Thành Ngữ “Mất Bò Mới Lo Làm Chuồng” – Ý NGhĩa Và Bài Học Cho Tương Lai

Mất bò mới lo làm chuồng” nghe có vẻ buồn cười nhưng lại có rất nhiều trường hợp như thế. Ông bà xưa muốn dạy bảo điều gì thông qua câu tục ngữ này? Cùng đi phân tích nội dung, ý nghĩa và bài học của câu qua bài viết dưới đây.

Thành Ngữ "Mất Bò Mới Lo Làm Chuồng" - Ý NGhĩa Và Bài Học Cho Tương Lai
Thành Ngữ “Mất Bò Mới Lo Làm Chuồng” – Ý NGhĩa Và Bài Học Cho Tương Lai

Truyện ngụ ngôn “Mất bò mới lo làm chuồng”

Câu thành ngữ “Mất bò mới lo làm chuồng” không tự nhiên mà có. Có hẳn một truyện ngụ ngôn xưa nói về câu nói này được in trong cuốn “Đi tìm điển tích thành ngữ” của Tiêu Hà Minh – Nhà xuất bản Thông tấn. Chuyện kể rằng:

Nhà kia tích cóp mua được con bò đẹp lắm, ưng lắm, chăm bẵm suốt ngày. Tối đến, chủ nhà dắt bò buộc vào gốc tre cạnh nhà. Thằng trộm mấy lần rình, đợi khi cả nhà đi ngủ say nó tháo dây thừng dắt bò đi mất. Sáng ra ngủ dật không thấy bò đâu, nhà kia tức lắm. Người hàng xóm sáng chơi thấy vậy bảo:

– Chẳng là bác không có chuồng để ngăn kẻ trộm, chứ buộc vào gốc tre thì nó dắt mất là phải.

Nhà kia nghe ra cho là phải, bèn đi mua cột cây về dựng giữa vườn một cái chuồng bò. Vừa làm anh ta vừa nói:

– Phen này thì thằng trộm kia đó mà dắt được bò của ông đi.

Người hàng xóm sang, cả cười:

– Bác mất bò rồi thì làm chuồng làm gì cho phí công, phí của.

Người mất bò lúc ấy mới ngớ ra mình làm gì còn bò nữa mà làm chuồng, đành phải dỡ xuống.

Câu chuyện trên cho thấy một vấn đề quen thuộc mà nhiều người gặp phải. Và việc “Mất bò mới lo làm chuồng” này thật thừa thãi. Vậy từ câu chuyện này, điều gì đang được truyền tải qua nó?

Truyện ngụ ngôn "Mất bò mới lo làm chuồng"
Truyện ngụ ngôn “Mất bò mới lo làm chuồng”

Giải thích thành ngữ “Mất bò mới lo làm chuồng”

Để giải thích ý nghĩa “Mất bò mới lo làm chuồng”, ta cần hiểu được cả nghĩa đen và nghĩa bóng của câu. Từ đó, người đọc mới có thể hiểu được bài học mà người xưa muốn nhắc nhở qua đó.

Giải thích nghĩa đen

Trước hết ta thấy được hình ảnh con “bò” và “chuồng” là hai sự vật chính của câu thành ngữ này. “Bò ” là loài động vật có bốn chân, to, lông màu vàng, có sừng dài. Bò là loài động vật quen thuộc ở các vùng quê Việt Nam. Nó được nuôi để lấy sức kéo, lấy thịt. Cũng vì điều này mà con bò trở nên thân thiết với đời sống của người nông dân xưa.

“Chuồng” là nơi được xây bằng gỗ, gạch, lợp mái để cho bò ở. Chuồng bò không qúa cầu kỳ, đôi khi nó chỉ có vài mảnh gỗ che xung quanh để chắn mưa chắn gió và cõ chỗ buộc cố định con bò khi không đi làm nữa. Việc này vừa giúp bò tránh đi lạc, vừa giúp bảo vệ chúng khỏi mưa, gió.

Về mặt nghĩa đen, câu thành ngữ “Mất bò mới lo làm chuồng” chỉ hành động thừa thãi. Khi còn bò thì không lo lắng, mất rồi lại lo đi làm chuồng nhốt bò. Điều này trở nên không còn ý nghĩa gì.

Giải thích nghĩa bóng

Về mặt nghĩa bóng, có thể hiểu ý nghĩa câu thành ngữ qua biện pháp ẩn dụ độc đáo. Dùng hình ảnh “Mất bò mới lo làm chuồng” nói về việc khi đã xảy ra một vấn đề nào đó, làm hỏng gì đó mới bắt đầu tìm cách phòng tránh, giải quyết. Lúc chưa có vấn đề thì ung dung, không lo lắng; khi có chuyện thì cuống cuồng tìm cách nhưng mọi thứ đã trở nên muộn màng.

Đây là lời phê phán về những người có tính cách chủ quan, không biết tính toán, lo liệu, đề phòng. Khi gặp phải chuyện, bản thân sẽ trở nên lo lắng, hoang mang, cuống cuồng tìm hướng giải quyết nhưng không còn hiệu quả. Điều này khiến cho mọi việc trở nên vỡ lở, muộn màng không thể thay đổi.

"Mất bò mới lo làm chuồng" nghĩa là gì?
“Mất bò mới lo làm chuồng” nghĩa là gì?

Bài học trong cuộc sống từ câu thành ngữ

Giống như nhiều câu thành ngữ khác “Mất bò mới lo làm chuồng” cũng mang đến nhiều bài học cho cuộc sống.

Luôn phải làm việc có kế hoạch trước sau

Mọi vấn đề, công việc đều cần có kế hoạch cụ thể trước khi thực hiện. Giống như việc nuôi bò, cần phải có kế hoạch xây chuồng trước khi mất bò chứ không phải làm ngược lại. Việc có kế hoạch giúp cho chúng ta biết cái gì cần làm trước, cái gì làm sau. Đây là yếu tố giúp cho mọi thứ được thực hiện suôn sẻ và mang về kết quả tốt nhất.

Trong mọi công việc, luôn phải đề phòng rủi ro có thể gặp phải. Nếu như chờ đợi đến khi gặp chuyện mới tìm cách giải quyết thì đã quá muộn. Vì thế, ở bất kỳ lĩnh vực nào, việc tính toán và lên kế hoạch, phòng trừ rủi ro là điều vô cùng cần thiết. Sự thành công có được hay không phụ thuộc rất nhiều vào điều này.

Đừng để nói “Giá như” trong cuộc sống

Khi đã nói đến từ “Giá như” thì chắc chắn lúc đó bạn đã phải sống trong cảm giác ân hận, lỗi lầm. Đây là cảm giác mà không ai muốn trải qua. Chỉ vì một chú chủ quan, thiếu tính toán mà bản thân lại gặp phải chuyện không đáng có là điều vô cùng đáng trách. Vì thế, hãy suy nghĩ xa hơn, sâu hơn để không phải nói “giá như” vì sự bất cẩn, vô tâm của mình.

Nếu cứ để tình huống “Mất bò mới lo làm chuồng” xảy ra, bạn sẽ không đạt được điều gì có ích. Một thói quen tốt sẽ giúp cho mỗi người chuẩn bị tốt hơn cho bất kỳ chuyện gì. Nhờ đó, chúng ta dễ dàng hoàn thành các deadline, mục tiêu đã đặt ra mà không gặp quá nhiều rắc rối. Nhờ đó, hai từ “giá như” đầy tiếc nuối cũng ít gặp hơn.

Đừng bao giờ phải nói "Giá như"
Đừng bao giờ phải nói “Giá như”

Bài học từ những sai lầm và cách thay đổi

Nếu rơi vào trường hợp “mất bò” trước khi “có chuồng” thì hãy coi đó là một bài học “đắt giá” cho bản thân. Thay vì cảm thấy chán nản, hãy rút ra cho mình kinh nghiệm, bài học và tìm cách thay đổi để tốt hơn. Dù không thể sửa chữa được lỗi đã tạo nên nhưng bạn cũng có thể tạo ra một điều gì có ích sau này để bù đắp.

Biết sai, sửa sai là điều hoàn toàn tốt. Đây cũng là đức tính cần có của bất kể ai, ở bất kể hoàn cảnh nào. Cơ hội sẽ dành cho những người chịu thay đổi và có tinh thần cầu tiến. Vì thế, hãy đứng lên sau cú ngã để bước tiếp và hoàn thiện bản thân tốt hơn.

Kết luận

Câu thành ngữ “Mất bò mới lo làm chuồng” là lời nhắn nhủ có ý nghĩa “vượt thời gian”. Có thể thấy rằng, bài học mà cha ông để lại không bao giờ là thừa. Hãy luôn suy nghĩ thấu đáo, hãy chuẩn bị tốt “kế hoạch” cho tương lai thì bản thân mới không có điều gì tiếc nuối. Hãy tự tạo kế hoạch cho cuốc sống của mình, chủ động trong mọi vấn đề có thể đến thì mới có thể thành công.

Lên đầu trang