N.P là một trong những tiểu thuyết đặc sắc của nữ nhà văn người Nhật Banana Yoshimoto. Cuốn sách được phát hành vào năm 1990 và đến năm 2009 thì được Công ty Nhã Nam mua bản quyền, chuyển ngữ rồi cho xuất bản tại Việt Nam.
Vài nét khái quát về nhà văn Banana Yoshimoto
Banana Yoshimoto sinh ngày hai mươi bốn tháng bảy năm 1964 tại Tokyo. Tên thật của bà là Yoshimoto Mahoko nhưng khi bắt đầu sự nghiệp viết lách, nữ nhà văn đã lấy bút danh là Banana vì sự yêu thích đặc biệt với hoa chuối.
Đây là nữ nhà văn vô cùng nối tiếng với những đóng góp quan trọng cho nền văn học Nhật Bản hiện đại và thường được so sánh với các tên tuổi như Haruki Murakami và Murakami Ryu.
Quá trình đến với nghề văn
Sống trong một gia đình có bố là nhà triết học đồng thời là nhà phê bình văn học nổi tiếng Yoshimoto Takaaki và chị gái là một họa sĩ hoạt hình được nhiều người biết đến, niềm say mê với văn học nghệ thuật đã sớm được ươm mầm trong tâm hồn bà.
Banana tốt nghiệp ngành Văn học, khoa Nghệ thuật của Đại học Nihon, bà gắn bó với sự nghiệp cầm bút từ những ngày tháng còn làm bồi bàn cho một câu lạc bộ golf vào năm 1987 và được biết đến rộng rãi qua tiểu thuyết đầu tay của mình Kitchen.
Cuốn sách đã đưa tên tuổi Banana Yoshimoto vụt sáng, mang lại cho bà hàng loạt những giải thưởng danh giá và tạo nên “hội chứng Banana” rầm rộ trong giới báo chí một thời. Sau màn ra mắt thành công đó, nữ nhà văn tiếp tục miệt mài sáng tác và cho ra đời nhiều thiên tiểu thuyết đặc sắc khác như N.P, Nắp biển hay Amrita.
Phong cách sáng tác độc đáo đậm chất riêng của Banana Yoshimoto
Thế giới nghệ thuật văn chương của Banana chất chứa nhiều mặt đối lập, rõ ràng bối cảnh của các thiên tiểu thuyết luôn gần gũi với lối sống thành thị ấy vậy mà giữa không gian quen thuộc đó, ta luôn cảm nhận được sự pha loãng của các yếu tố huyền ảo, kỳ bí và có phần ma mị độc lạ.
Điều này phần nhiều xuất phát từ việc bà chịu ảnh hưởng lớn bởi phong cách sáng tác của Stephen King, Truman Capote và Isaac Bashevis Singer ngay từ những ngày đầu phát triển sự nghiệp viết lách. Đó là những nhà văn thường khai thác những khía cạnh kỳ bí của giác quan, thế giới tinh thần và nội tâm con người trong các tác phẩm của mình.
Các nhân vật trong tiểu thuyết của Banana thường bị đẩy vào các tình yêu bi kịch và mắc kẹt trong những sự gắn kết trái khoáy. Nữ nhà văn đã thông qua số phận của họ để khắc họa sự cạn kiệt tinh thần của giới trẻ Nhật Bản đương đại và thể hiện những cách thức mà các trải nghiệm ghê sợ cũng như những mất mát, tổn thương trong quá khứ có thể định hình cuộc đời một con người.
N.P là câu chuyện của những người trẻ cô đơn
Thiên tiểu thuyết xoay quanh bốn nhân vật chính Kazami, Otohiko, Saki, Sui và được dẫn dắt bởi lời kể của nhân vật tôi hay cũng chính là Kazami. Cuộc tương ngộ đặc biệt của bốn con người này bắt nguồn từ tác phẩm N.P của cố nhà văn Takase Sarao.
Tác phẩm ấy như mắc phải lời nguyền kỳ lạ khi đã làm chết ba dịch giả trong quá trình chuyển ngữ câu chuyện số chín mươi tám từ bản gốc tiếng Anh sang tiếng Nhật. Shoji, người yêu của Kazami chính là người biên dịch thứ ba tiếp xúc với câu chuyện và đã tự sát khi mà công việc dịch thuật gần đến lúc hoàn thành.
Vì ám ảnh với cái chết của tình nhân, Kazami đã tìm đến thiên truyện bị nguyền rủa ấy và từ đây, cô làm quen với ba người con của cố nhà văn Takase Sarao là chị em Saki, Otohiko và cô em út cùng cha khác mẹ của họ Sui. Cuộc hội ngộ chỉ diễn ra vỏn vẹn trong một mùa hè rực nắng nhưng đã tiết lộ biết bao góc khuất nơi số phận của cả bốn người trẻ.
Những ẩn ức sinh ra từ sự đổ vỡ của mái ấm gia đình được đề cập trong tiểu thuyết N.P
Gia đình là điểm tựa vô cùng quan trọng đối với mỗi cá nhân, không ai không ao ước mình có được một chốn về bình yên, một nơi nghỉ ngơi tràn ngập tình yêu thương và sự bảo bọc sau những ngày tháng bôn ba giữa dòng đời tấp nập.
Thế nên, sự đổ vỡ của mái ấm gia đình có thể mang đến những tổn thương tinh thần sâu sắc với mỗi một thành viên, bất kể trẻ con hay người lớn.
Khi trẻ con không thể là trẻ con
Quá khứ thiếu vắng vòng tay cha đã tạo nên một khoảng trống rất lớn trong tâm hồn những đứa con. Thông qua lời kể của Kazami và các đoạn hội thoại của Otohiko, ta có cơ hội nhìn thẳng vào những nỗi đớn đau cứ lặng lẽ gặm nhấm con người khi sống trong một gia đình không trọn vẹn.
Dù mỗi thành viên đã gắng gượng, cố vui cười và tỏ ra là mình ổn nhưng thẳm sâu, họ luôn ý thức được rằng cõi lòng mình đã chất chứa ngày một nhiều sự tủi thân, niềm bất an và mối căng thẳng.
Những nỗi đau chưa từng được bày tỏ, những tổn thương không thể được nhìn thấy ấy đã từ lâu in hằn lên tâm hồn con người để rồi sau này, khi đã trở thành thiếu nữ, cả Kazami hay Sui đều có xu hướng tìm kiếm bóng dáng người cha ở tình nhân của mình.
Đó là lí do vì sao mà Kazami ỷ lại vào Shoji, người đàn ông hơn mình mười bảy tuổi hay Sui đã có mối tình đau đớn với bố là nhà văn Takase Sarao.
“Cái chết của bố tôi dường như là cú sốc đối với mẹ, chúng tôi vào vai người lớn rất đạt, thường hay rủ mẹ đi du lịch. Sau những chuyến du lịch trở về, đúng vào lúc chúng tôi không biết phải làm sao thì ông bà gọi về Nhật Bản. Mẹ tôi chần chừ, nhưng chúng tôi quyết định về. Cách nghĩ của ông bà về tương lai của mẹ tôi… như là việc đi bước nữa chẳng hạn rất thoải mái, vả lại chúng tôi nghĩ cứ ba mẹ con mà sống như thế này thì liệu mẹ có cầm cự được không. Thực ra chúng tôi cũng chẳng muốn rời bỏ đất nước mà mình đã quen sống, nhưng chúng tôi phải cố tỏ ra muốn về, phải dũng cảm lắm đấy.”
– N.P
Lớn lên trong một gia đình không trọn vẹn, những đứa trẻ buộc phải trưởng thành nhanh chóng hơn, phải tự học cách chăm sóc bản thân và thậm chí phải biết xoa dịu cả những nỗi đau của người lớn.
Điều đó đã đẩy các nhân vật xa khỏi một cuộc đời vô ưu vô lo và mãi chẳng thể nào sống hồn nhiên, trong sáng như bao người trẻ khác cùng lứa tuổi với mình.
Bóng dáng người mẹ trong tiểu thuyết N.P
Không chỉ với những đứa con mà ở các gia đình thiếu vắng người trụ cột, gánh nặng và áp lực đặt lên vai người mẹ còn khủng khiếp hơn rất nhiều. Ta có thể thấy rõ điều đó qua hình ảnh của mẹ Kazami trong thiên tiểu thuyết N.P.
Giữa những ngày tháng khó khăn khi chồng bỏ rơi mình cùng hai cô con gái, người phụ nữ khốn khổ ấy lúc nào cũng như đang đứng chênh vênh bên bờ vực thẳm, chỉ cần một xúc động nhỏ cũng đủ để đánh đổ mọi phòng tuyến tâm lí mà bà gắng gượng dựng lên bấy lâu.
Thế nhưng đến cuối cùng bà đã bám trụ vào những giá trị cốt lõi của đời sống, vào thiên chức của một người mẹ để chống đỡ với khó khăn và mang đến những ký ức tuổi thơ ấm áp nhất có thể cho hai cô con gái nhỏ của mình.
Những kỉ niệm về căn bếp có dáng mẹ loay hoay làm bữa cơm, giờ học tiếng Anh được mẹ bên cạnh kiên nhẫn và ân cần kèm cặp đã trở thành hình ảnh đẹp nhất trong lòng Kazami mỗi khi nhớ về mẹ.
“Vì thế, với chúng tôi, hình ảnh vụt hiện lên trước nhất về mẹ không phải là cái dáng lưng mẹ trong bếp. Mà là khuôn mặt không trang điểm nhìn nghiêng đeo chiếc kính gọng bạc lúc đang dạy tiếng Anh, hoặc là những ngón tay trắng trẻo đang lật giở cuốn từ điển dày cộp với tốc độ chóng mặt. Sự miệt mài như thể vừa dạy tiếng Anh cho chúng tôi vừa một lần nữa khắc sâu vào lòng cái thứ tiếng Anh dưới cả trình độ cơ sở ấy, như thể tô đi tô lại cái dòng kẻ của cuộc đời mình, mới thật đẹp.
Mẹ tôi không còn sống chung với chúng tôi nữa, nhưng mỗi khi gặp nhau, mẹ lại cười cái công việc ở phòng nghiên cứu văn học Anh Mỹ của tôi, và việc chị tôi lấy chồng nước ngoài, rồi bảo: chúng mày được thế là nhờ mẹ đã truyền thụ sự hấp dẫn của tiếng Anh cho đấy. Tôi vẫn yêu điều đó hơn hết thảy điều nào khác ở mẹ.”
– N.P
Thượng Đế không thể có mặt ở khắp mọi nơi, thế nên Ngài đã tạo ra những người mẹ. Họ cũng từng chỉ là các thiếu nữ ngây thơ, hồn nhiên và dễ bị thương tổn trước cuộc đời.
Thế nhưng vào thời khắc người mẹ ý thức được sự tồn tại của các sinh linh bé bỏng trong lòng mình, họ đã quyết tâm dành cả mạng sống và quãng đời còn lại để bảo vệ thế giới tươi sáng và trong sạch vẹn nguyên cho những đứa con. Chính điều đó đã khiến những người mẹ trở thành những người mạnh mẽ và vĩ đại nhất trên thế gian này.
Những tâm hồn lạc lõng giữa nhân gian
Từ góc nhìn của Kazami, ta có thể nhận thấy mùa hạ nơi bốn con người với số phận đặc biệt ấy tương ngộ tươi tắn một lạ kỳ. Dường như tất cả những nét quyến rũ nhất của mùa hè với gió lộng, nắng rực, với những que kem và sự ồn ào huyên náo của tuổi trẻ đểu phô bày trọn vẹn trước mắt Kazami.
“Bước ra ngoài, mọi thứ đều thực sự làm tôi thấy háo hức. Lớp nhựa đường ánh lên dưới tia nắng mặt trời rực lửa, và màu xanh đậm đặc của hàng cây im phăng phắc.
Tôi hít lấy một hơi thật sâu.
– Đang háo hức lắm phải không?
Saki nói, và nở nụ cười như một đóa hướng dương thật lớn. Khuôn mặt cười rạng rỡ chói chang và đẹp đẽ trong ánh nắng khiến tôi phải nheo mắt.
Mùa hạ cuối cùng rồi cũng tới.”
– N.P
Thế nhưng, giữa thế gian đang vô tư hòa mình mùa hạ đó, ta thấy lạc loài bốn chiếc bóng lẻ loi của Saki, Otohiko, Sui và Kazami. Những nỗi đau mà số phận đặt lên vai họ đã khiến những chàng trai, cô gái ấy vĩnh viễn chẳng thể sống trọn tuổi trẻ của cuộc đời mình.
Trong đó, người đối lập nhất với không khí ngập tràn nhựa sống của thiên truyện là Sui. Khác với ánh sáng ngày hè luôn rực rỡ và hoài không tắt nắng, Sui như màn đêm có thể lặng lẽ tan biến bất cứ lúc nào.
Cuộc đời kéo dài trong chuỗi những bi kịch từ việc bị bố mẹ bỏ rơi khi còn nhỏ, phải tự vất vả kiếm sống trong quán bar bằng nghề nghiệp chẳng mấy trong sạch đến đỉnh điểm của sự tự hủy hoại là ngủ với bố ruột rồi sau đó sa vào tình yêu với anh trai cùng cha khác mẹ Otohiko đã ngày càng đưa người con gái này tiến gần đến cái chết.
Không chỉ có Sui mà Saki và Otohiko cũng bị ám ảnh bởi bóng đen của cha mình, bởi lời nguyền quái ác sinh ra từ niềm cô đơn và tuyệt vọng khốn cùng mà tác phẩm N.P mang lại, họ đã chìm đắm vào niềm đau quá lâu để rồi sinh khí dần cạn kiệt.
Cuối cùng, cả ba người con của Takase Sarao đã quyết định đối mặt với tác phẩm của cha mình để tìm cách giải thoát bản thân khỏi những chuỗi ngày tăm tối và đó cũng chính là lúc họ gặp Kazami.
Khác với Saki, Otohiko hay Sui, Kazami đã chọn cách đối diện với những bất hạnh của số phận trong một tâm thế tĩnh tại, để niềm đau dần lắng đọng theo thời gian và nhờ vậy nên tâm hồn cô có được sự tươi sáng, thanh tân như bầu trời mùa hạ.
Sự khác biệt của Kazami đã khiến ba người con của Takase Sarao tìm đến cô, họ tin cô chính là câu trả lời và là ánh sáng cuối đường hầm sẽ đem đến sự giải thoát cho tất cả.
“Có cậu tôi đã rất vui. Nhất định cậu sẽ luôn sống như vậy phải không? Một cuộc sống có biết bao nhiêu thú vị. Khi quan sát cậu, khi nhìn thấy những giây phút ngây ngô của cậu, hay những niềm vui, nỗi buồn, sự vụng về, sự nhân hậu, và tất cả những cử chỉ của cậu, không hiểu sao tôi lại thấy như yêu bản thân mình thêm một chút. Có lẽ cả những người khác cũng vậy. Lần đầu tiên tôi cảm thấy thế giới chảy ào vào trong mình với dáng hình chân thật nhất của nó. Tôi đã kinh ngạc.”
– N.P
Mặc cho tâm hồn hằn sâu những vết sẹo, các nhân vật chính trong tiểu thuyết N.P của nữ nhà văn Banana Yoshimoto vẫn ngày đêm vật lộn với từng cơn giông bão của cuộc đời để tiếp tục sống, tiếp tục hy vọng và níu lấy ánh sáng mùa hè rực rỡ, ấm áp của thế gian.
Thế giới hư ảo giữa văn chương và cuộc đời trong tiểu thuyết N.P
Điểm thu hút của tiểu thuyết N.P nằm ở chỗ nó mang đến những cảm giác thần bí lạ kỳ, người đọc không cách nào phân biệt được sự khác nhau giữa cuốn sách đang cầm trên tay mình do Banana Yoshimoto chấp bút và tác phẩm N.P của cố nhà văn Takase Sarao được hư cấu trong tác phẩm.
Tương tự như vậy, các nhân vật trong tác phẩm cũng không thể nào tách bạch nổi những bất hạnh của cuộc đời họ rốt cùng là chất liệu cho quyển sách hay chính quyển sách đã gieo vào số phận những con người này bao ẩn ức chẳng nói nên lời.
Chính cảm giác đan xen lồng ghép giữa thực và ảo này đã tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm và góp phần định hình phong cách sáng tác đầy mới lạ, độc đáo của nữ nhà văn Banana Yoshimoto.
Nếu đã yêu thích Banana qua Kitchen, Nắp biển hay Amrita thì N.P sẽ là một tác phẩm đặc sắc nữa của bà mà các độc giả trung thành không thể bỏ qua. Đây là thiên tiểu thuyết không hề dễ đọc và dễ cảm vì nó chạm tới các đề tài nhạy cảm với tình yêu đồng tính, đồng huyết, thần giao cách cảm cùng nhiều yếu tố huyền bí, tôn giáo khác.
Thế nhưng khi ta đủ kiên nhẫn và lòng chân thành muốn thưởng thức tác phẩm, ta sẽ bước vào hành trình chạm ngõ trái tim, quan sát những niềm đau và nỗi cô đơn khốn cùng của kiếp người để rồi nhận ra giá trị cao quý của sự sống đích thực.
Hạnh Vi
Hanh Vi
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất