Amrita là cuốn tiểu thuyết do nhà văn Banana Yoshimoto chắp bút, được sáng tác vào năm 1994. Tác phẩm đã khắc họa nên bức tranh xám xịt về câu chuyện của những tâm hồn mong manh cố gắng chống chọi giữa cuộc đời, trước hoàn cảnh khắc nghiệt, họ học cách đối diện và không bao giờ từ bỏ.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng tốt đẹp, cách tốt nhất để chúng ta bảo vệ bản thân trong tương lai là rèn luyện cho mình một thứ vũ khí để có thể tiếp tục nỗ lực trước bão tố phong ba.

Banana Yoshimoto và thế giới cảm xúc trong Amrita

Banana Yoshimoto song hành với Haruki Murakami và Ryu Murakami, thuộc một trong ba trụ cột chính và cũng là cái tên để lại dấu ấn sâu sắc, góp phần vào việc thay đổi diện mạo văn học Nhật Bản đương đại.

Tác giả sinh ra và lớn lên tại Tokyo vào những năm sáu mươi của thế kỷ XX, khi nước Nhật đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với tốc độ phát triển thần kỳ, vực dậy cả một nền kinh tế vừa bị chiến tranh tàn phá.

Cha của Banana Yoshimoto là một triết gia, nhà thơ, nhà phê bình văn học nổi tiếng Takaaki Yoshimoto cùng người chị gái là họa sĩ tài năng Haruno Yoiko, điều này cũng phần nào giải thích được sự thành công trong sự nghiệp văn chương của nhà văn.

Nhà văn Banana Yoshimoto
Hình ảnh phác họa nhà văn Banana Yoshimoto

Nhắc đến sự nghiệp văn chương của Banana Yoshimoto thì không thể bỏ qua sự thành công ngay từ tác phẩm đầu tay là Kitchen. Cuốn sách được ra đời khi bà đã cảm thấy chán nản trong công việc bồi bàn tại một nhà hàng vào năm hai mươi ba tuổi.

Một năm sau đó, cuốn sách được xuất bản và nhanh chóng trở thành hiện tượng được đông đảo độc giả yêu mến. Mức độ ảnh hưởng của Kitchen còn sâu rộng đến mức khiến mọi người gọi đó là Bananamania, hội chứng banana trên toàn thế giới.

Sau sự thành công của Kitchen, nhà văn tiếp tục cho ra mắt thêm một số tác phẩm khác như Nắp biểnHồN.P hay Amrita. Các cuốn sách nhanh chóng chứng minh được sức ảnh hưởng mang tên Banana Yoshimoto ở trong nước cũng như thế giới.

Một số tác phẩm đáng chú ý của Banana Yoshimoto
Một số tác phẩm đáng chú ý của Banana Yoshimoto

Cho đến bây giờ, Banana Yoshimoto đã sở hữu khối lượng lớn tác phẩm đồ sộ gồm 42 tiểu thuyết và bảy truyện ngắn được đón nhận tích cực và dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau.

Khi nhắc đến bút danh đặc biệt của mình là Banana, nhà văn đã lý giải nguyên nhân bắt nguồn từ niềm say mê hoa chuối vì đơn giản là nó vừa dễ thương, vừa lưỡng tính một cách có mục đích.

Một phần trong bút danh có lẽ phần nào đã hé lộ được quan điểm sáng tác của Banana Yoshimoto. Tình yêu đồng giới, chuyển giới luôn là những chủ đề nhạy cảm ở nước Nhật nhưng bà cũng không hề ngần ngại mà đặt bút nhằm thể hiện cái nhìn cảm thông của mình đến họ.

Hai chủ đề chính được Banana Yoshimoto hướng đến trong hầu hết các tác phẩm là lối sống mệt mỏi của giới trẻ Nhật Bản trong xã hội đương đại và cách thức mà những trải nghiệm ghê sợ định hình ở mỗi con người.

Một số tác phẩm đáng chú ý của Banana Yoshimoto
Một số tác phẩm đáng chú ý của Banana Yoshimoto

Banana Yoshimoto luôn biết cách đào sâu từ những điều rất đỗi bình dị, mộc mạc. Những con người bình thường tưởng chừng có cuộc sống an yên lại chất chứa trong lòng nhiều tâm tư, cảm xúc với nhiều diễn biến tâm lý phức tạp.

Khi mà vòng xoay thời gian cứ làm việc đều đặn không ngừng nghỉ thì những con người ấy đã phải đối diện với những giấc mộng vỡ tan, sự ly biệt, mất mát, nỗi tổn thương nhưng rồi họ vẫn học cách vực dậy để tiếp tục tồn tại.

Để diễn tả được những cảm xúc như vậy thì nhà văn đã vô cùng khéo léo và tài hoa trong việc chọn lọc, sử dụng ngôn từ, xâu chuỗi từng chuyển biến nhỏ nhất, khiến độc giả bị cuốn theo mỗi câu văn vừa dịu dàng, sâu sắc, vừa day dứt, khắc khoải.

“Văn của Banana đã tiến gần đến thơ, tiết độ và gọt giũa, gợi không khí vừa thuần khiết vừa u hoài của tâm trạng, trên ranh giới mong manh của những gì được nói ra một cách tằn tiện và những gì được giữ lại kìm nén trong tâm tư thầm kín của nhân vật.”

– Nhã Nam

Tuy có điểm chung là đi sâu vào nội tâm con người nhưng so với những áng văn trần trụi, phóng khoáng, cô đọng cũng như khó nắm bắt của Haruki Murakami thì các câu chuyện do Banana Yoshimoto chắp bút lại dễ đọc, dễ thấm và dễ hiểu hơn.

Cái tôi giàu xúc cảm và nữ tính là cách mà Banana Yoshimoto để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc. Cốt truyện của bà đơn giản nhưng tinh tế, tình tiết trôi chảy, hài hòa và chậm rãi mà cũng tràn đầy nỗi day dứt, ám ảnh.

Tiểu thuyết Amrita của Banana Yoshimoto
Tiểu thuyết Amrita của Banana Yoshimoto

Amrita là cuốn tiểu thuyết được Banana Yoshimoto viết vào năm 1994, khi mà tài năng của bà gần như đã đạt đến trình độ chín muồi. Cuốn sách là dư âm của tiếng nhạc réo rắt đọng lại nơi tâm hồn những người trẻ, có lúc lên cao da diết và có lúc lại trầm tư, bi ai. 

Hành trình tìm lại ký ức của cô gái có tâm hồn tưởng đã chết đi một nửa

Amrita là câu chuyện về Sakumi, cô gái nhỏ sinh ra bình thường như bao người khác nhưng lại lớn lên trong một gia đình không giống ai. Cái chết của cha đã khiến cô không còn được sống như bao gia đình người Nhật truyền thống khác.

Mẹ Sakumi tái hôn và sinh được một cậu em trai thế nhưng cuộc hôn nhân lại nhanh chóng kết thúc, bà tiếp tục ly hôn. Giờ đây Sakumi sống chung với mẹ, em trai, em họ Mikiko và người bạn thiếu thời của mẹ là cô Junko.

Vào một ngày kia, gia đình Sakumi đã phải trải qua nỗi đau khi em gái Mayu, người tưởng chừng sẽ sống một cuộc đời trong ánh hào quang của sự nổi tiếng lại bất ngờ qua đời trong vụ tai nạn sau thời gian dài điều trị trầm cảm và tổn thương tinh thần.

Hình ảnh cuốn sách Amrita
Hình ảnh bìa của cuốn sách Amrita

Banana Yoshimoto một lần nữa tái hiện lại cái chết ở từng trang viết, đó là sự ngã xuống bất ngờ của mỗi số phận bình thường đang chen chúc trên xa lộ cuộc đời. Nó đã để lại vết thương và nỗi đau vô hình cho những người thân đang tiếp tục trên hành trình sự sống.

Sakumi tự tạo cho mình lớp vỏ bọc mạnh mẽ khi đối diện với những mất mát, tổn thương, bản thân chưa rơi bất cứ giọt nước mắt nào kể từ ngày em gái qua đời thế nhưng món quà từ phương xa do người bạn trai cũ của Mayu gửi đến đã khiến cảm xúc trong cô vỡ òa.

“Vừa ngồi xuống, nhìn cái đầu nghiêng nghiêng tha thiết của nó, đột nhiên, tôi lại muốn khóc. Định thần lại thì nước mắt đã trào ra tự lúc nào. Tất cả mọi chuyện sau đó chỉ diễn ra trong vòng năm phút, nhưng trong năm phút đó, tôi đã khóc đến nỗi quên hết mọi thứ xung quanh, như thể cả thế gian này đều tan thành nước mắt.” 

– Amrita

Trải qua nhiều biến cố cuộc đời, Sakumi còn không may trượt chân ngã cầu thang khiến cô bị chấn thương sọ não. Sự kiện này đã làm cho trí nhớ của Sakumi không còn nguyên vẹn, ký ức trong cô trở thành một mớ hỗn độn, tâm hồn cũng vì thế mà chết đi một nửa.

Bìa sau của quyển sách Amrita
hình ảnh bìa sau của cuốn sách Amrita

Đối diện với biến cố, Sakumi phải bước vào hành trình lượm nhặt những mảnh ghép ký ức để khôi phục trí nhớ của mình. Con đường này không chỉ giúp cho cô từng bước tìm được những mảnh ghép cũ mà còn thấu hiểu chính bản thân mình.

Khi bước vào hành lang tối tăm, ẩm ướt trong tiềm thức xa xăm, mịt mờ ấy thì nhân vật chính đã phải dò dẫm từng bước để chạm tay tới ánh sáng phía cuối con đường, đó là tìm kiếm cho mình một sự giải thoát và cũng là một sự khởi đầu tốt đẹp.

Những con người nhỏ bé trước hiện thực và mộng ảo

Trên cuộc hành trình thoát khỏi bóng tối với những ký ức hỗn độn của bản thân, Sakumi không hề đơn độc, thỉnh thoảng cô sẽ có Ryuichiro, bạn trai cũ của Mayu hoặc đôi khi là người em trai Yoshio mang năng lực thấu cảm tương lai cùng đồng hành.

Mỗi người mà cô gặp trên hành trình ấy đều có mỗi hoàn cảnh và những nỗi đau khác nhau nhưng họ đều mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình, từ đó bản thân sẽ luôn nỗ lực để bước tiếp trên mọi chặng đường trong cuộc sống.

Đó là đại gia đình Kazumi với những bi kịch đau thương, một Saseko có tuổi thơ bất hạnh, câu chuyện giữa Mì Sợi và Mesmer hay chuyện tình cảm nảy nở giữa Sakumi với Ryuichiro, người yêu cũ của Mayu.

Hình ảnh quyển sách Amrita của Banana Yoshimoto
Hình ảnh quyển sách Amrita của Banana Yoshimoto

Đọc Amrita người đọc sẽ bị cuốn vào thế giới của từng xúc cảm ám ảnh không rời, đan xen giữa hiện thực khắc nghiệt với những ảo mộng, giấc mơ chập chờn hay mỗi câu chuyện tâm linh ma mị, không lối thoát.

Ám ảnh về cái chết và những tổn thương trong tiểu thuyết Amrita không đơn thuần chỉ là ám ảnh của cá nhân Banana Yoshimoto mà đó còn là tâm thức chung của con người Nhật Bản khi đứng trước khủng hoảng.

Hình ảnh bìa quyển sách Amrita của Nhật Bản
Hình ảnh bìa quyển sách Amrita do Banana Yoshimoto chắp bút

Trước những nỗi đau thương liên tiếp trong đời sống, trước guồng quay nghiệt ngã của số phận, từng kiếp người bé mọn ấy đang gồng mình lên để khẳng định cái tôi, kiếm tìm bản ngã để rồi nhận về chỉ là sự vụn vỡ và đau thương.

Quá khứ mất mát, hiện tại mơ hồ, bất định khiến cho con người chỉ còn cách nhìn vào tương lai, bấu víu lấy hy vọng để tiếp tục nỗ lực trong cuộc sống.

Amrita là thứ nước cam lộ quý giá chữa lành tâm hồn

Tuy rằng Amrita được vẽ nên bởi gam màu xám xịt từ nỗi đau, cái chết, vất vả và gian khó của những kiếp người trên đường đời nhưng tác phẩm không hướng người đọc đến sự bi lụy hay đau thương.

“– Thế Amrita có nghĩa là gì?

– Nghĩa là thứ nước mà thần linh dùng để uống, người ta vẫn hay gọi là “Cam lộ” đó! Ý là mỗi ngày sống trên đời cũng giống như từng giọt nước ta uống vậy.”

– Amrita

Amrita được xem là giọt nước mắt, thứ nước có thể chữa lành lòng người. Đọc tiểu thuyết chúng ta sẽ hiểu ra rằng, chết như một phần rất đỗi bình thường của cuộc sống. Một người hôm nay còn đó, hôm sau đã không từ giã mà ra đi, đó là cách mà thế giới xung quanh ta luôn hoạt động.

“Mỗi khi có người thân quen mất đi, phải chứng kiến những tiếng bi thương của những người xung quanh, tất nhiên tôi cũng đôi chút ngỡ ngàng chưa thể tin ngay rằng nỗi đau đến vậy là có thật, song ngẫm lại, sự bàng hoàng đó có lẽ không đáng gì so với với điều kỳ diệu là con người đó đã sống đến tận giây phút ấy. Và cứ nghĩ như thế, tôi có cảm giác rằng tuy chúng ta đang sống nhưng cái sự sống đó có thể dừng lại bất cứ lúc nào.”

– Amrita

Tác phẩm truyền tải vào lòng người đọc là nỗi niềm hạnh phúc và thái độ trân trọng sự sống nên chúng ta phải cố gắng để sống tốt hơn nếu không bản thân sẽ mãi lãng phí thời gian một cách vô ích.

Một trang sách của nhà văn Banana Yoshimoto
Một trang sách của nhà văn Banana Yoshimoto

Con người sống trên đời phải đối diện với vô số lời nói khó nghe, khi ấy chắc chắn họ sẽ cảm thấy mệt mỏi và bản thân luôn nghĩ ra nhiều lý do để ngừng tồn tại. Dù thế nào đi nữa thì hãy cho phép mình được yếu đuối một chút rồi tiếp tục đứng lên, hãy là chính mình trong những tháng ngày đẹp đẽ.

“Thật đẹp khi ta được sống là chính mình, cho dù có thể vì thế mà ta gục ngã, và chẳng có gì đáng để người khác quyết định thay cho ta.”

– Amrita

Banana Yoshimoto đã từng nói trong cuộc phỏng vấn rằng, bà không nghĩ có thể ngăn người ta tự sát nhưng hy vọng nếu ai đọc được tác phẩm của mình, họ sẽ hoãn lại việc tự sát trong mười phút hoặc một đêm, vì có thể sự hoãn lại là cơ hội để tiếp tục sống.

Với lối viết văn đơn giản mà sâu sắc, Banana Yoshimoto xoay vòng người đọc trong ranh giới giữa cõi mơ và thực tại. Ẩn ý kín đáo đầy nhân văn về một tương lai có những tia sáng của hy vọng cùng những yêu thương mang năng lượng chữa lành.

Đọc Amrita chúng ta sẽ nhận ra được rằng, dù có chuyện gì xảy ra thì cuộc đời vẫn trôi đi mãi nên bản thân hãy sống, tận hưởng và đi tìm ánh sáng dẫn đường đến hạnh phúc.

Khả Di