Từ trước đến nay, hai chữ văn hóa vẫn thường được xem là một khái niệm trừu tượng và khó nắm bắt. Thế nên thật kì lạ khi trên thế giới lại có một thành phố mà bản thân sự tồn tại của nó đã được xem là văn hóa.
Những mỹ từ như thanh lịch, phong cách và tráng lệ dường như vẫn chưa đủ để ngợi ca đại thị phồn hoa ấy. Để rồi Kinh đô ánh sáng, cái tên mới đầy kiêu hãnh đã ra đời và dành riêng cho Paris.
Nằm ở miền Bắc nước Pháp nên thơ, nơi hợp lưu của hai dòng sông Seine, sông Marn và cả những dòng sông văn hóa toàn cầu, Paris như một bà mẹ ân cần nuôi dưỡng đứa con văn hóa đã định hình nên bản sắc riêng không chỉ của thành phố này mà còn nhiều nơi khác trên toàn thế giới.
Kiến trúc đa dạng làm nên bộ mặt kinh kỳ của Paris
Vào giữa thế XIX, Paris gặp tình trạng quá tải dân cư và hoàng đế Napoleon Đệ Tam đã giao cho tỉnh trưởng Seine, bao gồm Paris và các vùng ngoại ô lúc bấy giờ là Georges-Eugène Haussmann tiến hành một cuộc cải tạo quy mô lớn cho toàn thành phố.
Sau khi được Napoleon Đệ Tam giao phó, Haussmann đã cho giải tỏa các khu dân cư có từ thời Trung Cổ, tiến hành sáp nhập các vùng ngoại ô đồng thời tái quy hoạch không gian đô thị với một hệ thống các đại lộ và quảng trường hoàn toàn mới.
Dù vấp phải sự phản đối dữ dội từ công chúng, dự án này đã thắp lên những tia tráng lệ đầu tiên của một Kinh đô ánh sáng sau này.
Diễn ra từ năm 1852 đến năm 1870, cuộc cải tạo bao gồm tất cả các khía cạnh của quy hoạch đô thị như kiến trúc đô thị, hệ thống đường sá, cống thoát nước và những mảng xanh với phạm vi trải dài từ trung tâm đến các khu vực ngoại ô.
Những cải tạo này đã mang lại hiệu quả to lớn khi đưa Paris từ một đô thị cổ và chật chội thành một thành phố hiện đại với các đại lộ và quảng trường rộng lớn.
Đến nay, công trình trác tuyệt của Haussmann vẫn là chuẩn mực cho bố cục không gian kiến trúc của Paris.
Vùng nội thị được chia thành hai mươi quận từ trung tâm thành phố trải dài theo hình xoắn ốc, mỗi quận như một thiếu nữ mang trong mình những cá tính riêng, từ ồn ào náo nhiệt đến yên ả thanh bình.
Đơn cử, khi đến quận ba và bốn thì du khách sẽ được chiêm ngưỡng một Marais nổi danh với sự hòa quyện giữa những khu mua sắm hiện đại, sang trọng cùng kiến trúc Phục Hưng hoài cổ và độc đáo.
Khu Latin ở quận năm và sáu thì hoàn toàn trái ngược khi mang một bầu không khí vui tươi, hội hè cho những thanh niên đang căng tràn nhựa sống tuổi đôi mươi.
Tất nhiên, kiến trúc của kinh đô ánh sáng không chỉ giới hạn trong thế kỉ XIX mà thôi. Bởi vì đi trên những đại lộ của Paris chính là đi trên dòng lịch sử của kiến trúc và hội họa, được in dấu qua nhiều năm tháng.
Đó có thể là thiết kế mang tính biểu tượng của thời Trung Cổ, tàn tích của các phòng tắm thời La Mã, sự xa hoa tráng lệ mang dấu ấn thời Napoleon, chút vàng son sót lại của giai đoạn Phục Hưng hay nét thanh lịch và hiện đại của những tòa nhà theo phong cách Art Deco.
Các nẻo đường Paris tồn tại như chứng nhân cho bao đổi thay, biến động trong diện mạo của đô thành. Để rồi chúng lại đưa bất kì ai đến Paris vào thế giới của sự thanh lịch, tinh xảo và nét đẹp thuần túy dù họ có sành sỏi về kiến trúc hay không.
Bên cạnh những phong cách kiến trúc có phần trừu tượng, Paris còn có cả các công trình tráng lệ tồn tại như những cột mốc trên tiến trình phát triển của mình.
Nói về những dấu ấn tiêu biểu của thế kỉ XIX còn tồn tại trong lòng Kinh đô ánh sáng, ắt hẳn du khách nào cũng sẽ nhắc đến nhà hát Paris hay trung tâm mua sắm Galeries Lafayette.
Bên cạnh đó, không thể bỏ qua các nhà thờ chính tòa với phong cách Gothic cổ kính đặc trưng mà nổi tiếng nhất trong số đó chính là nhà thờ Notre-Dame, vương cung thánh đường Sacré-Cœur.
Tuy nhiên, nổi trội hơn cả chính là tòa tháp Eiffel, nơi từ lâu đã trở thành “nhân dạng” của cô nàng Paris kiều diễm. Ra đời vào năm 1889, Eiffel đã giữ kỉ lục tòa tháp cao nhất thế giới trong suốt 41 năm cho đến khi tòa nhà Chrysler được khánh thành tại New York.
Cho đến nay, tháp Eiffel vẫn là một trong những công trình nổi tiếng nhất ở châu Âu cũng như trên toàn thế giới, không chỉ là điểm đến của nhiều du khách mà còn thường xuyên góp mặt trên báo đài và các tác phẩm nghệ thuật.
Ngoài ra, kiến trúc Paris còn được biết đến với Khải Hoàn Môn, một địa điểm vốn không thua kém tháp Eiffel về quy mô và danh tiếng. Hoàn thành vào năm 1836, công trình này là nơi giao nhau giữa mười hai đại lộ và ba quận.
Điểm đặc biệt ở Khải Hoàn Môn là mỗi năm hai lần, chúng ta sẽ được thấy mặt trời lặn qua công trình này khi đứng giữa đại lộ Champs-Elysées. Năm 1994, hiện tượng này đã xảy ra đồng thời với Nhật thực và thu hút gần hai trăm ngàn người tới đây chứng kiến.
Thế nhưng với người tận tường về Paris, những kiến trúc kể trên chỉ dành cho ai thưởng ngoạn một cách hững hờ. Thực chất, thành phố này như một cô gái sẵn sàng lộng lẫy xiêm y hòng đãi bôi với đoàn khách lạ, những nét đẹp giản dị và chân thật lại giấu riêng để dành cho người tri âm.
Kiến trúc Paris còn bao gồm các con hẻm quanh co chật hẹp, những cửa hiệu nhuốm màu thời gian, đó chính là nét mộc mạc sau lớp phấn son mà chẳng phải ai cũng đủ may mắn được một lần chiêm ngưỡng.
Bảo tàng Louvre và những ký ức kinh đô
Nếu như mỗi bảo tàng là nơi chứa đựng những bí mật sâu kín nhất của thời gian thì Paris là nơi chứa đựng nhiều bí mật nhất trên thế giới. Nơi đây giống như kho kí ức, lưu giữ vô vàn mảnh vụn của dòng thời gian bất luận là của thành phố này hay đến từ nơi chốn khác.
Chúng bao gồm bốn trụ cột chính là Louvre, Orsay, Trung tâm nghệ thuật và văn hóa quốc gia Georges-Pompidou và Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại Paris.
Mỗi bảo tàng đều sở hữu những bộ sưu tập độc đáo, đem đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ và những câu chuyện ẩn giấu phía sau.
Trong số đó, Louvre chính là bảo tàng được biết đến nhiều nhất và gần như đã trở thành biểu tượng khi nhắc đến thành phố Paris. Không chỉ có bộ sưu tập vô cùng đồ sộ, đây còn là bảo tàng cổ nhất và rộng nhất nơi này.
Bảo tàng Louvre được thành lập vào năm 1973 và tọa lạc tại quận nhất,vị trí trung tâm lịch sử thành phố. Tiền thân là cung điện của Hoàng gia Pháp, nơi đây hiện là chỗ quy tụ của gần bốn trăm ngàn hiện vật, bao gồm cả những tác phẩm nổi tiếng như Mona Lisa, tượng Vệ nữ thành Milo.
Bảo tàng Louvre có diện tích hơn hai trăm ngàn mét vuông, trong đó khu vực trưng bày chiếm gần một phần ba với tám phân khu dành cho nhiều chủ đề khác nhau như Ai Cập cổ đại, Phương Đông cổ đại, La Mã và Etruria cổ đại, Nghệ thuật Hồi Giáo, Hội họa, Điêu khắc, Nghệ thuật trang trí và Nghệ thuật họa hình.
Bộ sưu tập phương Đông cổ đại và những nền văn minh đã mất
Bộ sưu tập phương Đông cố đại được thành lập vào năm 1881, chứa đựng các hiện vật được khai quật trong giai đoạn từ thế XIX cho đến đầu thế kỷ XX. Trong số đó, hai cuộc khai quật đầu tiên diễn ra từ năm 1843 đến 1854 ở Khorsabad, Iraq.
Vào tháng ba năm 1843, trong quá trình nghiên cứu tại ngọn đồi Nabi Yunus, nhà khảo cổ học Paul-Émily Botta cùng đoàn khảo cổ của mình đã phát hiện ra hàng loạt các căn hầm, bức tường cổ cùng những bức phù điêu tinh xảo khắc họa hình ảnh các vị thần và linh vật.
Những hiện vật này sau đó được gửi về Louvre và được xem là nỗ lực đầu tiên của bảo tàng trong việc giúp công chúng đương đại có thêm hiểu biết về các nền văn minh đã mất ở phương Đông.
Bộ sưu tập phương Đông cổ đại của Louvre có quy mô tương đương Bảo tàng Anh ở London và Bảo tàng Trung Đông ở Berlin. Các hiện vật cung cấp một cái nhìn toàn cảnh và sâu sắc về những nền văn minh cổ, nơi xuất phát của văn hóa vùng Tây Nam Á giữa khu vực Địa Trung Hải và Iran.
Trong bộ sưu tập này, hai hiện vật đặc biệt có giá trị là Bộ luật Hammurabi và tấm bia Mesha. Bộ luật Hammurabi được xem là văn bản luật xưa nhất của nhân loại, có niên đại vào khoảng thế kỉ XVIII trước Công Nguyên.
Trong khi đó, tấm bia Mesha từ thế kỉ IX trước Công Nguyên là một trong bốn bản cổ tự có nhắc đến người Israel cổ đại tính từ thời đồ sắt, ba bản còn lại là tấm bia Tel Dan, tấm bia Merneptah và tấm bia Kurkh Monolith.
Với vẻ huyền bí của mình, đây là một trong những bộ sưu tập nổi bật nhất của bảo tàng và thu hút nhiều sự chú ý từ du khách tham quan.
Bộ sưu tập Ai Cập cổ đại và những hiện vật đầy giá trị
Khu vực trưng bày Ai Cập cổ đại ra đời năm 1827 với khoảng chín ngàn hiện vật, đây được xem là kết quả của sự quan tâm mà các học giả Pháp dành cho Ai Cập cổ đại trong những năm đầu thế kỉ XIX.
Từ năm 1852 tới 1868, bộ sưu tập này càng trở nên phong phú hơn với sự đóng góp của các nhà sưu tập châu Âu lúc bấy giờ. Đồng thời, cuộc khai quật kéo dài khoảng một năm ở tỉnh Giza cũng mang về cho bảo tàng gần sáu ngàn hiện vật khác.
Hiện nay, bộ sưu tập được trưng bày ở hai tầng đầu cùng một phần nhỏ ở tầng hầm của Louvre. Nó sở hữu nhiều hiện vật giá trị như các bức tượng pharaoh Ramesses II, Akhenaton, tượng Viên thư lại Kai với niên đại từ năm 2620 trước Công nguyên cùng một số xác ướp Ai Cập.
Bộ sưu tập Hy-La cổ đại và ánh hào quang từ dĩ vãng
Các hiện vật Hy Lạp, La Mã cổ đại đầu tiên vốn thuộc về bộ sưu tập đồ sộ của hoàng gia Pháp, do những người tham gia Cách mạng Pháp thu được và chuyển cho bảo tàng Louvre. Bên cạnh đó, các cuộc khai quật trong thế kỉ XIX cũng đem về cho Louvre một số lượng lớn hiện vật.
Đặc biệt, bảo tàng cũng nhận được rất nhiều tác phẩm giá trị thông qua các cuộc khai quật, mua bán và quà tặng từ các cá nhân ở đầu thế kỉ XX.
Hiện nay, Bộ sưu tập Hy-La cổ đại của Louvre bao gồm nhiều tác phẩm nổi tiếng như Bức tượng thần Vệ Nữ đo Hầu tước Rivière tặng vua Louis XVIII vào năm 1821, Tượng thần chiến thắng Samothrace được phó lãnh sự Pháp tại Hy Lạp phát hiện năm 1863, tượng Đấu sĩ Borghese từ bộ sưu tập của gia đình Borghese.
Bộ sưu tập Nghệ thuật trang trí và những dấu ấn của tài hoa
Bộ sưu tập nghệ thuật trang trí của Louvre gồm những hiện vật có niên đại từ thời Trung Cổ đến giữa thế kỷ XIX, tiêu biểu là gốm, thủy tinh ghép màu, đồ sành Ý và đồ sứ.
Ban đầu, bộ sưu tập này chỉ là một phần của khu trưng bày Điêu khắc với những hiện vật từ tài sản hoàng gia. Đến khoảng giữa thế kỉ XIX, bộ sưu tập được bổ sung bằng tặng phẩm từ một số nhân vật như Pierre Révoil, Sauvageot, Campana với tổng số hơn hai nghìn hiện vật.
Căn phòng dùng để trưng bày các tác phẩm cũng vô cùng đặc biệt khi được họa sĩ Charles Le Brun trang trí theo chủ đề Mặt Trời theo ý của vua Louis XIV.
Một số hiện vật tiêu biểu bao gồm vương miện đăng quang của vua Louis XIV, vương trượng của vua Charles V và chiếc bình đá Porphyre từ thế kỷ XII.
Bên cạnh tám bộ sưu tập chính, nơi đây còn có một khu riêng để trưng bày lịch sử của chính bảo tàng và nhiều khu trưng bày các bộ sưu tập nghệ thuật châu Á, châu Phi, châu Mỹ và châu Đại Dương.
Bộ sưu tập Nghệ thuật Hồi giáo
Xuất phát từ một gian trưng bày nhỏ năm 1893 thuộc khu vực Nghệ thuật trang trí đến năm 2003 bộ sưu tập Nghệ thuật Hồi giáo được thành lập, trở thành khu trưng bày mới nhất của bảo tàng, đánh dấu mối quan hệ nhiều thế kỷ giữa Pháp và các nước Hồi giáo.
Các hiện vật của bộ sưu tập có nguồn gốc chủ yếu từ Hoàng gia Pháp và Chính phủ. Ngoài ra, một lượng lớn hiện vật cũng được đóng góp bởi hai nhà bảo tàng học Gaston Migeon và Emile Molinier từ những năm 1890.
Cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, bộ sưu tập trở nên phong phú hơn rất nhiều nhờ các tặng phẩm đến từ nhiều nơi, khu vực trưng bày cũng dần được mở rộng và hiện tại đã trải dài đến ba nghìn mét vuông.
Các hiện vật nổi bật thuộc bộ sưu tập là chiếc hộp ngà voi Pyxide d’al-Mughira, chậu rửa mặt Baptistery of Sain-Louis, chiếc yên Suaire de Sain-Josse và một tập thơ của Ferdowsi.
Louvre và những tuyệt tác hội họa
Hội họa là một trong những bộ sưu tập đồ sộ nhất của Louvre, nó xuất phát chủ yếu từ Hoàng gia Pháp và chứa đựng vô số tuyệt tác của những xu thế nghệ thuật phong phú, trải dài qua nhiều thời kì khác nhau với hội họa Ý và Tây Ban Nha là chủ đạo.
Trong thế kỷ XIX, bộ sưu tập này càng thêm phong phú khi được bổ sung bởi những của cải mà Cách mạng Pháp thu được từ Hoàng cung lẫn chiến lợi phẩm của Napoléon khi dẫn quân chinh phạt.
Bên cạnh tác phẩm nổi tiếng Mona Lisa, Louvre còn sở hữu một số bức họa danh tiếng khác như Đức mẹ đồng trinh, Chúa Hài đồng và thánh Anna, Đức mẹ đồng trinh trong hang đá của Leonardo da Vinci, Le nozze di Cana của Paolo Veronese và Le Radeau de la Méduse của Théodore Géricault.
Louvre và những tác phẩm điêu khắc tinh xảo
Khi mới ra đời, bộ sưu tập Điêu khắc chỉ có vỏn vẹn hơn một trăm mẫu vật và vẫn chưa là một khu vực riêng. Năm 1857, Léon Laborde với vai trò quản lí đã mở rộng mảng các tác phẩm Trung cổ bằng việc mua thêm nhiều bức tượng mới, trong đó nổi bật là tượng King Childebert.
Đến năm 1871, bộ sưu tập chính thức trở thành khu vực độc lập dưới sự quản lí của Louis Courajod, kèm theo đó là sự mở rộng ở mảng tác phẩm Pháp với một số bức tượng như Daniel in the Lions’ Den, Virgin of Auvergn, Psyche Revived by Cupid’s Kiss hay Bust of Cardino Richelieu.
Năm 1986, một sự thay đổi lớn đã diễn ra khi toàn bộ các tác phẩm ra đời trước thế ki XIX được chuyển sang bảo tàng Musée d’Orsay trong khi số còn lại tách thành hai phân khu chính là Quốc nội và Ngoại quốc. Cấu trúc này vẫn được bảo toàn cho đến ngày nay.
Nghệ thuật họa hình với hơn mười hai ngàn tác phẩm
Khu vực trưng bày Nghệ thuật họa hình bao gồm các bản in, hình họa và các tác phẩm trên giấy. Nó được mở cửa từ năm 1797 và hiện có khoảng bốn trăm tác phẩm được trưng bày trong tổng số mười hai ngàn tác phẩm hiện có.
Thuở ban đầu, số lượng hiện vật ở Louvre rất ít nhưng dần tăng lên thông qua việc mua bán lẫn nhờ vào tặng phẩm, đáng kể nhất là hơn một ngàn hiện vật thuộc bộ sưu tập của Fillipo Baldinucci được mua lại vào năm 1806.
Hiện các tác phẩm được chia thành ba nhóm với Cabinet du Roi, gồm các hiện vật thuộc hoàng gia trước đây với mười bốn nghìn bản in, tiếp đến là các tặng vật của chủ nhà băng Edmond de Rothschild với bốn mươi nghìn bản in và ba nghìn bản vẽ, cuối cùng là khoảng năm nghìn bản minh họa sách.
Dù có số lượng lớn nhất ở Louvre nhưng chỉ có một phần nhỏ các bức họa hình được trưng bày vì tính chất nhạy sáng và kém bền của giấy. Tuy nhiên, người đến tham quan bảo tàng có thể yêu cầu trước để được chiêm ngưỡng các tuyệt tác này.
Kinh đô thời trang Paris và những thương hiệu cao cấp hàng đầu
Bước vào lĩnh vực thời trang, Paris như khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn khác biệt, năng động, trẻ trung và luôn dẫn đầu xu thế. Thời trang Paris được biết đến với sự đơn giản mà quyến rũ tự nhiên, phối hợp tinh tế cùng một số yếu tố bất ngờ, độc đáo.
Là một trong bốn kinh đô thời trang của thế giới, thành phố này đã và đang định hình phong cách thời trang của cả châu Âu với hàng loạt thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Chanel, Dior, Givenchy, Céline, Hermès và Louis Vuitton.
Bên cạnh đó, Paris cũng là điểm đến hàng đầu cho các tín đồ mua sắm với hai con đường đặc trưng Rue du Faubourg Saint-Honoré và Champs-Élysées, nơi xuất hiện những mặt hàng chất lượng từ nhiều nhà thiết kế trên toàn thế giới.
Tuần lễ thời trang ở Paris diễn ra hai lần một năm, đây là nơi các nhà thiết kế trong và ngoài nước ra mắt các bộ sưu tập thường niên của mình. Trong số họ, có thể kể đến nhà thiết kế Dries van Noten và Martin Margiela đến từ Bỉ hay Yohji Yamamoto đến từ Nhật Bản.
Không chỉ giới hạn ở phục trang và túi xách, ngành công nghiệp thời trang Paris còn được biết đến với những thương hiệu nước hoa và mĩ phẩm cao cấp hàng đầu như Coty, Chanel, Lancôme và Clarins. Nơi đây cũng là một trong các thị trường tiêu thụ nước hoa và mĩ phẩm lớn nhất toàn cầu.
Paris cùng nền ẩm thực tinh hoa và đa dạng
Ẩm thực Paris không mang một phong cách độc nhất mà là sự tổng hòa đặc trưng của nhiều vùng miền khác nhau trên nước Pháp. Cư dân từ những nơi ấy khi đến thành phố này sinh sống đã mang theo những công thức nấu ăn quen thuộc và kết hợp với cả truyền thống nơi đây.
Điều này vốn xuất phát từ bối cảnh của thế kỉ XIX, khi hệ thống đường ray phát triển đã biến Paris thành điểm đến của người di cư từ nhiều khu vực địa lý và nền văn hóa khác nhau, bao gồm cả các nước thuộc địa Đông Nam Á và châu Phi.
Từ đó đến nay, tính đa dạng trong ẩm thực Paris ngày càng được nâng cao đi kèm với chất lượng tuyệt hảo.
Sự đa dạng này được thể hiện rõ nét trong các nhà hàng tại Paris khi thực đơn không chỉ gồm những món ăn truyền thống mà còn có sự kết hợp của nhiều nền ẩm thực khác nhau, sự cách tân trong kĩ thuật nấu nướng và ẩm thực học.
Bên cạnh những món ăn thượng hạng, danh tiếng của ẩm thực Paris còn nổi tiếng với những cửa hàng thực phẩm chuyên cung cấp những mặt hàng chất lượng và danh tiếng được đảm bảo qua nhiều thế hệ.
Một số cửa hàng nổi tiếng được nhiều du khách biết đến như Androuet với hai trăm loại phô mai sản xuất thủ công, Fauchon với sản phẩm chính là bánh ngọt và sô cô la, Hédiard với các loại phụ gia và đặc sản.
Không gian lễ hội nhộn nhịp ở Paris
Sau tất cả những trải nghiệm với Kiến trúc, Bảo tàng Louvre, Thời trang và Nghệ thuật, Paris còn mang đến cho ta những ngày tháng hội hè miên man.
Ngày lễ lớn nhất năm ở Pháp là ngày Quốc khánh, đây cũng là ngày sự kiện chiếm ngục Bastille diễn ra. Vào ngày này, rất nhiều hoạt động náo nhiệt diễn ra như bắn pháo hoa, diễu hành trên trên đại lộ Champs Elysee và Tiệc lính cứu hỏa.
Bên cạnh ngày Quốc khánh, Kinh đô ánh sáng còn là nơi diễn ra các sự kiện mùa hè nổi tiếng như Paris Plage, một hoạt động truyền thống bắt đầu từ năm 2002. Mọi người sẽ đổ hàng nghìn tấn cát bên dòng sông Seine để tạo thành một bờ biển nhân tạo và tổ chức các hoạt động thể thao.
Ngoài ra, các sự kiện liên hoan âm nhạc thường niên ở Paris vô cũng đa dạng, tiêu biểu là sự kiện Rock en Seine dành cho nhạc Rock và Pop, Paris Jazz Festival với những buổi hòa nhạc ở công viên Vincennes và La Goutte d’Or en Fête dành cho tín đồ nhạc Rap.
Vào khoảng tháng Mười là thời điểm diễn ra White night, một buổi dạ tiệc gồm nhiều chủ đề nghệ thuật, ẩm thực và văn hóa. Cũng trong tháng Mười, những người yêu thích rượu vang có thể tham dự tiệc mừng vụ mùa rượu nho ở khu phố Montmartre của Paris.
Đến tháng Mười một, giới nhiếp ảnh sẽ tham dự chuỗi triển lãm ảnh Mois de la Photo. Ra đời vào năm 1980, lễ hội này diễn ra mỗi hai năm với các tác phẩm nhiếp ảnh được trưng bày ở nhiều nơi trong thành phố như Trung tâm Nhiếp ảnh châu Âu hay Cartier Foundation.
Tính đến nay, chuỗi triển lãm gồm ba chủ đề chính là Nhiếp ảnh Pháp đương đại, Chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo và Nhiếp ảnh Kích thước nhỏ.
Những ngày cuối năm, Paris hoa lệ lại trở nên ấm áp khi mọi người cùng mừng lễ Giáng Sinh. Sang năm mới, không khí lại trở nên nhộn nhịp với lễ hội hóa trang Paris có nguồn gốc từ thời Trung Cổ, tiếp theo đó là một loạt các hoạt động như hội chợ Foire de Paris, lễ hội ngoài trời Foire du Trone và triển lãm nông nghiệp quốc tế Paris.
Paris thường được nhắc đến với hình tượng một thành phố đầy lãng mạn nhưng ít ai biết rằng điều khiến cho nét lãng mạn nên thơ ấy khác biệt với nhiều nơi khác chính là một nền tảng văn hóa vững chắc và phong phú.
Văn hóa đã làm nên hồn cốt Paris, biến đại thị này thành một sinh thể với những thần thái riêng, cá tính riêng và truyền cảm hứng cho nhiều nơi khác. Nếu có điều gì đủ sức giữ cho kinh đô ánh sáng vẻ rạng rỡ, xa hoa của mình khỏi dòng chảy khắc nghiệt thì đó sẽ và mãi luôn là văn hóa.
Nguyễn Quyền
Nguyễn Quyền
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất