Mộ đom đóm là bộ phim hoạt hình Nhật Bản ra mắt năm 1988, được sản xuất bởi hãng phim Ghibli nổi tiếng. Phim kể về cuộc đời ngắn ngủi và đầy bất hạnh của hai anh em Seita và Setsuko, phải tự xoay sở để sống sót qua thời chiến khắc nghiệt.
Lấy bối cảnh đất nước Nhật Bản trong những năm cuối Thế chiến thứ hai khi bị quân đội Mỹ áp đảo, Mộ đom đóm đã vạch trần tội ác của chiến tranh và để lại trong lòng người xem bao day dứt, đau thương khi chứng kiến cảnh nước mất nhà tan của những kiếp người nhỏ bé.
Trailer của bộ phim Mộ đom đóm
Đây được xem là một trong những bộ phim phản chiến thành công nhất của điện ảnh thế giới khi mang lại cho khán giả một cái nhìn chân thực về bi kịch của những người đã từng sống và hy sinh trong khói lửa đạn bom.
Cốt truyện được xây dựng theo mô-típ quay ngược thời gian của Mộ đom đóm
Mở đầu bộ phim Mộ đom đóm là lời tự sự của một chàng trai trẻ về cái chết của chính mình, lời nói ấy nghe vô cùng bình thản nhưng lại đánh thẳng vào nội tâm của người xem, như dự đoán về một câu chuyện có kết cục bi thương.
“Ngày 21 tháng 9 năm 1945, đó là đêm mà tôi đã chết.” – Seita
Chàng trai trong bộ quân phục thời chiến bắt đầu hồi tưởng về những ngày tháng cuối đời của mình, khi anh đang nằm thoi thóp trong sân ga trước ánh mắt thờ ơ và thậm chí là ghê tởm của người qua đường.
Có lẽ chính cảnh lầm than, khổ cực trong thời chiến đã khiến con người ta quên đi tình yêu thương đồng bào của mình, chứng kiến những kẻ vô gia cư nằm vạ vật khắp nơi khi đất nước rơi vào loạn lạc khiến họ cảm thấy bẽ bàng với quân Mỹ và dường như một chút tình người giờ đây cũng không còn tồn tại.
Những lời mắng mỏ cùng hành động né tránh của hành khách xung quanh như thể sợ hãi một loại mầm bệnh nào đó không may dính vào người như hàng ngàn mũi tên đâm vào thân thể vốn đã vô lực của những người nghèo khổ nơi ga tàu.
Người nhân viên quét dọn vệ sinh thường thu dọn đống xác khô của những kẻ vô gia cư khi không còn chống đỡ được nữa trước cơn đói rét chỉ có thể tặc lưỡi lại gần và xem xét cậu bé gầy còm, rách rưới đang cuộn tròn thoi thóp.
Sau một hồi lục lọi, ông ta chỉ tìm thấy một hộp kẹo trái cây cũ kĩ và bẩn thỉu trong túi cậu bé và đã vô tình ném nó đi, nhưng bất ngờ thay điều kì diệu đã xuất hiện ở nơi chiếc hộp rơi xuống khi hàng ngàn con đom đóm bay lên soi tỏ đêm tối mịt mù.
Hình ảnh ấy đẹp đến mức có thể khiến người xem vô thức rơi nước mắt, từng đàn đom đóm nhấp nháy như một điểm sáng làm dịu đi tâm trạng căng thẳng suốt những thước phim mở đầu đầy bi thương.
Từ những chấm sáng lập lòe ấy xuất hiện một cô bé nhỏ xinh như thiên thần, cô bé ngơ ngác nhìn những sinh vật diệu kỳ bay xung quanh rồi giật mình khi thấy anh trai mình đang gục ngã trước mắt.
Một bàn tay đã ngăn cô bé lại khi em muốn chạy đến bên anh và người ấy không ai khác chính là người anh trai với một thân thể lành lặn, khác hoàn toàn với người đang không còn sức sống nằm trong kia.
Thì ra suốt cả chặng đường chàng trai mặc quân phục ấy vẫn luôn chứng kiến tất cả, anh lặng lẽ nhìn sinh mệnh bản thân đang dần trôi tuột đi và chấp nhận sự thật rằng mình đã không còn trên thế gian này nữa.
Người anh trai chỉ quay về để đón cô em gái nhỏ đến một thế giới khác tốt đẹp hơn, nơi không còn tiếng bom đạn mà tràn ngập ánh sáng của tự do và là nơi hai anh em sẽ có cuộc sống mới ấm no bên mẹ mình.
Hai anh em cùng nhau bước lên chuyến tàu về lại quá khứ một lần cuối, sự tĩnh lặng và bình yên trên chuyến tàu ấy hoàn toàn đối lập với sự ác liệt, tàn nhẫn của chiến tranh ở bên ngoài.
Có lẽ những phân cảnh mở đầu đã phần nào báo trước cho khán giả đoạn kết đau lòng, xuyên suốt hơn một tiếng rưỡi của bộ phim Mộ đom đóm hẳn ai cũng đều khắc khoải lo lắng cho số phận của hai đứa nhỏ đáng thương.
Từng khung cảnh quay ngược thời gian trên chuyến tàu của hai anh em như những thước phim đầy ảm đạm hiện lên trước mắt khán giả, đầu tiên là cảnh gia đình Seita và Setsuko vội vàng thu dọn đồ đạc để tháo chạy vào hầm trú ẩn dưới làn mưa bom bão đạn của Đế quốc Mỹ.
Seita để mẹ đến nơi tập trung trước, còn mình thì ở lại kiểm tra lần cuối rồi mới đưa em gái đi sau. Cô bé Setsuko lúc ấy vẫn là một đứa trẻ vô lo nên chưa hiểu được sự khốc liệt của chiến tranh cũng như không biết rằng lần tạm biệt ấy lại chính là khoảnh khắc cuối cùng được nhìn thấy mẹ mỉm cười.
Chiến tranh đã gây nên bao cái chết đau thương, đến mức chỉ cần nghe đến danh từ đó thôi cũng đủ khiến chúng ta rùng mình. Bao nhiêu gia đình đầm ấm bị chia rẽ, bao nhiêu mảnh đời vô tội mất đi người thân và hai anh em trong Mộ đom đóm cũng không phải ngoại lệ.
Seita đã vô cùng hoảng loạn khi nghe tin mẹ mình gặp nạn và bàng hoàng hơn khi nhìn thấy bà một thân bị phỏng quấn đầy băng trắng, rồi anh lại chết lặng khi biết rằng mẹ không qua khỏi cơn đau đớn này.
Sau sự mất mát tột cùng này, Seita đã tự nhủ bản thân phải mạnh mẽ để trở thành chỗ dựa vững chắc cho em gái trong tương lai vì giờ đây chỉ còn anh là người thân duy nhất bên cạnh cô bé.
Hình ảnh người mẹ xuất hiện chớp nhoáng trong bộ phim chính là một cú sốc tạo ấn tượng mạnh, từ gương mặt mỉm cười khi nói lời tạm biệt đến hai người con cho đến hình ảnh đầy đau đớn khi nằm trên cáng cứu thương đều như khắc sâu vào tâm trí của khán giả và đẩy cảm xúc đến cao trào.
Đây là dụng ý của đạo diễn khi ông muốn lên tiếng vạch trần tội ác của chiến tranh với thông điệp: trong khói lửa đạn bom thì mạng người cũng chỉ như cỏ rác.
Vượt qua cú sốc mất người thân, Seita và Setsuko buộc phải trở nên mạnh mẽ hơn để tiếp tục sống và đương đầu với những gian truân.
Mộ đom đóm đã kể lại cuộc hành trình đầy vất vả của hai anh em, khiến khán giả nhiều lúc nghẹn lòng trước những bất công của cuộc đời đang bủa vây những đứa trẻ còn non dại.
Tình yêu thương và sự hy sinh thầm lặng của những đứa trẻ thời chiến
Mộ đom đóm là câu chuyện về tình yêu thương của hai anh em Seita và Setsuko, họ luôn cố gắng giành cho nhau những điều tốt đẹp nhất khi thiếu thốn hơi ấm của mẹ và vòng tay vững chắc của cha đang chiến đấu nơi chiến trường.
Trong mắt Seita, em gái Setsuko còn quá nhỏ để phải chịu đựng những mất mát của cuộc đời, nhất là sau khi mất mẹ thì anh càng thương em gái nhiều hơn nữa.
Khi thì Seita cõng Setsuko trên vai và dỗ dành em bằng hộp kẹo trái cây luôn mang bên người, khi thì giành giật từng miếng ăn cho người em gái đáng thương, tuy nhiên dù bất kì hoàn cảnh nào thì hai anh em cũng đều ở bên cạnh nhau mọi nơi mọi lúc.
Trong thời buổi đất nước khó khăn, dù hai đứa nhỏ được ở nhờ nhà người họ hàng xa nhưng lương thực trong gia đình cũng đã dần cạn kiệt.
Hoàn cảnh túng quẫn đến mức ngay cả bộ kimono là tài sản cuối cùng của mẹ cũng bị người dì đem bán đi, trong lòng Seita lúc ấy tràn đầy day dứt và mặc cảm tội lỗi.
Thân là những đứa nhóc phải nương nhờ họ hàng, Seita và Setsuko luôn bị dì rầy la và đối xử bất công hơn những đứa con trong nhà. Bất bình trước hành động ích kỷ ấy nên anh đã quyết định sẽ cùng Setsuko nấu ăn riêng để em có thể có được những bữa ăn đủ chất.
Lúc bấy giờ người ta chỉ biết lo cho bản thân đủ sống qua ngày chứ làm gì còn thời gian mà quan tâm đến kẻ khác, sự nghèo đói càng khiến con người bộc lộ ra những bản chất xấu xa nhất của mình.
Không thể chịu nổi cuộc sống đầy miệt thị và lòng tự trọng bị xem nhẹ, Seita đã quyết định đưa em gái ra ngoài tự lập. Dù chỉ là một cậu bé mới lớn nhưng anh đã biết sắm sửa cho gia đình và thay mẹ chăm sóc Setsuko vô cùng ân cần.
Từ một cô bé ham chơi và trẻ con, Setsuko càng lúc càng trở nên hiểu chuyện hơn và thậm chí còn biết giúp đỡ anh trong những công việc lặt vặt vì em hiểu được sự vất vả của anh trai mình.
Điều đọng lại nhiều nhất trong lòng mỗi khán giả sau khi bộ phim kết thúc có lẽ là tiếng cười trong trẻo của Setsuko trong những tháng ngày được cùng anh trai nô đùa vui vẻ.
Tuy nhiên đan xen với những âm điệu hạnh phúc ấy là từng tiếng khóc nghẹn ngào khi lần đầu tiên em phải đối mặt với khó khăn.
Cô bé ngây thơ luôn thích khám phá mọi thứ xung quanh và có thể dành cả ngày để vui chơi giờ đây càng lúc càng trở nên trầm tĩnh, cơn đói đã làm em không còn sức để nói chuyện và nô đùa.
Càng về cuối phim thì tiếng cười giòn tan của em cũng dần biến mất, thay vào đó là từng tiếng khóc òa cho đến khi tắt lịm.
Em đã yếu đến mức nhiều lần ngất xỉu giữa cánh đồng và nhầm tưởng cục đá ven đường là đồ ăn, phần cảnh này đã lấy đi nước mắt của tất cả khán giả ngồi trước màn hình.
Cuộc sống của hai anh em trong Mộ đom đóm đã khắc họa vô cùng rõ nét sự thiếu thốn và những bất công của trẻ em Nhật Bản trong chiến tranh.
Rất nhiều những mảnh đời bất hạnh đều đang chịu cùng một cảnh ngộ như Seita và Setsuko khi đất nước mặt trời mọc đầu hàng quân Đồng minh trong cuộc chiến.
Hình tượng đom đóm trong văn hóa Nhật Bản
Trong văn hóa Nhật Bản, hình tượng đom đóm biểu tượng cho nhiều điều và để đưa những ý nghĩa ấy vào tác phẩm Mộ đom đóm, các nhà sản xuất cũng đã lồng ghép những cách hiểu khác nhau cho khán giả một cách rất đa dạng và sống động.
Trong phim, hình ảnh đom đóm xuất hiện khi hai anh em Seita và Setsuko rượt đuổi nhau ngoài cánh đồng và khi màn đêm buông xuống nơi hầm trú ẩn, Seita bắt về hàng ngàn con đom đóm để thắp sáng đêm đen và gọi đó là buổi trình diễn của ánh sáng.
Nhìn những tia sáng lập lòe chớp nháy trong căn hầm tối, người anh trai lại nhớ về bố mình đang anh dũng chiến đấu cho Hải quân Nhật.
Trong mắt anh, bố là một người chiến sĩ vĩ đại và anh luôn mang trong mình niềm tin mãnh liệt rằng vào một ngày nào đó không xa, ông sẽ mang vinh quang về cho đất nước.
Đom đóm trong mắt Seita lấp lánh giống như ánh đèn trong buổi duyệt binh của mà anh từng được bố dẫn đi xem lúc nhỏ, đó chính là ánh sáng của hy vọng và niềm tin của nhân dân Nhật Bản về một đất nước hòa bình.
Tuy nhiên trong chiến tranh luôn tồn tại hai phe thiện ác, đom đóm vừa là ánh sáng của những chiến sĩ sưởi ấm lòng dân vừa là tia chớp lóe lên khi những trái bom khổng lồ bị ném xuống.
Khi quan sát kỹ tấm áp phích của Mộ đom đóm, nhiều người đã tinh mắt nhận ra trong vô số những con đom đóm xinh đẹp bao quanh hai anh em thì còn có cả những trái bom đang phát sáng được thả từ máy bay của Đế quốc Mỹ bị làm mờ phía sau.
“Tại sao lũ đom đóm phải chết sớm vậy?” – Setsuko
Trong thực tế, đom đóm là một sinh vật có tuổi đời rất ngắn. Điều đó được khán giả dễ dàng nhận ra khi Setsuko trong lần đầu tiên nhìn thấy đom đóm, vì vô tình nắm chặt tay đã khiến ánh sáng nhỏ bé ấy tắt rụi.
Phải chăng dụng ý của đạo diễn muốn đem dòng đời ngắn ngủi của những con đom đóm gắn với cuộc đời em, Setsuko cũng bé nhỏ, cũng mỏng manh và cũng sớm tan biến khỏi thế gian này.
Đom đóm ở đây có thể thật sự là loài sinh vật thần kỳ đã thắp sáng những ngày tháng đầy chật vật của hai anh em, cũng có thể là một cái tên khác được khán giả gọi người em gái, em cũng tỏa sáng rực rỡ để rồi ra đi trong niềm tiếc nuối của mọi người.
Mộ đom đóm là kiệt tác dựa trên một câu chuyện có thật
Bộ phim Mộ đom đóm được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả Nosaka Akiyuki, ông cũng từng mất đi em gái mình vì hoàn cảnh thiếu thốn trong những năm tháng Nhật Bản bị quân Đồng minh đánh chiếm.
Trong cuốn sách, tác giả đã kể lại chính câu chuyện của mình như một cách để tưởng nhớ em gái và cầu xin em tha thứ trước sự bất lực của bản thân.
Nhiều người cho rằng nhà văn Nosaka Akiyuki mang rất nhiều nét tính cách tiêu biểu của người Nhật trong giai đoạn cuối của Chiến tranh Thế giới thứ hai, đó chính là sự kiêu ngạo và lòng tự tôn không chịu khuất phục trước kẻ thù.
Điều này cũng được thấy rõ trong nhân vật người anh trai Seita, nếu anh không quá mơ tưởng vào tương lai và biết gạt đi cái tôi cá nhân để quay lại xin lỗi dì mình thì có lẽ em gái Setsuko của anh cũng sẽ không ra đi quá sớm vì lý do đau lòng đến vậy.
Tuy nhiên khi chuyển thể thành phim, nhà sản xuất đã rất ngạc nhiên khi nhiều người không những không trách móc mà còn đồng cảm với cách suy nghĩ và hành động của nhân vật.
Vốn mang trong mình dòng máu kiêu ngạo của quân Phát xít, vậy mà giờ đây lại phải đầu hàng trước phe Đồng minh, lòng kiêu hãnh của người Nhật đã bị tổn hại rất lớn và chính sự xấu hổ đó đã khiến họ đánh mất sự sáng suốt của bản thân.
Năm 1988, hãng phim hoạt hình Ghibli đã quyết định chuyển thể cuốn tiểu thuyết này thành phim dưới sự sản xuất và chỉ đạo của cố đạo diễn Takahata Isao. Trong quá trình sản xuất, đạo diễn đã chọn hai em bé có cùng độ tuổi với Seita và Setsuko để lồng tiếng cho nhân vật.
Tuy nhiên, vì cô bé đảm nhận vai Setsuko còn quá nhỏ nên nhà sản xuất đã thu âm giọng em trước rồi mới bắt đầu vẽ tranh, điều này tạo nên điểm khác biệt thú vị của Mộ đom đóm so với các tác phẩm khác của nhà Ghibli.
Mộ đom đóm được các nhà làm phim chăm chút tỉ mỉ trong từng khuôn hình và những chi tiết nhỏ nhặt. Từng vết xước, vết bẩn hay vết phồng rộp trên cơ thể hai anh em rõ ràng đến mức khiến người xem chỉ biết xót xa đầy thương cảm.
Sự phát triển của tình tiết phim cũng làm thay đổi phần nhiều nét vẽ, từ hình ảnh hai đứa trẻ gọn gàng, trẳng trẻo và thơ ngây ban đầu cho đến những gương mặt tiều tụy vì đói ăn, đôi mắt lờ đờ không có sức sống và quần áo thì rách bươm tơi tả.
Nhờ những chi tiết tinh tế ấy mà người xem càng đồng cảm hơn với hai đứa trẻ tội nghiệp, không chỉ xem phim mà dường như khán giả còn cùng Seita và Setsuko trải qua cả cuộc đời đầy chật vật, khó khăn.
Khác với những tác phẩm khác của Ghibli như Spirited Away hay Cô bé người cá Ponyo, từng thước phim của Mộ đom đóm luôn nhuốm màu trầm buồn, đau thương.
Không cần cao trào hay tình tiết gây bất ngờ, cả bộ phim là lời tự sự của linh hồn Seita khi hoài niệm về những kỷ niệm cuối cùng của hai anh em trước khi biến mất khỏi cuộc đời.
Tuy vậy, tác phẩm này vẫn lấy đi vô số nước mắt của khán giả, họ đồng cảm sâu sắc và cảm thấy bất lực khi bản thân chỉ có thể đứng nhìn mà không giúp được gì cho những số phận bị kịch trong thời chiến.
Bộ phim cảm động chạm đến lòng trắc ẩn của mỗi người
Mộ đom đóm được đánh giá là một kiệt tác đầy nhân văn và là một trong những bộ phim thành công nhất của đội ngũ sản xuất phim hoạt hình Ghibli.
Nhờ chất lượng cao về mặt hình ảnh nghệ thuật và ý nghĩa truyền tải, phim đã được nhà phê bình nổi tiếng Roger Ebert nhận xét là bộ phim phản chiến mạnh mẽ nhất từng được thực hiện.
Ngoài ra, nhà nghiên cứu lịch sử Ernest Rister con so sánh Mộ đom đóm với tác phẩm Bản danh sách của Schindler do đạo diễn Steven Spielberg sản xuất, kể về cuộc sống đầy bất công của những người Do thái khi lãnh thổ của họ bị Phát xít Đức chiếm đóng trong Thế chiến thứ hai.
“Đây là bộ phim hoạt hình nhân văn nhất mà tôi được xem.” – Ernest Rister
Mộ đom đóm sau khi ra mắt đã mang tới sức lan tỏa to lớn trên khắp thế giới nhờ những thước phim chân thực về văn hóa Nhật Bản và đời sống cơ cực của người dân trong giai đoạn chiến tranh.
Hiếm có đất nước nào trên thế giới chưa từng trải qua cảnh đạn bom, dù ít hay nhiều bất cứ ai đã và đang chịu đựng sự khốc liệt của chiến tranh đều thấu hiểu và thấy được bản thân qua từng thước phim của Mộ đom đóm.
Sau hơn ba mươi năm ra mắt, bộ phim vẫn được xem là dấu mốc lớn trong bước chuyển mình của Ghibli để trở thành hãng phim danh tiếng bậc nhất đất nước mặt trời mọc. Đối với những khán giả yêu thích các tác phẩm hoạt hình của hãng phim này, không ai là không biết đến tuyệt tác mang tên Mộ đom đóm.
Từ cốt truyện đầy cảm động của nhà văn Nosaka Akiyuki dựa trên chính cuộc đời của mình, đạo diễn Takahata Isao đã thổi vào đó thêm chút màu sắc nghệ thuật làm chạm đến lòng trắc ẩn sâu nhất trong trái tim mỗi người xem phim.
Mộ đom đóm trở thành tác phẩm tiêu biểu nhất đề cao tinh thần quật cường của nhân dân Nhật Bản, tạo nên sức lan tỏa toàn cầu khiến người xem không khỏi xúc động khi nhớ lại một thời bom đạn đã qua đi.
Thanh Hằng
Thanh Hằng
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất