Xứ tuyết là danh tác bất hủ, phô bày trọn vẹn vẻ đẹp văn chương của Kawabata Yasunari. Không lấy cuộc sống hiện đại làm chất liệu sáng tạo, cuốn sách lựa chọn tìm về cội nguồn văn hoá xứ sở Phù Tang. 

Với chất trữ tình sâu lắng và ngòi bút siêu thực, tác phẩm được nhà nghiên cứu văn học Nhật Chiêu ví như bản giao hưởng ngân vang trong lòng người một nỗi u buồn, một hoài niệm về cái đẹp, về cành hoa tuyết đã tan, về mối tình đã mất.

Kawabata Yasunari là người lữ khách muôn đời tìm kiếm cái đẹp

Kawabata Yasunari sinh năm 1899 tại Osaka, ông là nhà văn Nhật Bản đầu tiên và Châu Á thứ ba đoạt giải Nobel Văn học. Dù không sở hữu kho tàng tác phẩm đồ sộ, tiểu thuyết gia vẫn đủ sức chinh phục trái tim độc giả nhờ chất riêng qua từng trang sách.

Xứ tuyết, Ngàn cánh hạc, Tiếng rền của núi, Những người đẹp say ngủ hay Đẹp và buồn, tất cả sáng tác của Kawabata Yasunari đều tựa viên ngọc quý, mang trong mình những điều tinh túy nhất của văn hoá và tâm hồn Nhật.

Hình ảnh minh hoạ cho Kawabata Yasunari
Chân dung nhà văn Kawabata Yasunari

Khi bước vào thế giới văn chương của Kawabata Yasunari, người đọc dễ dàng nhận thấy các tác phẩm đều tập trung vào chủ đề tình yêu không đạt, sự trinh bạch và ám ảnh về nỗi cô đơn. 

Điều này bắt nguồn từ tuổi thơ và quá trình trưởng thành không mấy suôn sẻ của nhà văn. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, đến thời niên thiếu, ông tiếp tục chứng kiến những người thân còn lại rời xa.

Chưa dừng ở đó, đường tình duyên của Kawabata Yasunari cũng gặp không ít trắc trở. Ở tuổi đôi mươi, ông đã yêu một thiếu nữ sâu đậm và sẵn sàng cùng nàng kết tóc trăm năm.

Thế nhưng, người con gái ấy lại trải qua một biến cố lớn, để rồi quyết định từ hôn. Các sự kiện đau lòng ấy mãi in dấu nơi tâm hồn nhà văn, trở thành chất liệu để ông viết nên những trang văn đẹp và buồn.

Bên cạnh thăng trầm cuộc sống, cảm hứng sáng tác của Kawabata Yasunari còn đến từ thói quen “ưa xê dịch”. Sinh ra tại Osaka nhưng tiểu thuyết gia thường không ở quê nhà, thay vào đó thích du ngoạn để tìm về với thiên nhiên.

Kawabata luôn đi tìm cái đẹp
Ngòi bút Kawabata Yasunari đẹp đẽ mà u buồn

Tài năng của Kawabata Yasunari còn được nuôi dưỡng suốt khoảng thời gian ngồi trên giảng đường. Khi ấy, việc chuyên tâm nghiên cứu văn học phương Tây lẫn văn học Nhật Bản đã giúp ngòi bút của ông mang nét giao thoa giữa truyền thống và hiện đại.

Ngoài ra, việc thành lập tạp chí Văn học thời đại, cơ quan ngôn luận cho trường phái Tân cảm giác đã đánh dấu sự định hình trong phong cách nghệ thuật của Kawabata Yasunari.

Ông chủ trương tìm kiếm những cách khai thác mới, gần gũi với các nghệ sĩ hiện đại chủ nghĩa. Thế nhưng, thực chất tác giả luôn bám sâu vào cội rễ văn học phương Đông, tìm kiếm sự hòa hợp giữa thế giới hiện thực và tâm linh.

“Tôi đã tiếp nhận lễ rửa tội nơi văn chương Tây phương hiện đại và tôi cũng đã bắt chước nó, nhưng chủ yếu tôi là một người Đông phương và suốt mười lăm năm qua tôi chưa từng đánh mất phong cách ấy của mình.”

Mượn lối viết hiện đại, Kawabata Yasunari làm sống lại văn xuôi Nhật Bản bằng cách đan dệt những yếu tố tương phản như cũ và mới, sống và chết, trinh bạch và nhục cảm, thực và ảo, con người và ngoại vật.

Xứ tuyết là cuộc hành hương về vùng đất của cái đẹp 

Từ năm 1935 đến năm 1947, Kawabata Yasunari miệt mài viết Xứ tuyết, tác phẩm được chia thành từng kỳ và đăng tải nhiều lần trên các tờ báo. Theo chân chàng lữ khách Shimamura, tiểu thuyết đưa độc giả đến với thị trấn ở phía Tây rặng Alps Nhật Bản.

Thừa kế khối tài sản kếch xù, Shimamura không phải lo nghĩ về cơm áo gạo tiền. Thay vào đó, anh dành thời gian theo đuổi nghệ thuật và bị thu hút bởi cái đẹp như vô thức bị cuốn vào một ma lực huyền bí.

Trên hành trình du hành đến xứ tuyết để ngắm cảnh và tắm suối nước nóng, Shimamura đã rung động trước vẻ đẹp của geisha Komako với ca kỹ Yoko, hai người phụ nữ mà cả đời này anh không thể nào quên.

Ảnh minh hoạ cho Xứ tuyết
Bìa sách Xứ tuyết do nhà xuất bản Hồng Đức phát hành.

Tưởng như hai mảnh đời riêng biệt, Komako và Yoko lại có mối liên hệ mật thiết vì đều mang ơn nhà Yukio. Để đền đáp, họ đã tận tâm giúp đỡ người con trai đang lâm trọng bệnh của gia đình.

Nếu Komako trở thành geisha để kiếm tiền chữa trị thì Yoko lại hy sinh mọi thứ để chăm sóc Yukio. Cả cuộc đời nàng ca kỹ phần lớn xoay quanh anh chàng, cô chấp nhận bỏ công việc ở xứ tuyết, theo Yukio lên Tokyo chữa bệnh cũng như đưa cậu về nhà khi không còn sức chống chọi.

Trước mối quan hệ này, Shimamura xuất hiện như người quan sát. Thoạt đầu, anh đến xứ tuyết với mục đích nghỉ ngơi, gọi geisha bầu bạn. Để rồi, chính việc ấy đã dẫn đến cuộc gặp gỡ giữa Shimamura và Komako, chàng trai cũng vì cô nàng mà trở lại lữ quán nhiều lần.

Đặc biệt, trong lần thứ ba ghé thăm xứ tuyết, cậu đã khám phá trọn vẹn những góc khuất cuộc đời Komako cũng như câu chuyện về Yoko và Yukio. Sau khoảng thời gian tiếp xúc với hai người phụ nữ, tâm hồn Shimamura bắt đầu xuất hiện nhiều cảm xúc khó tả.

Dành cho Komako một tình yêu đậm màu sắc nhục dục, chàng lữ khách luôn lưu luyến nàng geisha bất kể việc ý thức được bi kịch đang đến gần. Còn Yoko, tuy chỉ là đối tượng anh có dịp ngắm nhìn từ xa nhưng Shimamura vẫn bị thu hút bởi vẻ trừu tượng và huyền bí.

Chính cuộc gặp gỡ với hai người con gái khiến anh nhận ra điều mình hằng tìm kiếm. Đó là cái đẹp ẩn sau sự tầm thường của cuộc sống, một khi được phát hiện sẽ có khả năng thanh lọc tâm trí nhưng cũng để lại nhiều trăn trở. 

Xứ tuyết trắng đen
Cốt truyện của Xứ tuyết đơn giản nhưng có ý nghĩa sâu sắc

Cùng với con người, thiên nhiên cũng góp phần tạo nên sức hút khó cưỡng cho tác phẩm. Đến xứ tuyết ba lần nhưng Shimamura vẫn không khỏi ngạc nhiên trước vẻ đẹp huyền diệu của núi rừng, tạo vật liên tục “thay áo” khi một mùa trôi qua.

Dưới lăng kính của người nghệ sĩ, Kawabata Yasunari đã miêu tả thiên nhiên với đầy đủ cảm xúc, hương vị. Từ rặng liễu sam nấp mình trong tuyết trắng, những “ngọn nhũ băng mảnh dẻ sáng lung linh” đến dãy nhà cổ hay đoàn tàu bị bỏ quên, mọi khung cảnh đều kỳ ảo và mang đến sự thanh thản cho tâm hồn. 

Âm hưởng truyền thống của văn hoá Nhật Bản trong Xứ tuyết 

Xứ tuyết là một tác phẩm mang tính biểu tượng cao, được sáng tác suốt mười hai năm, song hành cùng nước Nhật qua khoảng thời gian đầy biến động. Chính vì thế, áng văn này ẩn chứa phép ẩn dụ lớn về những đổi thay của xứ Phù Tang trước và sau Thế chiến.

Đơn cử là sự mai một những giá trị truyền thống và lên ngôi các tiêu chuẩn hiện đại, thực trạng chung ở thời đại mà Kawabata Yasunari sinh sống. Là người lựa chọn gắn bó với cội rễ Đông phương, nhà văn luôn mải miết tìm kiếm nét đẹp xưa cũ nhằm phục dựng sự phong phú của tâm hồn Nhật.

Không phải cốt truyện hay số lượng nhân vật, thứ làm nên độ dày cho Xứ tuyết chính là bề dày văn hoá cổ truyền. Từ thói quen tắm suối nước nóng, lối sống hài hoà với thiên nhiên đến geisha, kimono và lễ hội dệt vải chijimi, tất cả đều được tác giả miêu tả tỉ mỉ.

Ông cảm nhận sự thay mùa trong từng kẽ lá, nhành cây và làm sống động nhịp chuyển màu khó nhận thấy của núi rừng. Đến với những trang văn của Kawabata, độc giả như đang chiêm ngưỡng một bức tranh phong cảnh tươi tắn, sắc độ được phối ngẫu hài hoà.  

Còn đám chuồn chuồn trước mắt anh thì trông như bị dồn đuổi. Tưởng đâu chúng hối hả bay để bóng dáng khỏi tan nhoà vào sắc xanh đang thẫm dần theo chiều buông của rừng liễu sam. 

Khi núi xa đón ánh tịch dương, có thể thấy rõ lá thu từ cao xuống thấp đang chuyển màu rực rỡ.

– Xứ tuyết 

Hơn thế nữa, thiên nhiên xứ tuyết mang trong mình một linh hồn xưa cổ. Gắn bó nhiều năm với vùng đất này, nàng geisha Komako đã hấp thụ nhựa sống của núi rừng, sở hữu vẻ đẹp hoang dại và sự khoẻ khoắn hiếm có, để rồi khiến Shimamura mê đắm.

Bên cạnh đó, tâm hồn Nhật Bản được thể hiện thông qua niềm bi cảm (mono no aware). Đây là một trong những triết lý quan trọng của văn hoá truyền thống xứ sở hoa anh đào, dùng để gợi tả một nỗi buồn man mác, lặng thầm trước vẻ đẹp chóng tàn của cuộc sống.

Trong Xứ tuyết, điều này được thể hiện rõ qua cách Shimamura nhìn nhận Yoko. Với chàng lữ khách, cô ca kỹ có chất giọng đẹp nhưng lại “đẹp đến não lòng”, mong manh như bóng nước, có thể vỡ tan bất kỳ lúc nào.

Từ lần đầu gặp mặt, Shimamura đã bị thu hút bởi sự huyền bí của Yoko và không ngừng rung động trước cô. Thế nhưng, cảm xúc của anh chỉ được đẩy lên đến cao trào khi chứng kiến nàng ca kỹ gieo mình xuống mặt đất, thời khắc sự sống – cái chết, giá trị tức thời – vĩnh cửu đồng loạt hội tụ. 

Chưa dừng ở đó, với nỗi ám ảnh về những gì đã qua nên Kawabata Yasunari luôn để quá khứ xuất hiện ngay trong hiện tại.

Anh đi một quãng vào con phố ấy, với cảm giác thưởng thức một cái gì hiếm gặp. Dưới mái hiên nhuốm màu thời gian là khoảng bóng râm sâm sẫm. Đã có những vết mục ở chân cột nghiên nghiên. Anh có cảm giác đang ghé nhìn vào bên trong ngôi nhà của tổ tiên bao đời, một không gian ảm đạm bị chôn vùi trong tuyết.

– Xứ tuyết 

Mỗi lời văn do ông chấp bút đều mang âm hưởng từ ngàn xưa vọng về. Điều này đã tạo nên “cảm giác linh thiêng”, khiến nhịp điệu tác phẩm trở nên sâu lắng và nhẹ nhàng đi vào lòng người. 

Vẻ đẹp nữ tính hiển hiện trong Xứ tuyết 

Người phụ nữ là hiện thân của cái đẹp mà trong quan niệm của Kawabata, cái đẹp luôn đi cùng nỗi buồn. Vì thế, đẹp và buồn là đặc trưng nổi bật của các nhân vật nữ trong Xứ tuyết. Yoko và Komako đều là những cô gái trẻ, sinh ra, lớn lên trong gia đình thiếu vắng người thân nên phải tự bươn chải để nuôi sống chính mình.

Điều đó làm nên vẻ mơ hồ, ám ảnh day dứt trong nỗi cô đơn của từng nhân vật. Dù có tính cách, hoàn cảnh khác nhau nhưng ở Yoko và Komako đều tỏa sáng vẻ đẹp thiên tính nữ. Nếu Yoko mang dáng dấp một người mẹ, lấy việc quan tâm chăm sóc người khác làm nguồn vui thì Komako cũng hi sinh làm geisha kiếm tiền chữa bệnh cho con trai người cô dạy nhạc để trả ơn.

Trải qua bao thương tổn, trong sâu thẳm tâm hồn phụ nữ, họ vẫn khao khát một mái ấm gia đình để được làm vợ, làm mẹ, được yêu thương và mang lại hạnh phúc cho người khác. Mỗi nhân vật là một câu chuyện, một mảng màu riêng biệt mà khi dốc lòng thấu hiểu, độc giả sẽ thấm thía lẽ vô thường của cuộc đời. 

Komako là vẻ đẹp sống động của thực tại

Từ hình thể đến tâm hồn, geisha Komako là cái đẹp đã thu hút mạnh mẽ Shimamura ngay từ lần đầu tiên anh đặt chân đến xứ tuyết. Komako nổi bật bởi sự khỏe khoắn, đầy đặn của bộ ngực, làn da “nuột nà tươi tắn”, “lại phơn phớt ánh hồng”, hàng lông mày rậm, đôi mắt lóng lánh và bờ môi căng mọng.

Nàng mang đến cảm giác tươi mát và dạt dào sức sống như núi rừng xứ tuyết. Không chỉ khuất phục trước vẻ đẹp ngoại hình, tâm hồn của Komako cũng là thứ mà Shimamura hết lòng thưởng thức.

Xứ tuyết tiếng Anh
Bìa sách tiếng Anh của Xứ tuyết

Ở Komako, ta thấy sự tương phản gay gắt giữa nhiều mặt đối lập, truyền thống và hiện đại, hồn nhiên và từng trải. Với vai trò là một geisha, Komako hiện thân cho nét quyến rũ cổ xưa của Nhật Bản. Nàng gắn bó sâu sắc với văn hoá dân tộc, luôn diện những bộ kimono tươi tắn, có tài đàn Shamisen, hát múa âm nhạc cổ truyền.

Thế nhưng, cùng lúc đó, nàng cũng là một con người vô cùng hiện đại với nghị lực sống phi thường. Komako tự hoàn thiện kỹ năng đàn hát giữa vùng núi tuyết hoang vu, chăm đọc sách dù đôi khi không hiểu hết chúng. Mọi nỗ lực nàng bỏ ra đều vì tôn nghiêm của chính mình, chứ không lệ thuộc vào bất kỳ ai.

Dù không để ý, nhưng do đã thành thói quen thường xuyên tập đàn một mình trước thiên nhiên bao la, ngón đàn của nàng cũng tự nhiên trở nên mạnh mẽ. Nỗi cô độc san phẳng u sầu và hun đúc một sức mạnh tinh thần hoang dại. Cứ cho là có ít nhiều tố chất, nhưng để tự lập được những bài phức tạp, từ nhìn bản nhạc đến không nhìn nữa mà vẫn chơi thành tạo, chắc chắn phải gắng gỏi với ý chí kiên cường.”

– Xứ tuyết 

Trong mỗi giai đoạn cuộc đời, nàng luôn cố gắng sống và cố gắng yêu. Dẫu biết rõ với geisha, hạnh phúc chỉ là thứ ảo ảnh xa vời, Komako vẫn mang trái tim mình cho Shimamura như một đứa trẻ trao đi báu vật quý giá nhất nó có.

Sự kiên trì của Komako mang nét đẹp tinh khiết, rọi sáng cuộc đời nàng và cảm hoá được tâm hồn Shimamura. Anh tìm thấy niềm tin vào vẻ đẹp lấp lánh của những niềm hy vọng giữa cuộc sống còn nhiều thống khổ. Vẻ đẹp ấy tuy thấp thoáng, mờ ảo nhưng xứng đáng để kiếm tìm. 

Yoko là sự xa xôi vọng về từ quá khứ 

Khác với Komako, Yoko mang vẻ đẹp lý tưởng và thiên về tâm hồn. Đó là lý do vì sao Shimamura không nhớ về cô vì khuôn mặt hay dáng người mà thông qua đôi mắt và giọng nói. Kể cả khi miêu tả dung nhan nàng ca kỹ, Kawabata cũng không khắc hoạ chi tiết một bộ phận nào mà chỉ dùng những tính từ rất trừu tượng.

Như thứ ánh sáng kỳ lạ thuộc về cõi mộng, vẻ đẹp của Yoko xa xôi và khó nắm bắt. Đó là cái đẹp tuyệt đích mà Kawabata hằng tìm kiếm, có khả năng thanh tẩy mọi tạp niệm, giúp con người trở nên thấu suốt.

Thời gian của Yoko đã không chảy trong hiện tại để hướng đến tương lai. Thay vào đó, chúng liên tục trôi ngược về quá khứ. Điều này một mặt làm nên sức hút độc nhất vô nhị của người phụ nữ, mặt khác cũng là khởi nguồn cho tất cả bi kịch đời cô.

Xứ tuyết trên kệ sách
Xứ tuyết là một tác phẩm giàu ý nghĩa biểu tượng

Komako và Yoko, một sống động, một hư ảo, một sôi nổi, một trầm lắng, một hiện đại, một truyền thống. Cả hai luôn không tương hợp, thậm chí phủ nhận giá trị của nhau. Thế nhưng, cuối cùng họ lại gắn bó sâu sắc đến độ không thể sống thiếu đối phương.

Bên cạnh hai nhân vật nữ trên, Xứ tuyết của Kawabata còn được lấp đầy bởi câu chuyện của nàng geisha quá tuổi Kikuyu và người đàn bà tẩm quất dạo. Mỗi người đều mang trong mình những niềm riêng, là một thanh âm đơn điệu góp phần tạo nên bản giao hưởng phong phú của nhân gian. 

Bút pháp độc đáo trong Xứ tuyết 

Không chỉ dừng lại ở sự sáng tạo độc đáo về mặt nội dung, Xứ tuyết còn được người đọc tán thưởng bởi bút pháp nghệ thuật xuất thần. Trong đó nổi bật nhất là chất hoạ trên trang văn, ngòi bút siêu thực và thủ pháp gương soi.

Vốn yêu thích hội hoạ từ bé, sau này dù quyết định phát triển tài năng trong lĩnh vực văn học, niềm say mê và am hiểu sâu sắc về mỹ thuật của Kawabata không mất đi. Thay vào đó, chúng trở thành một đặc trưng nổi bật trong các tác phẩm ông chấp bút.

Như những bức tranh thuỷ mặc, văn chương của Kawabata gợi nhiều hơn tả, ông chỉ thả những nét chấm phá và chừa lại khoảng trống cho người đọc chiêm nghiệm.

Xứ tuyết và cà phê
Xứ tuyết có sức hút mạnh mẽ với người đọc một phần nhờ vào hình thức nghệ thuật độc đáo

Bên cạnh đó, thiên nhiên và con người hiện lên trong Xứ tuyết còn mang vẻ đẹp ma mị, vừa chân thực vừa hư ảo, tạo nên trải nghiệm nghệ thuật hiếm có. Các nhân vật, đặc biệt là chàng Shimamura luôn rơi vào những thời khắc xuất thần để vượt lên thực tại và đi vào thế giới siêu thực, tượng trưng.

Ví như lần chàng nhìn ngắm ánh mắt của Yoko qua khung cửa sổ toa tàu, gương mặt Komako phản chiếu lên tấm gương hay lắng nghe giọng nói đẹp đến não lòng của cô ca kỹ và tiếng đàn Shamisen của nàng geisha vang vọng khắp núi rừng. Đó là những lúc Shimamura thoát khỏi mọi ràng buộc về vật chất để kết nối tâm hồn với chân lý của cái đẹp.

“Shimamura tức thì, từ hai má đổ đi mát lạnh muốn sởn gai ốc, xuống đến gan ruột thì lắng lại trong veo. Tâm trí mụ mê trống rỗng thoắt cái lại ngập đầy tiếng đàn. So với sửng sốt, chi bằng nói luôn là anh chấn động tinh thần! Anh choáng váng trong niềm cảm phục, đắm chìm vào nỗi ăn năn. Hoàn toàn rệu rã, anh không còn cách nào hơn khoan khoái buông minh, để mặc cho sức mạnh của Komako xô dạt cuốn trôi về nơi đâu tuỳ ý.”

– Xứ tuyết

Không chỉ con người, thiên nhiên xứ tuyết được khắc họa qua ngòi bút của Kawabata cũng đậm màu sắc siêu thực. Khi miêu tả cảnh vật, nhà văn đặc biệt ưa thích dùng nghệ thuật chuyển đổi cảm giác.

Nắng mà đi với động từ “rót”, ánh hoàng hôn thì chảy “tràn”, tia sáng lại “nhảy nhót”, không khí “rỏ giọt”, còn bóng chuồn chuồn “tan nhoà” vào sắc xanh của rừng liễu sam. Tất cả sự tinh tế ấy đã thổi vào tác phẩm một linh hồn huyền diệu, khiến từng chi tiết trở thành một vẻ đẹp đắt giá mà đến trăm năm sau, độc giả vẫn dốc lòng tìm hiểu. 

“Khi Shimamura xuống tàu, đập ngay vào mắt anh là hình ảnh những bông hoa trắng trên núi. Cà vạt hoa nở rộ lấp lánh ánh bạc chỗ triền dốc đứng, quãng gần đỉnh, trông chẳng khác nào vạt nắng thu đang rót xuống núi, làm Shimamura ồ lên cảm thán. Anh đã tưởng đó là hoa hagi trắng.” 

– Xứ tuyết 

Cùng với chất hoạ và ngòi bút siêu thực, thủ pháp gương soi cũng là một sáng tạo hình thức độc đáo của Kawabata. Trong Xứ tuyết, người đọc có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh tấm gương soi ở nhiều tình tiết tiểu thuyết.

Đó là tấm gương thực mà nàng Komako dùng để chỉnh lại dung nhan vào buổi bình minh, là mặt kính cửa sổ ga tàu nơi Shimamura lén lút ngắm nhìn ánh mắt của Yoko. Đặc biệt Xứ tuyết còn ẩn chứa hai chiếc gương huyền diệu hơn hết thảy, đó là tấm gương của thiên nhiên và lòng người.

Cũng như nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã viết:

“Theo thẩm mỹ truyền thống của Nhật Bản, dưới bóng Phật giáo, không chỉ tâm ta soi chiếu thế giới mà thế giới cũng soi chiếu tâm ta, cả hai chiếu ánh lẫn nhau. Sinh ra từ truyền thống đó, con người và thiên nhiên trong tác phẩm của Kawabata luôn luôn chiếu ánh lẫn nhau như thể mỗi bên đều là gương soi.”

Đọc Xứ tuyết, ta không thể nào quên được chi tiết đắt giá khi Shimamura nhìn Yoko thông qua mặt cửa sổ tàu hoả. Bản thân khung cửa sổ không phải tấm gương, chỉ khi nó lấy cảnh chiều muộn làm nền, trộn lẫn với sương mù và bóng tối thì mới có khả năng phản chiếu đôi mắt nàng Yoko.

Vào thời khắc đó, mặt kính như tan biến, tròng mắt của cô gái và ánh lửa xa xôi nơi núi rừng tình cờ gặp gỡ, tương chiếu, hoà làm một. Bóng người và thiên nhiên lồng ghép, trùng trùng điệp điệp đầy ma mị.

“Đúng lúc ấy, lửa loé lên giữa gương mặt cô gái. Hình ảnh trong kính không đậm nét đến mức che khuất được ánh lửa ngoài cửa sổ. Ánh lửa cũng không vùi lấp được hình ảnh. Lửa cứ thế trôi qua ngang trên mặt cô. Nhưng không đủ thắp sáng khuôn mặt. Chỉ là thứ ánh sáng lạnh lẽo xa xôi. Khi nó loé sáng quanh đồng tử nhỏ bé, tức là vào khoảnh khắc mắt lồng ánh lửa, mắt người con gái biến thành đốm lân tinh đẹp ma mị bồng bềnh giữa điệp trùng bóng tối.”

– Xứ tuyết 

Như vậy với thủ pháp gương soi, Kawabata đã nắm bắt được những cảm giác rất mơ hồ của đời sống và mang chúng lên trang văn một cách tinh tế. Ông mở rộng đường biên của trí tưởng tượng và tạo nên trải nghiệm nghệ thuật có một không hai.  

Sức ảnh hưởng của Xứ tuyết 

Với từng lớp ẩn dụ phức tạp và bút pháp độc đáo, Xứ tuyết được xem là quốc bảo của văn học Nhật. Cùng Ngàn cánh hạcCố đô, tác phẩm đã đưa tên tuổi của Kawabata đến giải Nobel danh giá vào năm 1968. Trong bài đề đọc tại buổi Lễ trao giải, tiến sĩ Anders Osterling đã có những đánh giá sâu sắc về tác phẩm Xứ tuyết nói riêng và tài năng văn chương của Kawabata nói chung: 

“Kawabata đặc biệt được ca tụng là một nhà phân tích tài tình tâm lý phụ nữ. Nghệ thuật bậc thầy này của ông biểu hiện trong hai đoản thiên tiểu thuyết Xứ tuyết và Ngàn cánh hạc. Trong hai tác phẩm này chúng ta có thể thấy được khả năng miêu tả xuất sắc những trường đoạn gợi tình, sự quan sát sắc sảo tinh tế, sự đan xen những chi tiết nhỏ nhặt, bí ẩn làm lu mờ kỹ thuật kể chuyện của châu Âu.” 

Chưa dừng lại ở đó, nhiều nhà văn, dịch giả nổi tiếng thế giới sau khi bước vào thế giới của Xứ tuyết cũng bị lay động mạnh mẽ và phải viết đôi dòng về cuốn tiểu thuyết. Dịch giả người Pháp Armel Guerne cho rằng:

 “Đây là tác phẩm thuần tuý Nhật Bản khác với lối tư duy trong ngôn ngữ phương Tây gò bó duy lí. Nghệ thuật mờ ảo, cái Đẹp được miêu tả tinh tế lộng lẫy, lối kết cấu hình như vô hình.” 

Hay nhà văn vô sản Aônô Xuêtuti cũng viết trong cuốn Các nhà văn Nhật hiện đại (1953) rằng: 

“Mỗi lần đọc tác phẩm của Kawabata, tôi lại cảm thấy các âm thanh xung quanh tựa hồ như lắng đi, không khí bỗng trở nên trong trẻo, còn tôi thì hoà tan vào trong đó. Tôi không biết có tác phẩm nào khác có sức tác động mạnh mẽ đến như thế không? Và sở dĩ có hiện tượng như vậy có lẽ bởi vì trong các sáng tác của Kawabata không có gì bẩn đục hay dung tục.” 

Mỗi một nhận định đều góp phần củng cố sức sống của tác phẩm Xứ tuyết. Trải qua sự hun đúc của thời gian, thiên tiểu thuyết như viên ngọc quý mãi ngời sáng những giá trị cốt lõi của tâm hồn Nhật Bản. Xứ tuyết trở thành cảnh cửa, dẫn lối những người yêu văn chương bước vào thế giới của Yasunari Kawabata, người lữ khách cô độc nghìn đời mải mê tìm kiếm cái đẹp.

Hạnh Vi