Thế giới nhìn về văn hóa Nhật Bản với sự cầu kỳ của bộ trang phục Kimono, sức hút mạnh mẽ tỏa ra từ tinh thần võ sĩ đạo hay nét tinh tế trong nghệ thuật thưởng trà. Tuy nhiên, hiếm người chú ý đến vẻ đẹp của những nhạc cụ truyền thống Nhật Bản, nơi lưu giữ thành quả sáng tạo hàng nghìn năm của người dân xứ sở Phù Tang.
Trong tiếng Nhật, Wagakki (和楽器) là tên gọi chung dùng để chỉ các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc có lịch sử từ thời cổ đại. Wagakki tập hợp năm mươi loại nhạc cụ khác nhau từ sáo, trống, kèn cho đến các loại chuông và hàng chục loại đàn, mỗi nhạc cụ đều sở hữu nét độc đáo gây ấn tượng mạnh mẽ cho người thưởng thức âm nhạc.
Đàn Shamisen (三味線) – biểu tượng nền âm nhạc truyền thống Nhật Bản
Đàn Shamisen (三味線) là một trong những nhạc cụ quan trọng nhất trong nền âm nhạc truyền thống Nhật Bản. Shamisen xuất hiện tại xứ sở hoa anh đào từ thế kỷ 16 và đặc biệt thịnh hành vào thời kỳ Edo (1603 – 1868) khi được biểu diễn cùng Kabuki, một loại hình sân khấu kịch truyền thống của Nhật Bản.
Shamisen có cấu tạo gồm phần cổ đàn, được gọi là Sao và phần thân đàn, gọi là Do kết hợp cùng miếng gảy bachi được sử dụng để chơi đàn. Tùy thuộc vào hình dáng và phong cách âm nhạc được trình diễn mà người nghệ sĩ sẽ sử dụng những loại đàn Shamisen khác nhau.
Phần trình diễn đàn Shamisen của các nghệ nhân Nhật Bản
Hosozao là loại đàn Shamisen nhỏ nhất, cổ đàn mỏng và ngắn. Những đặc điểm này đặc biệt thích hợp với yêu cầu nhanh nhẹn và sự điêu luyện trong trình diễn kịch Kabuki, bên cạnh đó Hosozao còn được sử dụng để thể hiện nhạc trường ca Nagauta và nhạc biểu diễn Geisha.
Chuzao có kích thước lớn hơn Hosozao với phần cổ đàn dày, âm sắc rộng và êm dịu, do đó việc trình diễn các bản nhạc mang phong cách Jiuta luôn là thế mạnh của Chuzao. Ngoài ra, điểm đặc biệt của loại đàn này là khả năng thích ứng cao với nhiều phong cách âm nhạc.
Vượt lên cả Hosozao và Chuzao, Futozao là loại đàn Shamisen với cổ đàn dày và dài nhất, âm thanh lớn và vang xa. Khi kết hợp cùng kịch rối Bunraku, nhạc Joruri và nhạc Tsugaru Jamisen, những đặc tính này của Futozao được phát huy rất mạnh.
Nhiều năm trở lại đây, tiếng đàn Shamisen đã được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường học xứ sở Phù Tang và ngày càng hòa mình vào dòng chảy âm nhạc hiện đại để trở thành một phần không thể tách rời của văn hóa Nhật Bản.
Đàn Koto (琴) – “đàn tranh” của xứ sở hoa anh đào
Đàn Koto là một trong những nhạc cụ truyền thống gắn liền với dòng chảy văn hóa xứ sở hoa anh đào. Theo nghiên cứu từ các sử gia, đàn Koto ra đời vào khoảng thế kỷ 13 – thế kỷ 15 TCN tại Trung Quốc, cho đến những năm 710 – 794 thì được du nhập vào Nhật Bản dưới thời Nara.
Dựa vào hình dáng và cấu trúc khác nhau mà đàn Koto được chia thành nhiều loại, phổ biến nhất là loại đàn Yamatogoto, đây là đàn thập tam lục được làm từ gỗ Kiri, gồm 13 dây căng qua 13 thanh ngựa và có chiều dài khoảng 180 cm.
Dây đàn Koto thường được làm từ lụa, người chơi đàn phải sử dụng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa để điều chỉnh cường độ âm tiết thông qua việc di chuyển các thanh ngựa.
Tại xứ sở mặt trời mọc, Koto từ lâu được biết đến là loại đàn dành cho tầng lớp quý tộc, thường hiện diện trong những nghi lễ tôn giáo, sân khấu âm nhạc dân gian và các buổi yến tiệc hoàng cung. Bên cạnh đó, đàn Koto cũng từng xuất hiện trên trang văn của các tác gia Nhật Bản.
Âm thanh tiếng đàn Koto
Trong áng văn 源氏物語 (Truyện kể Genji), tác phẩm kinh điển của văn học Nhật Bản thế kỷ 11 được chắp bút bởi nhà văn Murasaki Shikibu, chỉ qua tiếng đàn Koto mà nhân vật chính Genji đã đem lòng yêu da diết một người con gái bí ẩn dù anh chưa một lần gặp mặt.
Cuộc sống hiện đại với sự du nhập của các nhạc cụ phương Tây khiến đàn Koto không còn giữ được vị thế vốn có trước kia. Tuy nhiên, những âm thanh trong trẻo từ tiếng đàn Koto vẫn là nét văn hóa không thể trộn lẫn của xứ sở hoa anh đào, đây là một trong những nhạc cụ biểu trưng cho nền âm nhạc đương đại Nhật Bản.
Đàn Taishogoto (大正琴) – kết tinh thành quả sáng tạo của con người Nhật Bản
Đàn Taishogoto (大正琴) ra đời vào năm 1912, đây là phát minh của một nghệ sĩ thổi sáo nổi tiếng Nhật Bản và có nguồn cảm hứng từ các loại nhạc cụ phương Tây. Taishogoto được xem là biến thể của đàn Koto (琴) nhưng độc đáo hơn ở hình dáng vì trông giống với đàn Guitar.
Đàn Taishogoto được thiết kế theo thang mười hai nốt tương tự nhạc cụ phương Tây, cùng với đó là sự kết hợp giữa các phím bấm và hệ thống dây thanh kim loại. Những điều này hoàn toàn trái ngược với nhiều loại nhạc cụ truyền thống Nhật Bản khi hầu hết đều sử dụng dây lụa để tạo ra âm thanh nhẹ nhàng và trong trẻo.
Âm thanh tiếng đàn Taishogoto
Người sử dụng Taishogoto phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc gảy đàn và điều khiển các phím bấm trên hộp đàn. Chính sự hiện đại cùng những tiện ích đã khiến Taishogoto trở thành loại nhạc cụ thích hợp với nhiều phong cách khác nhau, từ nhạc thiếu nhi, nhạc Enka đến các bài hát pop trẻ trung, năng động.
Sự ra đời của Taishogoto đánh dấu bước cách tân trong nền âm nhạc truyền thống Nhật Bản, là minh chứng sống động cho nền văn hóa đa dạng cùng khả năng sáng tạo vô tận của con người nơi đây.
Trống Taiko (太鼓) – thanh âm hào khí Nhật Bản
Taiko (太鼓) hay Wadaiko (和太鼓) là tên gọi chung dành cho các loại trống Nhật Bản, một nhạc cụ truyền thống của xứ sở mặt trời mọc có nguồn gốc từ nước láng giềng Trung Quốc. Nhiều bằng chứng khảo cổ đã cho thấy trống Taiko xuất hiện tại Nhật Bản từ thế kỷ thứ 6 SCN.
Về cách làm trống, người dân Nhật có sự phân biệt rất rõ ràng giữa hai loại trống Byou Uchi Daiko và Tsukushime Daiko. Nếu Byou Uchi Daiko được tạo thành từ việc sử dụng thân cây đục rỗng ruột thì Tsukushime Daiko do nhiều miếng gỗ ghép lại.
Theo lời chia sẻ của Daihachi Oguchi, nghệ nhân đánh trống hàng đầu Nhật Bản thì tiếng trống truyền thống Taiko được gõ theo nhịp bước hành quân vì thế rất dứt khoát, đúng nhịp và tràn trề hào khí dân tộc.
Sân khấu biểu diễn trống Taiko – nét đẹp văn hóa truyền thống xứ sở hoa anh đào
Thời xa xưa, trống Taiko được sử dụng như một phương tiện truyền tải thông tin vì âm thanh vang xa và kéo dài. Ngày nay, từ các buổi biểu diễn kịch Kabuki, Bon Odori đến những lễ hội truyền thống hay sân khấu âm nhạc hiện đại, tiếng trống Taiko luôn giữ một vị thế vô cùng đặc biệt.
Đối với người dân xứ sở Phù Tang, nhịp trống chính là nhịp trái tim, là biểu tượng cho khí phách và tâm hồn con người Nhật Bản, tĩnh lặng và sâu lắng nhưng cũng vô cùng mạnh mẽ và dứt khoát.
Nhạc cụ cầm tay Mukkuri (ムックリ) – nét đẹp tâm hồn dân tộc Ainu
Mukkuri (ムックリ) là loại nhạc cụ truyền thống với hình dáng vô cùng đặc biệt có nguồn gốc từ dân tộc Ainu, người bản địa sinh sống tại quần đảo Hokkaido của đất nước Nhật Bản.
Cấu tạo của Mukkuri vô cùng đơn giản, bao gồm phần thân đàn và một sợi dây đàn. Phần thân có một đường rãnh ở giữa, được làm từ gỗ hoặc tre với chiều dài xấp xỉ một gang tay và chiều rộng khoảng 1.5 cm. Dây đàn gắn theo thanh tre nhỏ và sợi dây hình tròn lần lượt được buộc ở hai đầu thân đàn.
Vì đặc tính nhỏ gọn và cấu tạo đặc biệt mà Mukkuri được người dân xứ sở Phù Tang gọi là nhạc cụ cầm tay Mukkuri. Tuy nhiên, cấu tạo trông có vẻ “kỳ dị” của loại nhạc cụ này đã khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về cách thức mà nó tạo ra âm thanh.
Trên thực tế, việc sử dụng Mukkuri rất đơn giản, người chơi đàn sẽ dùng hai tay giữ hai đầu dây, cụ thể là tay phải giữ phần có gắn thanh tre nhỏ và tay trái giữ đầu còn lại. Sau đó, hãy kéo thật mạnh và nhịp nhàng đầu dây gắn liền với thanh tre nhỏ, một âm thanh với giai điệu “twag twag” được phát ra khi kéo căng sợi dây.
Những thanh âm đặc biệt được tạo ra từ đàn Mukkuri
Phần thân đàn được đặt giữa đôi môi với mục đích tạo độ vang cho âm thanh, mỗi cử động nhỏ của đôi môi, cách đặt lưỡi hay luồng hơi thở đều góp phần tạo nên âm thanh với những cao độ hoàn toàn khác nhau.
Mukkuri là loại nhạc cụ kết tinh vẻ đẹp tâm hồn của người Ainu, những điều tưởng chừng kỳ lạ ấy lại chính là thành quả sáng tạo nghệ thuật của người dân nơi đây, chúng cần được lắng nghe bằng cả con tim và sự trân trọng.
Sáo Nohkan (能管) – âm thanh vang vọng trên các sân khấu kịch truyền thống
Nohkan (能管) là một loại sáo ngang truyền thống của Nhật Bản, thường xuất hiện trên các sân khấu kịch Noh và Kabuki, đặc biệt Nohkan là loại sáo duy nhất được góp mặt vào phần trình diễn của các nghệ sĩ kịch nghệ Noh.
Nohkan có cấu tạo gồm tám lỗ bấm với một lỗ ở phần đầu sáo và bảy lỗ phân bố lần lượt trên thân sáo. Tuỳ vào mục đích sử dụng mà chiều dài thân sáo và bán kính lỗ sáo cũng khác nhau.
Âm thanh tiếng sáo Nohkan – nhạc cụ thường xuất hiện trên các sân khấu kịch Noh và Kabuki
Trên sân khấu kịch nghệ Noh, âm thanh Nohkan thường gắn liền với màn chuyển đổi phân cảnh hoặc sự xuất hiện của các vị thần và những nhân vật lịch sử, bởi lẽ âm sắc cao của loại nhạc cụ này sẽ mang đến cảm giác nhuốm màu thần thoại cho người thưởng thức kịch nghệ.
Với người dân xứ sở hoa anh đào, những màn trình diễn sáo Nohkan luôn truyền tải nguồn năng lượng tích cực và xúc cảm mạnh mẽ đến mức tuyệt diệu.
Nhạc cụ Shō (笙) – sức hút từ những hòa âm đầy cảm xúc
Đàn Organ và đàn phong cầm được sử dụng trong âm nhạc ngày nay được cho là có khởi nguồn từ nhạc cụ Shō (笙). Đây là một trong những nhạc cụ không thể vắng mặt trên các sân khấu trình diễn Gagaku, loại hình nghệ thuật với lịch sử hơn một nghìn năm tại các quốc gia Châu Á.
Shō – nhạc cụ chuyên dùng để hòa âm
Vẻ bề ngoài của Shō như thể được ghép lại từ nhiều thanh sáo. Trên thực tế, loại nhạc cụ này có cấu tạo gồm mười bảy ống tre gắn lại với nhau, trong đó mười lăm ống được cố định bằng một cây sậy kim loại.
Trong văn hóa xứ sở mặt trời mọc, nhạc cụ Shō được ví von với một loài chim từng xuất hiện trong truyền thuyết, có hình dáng tương tự chim công và sở hữu đôi cánh dài đang giương lên.
Do đặc tính cấu tạo mà Shō chủ yếu tạo ra các hợp âm và thường có tác dụng làm nổi bật âm thanh của các loại nhạc cụ khác trong dàn biểu diễn.
Người chơi Shō cần thổi vào phần ống để tạo ra âm thanh, sau đó tùy thuộc vào mong muốn của bản thân mà tự điều chỉnh các lỗ nhỏ trên ống tre, âm sắc của loại nhạc cụ này phụ thuộc rất lớn vào luồng hơi của người sử dụng.
Nhạc cụ truyền thống – nét đẹp hài hòa trong văn hóa Nhật Bản
Xứ sở hoa anh đào nổi tiếng thế giới với một nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc. Sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại luôn là nét đặc trưng của xã hội và con người Nhật Bản, những giá trị được tìm thấy trong các nhạc cụ truyền thống chính là minh chứng sống động cho điều đó.
Sự kết hợp giữa nhạc cụ truyền thống Nhật Bản với phong cách âm nhạc hiện đại
Trong dòng chảy vô tận của cuộc sống, người dân nơi đây vẫn biết cách lưu giữ văn hóa dân tộc qua sự kết hợp giữa các nhạc cụ truyền thống với nhiều phong cách âm nhạc hiện đại như pop, rock, R&B.
Tất cả những yếu tố trên đã cho thấy sức sống mãnh liệt và tầm quan trọng đặc biệt của nhạc cụ truyền thống trong việc cấu thành văn hóa Nhật Bản, đó là sự kết tinh của những thành quả sáng tạo nghệ thuật vô giá, xứng đáng được tiếp nối và lưu truyền.
Diệu Ngô
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất