Nguyên Hồng là một trong những nhà văn xuất sắc bậc nhất của nền Văn học Việt Nam thời kỳ hiện đại. Ngòi bút nhà văn thấm đẫm tình yêu thương, sự cảm thông lẫn bao dung cho kiếp người cùng khổ. Trong lòng mẹ được đánh giá là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác và cảm hứng nhân đạo chủ nghĩa.
Trong lòng mẹ được trích từ hồi ký Những ngày thơ ấu, được đăng trên báo năm 1938 và xuất bản thành sách vào năm 1940. Tác phẩm thể hiện tình yêu thương sâu sắc cùng lòng cảm thông của Nguyên Hồng đối với người mẹ dấu yêu.
Tác giả Nguyên Hồng và hồi ký Trong lòng mẹ
Nguyên Hồng có tên khai sinh là Nguyễn Nguyên Hồng, sinh năm 1918 tại phố Hàng Cau, tỉnh Nam Định. Ông vốn có một gia đình đủ đầy với người bố làm nghề cai đề lao, mẹ là người tần tảo, nhân hậu, giàu đức hi sinh.
Thuở mới lên bảy, cậu bé Nguyên Hồng với tâm hồn nhạy cảm đã cảm nhận một cách rất hồn nhiên và tờ mờ nhận ra rằng “thầy mẹ tôi lấy nhau không phải vì thương yêu nhau”, bản thân ông chính là kết quả của cuộc hôn nhân ấy.
Năm Nguyên Hồng vừa tròn mười hai tuổi, bố ông vì nghiện ngập và mắc bệnh lao nên mất sớm. Nhà văn khi ấy rơi vào hoàn cảnh bơ vơ, thiếu thốn tình thương do mẹ cũng đi làm ăn xa.
Không còn lựa chọn nào khác, Nguyên Hồng đến ở cùng với bà nội và cô ruột, ngày qua ngày chịu sự dè bỉu, khinh miệt của người cô. Ông vừa phải sống trong nỗi nhớ nhung hình bóng mẹ vừa chật vật với miếng ăn, miếng mặc.
Nhà văn là người ham đọc sách, ông đã tiết kiệm chắt chiu từng đồng để thuê sách và đọc rất nhiều loại sách mình thích ở cửa hàng cho thuê sách Nam Định. Chính vì thế mà tuy nhỏ nhưng Nguyên Hồng có sự trải đời, tâm hồn cũng rất nhạy cảm, sâu sắc.
Năm nhà văn mười sáu tuổi cũng là lúc ông thôi học để theo mẹ ra Hải Phòng kiếm sống. Cũng tại đây, Nguyên Hồng tiếp xúc với rất nhiều người tầng lớp thấp cổ bé họng, chứng kiến hoàn cảnh khó khăn nhưng tâm hồn thì ngời sáng của họ.
Nguyên Hồng bén duyên với nghề viết khi ông mới mười bảy, cái độ tuổi mà công chúng cho là quá trẻ để cảm và viết văn. Tuy vật lộn với cơm áo gạo tiền nhưng chàng thanh niên ấy vẫn miệt mài dành tâm huyết vào văn chương.
“Nhà văn của những người cùng khổ” có thể sáng tác nhiều thể loại khác nhau. Dù là truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết hay hồi ký, tài năng văn học bẩm sinh cùng trái tim đa cảm đều giúp ông khẳng định tên tuổi.
Nguyên Hồng gắn bó với văn chương từ trước và cả sau thời kỳ Cách mạng tháng Tám. Những tác phẩm đặc sắc, đạt nhiều thành công rực rỡ của ông là Hai dòng sữa, Bỉ vỏ, Bảy Hựu, Những ngày thơ ấu.
Trong số đó, nổi bật phải kể đến đoạn trích Trong lòng mẹ thuộc hồi ký Những ngày thơ ấu, xuất bản lần đầu năm 1940. Nó như cuốn nhật ký ghi lại tuổi thơ đầy tủi nhục cùng nỗi khắc khoải, nhớ thương mẹ da diết nơi ông.
Cảm hứng chủ đạo của tác giả trong đoạn trích Trong lòng mẹ
Là cây bút thuộc trường phái Văn học hiện thực, Nguyên Hồng luôn tôn trọng, đề cao sự thật ở đời. Ông đặc biệt dành nhiều tình cảm và trang văn cho kiếp người nghèo khổ, bần cùng.
Với hồi ký Trong lòng mẹ, nhà văn đã phác họa nên bức dân dung về người mẹ hiền từ nhưng lại bị đày đọa bởi các định kiến cổ hủ. Đây không chỉ là tình cảnh của riêng mẹ nhà văn mà còn là nỗi khổ chung của phụ nữ xã hội đương thời.
Qua đó, tác giả bộc lộ niềm thương cảm, sự bao dung đối với những phận người bị ông trời bỏ rơi và lên tiếng đòi quyền mưu cầu hạnh phúc cho họ. Đây cũng là cảm hứng chủ đạo chi phối xuyên suốt hành trình viết văn của Nguyên Hồng.
“Cảm hứng của nhà văn dường như bắt nguồn từ một chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc đối với những lớp người cùng khổ” – Giáo sư Phan Cự Đệ nhận xét về cảm hứng chủ đạo của nhà văn Nguyên Hồng
Cảm hứng chủ đạo của nhà văn ban đầu xuất phát từ tình thân, sau đó mở rộng và lan tỏa đến khắp vùng đất mà ông đặt chân đến. Nơi đâu cũng có những số phận bất hạnh và nhiệm vụ của văn sĩ là đưa chúng vào trang văn.
“Nguyên Hồng là nhà văn có phong cách rõ rệt quy định bởi những đặc điểm về hoàn cảnh gia đình, môi trường sống, về tư tưởng, tình cảm, về sự tiếp thu ảnh hưởng xã hội và văn học.” – Nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh viết về Nguyên Hồng
Không chỉ riêng Nguyên Hồng mà mỗi một người nghệ sĩ đều mang trong mình trái tim nhân hậu, cảm thông với mọi mảnh đời. Giống như Nguyễn Du, vì xót xa trước phận người mà viết nên Truyện Kiều.
Kế thừa cảm hứng ấy, nhà văn Nguyên Hồng góp nhặt từng chút vụn vặt nỗi thống khổ, đau thương của con người, biến dòng nước mắt họ trở thành vô biên và làm giàu có thêm truyền thống nhân đạo của văn học dân tộc.
Ở hồi ký Trong lòng mẹ, dẫu nhân vật người cô luôn dè bỉu, mỉa mai hay dùng những từ ngữ không tốt để nói về mẹ nhưng cậu bé Hồng vẫn tin tưởng, nhớ thương và mong ngóng từng ngày.
Đó là vì Nguyên Hồng có niềm tin mãnh liệt ở nhân cách con người, đặc biệt nơi người phụ nữ. Ông đặt mình vào hoàn cảnh để thấu hiểu tâm tư và nỗi lòng, tha thiết mong muốn họ được giải thoát khỏi các định kiến, tự do sống an nhiên.
Cảm hứng nhân đạo của Nguyên Hồng không chỉ bộc lộ qua Trong lòng mẹ hay các sáng tác khác mà còn thể hiện trong ý thức nghệ thuật sâu xa. Ông viết văn một cách hồn nhiên, xuất phát từ khát khao về tương lai tốt đẹp hơn.
“Tôi sẽ viết về những cảnh đói khổ, về những sự áp bức, về những nỗi trái ngược bất công. Tôi sẽ đứng về những con người lầm than bị đày đọa, bị lăng nhục. Tôi sẽ vạch trần ra những vết thương xã hội, những việc làm bạo ngược, lộng hành của xã hội thời bấy giờ. Tôi sẽ gánh chịu lấy mọi trách nhiệm, chống đối cũng như bào chữa, bảo vệ. Tôi sẽ chỉ có tiến bước, chỉ có đi thẳng. Tôi sẽ chỉ biết có ánh sáng và chính tôi là ánh sáng.” – Nguyên Hồng phát biểu về tuyên ngôn nghệ thuật của mình
Tâm thức lẫn ngòi bút tác giả không chỉ nhìn thấy sự cơ cực, thiếu thốn đủ bề của người dân nghèo mà còn phát hiện ở họ sự lạc quan yêu đời, luôn giúp đỡ lẫn nhau.
Đây chính là điểm sáng trong Trong lòng mẹ nói riêng và sáng tác Nguyên Hồng nói chung. Nhà văn luôn tin vào cái Thiện bên trong mỗi con người, đó là bản nguyên và không thể nào bị xóa bỏ.
Nhân vật người mẹ trong hồi ký dẫu có phải vất vả làm ăn xa, bị gia đình chồng coi thường và khinh miệt khi đi bước nữa nhưng bà chưa bao giờ quên cậu bé Nguyên Hồng, thôi không dành cho con mình sự dịu dàng, săn sóc của một người mẹ.
Với Nguyên Hồng, con người có quyền được hạnh phúc và không ai có thể tước đi điều thiêng liêng đó. Sự cảm thông, thấu hiểu mẹ cũng xuất phát từ quan điểm trên, ông thương cho phong tục cổ hủ đã giày vò người mẹ đáng thương của mình.
Qua hồi ký Trong lòng mẹ, độc giả phần nào cảm nhận được cảm hứng nhân đạo đã quán xuyến mạch văn Nguyên Hồng. Tác giả lấy cuộc sống nhân dân làm gốc, sáng tác nên những tác phẩm cho con người và vì con người.
Cậu bé Nguyên Hồng và nỗi nhớ mong mẹ khắc khoải
Cậu bé Hồng ở Trong lòng mẹ luôn sống trong nỗi nhớ thương mẹ da diết. Không một phút giây nào cậu quên đi hình bóng ấm áp đã gắn bó với mình suốt tuổi thơ, dẫu cho sự xa xôi về khoảng cách.
Tuy là kết quả của cuộc hôn nhân không hạnh phúc và phải sống trong sự ghẻ lạnh, cay nghiệt nhưng Hồng luôn yêu thương, không một chút oán trách mẹ. Tình cảm cao đẹp này bộc lộ một cách rõ ràng, chân thật qua cuộc đối thoại với người cô.
Chỉ bằng một vài lời trần thuật mà người đọc tưởng như đang thực sự chứng kiến sự sỉ vả cay độc và những vệt dài đang trào ra từ khóe mắt bé Hồng.
Trước tình cảnh đáng thương của mẹ con Hồng, cô đã không mảy may quan tâm và cảm thông mà còn nhẫn tâm cười, từng hành động cử chỉ thể hiện rõ sự châm biếm, toan tính xấu xa.
Khi nghe người cô kể về cuộc sống chật vật và thân hình gầy gò đến kiệt quệ của mẹ, trong lòng Hồng như lửa đốt. Cậu xót xa, thương cho số phận xa quê, khóc vì những lời phỉ báng xuất phát từ định kiến xã hội.
Mang trong mình tâm hồn nhạy cảm, Hồng nhận ra ngay ý nghĩ cay độc đằng sau lời nói và nét mặt “rất kịch” của bà cô. Cậu nghĩ và tin tưởng mẹ tuyệt đối, cố giữ bản thân không đáp lại tràng câu hỏi dồn dập.
Thế nhưng một trái tim nhân hậu, ngây thơ và mỏng manh như thế sao lại giữ được bình tĩnh khi bị dồn đến bước đường cùng. Nghe tin mẹ giấu mình sinh em bé, nước mắt cậu trào ra ròng ròng, rơi lã chã trong sự giận dữ non nớt.
Hồng không giận mẹ vì đi bước nữa, có em bé với người đàn ông khác mà cậu ghét những hủ tục đày đọa, ngăn không cho bà bước đến hạnh phúc. Tâm hồn cậu như bị tan vỡ thành từng mảnh, đau đớn khôn nguôi cho số phận người mẹ.
Đến khi bà xuất giá lần nữa, tìm lại cho mình hạnh phúc riêng thì lại bị cả nhà chồng xem nó là điều nhục nhã và khinh miệt bằng những lời lẽ hết sức cay nghiệt. Người phụ nữ ấy vẫn luôn giữ im lặng, nhẫn nhịn, không mảy may lên tiếng thanh minh.
“Cô tôi chưa dứt câu, cổ họng tôi đã nghẹn ứ khóc không ra tiếng. Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quá vồ lấy ngay mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kỳ nát vụn mới thôi.”
Nguyên Hồng đã sử dụng rất nhiều động từ mạnh nằm trong một trường nghĩa diễn tả tâm trạng uất ức, giận dữ của nhân vật chính như như vồ, cắn, nhai, nghiến. Tình yêu thương mẹ đã khiến cậu bé suy nghĩ sâu sắc và đồng cảm nhiều hơn.
Cũng chính tình yêu thương, tin tưởng và cảm thông đã mang đến cho cậu bé Hồng niềm hạnh phúc vỡ òa, lớn lao khi được gặp lại người mình vẫn hằng thương nhớ. Mẹ khi trở về đã xua tan đi mọi đau đớn, dằn vặt đang dày vò tâm hồn bé thơ.
Khoảnh khắc vừa thấy hình bóng ai đó thấp thoáng trên xe kéo, linh cảm tình mẫu tử thiêng liêng đã mách bảo cậu rằng đây là mẹ mình. Không kìm được niềm xúc động, Hồng vội chạy theo và gọi trong sự bối rối.
Rõ ràng khi nghi ngờ về thân phận của người ấy, một cuộc xung đột cũng đang xảy ra trong nội tâm chú bé. Lúc cậu nghĩ tới viễn cảnh nhận sai người và tình cảnh trở thành trò cười cho đám bạn, trái tim nhỏ bé lại vỡ tan lần nữa.
“Nếu người quay lại ấy là người khác thì thật là một trò cười tức bụng cho lũ bạn tôi chúng nó khua guốc inh ỏi và nô đùa ầm ĩ trên hè. Và cái lầm đó không những làm tôi thẹn mà còn tủi cực nữa, khác gì cái ảo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước con mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc.”
Rồi khi nhận ra đó là mẹ mình, Hồng không kìm nén được niềm vui sướng và nước mắt cậu cứ thế trào ra trong niềm hạnh phúc bất ngờ. Đó là âm thanh kết tinh từ nỗi nhớ nhung đã đi theo suốt quãng thời gian dài.
Khi trái tim bé thơ kia thôi thổn thức, cậu bé nhận ra mẹ không “còm cõi xơ xác” như lời cô ruột. Mẹ trong mắt Hồng vẫn mang nét đẹp dịu dàng, hiền hòa của người phụ nữ truyền thống Việt Nam.
Nhà văn Nguyên Hồng đã vận dụng vô cùng khéo léo, tinh tế hàng loạt từ ngữ cùng trường nghĩa, miêu tả sinh động niềm hạnh phúc lớn lao tình mẫu tử. Không gì có thể sánh bằng sự vui sướng trong tâm trạng cậu bé hiếu thảo vào lúc ấy.
Hồng ước mong mình có thể bé lại, áp mặt vào bầu sữa nóng và sống mãi trong tình yêu, sự ấm áp, dịu dàng nơi mẹ. Trong khoảnh khắc ấy, mọi điều xấu xa, sai lệch mà bà cô gieo vào tâm hồn thơ dại dường như tan biến hết.
Nguyên Hồng bằng tài năng văn học đã khắc họa nên một cậu bé Hồng với sự biến chuyển nội tâm phức tạp. Từ nhớ nhung, đau đớn, xót xa, giận dữ đến hạnh phúc và ngập tràn vui sướng.
Có thể nói, nhân vật tự sự trong hồi ký Trong lòng mẹ hay chính nhà văn Nguyên Hồng là một người giàu lòng yêu thương, bao dung đối với người mẹ dấu yêu.
Nhân vật người mẹ và hình ảnh người phụ nữ truyền thống Việt Nam
Nguyên Hồng không chỉ thể hiện tình yêu thương, lòng hiếu thảo của nhân vật cậu bé Hồng mà còn phác thảo bức chân dung chân thật về người mẹ, cũng là đại diện cho hình ảnh phụ nữ truyền thống Việt Nam.
Người mẹ ở đoạn trích hiện lên với cảnh ngộ đáng thương khi phải sống trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, đến khi chồng mất lại phải tha hương và đến cuối cùng, bị dèm pha với quyết định đi bước nữa.
Mẹ cậu bé Hồng cũng vì cam chịu mà chôn vùi tuổi trẻ, kết hôn với người bà không yêu, sống theo lề lối cũ. Đây là mẫu phụ nữ điển hình thời xưa, nhẫn nhục và nghe theo sự sắp xếp hôn nhân từ cha mẹ, sẵn sàng làm mọi thứ vì tương lai con cái.
Mẫu phụ nữ này được độc giả nhiều lần bắt gặp trong sáng tác của các nhà văn nổi tiếng như Thạch Lam, Tô Hoài hay Nguyễn Minh Châu. Lý tưởng sống duy nhất của họ là vì hạnh phúc và tương lai con cái.
Dẫu phải làm lụng vất vả nơi xa quê nhưng chưa phút giây nào bà thôi nghĩ về con, sợ con sống với gia đình nhà chồng sẽ cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Thậm chí, người phụ nữ ấy bất chấp tất cả gièm pha để về thăm con trong ngày giỗ đầu chồng cũ.
Một người phụ nữ thương con, giàu tình yêu và đức hi sinh như thế sao có thể là người mẹ xấu. Bà còn là người trọng tình nghĩa, dù chẳng mặn mà với cha Hồng nhưng vẫn trở về trong ngày giỗ để tưởng nhớ người đã khuất.
Tình mẫu tử thiêng liêng dâng lên đỉnh điểm trong khoảnh khắc nhân vật người mẹ được gặp lại con. Thấy con khóc, nước mắt bà cũng dâng trào trên khóe mi lúc nào không hay, nhẹ nhàng xoa đầu, gãi rôm bù đắp chuỗi ngày thiếu vắng tình thương.
Nguyên Hồng xót xa trước người mẹ tội nghiệp, cũng là đau đớn cho bi kịch chung của người phụ nữ trong xã hội đương thời. Họ mang phẩm chất tốt đẹp, đoan trang nhưng luôn chịu sự xiềng xích của các phong tục, giáo điều cổ hủ.
“Người đàn bà Việt Nam cằn cỗi vì cùng khổ, vì con cái nheo nhóc, vì bị cầm xích bởi những thành kiến, phong tục lễ nghi đè nén nặng nề đã để tất cả lòng phẫn uất kêu lên trong tiếng khóc những lúc họ không thể chịu được.” – Nguyên Hồng nói về phụ nữ Việt Nam xã hội đương đại
Viết về đề tài người phụ nữ, tác giả cũng có những điểm tương đồng với nhà văn Thạch Lam. Thế nhưng, Nguyên Hồng viết đa dạng, chân thực và trần trụi hơn về cảnh đời của người phụ nữ bất hạnh.
Với nhà văn, người phụ nữ không chỉ là nạn nhân của xã hội đương thời mà còn phải hứng chịu chế độ nam quyền dai dẳng vốn tồn đọng từ thời phong kiến cùng những hủ tục đầy cổ hủ, lạc hậu.
Chính vì vậy mà khi viết về họ, Nguyên Hồng còn muốn đề cập một vấn đề lớn lao, mang tính nhân loại, đó là gia đình, hôn nhân và hạnh phúc của mọi người phụ nữ.
Ngoài đức tính nhẫn nhục chịu đựng và tần tảo hi sinh, người phụ nữ Việt Nam mà điển hình là nhân vật mẹ Nguyên Hồng còn ngời sáng bởi tinh thần dũng cảm, dám đứng lên đòi quyền mưu cầu hạnh phúc dù còn mỏng manh, yếu ớt.
Đây chính là mầm mống của ý thức phản kháng đi tìm nhân quyền của người phụ nữ mà Nguyên Hồng muốn nhắn nhủ đến độc giả, tiếp thêm sức mạnh để họ dũng cảm và sống cuộc đời hằng mong ước.
Tác giả bằng tài năng văn học đã phản ánh vô cùng chân thực những gánh nặng, xiềng xích trói buộc người phụ nữ và phát hiện ở họ nhân cách cao đẹp, ngời sáng. Qua đó, ông thể hiện tình yêu thương, sự cảm thông với người phụ nữ Việt Nam.
Nhân vật người cô là đại diện của định kiến xã hội đương thời
Song song với nhân vật người mẹ và cậu bé Hồng, bà cô bên nhà nội được ví như hiện thân của những bất công và thành kiến cổ hủ đày đọa người phụ nữ Việt Nam trong xã hội đương thời.
Là người thân ruột rà nhưng người cô ấy không những không có niềm thương cảm, thấu hiểu và bao dung mà còn luôn tìm cách dè bỉu, gieo rắc vào tâm hồn non nớt của Hồng những suy nghĩ sai trái về mẹ.
Bên ngoài là sự tươi cười, cử chỉ vỗ vai thân thiện, giọng nói ngọt ngào nhưng lời nói thì vô cùng cay độc. Người cô như đang xát muối lên trái tim mỏng manh, yếu đuối, cố ý làm cho đứa cháu phải căm ghét mẹ mình.
Dù cùng mang thân phận phụ nữ nhưng người cô không một chút thấu hiểu hay tỏ ra cảm thông cho mẹ bé Hồng. Đến khi bà quyết định đứng lên đấu tranh, đi tìm hạnh phúc thật sự thì lại dùng lời lẽ mỉa mai để phán xét.
Bằng hành động cay nghiệt ấy, bà cô đã gián tiếp “tiếp tay” cho những lề thói cổ hủ trói chặt lấy hạnh phúc người phụ nữ. Họ không được phép sống cuộc đời tự do, càng không có quyền quyết định hôn nhân của mình.
Nguyên Hồng đã dựng nên hai bức chân dung hoàn toàn tương phản, một bên là người mẹ dịu hiền hết mực yêu thương con cái, bên còn lại là người cô hà khắc luôn muốn chia rẽ tình mẹ con.
Sự đối lập như thế vừa làm cho tâm hồn mẹ bé Hồng trở nên cao đẹp, vừa khiến cho sự khắc nghiệt của nhân vật kia trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Tuy không phải nhân vật chính của câu chuyện nhưng sự góp mặt của người cô đã làm tăng thêm giá trị hiện thực, tố cáo xã hội phong kiến đồng thời thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với người phụ nữ truyền thống Việt Nam.
Nghệ thuật kể chuyện trong đoạn trích Trong lòng mẹ
Trong lòng mẹ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả không chỉ bởi tinh thần nhân đạo sâu sắc mà còn ở nghệ thuật kể chuyện tài ba. Nguyên Hồng đã vận dụng một cách nhuần nhuyễn và khéo léo nhiều thủ pháp nghệ thuật đặc sắc.
Thành công của Nguyên Hồng là ở chỗ, chỉ qua dòng văn miêu tả ngoại hình và cử chỉ mà đã lột tả được phần nào tâm lý và tính cách nhân vật. Điểm nhìn trần thuật được đặt dưới đôi mắt trẻ thơ, vì vậy không khí truyện vô cùng tự nhiên và vô tư.
Ngôn ngữ trần thuật cũng vô cùng linh hoạt và đa dạng, vừa gần gũi với đời sống sinh hoạt lại có nét suy tư, chiêm nghiệm của một cậu bé đã trải qua bao bất công, tủi hờn.
Nguyên Hồng còn đan xen phương thức tự sự, miêu tả lẫn biểu cảm trong thể loại hồi ký. Điều ấy khiến mạch chuyện không khô khan, nhàm chán mà ngược lại rất giàu yếu tố trữ tình, diễn tả sâu sắc nội dung tác phẩm.
Là một nhà văn suốt đời theo đuổi chủ nghĩa nhân đạo, không ngừng lên tiếng cho những phận đời cơ cực dưới đáy xã hội nên tác phẩm ông viết ra, đặc biệt là đoạn trích Trong lòng mẹ cứ mãi neo đậu trong tâm hồn độc giả.
Hạ Nhiên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất