Trước cái chết của lão phó mì, những con người trong tác phẩm Lão Goriot của Balzac lại chỉ lo nghĩ đến tiền bạc, chăm chú khoe mẽ cái danh dự hão của mình. Thế nhưng, trước sự ra đi của lão phó mì hiền lành, lương thiện vẫn có chàng thanh niên trẻ tuổi Rastignac thật lòng xót thương mà rơi lệ. Còn cụ cố tổ trong Hạnh phúc của một tang gia thì lại không “tốt số” đến như vậy.
Tình thương lúc ấy là con số không tròn trĩnh, đám tang từ dịp đau buồn, thiêng liêng trở thành “chốn thể hiện” của những hạng người khác nhau. Qua đó, độc giả thấy được biết bao sự kệch cỡm, phi lý và cả ngược đời.
Vũ Trọng Phụng là cây bút hiện thực xuất sắc
Vũ Trọng Phụng sinh năm 1912 tại làng Hảo, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên nhưng lại lớn lên và dành trọn vẹn cuộc đời mình tại phố Hàng Bạc – Hà Nội. Cả cuộc đời ông sống trong cảnh nghèo khó, túng quẫn.
Ông như một nhà giải phẫu với cây bút là con dao phẫu thuật rạch sâu, cắt bén vào thớ thịt hiện thực, phơi trải và lột trần toàn bộ những ung nhọt, những “ổ mối” đang đục khoét, ăn mòn tâm hồn con người.
Là nhà văn tiêu biểu cho dòng văn học hiện thực theo khuynh hướng tả chân, thế nên quan điểm sáng tác của Vũ Trọng Phụng luôn đề cao sự phản ánh chân thực, xác đáng về đời sống.
“Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời.” – Báo Tương lai số 9 ngày 25.3.1937
Trong văn chương, Vũ Trọng Phụng biểu hiện mình một cách vô cùng mạnh mẽ, quyết liệt, dám nhìn thẳng vào những sự thật đen tối, trần trụi của xã hội, dám nói thẳng điều mình nghĩ suy về cái “vùng tối” ấy.
Chính bởi vậy, trong mắt nhiều người khi hình dung về ông thì không tránh khỏi ấn tượng về một con người cay nghiệt, nhìn đời bằng “cặp kính đen”, “bộ óc đen” nên nguồn văn cũng đen.
“Trên trang viết Vũ Trọng Phụng sắc sảo bao nhiêu thì trong cuộc đời Vũ Trọng Phụng càng chân thành bấy nhiêu. Con người ấy không giết quá một con muỗi. Nhưng thật kì diệu, văn chương của con người ấy làm cho kẻ trọc phú phải giật mình, kẻ trưởng giả phải cáu kỉnh.” – Nhà thơ Lưu Trọng Lư
Vũ Trọng Phụng sáng tác nhiều và mỗi thể loại đều có được những thành tựu, đóng góp đáng ghi nhận. Về Kịch, ông có Không một tiếng vang, Tài tử, Chín đầu một lúc, Phân bua, Hội nghị đùa nhả. Về Phóng sự là Đời cạo giấy, Cạm bẫy, Lục xì và Cơm thầy cơm cô.
Ngoài các phóng sự thành công ở buổi đầu cầm bút, Vũ Trọng Phụng còn viết nhiều truyện ngắn như Lòng tự ái, Đi săn khỉ, Lỡ lời, Tết ăn mày, Lấy vợ xấu, Tự do. Thế nhưng, ông vẫn thành công nhất ở thể loại tiểu thuyết mà Số đỏ, Giông tố, Vỡ đê, Làm đĩ là tiêu biểu.
Hạnh phúc của một tang gia hiện lên như bức tranh mang đầy nghịch lý
Biệt tài của Vũ Trọng Phụng ở chỗ ông có thể tạo nên những điều trái khoáy, ngược đời khiến người đọc ngỡ ngàng đến mức bật cười. Những tác phẩm gây được ấn tượng với độc giả một phần là ở cái nghịch lý oái ăm mà nhà văn “vẽ ra”.
Trong Hạnh phúc của một tang gia, Vũ Trọng Phụng đã tạo nên bức tranh với những mảng màu đối chọi, tương phản nhau. Người đọc có thể thấy rõ điều ấy thông qua nhan đề, cách đặt tên và xây dựng nhân vật cũng như cách khắc họa tình huống.
Nhan đề Hạnh phúc của một tang gia khác đời khác người và đầy những nghịch lý
Nhan đề Hạnh phúc của một tang gia là sự kết hợp của hai từ mang hàm ý đối nghịch với nhau. Vốn dĩ tang gia là mất mát, đau buồn nhưng ở đây, nó lại được miêu tả với biết bao niềm hạnh phúc, sự thỏa mãn ngược đời.
Niềm vui sướng ấy đến với cả đại gia đình và từng cá nhân trong gia đình đó. Hai trạng thái đối lập trong cùng một nhan đề đã gây được sự tò mò, hứng thú đối với người đọc.
Nhan đề tang gia mà lại vui vẻ, hạnh phúc như thể hiện tiếng cười thâm thúy và hàm ý giễu cợt sâu cay của Vũ Trọng Phụng. Độc giả như nghe thấy đằng sau con chữ là tiếng cười đầy mỉa mai từ tác giả trước thói đời.
Đồng thời nhan đề còn được sử dụng như tiền đề hé lộ nội dung chính ở đoạn trích. Đó là niềm vui, là sự hạnh phúc khác người, khác đời của một gia đình có tang với những con người mang tâm hồn mục ruỗng, lương tri méo mó.
Tên nhân vật chứa đựng nhiều mâu thuẫn
Người đọc có thể thấy những cái tên góp mặt trong đoạn trích đều được Vũ Trọng Phụng lựa chọn tỉ mẩn và có sự trăn trở nhất định. Bởi lẽ, đằng sau mỗi cái tên là biết bao ẩn ý thâm sâu của nhà văn.
Những ẩn ý đó nhắm làm nổi bật một nghịch lý rất đỗi nực cười. Bởi lẽ từ xưa đến nay, việc đặt tên đều có chung hàm ý rằng người cũng đẹp như tên, vậy mà những nhân vật ở đây ngoài cái tên rất đẹp thì bản chất lại xấu xí vô cùng.
Cụ cố Hồng, khi nghe qua sẽ khiến độc giả liên tưởng đến một con người có phẩm chất đạo đức, cốt cách cao đẹp nhưng thực chất là kẻ vô đạo, bất hiếu và máu lạnh nhất.
Tuyết thường gợi về một người con gái trong trắng, ngây thơ nhưng bản chất thì trái ngược khi cô vô cùng hư hỏng, lăng loàn. Tuyết dùng những bộ quần áo hay việc trang điểm để bảo toàn vẻ ngây thơ giả dối của mình.
Bà Phó Đoan, cái tên nêu lên đã thấy được rằng đấy là người đoan chính, vậy mà bên trong lại là kẻ vô cùng dung tục, phóng đãng. Quả là một sự mâu thuẫn tuyệt đối.
Văn Minh khi nghe qua thì tưởng biểu trưng cho sự tiến bộ, phát triển, văn hóa nhưng cực tâm hắn lại là kẻ không văn minh, kém phát triển và phản văn hóa.
Ông Phán gợi về người có phẩm chất chính trực, liêm khiết. Công chúng vẫn nghe về những vị thẩm phán, vị quan chức có quyền có thế nhưng vẫn công bằng, công tâm và sống có đạo đức. Thế nhưng, hắn lại bán rẻ danh dự để chạy theo lợi ích và vật chất tầm thường.
Nhân vật là những kẻ bên ngoài một đằng bên trong một nẻo
Cụ cố Hồng là con trai cả, là người có mối quan hệ gần gũi, gắn bó máu thịt, thiêng liêng nhất với cụ cố tổ. Ông đứng đầu dòng họ và đại diện cho nền tảng đạo đức cũ.
Tuy bề ngoài cụ “ho khạc mếu máo và ngất đi” nhưng thực chất, đó cũng chỉ là cảnh tượng được lên kịch bản từ trước để người đời thấy cái tình cha con tốt đẹp ra sao.
Bản chất bên trong đứa con trai cả ấy là sự bất hiếu, vô đạo và thói háo danh, bệnh hoạn đến cùng cực. Ông ta chỉ băn khoăn làm sao để phô diễn ra một gia đình kiểu mẫu, vừa có hiếu vừa có phúc cho thiên hạ trầm trồ.
Văn Minh là đứa cháu đích tôn của dòng họ, đại diện cho một lớp người mới cũng như đóng vai trò trụ cột của xã hội đương thời. Bề ngoài hắn “vò đầu bứt tai”, đăm đăm chiêu chiêu, có vẻ như rất phù hợp với sự kiện đau buồn này.
Thế nhưng, mọi cảm xúc bên trong lại không xuất phát từ tình thương mà từ những toan tính. Hắn vò đầu bứt tai bởi cái chúc thư, cũng vì không biết đánh giá Xuân tóc đỏ như thế nào với hai cái tội nhỏ và một cái ơn to.
Văn Minh kể tội Xuân làm hủy hoại hình ảnh hai cô con gái, ảnh hưởng đến thanh danh của cả gia đình hắn. Chỉ là, hai cái tội ấy trước cái ơn to là làm cụ tổ chết thì chẳng đáng là bao.
Hắn xem người đã gián tiếp giết hại người thân là kẻ đã ban ơn, là kẻ mà hắn mang ơn và cần cảm thấy biết ơn. Cái cách hắn xét tội – ơn dựa trên lợi ích của riêng mình đã cho độc giả thấy được bản chất thực sự của một kẻ táng tận lương tâm, chà đạp lên tình người, tình thân.
Ông Phán mọc sừng là cháu rể, có mối quan hệ gắn bó gần gũi với cụ tổ. Lúc cụ Hồng khóc mếu rồi ngất đi thì hắn cũng khóc to “Hứt!…Hứt!…Hứt!…” và thậm chí “oặt người đi, khóc mãi không thôi”.
Những tiếng khóc ấy khiến ai cũng để ý đến ông con rể quý hóa này dù thực chất bên trong không phải vậy. Hắn vui sướng vì đồng lõa dẫn đến cái chết của cụ cố tổ, vì được chia thêm tiền để bù đắp tổn thất khi mang tiếng người chồng bị cắm sừng.
Từ sự đối lập giữa bên trong và bên ngoài của một con người, độc giả nhận ra bản chất của hắn là một con buôn đúng nghĩa khi rất sòng phẳng, rạch ròi. Thậm chí là bán rẻ danh dự để chạy theo đồng tiền.
Tuyết là cô cháu gái với vẻ ngoài xinh đẹp và thời thượng. Khi khắc họa, tác giả đã dùng thủ pháp kí họa để thổi phồng nhân cách của nhân vật. Cô bận một bộ y phục ngây thơ với vẻ buồn đúng mốt, cử chỉ mời các quan khách cũng rất nhanh nhẹn.
Dù vậy, bên trong Tuyết lại có suy tính khác, bộ đồ ngây thơ không phải được chọn lựa ngẫu nhiên, cũng không phải bản chất của cô nàng. Cốt yếu là để Tuyết có thể bào chữa danh tiếng hư hỏng, che đậy bản chất lăng loàn.
Bà Văn Minh, ông Văn Minh, cậu Tú Tân bề ngoài mang vẻ sốt ruột, lo lắng rất hợp bầu không khí đám ma nhưng bên trong đều có suy tính cá nhân, chẳng ai quan tâm thực lòng đến người đã khuất.
Cậu Tú Tân điên người vì sẵn sàng mấy cái máy ảnh mà không dùng được. Bà Văn Minh sốt ruột vì không được mặc những bộ đồ xô gai. Tất cả đều mong muốn biến đám tang thành nơi trình diễn thứ trang phục tang lễ.
Tuy rằng từng ấy những con người đều có tính toán riêng cho mình nhưng bản chất chung vẫn là những kẻ vô đạo, bất hiếu, suy đồi đạo đức, tha hóa lương tâm.
Hai cảnh sát là Min Đơ – Min Toa đại diện cho bộ mặt luật pháp. Chúng sung sướng ra mặt khi được thuê giữ trật tự cho buổi đám tang, dù vậy cả hai chỉ thích dọa nạt người khác, là nô lệ của đồng tiền.
Bạn của cụ cố Hồng đại diện cho chính trị, vốn thường được ví như những người tai to mặt lớn, trên ngực đầy huân chương. Tưởng rằng tính cách họ sẽ kính cẩn khiêm nhường, giữ vững đạo đức nhưng hóa ra lại rất háo danh, khoe mẽ.
Nhà thiết kế trang phục Típ-Phờ-Nờ đến đám tang chỉ để thỏa mãn nhu cầu biến nơi đây thành sàn diễn thời trang. Sư cụ Tăng Phú đại diện cho tôn giáo thì lại mang hơi thở của một con người trần tục chưa tỉnh thức, ở nơi trang nghiêm chỉ cố gắng đánh bóng tên tuổi chính mình.
Cảnh đưa đám là sự mâu thuẫn giữa hình thức và bản chất
Hình thức bên ngoài là một đám ma kiểu mẫu, không có điểm chê khiến công chúng phải trầm trồ. Người đọc có thể hình dung rõ nét cảnh tượng ô hợp, hỗn mang ấy thông qua đoạn trích.
“Với một đám ma theo cả lối Ta, Tàu, Tây, có kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, cho đến lốc bốc xoảng và bú-dích, và vòng hoa, có đến ba trăm câu đối, vài ba trăm người đi đưa, lại có cả cậu tú Tân chỉ huy, những nhà tài tử chụp ảnh đã thi nhau như ở hội chợ. Thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu…!”
Thế nhưng, việc làm đám tang to không phải lo nghĩ cho người chết được an lòng mà nhắm mắt xuôi tay. Thứ họ mong muốn chính là phô trương gia đình giàu có, sung sướng hơn người.
Quả thực, đám tang người chết là ngày hội của kẻ sống. Khi cụ cố tổ ra đi, biết bao sự thật mà những kẻ ở lại tìm cách che đậy bỗng chốc được bộc lộ, phơi trải không hề giấu diếm.
Những người đi đưa đám bao gồm chức sắc, sư thầy, sư cụ hay cả “giai thanh gái lịch”. Đây là tầng lớp thượng lưu, người được coi trọng trong xã hội, là tinh hoa Hà thành lúc bấy giờ.
Bởi vì chừng ấy mới đủ để chứng tỏ cái danh tiếng của gia đình, để khi người ngoài nhìn vào thì ao ước không thôi, “dân chúng đổ xô ra đường để xem, để trầm trồ thán phục”.
Đám đông bảo đó là đám ma to tát, dư thừa nhưng nếu người đọc tinh ý phát hiện ra lối nói nghịch nghĩa của Vũ Trọng Phụng thì sẽ không khỏi bật cười khi nhận ra họ vô cùng thiếu thốn.
Một đám ma giàu có về vật chất, rình rang về danh tiếng nhưng lại “nghèo nàn” và cạn ráo tình người, tình yêu thương chân thực. Những nhân vật trong tác phẩm lại chỉ quen thói đua đòi, bắt chước một cách đầy lố bịch và kệch cỡm.
Người đi đám ma vốn dĩ phải trong tâm thế thành kính, thiêng liêng. Thế nhưng họ lại đi trong biết bao lời bình phẩm, đàm điếm, nhiều câu chuyện không đầu không đuôi. Khung cảnh nhốn nháo ấy hệt như một buổi hội hè lễ lạc.
Đám ma là dịp đau buồn, tang thương nhưng lại khiến gia đình, người thân cụ cố tổ thỏa mãn, sung sướng hơn bao giờ hết vì những sở nguyện dung tục, tầm thường của họ được đáp ứng trọn vẹn.
Cụ cố Hồng với niềm vui không giấu diếm vì cả thành phố đều khen đám ma to. Thói háo danh được đáp ứng khiến hắn thỏa mãn vô cùng. Sự hả hê khi được đẩy lên cao cũng là lúc tình cha con ruột thịt trở thành “con số âm”.
Vợ cụ cố Hồng cũng được dịp thở phào nhẹ nhõm vì Xuân tóc đỏ đã tới. Bởi điều ấy đồng nghĩa với việc tăng thêm niềm vinh dự, sự hãnh diện cho gia chủ.
Cậu tú Tân sung sướng vì được dùng đến chiếc máy ảnh đã cất dành bấy lâu. Cậu hăm hở chỉ huy những người bạn chụp hình như để lưu giữ lại một kỉ niệm rất đáng vui mừng.
Bà Văn Minh và ông Típ-phờ-nờ cũng được thỏa lòng khi có người để ý tới bộ trang phục tang lễ mà bọn họ cất công sửa soạn để người khác chú ý tới. Cô Tuyết chẳng nén nổi niềm hạnh phúc khi gặp lại bạn trai và biết hắn không khinh thường hay ghét bỏ mình.
Những người đi đưa đám cũng chẳng có lấy một ai là thật lòng. Đằng sau nét mặt buồn bã một cách máy móc và công thức, họ hết sức thoải mái và thậm chí tỏ ra thích thú với những lời bình phẩm, ghen tuông hay lả lơi với nhau.
Hạnh phúc của một tang gia gửi gắm tư tưởng có lý của tác giả
Cũng như Franz Kafka thường thông qua điều phi lý để gửi gắm những thông điệp ý nghĩa đến độc giả. Vũ Trọng Phụng ngoài việc dày công khắc họa nghịch lý còn qua đó gửi gắm biết bao tư tưởng, bài học đúng đắn và sâu sắc.
Dẫu viết về những điều vô lý, trái với lẽ thông thường nhưng tư tưởng nghệ thuật của nhà văn muôn đời vẫn là đấu tranh cho xã hội con người trở nên “có nghĩa lý”.
Muốn bốc thuốc thì trước tiên phải bắt được bệnh, phải thấy được thói tật của bản thân mà không có một lối đi nào khác hơn. Chỉ khi con người tận mắt chứng kiến, thẳng thắn đối diện phần tối trong mình thì họ mới có cơ hội sửa chữa mọi thứ.
Bởi thế nên, ngòi bút của tác giả trước hết tập trung vào việc vạch trần những thói tật, bệnh hoạn của con người trong xã hội bấy giờ.
Cách những nhân vật ấy tô vẽ, chăm chút cho hình thức bên ngoài để che đậy sự mục ruỗng từ bên trong như một phản ứng dây chuyền từ người đứng đầu, từ thế hệ đi trước lan ra tầng lớp thế hệ sau.
Sự băng hoại đạo đức trong gia đình diễn ra từ gốc đến ngọn. Sự suy đồi về nhân cách theo đó lan khắp mọi lĩnh vực xã hội từ chính trị, luật pháp cho đến tôn giáo, nghệ thuật.
Căn nguyên của sự suy thoái trầm trọng ấy không gì khác ngoài ma lực đồng tiền và sức cám dỗ “ma mãnh” của danh tiếng. Là “người thư kí trung thành của thời đại”, Vũ Trọng Phụng đã dùng chiếc kính hiển vi soi chiếu và phơi bày hết thảy,
Ông không ngần ngại mổ xẻ, phân chiết khách quan hiện thực để đem tới cho người đọc những hình dung chân xác, rõ nét và đầy đủ nhất về bức tranh xã hội. Không chỉ dừng lại ở công việc “người thư ký thời đại”, nhà văn còn bộc lộ thái độ lẫn tư tưởng của riêng mình.
“Văn chương không phải là liều thuốc an thần ru con người ta vào giấc ngủ uể oải mà là sắt nung bỏng rát thức tỉnh con người.” – Virginia Woolf
Đồng nghĩa với việc phê phán và tố cáo nhiều thói tật, bệnh hoạn của con người là sự đề cao, trân trọng hết mực những giá trị tốt đẹp. Đấy là thiên lương trong sáng, không mù quáng vì đồng tiền hay danh tiếng, yêu thương.
“Trước một thế giới tan vỡ hay có nguy cơ tan vỡ, nhà văn nhặt nhạnh những mảnh vỡ để tái tạo lại chính nó đồng thời kích hoạt những dây đàn cảm xúc của con người.” – Văn Trung
Nghệ thuật đích thực phải cảnh tỉnh con người trước vực thẳm đen tối hay đêm đen mịt mù. Một người cầm bút có lương tâm, trách nhiệm như một “cánh chim báo bão” với quả tim cháy bỏng tình thương con người, không thờ ơ trước những bệnh hoạn, thói tật của nhân sinh.
Hạnh phúc của một tang gia kết tinh ngòi bút trào phúng bậc thầy
Trên văn đàn Việt Nam, độc giả đã từng nghe tên tuổi của những cây bút trào phúng như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan. Trong đó, không thể không nhắc tới Vũ Trọng Phụng, một cây viết bậc thầy về thể loại văn học này.
Trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, nhà văn đã thể hiện tài năng trào phúng thông qua việc xây dựng nhân vật, giọng điệu và cách dùng từ rất riêng.
Nghệ thuật tạo dựng nhân vật trào phúng trong Hạnh phúc của một tang gia
Nhân vật ở đây được xây dựng theo nhiều kiểu khác nhau, thế nhưng phổ biến nhất là theo nguyên tắc “trong ngoài bất nhất”.
Sự thay đổi đến “đáng sợ” của các nhân vật được Vũ Trọng Phụng hợp lý hóa. Việc biến cái bất thường trở thành bình thường từ tác giả làm cho người đọc thấy hết sức bất ngờ, bật ra tiếng cười trào phúng.
“Vũ Trọng Phụng đã tạo được một thứ nhân loại độc đáo cho riêng mình.”
Những kẻ bề ngoài sang trọng, đạo đức với danh xưng giới thượng lưu nhưng lại ẩn chứa bao sự thật đen tối, xấu xí vô cùng. Chỉ trong xã hội đen tối như thế thì những kẻ như Xuân Tóc Đỏ mới có cơ hội “thừa nước đục thả câu”, đứng cao hơn tất thảy và làm đảo điên xã hội bấy giờ.
Thông qua những chuỗi cười, Vũ Trọng Phụng lên án gay gắt xã hội đồi bại. Một tiếng cười hả hê, sảng khoái và đồng thời cũng là tiếng nói thẳng thắn, không hề tránh né vào kẻ học đòi làm quý tộc, chỉ biết sống vì tiền mà quên đi nhân phẩm.
“Ngược đời thì dễ gây cười, vì nó vi phạm logic hiện thực lệch chuẩn, có tình huống ngược đời về hoàn cảnh, có tình huống ngược đời về quan hệ, đạo lý.”
Vũ Trọng Phụng đã phát hiện ra tính không đồng nhất khi “bên ngoài một đằng bên trong một nẻo” của nhân vật. Nắm bắt cái mâu thuẫn ấy, nhà văn đã tạo ra nhiều yếu tố bất ngờ, tiếng cười trào phúng từ cái xung đột nội tại của chính nhân vật.
Cách thức tạo tác nên ngôn ngữ trào phúng
Để trào phúng châm biếm trên bình diện ngôn ngữ, Vũ Trọng Phụng ghép các tổ hợp từ có nghĩa tương phản trái ngược nhau thành thể thống nhất như một sự “cưỡng hôn ngôn ngữ” nhằm tạo ra sự lệch chuẩn, gây cười đối với người đọc.
Quang cảnh tang gia được Vũ Trọng Phụng miêu tả thật sống động, nhộn nhịp như cảnh chuẩn bị đám cưới với hàng loạt từ như “huyên náo”, “nhốn nháo”, “rộn lên”.
Cảnh đưa đám đầy mâu thuẫn đến nực cười với các từ “Đám cứ đi…” mà không biết đây là đám cưới hay đám tang. Độc giả chỉ nghe thấy những đoạn hội thoại rời rạc như “Thằng ấy bạc tình”, hành động “chim nhau, cười tình với nhau”.
“Hứt ! Hứt ! Hứt !”, tiếng khóc của chàng cháu rể Phán Mọc Sừng khiến người đọc cảm nhận được đây là nét diễn đầy khôi hài của một kẻ bịp bợm hơn là tiếng khóc chân thật xuất phát từ trái tim.
‘‘Thật là một đám to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu…!”.
Chính cách miêu tả ngược đời ấy đã mang lại cho người đọc biết bao trận cười hả hê mà đầy giễu nhại.
Nghệ thuật xây dựng giọng điệu trào phúng
Giọng điệu chính trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng là trào phúng mỉa mai, châm biếm. Nó thường bật lên một cách rất đỗi tự nhiên, thể hiện cái nhìn đầy thông minh và cũng không kém phần khôi hài, hóm hỉnh.
Miêu tả về một đám tang thì giọng điệu chính, cũng theo lẽ thường thì phải là giọng bi. Thế nhưng ở đây tác giả còn pha lẫn giọng hài hước, châm biếm, vì vậy độc giả không có cảm giác xúc động mà chỉ thấy ngạc nhiên, nực cười.
Rõ ràng, Vũ Trọng Phụng đã vận dụng thật tài tình ngòi bút trào phúng của mình để tạo nên một đoạn trích mang lại nhiều tiếng cười giễu nhại, châm biếm sâu cay đến như vậy.
Những bài học nhân sinh rút ra từ Hạnh phúc của một tang gia
Đến với tác phẩm văn học nghệ thuật, một người tiếp nhận tích cực thì không chỉ quan sát những từ ngữ trên trang giấy mà còn phải suy tư, trăn trở nhiều hơn để nắm rõ những điều tác giả gửi gắm.
Mỗi người đọc khác nhau khi sống sâu hơn vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm sẽ có thể đúc rút, liên hệ được cho mình những bài học thực tế và đầy ý nghĩa.
Ở đây, độc giả có thể thấy được ba thông điệp sâu sắc và quý giá mà nhà văn gửi gắm thông qua tác phẩm là bài học về cách nhìn, vấn đề “hữu xạ” thì có “tự nhiên hương” và quy luật bảo lưu tiếp biến trong xã hội ngày nay.
Quy luật trong ngoài bất nhất và bài học về cách nhìn
Bắt nguồn từ quy luật cuộc sống, vạn vật đều tồn tại hai mặt là hình thức bên ngoài và bản chất bên trong. Giữa hai mặt này không phải lúc nào cũng trùng khít mà trái lại sẽ luôn tồn tại những chỗ vênh lệch, phần trái ngược nhau.
Người xưa vẫn thường nói “tấm áo chẳng làm nên thầy tu”, một quan niệm như vậy thì không hẳn ngẫu nhiên hay một câu nói bông đùa.
Thực tế cho thấy, có những kẻ bên ngoài khoác áo cà sa nhưng tâm hồn chẳng ở nơi cửa Phật. Thế nhưng, không thiếu người bề ngoài tuy gàn dở, xấu xí mà bên trong lại sáng ngời lương tri tốt đẹp và một trái tim đầy ấm áp.
Cuộc sống vốn dĩ đa đoan, đa sự, lòng người sâu không thấy đáy với biết bao điều ẩn khuất, không được minh định rõ ràng.
Hơn thế nữa, con người còn mang tâm lý “tốt khoe xấu che” tức là sống cho người khác nhìn. Bởi vậy nên, tồn tại trong cuộc đời thì đôi khi chúng ta cứ tưởng mình đang lạc lối giữa mê cung thật giả lẫn lộn, không cách nào tìm ra phương hướng.
Hạnh phúc của một tang gia chính là minh chứng đắt giá cho điều đó và là một bài học về cách nhìn đầy sâu sắc. Thế giới trong tác phẩm là hiện thực ô hợp, hỗn mang, thật giả lẫn lộn với những con người “ngoài một đằng, trong một nẻo”.
Bề ngoài họ phô ra điều tốt đẹp và hình thức mỹ miều bậc nhất. Thế nhưng càng cố tỏ ra thì chúng ta lại càng ngỡ ngàng khi phát hiện bản chất bên trong hoàn toàn trái ngược.
Nơi những con người đẹp mã là biết bao sự tha hoá biến chất, sự phi nhân vô đạo. Họ cằn cỗi về tâm hồn, cạn ráo tình yêu thương, chỉ mù quáng chạy theo đồng tiền và danh lợi.
Những con người ấy tích cực che đậy, thậm chí bằng những lớp mặt nạ vô cùng tinh vi. Người đời khi nhìn vào đâu thể ngờ sau vẻ ngoài lung linh, hào nhoáng là sự thật đen tối thế nào ở bên trong.
Nếu không có cây bút hiện thực sắc sảo, tài tình của Vũ Trọng Phụng thì ắt hẳn thật khó khăn để nhìn thấu bản chất, cốt lõi của mọi việc.
Thế mới thấy nếu chỉ dùng cặp mắt hồn nhiên, mơ mộng để hình dung và nhìn nhận về cuộc sống thì con người không thể nào chạm tới được sự thực ẩn giấu ở bề sâu.
Vậy nên cần phải tỉnh táo, lý trí hơn trong cách nhìn nhận, đánh giá cuộc sống để không dễ dàng bị che mắt hay dắt mũi bởi vẻ bề ngoài.
Xuân tóc đỏ và bài học về việc “hữu xạ tự nhiên hương”
Người xưa quan niệm đã là người tốt, có giá trị thì ắt hẳn sẽ được mọi người công nhận, biết tới. Thế nhưng cuộc sống thì luôn vận động, phát triển kéo theo biết bao biến động.
Quan niệm của người xưa đã không còn phù hợp trong thời đại, bối cảnh xã hội mới với những đặc thù riêng. Xuân tóc đỏ sống trong một xã hội coi trọng danh dự, hình thức bên ngoài. Muốn tồn tại tất yếu hắn phải nắm bắt cơ hội đó để vươn lên.
Có thể thấy, Xuân tóc đỏ là kẻ danh không xứng với thực, những gì khoe mẽ ra bên ngoài chưa hẳn là những gì hắn có, tất cả chỉ là một trò lừa bịp đầy khôn khéo.
Theo quan điểm người xưa thì chắc hẳn những kẻ vừa không có tài vừa chẳng có đức như hắn sẽ không bao giờ được tôn trọng, biết tới. Thực tế lại khác khi Xuân tóc đỏ vẫn có nhiều người nể trọng, nhiều người ao ước vị trí của hắn.
Một kẻ lưu manh, lí lịch đen tối nhưng vẫn được ngợi ca, ngưỡng mộ như người tài đức vẹn toàn. Bất giác con người sống trong thời đại ngày nay không thể thôi suy ngẫm hay trăn trở về quan niệm “hữu xạ tự nhiên hương”.
Thời đại của quảng cáo lên ngôi, mọi thứ đều cần quảng bá, tiếp thị để thu hút sự chú ý và từ đó khẳng định giá trị của chính mình, câu hỏi đặt ra là liệu “hữu xạ” có còn “ tự nhiên hương”.
Vậy nên, ngoài việc trau dồi, tạo dựng giá trị cho bản thân mình trở nên tốt đẹp, hoàn mỹ hơn thì con người cũng cần biết cách tự quảng bá bản thân đến mọi người.
Quy luật bảo lưu và tiếp biến trong Hạnh phúc của một tang gia là vấn đề không chỉ cho cá nhân
Bối cảnh xã hội diễn ra trong tác phẩm là thời đại của mưa Âu gió Mỹ, phong trào Âu hoá trở nên thịnh hành. Chính bối cảnh đó khiến con người sính ngoại mà quên đi những giá trị truyền thống tốt đẹp và dẫn tới một cảnh tượng hết sức ô hợp.
Trong bối cảnh xã hội hiện nay chúng ta hiểu được rằng việc học hỏi các nước trên thế giới là điều vô cùng quan trọng nhưng không đồng nghĩa với việc làm biến chất, mai một truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Mỗi con người là một phần tử nhỏ bé trong tập hợp rộng lớn, là mắt xích tạo nên xã hội. Tuy nhiên, cộng đồng dân tộc cũng là bảo chứng khẳng định sự tồn tại của mỗi cá nhân trên cõi đời.
Thế nên, nếu để cho truyền thống bản sắc văn hoá quốc gia dân tộc biến mất trên bản đồ thế giới cũng đồng nghĩa với việc mỗi con người thuộc về quốc gia dân tộc ấy cũng sẽ bị xóa sổ vĩnh viễn.
Thế nên, để có thể tồn tại bền vững thì mỗi người, rộng hơn là mỗi quốc gia, dân tộc cần tìm ra lời giải để cân bằng giữa việc bảo lưu và tiếp biến trong thời đại ngày nay. Tuy bước cùng nhịp bước với thế giới nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc riêng mình.
Phượng Linh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất