Vẻ đẹp của con người luôn được ca ngợi trong kho tàng văn học Việt Nam. Tục ngữ xưa có câu “Cái răng cái tóc là góc con người” cũng mang hàm ý đó. Vì sao cha ông xưa lại dùng hình ảnh răng, tóc để miêu tả nét đẹp của con người? Câu tục ngữ trên thực sự có giá trị ý nghĩa như thế nào với hiện tại? Cùng phân tích ở bài viết này ngay!

Giải thích nội dung câu tục ngữ “Cái răng cái tóc là góc con người”
“Cái răng cái tóc là góc con người” là câu nói quen thuộc mỗi khi nói về vẻ đẹp bên ngoài. Hãy cùng xem, người xưa nói như thế nào là đẹp.

Về mặt hình ảnh “cái răng”, “cái tóc”
Không có gì quá ngạc nhiên khi câu tục ngữ sử dụng hai hình ảnh răng và tóc để nói về nét đẹp. Về ngoại hình, đây là hai bộ phận dễ nhìn thấy trên gương mặt và cũng dễ để lại ấn tượng cho người đối diện.
Răng sẽ thấy khi nói chuyện, nở nụ cười. Nếu có một hàm răng đều, một nụ cười tươi, chắc chắn sau cuộc nói chuyện người kia sẽ vô cùng ấn tượng với bạn. Thời xưa, việc thẩm mỹ, trang điểm chưa phổ biến thì nụ cười tươi, đẹp với hàm răng đều đặn rất dễ gây thiện cảm với người xung quanh. Hơn nữa, việc chăm sóc răng miệng sao cho sạch, tránh hôi miệng cũng tạo nên dấu ấn tốt với mọi người.
Tóc trắng, tóc đen, tóc thẳng, tóc xoăn… đều có thể nhìn thấy khi đứng xa. “Cái tóc” ở đây để chỉ những người được cho là có một mái tóc đẹp, tạo thiện cảm với người tiếp xúc. Một mái tóc đẹp chỉ đơn giản là được chăm sóc tốt, không xơ rối, không bẩn, gọn gàng khi gặp người khác.
Về ý nói “Góc con người”
Dùng cụm từ “góc con người” là một sự tinh tế mà các câu ca dao, tục ngữ xưa mang đến cho người độc. Không phải là “gốc con người”, không phải “cả con người” mà là “góc” con người. Góc là một phần nhỏ, chỉ tượng trưng cho một bộ phận thay vì cả con người. Khi dùng “góc con người” ta có thể hiểu rằng đây là ý chỉ dù chỉ là hai chi tiết trên gương mặt nhưng lại mang ý nghĩa quan trọng, dễ để lại ấn tượng nhất.
Việc dùng từ “góc” còn thể hiện rằng dù không phải duy nhất, nhưng lại cần chăm chút nhất để luôn cho người đối diện thiện cảm khi nhìn vào. Quả thực, không thể phủ nhận lối dùng từ đơn giản nhưng chứa đựng ý nghĩa tinh tế của cha ông xưa.
Như vậy, cả câu tục ngữ “Cái răng cái tóc là góc con người” có ý nghĩa: Răng, tóc là hai thứ tượng trưng cho nét đẹp của mỗi người. Vẻ bề ngoài sẽ được thể hiện rất rõ qua hai bộ phận này. Vì thế, cần chăm chút để luôn tự tin với bản thân mình.
Giá trị nhân văn câu tục ngữ mang lại
Từ câu tục ngữ “Cái răng cái tóc là góc con người”, chúng ta rút ra được những ý nghĩa, bài học sâu xa đằng sau một câu nói.

Hãy luôn biết chăm sóc vẻ bề ngoài bản thân
Vẻ đẹp về ngoại hình luôn được chú ý đến đầu tiên sau đó mới đến tính cách. Bởi lẽ, tính cách thì cần tiếp xúc, nói chuyện lâu dài mới có thể đánh giá. Vẻ đẹp ngoại hình có thể đánh giá chỉ qua một lần gặp gỡ, nhìn thấy. Do đó, chăm sóc hàm răng, mái tóc vẻ bề ngoài là vô cùng cần thiết cho bản thân mỗi người.
Khi có một nét đẹp ngoại hình gọn gàng, sạch sẽ, chúng ta vừa có thể tự tin, vừa có thể hãnh diễn. Sự chỉn chu từ ngoại hình cũng giúp cho người đối diện cảm thấy thoải mái hơn khi tiếp xúc với mỗi người. Bạn cũng không gây khó chịu cho người kia nếu như có một mái tóc sạch sẽ, một hàm răng trắng, một nụ cười tươi. Và hơn hết, tôn trọng mình cũng cũng chính là tôn trọng người xung quanh.
Nét đẹp tự nhiên luôn đáng được trân trọng
Hàm răng, mái tóc luôn là thứ đi theo con người mãi mãi. Một nét đẹp tự nhiên sẽ mang đến cho bạn sự tự tin tuyệt đối. Mỗi người đẹp theo một cách riêng của mình. Có câu “Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ chưa biết làm đẹp”. Vẻ đẹp của một người phụ nữ rất đơn giản: một mái tóc gọn gàng, sạch sẽ, một nụ cười tỏa nắng với hàm răng trắng mỗi ngày.
Hơn nữa, vẻ đẹp từ tự nhiên nhờ sự chăm sóc cẩn thận luôn cần được trân quý. Nó thể hiện nên sự tinh tế của con người dành cho con người. Không phải chỉ khi bạn mặc một bộ đồ lộng lẫy mới là đẹp. Chỉ cần bạn gọn gàng, ngăn nắp, cơ thể tự tin đã là rất đẹp và đáng để người đối diện cảm thấy cần trân trọng.
Hãy luôn chăm sóc cơ thể
Đơn giản, vì đẹp tự nhiên nhưng không tự nhiên mà đẹp. Để có một “Cái răng cái tóc là góc con người” thì cần chăm sóc mỗi ngày. Việc làm này là để nuôi dưỡng, bảo vệ hàm răng, mái tóc của mình không bị tổn hại bởi các vấn đề môi trường tác động. Chỉ có chăm sóc nó cẩn thận, bạn mới có thể đổi lại một “góc” con người hoàn mĩ.
Liên hệ thơ, ca nói về vẻ đẹp của răng và tóc
Trong kho tàng thơ ca Việt Nam, các câu ca dao, tục ngữ, thơ ca nói về vẻ đẹp của con người, đặc biệt người phụ nữ qua hàm răng, mái tóc rất nhiều. Dưới đây, chúng tôi gợi ý một vài câu nổi tiếng:

- Ngó lên đầu tóc em tròn
Hàm răng em trắng, miệng cười giòn, anh mê.
- Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua.
- Mình về có nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười.
- Răng đen nhoẻn miệng em cười
Dầu trời đương nực cũng nguôi cơn nồng.
- Tóc đến lưng vừa chừng em búi
Để chi dài bối rối dạ anh.
- Tóc em dài em cài bông thiên lý
Miệng em cười anh để ý anh thương.
- Hỡi người tóc tốt xanh non
Lưng ong thắt đáy như con tò vò.
Tóc xanh tươi tốt rậm rà
Răng đen nhánh nhánh tưởng là hạt na.
Kết luận
Như vậy, câu tục ngữ “Cái răng cái tóc là góc con người” mang những ý nghĩa vô cùng tốt đẹp mà ông cha ta muốn truyền lại. Việc chăm sóc vẻ bề ngoài bản thân luôn luôn quan trọng đối với mỗi người. Hãy dành thời gian để yêu thương mình vì không ai có thể chăm sóc cho bạn nếu như bạn không tự yêu lấy mình trước.