Nghệ thuật trà đạo là một trong những tinh hoa văn hóa của người dân xứ sở hoa anh đào. Từ thú vui bình dân đến loại hình nghệ thuật tiêu biểu cho văn hóa quốc gia, sự phát triển của trà đạo là thành quả lao động sáng tạo và nét đẹp tâm hồn dân tộc Nhật Bản qua hàng trăm năm.

Trà đạo - nét văn hóa tinh tế của xứ sở hoa anh đào
Trà đạo – nét văn hóa tinh tế của xứ sở hoa anh đào

Kết hợp cùng triết lý thiền trong Phật giáo, nghệ thuật thưởng trà ngày càng đi sâu và ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống văn hóa xứ Phù Tang. Tìm đến trà đạo là tìm đến một lối sống thanh cao, hòa hợp với tự nhiên, là con đường rèn luyện và phát triển nhân cách mỗi con người.

Lịch sử phát triển của nghệ thuật thưởng trà xứ sở hoa anh đào

Chanoyu (茶の湯) hoặc Chadō (茶道) trong tiếng Nhật là tên gọi của nghệ thuật thưởng trà với hàng trăm năm lịch sử. Vào thế kỷ thứ tám, Chadō (茶道) lần đầu tiên công nhận là một nghi thức chính thống nhưng mãi cho đến thế kỷ XII, trà đạo mới dần phổ biến tại xứ sở hoa anh đào. 

Cùng khoảng thời gian này, một nhà sư tại Trung Quốc đã tiến hành biên soạn Cha Ching, cuốn sách hướng dẫn những cách thức pha trà, nổi bật là quy tắc sử dụng ấm trà và nhiệt độ sôi của nước.

Về sau, những phương thức được giới thiệu trong Cha Ching đã ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của nghệ thuật thưởng trà Nhật Bản. 

Vào những năm 710 – 794 dưới thời Nara, các nhà sư và giới quý tộc xứ Phù Tang thường trồng cây trà để làm dược liệu. Tuy nhiên, văn hóa trà đạo giai đoạn này vẫn chưa được biết đến rộng rãi tại xứ sở hoa anh đào.

Mãi đến năm 1187, thiền sư Myoan Eisai thuộc phái thiền Rinzai sau khi tham vấn trà đạo từ Trung Hoa trở về đã đặc biệt pha chế cho Thiên Hoàng Saga dùng thử. 

Thiền sư Myoan Eisai - người mang nghệ thuật thưởng trà từ Trung Hoa về Nhật Bản
Thiền sư Myoan Eisai – người mang nghệ thuật thưởng trà từ Trung Hoa về Nhật Bản

Sau lần đó, vì quá yêu thích mà Thiên Hoàng liền hạ lệnh thành lập các đồn điền trà tại vùng Kinki phía Tây đất nước. Từ đây, giới quý tộc xứ sở mặt trời mọc bắt đầu hình thành thói quen uống trà.

Năm 1333, thời điểm Mạc phủ Kamakura sụp đổ, nhiều cuộc nội chiến đã nổ ra khắp Nhật Bản và dẫn đến sự xuất hiện của tầng lớp quý tộc mới. Lúc này, họ thường tổ chức những buổi tiệc trà Toucha để phô trương sự xa hoa và giàu có của bản thân.

Đây cũng chính là khoảng thời gian mà trà đạo bắt đầu phát triển tại xứ sở hoa anh đào, bắt nguồn từ việc nhà sư Murata Juko tìm thấy điểm chung và tiến hành kết hợp vẻ đẹp của việc uống trà với thiền trong Phật giáo, đây là cơ sở hình thành nên nghệ thuật trà đạo Chanoyu (茶の湯) và Chado (茶道) ngày nay.

Đến thế kỷ XVI, một bước ngoặt quan trọng đã đánh dấu sự chuyển mình của nghệ thuật thưởng trà Nhật Bản. Đó là khi trà sư Senno Rikyu mang trà đạo trở thành một phần quan trọng trong quá trình rèn luyện của các võ sĩ Samurai.

Senno Rikyu đã mang trà đạo hòa vào đời sống văn hóa của các võ sĩ Nhật
Senno Rikyu đã mang trà đạo hòa vào đời sống văn hóa của các võ sĩ Nhật

Oda Nobunaga – người đứng đầu giới võ sĩ Nhật Bản thời Azuchi đã được Senno Rikyu truyền dạy nghệ thuật thưởng trà. Sau khi Nobunaga qua đời, trà sư Rikyu vẫn tiếp tục phổ biến trà đạo cho các thế hệ võ sĩ tiếp theo. 

Tuy nhiên, người có công lớn nhất trong việc hòa trà đạo vào mạch sống hiện đại của người dân xứ sở hoa anh đào là trà sư Furuta Oribe, ông được biết đến với danh xưng bậc thầy trà đạo Nhật Bản.

Trong giai đoạn cuối thế kỉ XVI – đầu thế kỷ XVII, Oribe đã góp nhiều công sức phát triển trà đạo để chúng trở thành nét đẹp văn hóa và tâm linh sâu sắc của con người Nhật Bản đến tận hôm nay.

Những yếu tố góp phần tạo nên nghệ thuật trà đạo Nhật Bản

Là đại diện cho cốt cách và tâm hồn con người Nhật Bản, nghệ thuật trà đạo luôn song hành cùng nhiều yếu tố mang đậm bản sắc văn hóa, vốn chỉ có thể tìm thấy tại đất nước mặt trời mọc.

Từ nguyên liệu đầu vào, không gian thưởng trà cho đến cách thức pha chế, tất cả đều phải tuân thủ các nguyên tắc khắt khe nhằm mang đến cho người thưởng thức những cảm nhận trọn vẹn nhất.

Nguồn nguyên liệu đầu vào 

Lá trà tươi mát được chăm sóc một cách tỉ mỉ luôn là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất, góp phần tạo nên những chén trà đặc biệt thơm ngon trong văn hóa trà đạo Nhật Bản.

Cây trà phải được trồng tại vùng đồi núi ít nắng và tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt trong quá trình chăm sóc. 

Đặc biệt, khoảng thời gian từ 20 – 30 ngày trước lúc thu hoạch, lá trà được sinh trưởng trong bóng râm thông qua việc tiến hành phủ lớp bạt che chắn, hành động này giúp hạn chế vị đắng của trà khi thưởng thức.

Lá trà khi thu hoạch
Lá trà khi thu hoạch

Khi thu hoạch, những lá trà xanh tươi nhất sẽ được tuyển chọn, sau đó loại bỏ phần gân và cuống lá. Đây là cách người dân Nhật Bản thường sử dụng để giữ lại màu xanh cùng dưỡng chất nguyên bản của lá trà.

Thành phẩm được tạo nên từ lá trà gồm có Tencha và Gyokuro, trong đó Tencha là loại lá trà khô và thẳng được dùng làm bột trà xanh (Matcha), Gyokuro là những lá trà xoắn và cong, thường được pha chế để uống trực tiếp.

Trà thất – không gian thưởng trà đậm chất Nhật Bản

Trong văn hóa Nhật Bản, trà thất là một căn nhà nhỏ hoặc gian phòng đơn sơ, ẩn mình trong những khu vườn tĩnh lặng, không gian thanh vắng, vây quanh là khung cảnh thiên nhiên dịu mát với đa dạng sắc màu hoa cỏ.

Con đường dẫn vào trà thất phải bước qua những tảng đá lớn có hình dạng chén trà đang hứng trọn vẹn nguồn nước thanh mát từ ống tre chảy xuống. Tại đây, mọi người thường rửa sạch tay trước khi tiến vào không gian thưởng trà.

Khung cảnh xung quanh trà thất
Khung cảnh xung quanh trà thất

Theo quan niệm Thiền Tông, vẻ đẹp hoàn mỹ là thứ không tuân theo quy luật tự nhiên và đánh mất sự hài hòa với thế giới xung quanh. Bởi lẽ, khi đạt đến ngưỡng toàn bích thì sẽ không còn chỗ cho sự cải tiến và đổi thay được tiếp nối.

Vì thế, trà thất luôn hướng đến sự cân bằng với thiên nhiên, mọi sự hoàn mỹ đều không tồn tại. Trà thất Nhật Bản dẫu thiết kế đôi khi trông thiếu cân đối, chắc chắn nhưng vẫn mang đến cho con người cảm giác vô thường, tĩnh lặng. 

Cách thức pha chế trà trong văn hóa Nhật Bản

Trong văn hóa Nhật Bản, pha trà là một nghệ thuật đòi hỏi sự dụng công, tinh tế và tỉ mỉ của trà nhân. Trà đạo xứ sở hoa anh đào thường sử dụng Chasen và bình kín có nắp đậy làm đạo cụ chính.

Chasen là tên gọi của một loại chổi được người dân Nhật Bản chuyên dùng cho việc đánh trà. Công đoạn pha trà bắt đầu từ việc rây Matcha, sau đó một lượng bột sẽ được cho vào chén để tiến hành dằm và tán thật đều bằng Chasen.

Matcha sau khi dầm kỹ lưỡng sẽ đem hòa tan cùng nước ấm, người Nhật thường không pha trà trực tiếp với nước sôi, vì như thế hương vị thơm ngon và sắc xanh nguyên bản của Matcha sẽ không còn.

Chasen - dụng cụ pha trà truyền thống của Nhật Bản
Chasen – dụng cụ pha trà truyền thống của Nhật Bản

Trong quá trình hòa tan bột trà xanh cùng nước ấm, Chasen tiếp tục được sử dụng để đánh Matcha nhằm tạo nên lớp bọt mịn trên bề mặt. Tuy nhiên, Chasen không thể đánh một cách tùy ý mà phải tuân thủ một số nguyên tắc.

Khi dùng chổi đánh trà phải thực hiện theo hình chữ M hoặc W. Sau khi hoàn tất, Chasen được nhấc ra theo chiều thẳng đứng để tránh làm hỏng lớp bọt mịn.

Nếu Chasen là cách thức dành cho những người am hiểu trà đạo thì pha trà bằng bình kín có nắp đậy là phương pháp mà bất kỳ ai cũng có thể áp dụng. Chỉ cần cho một lượng trà vừa đủ cùng tỷ lệ nước ấm thích hợp, đậy kín và lắc đều đến khi trà tan hết là có thể thưởng thức ngay lập tức.

Pha trà với nước ấm
Pha trà với nước ấm

Bên cạnh đó, tùy vào loại trà được sử dụng mà cách thức pha cũng có nhiều khác biệt. Đơn cử, Matcha thường có hai loại, đó là trà đặc Koicha và trà loãng Usucha.

Đối với Koicha, mỗi lần pha chỉ dùng khoảng 30 – 40 ml nước, trạng thái hoàn hảo nhất là lúc trà sánh mịn như lụa. Mùi hương ngọt dịu hòa cùng chút đắng nhẹ lan tỏa trong vòm miệng luôn làm say đắm bất cứ ai có dịp thưởng thức.

Trong khi đó, để có được tách trà Usacha thanh mát, cách thức thực hiện lại đơn giản hơn nhiều so với Koicha khi chỉ cần cho lượng nhỏ bột trà xanh hòa cùng nước ấm. 

Điểm đặc biệt của Usacha nằm ở lớp bọt trên bề mặt, bọt mịn không chỉ chứng tỏ chất lượng Matcha tốt mà còn cho thấy tay nghề của trà nhân rất điêu luyện.

Một số lưu ý khi thưởng thức trà đạo Nhật Bản

Trong văn hóa trà đạo, người thưởng trà thường mặc Kimono, tránh các trang phục sặc sỡ và chỉ nên lựa chọn những màu sắc trung tính, càng đơn giản càng thanh lịch. Đặc biệt, phụ nữ không được phép mặc váy ngắn và đàn ông phải đi tất trắng.

Bên cạnh đó, khi thưởng trà mọi người được yêu cầu không mang theo các vật dụng kim loại trên người vì chúng sẽ ảnh hưởng đến hương vị thơm ngon vốn có.

Hình ảnh buổi thưởng trà từ xa xưa
Hình ảnh buổi thưởng trà từ xa xưa

Ngoài ra, việc sử dụng nước hoa với hương thơm nồng nàn cũng là điều cấm kỵ. Bởi lẽ, mỗi loại trà mang một hương vị riêng biệt, việc sử dụng nước hoa với lượng vừa phải sẽ giúp ta cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của nghệ thuật trà đạo với đầy đủ giác quan.

Ý nghĩa ẩn sâu trong văn hóa trà đạo Nhật Bản

Mỗi khoảnh khắc chỉ xảy ra một lần trong đời vốn là nguyên tắc sống của con người Nhật Bản từ xưa đến nay. Nghệ thuật trà đạo thể hiện rõ nét điều này, đó là khi tất cả tinh hoa của thiên nhiên cùng tâm hồn con người hội tụ trong một khoảnh khắc.

Ngày nay, trà đạo không chỉ là nguyên tắc thưởng trà mà còn cho thấy một phong cách sống, một con đường rèn luyện cốt cách ngày càng thu hút nhiều người học tập. Trong đó, Hòa – Kính – Thanh – Tịnh, bốn yếu tố cơ bản đã tạo nên sự thanh cao của văn hóa trà đạo Nhật Bản là điều mà ai cũng phải nằm lòng.

Nghệ thuật trà đạo - nét đẹp văn hóa hài hòa của con người Nhật Bản
Nghệ thuật trà đạo – nét đẹp văn hóa hài hòa của con người Nhật Bản

Hiểu đơn giản, Hòa là sự hòa hợp giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên. Kính là lòng tôn kính, sự trân trọng với những giá trị xưa và nay, lòng biết ơn và sự tôn kính là chìa khóa kết nối tâm hồn con người với vạn vật xung quanh.

Sống với lòng tôn kính và trân quý, con người sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của sự thanh khiết và cái tâm thánh thiện, sự khiêm nhường và trong sạch sẽ giúp ta tiến xa hơn với con đường mình đã chọn.

Hòa – Kính – Thanh hội tụ đầy đủ cũng là khi chữ Tịnh xuất hiện. Lúc này, con người sẽ cảm nhận được sự hòa hợp tột đỉnh với thiên nhiên từ sâu bên trong tâm hồn.

Diệu Ngô