Trong tháng ngày thơ ấu, Tấm Cám có lẽ là câu chuyện cổ tích đã đi sâu vào tâm trí của biết bao thế hệ trẻ em Việt Nam qua giọng kể nhẹ nhàng, trìu mến của những người mẹ, người bà.
Khi mới bắt đầu, câu chuyện hiện lên với cảm xúc giản đơn đời thường, khiến độc giả biết thương cảm những người yếu thế, biết trân trọng giá trị lao động của chính mình. Càng đi sâu vào tác phẩm, quá trình theo đuổi hạnh phúc của nàng Tấm cũng ngày càng được khắc họa rõ nét.
Tuy nhiên, bản thân tác phẩm Tấm Cám không đơn giản là sự mâu thuẫn, xung đột giữa Tấm và mẹ con Cám mà ở một góc độ sâu xa hơn, nó còn là bức tranh đối lập giữa cái Thiện và cái Ác, giữa ánh sáng và đêm đen của lòng người.
Vài nét về thể loại truyện cổ tích thần kỳ
Truyện cổ tích thần kì là một loại hình tự sự dân gian, ra đời khi xã hội bắt đầu phân chia giai cấp, chuyển mình từ chế độ mẫu hệ trước đó sang chế độ phụ hệ, nơi vai trò của người đàn ông được đề cao, trọng dụng.
Trong cái xã hội ấy, nơi đâu cũng tồn tại những mâu thuẫn sâu sắc giữa giai cấp thống trị và bị trị, giữa những người bị áp bức và những người lộng quyền, chỉ biết hưởng thụ sự giàu sang.
Ra đời trong hoàn cảnh như vậy nên truyện cổ tích thần kì được xem như thứ thuốc tinh thần hữu dụng mà những con người ở dưới đáy xã hội tự tay bào chế để cứu rỗi chính mình.
“Truyện cổ tích luôn chiếu rọi ánh sáng vào một thế giới khác.” – Macxim Gorky
Loại hình tự sự này được viết nên để gửi gắm ước mơ, khát vọng, lý tưởng và niềm tin của tầng lớp nhân dân về một xã hội công bằng, một xã hội mà con người được tôn trọng, không bị gò bó, ép buộc cái tôi của bản thân.
Yếu tố kì ảo tham gia trong tiến trình phát triển cốt truyện như một phần không thể thiếu, chính yếu tố này là đặc trưng căn bản và quan trọng nhất để nhận diện thể loại truyện cổ tích thần kì.
Những ước mơ, khao khát cháy bỏng của nhân dân lao động về hạnh phúc gia đình, về lẽ công bằng xã hội và niềm tin vào phẩm chất, năng lực tuyệt vời của con người đều được gói ghém kĩ lưỡng đằng sau chi tiết kì ảo xuất hiện trong truyện.
Chính vì những khát khao, mong ước quá đỗi mãnh liệt ấy mà kết thúc của loại hình tự sự này là chiến thắng tất yếu nghiêng về cái Thiện, cái Ác sẽ phải chịu trừng phạt thích đáng cho hành động xấu xa mà bản thân đã gây nên.
Qua thể loại cổ tích thần kì, những bài học nhân sinh sâu sắc, mới mẻ cũng được tác giả văn học dân gian cài cắm khéo léo qua từng chi tiết, hành động và tiến trình phát triển của câu chuyện.
Tấm Cám là tác phẩm tiêu biểu của thể loại truyện cổ tích thần kì
Tấm Cám là tác phẩm tiêu biểu cho thể loại truyện cổ tích thần kì. Truyện phản ánh chân thực và sâu sắc một xã hội thu nhỏ mà ở đó luôn diễn ra những cuộc xung đột mạnh mẽ giữa hai phe Thiện – Ác.
Xuyên suốt tác phẩm, sự mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám phát triển theo chiều hướng tăng dần, từ phạm vi gia đình tới phạm vi xã hội. Trong đó, Tấm là biểu tượng cho cái Thiện còn mẹ con Cám là gương mặt đại diện cho cái Ác.
Xung đột và mâu thuẫn giữa phe phái đối lập, giữa người với người là điều làm nên sự sống của thể loại truyện cổ tích. Nếu không tồn tại những điều này, loại hình tự sự dân gian mang yếu tố thần kì sẽ không bao giờ xuất hiện.
Tấm Cám được mở đầu là một không gian phiếm định “ngày xửa ngày xưa”, kết hợp cùng những yếu tố thần kì đã tạo nên không gian mờ mờ ảo ảo, dẫn dụ người đọc thâm nhập vào thế giới cổ tích huyền bí.
“Khi chuyện cổ tích mở đầu bằng “ngày xửa ngày xưa” thì chính là đã chuẩn bị cho người nghe một tâm thế phù hợp để bước vào những điều vô lý đầy sức hấp dẫn ấy.” – Chu Xuân Diên
Trải qua những xung đột gay gắt, những mâu thuẫn nặng nề, kết thúc tác phẩm là chiến thằng tất yếu thuộc về nàng Tấm và sự thất bại ê chề, phải chịu trừng phạt thích đáng của mẹ con nhà Cám.
Những bài học nhân sinh cao cả, ước mơ và khát vọng về một thế giới công bằng, bác ái cũng được tác giả gửi gắm một cách tinh tế qua từng chi tiết xuất hiện trong tác phẩm.
Tấm Cám hiện lên như bức họa đầy mâu thuẫn giữa cái Thiện và cái Ác
Thiện và Ác được biết đến như trận chiến muôn thuở của loài người. Đó là cuộc đối đầu kinh điển và không bao giờ ngừng lại, bất kể trong khoảng không gian hay thời gian nào.
Trong truyện cổ tích Tấm Cám, mối liên hệ chặt chẽ nhưng mang tính tương phản, đối lập giữa Thiện và Ác lại được khắc họa một cách rõ nét, chân thực hơn bao giờ hết.
Sự tiến hóa của cái Ác
Cái Ác hiện lên trong tác phẩm thông qua hai nhân vật phản diện là mụ dì ghẻ và Cám, cô em cùng cha khác mẹ với Tấm. Khi hai chị em cùng đi bắt tôm, tép ngoài đồng, Tấm đã cố gắng bắt đầy giỏ để “được thưởng cho một cái yếm đỏ”.
Tuy nhiên, Cám lại lừa Tấm xuống sông tắm rửa cho sạch sẽ và nhân lúc ấy, nàng trút hết tất cả tôm tép sang giỏ mình để cướp chiếc yếm đỏ, món quà được xem như ước mơ của bao cô gái trẻ thời bấy giờ.
Hành động đó của Cám không dừng ở việc gian lận, cướp đi sức lao động của một con người làm việc chân chính mà xét ở khía cạnh sâu xa hơn, nó được coi như việc cướp đoạt tráo trợn giá trị vật chất và tinh thần, khiến Tấm dần đánh mất niềm tin vào cuộc sống.
Tiếp đó, hành động độc ác mà mẹ con Cám tự mình ra tay là giết chết con cá bống còn sót lại trong giỏ, được nàng Tấm đem về chăm sóc, nuôi nấng trong một cái giếng nhỏ trong nhà.
Cá bống có thể coi là người bạn tâm giao, là sự an ủi và niềm hi vọng nhỏ nhoi cuối cùng mà cuộc đời dành cho Tấm. Chỉ khi ở cạnh nó, nàng mới được trút bầu tâm sự, thoải mái bộc lộ những cảm xúc phiền muộn, âu lo hằng ngày.
Thế nhưng mẹ con nhà Cám lại không muốn nhìn thấy hình ảnh nàng Tấm được hạnh phúc, được thoải mái với cái tôi của mình. Họ sẵn sàng ra tay nghiền nát tia hy vọng nhỏ nhoi cuối cùng ấy trong một lần dụ dỗ:
“Mai con đi chăn trâu, phải chăn đồng xa, chớ chăn đồng nhà, làng bắt mất trâu.”
Cái Ác lúc này đã phát triển lên một mức độ khác, đó là phá hủy, đục khoét dần dần từng bức tường tâm lí bên trong, tiêu diệt từ từ những chỗ dựa tinh thần và vật chất của nàng Tấm.
Không những thế, sự mâu thuẫn, xung đột giữa cái Thiện và cái Ác lại càng được đẩy lên cao trào khi mẹ con Cám trộn thóc vào với gạo, bắt Tấm phân chia ra từng loại để ngăn nàng không được đi trẩy hội.
Hành động này của mẹ con Cám thể hiện rõ cảm giác hả hê của một người xấu được tiếp tục làm việc xấu và tận mắt chứng kiến sự suy sụp, đau đớn của người thiện lành.
Nàng Tấm bây giờ như một một con chim đang chết dần chết mòn, từng ngày bị dồn ép đến ngạt thở trong cái lồng sắt tinh thần được làm nên từ những hành động chèn ép, hạnh họe của mẹ con nhà Cám.
Cái Ác bây giờ được nâng lên một nấc thang mới, từ tước đoạt giá trị vật chất, sức lao động tới hủy hoại giá trị tinh thần, cuối cùng là xâm phạm quyền tự do, quyền được thỏa mãn những nhu cầu căn bản của một con người.
Có thể thấy, cái Ác ngày một phát triển theo chiều hướng tăng dần. Xung đột giữa ánh sáng và đêm đen trong lòng người cũng ngày thêm sâu sắc, vượt thoát ra khỏi phạm vi gia đình mà chạm tới phạm vi rộng lớn của xã hội.
Những mâu thuẫn đó được thể hiện rõ nét qua việc mẹ con Cám dám tự mình ra tay cướp đi tính mạng và ngôi vị, sẵn sàng tiêu diệt đi những lần hóa thân hồi sinh liên tiếp của nàng Tấm.
Khi Tấm từ hoàng cung trở về nhà sửa soạn cỗ cúng cha, mẹ con Cám vì ghen ghét mà lừa nàng trèo cây cau để giết hại, đưa Cám vào cung để thay thế ngôi vị hoàng hậu của chị mình.
Cướp đoạt hạnh phúc duy nhất mà nàng Tấm có được, mẹ con Cám ngày càng ra tay ác độc hơn khi tự mình sát hại những lần hồi sinh tiếp theo của Tấm. Việc làm đó là nhằm ngăn chặn sự xuất hiện của cái Thiện sau khi đã bị loại trừ.
Nàng Tấm hóa thân thành chim vàng anh, chim bị làm thịt. Nàng hóa thành cây xoan đào, cây bị chặt, Tấm tiếp tục hóa thân thành khung cửi, khung lại bị đốt. Bao nhiêu lần nàng Tấm hồi sinh là bấy nhiêu lần nàng bị cái Ác ra tay sát hại không thương tiếc.
Cái Ác đã phát triển và gần như nắm hết quyền chủ động trong tay. Nó dồn ép cái Thiện tới tận bước đường cùng, khiến cho nàng Tấm không thể làm gì để tự cứu lấy bản thân ngoài việc ẩn nấp trong quả thị vàng.
Thậm chí, khi đã dồn đến bước cuối cùng, cái Ác cũng không cho cái Thiện cơ hội nào để phản kháng mà nó muốn tiêu diệt tận gốc, truy sát đến cùng những hạt mầm mới chớm nở, những ngọn lửa âm ỉ bên trong đám tro tàn.
Cái Ác đã thật sự thống trị toàn bộ thế giới truyện, bao trùm lên không gian một màu âm u, đen tối. Lúc này, sự mâu thuẫn giữa cái Ác và cái Thiện trở thành cuộc chiến “một mất một còn”.
Sự trỗi dậy của cái Thiện
Trái ngược với sự sinh sôi và phát triển mạnh mẽ của cái Ác, cái Thiện xuất hiện từ đầu tác phẩm dường như bị lép vế, thường lâm vào những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo.
Mỗi lần cái Ác “xuất đầu lộ diện”, cái Thiện chỉ yếu ớt chịu đựng, chưa từng một lần phản kháng và luôn phải tìm đến sự trợ giúp của yếu tố bên ngoài, yếu tố kì ảo – ông Bụt.
Khi Tấm gặp chuyện, bị mẹ con nhà Cám lừa dối thì nàng chỉ biết cam chịu, ngồi một mình khóc lóc. Tiếng khóc ấy của Tấm là giọt nước mắt chảy ra từ sự yếu đuối, từ việc không dám đứng lên đấu tranh, đòi lại những thứ vốn thuộc về bản thân mình.
Mỗi lần Bụt xuất hiện và giúp nàng giải quyết khó khăn thì ngay sau đó, cái Ác lại tiếp tục ra tay một cách điên cuồng, mạnh mẽ. Đỉnh điểm là khi Tấm phải trả giá cho sự yếu đuối bằng tính mạng và ngôi vị hoàng hậu, hạnh phúc duy nhất của nàng.
Có lẽ, chỉ khi Tấm ý thức bản thân đã mất đi những điều quý giá dưới tay mẹ con Cám thì nàng mới nhận ra sự uy hiếp nặng nề của cái Ác và tự mình “cựa quậy”, tìm ra con đường đối đầu trực diện với chúng.
Sự trỗi dậy mạnh mẽ của cái Thiện được bộc lộ rõ nét qua những lần hồi sinh liên tiếp khi Tấm bị giết hại, vòng tuần hoàn ấy chỉ kết thúc khi nàng Tấm hóa thành quả thị và được một bà lão đem về.
Giờ đây, nàng sẵn sàng trút bỏ lớp vỏ yếu ớt đã bao bọc lấy mình để lột xác thành một con người mới. Những lần bị mẹ con Cám giết hại cùng khoảng thời gian khó khăn trước đó khiến nàng Tấm trở thành chiến binh với ý chí kiên cường.
Nàng Tấm bây giờ sở hữu khả năng tự bảo vệ chính mình, có thể dành lại hạnh phúc và quyền lợi cho bản thân mà không cần đến trợ giúp từ bên ngoài hay bất kì yếu tố kì ảo nào.
Hình ảnh một cô Tấm hiền lành nhưng lại nói ra những lời đanh đá “Giặt áo chồng tao, phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao”, thậm chí hăm dọa Cám “Lấy tranh chồng chị/Chị khoét mắt ra” xuất hiện trong tác phẩm như minh chứng cho sự trưởng thành của Tấm.
Hơn thế, quá trình lột xác và phát triển của nàng Tấm cũng được thể hiện rõ ràng qua cách xưng hô, đối thoại hằng ngày giữa nàng và Cám. Ban đầu là xưng hô chị – em, sau đó tới mày – tao và cuối cùng trở thành chị – mày.
Sự thay đổi trong cách xưng hô cũng là sự thay đổi trong thái độ đối xử của Tấm với mẹ con dì ghẻ. Nàng từ nhún nhường đến ngang hàng, bỏ qua quy củ lễ giáo thông thường và cuối cùng trở nên hơn hẳn, xem mình như một bậc bề trên.
Sự nhận thức và thay đổi về suy nghĩ, hành động của Tấm đã giúp nàng tự mình tìm kiếm lối ra, thoát khỏi cái kén tối tăm để hóa thành chú bướm xinh đẹp, tỏa sáng rực rỡ dưới ánh mặt trời chân lí chói lòa.
Theo lẽ thường tình, sự trỗi dậy ở cái Thiện chính là sự suy tàn của cái Ác. Ánh sáng và đêm đen của lòng người là hai yếu tố tác động qua lại nhưng lại mang tính chất hoàn toàn trái ngược nhau.
Khi cái Ác ngự trị, cái Thiện chỉ là những “con dân” thấp kém nhưng khi cái Thiện bắt đầu bước vào quá trình lột xác để trưởng thành, lớp mặt nạ hào nhoáng bên ngoài của cái Ác cũng bị bào mòn theo năm tháng.
Tấm Cám và một cái kết gây nhiều tranh cãi
Tấm Cám thuộc thể loại truyện cổ tích thần kì nhưng phần kết của truyện lại khác hẳn nếu so với nhiều tác phẩm cùng thể loại như Cinderella của Pháp, Tây An của Trung Quốc.
Việc Tấm dội nước sôi vào Cám và người dì ghẻ khi biết tin thì lăn ra chết khi nghe thoáng qua có phần man rợ. Nhiều thế hệ bạn đọc thắc mắc cái Thiện thực sự sao lại làm ra những hành động tàn ác, có phần không chính đáng như vậy.
“Điều này đã gây nên sự tranh luận trong việc đánh giá phẩm chất của cô gái nông dân hiền lành, đức độ, nhưng bị vùi dập, chà đạp đến cùng cực.” – Tập thể tác giả Lê Chí Quế, Võ Quang Nhơn, Nguyễn Hùng Vĩ
Xét theo tinh thần của tác phẩm, có thể nói việc Tấm trừng trị mẹ con Cám không được xem là một hành động độc ác bởi nó thể hiện cho sự trỗi dậy và quá trình trưởng thành của cái Thiện.
Cám và mụ dì ghẻ là những con người ác độc, ra tay chèn ép Tấm đến bước đường cùng mà không chút mảy may do dự. Họ sẵn sàng cướp đi những hạnh phúc nhỏ nhoi, thậm chí là cả tính mạng của nàng.
Chính vì vậy, hình thức trừng phạt tàn nhẫn mà Tấm dành cho Cám chỉ là “gieo nhân nào gặt quả nấy”, đây là hệ quả tương ứng cho lòng tham và sự độc địa mà nàng Tấm đã phải hứng chịu.
“Sự báo thù của Tấm là một biểu trưng, nó mang ý nghĩa cảnh tỉnh cái ác.” – Nguyễn Quang Lập
Điều khiến cho phần kết của Tấm Cám trở nên thật đặc biệt chính là cái Thiện đã tự mình ra tay trừng phạt cái Ác chứ không phải trời, đất hay bất kì tác nhân bên ngoài nào.
Trong Thạch Sanh, mẹ con nhà Lí Thông hứng chịu sự trừng phạt của đất trời khi đi giữa đường bị sét đánh. Ở Sọ Dừa, hai cô chị độc ác cũng không phải chịu sự trừng phạt mà tự mình xấu hổ, bỏ đi biệt xứ.
Tuy nhiên, đối với Tấm Cám thì sự trừng phạt lại bắt nguồn từ nàng Tấm. Nếu xét ở góc nhìn rộng hơn, cái Ác phải tự mình hứng chịu những hình phạt do chính cái Thiện đứng đầu.
Tác giả văn học dân gian đã tạo nên sự khác biệt, để cái Thiện tự mình trừng trị cái Ác bởi thông điệp tác giả muốn gửi gắm trong tác phẩm chính là hạnh phúc phải tự mình tìm kiếm, dành lấy.
Cuộc chiến Thiện – Ác chính là cuộc chiến “một mất một còn” muôn thuở của loài người. Chỉ khi cái Thiện tự mình diệt trừ cái Ác, hủy đi mầm mống cái Ác thì cái Thiện mới có thể tồn tại một cách lâu dài.
Nếu cái Thiện không tự mình ra tay thì cái Ác sẽ luôn tìm cơ hội để len lỏi và từ đó phát triển, tận dụng cơ hội để cướp lại quyền nắm bắt cuộc sống về tay mình.
Những yếu tố kì ảo trong Tấm Cám
Yếu tố thần kì xuất hiện ở Tấm Cám qua những lần Bụt ra tay giúp đỡ Tấm vượt qua tình huống khó khăn và bốn lần hồi sinh liên tiếp của nàng.
Ông Bụt trong Tấm Cám là hiện thân của Phật Tổ, tên “Bụt” được bắt nguồn từ chữ “Buddha” trong tiếng Phạn. Ông hiện lên với vai trò là người cứu rỗi tâm hồn nàng Tấm, giúp đỡ nàng gặp mỗi khi gặp chuyện khó khăn.
Khi nàng Tấm còn yếu ớt và bị Cám dành mất chiếc yếm đỏ, chính Bụt đã đưa cho nàng một con cá bống về làm bạn. Đến ngày dạ hội diễn ra, Tấm cũng được ông Bụt giúp đỡ chia “thóc ra thóc, gạo ra gạo” và có bộ quần áo đẹp để đi chơi.
Tuy nhiên, càng về sau tác phẩm, hình tượng Bụt lại càng ít xuất hiện. Đặc biệt, trong lúc Tấm bị mẹ con Cám giết hại, tranh giành ngôi vị, Bụt biến mất, không còn bất kì tác động nào đến cuộc đời nàng Tấm và cả câu chuyện.
Hình ảnh ông Bụt xuất hiện thoáng qua trong tác phẩm bởi lẽ tác giả văn học dân gian muốn truyền tải rằng mọi sự giúp đỡ trên cuộc đời là tạm bợ, chỉ bản thân mỗi người mới có thể đưa ra quyết định cho cuộc sống sau này.
Yếu tố kì ảo rồi cũng chỉ là yếu tố nhỏ bé bên ngoài tác động đến cuộc đời Tấm. Khi nàng đã có đủ sức mạnh, có thể tự mình giành lại hạnh phúc bản thân thì lúc ấy, Bụt không còn xuất hiện thêm nữa.
Đến giai đoạn sau, khi nàng Tấm lột xác và trưởng thành, yếu tố kì ảo xuất hiện trong truyện là những lần hóa thân của Tấm. Hình ảnh một cô Tấm cứng cỏi hơn, đanh đá hơn, có kế hoạch đối phó với mẹ con Cám dần được thể hiện rõ nét.
Trong cuộc chiến giữa Thiện và Ác, khi cái Thiện tưởng chừng đã lụi tàn thì ở đâu đó sẽ có những phép màu chờ đợi để phục hồi, để giúp đỡ cái Thiện đứng lên và giành thế chủ động.
Cái Thiện sẽ luôn có yếu tố bên ngoài hỗ trợ, nó không lẻ loi một mình mà luôn được trang bị những điều kiện tốt nhất để đối đầu trực diện với cái Ác.
Những bài học nhân sinh rút ra từ Tấm Cám
Qua nhiều chi tiết và hình tượng nhân vật được xây dựng trong Tấm Cám, khát khao về lẽ công bằng, những bài học nhân sinh sâu sắc được tác giả văn học dân gian đan cài một cách tài tình.
Thông điệp đầu tiên trong Tấm Cám mà mỗi thế hệ bạn đọc không bao giờ quên là bài học về đức tính tốt đẹp của con người. Người lương thiện sẽ có phần thưởng tốt đẹp, người ác độc thì phải nhận sự trừng phạt thích đáng cho hành vi của mình.
Hơn thế, bài học về việc kiếm tìm hạnh phúc cũng hiện lên một cách rõ ràng qua Tấm Cám. Tác giả muốn gửi gắm rằng hạnh phúc không bao giờ có sẵn, nó là thành quả cho quá trình đấu tranh lâu dài của mỗi người.
Con người sống trên đời không nên quá yếu đuối, phụ thuộc nhiều vào yếu tố trợ giúp bên ngoài mà phải biết đứng lên đấu tranh giành lại hạnh phúc, giành lại những gì vốn thuộc về mình.
Đặc biệt, trong cuộc chiến giữa Thiện và Ác, có thể lúc đầu cái Thiện lép vế nhưng càng về sau, cái Thiện sẽ trỗi dậy, lột xác và dành lại chiến thắng về mình.
Bạch Dương
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất