“Con có cha như nhà có nóc” là lời khẳng định chắc nịch về vài trò của người cha trong việc giao dục và nuôi dạy con cái. Vì sao người xưa lại ví như vậy? Và người cha có vai trò như thế nào trong việc nuôi dạy và trưởng thành của một đứa trẻ? Hãy cùng bài viết dưới đây phân tích, tìm hiểu.

Giải thích câu tục ngữ “Con có cha như nhà có nóc”
Nhiều người vẫn hiểu rõ vì sao người xưa lại ví “Con có cha như nhà có nóc“. Ở đây hãy cùng phân tích câu tục ngữ này để hiểu rõ vì sao cha ông ta lại so sánh như vậy.

Vì sao so sánh “Con có cha như nhà có nóc”?
Tại sao lại dùng hình ảnh nóc nhà để nói về người cha. “Nóc nhà” là phần cao nhất của ngôi nhà, phía trên của mái. Trước đây, người Việt Nam với hình ảnh nhà mái ngói thì nóc chính là nơi cao nhất, tiếp xúc nhiều nhất với thiên nhiên. Nóc nhà liên kết hai bên mái lại với nhau để tránh nắng mưa cho bên trong ngôi nhà.
Hình ảnh so sánh “Con có cha như nhà có nóc” chính là ví người cha là nơi “cao” nhất trong nhà, liên kết và là người che chở cho cả gia đình. Cũng giống như “nóc” cha sẽ chịu nhiều nắng mưa, vất vả hơn vì gia đình. Nhờ có cha mà mẹ và các con sẽ yên tâm dù cuộc sống ngoài kia có vất vả, gian khổ như thế nào. Đây là cách so sánh đầy sự khéo léo và tinh tế mang đậm bản sắc văn hóa người Việt xưa.
Ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ
Từ việc so sánh như trên, câu tục ngữ là lời khẳng định về vai trò, trách nhiệm và vị trí của người cha trong gia đình. Làm cha cũng như “nóc nhà” vừa là người kết nối cả gia đình, vừa sẽ là người chịu trách nhiệm bảo vệ cho cả gia đình. Nếu như mẹ là người mang nặng đẻ đau con thì cha – từ xưa đến nay là người lo nhiều về kinh tế, định hướng và giáo dục con cái một cách đặc biệt hơn. Việc “con có cha” là điều đầy ý nghĩa, tạo cảm giác cho con cái được che chở và bao bọc trong cuộc sống thường ngày.
Câu tục ngữ cũng là lời nhắc nhở con cái luôn hiếu thảo với cha của mình. Sự trưởng thành và khôn lớn của các con không bao giờ thiếu vắng bàn tay của người cha. Để có thể khôn lớn và thành đạt thì sự dạy dỗ, chăm lo của cha dành cho con không thể kể hết. Vì thế, việc hiếu thuận, yêu thương, tôn trọng cha của mình là điều dễ hiểu. Tình nghĩa “phụ tử” khó có thể đong đếm hay so sánh với bất kỳ tình cảm nào khác.
Vai trò của người cha trong hành trình nuôi dạy con cái
Nếu như mẹ là ơn nghĩa “mang nặng đẻ đau” và sự chăm lo bữa ăn, giấc ngủ thường ngày cho con thì sự hi sinh của cha trong việc nuôi dạy con cái cũng không hề kém mẹ. Đồng hành cùng công lao của mẹ, cha cũng cùng con khôn lớn, trưởng thành theo một cách “riêng”.

- Cha là trụ cột và kinh tế của gia đình. Người đàn ông luôn được coi là phái mạnh và là người lo lắng về kinh tế của gia đình. Quan điểm “tiền tuyến” dành cho người làm cha, làm chồng từ bao đời nay vẫn luôn có để tạo nên một gia đình hoàn thuận, ấm no. Khác với mẹ, cha có thể không ở bên con cả ngày để chăm lo từ việc nhỏ nhất nhưng lại là người “ra trận” để ổn định về mặt kinh tế của gia đình. Cha sẽ mang về những gì tốt đẹp nhất cho con cái của mình. Nhờ đó, mà mẹ con ở nhà sẽ luôn cảm thấy an tâm vì có một “trụ cột” vững chắc.
- Định hướng sự phát triển cho con cái. Mỗi sự phát triển và “bước đi” của con cái luôn có sự đồng hành và định hướng của cha. Với những kinh nghiệm cuộc sống và sự “trải đời”, lời khuyên của cha trong quá trình khôn lớn sẽ giúp các con đi đúng hướng, làm đúng việc mà mình cần làm. Sự nghiêm khắc trong việc dạy bảo và định hướng của cha cũng là kim chỉ nam để các con không sợ làm đường lạc lối dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Và hơn hết, là người từng trải, cha sẽ biết được mỗi giai đoạn của sự trưởng thành con cần lời khuyên, lời dạy như thế nào là tốt nhất. Điều này cùng với sự chăm sóc ân cần của mẹ là hành trang tốt nhất cho các con.
- Sự cổ vũ về tinh thần cho con cái. Vì sao cha lại là sự cổ vũ tinh thần tốt nhất của con cái? Ở mẹ có sự “mềm mại” thì ở cha lại có một tinh thần “cứng rắn, không chịu khuất phục của người đàn ông”. Là “nóc nhà” nên cha luôn vững chãi để cho con cái tựa vào khi cần. Chỉ cần có sự công nhận và tin tưởng của cha thì chắc chắn mọi khó khăn trong cuộc sống đều có thể vượt qua.
Có thể thấy rằng, hình ảnh của “cha” luôn xuất hiện và ảnh hưởng rất lớn đến sự trưởng thành của con cái. Vì thế nói “con có cha như nhà có nóc” quả thực không sai.
Liên hệ các câu tục ngữ, ca dao về cha – con
Ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam về tình cảm phụ tử nhiều vô kể. Dưới đây là những câu thơ, vần ca ca ngợi về tình cảm này:

- Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha.
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
- Còn cha gót đỏ như son.
Đến khi cha chết gót con đen sì.
- Con không cha như nòng nọc mất đuôi.
- Khi con tát cạn biển Đông
Thì con mới hiểu tấm lòng của cha.
- Cha là bóng mát giữa trời
Cha là điểm tựa bên đời của con.
- Công cha như núi ngất trời
- Cha ơi bóng cả cây cao
Che chở con những lao đao cuộc đời.
Kết luận
Câu tục ngữ “Con có cha như nhà có nóc” có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc giáo dục con cái về công ơn của cha. Nhờ câu tục ngữ này mà mỗi người con sẽ hiểu hơn về sự hi sinh của cha dành cho gia đình và con cái. Từ đó, với vai trò là một người con, chúng ta cần biết ơn, hiếu thuận với cha, với mẹ của mình để báo đáp đúng chữ “hiếu”.