thật ấy để viết nên Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê (Hồi hương ngẫu thư). Tuy sáng tác trong những giây phút ngẫu hứng nhưng bài thơ vẫn lột tả được toàn bộ tâm trạng, nỗi lòng của kẻ tha hương.

Hạ Tri Chương – một con người yêu quê hương và đất nước

Hạ Tri Chương sinh năm 659 và mất năm 744. Ông tự là Quý Chân, người quê Vĩnh Hưng, Việt Châu, nay thuộc huyện Tiêu Sơn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.

Bản thân là một người giỏi thơ văn từ khi còn nhỏ, có tài hùng biện, kiến thức uyên bác và trí nhớ đặc biệt, tính tình phóng khoáng nên ông tự phong hiệu cho mình là “Tứ minh cuồng khách”.

Hạ Tri Chương là bạn vong niên với Lý Bạch, dù hơn Lý Bạch bốn mươi tuổi nhưng cả hai vẫn có mối quan hệ thân thiết với nhau. Ngoài ra, ông cùng Trương Húc, Trương Nhược Hư, Bão Dung được người đương thời gọi là “Ngô trung tứ sĩ”, tức Bốn danh sĩ đất Ngô.

Hạ Tri Chương là bạn vong niên của Lý Bạch
Hạ Tri Chương và Lý Bạch là hai người bạn vong niên

Ông từ giã quê hương từ khi còn trẻ, cốt muốn mưu tìm công danh. Năm 965, Hạ Tri Chương đỗ tiến sĩ rồi trở thành đại quan dưới thời nhà Đường, được vua Đường Huyền Tông vị nể.

Thời điểm từ quan về quê, Hạ Tri Chương còn được vua tặng thơ, thái tử cùng các quan tận mình đưa tiễn. Sau khi về quê chưa được một năm thì ông qua đời, hưởng thọ 86 tuổi.

Suốt nửa thế kỷ cống hiến cho triều đình, Hạ Tri Chương ngoài việc nắm giữ các chức vụ quan trọng, ông còn nổi tiếng tài sáng tác văn chương. Tuy số lượng không nhiều, có khoảng hai mươi bài thơ nhưng hầu hết đều phục vụ cho triều đình.

Là thi sĩ lớn thời Đường, thơ Hạ Tri Chương như một hồi chuông đánh thức, khơi gợi tình cảm gắn bó quê hương, đất nước trong lòng độc giả. Bởi vậy, ông được người xưa ca tụng là “một trong những vì tinh tú của thơ Đường”.

Đôi nét về Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê

Rời chốn quan trường sau năm mươi năm cống hiến, Hạ Tri Chương vừa đặt chân đến quê nhà thì gặp phải tình huống bất ngờ và xúc động. Điều đó khiến nhà thơ ngẫu hứng viết ra những vần thơ giàu cảm xúc, thứ làm nên tên tuổi cho Hồi hương ngẫu thư.

Tác phẩm gồm hai bài thơ, trong đó Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới quê (Hồi hương ngẫu thư số 1) được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp Bảy. Bài thơ là sự kết hợp giữa yếu tố miêu tả và biểu cảm, không chỉ vẽ lên một bức tranh quê hương đầy màu sắc, sinh động mà còn bộc lộ nỗi lòng thầm kín và tình yêu quê hương da diết của Hạ Tri Chương.

Thể thơ bài Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê

Bản gốc do Hạ Tri Chương sáng tác được viết bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt đường luật. Sau khi về Việt Nam, bài thơ được Phạm Sĩ Vĩ, Trần Trọng San dịch và chuyển sang thể lục bát.

Sự khác nhau giữa bản gốc và bản dịch Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê
Bản dịch Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê được viết theo thể thơ lục bát

Hai bản dịch tiếng Việt tuy có sự khác nhau về câu, nhịp, giọng điệu và thể thơ nhưng các dịch giả đều cố gắng truyền tải toàn bộ tâm trạng, cảm xúc vui buồn, ngỡ ngàng của nhà thơ khi về thăm quê cũ.

Bản dịch Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê được viết bằng thể thơ lục bát, thể thơ tiêu biểu của văn học dân gian nước ta. Những người dịch đã thổi hồn dân tộc vào bài thơ, khiến tác phẩm của Hạ Tri Chương trở nên gần gũi và quen thuộc với độc giả Việt Nam.

Không những vậy, việc Phạm Sĩ Vĩ và Trần Trọng San lựa chọn thơ lục bát giống như một phương thức tôn trọng tác phẩm gốc. Bởi qua thể thơ này, nội dung và ý nghĩa mà Hạ Tri Chương gửi gắm không hề thay đổi.

Ý nghĩa nhan đề tác phẩm Hồi hương ngẫu thư

Nhan đề Hồi hương ngẫu thư ngắn gọn nhưng bao trùm được tư tưởng và chủ đề của toàn bài. Độc giả qua đó thấy được sự chuẩn xác và tài tình của Hạ Tri Chương lựa chọn, ông bộc lộ tình cảm từ những ngôn từ đầu tiên.

Hồi hương ý chỉ trở về quê hương, đây là lần trở về sau hơn năm mươi năm năm sinh sống, làm quan ở Trường An của tác giả, cũng là chuyến đi cuối cùng của cuộc đời ông khi quyết định ở lại quê nhà đến cuối đời.

Ngẫu thư mang nghĩa ngẫu nhiên viết chứ không có chủ định làm thơ ngay lúc mới đặt chân tới đất mẹ. Dẫu vậy, Hạ Tri Chương vẫn có thể viết ra những vần thơ đầy ngụ ý, độc giả cần theo dõi đến cuối để thấu hiểu nguyên do.

Ý nghĩa nhan đề bài thơ Ngẫu hứng nhân buổi mới về quê
Ý nghĩa nhan đề bài thơ Hồi hương ngẫu hứng

Tình huống bi kịch xảy ra khi nhà thơ bị gọi là khách, đây vừa là cú sốc với ông, vừa là duyên cớ để viết nên Hồi hương ngẫu thư. Điều thôi thúc ông sáng tác còn nằm ở tình cảm sâu nặng dành cho quê hương, nó được ví như dây đàn đang căng hết mức, chỉ cần khẽ chạm là ngân lên.

Chữ “ngẫu” ở đề không làm giảm ý nghĩa của tác phẩm mà còn nâng lên gấp bội. Bài thơ được viết ngẫu nhiên nhưng qua đó bày tỏ tình quê hương của người con xa xứ sau bao năm trở lại.

Kẻ tha hương cuối cùng cũng có ngày trở về

Cũng như Lý Bạch, Hạ Tri Chương xa quê từ lúc còn thơ bé. Nếu Tình dạ tứ của Lý Bạch là tình yêu quê hương của người sống xa quê, nhìn trăng nhớ quê thì Hồi hương ngẫu thư là tình yêu quê hương của con người xa xứ khi đặt chân trở về quê nhà.

Bài thơ mở đầu với câu chuyện về một người con xa quê đã lâu, nay mới có dịp về thăm lại cố hương. Khoảng thời gian mấy chục năm mà ngỡ như mới hôm qua, hình bóng quê hương vẫn luôn nguyên vẹn và đủ đầy như thuở ấu thơ. 

Phiên âm:

Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi,

Hương âm vô cải, mấn mao tồi

Dịch nghĩa: 

Rời nhà lúc còn trẻ, già mới quay về

Giọng quê không đổi, tóc mai đã rụng

– Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê

Với cách sử dụng ba cặp từ trái nghĩa trong một câu thơ là “li – hồi”, “tiểu – đại”, “thiếu-lão”, bài thơ đã đạt được sự đăng đối và nhịp nhàng nhất định. Đồng thời, kể ra được tình huống cảm động của nhà thơ rời quê hương để xây nghiệp lớn từ khi còn rất trẻ, đến khi trở về thì tuổi tác đã cao.

Khoảng thời gian thi nhân phải xa quê hương là rất lâu, nó dài gần bằng cả một đời người. Vì thế, giây phút được đặt chân lại trên mảnh đất quê hương trở nên thiêng liêng và cảm động hơn bao giờ hết.

Cảm xúc của Hạ Tri Chương khi đặt chân lên quê hương
Hạ Tri Chương cảm thấy thiêng liêng và xúc động khi đặt chân đến quê nhà

Sang câu thơ thứ hai, tác giả chia câu thành hai vế đối lập, một vế là sự thay đổi diện mạo qua hình ảnh “tóc mai rụng”, một vế là bản sắc riêng vẫn còn được lưu giữ, đó chính là “giọng nói”.

“Giọng nói” tượng trưng cho những hình ảnh, dấu vết, tình cảm mà Hạ Tri Chương dành cho quê hương. Dù nhiều năm như vậy nhưng không hề phai mờ, từ đó làm nổi bật nội tâm nhân vật trữ tình.

Còn “tóc mai rụng” là hình ảnh biểu trưng cho sự chuyển dời của thời gian, từ một chàng trai trẻ tuổi trở thành một ông lão rụng cả tóc. Thời gian năm tháng, cuộc sống nơi đô thành làm thay đổi vẻ bề ngoài của một con người nơi xa xứ.

Đó là bức chân dung tự họa của nhà thơ, dù ở phương trời nào thì ông vẫn giữ được bản sắc quê hương. Thi nhân trở về vẫn vẹn nguyên bản sắc quê hương, dẫu dòng thời gian xa xứ gần như tách biệt với quê nhà.

Hai câu thơ ngắn gọn với mười bốn chữ, cùng những từ trái nghĩa, giọng điệu phảng phất buồn và hình ảnh đối lập đã làm nổi bật nỗi lòng của người con xa quê, hé lộ tình cảm gắn bó sâu nặng với quê hương.

Tuy đều có chung mục đích là biểu cảm nhưng giữa câu một và câu hai vẫn có sự khác nhau, một câu dùng tự sự còn một câu dùng miêu tả. Đây là phương thức bộc lộ tình cảm gián tiếp, nhờ đó ngôn từ và hình ảnh được nhẹ nhàng cất lên.

Ẩn sau lớp cảm xúc dạt dào ấy là tiếng thở dài, nhà thơ nhìn thấy quê hương và cất tiếng nói theo giọng xưa nhưng khi tự ngắm mình, nhìn cảnh vật làng xóm, ông nhận ra mọi thứ đã đổi thay.

Tình cảm ngậm ngùi và chua xót sau nhiều năm xa quê

Cuộc đời Hạ Tri Chương công thành danh toại với hơn nửa thế kỷ, làm quan tại kinh đô, đứng trên đỉnh cao và sống trong cảnh vàng son nhưng tình cố hương vẫn đầy ắp trong tim.

Dường như đối với nhà thơ, càng đi xa thì nỗi nhớ quê càng trở nên da diết và cháy bỏng hơn. Phải đọc tới hai câu thơ cuối, độc giả mới hiểu được cái duyên cớ xui khiến thi nhân làm thơ.

Phiên âm:

Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,

Tiếu vấn: Khách tòng hà xứ lai?

Dịch thơ:

Trẻ con gặp mặt, không quen biết,

Cười hỏi: Khách ở nơi nào đến?

– Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê

Câu thơ diễn tả một tình huống vô cùng trớ trêu mà nhân vật trữ tình gặp phải lúc về quê. Nhà thơ đặt chân lên chính quê hương của mình nhưng lại buồn bã nhận ra, giờ đây mình chỉ còn là “vị khách” xa lạ, không ai biết mặt.

Nhà thơ nhận ra mình là một vị khách xa lạ
Nhà thơ nhận ra mình là vị khách trên chính mảnh đất được sinh ra

Những đứa trẻ đang vui chơi không nhận ra ông là ai, đối với chúng nhà thơ chỉ là một người xa lạ. Câu hỏi của đám trẻ khi chạm mặt nhà thơ vang lên, “Khách tòng hà xứ lai?”, có nghĩa khách từ nơi nào đến chơi.

Câu hỏi hồn nhiên, ngây thơ đưa tác giả từ vị thế một người con về thăm quê trở thành một vị khách đến ghé chơi. Chính câu hỏi này khiến Hạ Tri Chương phải thức tỉnh, chiêm nghiệm lại những năm tháng từ giã quê nhà.

Ngày đi, tóc hãy còn xanh

Mai về, dù bạc tóc anh, cũng về!

– Nước non ngàn dặm (Tố Hữu)

Ông trở thành một con người xa lạ, một vị khách ghé thăm. Lũ trẻ càng vui sướng, cười tươi bao nhiêu thì tâm hồn nhà thơ càng hụt hẫng, ngậm ngùi và xót xa bấy nhiêu.

Điều đó tạo nên sự đối lập hoàn toàn với tâm trạng của nhà thơ, bởi trong tình huống éo le như thế, ông khó mà vui vẻ được. Chứng kiến mảnh đất xưa vẫn vậy nhưng mọi người lại không nhận ra bản thân là ai.

Hạ Tri Chương đã sử dụng âm thanh vui tươi, thơ ngây của những đứa trẻ để tạo sự tương phản, từ đó thể hiện sự đau buồn và chua xót của mình. Qua những vần thơ, tình yêu quê hương sâu đậm và tha thiết của ông một lần nữa được khẳng định.

Giá trị nội dung bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê

Bài thơ đem đến cho độc giả những bài học đáng suy ngẫm, con người dù sao cũng không thể chống lại quy luật tâm lý muôn đời:

Hồ tử tất như khau

Quyện điểu quy cựu lâm

(Cáo chết tất quay đầu về núi gò

Chim mỏi tất bay về rừng cũ)

– Khuất Nguyên

Dù đi những đâu, ở phương trời nào thì nhà luôn là nơi con người hướng về, đón nhận niềm vui cũng như hạnh phúc. Bài thơ như một lời nhắc nhở, thời gian như bóng cây qua ngoài cửa sổ, ai còn ai mất nhưng tình yêu quê hương vẫn lâu bền, sâu sắc mang tính nhân bản.

Quy luật thời gian dẫu có thay đổi, con người sẽ già đi và khác xưa nhưng tình cảm sâu sắc dành cho gốc rễ rất khó phai mờ. Không chỉ riêng Hạ Tri Chương hay những nhà thơ Trung Quốc mà ở Việt Nam, nhiều thi nhân nổi tiếng như Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Khoa Điềm và Hoàng Cầm cũng từng nói về điều ấy.

Qua bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê, Hạ Tri Chương đã gửi trọn tình cảm tha thiết sâu nặng với quê hương. Không chỉ dừng lại cái hữu hạn của đời người, tinh thần của nhà thơ còn vượt qua sự vô hạn của thời gian để tồn tại vĩnh viễn.

Giá trị nghệ thuật bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê

Bằng bút pháp tài hoa của người thi sĩ, Hồi hương ngẫu thư được Hạ Tri Chương sáng tác với kết cấu vô cùng độc đáo. Khi kết hợp hai câu thơ đầu và hai câu thơ cuối, độc giả sẽ nhận thấy sự chuyển biến ý thơ đầy bất ngờ và thú vị.

Tác phẩm được kết hợp giữa kể và tả nhưng ở hai câu đầu, giọng điệu thiên về tự thuật, kể về nỗi lòng của của kẻ xa xứ. Còn hai câu cuối nổi bật với lời thơ vui đùa, hóm hỉnh nhưng nhuốm màu bi kịch, xót xa.

Nghệ thuật bài Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê
Giá trị nghệ thuật bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê

Nhà thơ sử dụng thủ pháp nghệ thuật “ngụ bi ư hài”, tức là gửi cái bi vào trong cái hài để hai câu thơ cuối giảm đi sự ngậm ngùi, chua xót trước tình cảnh trớ trêu khi trở về quê nhà.

Bên cạnh đó, Hạ Tri Chương không trực tiếp bộc lộ tình cảm mà thể hiện gián tiếp qua những vẫn thơ, làm bật lên nỗi niềm của người con tha hương. Do đó, ý thơ càng kín đáo, sâu sắc thì càng có sức gợi mạnh mẽ trong tâm trí độc giả.

Ông cũng rất tài tình khi sử dụng nghệ thuật đối một cách linh hoạt, đem đến hiệu quả lớn trong việc truyền tải cảm xúc tới độc giả. Nhà thơ không câu nệ việc đối lời mà coi trọng sự đối ý, tình cảm tha thiết và sâu nặng nhờ đó được làm sáng tỏ.

Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê khép lại với những ý nghĩa lớn lao trong lòng độc giả, quê hương là mảnh đất thiêng liêng của mỗi con người, vì thế cần biết trân trọng và hướng về nó.

Hoàng Mạnh