Tác phẩm Thủy nguyệt của Kawabata Yasunari đã mở ra một thế giới của tình yêu và giác ngộ, dẫn đưa người đọc đến vùng đất của cái đẹp. Thông qua đó, nghệ sĩ thổi vào trang văn những tầng lớp ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.

Truyện ngắn Thủy nguyệt đồng thời khẳng định vị thế của ngòi bút Kawabata Yasunari – chủ nhân của giải Nobel Văn học năm 1968, với những đóng góp, tôn vinh vẻ đẹp hư ảo và u uẩn trong con người xứ Phù Tang.

Kawabata là chủ nhân của giải Nobel văn học đầu tiên đến từ Nhật Bản

Kawabata Yasunari là một nhà văn, tiểu thuyết gia nổi tiếng của Nhật Bản. Ông được người đọc từ nhiều nơi trên thế giới biết đến với những sáng tác văn chương, những tiểu luận mỹ học và phê bình văn học. 

Vì tuổi thơ không trọn vẹn, đứa trẻ ốm yếu lại côi cút Kawabata chỉ biết tựa mình vào năng lực sáng tạo, phong kín vết thương tâm hồn bằng cuộc tìm kiếm mê mải cái đẹp trong cuộc đời, trở thành một lữ khách u buồn trên văn lộ.

Kawabata là chủ nhân của giải Nobel văn học đầu tiên đến từ Nhật Bản

Khi mới mười ba, Kawabata đã bắt đầu say mê văn học cổ điển Nhật Bản và chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi nỗi buồn triền miên trong tâm hồn người Nhật. 

Ông đắm mình trong cảm thức hoài cổ bằng cách sưu tầm, chép thơ Haiku của Matsuo Basho, tìm đọc truyện Genji do Murasaki Shikibu chấp bút. Là người chịu ảnh hưởng từ Freud, Marcel Proust, James Joyce xong cuối cùng vẫn quay về với cái đẹp trong văn học dân tộc.

“Không bao giờ tôi trút được ám ảnh rằng mình là một người lang thang ưu sầu. Luôn luôn mơ mộng tuy rằng chẳng bao giờ chìm đắm hoàn toàn trong mơ, mà vẫn luôn tỉnh thức giữa khi mơ…”

Trong một kỷ nguyên mà Nhật Bản không ngừng hướng theo mô hình Tây phương thì Kawabata lại miệt mài, tìm kiếm, góp nhặt và gìn giữ vẻ đẹp cổ điển Nhật Bản, khát khao tìm về bản thể của cái đẹp trong suốt chiều dài lịch sử xứ Phù Tang.

Là đại diện tiêu biểu cho khuynh hướng giữ gìn phong cách truyền thống Nhật Bản, các sáng tác của ông đã trở thành một di sản tinh thần quý giá trong kho tàng giá trị văn hóa thế kỷ hai mươi.

Có một sự trùng hợp là ông đoạt giải Nobel Văn học 1968 vào đúng kỷ niệm một trăm năm năm hiện đại hóa văn học Nhật Bản từ cuộc Duy Tân của Minh Trị Thiên Hoàng năm 1868.

Đại diện Viện Hàn lâm Thụy Điển đã dành lời ngợi ca cho những cống hiến của Kawabata Yasunari rằng “Ông là người tôn vinh cái đẹp hư ảo và hình ảnh u uẩn của hiện hữu trong đời sống thiên nhiên và trong định mệnh con người”.

Phong cách sáng tác của Kawabata được thể hiện trong Thủy nguyệt

Tiểu thuyết của ông luôn có xu hướng thể hiện cái đẹp trong một cảm thức mất mát và suy tàn. Vì thế, tác phẩm dưới ngòi bút ông luôn ẩn chứa nỗi buồn cùng niềm bi cảm khôn nguôi về số phận con người.

Kawabata đã dẫn dụ người đọc đến nỗi buồn được kết tinh từ chính những nguồn đau trong cuộc đời của một con người sinh ra với định mệnh cô đơn, kết hợp truyền thống văn hóa văn học Nhật Bản “Mono no Aware”.

Phong cách sáng tác của Kawabata được thể hiện trong Thủy nguyệt

Bên cạnh sự kế thừa và tiếp nối truyền thống, nỗi buồn trong tiểu thuyết Kawabata còn là những thanh âm khắc khoải vang âm của một thời đại mà cái đẹp đang dần bị hoen ố.

Bởi vì nỗi buồn ấy còn được hun đúc từ chính thực tại tang thương của Nhật Bản đương thời, đó là những đổ vỡ tinh thần mà người Nhật phải đối diện khi văn minh phương Tây xói mòn văn hóa truyền thống một cách dữ dội. 

Đồng thời, tác phẩm còn mang tàn dư đổ nát điêu linh của đất nước sau trận động đất lịch sử ở Kanto, sau hai lần thảm bại trong chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai.

Truyện ngắn Kawabata ẩn giấu niềm bi cảm Aware, hàm chứa quan niệm của người Nhật về cái đẹp, một trực giác thẩm mỹ, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Phật giáo, gợi tả cái đẹp phù du chóng tàn với nỗi buồn phảng phất khi chúng tàn phai.

Ngòi bút nhà văn còn có sự giao thoa với tinh hoa nghệ thuật phương Tây hiện đại. Sự mẫn cảm tinh tế trước cái đẹp bằng lối cảm nhận trực tiếp, rung động bằng nhận thức cảm tính chứ không phải sự giải phẫu bằng lý tính khiến Kawabata trở thành một đại diện của trường phái Tân cảm giác.

Về nhan đề Thủy nguyệt đầy bí ẩn của tác phẩm

Tác phẩm của Kawabata vốn được người đọc biết đến với nhiều cái tên ấn tượng như Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Đẹp và Buồn hay Thủy nguyệt. Những cái tên mà nhà văn đặt cho mỗi đứa con tinh thần đều khơi gợi sự tò mò nơi người đọc.

Xét theo cách đời thường nhất, khi ánh trăng phản chiếu xuống mặt nước, đó chính là một hiện tượng vật lý. Trên bề mặt phẳng, hình ảnh thật dưới tác động của khúc xạ ánh sáng sẽ mang lại hình ảnh ảo giống hệt về đường nét, màu sắc và hình dáng. 

Hình ảnh ảo đó là kết quả phản ánh của hình ảnh thật lên bề mặt phản ánh. Từ đó, chúng tạo nên thế giới gương soi trong truyện ngắn của Kawabata.

Thế giới gương soi trong Thủy nguyệt mở ra góc nhìn đa chiều

Trong thiên truyện ngắn của mình, Kawabata đã mở ra một thế giới gương soi, nơi con người nhìn ra những góc khuất tâm hồn. Điều khiến người đọc nhớ tới Thủy nguyệt là nhờ tài năng lồng ghép văn hóa truyền thống và hiện đại.

Thế giới gương soi trong Thủy nguyệt mở ra góc nhìn đa chiều con người

Nhà văn đã tài tình kết hợp ý nghĩa của chiếc gương trong đa nền văn hóa để tạo thành thế giới gương soi, tất cả nhằm chứa đựng những triết lý nhân sinh sâu sắc mà ông muốn gửi gắm đến người đọc.

Ý nghĩa của chiếc gương trong đa nền văn hóa

Trong văn hóa Nhật Bản, chiếc gương soi có nguồn gốc từ Thần đạo (Shinto). Đó là biểu tượng của Nữ thần Mặt Trời, là vật báu được thờ cúng bởi người dân xứ hoa anh đào. 

Vượt ra khỏi vẻ ngoài bình dị, chiếc gương gắn liền với đời sống tâm linh và tâm hồn của con người xứ Phù Tang. 

Còn trong đạo Phật, gương Dharma là công cụ để giác ngộ. Gương sáng là biểu tượng của đức hiền minh và sự hiểu biết còn gương bị phủ bụi tượng trưng cho trí tuệ bị u tối đi.

Trong thơ tanka trung đại, chiếc gương soi chân tâm, thức tỉnh sự giác ngộ của con người trong mối quan hệ với vạn vật. Đồng thời, gương soi còn là thủ pháp đắc lực bộc lộ bản chất mỗi người, giúp họ nhận ra tình trạng tha hóa của chính mình.

Trong hành trình từ văn học truyền thống đi vào sáng tác của Kawabata, chiếc gương từ một biểu tượng văn hóa đã trở thành một thủ pháp nghệ thuật độc đáo, góp phần biểu hiện quan niệm nhà văn về con người.

Thế giới gương soi trong truyện ngắn Thủy nguyệt

Đến với Thủy nguyệt, thế giới trong gương là thế giới ảo, phi thực, không thể nắm bắt nhưng lại có khả năng đánh động toàn bộ giác quan và tâm hồn con người.

Chiếc gương của Kawabata không chỉ mang theo sứ mệnh soi chiếu, phản ánh sự thật mà quan trọng hơn cả, chiếc gương đưa những tâm hồn đến gần với nhau, cũng như đến gần cái đẹp hơn nữa.

Thương người chồng đau yếu, Kyoko dùng chiếc gương để đưa anh trở về cuộc sống hiện thực ngoài kia. Bằng chiếc gương nhỏ trên tay, anh ngắm được cả bầu trời cùng những áng mây, cảnh tuyết rơi, cả vầng trăng in trên vũng nước.

Đó là những khung cảnh mà nếu không có sự hiện diện của chiếc gương, có lẽ, anh chẳng bao giờ được nhìn ngắm lại. 

Bởi vậy, dù trong gương là ảo nhưng với một người không thể rời giường bệnh thì nó lại mang ý nghĩa vô cùng to lớn. Thế giới phi thực trong chiếc gương đã nuôi dưỡng nguồn sinh lực sống trong anh. 

Bằng chiếc gương, cả hai vợ chồng Kyoko cũng khám phá được những điều kỳ lạ, họ thấy thế giới trong gương đẹp hơn cả bên ngoài, không chỉ dung chiếu cảnh vật mà cả yêu thương và trái tim.

“Chính Kyoko cũng đâm ra  sửng sốt với cái thế giới ba la và trù phú mà chiếc gương con ấy mở ra… Đối với nàng cả hai đều trở thành những thế giới tồn tại độc lập”

Kyoko, chính nàng đã nhận ra điều kỳ lạ trong chiếc gương ấy, rằng “thì ra ai cũng chỉ có thể nhìn thấy mặt mũi của chính mình bằng cách ngắm nó trong gương; ngoài cách ấy ra, không còn một cách nào nữa hết”.

Chiếc gương mời gọi Kyoko hướng về bản thân, cả khi điều kiện khách quan lẫn chủ quan buộc nàng rời bỏ chính mình. Khi người chồng mất, chiếc gương thôi thúc Kyoko tìm về ký ức xưa cũ với những hoài niệm trong trẻo khi cả hai còn ở bên.

Chiếc gương soi chiếu vẻ đẹp của quá khứ trong hiện tại

Sau này, dù Kyoko sống với người chồng mới, nàng vẫn giữ thói quen soi chiếu bầu trời qua chiếc gương nhỏ. Thực ra, nàng đang soi chiếu bầu trời thời gian trong ký ức, nơi đó có mảnh vườn nhỏ và người chồng nàng hết mực yêu thương.

Có lúc, nàng mơ mình gặp lại hình bóng người chồng quá cố qua hình ảnh đứa con trong tương lai. Đó là minh chứng cho tấm lòng thủy chung trong tình yêu của nàng Kyoko.

Chiếc gương soi chiếu vẻ đẹp của quá khứ trong hiện tại

Mỗi lần hồi tưởng về quá khứ, khi cùng chồng ngắm mảnh vườn, vầng trăng trong đáy nước và lắng nghe tiếng chim, tâm hồn Kyoko lại cảm thấy ấm áp. Dẫu sống ở hiện tại nhưng nàng luôn hướng về quá khứ rồi mong mỏi đến tương lai.

Có lúc, Kyoko tự hỏi “Sao mình lại gần gũi, vì lo cho sức khỏe anh ấy, nếu như mình thừa biết sớm muộn gì rồi anh ấy cũng sẽ qua đời”. Thế nên, đứa con trong bụng được nàng khao khát sẽ giống người chồng quá cố.

“Ta làm gì hả anh, nếu đứa trẻ mang trong bụng em giống anh.”

Quá khứ, hiện tại, tương lai soi chiếu vào nhau làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn và tình yêu thủy chung mà Kyoko luôn dành cho chồng.

Cái gương, đồng thời có thể coi là một kẻ sát nhân bởi qua chiếc gương, người chồng nhìn thấy những biến chuyển bệnh tình. Chiếc gương giết niềm hy vọng và khiến anh chết từng ngày. Mãi đến khi chồng qua đời, Kyoko mới nhận ra điều khủng khiếp ấy.

Dù vậy, tấm gương trong tay người chồng bệnh tật vẫn soi chiếu tâm hồn một người vợ chu đáo, tận tụy, trong sáng và thủy chung. Vẻ đẹp ấy mãi mãi in dấu trong chiếc gương con mà nàng đã hỏa táng theo di hài người chồng quá cố.

Chiếc gương như đã vượt ra ngoài khuôn khổ của sự soi chiếu. Nó trở nên có số phận, vai trò và ý nghĩa y hệt một nhân vật tồn tại độc lập trong mối quan hệ song song của vợ chồng Kyoko.

Bí Ngô