Chỉ còn ngày hôm qua (Only Yesterday) dẫn khán giả đến cuộc sống của người trẻ giữa những sự lựa chọn ở tuổi hai mươi bảy, kết hôn hay độc thân, thành phố hay nông thôn, hiện tại hay quá khứ.
Trailer chính thức của phim Chỉ còn ngày hôm qua
Bằng các thước phim đẹp đẽ của vùng nông thôn Nhật Bản và thành phố Tokyo phồn hoa, đạo diễn Isao Takahata tái hiện hành trình trưởng thành với những mảnh ký ức chắp vá. Từ đó, Ghibli gửi gắm thông điệp về con đường dẫn tới hạnh phúc.
Vài nét về Chỉ còn ngày hôm qua của Studio Ghibli
Chỉ còn ngày hôm qua do Isao Takahata đảm nhận vai trò đạo diễn kiêm biên kịch. Tác phẩm vốn được chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên của Okamoto Hotaru và Tone Yuko.
Ban đầu, Hayao Miyazaki đã bị hấp dẫn bởi bộ truyện ấy, thế nhưng vị đạo diễn này lại cảm thấy mình không có đủ khả năng để chuyển thể tác phẩm thành phim. Vì vậy, ông quyết định đặt niềm tin vào Isao Takahata, người từng rất thành công với Mộ đom đóm (1988).
Đến với bộ phim, khán giả được trở về xứ Phù Tang những năm tám mươi. Nhân vật chính là cô gái hai mươi bảy tuổi Taeko, vì cảm thấy lạc lõng và nhàm chán giữa lòng Tokyo nên quyết định xin nghỉ phép, trở về vùng nông thôn để sống, làm việc như một người nông dân.
Với những thước phim vừa mộc mạc, vừa tỉ mỉ cùng kịch bản nhẹ nhàng, Chỉ còn ngày hôm qua giúp công chúng được “thưởng thức” một cách đúng nghĩa khi xem phim.
Qua những mảnh ký ức vụn vỡ cùng khát vọng hạnh phúc hiện tại, Taeko đã trở về vùng nông thôn để lắng nghe tiếng nói trái tim. Bởi lẽ, trăn trở giữa kết hôn hay độc thân, sống ở thành phố hay thôn quê là mối quan tâm của nhiều người lúc bấy giờ.
Bằng sự lựa chọn hạnh phúc của Taeko, bộ phim gợi nhớ cho khán giả về một đoạn ký ức trong tuổi thơ và gửi gắm bức thông điệp can đảm, hãy đi trên con đường bản thân tin là đúng đắn.
Những thước phim đan xen giữa hiện thực và quá khứ
Với nhịp độ chậm rãi, đạo diễn Isao Takahata khéo léo đưa khán giả đi từ cuộc sống trong quá khứ đến hiện tại của Taeko bằng những nét vẽ vừa mờ ảo, vừa chân thực.
Nửa đầu Chỉ còn ngày hôm qua tái hiện những tháng ngày tiểu học của đứa trẻ mười tuổi Taeko với nhiều vấn đề ở tuổi dậy thì. Trong khi, nửa cuối phim lại tập trung vào hành trình cô gái hai mươi bảy tuổi đi tìm hạnh phúc.
Taeko nhớ về hình ảnh của mình năm mười tuổi
Bộ phim mở đầu bằng cảnh Taeko xin nghỉ phép để trở về vùng quê Yamagata thăm gia đình anh rể. Dẫu chưa sẵn sàng nhưng cả mẹ lẫn chị gái đều đang hối thúc cô kết hôn.
“ – Mẹ sao rồi?
– … Mẹ giận em vì em từ chối lời cầu hôn của chàng trai đó. “27 tuổi rồi, đó là đám tốt nhất con bé có thể có!”
– Mẹ cứ nói mãi chuyện đó.
– Mẹ cũng có lý đấy. Em không còn trẻ nữa.” – Taeko và chị gái nói chuyện qua điện thoại
Đan xen giữa hiện thực ấy là những mảnh ký ức trong thời thơ ấu. Taeko từng rất muốn cùng gia đình đến vùng quê vào kỳ nghỉ hè giống các bạn bè trong lớp, tuy nhiên mẹ cô lại không cho phép.
Những mảnh ghép quá khứ của Taeko sau đó là lời tỏ tình từ cậu bạn điển trai Hirota hay kỳ kinh nguyệt đầu tiên ở cô bé mười tuổi. Mạch phim chậm rãi cùng các tình tiết ấy khiến bộ phim gợi nhớ cho khán giả về tháng ngày thanh xuân.
Hành trình về vùng quê Yamagata và trở thành một nông dân
Quay lại hiện tại, Taeko lúc này đang ngồi trên chuyến tàu về Yamagata. Vừa rời khỏi nhà ga, em họ của anh rể là Toshio đã chờ sẵn để đón cô về gia đình họ.
“- Okaiji Taeko, phải không?
– Vâng, đúng vậy…
– Ơn trời, ô-tô ở bên này.
– Xin lỗi, nhưng anh là ai?
– Em không nhớ sao? Tất nhiên không rồi.
– Anh là Toshio. Anh em họ thứ hai của Kazuo.
– Ồ, em nhớ rồi… Em tưởng anh đang cố lấy cắp túi của em.” – Taeko và Toshi gặp nhau
Trên con đường trở về nhà, cả hai trò chuyện vui vẻ giữa những giai điệu êm ái của nhạc phim. Toshio chia sẻ rằng, anh là một người rất yêu thích công việc làm nông, “nuôi lớn các sinh vật sống”.
Tuy chưa về nhà nghỉ ngơi nhưng Taeko vô cùng nóng lòng với công việc thu hoạch hoa để tạo ra thuốc nhuộm, son ở vùng Yamagata. Vì vậy, Toshio đã chở cô đến nông trường để làm việc cùng với mọi người.
Trong lúc đang làm việc, Taeko vô tình nghe thấy em gái Toshio và mẹ trò chuyện, cô bé đang xin mẹ mình tiền để mua một đôi giày giống với bạn bè cùng trang lứa.
“- Mẹ, con cần 5.000 yên.
– 5.000 yên? Mẹ không thể cho con được.
– Mẹ đã nói sẽ mua cho con đôi giày thể thao mới.
– …
– Mẹ không chắc. Phải có loại rẻ hơn chứ. Còn đôi con có?
– Giờ không ai đi chúng nữa.” – Cô bé xin mẹ tiền để mua giày Pumas
Lắng nghe cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con, Taeko dần nhớ lại kỷ niệm ở quá khứ. Cô tìm thấy mình trong đứa trẻ ấy, những mảnh ký ức về bản thân lúc mười tuổi cũng dần hiện lên.
Tuổi hai mươi bảy nhiều bấp bênh trong Chỉ còn ngày hôm qua
Chủ đề nổi bật nhất của Chỉ còn ngày hôm qua là hành trình trở về quá khứ, tìm lại đứa trẻ bên trong mỗi người và hỏi cô bé ấy về hạnh phúc mà bản thân thực sự khao khát.
Ở đầu phim, Taeko mười tuổi luôn muốn “về quê”, dẫu câu trả lời nhận lại từ mẹ là “Chúng ta không có họ hàng ở quê nên con đừng hỏi nữa”. Dường như khao khát ấy đã thôi thúc trái tim hai mươi bảy tuổi trở về vùng Yamagata.
Băn khoăn về hạnh phúc của bản thân
Từ hành động xin nghỉ phép dài ngày đến câu trả lời “Em không sống vì công việc của mình nhưng em cũng không ghét nó” khiến khán giả hiểu nhân vật chính Taeko đang trăn trở về con đường của chính mình.
Trong khi mẹ lẫn chị gái liên tục hối thúc cô phải lấy chồng, Taeko lại chưa sẵn sàng với bước ngoặt ấy. Dành gần hết phần thanh xuân tươi trẻ ở Tokyo khiến tâm hồn gần ba mươi tuổi trở nên nhàm chán và ngộp thở.
“Nhưng ta sẽ không bao giờ mất trái tim, chúng ta ghét phải khóc, nên hãy cười.” – Một lời bài hát trong bộ phim yêu thích của Taeko và Toshio
Đồng hành cùng Taeko hai mươi bảy tuổi là phiên bản của chính mình lúc tiểu học. Mỗi khi gặp phải lo âu, trăn trở thì đứa trẻ ấy cùng những ký ức lại ùa về để giúp cô chọn lựa thật đúng đắn.
“Nếu hôm nay không tốt, bạn sẽ có ngày mai. Nếu ngày mai không tốt, bạn sẽ có ngày hôm sau. Nếu ngày đó cũng không tốt, sẽ có một ngày khác. Luôn luôn có một ngày mai.” – Toshio và Taeko cùng ngân ca
Taeko chỉ tìm thấy hạnh phúc ở một vùng quê xa lạ, kết nối với những con người mà cô chưa từng gặp. Đó là niềm vui mà bản thân cô đánh mất ở chính mái ấm mình sinh ra, Tokyo.
Cùng với công việc của một người thu hoạch hoa, Toshio và Taeko đã có khoảng thời gian vui vẻ bên nhau. Những đoạn ký ức cùng chuyến hành trình ở vùng Yamagata dường như đã trả lời câu hỏi mà bản thân cô luôn băn khoăn.
Những định kiến và trách nhiệm trói buộc Taeko
Đạo diễn Isao Takahata đã tinh tế dùng hình ảnh sâu bướm để ẩn dụ cho hành trình trưởng thành của Taeko, chậm rãi nhưng cũng thật dứt khoát để thoát khỏi vỏ bọc.
“Dù thích hay không, sâu bướm trước tiên phải… sống như một con một con nhộng trước khi trở thành bươm bướm. Khi làm việc và đi chơi con gái chúng tôi năng động và có tinh thần hơn nam giới. Như thể cuối cùng chúng tôi đã tìm thấy đôi cánh của mình. Nhưng giờ nhìn lại, có thể chúng tôi đã đập chúng trong vô nghĩa.” – Taeko độc thoại
Thế nhưng, hành trình trở thành một con bướm mạnh mẽ của Taeko lại trải qua những lần “đập cánh trong vô nghĩa”. Bởi trách nhiệm, bổn phận và định kiến đã trói buộc cô gái ấy.
Dù hết mực thương con nhưng bố Taeko là một người có tính cách nghiêm khắc, lạnh lùng. Đôi khi, ông không cho phép cô đi theo tiếng nói của đam mê và niềm hạnh phúc dẫu đứa trẻ ấy hết sức tài năng.
“- Điều này có thể cho em một sự nghiệp diễn xuất.
– Tham gia đoàn kịch Takarazuka Revue!
– Bắt đầu luyện tập ngay từ bây giờ đi, đây là thời điểm hoàn hảo.
– Không diễn xuất gì cả. Ngành giải trí không hay ho gì.” – Bố Taeko ngăn cấm cô diễn xuất
Trăn trở, lo âu và sự trưởng thành chậm rãi của Taeko ngày hôm nay có lẽ là một kết quả tất yếu từ những định kiến, bổn phận mà cô chịu ảnh hưởng bởi gia đình.
Rời xa sự nhộn nhịp của thành thị để trở về vùng quê yên bình
Khi đặt Chỉ còn ngày hôm qua trong bối cảnh những năm 1991, bộ phim đã phản ánh chân thực về lối sống của người trẻ Nhật Bản lúc bấy giờ. Họ chọn độc thân, rời xa đô thị tấp nập để trở về miền quê thanh bình.
Chính vì được sống trong một nền giáo dục tiên tiến, giới trẻ đất nước này hiểu rõ tầm quan trọng của sự tự do và quyết định theo đuổi lối sống phóng khoáng ấy. Cô gái hai mươi bảy tuổi Taeko cũng không phải ngoại lệ.
Anh chàng Toshio thì thừa nhận rằng bản thân từng “lăn lộn” trong đô thị nhộn nhịp nhưng giờ đây lại trở về với cuộc sống của một nông dân, bởi bản thân cảm thấy phù hợp và yêu công việc này hơn hết.
“Nói thật, anh đã từng làm việc trong văn phòng. Anh chỉ mới bắt đầu làm nông gần đây… Anh nghỉ việc và tham gia vào nông trại hữu cơ của bạn anh. Mọi người nói anh là dở hơi nhưng anh không hối tiếc.” – Toshio chia sẻ với Taeko
Nếu Toshio nổi bật với sự chững chạc qua lời nói thì Taeko lại toát lên vẻ mơ hồ bên những mảnh ký ức. Một cách vô tình, hai tâm hồn ấy đã gặp nhau nơi vùng quê Yamagata và sở hữu nhiều điểm chung đến bất ngờ.
Phong cách làm phim mới mẻ của Isao Takahata với Chỉ còn ngày hôm qua
Đến với Chỉ còn ngày hôm qua, công chúng có thể nhận thấy đạo diễn Isao Takahata luôn biết cách để làm tác phẩm của mình trở nên đầy mê hoặc bằng những nét vẽ tinh tế và tỉ mỉ, hệt như cách ông đã thực hiện với Chuyện công chúa Kaguya.
Với những chất liệu nghệ thuật mang hơi thở từ cuộc sống, Isao Takahata được Hayao Miyazaki tin tưởng và giao phó việc chỉ đạo toàn bộ. Thành công của tác phẩm đã chứng minh quyết định này hoàn toàn đúng đắn.
Trong Chỉ còn ngày hôm qua, những thước phim về quá khứ hay thực tại đều có đặc trưng riêng trong nét vẽ để giúp khán giả dễ dàng nhận ra và phân biệt hai mốc thời gian ấy.
“Có điều gì đó nhẹ nhàng kỳ lạ về bộ phim mà tôi không thể giải thích được, có lẽ ngoại trừ việc lưu ý rằng phong cảnh nông thôn của nó được làm đẹp đến mức dường như bạn có thể cảm nhận được làn gió mùa hè và ngửi thấy mùi của cánh đồng hoa. Ngay cả điều đó cũng không giải thích được, nhưng tôi cho rằng bạn sẽ hiểu nếu xem phim.” – Một khán giả chia sẻ trên Rotten Tomatoes
Với những mảnh ký ức trong quá khứ, nét vẽ của Ghibli thường thanh mảnh với tông trầm ấm. Nhân vật thường được điểm xuyết bằng kẹp tóc nhỏ hay khăn choàng cổ có màu sắc nổi bật giữa cảnh vật mờ nhạt.
Trở về với thực tại, mọi thứ lại được khắc họa đậm đà và sắc nét hơn, yếu tố này góp phần thể hiện một cách chi tiết biểu cảm, cung bậc cảm xúc của các nhân vật.
Các họa sĩ Ghibli đã thể hiện chân thực từng sắc thái của cánh đồng hoa, ruộng lúa nơi vùng quê Yamagata. Những bức tranh thiên nhiên đầy mộng mơ, tráng lệ ấy là thứ níu chân khán giả ở lại bộ phim.
Nhạc nền trong phim được phụ trách bởi Katsu Hoshi, vị nhạc sĩ này mang đến những thanh âm vừa trong trẻo, vừa dí dỏm. Bài hát chủ đề Ai wa Hana Kimi wa Sono Tane ở cuối phim với sự thể hiện của ca sĩ Harumi Miyako thì khiến khán giả vô cùng xúc động.
“Bài hát này đã cộng hưởng với xúc cảm của tình yêu. Đồng thời, nó mô tả một cách chân thực câu chuyện cũng như chủ đề của toàn bộ bộ phim, đúng với tiêu đề Chỉ còn ngày hôm qua” – Một khán giả chia sẻ về bài hát chủ đề Ai wa Hana Kimi wa Sono Tane
Ngoài ra, nhạc phim trong Chỉ còn ngày hôm qua còn có những ca khúc từ Hungary, vốn liên quan đến cuộc sống của người nông dân mà Toshio đã mở cho Taeko nghe trên chuyến xe.
Chỉ còn ngày hôm qua và những thành công của Ghibli
Chỉ còn ngày hôm qua gặt hái về những thành công nhất định với tổng doanh thu phòng vé đạt gần hai tỷ yên, qua đó trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất năm 1991.
Không chỉ vậy, bộ phim còn nhận về hàng loạt đánh giá tích cực từ các tạp chí lớn như The New York Times, Rolling Stone. Tác phẩm cũng sở hữu nhiều đề cử từ những giải thưởng danh giá trong và ngoài Nhật Bản.
“Bộ phim tâm lý của ông Takahata, dựa trên một bộ truyện tranh như lại có phần sâu sắc hơn, khi Taeko trưởng thành hiểu biết nhiều hơn về những gì cô ấy muốn và cách cô ấy muốn sống.” – Phóng viên Nicolas Rapold của The New York Times đánh giá tích cực về bộ phim
Chỉ còn ngày hôm qua được đánh giá là một bộ phim không chỉ phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi mà ngay cả người lớn cũng có thể thoải mái thưởng thức với những thông điệp đầy ý nghĩa.
“Một nửa là câu chuyện dành cho lứa tuổi mới lớn, một nửa là chính kịch dành cho người lớn, bộ phim thể hiện niềm tin của Takahata rằng hoạt hình không nhất thiết chỉ giới hạn trong trí tưởng tượng của trẻ em.” – Nhà phê bình Tal Rosenberg đánh giá trên Rotten Tomatoes
Đạo diễn Isao Takahata đã tinh tế lồng ghép vào Chỉ còn ngày hôm qua những vấn đề mang tính thời đại đối với người phụ nữ như trong Chuyện công chúa Kaguya (2013), điều ấy được nhiều nhà phê bình nổi tiếng nhận ra.
“Giống như Chuyện công chúa Kaguya, bộ phim là một sự thể hiện tinh tế, đồng cảm đối với hoàn cảnh của phụ nữ trong xã hội Nhật Bản – nhưng bản thân Chỉ còn ngày hôm qua cũng là một tác phẩm nghệ thuật đột phá.” – Cây bút Glenn Kenny của tờ Roger Ebert nhận xét
Với 100% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes, vô số khán giả lẫn nhà phê bình đều đồng tình rằng Chỉ còn ngày hôm qua là một tác phẩm xuất sắc từ Studio Ghibli.
“Chỉ còn ngày hôm qua nổi bật như một viên ngọc trưởng thành, tinh tế trong những phim của Studio Ghibli, một bộ phim sâu sắc, đáng suy ngẫm về quá trình trưởng thành cùng gánh nặng của ký ức. Đó là một bộ phim không giống bất kỳ dự án hoạt hình nào khác trước đó hoặc kể từ đó.” – Khán giả Clement Tyler Obropta nhận xét
Để vươn tới thành công vang dội này, đội ngũ Ghibli lẫn đạo diễn Isao Takahata đã có những giờ phút sáng tạo nghệ thuật đầy tâm huyết, từng thanh âm và thước phim của Chỉ còn ngày hôm qua đều được chăm chút tỉ mỉ.
Với sự đầu tư chỉn chu trong âm thanh, hình ảnh, nội dung cùng bức thông điệp đầy ý nghĩa, Chỉ còn ngày hôm qua sẽ không khiến người xem thất vọng trong gần hai tiếng thưởng thức.
Bí Ngô
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất