“Đây là bus bao nhiêu con nhỉ?”
“Là bus 49 ạ!”
“Bus 49 đi đến đâu nhỉ?”
“Đi đến trường con ạ! Qua 8 điểm nữa rồi sang đường đi bộ một tí là đến.”
“Đúng rồi, con của mẹ giỏi lắm.”
Nói rồi chị lại thưởng cho nó một cái thơm vào má, thằng bé thích cười khanh khách.
Nó được cái xinh trai, gương mặt sáng sủa toát lên sự thông minh mà hiếm đứa trẻ nào bằng tuổi có được. Chị hỏi xe bus này đi đâu, về đâu, muốn đi về nhà hay đi học thì bắt xe nào, nó đều trả lời vanh vách.
Tất cả là nhờ chị kiên trì dạy bảo nó bấy lâu nay. Cái bến bus đìu hiu chỗ tôi bỗng chốc trở nên vui tươi đến lạ mỗi khi mẹ con nhà chị tới.
Tôi thấy người ta nhìn nhà chị, có người cười trong ánh mắt, có người lại tỏ rõ vẻ ngưỡng mộ một gia đình hạnh phúc như trong mơ. Với họ, ai ai nhìn vào cũng tưởng mẹ con nhà chị đang hạnh phúc. Nhưng đó chỉ là bề nổi của một câu chuyện buồn mà một lần tôi được nghe chị kể chính tại điểm bus này.
12 năm trước, chị bỏ xứ đi với một người đàn ông lên Hà Nội sau khi bố mẹ không đồng ý cho hai người đến với nhau. Hôm đó mẹ chị tuyên bố:
“Nếu mày mà đi thì tao coi như không có đứa con như mày, sống chết ra sao đừng có vác mặt về làm khổ cái nhà này thêm nữa!”
Thế mà chị cũng đáp lại không nửa giây suy nghĩ:
“Tôi cũng không có người mẹ như bà, con gái muốn lấy người nó yêu cũng không cho, người đâu mà ác như thú!”
Mẹ chị sốc nặng. Bà cứ nghĩ con gái mình là đứa ngoan ngoãn, nết na. Nào đâu hôm nay nó lại dám láo với bà như thế. Bà chửi, bà mắng mà trong tâm đang thương đứa nhỏ khờ dại của mình vô cùng. Nhưng sức bà yếu, cuối cùng bà cũng phải khụy người xuống mà van nài chị đừng đi.
Bà nói chị theo thằng đó sẽ khổ cả đời nhưng chị chẳng chịu nghe lấy. Chị phăm phăm khăn gói bước đi theo người ta chỉ vì tin vào lời hứa hẹn viển vông sau một lần vụng dại với họ.
Chị nghĩ đời mình như ván đã đóng thuyền, họ phóng lao thì mình cũng phải chạy theo, mặc dù chẳng biết sẽ đi về đâu. Nhưng chị luôn tin, tình yêu dành cho họ đủ lớn thì chẳng lo họ sẽ bội bạc lại với mình.
Hai người lên thành phố, thuê một căn phòng trọ nhỏ. Mua sắm xong vài thứ đồ lặt vặt trong nhà cũng chỉ còn vài đồng. Bữa cơm đầu tiên của hai vợ chồng nhà chị là rau luộc và hai quả trứng rán. Tuy đạm bạc mà chị cảm thấy hạnh phúc vì có anh ở bên.
Anh nói chị ở nhà chăm cho cái “tổ chim” nhỏ còn đâu để anh lo, chị gật đầu. Ngày hôm sau anh về nhà ướt đẫm mồ hôi cùng vai áo sờn rách. Tối nằm ôm chị anh còn thủ thỉ rất nhiều, anh nói theo anh là chị khổ đủ điều, anh nói thương chị anh dành cả đời này chắc cũng chẳng đủ.
Chị nằm trong vòng tay anh, những giọt nước mắt hạnh phúc lăn trên má, thấm lên chiếc gối đôi uyên ương vẫn còn vương mùi vải mới.
Hai vợ chồng họ cứ như vậy cùng bên nhau vượt qua những tháng ngày khó khăn để rồi cũng đến ngày đủ đầy. Anh chị chuyển đến một căn nhà rộng hơn, đẹp hơn. Anh giờ đã có công việc ổn định không còn phải đi sớm về khuya. Còn chị cũng có một shop quần áo online nhỏ cho riêng mình.
Bữa cơm của anh chị giờ không còn là trứng rán rau luộc mà thay vào là những món ngon trước kia chị chỉ dám mơ đến. Bấy giờ anh chị mới quyết định sinh con vì hai người không muốn nó sinh ra phải chịu cảnh khổ cực như ba mẹ nó đã từng.
“Thằng cu lúc đẻ ra bụ bẫm lắm em à, tận 3 cân 8. Cả phòng ai cũng khen nó sau này có tướng làm to. Nó có cái mắt giống bố, cái mũi giống bố, cái miệng cũng của…”
Giọng chị như bị đứt quãng, dường như chị nhận ra chị vẫn nhớ người đàn ông bội bạc đó quá nhiều. Mỗi khi nhắc đến chồng, chị không khỏi nấc nghẹn lên vì những cơn đau năm ấy lại ùa về.
Chị nói sau khi có nó xong anh hay về nhà muộn, có khi còn say khướt. Chị cứ tin là anh bận tiếp khách nhưng có lần chị thấy người anh nồng nặc mùi nước hoa phụ nữ. Chị đã bán tính bán nghi nhưng không nói gì.
Và những lần sau vẫn là mùi nước hoa đó vương trên áo anh mỗi đêm muộn say khướt.
Chị bắt đầu theo dõi anh và khi thấy sự thật, chị đã ngã khụy xuống. Chị chợt nhớ ngày xưa lúc chị đi, mẹ chị cũng ngã xuống như vậy. Bà cũng bảo lấy anh ta đời chị sẽ khổ mà chị không nghe.
Giờ chị ngồi đây lắng nghe người mình gọi là chồng đang kêu tên ai khác trong cơn hoang lạc. Nước mắt chảy dài nhưng miệng vẫn mím chặt để giữ cơn đau không bật ra nuốt chửng tất cả.
Chị còn con, còn muốn níu giữ hạnh phúc. Dù chắp vá nhưng nhà có nóc vẫn hơn.
Anh về, chị có hỏi chuyện nhưng anh lý do chối bay chối biến, chỉ đến khi chị mang bằng chứng ra thì anh mới hết cãi. Chị khóc rưng rức, chỉ tưởng anh sẽ xin lỗi mong chị tha thứ nhưng không. Anh bỏ nhà đi với người kia cả tháng trời và sau đó quay lại với tờ giấy ly hôn.
Hạnh phúc gia đình kết thúc bởi hai chữ ký vội, chị được quyền nuôi con không cần tranh chấp còn căn nhà anh ta đón người phụ nữ kia về ở cùng.
“Xưa khi còn trứng rán rau luộc, anh nói yêu anh chị khổ nhiều. Giờ đủ đầy các thứ thì chị hiểu rồi.” – Câu nói của chị khiến tôi nhói lòng.
“Không phải đâu chị, là anh không biết trân trọng những thứ hai người đã từng. Trứng rán với rau luộc còn yêu nhau mà giờ đủ đầy lại yêu người khác, em nghĩ ông ta không phải người xứng đáng với chị rồi.”
“Ừ, không xứng đáng thì cũng từng là chồng chị. Giờ nhìn lại chị cũng thấy may khi năm ấy ly hôn anh”
“Sao lại may ạ?” – Tôi thắc mắc.
“Vì sau đó chị thấy không khỏe có đi khám bệnh, người ta bảo chị bị ung thư. Chị mà sống hạnh phúc bên anh dài lâu thì anh sẽ khổ vì chị nhiều lắm. Giờ nghĩ lại, cũng thấy may em ạ” – Chị cười, ánh mắt có chút gì đó cay đỏ lên.
Tôi bàng hoàng, cái bệnh ung thư mà chị nói nhẹ như không. Ấy vậy chị vẫn còn nghĩ cho người đàn ông đã phản bội chị.
“Bác sĩ bảo chị còn sống được mấy năm nữa thôi nên là dạy bảo nó được cái gì thì chị dạy, sau này nó sẽ bớt khổ hơn. Chị cũng từng định đưa nó về cho bố mẹ chị nuôi nhưng nghĩ lại chuyện ngày xưa chị chẳng còn mặt mũi nào.
Bố mẹ chị cũng già lắm rồi, chị cũng không muốn hai người khổ thêm nhiều nữa. Chị tính rồi, sau này chị mất, chị sẽ gửi nó vào một chùa nào đó để các sư thầy dạy bảo cho phải. Còn tiền chị tích góp được từ giờ đến lúc đó, một phần gửi chùa, một phần gửi tiết kiệm để dành cho nó em ạ. Em thấy thế có được không?”
Tôi chẳng biết nói gì nữa, trước mắt tôi là một người phụ nữ trải qua biết bao nhiêu gian khổ của cuộc sống, giờ không còn sống được lâu mà đứa con vẫn còn ngây dại. Tôi thấy chị nói mọi thứ cứ nhẹ nhàng như không.
Có lẽ chị cũng từng khóc rất nhiều, khóc đến cạn nước mắt hoặc giờ chị biết mình còn phải mạnh mẽ nốt quãng đời còn lại để nuôi con. Nhưng dù có như thế nào, tôi vẫn thấy phục và thương chị. Người phụ nữ sao họ có thể chịu đựng được tất cả những điều kinh khủng đến như thế mà không lấy một lời oán trách người đàn ông bội bạc, không lấy một chút yếu mềm trước mặt con.
Chị vẫn vui vẻ, vẫn cười đùa với nó như chẳng hề có chuyện gì xảy ra. Người ngoài nhìn vào có thể cười nhưng tôi nhìn mẹ con chị mà sao day dứt. Cuộc sống liệu có phải bất công quá không? Sao con người ta có thể đối xử với nhau phũ phàng đến như vậy?
Đứa bé kia sau này sẽ lớn lên không mẹ không cha, tôi vừa mong nó hiểu mẹ nó đã vất vả một đời như thế nào. Để nó biết một người đàn ông tốt phải biết trân trọng người phụ nữ đã cùng đi với mình qua những ngày gian khó.
Nó sau này sẽ là người con trai tốt, tôi hy vọng là vậy.
Rồi xe bus cũng đến, tôi chen chân cùng bao người để tìm một chỗ đứng cho thoải mái.
Bác tài đóng cửa xe, những chiếc bánh dần quay đưa tôi đi ngày một xa nơi hai mẹ con chị vẫn đang cười nói. Không biết sau này họ sẽ đi đâu về đâu, tôi chỉ thấy bỗng nhiên bây giờ thành phố ngột ngạt quá.
Tôi tự ôm lấy mình, hình như mấy nay Hà Nội đang trở lạnh dần. Một chiếc áo mỏng chẳng còn đủ làm con người ta thoải mái. Có lẽ tôi sẽ mặc thêm một chiếc sơ mi thay vì bỏ nó đi như bao ngày vào lạnh khác. Vì chiếc áo mỏng cũng cần có người mặc, dù là đêm đông hay ngày nắng.
Xuyen Cao | Gửi từ group Hall of Dreamers
Hall of Dreamers
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất