Bùi Xuân Phái là một họa sĩ tiêu biểu trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, ông được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ nhờ loạt tranh vô giá về Hà Nội mang tên “Phố Phái”.
Sinh thời, ông sống trong thời kỳ đất nước bị thực dân Pháp chiếm đóng. Trong hoàn cảnh loạn lạc ấy, Bùi Xuân Phái vì phải chứng kiến tận mắt cảnh đất nước lầm than nên ông càng thương xót và luôn dành tình yêu to lớn cho quê hương, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.
Tình yêu thiêng liêng đó đã được ông họa vào những tác phẩm của chính mình như một người nắm giữ chìa khóa thời gian, cứ vậy miệt mài giữ lại từng giá trị xưa của vùng đất Thủ đô cổ kính.
Hành trình hiện thực hóa đam mê nghệ thuật của họa sĩ Bùi Xuân Phái
Bùi Xuân Phái sinh vào năm 1920 tại làng Kim Hoàng, tỉnh Hà Đông. Đây là ngôi làng cổ nổi tiếng với nghề khắc gỗ dân gian, có lẽ vì vậy nên ông được tiếp xúc với nghệ thuật từ bé và luôn nuôi dưỡng trong mình tình yêu hội họa mãnh liệt đến tận những năm tháng trưởng thành.
Gia đình họa sĩ thuộc tầng lớp tư sản trung lưu của Việt Nam xưa, ban đầu ông cùng bố mẹ sinh sống trong một căn nhà thuộc phố Hàng Thiếc nhưng sau đó chuyển về địa chỉ số 87 Hàng Bút, nay được gọi là phố Thuốc Bắc nổi tiếng với những hiệu thuốc Đông Y sầm uất nhất Thủ đô.
Vì từ nhỏ đã hiếm khi nào lưu lại một nơi quá lâu mà thường cùng bố mẹ phiêu bạt khắp các ngõ xóm, 36 phố phường Hà Nội từ lúc nào đã được Bùi Xuân Phái quen thuộc như lòng bàn tay.
Cũng nhờ lý do đó mà trong thâm tâm, vị họa sĩ này luôn coi phố cổ là nhà cũng như một phần không thể thiếu của bản thân. Gắn bó với vùng đất Thủ đô từ thuở thơ ấu và nắm rõ từng ngõ ngách nên đối với ông, Hà Nội là một điều gì đó rất thiêng liêng khó thay thế.
Thời niên thiếu, Bùi Xuân Phái theo học văn hóa tại trường Trí Tri thuộc phố Hàng Quạt, tuổi đời khi ấy tuy còn rất nhỏ nhưng ông đã nhanh chóng bộc lộ tài năng hội họa xuất chúng và niềm yêu thích đặc biệt với môn Văn.
Người ta thường nói Văn học là hiện thân của một nền văn hóa mà văn hóa đưa vào giáo dục chính là góp phần tạo nên cốt cách của một con người. Những nét đặc biệt ấy rất khó để tìm ra trong giới họa sĩ, đặc biệt là những người vừa thấu cảm được những rung động của nghệ thuật đích thực vừa hiểu rõ cội nguồn gốc rễ của dân tộc như Bùi Xuân Phái.
Khi thời học trò kết thúc, ông tiếp tục theo đuổi đam mê làm nghệ thuật cháy bỏng khi quyết định ghi danh vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ngôi trường danh tiếng về giảng dạy mỹ thuật được thành lập từ thời Pháp thuộc.
Học viên của trường do đích thân danh họa Victor Tardieu, người đồng thời là hiệu trưởng đương nhiệm cùng các giáo sư có tiếng trong giới hội họa Pháp giảng dạy. Họ đã đào tạo ra không chỉ Bùi Xuân Phái mà còn những cái tên khác như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm và Dương Bích Liên.
Đều là những tên tuổi lớn trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam nhưng con đường sự nghiệp của họa sĩ Bùi Xuân Phái lại có phần lặng lẽ và âm trầm hơn những bạn học đồng trang lứa. Ông luôn trung thành với lý tưởng ban đầu của bản thân, dành cả cuộc đời thực hiện sứ mệnh gửi gắm tình yêu Hà Nội vào từng bức họa.
Tiếc thay cho một nhân tài lại trải qua cả đời người trong hoàn cảnh đất nước loạn lạc, đôi khi ông nghèo đến độ không đủ tiền để mua những vật liệu cần thiết. Tuy nhiên, một họa sĩ với niềm yêu nghề mãnh liệt thì ít khi lùi bước, Bùi Xuân Phái luôn tìm cách để đặt bút vẽ dù thực tại có khắc nghiệt như thế nào đi chăng nữa.
Ông vẽ trên vỏ bao bì thuốc lá, trên giấy báo và thậm chí từng có một khoảng thời gian, người họa sĩ ấy nhận công việc vẽ tranh cho một quán cà phê để thỏa mãn khát khao cầm cọ.
Đối với ông, chỉ khi một người nghệ sĩ gạt bỏ được những toan tính về giá trị vật chất đời thường, giữ lại trong mình phần linh hồn thuần khiết nhất thuở ban đầu rồi đem sự mộc mạc ấy gửi gắm vào từng sản phẩm làm ra thì đó mới thật sự là người làm nghệ thuật chân chính.
Từ năm 1957 trở đi, hoạt động nghệ thuật của Bùi Xuân Phái dần bị hạn chế do ông đã tham gia phong trào Nhân văn – Giai phẩm, một hoạt động nhằm đòi quyền tự do thể hiện tư tưởng chính trị của giới nghệ sĩ miền Bắc thời Việt Nam Cộng hòa.
Không còn thu nhập, ông phải nhận vẽ tranh minh họa và tranh vui cho các đầu báo, Bùi Xuân Phái lấy một số bút hiệu khác nhau như PiHa, ViVu hoặc Ly để trang trải kiếm sống qua ngày.
Năm tháng thanh xuân của vị họa sĩ nghèo cứ thế chật vật trôi qua, mãi đến gần ba mươi năm sau Bùi Xuân Phái mới có được cho riêng mình một buổi triển lãm chính thức, đầu tiên và cũng là duy nhất.
Sức lan tỏa của sự kiện này hoàn toàn nằm ngoài tưởng tượng khi 24 bức tranh trưng bày tại triển lãm đều được bán hết ngay trong ngày khai mạc, đồng thời họa sĩ còn nhận được sự ngưỡng mộ của đông đảo bạn bè trong giới.
Người mua tranh của ông đều là người Hà Nội hoặc những người dành tình yêu to lớn cho Thủ đô. Khi họ ngắm nhìn những bức tranh tái hiện lại chân thực quê hương làng xóm của mình, bất kỳ ai trót cảm mến vùng đất này cũng đều mang những cảm xúc khó gọi tên.
Không phải bỗng dưng mà tranh của Bùi Xuân Phái lại chiếm được nhiều tình cảm to lớn đến vậy, ông đã vẽ lại nơi mình sinh ra và lớn lên bằng cả trái tim và những rung động thuần khiết nhất.
Khi nhắc đến Hà Nội, ngoài những Hàng Trống, Hàng Khay và những con đường tràn ngập mùi hoa sữa mỗi độ thu về, người ta còn nhớ đến một vị họa sĩ già lặng lẽ ghi lại từng con phố cổ bằng trọn vẹn tôn kính và yêu thương.
“Bùi Xuân Phái như một mạch nước ngầm, ngày càng lan rộng và thẩm thấu chân thành đến tận cùng những tâm hồn xa lạ.” – Thái Bá Vân
Theo lời của nhiều nhà phê bình thì chỉ có tranh của Bùi Xuân Phái mới giúp người ta cảm nhận được một Hà Nội xưa nguyên thủy nhất, để rồi những tác phẩm này trở thành điều không thể thiếu trong linh hồn của Thủ đô và được người đời thân mật gọi bằng cái tên “Phố Phái”.
Thương hiệu “Phố Phái” ghi dấu ấn với phong cách vẽ về một Hà Nội man mác buồn
Là một họa sĩ đa tài, Bùi Xuân Phái đã vẽ tranh trên rất nhiều chất liệu khác nhau như vải, giấy, bảng gỗ cùng các phương tiện hội họa như sơn dầu, màu nước và chì than.
Ngoài ra chủ đề vẽ của ông cũng rất đa dạng với chèo, chân dung hay tĩnh vật, để rồi đọng lại đến cuối cùng vẫn là những bức vẽ về ngõ xóm quê hương mang đậm màu sắc hoài niệm từ nhiều thập niên cũ.
Tiêu biểu trong số đó là Phố Hàng Thiếc, bức họa này được Bùi Xuân Phái hoàn thành khi mới 32 tuổi và được xem là một trong những bức tranh về phố cổ Hà Nội có niên đại sớm nhất của ông.
Khi đó, mọi người thường bắt gặp một họa sĩ đi lang thang trên khắp phố phường với cây bút và quyển sổ nhỏ trong tay để tiện việc ghi chép. Không ai biết ông ghi lại những gì, có thể là những cảm nhận riêng tư khi dạo bước trên ngõ xưa cổ kính, có thể là niềm cảm hứng nghệ thuật bỗng gợi lên.
Ngoài vai trò là một người con đang vẽ lại quê hương, Bùi Xuân Phái còn là một nhà Hà Nội học rất am hiểu từng ngõ phố, con người và văn hóa lâu đời của Thủ đô từ những năm đầu của thế kỷ XX.
Có lẽ vì những hiểu biết đó nên tranh của ông đặc biệt hơn tất thảy những nghệ sĩ khác khi vẽ về Hà Nội, ông gửi vào từng nét họa của mình không chỉ hình hài của phố cổ mà còn gửi cả những kiến thức đã tìm hiểu được, những trải nghiệm được tích lũy qua hàng chục năm ròng.
Điểm đặc biệt trong phong cách vẽ của Bùi Xuân Phái chính là ông không sao chép hoàn toàn đời thực mà chỉ mô phỏng lại những chi tiết đặc biệt đã ghi dấu lại trong tâm trí. Bởi vì theo quan niệm của người nghệ sĩ ấy, việc miêu tả cặn kẽ sẽ làm mất đi những rung cảm nguyên sơ nhất của mỗi người trước một sự vật, sự việc.
Không những thế, để tạo nên một tuyệt phẩm hoàn hảo sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Vì vậy ông để dành điều đó lại cho nhiếp ảnh, nơi cảm xúc của nhiếp ảnh gia được thể hiện trên chính những khung hình chụp ra.
Khi người ta ngắm tranh của vị họa sĩ già ấy, cảm nhận đầu tiên thường là một tác phẩm vô cùng có chiều sâu với những đường viền dày đậm và nét cọ cứng rắn, hiển hiện chứ không chỉ dừng lại ở vài chi tiết đơn điệu.
Từng mái ngói cong cong đổ xuống bảng tên đường thân thuộc, chấm phá thêm một vài nét đặc trưng của Hà Nội xưa như sạp báo, hàng nước chè sáng sớm hay người đưa thư trên chiếc xe đạp cũ, tất cả đều gợi lên một hình ảnh rất thực, rất Việt Nam.
Tranh của Bùi Xuân Phái không sử dụng quá nhiều màu sắc tươi sáng mà thay vào đó là từng mảng màu trầm buồn như nâu sậm, xanh xám. Điều này đã mang lại cho người xem một cảm giác hoài niệm cùng sự nhung nhớ về một thời quá khứ đã xa.
Phải chăng người họa sĩ đã nhìn thấy trước những đổi thay của thời đại, khi những giá trị cũ của Thủ đô cứ theo dòng chảy đó mà biến mất nên ông đã tìm mọi cách để lưu giữ lại dòng thời gian ấy, một điều vô giá mà bao nhiêu tiền bạc bỏ ra cũng không cách nào mua lại được.
“Chúng ta thấy có cái cao, cái thấp, cái to, cái nhỏ, cái lùi vào, cái nhô ra. Người vẽ về mặt tạo hình và bố cục có rất nhiều thuận lợi. Về màu sắc nó mang nhiều màu thời gian. Có nhiều mảng tường tưởng như là bẩn, không phải đâu. Nó rất đẹp đối với những đối tượng biết nhìn thấy, biết khám phá những loang lổ, những dấu vết thời gian ấy thêm vào óc tưởng tượng của người nghệ sĩ sẽ tạo ra những cái đẹp bất ngờ.” – Bùi Xuân Phái
Dù bị ảnh hưởng không ít bởi Trường phái Paris khi còn theo học ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nhưng với tài năng đặc biệt và xúc cảm sâu sắc dành cho quê hương, tranh vẽ của Bùi Xuân Phái luôn mang một màu sắc rất riêng mà không hòa lẫn với bất kỳ nghệ sĩ nào khác.
Khi đặt bút vẽ, ông là một người con của Việt Nam và chính cái tình yêu Tổ quốc mãnh liệt ấy đã cảm hóa được không chỉ người Việt mà cả những người nước ngoài đam mê nghệ thuật, khiến họ vô thức quên đi những kỹ thuật tinh xảo của hội họa Tây Phương mà đắm chìm trong một Hà Nội cổ kính đã trải qua nghìn năm văn hiến.
Người đời thường bảo nhau rằng, để cảm nhận được rõ ràng và chính xác nhất cái đẹp của “Phố Phái” thì cần phải đứng từ chính căn phòng của ông ở phố Thuốc Bắc rồi phóng tầm mắt bao quát cả Hà Nội rộng lớn phía xa.
Chỉ khi đứng ở vị trí nơi người họa sĩ đã tạo nên những tuyệt tác thì mới hiểu thấu được thế giới quan đầy nhạy cảm của ông. Cũng vì Hà Nội trong mắt ông chính là thời bao cấp thiếu thốn từng miếng cơm manh áo, là ngã phố vắng bóng người qua lại và là mảng tường vôi vữa phủ kín rêu phong.
Tất cả những điều bình dị ấy khi được Bùi Xuân Phái thể hiện bằng con mắt nghệ thuật tinh tế của mình thì lại trở thành những tác phẩm vô giá, mang đậm dấu ấn thời gian.
Hà Nội mà không có mái ngói xám màu, thứ tưởng chừng liêu xiêu mà lại vô cùng vững chắc của người họa sĩ này thì chắc chắn không được coi là một Hà Nội đúng nghĩa. “Phố Phái” cứ như vậy trường tồn vĩnh cửu, gợi cho người thưởng tranh những ký ức bâng khuâng khó tả về một thời Thủ đô xưa.
Bùi Xuân Phái là người làm nên nghệ thuật chân chính
Đối với Bùi Xuân Phái mà nói, tranh vẽ chính là đứa con tinh thần của một họa sĩ nên đã vẽ thì phải thực sự dụng tâm. Có lẽ vì vậy nên ông luôn tuân theo những lề lối và quy tắc riêng của chính mình để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có sức lan tỏa rộng rãi.
Ông quan niệm Hà Nội của trong mắt mỗi người đều mang một dáng vẻ khác nhau, nếu không cảm nhận được cái cốt lõi của vẻ đẹp ấy thì đừng cố gắng thể hiện hay phán xét bất cứ điều gì.
“Tôi không còn nghĩ gì về nghệ thuật nữa thì tôi mới tự do được mà vẽ. Ðừng băn khoăn nhiều trong lúc vẽ. Ðừng đặt ra một tiêu chuẩn gì về cái đẹp. Cứ vẽ như người không biết vẽ cũng được chứ sao? Mà lại khó nữa nếu lại cố tình làm ra không biết vẽ! Chính cái hồn nhiên mới đem lại cái tươi mát trong tranh.” – Bùi Xuân Phái
Khi vẽ tranh, tuy không sao chép chính xác cảnh thực nhưng cái hay của Bùi Xuân Phái chính là từ một tổng thể ấy mà nhìn ra được những chi tiết đắt giá nhất rồi lột tả thành nét riêng của bản thân, tưởng chừng rất mộc mạc và giản dị nhưng lại chứa đựng vô vàn tinh túy bên trong.
Như bậc thầy ký hiệu học Roland Barthes từng chỉ ra định nghĩa “chi tiết tạo nên tổng thể”, thành thử đối với Bùi Xuân Phái thì một bức tranh đẹp cần phải lược bỏ bớt những râu ria dư thừa nhưng không được đánh mất cái tinh chất vốn có.
Dù được cả dân tộc mến mộ vì tài năng nghệ thuật nhưng Bùi Xuân Phái chưa bao giờ tự nhận mình là một họa sĩ, ông chỉ coi bản thân là người biết vẽ và dùng tình yêu để vẽ lại phố cổ thân thương.
Không phải là họa sĩ thì cứ vẽ tranh ra là sẽ đẹp, cái đẹp chỉ được thể hiện khi người họa sĩ ấy khám phá ra đúng bản chất và lối đi rõ ràng cho bản thân họ. Bùi Xuân Phái không ngại vẽ xấu, suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình ông đã vẽ rất nhiều và cũng không ngần ngại tặng tranh cho bạn bè thân thiết.
Bùi Xuân Phái đã đi ròng rã mấy chục năm chỉ để tìm kiếm màu sắc riêng của chính mình trong cả rừng nghệ sĩ, chỉ mong mỏi rằng người đời khi nhận ra giá trị thật trong những bức tranh ấy thì cũng đồng thời thấu rõ tâm tư của một đời thầm lặng.
“Không ngại gì làm đi làm lại để tìm ra cái hay hơn (…) Ðừng sợ không được quần chúng thích mà đi tìm lối này lối nọ. Chính cái hay nhất của anh mới làm quần chúng thích được.” – Bùi Xuân Phái
Bùi Xuân Phái vẽ tranh bằng tâm tư tình cảm, điều này không nhất thiết phải có mẫu sẵn nhưng bắt buộc phải tìm ra được nguồn cảm hứng. Là một người con của Hà Nội, nơi Thủ đô cổ kính này chính là “khu mỏ quý” chờ ngày được ông khai phá.
Hà Nội đối với ông luôn là nơi nuôi dưỡng nguồn cảm hứng bất tận, bất kể vật động hay tĩnh ông đều có thể biến nó thành “Phố Phái“ của riêng ông. Tuy vậy, người nghệ sĩ nào cũng cần một quá trình tích góp những giá trị tinh túy nhất của một nền văn hóa cùng cái chất riêng, không thể cứ đặt cây cọ xuống là vẽ được.
Những ngày tháng cuối đời vẫn giữ mãi khát vọng thuở ban đầu
Bùi Xuân Phái luôn được nhận xét là một con người đạm bạc, ông đạm bạc từ trong cách vẽ đến phong cách sống đời thường. Ai đã từng may mắn được đến thăm và trò chuyện với ông đều nhận ra sự giản dị chất phác của họa sĩ, tất cả những gì đọng lại trong họ chỉ là trăn trở liệu thế giới này còn mấy ai giữ được cái tôi thuần khiết như ông.
Ngôi nhà ở số 87 phố Thuốc Bắc theo lời kể lại của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng thực chất chỉ là một “căn phòng chật hẹp, tối cả ngày dù ngoài trời đang nắng chang chang”.
Vậy mà chính ngôi nhà ấy lại là cả một kho tàng vô giá khi chất đầy những bức họa của người nghệ sĩ tài năng, là nơi lan tỏa yêu thương và gây dựng nên cả một nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Tranh vẽ của Bùi Xuân Phái dường như cũng lậm vào cuộc đời ông cái kín đáo và nín nhịn, chỉ muốn nép mình vào một góc nhỏ lặng lẽ ngắm nhìn thế giới hối hả ngoài kia.
Bùi Xuân Phái cứ thế bình lặng sống qua ngày, tính tiết kiệm đã ngấm sâu vào trong máu nên ông không bao giờ tiêu xài hoang phí, chỉ có dịp lễ Tết được người ta biếu quà thì gia đình họa sĩ mới có được vài bữa ăn tương đối thịnh soạn. Con trai của ông là Họa sĩ Bùi Thanh Phương sau này cũng kể lại:
“Gia đình tôi trong mấy thập niên đó, có một cái Tết ra trò hay không một phần cũng trông chờ vào quà sêu tết của nhà văn Nguyễn Tuân.”
Đến những năm cuối đời, Bùi Xuân Phái cũng không được an hưởng tuổi già như bao người khác. Gia đình phát hiện ông mắc ung thư phổi giai đoạn cuối và chỉ trong hai tháng vỏn vẹn, ông đã yếu đến mức không còn đủ sức để nói chuyện và đổ bệnh triền miên.
Tận đến mùa hạ cuối cùng trước khi được đưa vào bệnh viện, ông vẫn cố vẽ lại hai con phố nhỏ gần nhà, nơi vẫn luôn ngập tràn ánh nắng. Dường như Bùi Xuân Phái biết mình không còn sống được bao lâu nên ông hối hả vẽ như vô vọng chạy đua với thời gian.
Ông nhờ con trai lấy những bức tranh cũ xuống để chỉnh sửa cho vừa ý nhất có thể rồi lại vẽ thêm vài bức mới, thậm chí còn có những bức bị ông xóa sạch.
Giây phút ấy người họa sĩ già đã không còn tỉnh táo, ông vẽ lại tất cả những gì hiện ra trong đầu, từ ngõ phố thân quen đến gia đình đầm ấm có vợ hiền con thảo, tựa như cố gắng níu kéo những điều trân quý sắp trôi tuột khỏi tay.
Sau nhiều tháng chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, Bùi Xuân Phái cứ thế lẳng lặng qua đời vào mùa hè năm 1988, tác phẩm cuối cùng của ông là một bức tự họa với gương mặt gầy hốc hác nhưng ánh mắt vẫn sáng trong rõ ràng. Ông để lại dòng cuối cùng trong cuốn sổ nhật ký:
“Trong lúc ốm đau thời gian đi cực kỳ chậm, nhất là lúc đêm gần về sáng.”
Người ta nhớ về Bùi Xuân Phái với hình ảnh một người đàn ông gầy với vẻ ngoài có phần khắc khổ nhưng vẫn không che dấu được cốt cách thanh tao, ông đến với thế giới này một cách nhẹ nhàng nhưng những gì ông mang lại là cả một công trình văn hóa trường tồn với thời gian.
Để tôn vinh những đóng góp cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam của Bùi Xuân Phái, Google đã từng kỷ niệm 99 năm ngày sinh của cố họa sĩ bằng cách thay đổi chủ đề trên trang tìm kiếm chính thức vào năm 2019.
Hành động của thương hiệu quốc tế này được cộng đồng mạng cực kỳ ủng hộ vì vừa thể hiện được niềm tự hào dân tộc vừa làm rạng danh nét đẹp văn hóa của Việt Nam trước bạn bè thế giới.
Ngoài ra, một giải thưởng uy tín của báo Thể thao và Văn hóa đã được khởi xướng vào năm 2008 mang tên Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội. Giải thưởng này nhằm mục đích tìm kiếm và tôn vinh những tác giả có tác phẩm xuất sắc xoay quanh chủ đề chính về tình yêu với Thủ đô.
Mỗi người luôn có một cách thể hiện tình yêu khác nhau và Bùi Xuân Phái cũng vậy, hàng chục năm làm nghệ thuật của ông đã để lại cho kho tàng mỹ thuật Việt Nam những tác phẩm vô giá về một Thủ đô bình dị mà man mác buồn khiến người đời nhớ mãi.
Thanh Hằng
Thanh Hằng
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất