Chuyện công chúa Kaguya (The Tale of the Princess Kaguya) là bộ phim chuyển thể từ bộ truyện dân gian Nàng tiên ống tre nổi tiếng của Nhật Bản. Những triết lý nhân văn sâu sắc đã góp phần làm nên kiệt tác nghệ thuật từ Studio Ghibli.
Trailer chính thức của phim Chuyện công chúa Kaguya
Bằng đường nét đơn giản nhưng tinh tế, Chuyện công chúa Kaguya mang đến cho khán giả muôn vàn thước phim sống động trên nền nhạc cổ điển. Đây là một trải nghiệm điện ảnh hoàn toàn mới mẻ so với những tác phẩm còn lại của Ghibli.
Đôi nét về bộ phim Chuyện công chúa Kaguya
Chuyện công chúa Kaguya là bộ phim hoạt hình được công chiếu vào cuối năm 2013, đánh dấu sự kết hợp hoàn hảo giữa những nét vẽ tài hoa của Studio Ghibli và truyện dân gian Nàng tiên ống tre từ Nhật Bản.
Tác phẩm được phụ trách bởi đạo diễn kiêm kịch bản Takahata Isao, người đã có thành công với các bộ phim của Ghibli như Mộ đom đóm hay Lâu đài trên không Laputa.
Tại thời điểm ra mắt công chúng, bộ phim được giới phê bình đánh giá là hội tụ đầy đủ yếu tổ để trở thành một kiệt tác, minh chứng rõ nhất cho điều này là đề cử Oscar hạng mục Phim hoạt hình hay nhất mà tác phẩm nhận được.
Khác với các bộ phim trước đó, Chuyện công chúa Kaguya là tác phẩm đánh dấu sự sáng tạo của Ghibli qua những nét vẽ tinh giản và cổ điển, phù hợp với bối cảnh câu chuyện nhưng không vì vậy mà đánh mất tính lôi cuốn.
Chuyện công chúa Kaguya đã tái hiện trên màn ảnh rộng một truyền thuyết nổi tiếng bắt nguồn từ Nhật Bản. Tác phẩm xoay quanh hành trình trở thành nàng công chúa tài sắc vẹn toàn của cô gái Kaguya sinh ra từ ống tre.
Theo chân nàng, khán giả được sống và hòa mình vào cuộc đời nhiệm màu với gia đình, bạn bè, tình yêu. Trong 137 phút, đạo diễn Takahata Isao đã khéo léo truyền tải đến người xem bức thông điệp ý nghĩa về triết lý sống nhân văn, lẽ được và mất ở đời.
Cuộc đời phi thường của nàng công chúa Kaguya
Truyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, ông lão đốn tre nọ tên Sanuki no Miyatsuko vô tình phát hiện ánh sáng chiếu rọi từ thân tre. Khi đến gần, ông bất ngờ trước một cây măng mọc lên gần đó.
“Một cây măng mọc lên trước mùa hoa mận à?”
Cây măng ấy đột nhiên phát triển nhanh chóng trước sự ngỡ ngàng của ông, nó nở ra và phát sáng cả rừng tre. Ở giữa búp măng ấy xuất hiện một cô gái tí hon khoác trên mình bộ Kimono đặc trưng từ Nhật Bản.
Sứ mệnh trở thành một nàng công chúa cao quý
Mang theo cô bé kỳ lạ về nhà, vợ chồng ông Miyatsuko tin rằng họ được ban phước bởi ông Trời. Nàng công chúa nhỏ ấy bỗng phát triển thành một đứa trẻ sơ sinh trong vòng tay của bà lão.
“- Điều này rất lạ lùng, bà biết đấy.
– Nếu con bé là một linh hồn thì sao? Cô bé trông giống gì nào? Một đứa trẻ.
– Đứng rồi!
– Nhưng vừa nãy, con bé là một công chúa! – Đó là ông Trời cho chúng ta biết con bé sẽ trở thành ai.”
Vợ chồng họ quyết định sẽ nuôi nấng đứa trẻ ấy như con ruột của mình. Cô bé lớn nhanh trông thấy khiến cha mẹ vô cùng kinh ngạc, các cậu bé quanh đó thì gọi cô với biệt danh “búp măng”.
Cuộc sống cứ thế trôi qua, cô bé ấy nay đã biết chạy nhảy đồng thời có những người bạn của riêng mình. Trong đó có thể kể đến Sutemaru, người anh tốt bụng đã từng ra tay giúp đỡ và có mối quan hệ đặc biệt thân thiết với cô.
Trong một lần đốn tre, ông Miyatsuko vô tình tìm thấy vàng và tấm lụa lộng lẫy ở rừng trúc giống như cách lão tìm thấy đứa con gái của mình. Hai vợ chồng họ nghĩ đây là ý nguyện của ông Trời muốn cô trở thành nàng công chúa cao quý.
Những tấm vải lụa xinh đẹp kia sẽ được khoác lên người cô bé, số vàng là để xây dinh thự lớn. Ông lão quyết định cả gia đình sẽ chuyển lên kinh thành để cô được sống như một quý tộc thực sự, điều này cũng đồng nghĩa với việc nàng phải rời xa bạn bè.
“Ở đây, con bé sẽ chỉ là một cô gái quê. Sống với quý tộc như một công chúa thực sự, con bé sẽ hạnh phúc. Dù gì, đó cũng là mong muốn của ông trời.”
Kể tử đó, cô được sống trong dinh thự rộng lớn ở kinh thành với đầy đủ quần áo đẹp cùng những người hầu luôn luôn ở bên mình. Vợ chồng ông Miyatsuko còn mời quý bà Sagami từ hoàng cung để dạy cho nàng cách trở thành một công chúa đúng nghĩa.
Tuổi trưởng thành của nàng công chúa Kaguya
Dù vậy, cô mặc kệ những quy tắc giới quý tộc để thoải mái tìm kiếm niềm vui quanh mình. Cha mẹ đã mời về một bô lão để đặt tên cho cô bé, lắng nghe tiếng đàn koto trên ngón tay thoăn thoắt, ông ta đề nghị tên là công chúa Kaguya.
Theo nghi thức vấn tóc và mặc váy dài sát đất, vợ chồng ông Miyatsuko quyết định tổ chức bữa tiệc linh đình với số lượng lớn khách khứa để chúc mừng cho tuổi trưởng thành và tên mới của con gái.
Trong bữa tiệc ấy, Kaguya vô tình nghe được lời chế giễu rằng, cha đang cố gắng biến nàng thành một công chúa bằng tiền bạc. Điều này đã khiến cô vô cùng thất vọng và phi thật nhanh ra khỏi kinh thành, trở về ngọn núi ngày xưa.
“- Nhưng nếu ngọn núi thật sự đã chết thì sao?
– Nó không chết đâu. Bây giờ, cây đang chờ cho mùa xuân trở lại.”
Công chúa Kaguya cố gắng tìm anh Sutemaru và những người bạn khác nhưng chẳng có ai ở đó cả. Nàng cũng biết được rằng, phải đến mười năm sau họ mới trở lại nơi đây. Kaguya trở về và gục ngã giữa tuyết trắng xóa, lúc tỉnh dậy thì thấy mình vẫn đang ở trong bữa tiệc.
Thế nhưng, cô như trở thành người khác kể từ ngày hôm ấy và tuân thủ những quy tắc của một công chúa mà trước giờ bản thân chống đối khi trang điểm lông mày, răng được tô đen nhánh. Kaguya cố gắng nỗ lực hết mình cho việc học trong sự im lặng trầm tư.
Lời truyền tụng về vẻ đẹp tuyệt trần của công chúa Kaguya ngày càng được lan rộng, đám đông lớn tụ tập bên ngoài dinh thự với hy vọng bắt gặp một cái liếc mắt từ nàng, họ đua nhau gửi lời cầu hôn đến Kaguya.
Trong đó, năm người đàn ông cao quý nhất vương quốc cũng đến tận nơi để có thể được chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấy và cầu hôn công chúa Kaguya. Đứng trước lời đề nghị từ những người lạ mặt ấy, nàng vô cùng bối rối.
“- Họ đều là những người quyền quý nhất. Người sẽ không lầm nếu chọn bất kỳ ai trong số họ. Vì vậy, công chúa hãy chọn một người người muốn.
– Dù ta không biết họ?
– Tất nhiên. Một quý ông đưa ra lời cầu hôn và cả hai sẽ gặp nhau vào ngày cưới. Nếu người chọn một trong năm quý tộc này, người sẽ rất hạnh phúc!
– Hạnh phúc? Tôi chưa muốn kết hôn với ai.”
Dù họ hứa sẽ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để có được Kaguya nhưng nàng kiên quyết từ chối và khẳng định mình chỉ cưới người mang về những báu vật thần thoại mà họ đã hết lời ví nàng với chúng.
Tưởng chừng điều ấy không bao giờ xảy ra thì có vị quý tộc đem báu vật quý hiếm ấy đến. Trớ trêu thay chúng là đồ giả, còn những vị khác thì hoặc hèn nhát mà bỏ cuộc, hoặc dùng lời lẽ hoa mĩ để dụ dỗ nàng, lại có người qua đời vì mải tìm kiếm chúng.
Công chúa Kaguya đã hoàn toàn suy sụp khi nghe tin một vị quý tộc vì nàng mà phải rời xa trần thế. Những lời đồn đoán về vẻ đẹp chim sa cá lặn ấy truyền đến tai hoàng đế, thậm chí ngài còn đích thân đến dinh thự để bắt Kaguya về làm vợ.
Khi thấy hoàng đế xuất hiện tại nhà mình, công chúa Kaguya vô cùng hoảng hốt. Thế nhưng nàng thoắt ẩn, thoắt hiện một cách thần kỳ trước sự ngạc nhiên của ngài.
Nhận ra bản thân quá ích kỷ, vị vua đã từ bỏ ý định lấy nàng. Kể từ đó, mỗi đêm khi mặt trăng ló dạng, công chúa sẽ thẫn thờ nhìn lên mặt trăng mà nước mắt chảy dài.
Tìm về hạnh phúc trong Chuyện công chúa Kaguya
“Mono no Aware” là cụm từ miêu tả chính xác nhất cho dòng cảm xúc xuyên suốt bộ phim Chuyện công chúa Kaguya, nó chỉ về hạnh phúc ngắn ngủi, nỗi buồn nhẹ nhàng và sự phù du của kiếp người.
Thưởng thức tác phẩm của Ghibli, khán giả được chứng kiến cuộc đời Kaguya vụt qua thật nhanh mà cũng vô cùng chóng vánh. Đã bao lần nàng tự hỏi về chữ hạnh phúc thực sự giữa đời, thế nhưng chẳng có một câu trả lời cụ thể nào.
Hạnh phúc ngắn ngủi giữa cuộc đời vô thường
Cuộn phim cuộc đời của công chúa Kaguya liên tục phải trải qua những mâu thuẫn đối lập giữa hiện thực và mong muốn. Nàng khao khát trở về ngọn núi xưa, đoàn tụ cùng đám bạn nhưng nó chỉ xảy ra trong mơ.
Kaguya từ chối những quy tắc đặt ra cho một công chúa nhưng cuối cùng, nàng vẫn phải chấp nhận nhổ lông mày, nhuộm răng đen để phù hợp với tiêu chuẩn cái đẹp bấy giờ.
Ngày xuân ngắm hoa anh đào, Kaguya đã gặp lại Sutemaru người bạn cũ trong tình huống éo le, thế nhưng đành ngồi bất lực trong kiệu nhìn anh bị đánh. Điều mà công chúa khao khát lại vụt mất đầy hối tiếc giữa cuộc đời vô thường.
Giây phút Kaguya lao ra khỏi dinh thự để trở về ngọn núi xưa nhưng Sutemaru và những đứa trẻ không còn ở đó đã gợi nhắc về hạnh phúc của quá khứ tươi đẹp mà nàng từng trải qua.
Tuy nhiên, dù kỷ niệm ấy có đẹp đẽ đến mấy thì nó cũng phải đi đến hồi kết, hạnh phúc của nàng trôi qua thật ngắn ngủi. Kaguya, Sutemaru và cả những đứa trẻ phải trưởng thành, phải tiếp tục sống.
Công chúa Kaguya trở về cuộc sống hiện thực, chấp nhận nó và chờ đợi hạnh phúc, tiếc thay đó chỉ là ước mơ viển vông. Bởi không ai nói cho nàng biết liệu hạnh phúc ấy có đến hay không, ngày Kaguya cùng đám trẻ nấu súp gà ăn sẽ chẳng thể xảy ra.
Thế nhưng khi công chúa Kaguya tìm về thân phận thực sự của mình, dù chỉ là giây phút ngắn ngủi cuối cùng thì nàng vẫn trân trọng hạnh phúc và tình yêu bé nhỏ mà bản thân có được lúc ấy.
Lựa chọn con đường đi đến hạnh phúc của công chúa Kaguya
Ngay từ đầu, việc Kaguya trở thành nàng công chúa đã được sắp đặt như định mệnh, vàng và vải lụa quý giá mà ông Miyatsuko tìm được trong rừng chính là minh chứng cho số phận ấy.
Dẫu là công chúa hay cô gái bình thường, Kaguya cũng gặp phải mâu thuẫn trên hành trình đi tìm hạnh phúc. Đó là xung đột giữa chuẩn mực xã hội và khao khát tự do, giữa khuôn phép của cha và thế giới rộng lớn.
Dù khao khát cuộc sống tự do, công chúa Kaguya vẫn đặt bổn phận cùng chữ hiếu lên đầu. Trong phân đoạn chập chững bước đi, giữa tiếng “búp măng” của những đứa trẻ trong xóm và tiếng “công chúa” từ ông Miyatsuko, nàng vẫn chọn cha mình.
Tuy lúc ấy phân vân nhưng Kaguya đã quyết định trở thành một cô công chúa. Ngôi nhà nhỏ bé ở đồi núi chính là nơi nàng tìm được hạnh phúc thật sự, bởi vì nơi ấy chứng kiến Kaguya lớn lên nhanh bất thường.
Đến khi trở về dinh thự, khán giả không còn thấy nàng mau lớn như lúc ở quê. Điều này chứng tỏ, công chúa Kaguya biết rõ về nơi cất giấu hạnh phúc của mình, dù vậy nàng vẫn sẵn sàng bỏ mặc nó để hoàn thành trách nhiệm và bổn phận.
Nàng chỉ sống hạnh phúc khi đã hiểu về số phận và định mệnh của bản thân. Kaguya kiên quyết trở về và tìm Sutemaru, tận hưởng hạnh phúc thực sự từ tình yêu, tự do dù trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, tựa như giấc mơ.
Công chúa Kaguya và tình yêu với hồng trần
Xuất phát từ dân gian, Chuyện công chúa Kaguya dưới bàn tay Takahata Isao đã tiếp nối mô-típ quen thuộc trong văn hóa Đông phương, mối nhân duyên ngang trái giữa tiên giới và phàm trần.
Thế nhưng, khác với các tác phẩm nghệ thuật khác thì người tình của Kaguya không phải một chàng trai nào đó mà là trần gian. Nơi ấy chứa đựng muôn vàn tình yêu, hạnh phúc, niềm vui bên cạnh nỗi buồn đau.
Dù ngày nhỏ nàng từng có mối tình thật đẹp, thế nhưng hành trình lớn lên giữa vẻ đẹp tinh tú của nhân thế lại khiến Kaguya bị mê đắm bởi cõi hồng trần. Nàng đã hối hận khi cố gắng đi tìm lời đáp cho câu hỏi, mình là ai và thuộc về đâu.
Kaguya biết hành trình tìm kiếm câu trả lời ấy sẽ khiến bản thân phải rời xa trần thế, mà vốn dĩ Kaguya chưa bao giờ muốn điều đó xảy ra. Khi nhận ra dương gian đã chiếm trọn tình yêu nơi trái tim thì mọi thứ đã muộn.
Sự gợi nhớ về nghệ thuật truyền thống Nhật Bản
Điều khiến Chuyện công chúa Kaguya khác biệt hoàn toàn so với các bộ phim còn lại từ Studio Ghibli là nét vẽ tinh giản, mộc mạc nhưng vẫn để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả.
Đạo diễn Takahata Isao tái hiện câu chuyện dân gian về nàng tiên ống tre thông qua các bức tranh vẽ tay mang đậm bản sắc của hội họa truyền thống Nhật Bản. Những đường nét ký họa xếp chồng hay màu sắc tiết chế, tất cả đều tạo thêm phần chân thật.
Chính Chuyện công chúa Kaguya đã hồi sinh truyện cổ Nhật Bản qua nét vẽ hoạt hình đầy tính sáng tạo và đột phá. Các thước phim đều cân đối, hài hòa, chỉn chu mà không nhàm chán.
Những họa sĩ của bộ phim thật tài tình trong việc thể hiện từng biểu cảm của công chúa Kaguya, đường nét thanh mảnh đã tạo nên vẻ đẹp duyên dáng, yêu kiểu cho nàng. Nét vẽ phóng khoáng, rộng tay lại nhấn mạnh vào sự tự do trong tâm hồn cô.
Khác với gam màu mạnh, đường nét dứt khoát trong Gió nổi hay Cô bé người cá Ponyo, Chuyện công chúa Kaguya chính là bước đột phá từ Ghibli với màu nước mờ nhạt cùng đường nét đơn sơ. Điều này đã tạo nên chất thơ, nhẹ nhàng và thanh thoát cho tác phẩm.
Để làm nên một tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa Nhật Bản thì phần âm nhạc trong bộ phim cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Những bài ca, bản đàn mang màu sắc dân gian, hồn nhiên và rộn rã đã in dấu nhiều dư âm nơi khán giả.
Nhạc nền Chuyện công chúa Kaguya được sáng tác bởi nhạc sĩ Joe Hisaishi, cái tên quen thuộc trong những tác phẩm từ Studio Ghibli. Âm nhạc như tiếng suối róc rách trong bức tranh sơn thủy dung dị của đường nét mà các họa sĩ đã vẽ nên.
Chuyện công chúa Kaguya và những thành công đột phá
Tuy không đạt nhiều thành công rực rỡ về mặt doanh thu nhưng Chuyện công chúa Kaguya lại giành được vị trí đặc biệt trong lòng người hâm mộ lẫn giới chuyên môn trên thế giới.
Tác phẩm từng chiến thắng ở hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất tại Mainichi Film Awards và L.A Film Critics Award. Không chỉ vậy, bộ phim còn được đề cử hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc của giải thưởng danh giá trên đất Mỹ, Oscar.
“Chuyện công chúa Kaguya được vẽ một cách tinh xảo bằng cả sự tinh tế của màu nước và cảm giác nhạy cảm của đường nét.” – Nicolas Rapold của tạp chí The New York Times ca ngợi bộ phim
Với 100% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes, bộ phim lẫn đạo diễn kiêm biên kịch Takahata Isao đã nhận về vô số lời ca ngợi nồng nhiệt từ giới chuyên môn Nhật Bản lẫn Bắc Mỹ.
“Tự hào về chiều sâu câu chuyện, sự trung thực thẳng thắn và vẻ đẹp hình ảnh tinh tế, Chuyện công chúa Kaguya là một kho tàng hoạt hình hiện đại với sức hấp dẫn vượt thời gian.” – Trích một đánh giá trên Rotten Tomatoes
Với những triết lý sống nhân văn cùng đồ họa đột phá và thanh âm dân dã mà Chuyện công chúa Kaguya mang lại, tác phẩm đã chiều lòng các khán giả khó tính nhất, đồng thời để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng người hâm mộ.
Bí Ngô
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất