Trong giới nghệ thuật, công chúng chứng kiến nhiều nghệ sĩ để có được hào quang và bắt đầu toả sáng thì phải trải qua rất nhiều sự kiên trì, nỗ lực và hành trình ấy vô cùng tốn thời gian.
Thế nhưng, một ban nhạc như Nirvana đã từng bước đi lên đỉnh cao chỉ trong bảy năm kể từ lúc bắt đầu hoạt động. Con số ấy vẫn còn hơi ngắn so với những thành tựu mà họ đạt được.
Nirvana là ban nhạc Rock được xem như “lá cờ tiên phong” của thế hệ X với ba mươi triệu bản album bán ra trên toàn thế giới. Song, ẩn sau thành công ấy lại là câu chuyện bi đát về người thủ lĩnh Kurt Cobain.
Kurt Cobain là chàng thủ lĩnh thực thụ của Nirvana
Khi công chúng nhắc đến Nirvana thì không thể thiếu “người phát ngôn” của thế hệ X, những người được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến năm 1980, Kurt Cobain.
Kurt được sinh ra và lớn lên tại bang Washington, Hoa Kỳ. Như bao đứa trẻ khác, những năm đầu đời của cậu luôn tràn đầy tiếng cười và niềm vui. Thế nhưng, mọi chuyện đổ vỡ khi ba mẹ của Kurt Cobain ly hôn vào năm cậu lên chín.
Từ đây, chuỗi ngày đen tối trong tâm trí cậu bé Kurt chính thức bắt đầu. Những dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt, trầm cảm dần bộc lộ ra bên ngoài. Suốt quãng thời gian ấy, cậu chỉ nhốt bản thân trong phòng và nguyền rủa cha mẹ.
“I hate mom, I hate dad. Dad hates mom, mom hates dad.” – Đây là những dòng chữ được câu bé 9 tuổi viết lên tưởng trong căn phòng của mình
Đó thực sự là những gì Kurt Cobain phải trải qua trong suốt khoảng thời gian thơ ấu. Thấy tình hình không ổn nên người chú quyết định tặng cho Kurt một cây đàn guitar cũ, chặng đường âm nhạc của chàng trai này cũng bắt đầu từ đây.
Những ngày sau đó, cậu như dính lấy cây đàn, một phần vì niềm đam mê âm nhạc đang dần lớn, một phần vì Kurt chẳng còn ai bầu bạn.
Từ nỗi đau về tinh thần, Kurt Cobain đã chuyển hoá chúng thành âm nhạc của riêng mình và sau này là Nirvana. Quá khứ nhiều tổn thương ảnh hưởng lớn đến âm nhạc vì anh tuy được biết đến như một nhà sản xuất, một thủ lĩnh đầy cá tính nhưng cũng rất nội tâm.
Âm nhạc của Kurt ẩn chứa nhiều nỗi buồn, sự trầm cảm cùng ngôn từ khó hiểu và đã tạo nên bản sắc vô cùng đặc biệt. Anh được mệnh danh là “người phát ngôn” cho thế hệ X kiêm nghệ sĩ nhạc Rock-Alternative có ảnh hưởng bậc nhất.
Quá trình thành lập ban nhạc với nhiều sự thay đổi
Sau nhiều năm lang thang, Kurt Cobain lúc này thấm nhuần sự “trải đời” và coi âm nhạc như kim chỉ nam cho bản thân. Sau khi tham dự đêm nhạc của The Melvins, mọi hình dung của chàng thủ lĩnh bắt đầu rõ ràng hơn cũng như có định hướng.
Như một thực tại khó tránh khỏi vào thập niên 80, khi dòng nhạc Rock đã và đang thống trị trên mọi mặt trận, anh đã đem lòng say mê nó. Kurt Cobain thường được thấy đang “lang thang” gần phòng tập của ban nhạc The Melvins.
Có lẽ, sau khi chứng kiến màn trình diễn của The Melvins, Kurt Cobain đã trở thành người hâm mộ chân chính. Trải nghiệm ấy tuyệt vời đến mức Kurt viết rất nhiều về nó trong nhật ký.
Niềm đam mê âm nhạc cũng như sự yêu thích những giai điệu của The Melvins đã giúp Kurt Cobain gặp được Krist Novoselic, người về sau trở thành bạn thân kiêm tay bassist cừ khôi của Nirvana.
Cả hai gặp nhau trong một buổi biểu diễn của The Melvins và trùng hợp thay, họ chung trường Aberdeen High School, cùng thích Punk Rock lẫn viết nhạc. Quãng thời gian này cũng là khi Kurt về quê mẹ sống do bị cha ruồng bỏ.
Trước đó, Kurt Cobain đã có ý định về việc thành lập ban nhạc của riêng mình. Tuy nhiên, Nirvana lúc này chưa thành hình vì Krist Novoselic đã một mực từ chối lời mời tham gia từ Kurt.
Kurt Cobain sau đó vẫn kiên định với mục tiêu và tự lập ra ban nhạc riêng tên Fecal Matter. Lúc này, anh nghỉ học và chịu cảnh lang thang vì khúc mắc với mẹ, chỗ nghỉ ngơi cũng đổi thành gầm cầu sông Wishkak.
Trong khoảng thời gian này, chàng trai trẻ phải tự lăn lộn để kiếm tiền nuôi sống bản thân nhưng vẫn duy trì công việc sáng tác. Về sau, vì thích thú với những câu từ của Kurt mà Krist đã đồng ý tham gia vào ban nhạc.
Cả hai “bấm nút” bắt đầu cho chuỗi hành trình mang tên Nirvana vào cuối năm 1986, tại tiệm cắt tóc của người bạn đồng hành. Ban đầu, việc đặt tên có phần “thiếu quyết đoán” khi Kurt phân vân giữa “Skid Row” và “Ted Ed Fred”.
Tuy vậy, Kurt Cobain cuối cùng lại chọn Nirvana, một cái tên rất thú vị và mang hàm ý sâu sắc, mang nghĩa “Niết bàn” trong Phật giáo. Đây là việc thoát ly khỏi sắc giới và nghiệp báo luân hồi, hướng tâm về sự thanh tịnh, phần nào cho thấy hy vọng thoát khỏi những nỗi đau của Kurt Cobain.
Sau khi chốt được cái tên cho ban nhạc, Kurt Cobain bắt đầu hành trình đi tìm một tay trống hoàn hảo. Anh được nhận xét là người có tính cách cầu toàn, hành trình này vì thế không quá suôn sẻ.
Những tay trống sau đó tham gia Nirvana, dù xuất thân từ ban nhạc nổi tiếng hay có thâm niên cũng đều sớm bị loại. Kurt thậm chí từng đứng sau dàn trống để chỉ đạo cho ra bằng được tiếng trống mình muốn, một điều quá sức tưởng tượng thời bấy giờ.
Cuối năm 1988, sau những chọn lọc kĩ càng thì vai trò này mới chính thức được đảm nhiệm bởi Chad Channing. Tuy nhiên, chính Kurt Cobain về sau thừa nhận rằng anh chưa thực sự hài lòng với những gì Chad mang đến.
“Chúng tôi không hài lòng lắm với tiếng trống của Chad. Về cơ bản, anh ấy có phong cách của riêng mình, nó phù hợp với nhiều bài hát mà chúng tôi viết nhưng đó không phải điều ban nhạc muốn thực hiện vào thời điểm ấy.” – Kurt chia sẻ trong một buổi phỏng vấn
Vì vậy, Chad Channing dù thực hiện album đầu tay Bleach khá thành công nhưng vẫn phải nhanh chóng rời đi. Những cái tên cứ thế thay đổi liên tục và việc này chỉ dừng lại khi tay trống mới Dave Grohl tham gia.
Từ đây, với sự ổn định về đội hình lẫn chuyên môn, Nirvana đã cho ra đời những album gây tiếng vang trên thị trường âm nhạc cũng như mang cái tên Nirvana ra ngoài biên giới Hoa Kỳ, trở thành biểu tượng của thể loại Alternative-Rock.
Các album sau đó như In Utero, Nevermind đã bán ra hàng chục triệu bản. Bên cạnh đó, Nirvana cũng nhiều lần được xướng danh trên những tạp chí âm nhạc hàng đầu như Billboards, Rolling Stones.
Hành trình phát hành album đầu tay Bleach
Giữa năm 1989, album đầu tay của Nirvana mang tên Bleach chính thức được hãng Sub Pop phát hành. Đĩa nhạc lấy cảm hứng nhiều từ âm hưởng của The Melvins, ban nhạc mà Kurt Cobain vô cùng hâm mộ.
Album Bleach cấu thành từ nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, điều này bắt nguồn từ một sự kiện ngẫu nhiên khi cả nhóm bật cùng lúc hai album của The Smithereens và Celtic Frost trên một chuyến xe.
Kurt Cobain thấy thú vị và nghĩ rằng điều này có thể mang lại thứ gì đó có ích, mới mẻ. Nó đã vô tình khơi gợi cho Nirvana những ý tưởng về sự kết hợp các thể loại âm nhạc với nhau.
Để rồi, sự pha trộn giữa Heavy Dirge-Rock của Mudhoney cùng âm hưởng Rock thập niên 1970 từ Black Sabbath, Led Zeppelin đã tạo nên một Bleach đặc sắc và giàu tính nghệ thuật.
Sau này, sự thành công vượt bậc của Nirvana đã giúp những thanh âm bên trong Bleach trở thành một dòng nhạc riêng, được đa số Rocker thời bấy giờ theo đuổi, gọi chung là Grunge.
Sau khi phát hành Bleach, Nirvana bắt đầu lưu diễn để quảng bá album mới. Từ đây, ban nhạc dần được công chúng biết đến nhiều hơn, họ cũng thường xuyên xuất hiện trên các tạp chí âm nhạc, chương trình truyền hình và kênh radio.
Tưởng chừng sau thành công của album đầu tay, Nirvana vẫn giữ nguyên đội hình nhưng rạn nứt đã bắt đầu diễn ra giữa Kurt Cobain và Chad Channing. Mọi thứ bắt nguồn từ việc vị thủ lĩnh cho rằng tiếng trống của Chad vẫn chưa đủ nội lực.
Như một lẽ tất yếu, khi ngôn ngữ âm nhạc không đồng điệu thì đà phát triển cũng theo đó chậm lại. Vì thế nên ngay sau khi phát hành Bleach, Chad đã rời khỏi ban nhạc và tìm một bến đỗ mới.
Một điều thú vị là Nirvana thực hiên Bleach với kinh phí chỉ vỏn vẹn sáu trăm đô. Tuy nhiên với chất nhạc mới lạ, giàu tính nghệ thuật, nhóm đã nhận được vô số lời khen từ giới phê bình và là bệ phóng cho những thành công sau này.
Nevermind là tuyệt tác hay nhất của Nirvana
Sau sự ra đi của Chad Channing, Nirvana tìm thêm vài tay trống nhưng không ai trong số họ đạt yêu cầu vì Kurt Cobain là người quá cầu toàn và muốn mọi thứ ở mức hoàn hảo nhất.
Những tay trống dày dặn kinh nghiệm cũng dè chừng khi đối diện với Kurt, bởi lẽ chàng thủ lĩnh cần một tay trống “đạt điểm tuyệt đối”. Chỉ đến khi Dave Grohl xuất hiện, Kurt Cobain mới thực sự cảm thấy ấn tượng và giữ anh ở lại lâu dài với nhóm.
Đầu năm 1990, Nirvana được Sonic Youth, lúc bấy giờ đang làm cho hãng đĩa lớn DGC Records, giới thiệu đến các thành viên chủ chốt trong công ty. Ban lãnh đạo thấy thích thú với âm nhạc của Nirvana và đã ký hợp đồng cộng tác.
Kế đó, Nirvana bắt tay vào việc thu album đầu tiên với hãng đĩa lớn này. Sau quá trình hoạt động chăm chỉ và nhiệt huyết, Nevermind đã ra mắt vào đầu năm 1991, đánh dấu mốc cho sự trưởng thành trong âm nhạc của Nirvana.
Album này nhận được rất nhiều lời khen từ giới phê bình, trở thành đĩa nhạc thành công nhất của Nirvana. Nó đã đưa tên tuổi ban nhạc lên “mây xanh”, vượt qua biên giới Hoa Kỳ, đứng đầu nhiều bảng xếp hạng quốc tế như Billboard, UK Chart.
Từ một ban nhạc tầm trung, Nirvana được cả thế giới biết đến chỉ sau một tháng phát hành album này. Đây thật sự là một kì tích chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhạc Rock.
Để đạt thành công như vậy, không thể không nhắc đến các bài hát chủ đề gắn liền với Nevermind như Smell like teen spirit, Lithium. Đây là những ca khúc bất hủ của dòng nhạc Grunge-Rock.
Ngoài ra, Smell like teen spirit cũng gặt hái những danh hiệu lớn như nằm trong mười thứ hạng đầu của danh sách “500 ca khúc hay nhất mọi thời đại” do tạp chí Rolling Stone bình chọn, đứng đầu BXH Alternative Song suốt nhiều tuần.
Để tạo ra những ca khúc bất hủ như Smell like teen spirit, đội ngũ sản xuất đã làm việc rất kiên trì để cho ra kết quả hoàn hảo nhất. Ban đầu, album được hoà âm bởi Butch Vig, người sản xuất album đầu tiên Bleach cho Nirvana.
Tuy nhiên, sau khi mọi bản thu được xử lý và chuẩn bị cho công việc phát hành thì Vig và Kurt Cobain nhận ra họ không thật sự hài lòng với những bản hoà âm này.
Vì vậy, Butch Vig quyết định mời những người khác đến để phối lại các bản thu, bên phía DGC Records thì chịu trách nhiệm cung cấp danh sách ứng viên tiềm năng. Bất ngờ xảy đến khi Kurt không chọn người nổi tiếng nhất mà lại “tất tay” vào một gương mặt vô danh là Andy Wallace.
“Andy được chọn vì anh ấy có một màn thể hiện khá thành công khi làm việc với Slayer, đồng thời cho thấy khả năng hoà phối mang đậm chất riêng.” – Kurt Cobain chia sẻ
Những đóng góp của Andy Wallace được đánh giá là “nằm ngoài sức tưởng tượng” khi album khoác lên mình một gương mặt mới, được thêm nhiều lớp nhạc cùng các kỹ xảo phòng thu và trở nên bóng bẩy, tinh tế hơn bao giờ hết.
Chính Cobain về sau nói với giới báo chí rằng Andy Wallace làm cho Nevermind trở nên tuyệt diệu hơn rất nhiều. Andy đã để hết tâm trí của mình vào quá trình hoà âm, một sự đóng góp phi thường và xứng đáng được ghi nhận.
Thậm chí, khi ban nhạc thất vọng với hoà âm của Nevermind, Wallace đã làm giảm bớt khuynh hướng Rock trong album và tạo nên một loại nhạc Ready-Rock thành công đến nỗi những người khác cũng muốn sử dụng lại.
Ban đầu, Nirvana còn chẳng mong sẽ bán được năm trăm nghìn bản nhưng mọi thứ thật ngoài sức tưởng tượng, điều đó khiến cho công chúng mỗi lần nhắc về thể loại Alternative-Rock thì phải nghĩ ngay đến album này.
Album Nevermind đã nhận được ba lần danh hiệu đĩa bạch kim trong chưa đầy sáu tháng kể từ thời điểm phát hành. Smells Like Teen Spirit được phát nhiều lần trên MTV, truyền cảm hứng lớn cho công chúng và góp phần đưa Grunge thành dòng nhạc chủ đạo lúc bấy giờ.
Đầu năm 1992, Nevermind chính thức vượt mặt album Dangerous của ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson để đứng đầu bảng xếp hạng Billboards. Sự nổi tiếng đã gây áp lực không nhỏ lên đôi vai cả nhóm, đặc biệt là chàng thủ lĩnh Kurt Cobain.
Vì thế, Nirvana đã quyết định thay đổi lịch trình các chuyến lưu diễn quảng bá album mới, cụ thể là tạm dừng trình diễn ở Hoa Kỳ và dời việc biểu diễn xuống cuối năm.
Tháng Tám năm 1992, vài ngày sau khi cô con gái đầu lòng Frances Bean của Kurt Cobain ra đời, Nirvana đã thực hiện một trong những đêm diễn hay nhất lịch sử ban nhạc.
Ban đầu, Cobain đã lên sân khấu với chiếc xe lăn như một trò đùa, sau đó anh đứng dậy tham gia cùng các thành viên còn lại. Nirvana đã khuấy động không khí ngày hôm ấy bằng những bản phối hoàn toàn mới trên
Do tạm ngừng biểu diễn từ tháng Hai, đồng nghĩa hơn nửa năm không tập luyện nên khi xuất hiện trở lại trên sân khấu của Reading Festival, cả nhóm đã lường trước việc một số chuyện không hay sẽ xảy ra trong buổi diễn ấy.
Tuy nhiên, rất may mắn rằng đêm nhạc diễn ra suôn sẻ và trở thành một trong những ký ức không thể nào quên của Nirvana.
Trong buổi diễn, Cobain đã kể với đám đông về bé gái mới sinh và cùng mọi người hô to “Chúng tôi yêu em, Courtney!”. Điều này cho thấy, chàng thủ lĩnh của Nirvana rất yêu thương gia đình nhỏ của mình.
Về album Nevermind, tấm ảnh cậu bé không mặc quần áo trên bìa sau này bị “chính chủ” kiện vì sử dụng hình ảnh mà không có sự cho phép. Tuy lùm xùm đã bắt đầu từ năm 2021 nhưng mọi việc vẫn đang chờ phán quyết từ tòa án.
Dù bị ồn ào kiện tụng nhưng Nevermind vẫn luôn là đĩa nhạc xuất sắc của Nirvana. Trong dịp kỉ niệm ba mươi năm, Nevermind được thống kê đã bán ra ba mươi triệu bản, con số khổng lồ đối với một album nhạc Rock.
In Utero là sự cố gắng vượt qua “cái bóng quá lớn” của Nevermind
Năm 1993, Nirvana đi tìm nhà sản xuất cho album tiếp theo và đã làm việc với Steve Albini, ông được biết đến nhờ làm album Surfer Rosa cho ban nhạc Pixies. Các đầu việc được xử lý nhanh chóng, phiên bản đầu tiên của album được hòa âm chỉ trong hai tuần.
Tháng Chín cùng năm, In Ureto, album thứ ba và cũng là cuối cùng của Nirvana được phát hành với các hit tiêu biểu All apologies, Heart-shaped box, Rape me, Pennyroyal Tea.
In Ureto được công chúng đón nhận nồng nhiệt và đã bán ra mười lăm triệu bản trên toàn cầu. Tuy giới phê bình đánh giá cao nhưng album này như “thách thức” người nghe nhạc phổ thông vì lời bài hát lạ thường, âm thanh thô ráp.
Về sau, ban nhạc chia sẻ họ không thật sự hài lòng với cách phối của Albini. Cả nhóm nhận định mức âm bass trong album là quá thấp, Cobain thì cho biết Heart-Shaped Box và All Apologies có âm thanh chưa được “hoàn hảo”.
Một thời gian sau, nhà sản xuất Scott Litt của ban nhạc R.E.M được gọi đến để nhờ thu âm lại hai bài hát này, bản thân Kurt Cobain cũng tham gia vào việc phối nhạc và hát đệm.
Cuối năm 1993, ban nhạc quyết định thay đổi hướng đi bằng cách ngồi lại trong một buổi trình diễn ở MTV. Khác với tất cả nhóm nhạc bấy giờ, Nirvana không chọn các bản hit đã giúp họ trở nên nổi tiếng mà sử dụng những bài hát thể hiện được chiều sâu sáng tác của Kurt Cobain.
Những ca khúc này thường bị che giấu bởi thứ âm thanh điên cuồng, mãnh liệt từ ban nhạc. Việc chọn lựa cũng chứng minh sự quan tâm tới độ đa dạng trong âm nhạc của Cobain, khi anh biến tấu hài hoà giữa các nhạc cụ.
Tuy nhiên, trong lúc mọi thứ đang rất tuyệt vời thì bi kịch ập đến với Nirvana. Chàng thủ lĩnh thép gặp biến cố, đây là tin tức chấn động với ban nhạc và cả những người hâm mộ.
Khi chàng thủ lĩnh Kurt Cobain “ngã ngựa”
Kurt Cobain được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực và thường sử dụng chất gây nghiện khi còn trẻ nhằm thoát khỏi áp lực từ cuộc sống. Tuy nhiên, đỉnh điểm là việc anh dùng ma túy quá liều để quên đi bệnh đau dạ dày.
Lúc này, Nirvana đang lưu diễn tại châu Âu để quảng bá album mới nhưng về sau, tình hình bắt đầu tụt dốc. Kurt trông có vẻ mệt mỏi và trong chuyến lưu diễn cuối cùng tại Terminal Eins, anh bị viêm phế quản và viêm thanh quản nặng.
Buổi diễn tiếp theo bị hoãn vì sức khỏe của Cobain không đảm bảo, thế nhưng chỉ ba ngày sau, anh được vợ mình là Courtney Love tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh và phải nhập viện ngay lập tức.
Trong buổi họp báo, bác sĩ điều trị nói rằng Cobain bị phản ứng do sử dụng kết hợp thuốc an thần Rohypnol và rượu. Tất cả kế hoạch biểu diễn còn lại buộc phải huỷ bỏ, bao gồm cả chuyến lưu diễn ở Anh.
Những tuần sau đó là chuỗi ngày khó khăn, đau khổ của Cobain. Anh tái phát cơn nghiện ma tuý và sử dụng chúng liên tục, đến mức suýt chạm đến ngưỡng cửa tử thần do sốc thuốc.
Được người thân động viên đi cai nghiện ma tuý nhưng việc này chẳng bao giờ dễ dàng với Kurt Cobain, nếu không muốn nói là không thể. Một tuần sau khi vào trại cai nghiện, ngựa quen đường cũ, anh đã tìm cách trốn ra để về nhà.
Trong những ngày cuối đời, anh chỉ ở nhà và lạm dụng chất kích thích liên tục nhằm quên đi phiền muộn, sự giày vò từ các bệnh kinh niên như trầm cảm. Cobain cũng chịu nhiều áp lực từ đời tư đến công việc, đặc biệt là khi cuộc sống gia đình không mấy êm ấm.
Khi con người đã chịu đủ đau khổ, họ sẽ quyết định giải thoát cho chính mình. Dù bằng cách này hay cách khác, người ấy vẫn cố tìm ra con đường nhanh nhất để thoát khỏi mớ hỗn độn, chàng thủ lĩnh của Nirvana cũng không ngoại lệ.
Tháng Tư năm 1994, thi thể anh được tìm thấy tại nhà riêng ở Seattle, phía cảnh sát kết luận qua đời do tự tử bằng súng. Kurt ra đi, để lại nỗi tiếc thương lớn trong lòng người hâm mộ và cũng đặt bước đầu cho sự tan rã của Nirvana.
Có rất nhiều lời đồn thổi xung quanh cái chết của Kurt Cobain, thậm chí cho rằng đây là án mạng và người bị tình nghi không ai khác ngoài cô vợ Courtney Love.
Tuy nhiên, sau nhiều đồn đoán, hiện tại Courtney Love vẫn sống vui vẻ bên cô con gái Frances Bean. Mười hai năm kể từ ngày Kurt qua đời, cô tuyên bố đã bán 25% giá trị các bài hát trong catalog của Nirvana cho tạp chí Rolling Stone với giá năm mươi triệu đô.
Những điều còn sót lại ở Nirvana sau sự ra đi của Kurt Cobain
Sau sự ra đi của Kurt Cobain, Nirvana dường như không viết thêm nhạc mới mà chỉ phát hành các ca khúc đã được thu từ trước đó. Việc này cũng dẫn đến một số kiện cáo giữa Courtney và hai thành viên còn lại của Nirvana.
Một số album của Nirvana đã được phát hành sau cái chết của Cobain, bao gồm Unplugged in New York (1994), Nirvana (2002), With the Lights Out (2004).
Trong đó phải kể đến Unplugged in New York với sự góp mặt từ thành viên ban nhạc Meat Puppets, ngoài ra các phiên bản cover những bài hát của Nirvana do Meat Puppets, Leadbelly, The Vaselines và David Bowie biểu diễn cũng xuất hiện trong album này.
Còn với album Nirvana (2002), đứng đầu là bài You know you’re right đã được Krist và Grohl dự định cho phát hành trong album bao gồm những bài hát hiếm khi xuất hiện hoặc chưa bao giờ được công bố của Nirvana từ bốn năm trước đó.
Tuy nhiên, Courtney lại không nghĩ như vậy, cô cho rằng bài You know you’re right nên nằm trong album những bài hay nhất sự nghiệp của Nirvana. Vợ Kurt Cobain cũng nhận thấy hai thành viên còn lại đang lợi dụng hình ảnh Nirvana để trục lợi.
Sau rất nhiều kiện cáo, cuối cùng Krist và Grohl cũng được phát hành ca khúc You know you’re right trong album những bài hay nhất mang tên Nirvana. Quả là một hành trình khó khăn để đưa tâm huyết của Kurt Cobain đến với công chúng.
Trong những năm tiếp theo, ban nhạc tiếp tục cho ra mắt một số bản demo nhưng vẫn không thể nào so sánh với Nervermind. Sau đó nhóm nhạc tan rã, Dave Grohl trở thành thành viên của Foo Fighters.
Không dừng bước với âm nhạc, Novoselic thành lập ban nhạc Sweet 75 và Eyes Adrift cùng hai người khác là Curt Kirkwood (Meat Puppets), Bud Gaugh (Sublime).
Dù các thành viên Nirvana đã cố gắng rất nhiều trong việc tìm lại chính mình, song việc thiếu vắng bóng hình người thủ lĩnh là khoảng trống quá lớn để có thể lấp đầy.
Sau hai mươi năm kể từ ngày Kurt Cobain mất, anh được vinh danh tại Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll cùng hai thành viên khác của Nirvana là Krist Novoselic, Dave Grohl.
Những đóng góp cho âm nhạc của Kurt Cobain nói riêng, Nirvana nói chung có ảnh hưởng rất lớn đến nền âm nhạc hiện tại. Đây là nguồn cảm hứng cho nhiều ca sĩ, rapper nổi tiếng như Pharrel Williams, Adam Lavine, Wiz Khalifa.
Hoàng Vũ
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất