Thành ngữ “Ba que xỏ lá” bắt nguồn từ một trò chơi thời Pháp thuộc, được sử dụng để chỉ những hạng người xảo trá, bịp bợm.

Ý nghĩa thành ngữ Ba que xỏ lá
Cách nói đậm chất dân gian này được hình thành từ trò chơi ăn tiền phổ biến khi thực dân Pháp còn đô hộ đất nước. Nó gồm một cái que và ba chiếc lá có đính vòng nhỏ ở cuống.
Người chơi sẽ cầm cái que nhỏ và xỏ vào ba vòng đã chuẩn bị sẵn, mỗi khách chỉ có thể thực hiện một lần. Nếu như ai xỏ vào một lúc được cả bá đồng thời nhấc chúng lên thì chiến thắng, ngược lại không hoàn thành có nghĩa là thua cuộc cũng như mất toi số tiền đặt cược.
Ngoài ra, trò chơi cá cược này cũng được lý giải theo một cách khác. Chủ trò sẽ nắm ở lòng bàn tay ba que nhỏ, trong đó chỉ tồn tại một chiếc xỏ lá rồi chìa ra cho mọi người chọ, ai rút trúng que có lá thì trở thành kẻ chiến thắng.
Dù chơi dưới hình thức nào thì khách tham gia bao giờ cũng thua bởi bọn chủ trò luôn có nhiều mưu mẹo, thủ đoạn. Vì vậy, dân gian mới gọi những kẻ ấy là lũ “ba que xỏ lá” hoặc “ba que”, “xỏ lá” ngụ ý chỉ hạng người chuyên lừa lọc, xảo trá.
Bên cạnh “Ba que xỏ lá”, kho tàng văn học dân gian cũng còn nhiều cách diễn đạt khác để lên án tố cáo những kẻ sống đểu cáng, lừa lọc người đời vì lợi ích cá nhân như “Mạt cưa mướp đắng”, “Treo đầu dê bán thịt chó” hay “Cờ gian bạc lận”, “Đong đầy bán vơi”.
Những hạng người ba que xỏ lá trong Truyện Kiều
Truyện Kiều được ví như một trong số áng thi ca vĩ đại bậc nhất của nền văn học dân tộc do đại thi hào Nguyễn Du chấp bút. Thông qua cuộc đời nhân vật Thúy Kiều, nó đã tái hiện chân thực bức tranh xã hội phong kiến đầy rẫy bất công, đau khổ.
Trong mười lăm năm đoạn trường lưu lạc khắp nơi, nàng đã nhiều lần rơi vào tay những kẻ xấu xa, xảo trá. Đó là một Mã Giám Sinh với vẻ ngoài hào nhoáng nhưng thực chất lai lịch không rõ ràng, tiếp cận Thúy Kiều chỉ để lừa người con gái ấy bán cho lầu xanh.
Không dừng lại ở đó, Thúy Kiều còn trải qua muôn vàn chông gai, tiếp xúc với những kẻ tàn ác chỉ muốn lợi dụng nhan sắc xinh đẹp của nàng. Nhân vật ấy đã bị Sở Khanh và Tú Bà dùng lời lẽ ngon ngọt để lừa lọc, ép phải từ bỏ danh dự cũng như nhân phẩm mà làm nghề bán thân.
Dưới ngòi bút của Nguyễn Du, những nhân vật phản diện ấy hiện lên một cách chân thực đến mỉa mai. Chúng dùng mọi thủ đoạn để dụ người con gái không nơi nương tựa, đẩy nàng vào địa ngục tăm tối và mù mịt.
Bản chất xấu xa, bịp bợm của những kẻ ấy cũng giống như ý nghĩa câu thành ngữ “Ba que xỏ lá”. Chính chúng đã gieo rắc khổ đau cho cuộc đời Thúy Kiều, khiến người con gái đang độ xuân phơi phới rơi vào u sầu và ảo não.
Bằng cách dựng nên bức chân dung những kẻ đểu cáng này, Nguyễn Du đã lên án chế độ phong kiến mục nát cùng sức mạnh đáng sợ của đồng tiền. Chỉ vì danh lợi mà con người ta có thể làm tất cả, thậm chí chà đạp, dồn ép người khác vào bước đường cùng.
Bản chất ba que xỏ lá của Lý Thông trong truyện cổ tích Thạch Sanh
Truyện cổ tích chính là nơi nhân dân gửi gắm hy vọng cùng niềm tin về một cuộc sống công bằng cũng như hạnh phúc. Trong các tác phẩm dân gian ấy, cái thiện sẽ luôn chiến thắng điều ác, người tốt cuối cùng có một kết cục tốt đẹp và được đền đáp xứng đáng.
Thạch Sanh cũng nằm trong số đó, được sáng tác bởi một tác giả khuyết danh và lan truyền rộng rãi với nhiều dị bản. Nó xoay quanh cuộc đời của người quân tử Thạch Sanh, vươn lên nghịch cảnh để rồi sống hạnh phúc cùng công chúa.
Thạch Sanh vốn mồ côi cha mẹ nhưng vẫn lớn lên khỏe mạnh, gìn giữ tâm hồn lương thiện. Anh chàng đã gặp gỡ và kết thân với Lý Thông, sẵn lòng giúp đỡ mà không hề toan tính.
Thế nhưng trái ngược với bản chất thật thà và chất phác của Thạch Sanh, Lý Thông lại là kẻ lắm mưu mô, chỉ nghĩ cho bản thân mình. Vì vậy, gã đã nhiều lần lợi dụng người anh em vừa kết nghĩa để trục lợi cá nhân.
Nhân vật phản diện này không chỉ lừa Thạch Sanh đến miếu thờ chằn tinh thế mạng cho mình mà còn cướp công để được nhà vua ban thưởng. Thậm chí, khi người em kết nghĩa bị nhốt trong ngục giam, hắn vẫn cố gắng tìm cách đẩy chàng vào con đường cùng.
“Sau khi Thạch Sanh từ giã mẹ con Lý Thông trở về gốc đa xưa, Lý Thông đi ngay về Kinh, tâu vua là đã trừ được Trăn Tinh. Nhà vua vui mừng trọng thưởng và phong cho Lý Thông làm Ðô đốc quận công.” – Lý Thông nhiều lần lừa lọc hòng cướp công của Thạch Sanh
Trong truyện Thạch Sanh, Lý Thông hiện lên là một kẻ “ba que xỏ lá” luôn tìm mọi cách lừa lọc và lợi dụng Thạch Sanh. Thế nhưng đến cuối cùng, hắn đã bị luật nhân quả trừng phạt bởi các tội ác do mình gây ra.