Never let me go là một bài học nhân sinh sâu sắc và ám ảnh về những người nhân bản khát khao sự sống từ tay con người, không cần phải đến trăm tuổi, không cần phải già đi, cái họ muốn chỉ là được sống thêm vài năm nữa để yêu và được yêu, điều mà cả cuộc đời họ luôn hướng đến.
Cuốn sách còn là một bản án tố cáo sự tàn độc của khoa học khi nhân danh bảo vệ sự sống con người mà hủy hoại đi giá trị cốt lõi của nhân sinh, đồng thời Never let me go cũng là cái nhìn bế tắc về mơ ước của những người nhân bản bị tước đoạt đi các quyền cơ bản của con người.
Never let me go và cái nhìn bế tắc cho những số phận được định sẵn cái chết
Tiểu thuyết là câu chuyện xoay quanh về cuộc đời của ba người Kathy, Ruth và Tommy tại ngôi trường Hailsam, nơi được xem là một cơ sở nội trú bí mật để nuôi dưỡng những người nhân bản với số phận được định sẵn là sinh ra để chết thay cho người khác.
Những đứa trẻ trong các ngôi trường ấy bị triệt sản hoàn toàn và sống trong những tháng ngày chờ đợi cái chết đến với mình, khi bản thân phải hiến tặng nội tạng cho con người để thay họ hứng chịu lưỡi hái tử thần.
Có những đứa trẻ chỉ sau lần đầu hiến tặng đã phải từ giã cõi đời, một số khác nếu vượt qua được lần thứ nhất sẽ sống trong một cơ thể không trọn vẹn để chờ đến những cuộc phẫu thuật sau, đó là tấn bi kịch của một lớp người bị chính đồng loại của mình giết chết.
Điều khiến cho Hailsam trở nên đặc biệt so với với những ngôi trường khác có cùng bản chất là sự quan tâm và yêu thương của giáo viên, họ cho những đứa trẻ ấy cảm nhận được tình yêu và để chúng sống thật vui vẻ trong quãng đời ít ỏi của mình.
Nhưng chính điều đó đã khơi nguồn nên khát vọng được sống và được yêu của ba trong số nhiều đứa trẻ ở Hailsam, là Kathy, Ruth và Tommy, họ mong cầu sự sống, dù chỉ là là sống thêm vài năm ít ỏi bên người mình yêu thương trước khi chìm vào giấc ngủ sâu trên bàn phẫu thuật.
Kathy, Ruth và Tommy cùng nhau lớn lên, cùng khát khao và cùng vùng vẫy để thoát ra khỏi hiện thực cay nghiệt nhưng tất cả đều mệt mỏi và kiệt quệ sau những lần hiến tặng, sự sống cạn dần đi theo tia sáng của hy vọng, không có một cái kết có hậu nào cho những mơ ước và khát khao.
Câu chuyện là một cái nhìn bế tắc về tương lai của con người nhân bản, khi yêu thương không cách nào thực hiện trọn vẹn bởi những lo sợ về mùi thuốc khử trùng cùng dao mổ trong căn phòng phẫu thuật trắng toát sẽ cướp đi sinh mạng của mình vào một ngày nào đó không xa.
Dù ba người có phản kháng hay trốn chạy thế nào cũng chẳng thoát được khỏi bàn tay của những chuyên gia cái chết, cuối cùng cả ba đều phải cam chịu quẩn quanh trong số phận đã được sắp đặt sẵn bởi đồng loại của mình, tất cả rồi sẽ chỉ còn là những cái tên vô hồn in trên giấy.
Khúc bi ca về những khát vọng lụi tàn trên bàn mổ của những con người nhân bản
Mạch văn của Never let me go không nhanh không chậm, nhẹ nhàng đưa người đọc đi khám phá những bí mật động trời, vén lên bức màn y đức để phô bày một thực tại đáng ghê tởm, toàn bộ câu chuyện được thể hiện rõ nét qua lăng kính của Kathy, một con người nhân bản đang chết mòn.
Kathy, Tommy và Ruth là những người bạn thân thiết từ thuở bé, Kathy đem lòng yêu cậu bạn của mình là Tommy từ thời niên thiếu nhưng đau lòng nhận ra người mình thích bấy lâu đã yêu Ruth.
Từ tình bạn, họ bắt đầu chuyển sang tình yêu nhưng dù trong vai trò nào thì sự quan tâm của ba người dành cho nhau vẫn chưa từng thay đổi, đó là những lời ủi an vực dậy tinh thần của nhau trong những lúc khốn cùng, thắp sáng hy vọng cho nhau vào những thời khắc đối phương tuyệt vọng.
Rồi Tommy và Ruth cùng nhau rời đi khỏi chốn cũ, chỉ còn mình Kathy ôm theo mối tình đơn phương ở lại bên những nỗi lo. Những dòng văn êm đềm mang theo một nỗi buồn u hoài trong lòng nhân vật, những nỗi niềm không cách nào giãi bày, những mơ ước chẳng thể vẹn tròn.
Tiếp theo diễn biến câu chuyện, Ruth ra đi sau lần hiến tạng thứ hai cùng những ân hận vì đã ngăn cách tình yêu hai người bạn của mình, Tommy quay trở về tìm lại Kathy và cả hai quyết định đến với nhau.
Tommy bây giờ đã trải qua lần hiến tạng thứ hai, mệt mỏi và xơ xác. Họ mang theo hy vọng tìm đến những nhà khoa học với mong muốn có thể trì hoãn lần hiến tạng tiếp theo thêm vài năm nữa, ban đầu là ba năm, rồi hai năm hay thậm chí là một năm cũng đủ nguôi ngoai khát khao của họ.
Nhưng những mong muốn của hai người bị chối bỏ phũ phàng, Tommy đã ra đi sau lần hiến tạng thứ tư với yêu thương dành cho Kathy, còn cô gái cuối cùng ở lại với những chuỗi ngày đợi chờ cái chết trong đau đớn.
Hiện thực mà những con người nhân bản đang trải qua quá khắc nghiệt, tình yêu và lý tưởng là thứ không nên xuất hiện trong tâm tưởng của họ, điều ấy chỉ khiến họ càng trở nên đau khổ hơn, cả về quá khứ lẫn tương lai.
Never let me go và giá trị cốt lõi của nhân sinh đang bị sự tàn độc của khoa học bóp méo
Mong muốn một sự sống trường tồn với thời gian luôn là khát khao lớn nhất của con người, vì vậy khi khoa học phát triển, nhiều biện pháp được đưa ra thực hiện nhằm lôi kéo sự sống cho người, cứu thoát những thân xác đang dần mục ruỗng vì các căn bệnh nan y do tử thần đưa tới.
Vậy nên việc tạo ra những con người nhân bản và sử dụng họ như công cụ để níu kéo sự sống trong bối cảnh ấy được xem là một chuyện vĩ đại, còn có thể gọi là sáng tạo sự sống cho loài người.
Một nguồn nội tạng khổng lồ luôn có sẵn để chu cấp cho bất cứ con người nào có nhu cầu, đa phần những người được hiến tạng chỉ quan tâm đến việc họ có được cứu sống hay không chứ chưa từng để ý đến người hiến là ai.
Phải chăng điều ấy đã quá tàn độc với những người nhân bản? Khi mà những đứa trẻ được tạo ra từ cái nôi khoa học, không có cha mẹ, không còn khả năng sinh sản và chỉ được dạy để an phận chờ đến ngày thực hiện sứ mệnh cao cả của những chuyên gia về cái chết là cứu sống con người.
Không có gì đáng nói nếu những người nhân bản ấy chỉ là những cỗ máy vô hồn nhưng họ cũng là người, họ có tri giác và luôn cảm nhận được tình yêu thương. Những con người ấy cũng khát khao được sống và thực hiện ước mơ của mình.
Việc giẫm đạp lên sinh mệnh, khao khát và ngoảnh mặt làm ngơ trước sự mong cầu được sống của những người nhân bản liệu có phải là một hành động ý nghĩa và vĩ đại hay chỉ là cái cớ để ngụy biện cho sự tham lam cùng tàn độc tận sâu trong tâm trí loài người?
Những nhà khoa học được nhân loại ca tụng là vĩ đại, được mệnh danh là chuyên gia của cái chết ấy đang nhân danh bảo vệ sự sống để bóp méo đi giá trị cốt lõi của nhân sinh nhằm thỏa mãn sự tham lam về giấc mơ trường sinh bất tử của loài người.
Hành động ấy đưa đến cho người đọc những nỗi hoài nghi, đâu mới là ranh giới đạo đức của khoa học?
Never let me go là hành trình đi trả lời những câu hỏi được tác giả đặt ra, rằng chúng ta rốt cuộc là ai? Ai mới thực sự là con người? Ai mới có thể khát cầu sự sống và mưu cầu hạnh phúc?
Thế giới ảm đạm nhuốm đầy tính nhân văn được kiến tạo bởi nhà văn Kazuo Ishiguro
Ông là một nhà văn Anh gốc Nhật tài giỏi đã nhận được giải thưởng Nobel vào năm 2017, tên tuổi của nhà văn gắn liền với hai tiểu thuyết lớn là The Remains of the Day và Never Let Me Go, những tác phẩm này đã mang lại cho Kazuo thành công tầm cỡ thế giới.
Trong những trang văn của Ishiguro luôn tồn tại những mối quan hoài thường trực về bản chất của con người, như ông từng chia sẻ:
“Tôi muốn khảo sát xem con người thay đổi ra sao dưới áp lực to lớn của xã hội. Vì như thường thấy, nếu không phải là một tính cách nổi trội đặc biệt, thì con người thường đi theo bầy đàn một cách vô thức.”
Và cả Never let me go cũng không ngoại lệ, tiểu thuyết là một câu hỏi lớn mà ông đặt ra cho loài người, liệu rằng đâu mới thực sự là câu trả lời chính xác cho những hoài nghi được đặt ra, đâu mới là bộ mặt đạo đức thực sự của khoa học?
Không quá bất ngờ khi Never let me go trở thành một trong những thành công lớn nhất của Ishiguro, tuy là tiểu thuyết giả tưởng nhưng không khiến con người xa rời thực tại, ngược lại còn khiến người đọc cảm nhận chân thật những xúc cảm mà nhân vật đang trải qua.
Cả tác phẩm không có những giây phút hào hùng của những người đứng lên đòi lại công lý, cũng không có đấu tranh bùng nổ, đó chỉ là sự chịu đựng âm thầm và ý thức phản kháng chớm nở trong thầm lặng rồi cũng lụi tàn theo khắc nghiệt thực tế.
Đến cuối cùng, không có một công lý nào được đặt ra trong tác phẩm mà công lý chính là nằm ở trong cảm nhận người đọc, rốt cuộc những người nhân bản kia có quyền được sống như một con người hay không là câu trả lời riêng của mỗi độc giả.
Cuốn tiểu thuyết không áp đặt một định kiến nào lên người đọc nhưng thông qua câu chuyện đầy khổ đau của ba nhân vật, có lẽ tác giả đã phần nào truyền tải được hết thông điệp mà mình muốn gửi gắm trong tác phẩm.
Never let me go còn được chuyển thể thành phim chính kịch cùng tên được Mark Romanek đạo diễn từ kịch bản của Alex Garland, bộ phim đã lấy đi nước mắt của rất nhiều khán giả bởi câu chuyện cảm động mà bi đát cũng như sự phẫn uất trước cái tàn độc của khoa học.
Sau tất cả, dù xét về nội dung hay nghệ thuật thì Never let me go vẫn rất xứng đáng là tiểu thuyết dẫn đầu cho chủ đề nhân bản, nếu bạn đang có những băn khoăn về giá trị cốt lõi của nhân sinh thì đây sẽ là một cuốn sách thích hợp.
Diệu Uyển
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất