Bi thương ngược dòng thành sông (Cry Me a Sad River) được công chiếu vào năm 2018 với Luo Luo làm đạo diễn, kịch bản được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Quách Kính Minh. Lấy bối cảnh nơi trường học, không khó để nhận ra các mặt sáng lẫn tối được phô bày cùng lúc trong tác phẩm.
Trailer phim Bi thương ngược dòng thành sông
Sở hữu cốt truyện hấp dẫn, cách sắp xếp chi tiết cùng các diễn viên trẻ tài năng và phương pháp quay phim đầy tinh tế khi tận dụng cả âm thanh lẫn ánh sáng để tăng thêm giá trị cho các điểm nhấn, Bi thương ngược dòng thành sông đã lấy đi nước mắt của nhiều khán giả.
Đời người ngắn ngủi và thống khổ trong Bi thương ngược dòng thành sông
Dịch Dao (Nhậm Mẫn thủ vai) là cô gái mang số phận thiếu may mắn, được nuôi lớn bởi người mẹ đơn thân. Hoàn cảnh gia đình u buồn nay còn thêm nhiều phần tăm tối khi mẹ cô vì công việc nhạy cảm của mình mà khiến con gái mắc bệnh lạ.
Biết mình có nỗi khổ nhưng Dịch Dao vẫn cứ giấu kín, cô chỉ có một người mẹ nhưng vì hiểu lầm nên cả hai ít khi nói chuyện với nhau.
Cô có người bạn duy nhất là Tề Minh (Triệu Anh Bác thủ vai), cậu bạn ở gần nhà và học chung một lớp. Khác với Dịch Dao sở hữu hoàn cảnh đáng thương, Tề Minh được bố mẹ bảo bọc từ bé, luôn mang sự dịu dàng điềm đạm nhưng bản thân lại không có chính kiến.
Cậu cảm thông cho cô bạn gần nhà nhưng không hoàn toàn tin tưởng cô, điều này khiến Dịch Dao cứ thế sống cô quạnh và thường xuyên bị bạn bè trêu trọc.
Cho đến khi một Cố Sâm Tây tính tình dịu dàng lương thiện xuất hiện trong cuộc đời Dịch Dao, cả hai tuy thân thiết nhưng lại khác biệt quá nhiều về gia cảnh. Cậu có cuộc sống không va vấp, từ nhỏ đã lớn lên trong sự chở che của gia đình và là viên ngọc quý trên tay cha mẹ.
Sâm Tây không phải là học sinh gương mẫu, không phải kiểu sách vở toàn tài, còn rất láu cá nghịch ngợm. Vậy mà đến cuối cùng, cậu lại trở thành ánh sáng trong cuộc đời Dịch Dao.
Cuộc sống của cô bé tưởng đã dễ dàng hơn nhưng một ngày, mọi chuyện bỗng trở nên trớ trêu khi bạn học Đường Tiểu Mễ (Chu Đan Ni thủ vai) vì ghen tức mà làm khó Dịch Dao và phát tán tin tức cho học sinh trong trường về căn bệnh kia, tháng ngày địa ngục lại cứ thế trải dài.
Một thiếu nữ Dịch Dao sống khép kín, tính cách u ám và quái gở vì lớn lên trong hoàn cảnh gia đình nghiệt ngã nhưng tiềm ẩn bên trong lại vô cùng thiện lương, kiên cường và độc lập.
Bi thương không dừng lại ở gia đình hay bạn học, cô liên tiếp chịu nhiều oan ức rằng mình lấy tiền của người cùng lớp hay là nguyên nhân dẫn đến bi kịch của Cố Sâm Tương (Trương Nhược Nam thủ vai).
Tưởng chừng gia đình sẽ là điểm tựa vững chắc nhất mỗi khi có biến cố bên ngoài nhưng với Dịch Dao, cuộc đời cô đã đắm chìm trong sự vô cảm và thiếu thốn tình thương. Mây đen ập đến khiến ánh sáng bị che khuất, Dịch Dao rơi xuống vực thẳm vì mất đi những niềm tin về cuộc sống của chính mình.
Sự bốc đồng hơn thua muốn thể hiện bản thân của tuổi mới lớn
Bạo lực học đường là một vấn nạn luôn gây nhức nhối xã hội và trong Bi thương ngược dòng thành sông, Dịch Dao chính là nạn nhân của nỗi ám ảnh ấy.
Gánh chịu việc cô lập và bạo lực về tinh thần lẫn thể xác từ bạn học, bất ngờ là khi Đường Tiểu Mễ chuyển đến thì Dịch Dao lại phải nhận những trò đùa của một người từng trải qua nỗi đau đớn như vậy.
Đáng thương thay, người bị tổn thương nay lại trở thành kẻ tổn thương người khác và một vòng lặp đầy tai họa lại đến. Một kẻ chạy trốn ngôi trường cũ, vì quá sợ lại trở thành nạn nhân một lần nữa mà trở thành kẻ gieo rắc tai họa, tổn thương cho người khác ở ngôi trường mới.
Dịch Dao không chỉ bị bạn bè công kích bằng lời nói mà còn bị vu khống, thậm chí tiền cô dùng để đi chữa bệnh cũng bị bạn cùng lớp lấy trộm.
Trong Bi thương ngược dòng thành sông, bạo lực học đường xuất phát từ sự đố kỵ và ghen ghét, từ cách giáo dục sáo rỗng dẫn đến hậu quả khôn lường khi hình thành những “sát nhân” yêu thích chỉ trích, phê phán và bình phẩm.
Đường Tiểu Mễ cũng là nạn nhân nhưng thật đáng trách khi lan truyền bí mật của Dịch Dao rồi tấn công và vùi dập bạn cùng lớp phải chịu cảnh “sống không bằng chết”. Không ai nghĩ cô gái có dung nhan xinh đẹp và ngọt ngào này lại mang tâm địa độc ác, ích kỷ.
Về sau, cũng chính sự ích kỷ của cô đã hủy hoại Dịch Dao, Tề Minh và cả Cố Sâm Tương.
Cố Sâm Tương xinh đẹp giỏi giang, được mệnh danh là hoa khôi kiêm học bá trong trường, người yêu của Tề Minh. Bởi Dịch Dao vô tình chuyển tiếp tin nhắn dẫn đến một bi kịch về sau của Cố Sâm Tương.
Một “học bá” cao cao tại thượng, ngôi sao trong lòng vô vàn người nhưng lại thật nhỏ bé khi gặp phải vô vàn áp lực từ chính những người bạn xung quanh.
Tề Minh thì quá khác biệt khi được sống trong sự yêu thương chiều chuộng nên cậu không có dũng khí hay chính kiến để thấu hiểu và bảo vệ Dịch Dao. Gần như chẳng có ai dám đứng về phía Dịch Dao hay lên tiếng bảo vệ cô.
Người con gái đáng thương này là nhân vật đại diện cho những học sinh mang nhiều vết thương ở cuộc sống thật, những đứa trẻ không có tiếng nói đủ lớn để bảo vệ mình, cũng không có quyền được nói khi phải sống trong đau khổ và sợ hãi hàng ngày.
Nhiều người biết chuyện này nhưng kẻ thì làm ngơ, kẻ lại a dua đi bắt nạt. Có người muốn giúp Dịch Dao nhưng cũng vì sợ, vì lo rằng bản thân sẽ đi ngược lại với đám đông nên không thể lên tiếng.
Tất cả mọi thứ cứ thế đẩy Dịch Dao đến bước đường cùng, câu chuyện trong Bi thương ngược dòng thành sông như một hồi chuông báo động cho xã hội khi không ai biết còn bao nhiêu hoàn cảnh tương tự như Dịch Dao ở bên ngoài, sống trong sợ hãi và lo lắng vì bị bắt nạt.
Còn bao nhiêu giáo viên thờ ơ với chuyện này và còn bao nhiêu trường học không mảy may để ý đến học sinh, có thể thấy Dịch Dao chỉ là một đại diện, một con số nhỏ lẻ được nêu lên mà thôi.
Bi thương ngược dòng thành sông cùng tình mẫu tử thiêng liêng
Ở những phút đầu của phim, hình ảnh về mẹ của Dịch Dao hiện lên trong bộ dạng của một người phụ nữ lôi thôi, ích kỷ với gương mặt khắc khổ. Ngày nào Dịch Dao cũng bị mẹ mắng, thậm chí bà còn không mua đồng phục mới cho cô.
Tuy vậy hổ dữ không ăn thịt con, mẹ Dịch Dao thoáng qua trông ghê gớm nhưng bà làm mọi thứ cũng vì cô. Lâm Hoa Phượng một mình vất vả nuôi dưỡng con gái, vì mưu sinh mà phải vào quán bar làm việc, cuộc sống thực không dễ dàng.
Chấp nhận công việc nhạy cảm mặc kệ những lời điều tiếng chỉ vì muốn kiếm tiền cho cô ăn học, bà đã rất đau khổ khi biết được vì mình mà con gái mang bệnh.
Dù những điều Lâm Hoa Phượng đang làm không được xã hội chấp nhận, bà vẫn luôn cố gắng bảo vệ Dịch Dao. Hiểu rõ tính cách những kẻ gần mình nên bà cấm cô không được trở về nhà khi nhà có khách, đồng thời Hoa Phượng cũng giấu mọi thứ về Dịch Dao để không ai phát hiện ra.
Người đó không phải thánh thần mà chỉ là một con người bình thường mang nặng gánh cơm ăn áo mặc. Hoàn cảnh trong phim đầy ngang trái khi một người đàn bà tự nuôi bản thân đã khó khăn mà còn phải gắng gượng vì đứa con mình dứt ruột đẻ ra.
Chúng ta có thể trách Lâm Hoa Phượng nhưng không thể không thương xót. Cuộc sống của những người đàn bà như Phượng chấp nhận gửi đời, nhuộm mình trong chốn nhơ nhớp chỉ vì mong nuôi dưỡng con gái thật tốt.
Cha của Dịch Dao vô tâm bỏ rơi hai mẹ con, tự mình lập nên gia đình mới nhưng Phượng thì không thể làm vậy, dù bà sống khổ hơn người kia trăm ngàn lần.
Dàn diễn viên trẻ tài năng quy tụ trong Bi thương ngược dòng thành sông
Phim sở hữu dàn diễn viên không quá nổi bật nhưng năng lực diễn xuất lại rất đáng giá, mọi thăng trầm của những người trẻ tuổi này đều được thể hiện đầy chân thực qua biểu cảm của dàn diễn viên mới.
Người xem sẽ đau lòng trước một Dịch Dao sống nội tâm và cuộc đời chẳng có chút nào vui vẻ, một Tề Minh ít nói, dịu dàng hay một Cố Sâm Tây sống hết mình, dám làm dám chịu. Ngoài ra, không thể không nhắc đến một Cố Sâm Tương xinh đẹp, dịu dàng, mang khí chất của nữ thần.
Những nhân vật ấy đều được lớp diễn viên trẻ Nhậm Mẫn, Triệu Anh Bác, Tân Vân Lai, Chương Nhược Nam, Chu Đan Ni thể hiện tròn vai.
Nỗi buồn của phim ẩn hiện trên những góc quay nghệ thuật, đầy dung dị và gần gũi. Dàn diễn viên trẻ đã hoàn thành vai diễn của mình khi khắc họa chân thực những chuyển biến tâm lý phức tạp của các cô cậu học trò tuổi mới lớn.
Đáng khen nhất là vai nữ chính do Nhậm Mẫn thủ vai, cô sở hữu đôi mắt buồn trong sáng như ngọc, gương mặt phảng phất sầu bi cùng cực được lột tả khiến khán giả cảm thông, thương xót cho nhân vật Dịch Dao.
Nỗi buồn cứ thế kéo dài miên man theo lời thoại giàu chất tự sự cùng lối diễn mê hoặc, rất có hồn.
Nguyện đời này có thể gặp được một Cố Sâm Tây của riêng mình
Dịch Dao năm 16 tuổi là một sinh linh nhỏ bé bị vùi sâu dưới tận cùng lạnh giá của một xã hội vô tri và định kiến. Bối cảnh gia đình nghèo hèn, mắc căn bệnh ghê tởm, đau đớn trong cô độc và phỉ báng dù cô ấy không làm gì sai.
“Trừ khi mặt trời mọc đằng tây, số mệnh của mình mới có thể tốt hơn được.”
“Tại sao lại không thể chứ?”
Cô gái bé nhỏ này mang nỗi thống khổ cùng uất hận đến tuyệt vọng muốn dùng lương thiện thuần chất để khoan dung cho sự tàn nhẫn, sau cuối lại trở thành tội phạm bị đẩy lên đoạn đầu đài, dù cô ấy thật sự chưa từng làm gì sai.
“Xin chào, mình là Cố Sâm Tây. Tây trong mặt trời mọc đằng tây.”
Tên của Cố Sâm Tây vốn dĩ không mang ý nghĩa đó, dù vậy cả đời này cậu đều muốn mọi người hiểu tên mình theo lời nói phía trên để làm tan đi nỗi thống khổ của Dịch Dao.
Một đời biết là rất dài nhưng Cố Sâm Tây chắc chắn nói được làm được, chỉ có điều Dịch Dao đã không chờ được nữa rồi.
“Bản năng của sinh vật là lựa chọn lợi ích và tránh xa tai họa. Chỉ có những thứ tốt đẹp thì người ta mới muốn tới gần.”
“Thế này đủ gần chưa?”
Cố Sâm Tây năm 16 tuổi là ánh dương rực rỡ ngày đông chí, xán lạn và tinh khiết. Chói lòa đến thế, nhiệt huyết đến thế, dũng khí đến thế nhưng vào giây phút cậu ấy sụp đổ giữa trường giang sóng xô đục ngầu thành ngàn vạn bọt nước vỡ nát, mọi thứ lại quá đỗi bi thương.
Cố Sâm Tây sau này vẫn mỉm cười ôn hòa, vẫn bình thản tự tại, chỉ là không cảm thấy ấm áp nữa. Dường như vĩnh viễn không còn dư quang niên thiếu ấy nữa.
“Dịch Dao, cậu biết không?
Sao bảo hộ của cung Kim Ngưu là sao kim. Nhìn từ sao kim, sẽ thấy mặt trời mọc ở hướng tây.”
Cố Sâm Tây trái ngược với Tề Minh, trái ngược với cô chị gái sinh đôi Cố Sâm Tương.
Kết thúc đau buồn của Bi thương ngược dòng thành sông
Khoảnh khắc Nhậm Mẫn trong vai Dịch Dao vừa khóc vừa kể tội từng người ở bờ sông đã khiến bao khán giả đau lòng đến rơi lệ cùng cô. Mỗi người một hoàn cảnh khác biệt nhưng tất cả đều “quay lưng” để mặc cô gái Dịch Dao một mình kiên cường chống đỡ.
“Thật ra trên đời này cũng không có chuyện gì nhất định có thể xúc phạm đến bạn, chỉ cần bạn đủ lạnh lùng, đủ thờ ơ, đừng để ý đến những chuyện đó, chỉ cần bạn dần dần mài giũa trái tim mình thành một tảng đá nhẵn bóng cứng rắn.”
Một Dịch Dao với cuộc đời vẩy đục bởi miệng lưỡi thế gian, bởi sự lạnh lùng đến tuyệt tình của con người. Cái kết của phim chính là một sự giải phóng cho số mệnh, một kết thúc mở tràn đầy ánh sáng niềm tin và hy vọng mới.
Sự cố của ngày hôm nay chỉ là cú vấp ngã để bạn mạnh mẽ hơn để quên đi và sống tiếp, biết đâu trên thế gian này vẫn có người bạn như Cố Sâm Tây, mỉm cười cùng ta đi qua những khó khăn.
Nhật Thiên
Nhật Thiên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất