Người hầu gái hay The Handmaiden là bộ phim điện ảnh thuộc thể loại chính kịch, lãng mạn do đạo diễn Park Chan Wook chỉ đạo sản xuất, phim được ra mắt vào năm 2016.
Trailer chính thức của phim Người hầu gái
Sở hữu cốt truyện giật gân, kịch tính và được “nhào nặn” tỉ mỉ, chỉn chu dưới “bàn tay phù thuỷ” của vị đạo diễn lừng danh khắp châu Á, Người hầu gái đã trở thành một kiệt tác không chỉ gói gọn trong khuôn khổ điện ảnh Hàn Quốc mà còn lan rộng ra thị trường quốc tế.
Nhờ lối khai thác kịch bản hấp dẫn, dàn diễn viên xuất chúng và thông điệp ẩn chứa trong từng hình ảnh biểu trưng cùng lời thoại ẩn ý mà tác phẩm đã “oanh tạc” khắp mọi mặt trận từ doanh thu phòng vé cho đến những giải thưởng hàn lâm.
Mặc dù là bộ phim “kén” người xem nhưng Người hầu gái vẫn thành công chinh phục trái tim khán giả đồng thời để lại vô vàn ý kiến trái chiều về nội dung của dự án phim điện ảnh đặc biệt này.
Người hầu gái là kiệt tác được sáng tạo bởi đạo diễn bậc thầy Park Chan Wook
Đối với giới mộ điệu, Park Chan Wook dường như không còn là cái tên xa lạ bởi ông chính là người đã tạo nên các siêu phẩm từng rung chuyển cả nền điện ảnh châu Á một thời.
Đến với thế giới của vị đạo diễn, nhà biên kịch kiêm nhà sản xuất lẫy lừng này, công chúng có dịp chứng kiến những sự kiện, hiện tượng dị biệt của xã hội cùng chuỗi phản ứng tâm lý phức tạp được tái hiện thông qua hàng loạt thước phim táo bạo, gây ấn tượng mãnh liệt.
The Vengeance Trilogy bao gồm Sympathy for Mr. Vengeance (2002), Oldboy (2003), Sympathy for Lady Vengeance (2005) và Thirst (2009) là các đại diện tiêu biểu mà người ta vẫn thường hay nhắc đến mỗi khi nói về Park Chan Wook để minh chứng cho tư duy làm phim vượt bậc của ông.
Những dự án làm nên tên tuổi Park Chan Wook đều thể hiện rõ phong cách quen thuộc hay đề tài mà ông ưa chuộng là sự báo thù cực đoan, tập hợp các yếu tố cấm kỵ và xu hướng bạo lực tàn khốc.
Dàn nhân vật nắm giữ “linh hồn” tác phẩm do vị đạo diễn tài ba xây dựng nên không theo một hệ thống triết lý, tư tưởng cố định nào, họ chỉ là những con người bình thường bị dồn đến bước đường cùng và bắt đầu nảy sinh hàng loạt hành vi điên loạn mang tính chất huỷ hoại không tưởng.
Chính vì sự nặng nề trong phong cách khai thác kịch bản, nhân vật, phim của Park Chan Wook vừa là tấm gương soi chiếu xã hội, vừa là “bức thư” thách thức khả năng chịu đựng, thấu hiểu ý tưởng dành cho giới phê bình và công chúng.
Năm 2016, Park Chan Wook tái ngộ giới mộ điệu bằng dự án phim điện ảnh Người hầu gái, chuyển thể từ tiểu thuyết Fingersmith được sáng tác năm 2002 bởi tác giả Sarah Waters.
Trước Người hầu gái, Fingersmith từng được tái hiện trên màn ảnh nhỏ bởi Aisling Walsh vào năm 2005. Tuy đã gặt hái những thành quả nhất định song Fingersmith vẫn chưa hội tụ đủ tiềm năng để trở thành một tác phẩm vang danh thế giới.
Chỉ khi Park Chan Wook quyết định làm lại bộ phim và thay đổi bối cảnh thời Victoria sang Triều Tiên vào đầu thế kỷ hai mươi thì câu chuyện thú vị này mới bùng nổ nhanh chóng và là mốc son chói lọi trong gia tài sự nghiệp đồ sộ của ông.
Bên cạnh đó, Người hầu gái có thể được xem như một bước tiến nghệ thuật nổi trội sau The housemaid (1960) do đạo diễn Kim Ki Young cầm trịch và phiên bản làm lại cùng tên vào năm 2010 dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Im Sang Soo.
Với cốt truyện xoay quanh nhân vật nữ hầu gái, bản năng tình dục nguyên thủy và những hiện tượng xấu xa trong xã hội, The housemaid năm 1960 và năm 2010 đã khiến khán giả đương thời choáng ngợp bởi tính hiện đại, trần trụi vượt thời đại của nó.
Đề tài quen thuộc sử dụng đòn bẩy là dòng phim erotic (khiêu dâm nghệ thuật) nhưng với hình tượng nữ hầu khôn ngoan, mạnh mẽ hơn, Người hầu gái (2016) của Park Chan Wook lại một lần nữa nhấn mạnh tình dục là nhu cầu khởi sinh, không ngoại lệ với bất kỳ giới nào cũng như cung cấp cho khán giả một cái nhìn mới mẻ về phong trào nữ quyền.
Người hầu gái kể về những cái bẫy hiểm hóc và các toan tính đầy phức tạp
Người hầu gái lấy bối cảnh vào năm 1930 khi phát xít Nhật đang chiếm đóng Triều Tiên, hệ thống giá trị văn hoá từ mỹ miều đến dâm dật của Nhật Bản, phương Tây dần du nhập vào Triều Tiên và trở thành tiền đề cho bi kịch của những người phụ nữ “chân yếu tay mềm” lúc bấy giờ.
Bộ phim mở đầu bằng hình ảnh Sook Hee (Kim Tae Ri thủ vai), nữ đạo chích mồ côi với biệt tài móc túi thành thạo chia tay “gia đình” mình để đến làm người hầu gái mới cho Hideko (Kim Min Hee thủ vai).
Hideko là một tiểu thư xinh đẹp, thanh nhã được nuôi dạy dưới sự hà khắc, bệnh hoạn của Kouzuki (Cho Jin Woong thủ vai), tay quý tộc “rởm” dối trá, biến thái.
Khi vừa mới chuyển đến dinh thự, Sook Hee đã bị bầu không khí u ám, rùng rợn của toà nhà rộng lớn làm cho hoảng sợ.
Bóng tối bao trùm, hành động kỳ quặc của Sasaki (Kim Hae Sook thủ vai), nữ quản gia nhà Kouzuki và tiếng gõ cửa bất ngờ là những nhân tố khiến tên trộm “lão làng” Sook Hee phải co rúm trong gian phòng nhỏ dành cho kẻ hầu người hạ.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Hideko và Sook Hee diễn ra khi cô gái nhỏ nhắn đang chìm trong giấc ngủ thì vô tình nghe thấy tiếng thét tuyệt vọng của Hideko. Sự hoảng loạn khi bị đánh thức bởi những cơn ác mộng đã cho thấy Hideko không chỉ là một nàng thơ với vẻ ngoài mỏng manh mà còn có trái tim thuần khiết, yếu ớt.
Bắt đầu từ khoảnh khắc ấy, Hideko và nữ hầu dần trở nên thân thiết với nhau hơn và dường như khoảng cách về địa vị trong mối quan hệ chủ tớ cũng bị xóa nhòa.
Nàng tiểu thư điềm đạm thường hay chia sẻ những bộ trang phục tuyệt trần và trang sức đắt tiền cho Sook Hee mà không mảy may đòi hỏi sự đền đáp gì.
Xuất phát từ cách biệt giai tầng lẫn tính cách trái ngược khi Hideko dịu dàng và tao nhã còn Sook Hee lại tinh nghịch và mạnh mẽ, Hideko dường như luôn dựa dẫm vào sự quan tâm, săn sóc tỉ mẩn của cô nữ hầu nghèo khổ.
Qua một lần Sook Hee chuẩn bị bồn tắm cho tiểu thư, mối quan hệ giữa hai người con gái truyền thống rẽ sang một chương khác khi họ nhận ra mình có tình cảm đặc biệt với đối phương.
Tình yêu và những dục vọng cháy bỏng trong trái tim họ bừng lên khi Hideko không ngừng khát khao Sook Hee và cô hầu gái cũng thể hiện sự tôn thờ vị tiểu thư kiều diễm.
Thế nhưng đây lại là mối tình trắc trở bởi trớ trêu thay, Hideko phải kết hôn với bá tước Fujwara, nhà quý tộc lịch lãm, điển trai người Nhật Bản.
Sự khéo léo trong tài năng dẫn dắt cốt truyện của Park Chan Wook đã bùng nổ khi công chúng tưởng chừng mạch phim sẽ hoàn toàn đi theo đúng dự đoán của bản thân cho đến khi ngỡ ngàng trước sự thật hé mở.
Sook Hee thực chất là tên trộm đã hợp tác cùng với Fujiwara (Ha Jung Woo thủ vai) để lừa gạt Hideko, đưa Hideko vào bệnh viện tâm thần hòng đạt mục đích chiếm toàn bộ tài sản nàng tiểu thư được thừa kế.
Mặc dù có cuộc sống không mấy vui vẻ, nhan sắc quyến rũ và khối gia tài kếch xù mà Hideko thừa hưởng từ người mẹ quá cố là chiếc nam châm thu hút sự chú ý của vô vàn người đàn ông thuộc giới quý tộc. Fujiwara, tay bá tước điển trai luôn ôm mộng chiếm hữu Hideko và gia tài của nàng cũng là một trong số đó.
Từ đây, bí mật đầu tiên dần được vén màng với những âm mưu tinh vi và đầy ác độc của đôi đạo chích giả mạo.
Thực chất, Fujiwara không phải là người Nhật Bản và cũng không phải là một quý ông lịch lãm như những gì gã ta thể hiện.
Fujiwara mang dòng máu Triều Tiên, xuất thân bần hèn và luôn bị chà đạp dưới đáy xã hội, gã quyết định ngụy trang thành bá tước và “học lỏm” cung cách của tầng lớp thượng lưu với hy vọng đổi đời.
Gã nỗ lực lập ra một kế hoạch hoàn hảo để kết hôn với Hideko, nhốt nàng vào nhà thương điên rồi cao chạy xa bay với khối tài sản trong tay.
Cùng lúc đó, cộng sự Sook Hee sẽ được quyền sở hữu toàn bộ trang phục, trang sức cũng như một phần tiền lớn từ “phi vụ” bất chính này.
Như vậy, bằng phương thức kể chuyện tài ba, Park Chan Wook đã đưa khán giả đến với cái bẫy méo mó đầu tiên khi thể hiện mọi thứ không như những gì mà người xem đã đoán trước.
Sook Hee liên tục tìm cách thao túng tâm lý Hideko, dụ dỗ nàng tiểu thư ngây thơ tin rằng nàng yêu bá tước Fujiwara và khuyến khích nàng hãy kết hôn với gã dù bản thân Sook Hee cũng đem lòng thương nhớ Hideko.
Đồng thuận với Sook Hee và bất lực trước số phận, Hideko đành phải lấy Fujiwara, quên đi mối tình bị coi là lệch chuẩn và “sớm nở chóng tàn” ấy.
Kế hoạch đã chín muồi, Fujiwara và Sook Hee thuê các bác sĩ để khai báo giả về tình trạng tâm lý của Hideko. Sau đó, họ đưa vị tiểu thư đến một trại thương điên với dự định tiễn biệt cô gái nhưng không ngờ rằng một plot twist khác xảy ra khi người bị bắt nhốt lại là Sook Hee.
Hàng loạt pha đảo ngược tình thế ngoạn mục liên tục được khắc hoạ trên màn ảnh khiến công chúng phải ngỡ ngàng với những cái bẫy chồng chất và những lớp âm mưu xảo quyệt, gian trá.
Người hầu gái được chia làm ba hồi, mỗi hồi kể theo góc nhìn của một nhân vật nhất định, đi từ Sook Hee, Hideko đến Fujiwara.
Thông qua câu chuyện phi tuyến tính này, giới mộ điệu được dịp trải nghiệm cảm giác phấn khích, rùng rợn khi tình tiết trở nên rối rắm, phức tạp theo từng giây, từng phút để rồi “nút mở” sau cao trào nghẹt thở đã khiến cho người xem phải “tâm phục khẩu phục” hoàn toàn.
Dòng phim erotic và nghệ thuật truyền tải thông điệp về tình dục của phái nữ
Erotic (khiêu dâm nghệ thuật) vốn không phải là một thể loại mới mẻ trong nền điện ảnh thế giới, đã có nhiều nhà làm phim mạnh dạn đưa yếu tố tình dục vào tác phẩm để khắc họa vẻ đẹp của nhu cầu tự nhiên ấy.
Mặc dù những tranh cãi xoay quanh câu chuyện khoái cảm vẫn luôn diễn ra từ nhiều thập kỷ trước đến tận ngày nay, sự thật cho thấy các nhà phê bình phim và giới mộ điệu đang dần cởi mở hơn với dòng phim này.
Park Chan Wook đã không e ngại làn sóng phản đối khi “tạo hình” cho Người hầu gái bằng một đề tài nóng bỏng mà đầy hiểm hóc.
Dự án phim điện ảnh này không bất chấp đặt yếu tố “gợi tình” ở vị trí trung tâm để thu hút khán giả hay gây ra những bê bối không đáng có mà ngược lại, ông có chủ đích rõ ràng, cụ thể trong việc thể hiện bản năng tình dục của phái nữ thông qua Người hầu gái.
Xây dựng kịch bản với hệ thống quan điểm có phần đi ngược lại so với tư tưởng của xã hội phương Đông, nơi việc phái nữ bộc lộ nhu cầu tình dục thường bị đánh giá vô cùng khắt khe, Park Chan Wook không ngần ngại đưa các “cảnh nóng” của Hideko và Sook Hee lên màn ảnh, khắc họa khao khát dục vọng và nét đẹp của sự đồng thuận trong việc quan hệ tình dục.
Người hầu gái giải phóng phụ nữ khỏi xiềng xích tư tưởng xưa cũ và đồng thời giải phóng bản năng tình dục của các nhân vật nữ dưới góc nhìn tự nhiên, nhẹ nhàng mà mãnh liệt, nồng cháy.
Bên cạnh cảnh nóng của Hideko và Sook Hee thì một số phân đoạn gợi dục giữa Fujiwara với các nhân vật nữ cũng được đề cập một cách trần trụi, trực diện.
Sự khiêu dâm được thể hiện như một nhân tố quan trọng kết hợp song song với các nhân tố khác và đồng hành xuyên suốt cốt truyện để chuyển tải thông điệp của Park Chan Wook.
Các yếu tố khơi gợi ham muốn thể xác xuất hiện trong chính Hideko, Sook Hee, Kouzuki, Fujiwara, kho tàng dâm thư, hình ảnh biểu trưng như rắn, bạch tuộc và vô vàn chi tiết khác.
Tuy nhiên, Người hầu gái hoàn toàn không phải là một bộ phim gợi dục thông thường và bằng tài năng của mình thì Park Chan Wook đã khiến cho tác phẩm trở thành một kiệt tác nghệ thuật phản ánh những điều trần tục một cách rất tinh tế, điệu nghệ.
Người hầu gái là bản tình ca mãnh liệt giữa hai trái tim đong đầy khao khát
Mặc dù sở hữu nhiều tầng âm mưu phức tạp và vô vàn cái bẫy được cài cắm xuyên suốt bộ phim thì trên một số phương diện nhất định, Người hầu gái vẫn là bản tình ca mãnh liệt kể về hai trái tim thiếu nữ với sự si mê đong đầy dành cho nhau.
Tuy Hideko và Sook Hee bắt đầu mối quan hệ bằng các toan tính dối trá, hai người dần dần nhận ra rằng đối phương là tất cả những gì mình cần để thỏa mãn nhu cầu “yêu và được yêu” của một con người bình thường.
Tình yêu ấy chớm nở từ giây phút Sook Hee an ủi Hideko bằng đôi mắt ướt lệ và những lời nói vô cùng chân thành, ấm áp khi Hideko tâm sự về hoàn cảnh của mình.
“Một đứa trẻ không hề có lỗi khi nó được sinh ra trên cõi đời này. Nếu như mẹ của tiểu thư vẫn còn sống, người sẽ nói rằng người rất may mắn khi có thể hạ sinh tiểu thư trước khi qua đời, không còn điều gì mãn nguyện hơn thế nữa.”
Song song đó, họ nhận ra khát khao của mình khi cả hai ngày càng mạnh dạn với những cử chỉ, chạm va hơn. Thậm chí trong một lần gần gũi, Hideko đã thủ thỉ rằng nàng không ngờ nụ hôn của Sook Hee lại ngọt ngào đến vậy, ngay cả vị kẹo đắng cũng trở nên ngọt lịm trên đôi môi nàng hầu bé nhỏ.
Ngay từ những giây phút đầu khi mới lộ diện, Hideko luôn mang vẻ mặt lạnh lùng, u sầu, nàng không bao giờ cười và kiệm lời với hầu hết mọi người xung quanh.
Đến lúc đem lòng yêu Sook Hee rồi thì vị tiểu thư kiêu ngạo mới hạ dần “tấm khiên phòng thủ” và gần như luôn mất đi sự kiềm chế mỗi khi được ở bên Sook Hee.
Tình yêu của Hideko nồng cháy bao nhiêu thì tình yêu của Sook Hee cũng nhiệt thành bấy nhiêu, vốn mồ côi và được nhận nuôi bởi những kẻ chuyên hành nghề móc túi, bịp bợm, cả cuộc đời cô dường như đều tràn đầy sự phỉnh lừa cho đến khi cô phải lòng Hideko.
Người hầu tự tin, khôn khéo nhưng lại ngây thơ trong chuyện tình cảm khi không thể che giấu đi sự ghen tuông mỗi khi bá tước Fujiwara tiếp cận vị tiểu thư của mình.
Vào khoảnh khắc Hideko và Sook Hee cùng “ngả bài” để cho đối phương thấy rõ con người thật sự, cả hai quyết định tin tưởng nhau vô điều kiện.
Niềm tin ấy lớn đến nỗi Sook Hee chấp nhận bị nhốt ở trại tâm thần vì cô hầu gái chắc chắn rằng Hideko sẽ không bỏ rơi cô.
Phân cảnh Hideko định quyên sinh trên cây hoa anh đào và Sook Hee vội vã đến giải cứu vừa buồn bã, vừa pha chút hài hước và bắt đầu từ giây phút ấy, giữa hai người đã không còn những hiểu lầm hay sự gian dối nào nữa.
Hầu hết bộ phận công chúng không thể phủ nhận rằng mối tình của Hideko và Sook Hee vô cùng đẹp đẽ khi cả hai chính là “nguồn suối chữa lành” tinh khiết cho đối phương.
Khi tính nữ và nữ quyền được đặt lên cùng một bàn cân
Để đạt được những thành tích quý giá, Người hầu gái không chỉ là một tác phẩm với bức tranh tình yêu, tình dục táo bạo mà còn ẩn chứa vô vàn thông điệp sâu sắc, nổi bật trong đó là câu chuyện nữ quyền dưới góc nhìn đầy chiều sâu.
Từ trước đến nay, nữ quyền không còn là một đề tài xa lạ khi nó đã diễn ra hàng thế kỷ và liên tục được tái hiện trên màn ảnh nhỏ.
Tuy nhiên, đi cùng với mặt tích cực thì phong trào này cũng tồn tại các tranh cãi, bất cập khi người ta có xu hướng đề cao người phụ nữ quá mức và vùi dập giá trị của đàn ông.
Khác với những tư tưởng sai lệch, thiển cận ấy, Park Chan Wook và Người hầu gái đã tiếp cận đề tài này một cách khéo léo, khôn ngoan khi đặt yếu tố “tính nữ” cùng chủ nghĩa “nữ quyền” lên cùng một bàn cân, cho thấy sự cân bằng giữa hai yếu tố này trong chính nhân cách của Hideko và Sook Hee.
Phương Đông truyền thống là cái nôi nuôi dưỡng sự nữ tính, mềm mại của phái nữ song đồng thời cũng mang tính độc hại khi một số quốc gia vào thời xa xưa đã đề cao chế độ phụ quyền và coi thường giá trị người phụ nữ.
Phim lấy bối cảnh vào những năm ba mươi của thế kỷ hai mươi, khi đất nước Triều Tiên đang lâm vào loạn lạc và danh phận của phái nữ không được coi trọng.
Họ ngậm ngùi chấp nhận cảnh chồng chung, chấp nhận việc bị bán làm nữ hầu hay thậm chí là bị xem như món đồ chơi thỏa mãn dục vọng cánh đàn ông.
Chính vì những lề lối hà khắc, cổ hủ mà Hideko bị buộc sống trong toà dinh thự tối tăm suốt mấy mươi năm cuộc đời.
Ngay từ thời thơ bé, nàng đã phải chứng kiến cảnh chú Kouzuki trừng phạt vợ mình cũng như phải chịu sự bạo hành từ người đàn ông quái gở này.
Kouzuki ép vợ đọc dâm thư cho các quý tộc khác nghe và sẵn sàng trừng phạt vợ khi người đàn bà tội nghiệp không hoàn thành đúng nhiệm vụ của bản thân.
Bên cạnh đó, vì mục đích duy trì và thỏa mãn thú vui bệnh hoạn nên Kouzuki tiếp tục sai bảo vợ dạy cho Hideko đọc dâm thư khi cô vẫn còn là đứa trẻ ngây thơ, thuần khiết.
Không thể chống cự lại trước uy quyền của người đàn ông vốn được xem là trụ cột gia đình, vợ Kouzuki (Moon So Ri thủ vai) và Hideko đành nhẫn nhục với thói quen sinh hoạt bất thường.
Sau nhiều năm cầm cự, vợ Kouzuki dần tuyệt vọng, hoảng loạn rồi ra đi một cách đầy bí ẩn bên cây hoa anh đào lộng lẫy trong toà dinh thự. Kể từ đó về sau, Hideko trở thành người thừa kế vị trí và tiếp tục sống dưới thân phận là “con rối” bị điều khiển bởi bàn tay Kouzuki.
Vẻ đẹp thu hút vô vàn sự chú ý không cần thiết và tâm hồn mục ruỗng, vô cảm của Hideko dường như giày vò nàng mỗi ngày. Ám ảnh trước cái chết của người dì quá cố và tầng hầm tội lỗi của Kouzuki, Hideko không dám trốn khỏi toà dinh thự.
Khán giả có thể nhìn thấy nét nữ tính và sự yếu đuối bên trong Hideko qua từng cử chỉ, lời nói và tư duy của nàng. Tuy nhiên, khi bị dồn vào đường cùng, ngay cả một người phụ nữ yếu đuối nhất cũng có thể vùng dậy mà chiến đấu cho sự khát khao và niềm tin nơi trái tim họ.
Cuộc sống Hideko luôn là những mảng màu u tối cho đến khi Sook Hee bước vào đời nàng và tô điểm lên đó bao vệt màu tươi sáng. Nàng không còn cô độc, không còn vô hồn và niềm ao ước tự do mãnh liệt vốn bị chôn vùi trong tâm trí bấy lâu nay đã trỗi dậy.
Từ lúc này, Park Chan Wook khiến công chúng bất ngờ bởi hình ảnh mạnh mẽ, dũng cảm và thông minh của Hideko, nàng lập nên những kế hoạch “động trời” và can đảm nắm tay Sook Hee để phá hủy toàn bộ dâm thư mà Kouzuki xem như báu vật.
Rõ ràng, sức mạnh của người phụ nữ đi song song với tính nữ khi Hideko vừa dịu dàng, vừa thanh cao lại vừa sở hữu bộ óc sắc sảo.
Hideko sử dụng nhan sắc, sự nữ tính, sự khôn khéo làm vũ khí để chiến đấu với những gã đàn ông kiêu căng, ngạo mạn và khiến chúng phải nhận lấy kết cục ê chề.
Ngoài tiểu thư Hideko, Sook Hee cũng là đại diện nổi bật cho sự hòa hợp của “tính nữ” và “nữ quyền”.
Khác với Hideko, Sook Hee không sinh ra trong nhung lụa mà ngược lại thì cô hầu gái là thành viên của một băng đảng trộm cắp.
Họ hành nghề móc túi, làm hàng giả, nhận nuôi những đứa trẻ côi cút và bán cho giới quý tộc khi chúng đã đủ tuổi để đi làm kẻ hầu người hạ nhằm mưu sinh qua ngày.
Sự khó khăn khiến Sook Hee nuôi mộng trở thành một quý cô giàu có và sẵn sàng làm mọi chuyện xấu xa để đạt được mục đích. Thế nhưng, Sook Hee vẫn luôn là người lương thiện từ tận sâu trong trái tim mình.
Tiếp cận Hideko với bao toan tính sai trái, Sook Hee dần cảm thấy thương cảm cho vị tiểu thư tội nghiệp và rơi vào lưới tình với nàng.
Để cứu mình và Hideko, Sook Hee vạch ra một kế hoạch hoàn hảo khác và dẫn dắt tiểu thư thoát khỏi toà dinh thự ngột ngạt.
Không chỉ ranh ma, thông minh, người hầu gái còn cực kỳ quyết đoán với từng mục tiêu mà cô đặt ra. Ở Sook Hee, giới mộ điệu được nhìn thấy chân dung của người con gái nhỏ nhắn, xinh xắn nhưng vô cùng kiên định và tự tin.
Cô không trao cuộc đời mình vào tay ai và cũng không chấp nhận chịu đựng sự thao túng của người nào kể cả khi Sook Hee có thân phận thấp kém đối với xã hội đương thời.
Bên cạnh đó, tình yêu giữa Hideko và Sook Hee là bằng chứng cho thấy sự dũng cảm khi cả hai chống lại những định kiến xã hội để nghe theo tiếng gọi con tim.
Họ không thỏa hiệp trước những quy tắc cũ kỹ và thể hiện quyền được tự do yêu thương của một người phụ nữ khi quyết định đến với đối phương và dành trọn niềm tin cho nhau.
Bằng tình yêu, kế hoạch hoàn mỹ mà Hideko và Sook Hee đã giải thoát bản thân khỏi xiềng xích luôn giam cầm phụ nữ bấy lâu nay.
Từ hai người con gái tưởng mong manh mà mạnh mẽ không ngờ, khán giả hiểu được cái nhìn về nữ quyền vừa nhẹ nhàng, vừa dữ dội của Park Chan Wook.
Ông không hạ thấp hình ảnh người đàn ông để nâng cao giá trị của người phụ nữ mà thay vào đó, Park Chan Wook tập trung khai thác tiềm năng của phái đẹp bằng những khuyết điểm được cho là chí mạng chỉ thuộc về phái yếu như sự nền nã, yếu đuối và mỏng manh.
Trong khi đó, người đàn ông vẫn sở hữu địa vị, sự khôn ngoan, sự mạnh mẽ của mình với những mưu đồ to lớn riêng.
Fujiwara có thể bại trận trước Hideko hay Sook Hee, thế nhưng không ai có thể phủ nhận nét quyến rũ và lịch lãm của gã đàn ông ma mãnh này.
Đáng tiếc thay, Fujiwara ham muốn Hideko nhưng gã chỉ là người đứng ngoài thế giới của tiểu thư và cô hầu, trông ngóng với tham vọng dần tan nát. Chính vì những điều đó mà Fujiwara thua một bàn trông thấy và cuối cùng gã đã phải bỏ mạng.
Thông điệp về “tính nữ” và “nữ quyền” cùng sự hòa quyện giữa hai nhân tố này đã khiến Người hầu gái mang lại ấn tượng tốt đẹp với công chúng.
Những biểu tượng và hình ảnh ẩn dụ nổi bật trong Người hầu gái
Trong hầu hết các dự án phim điện ảnh, đạo diễn thường lồng ghép thông điệp qua những hình ảnh mang tính ẩn dụ nổi bật thay vì truyền tải một cách trực tiếp và Người hầu gái không phải là một ngoại lệ.
Đến với tác phẩm này, công chúng có cơ hội thử thách chính mình với hàng loạt phép ẩn dụ xuyên suốt bộ phim.
Ngay từ những giây phút mở đầu, Người hầu gái đã khéo léo khắc họa hình ảnh tòa dinh thự nguy nga với bóng tối bao trùm như biểu trưng cho ngục tù giam cầm Hideko và những người phụ nữ khác trong gia tộc.
Ngôi nhà của Kouzuki chứa một tầng hầm bí ẩn, nơi cất giấu bao tội ác được che mắt với người đời bằng vẻ lộng lẫy bên ngoài.
Đặc biệt, hình ảnh cánh cửa tựa song sắt của căn phòng được sử dụng để đọc dâm thư mang ý nghĩa biểu thị sự giam giữ và con rắn nằm ngay lối đi là đại diện cho nhục dục và sự hiểm độc của Kouzuki.
Con bạch tuộc mà Kouzuki nuôi trong bể nước là biểu tượng của sự khiêu dâm gợi dục theo văn hóa Nhật Bản, cùng với thói quen “nhuộm” đen chiếc lưỡi của hắn ta cũng vẽ nên hình tượng đầy dục vọng.
Đối nghịch với các biểu tượng u tối ấy, cây hoa anh đào cổ xưa, xinh đẹp trong vườn lại ẩn chứa nỗi đau và là sự giải thoát của những người phụ nữ nhà Kouzuki khi họ lâm vào tuyệt vọng.
Bên cạnh đó, bao găng tay cũng là một phép ẩn dụ đắt giá ngụ ý cho thái độ dè chừng, lãnh đạm của Hideko đối với thế giới bên ngoài.
Mỗi khi Hideko đeo găng tay vào, nàng trở thành một vị tiểu thư cao quý với đôi mắt vô hồn và trái tim lạnh lẽo. Nàng như đeo một mặt nạ khác để đối diện với nhân thế thay vì bộc lộ con người thật của mình.
Chỉ khi ở bên cạnh Sook Hee, Hideko mới chấp nhận tháo dỡ bức tường phòng ngự xuống để trở thành “một Hideko chân thực” trước người tình.
Vào phân cảnh cuối cùng khi Sook Hee vứt đôi găng tay Hideko xuống biển, cô gái như vứt đi danh phận tiểu thư mục rữa của Hideko và bắt đầu từ thời khắc ấy, nàng thơ mỹ miều đã có thể sống cuộc sống mới với tư cách là một con người đúng nghĩa.
Khi nhắc đến phép ẩn dụ độc đáo của Người hầu gái thì công chúng không thể không đề cập đến phân cảnh mà Sook Hee và Hideko phá huỷ toàn bộ dâm thư.
Đây vừa là phân đoạn có vai trò đẩy cao trào bộ phim lên đến đỉnh điểm vừa là sự khẳng định mạnh mẽ nhất mà Người hầu gái dành cho những dục vọng lệch lạc, sai trái của con người.
Mỗi cuốn sách bị xé, bị rạch nát, bị vứt vào vũng nước đỏ ngầu là một lời tuyên bố rằng ý tưởng xem phụ nữ như công cụ kích dục đối với đàn ông và sự cổ súy cho việc cưỡng hiếp là rác rưởi, xứng đáng bị loại trừ vĩnh viễn.
Vào khoảnh khắc Sook Hee dùng cây gậy mà Kouzuki thường sử dụng mỗi khi đánh Hideko để chặt đứt mình con rắn thì đó cũng là lúc quyền lực của Kouzuki tan biến và Hideko được giải phóng hoàn toàn khỏi cuộc sống tù đày trước đây.
Trên đường rời dinh thự, Sook Hee cùng Hideko đã trèo qua một bức tường đá, hình ảnh cô hầu chất từng túi đồ lên mặt đất để giúp tiểu thư bước qua trong khi trước đó Hideko chần chừ, không dám đặt chân lên thành đá thể hiện rằng Sook Hee chính là cứu tinh của đời nàng, là động lực thúc đẩy nàng tiến đến sự đấu tranh dữ dội cho tình yêu và niềm tin nàng luôn gìn giữ trong tim mình.
Có thể nhận định rằng phân cảnh hai thiếu nữ chạy trên cánh đồng xanh ngát với nụ cười tươi tắn trên môi là phân cảnh đẹp đẽ, quý giá nhất trong bộ phim.
Bắt đầu từ giây phút ấy trở đi, họ hoàn toàn tự do trước “ngục tù tinh thần”, sự đày đoạ thể xác và đồng lòng bước về một chân trời mới với niềm hạnh phúc dạt dào từ đáy lòng.
Sự châm biếm tế nhị mà sâu cay của Người hầu gái
Với một tác phẩm phản ánh vô số tệ nạn, không mấy bất ngờ khi Park Chan Wook đã thể hiện sự châm biếm tế nhị mà đầy sâu cay đối với các hiện tượng điên loạn, cực đoan của xã hội thời kỳ ấy.
Bắt đầu từ cánh đàn ông của giới thượng lưu, tầng lớp được cho là cao quý nhất trong cuộc sống, vị đạo diễn tài ba đã lột những chiếc mặt nạ dối trá mà chúng đắp lên để che đậy bản chất vẩn đục bên trong.
Mặc dù xuất hiện đầy lịch lãm với bộ vest đen tuyền, thế nhưng chúng lại có những tư tưởng đồi bại khi thường xuyên tập trung ở nhà Kouzuki để lắng nghe dâm thư và chi tiền không tiếc tay để sở hữu từng cuốn sách “quý báu” ấy.
Chúng không mảy may cho rằng đó là hành động sỉ nhục phái nữ bởi lối suy nghĩ coi thường giá trị của một người phụ nữ đã ăn sâu vào tiềm thức.
Chính vì vậy, bọn chúng ngang nhiên với hành động kệch cỡm mà không hề nhận ra rằng sự cao quý của mình đã “chết yểu” ngay từ khoảnh khắc chúng quyết định rằng việc chìm đắm trong dục vọng ảo tưởng là việc sung sướng nhất cuộc đời này.
Đối với Kouzuki và Fujiwara, chúng là đại diện cho sự châm biếm ở một mức độ cao hơn khi cả hai đều là những quý tộc “giả tạo”.
Bọn chúng không sở hữu cung cách quyền quý mà thay vào đó, chúng chỉ là những “phiên bản quý tộc” chắp vá đầy vụng về.
Khi đề cập đến Kouzuki, người đời thường đồn thổi về tủ sách tràn ngập tri thức của hắn song thực tế Kouzuki lại chỉ là một “trí thức nửa mùa” chuyên đấu giá dâm thư để làm giàu.
Về phía Fujiwara, gã ta cũng không có gì trong tay ngoài hình tượng quý tộc tự xây dựng cho bản thân để lừa lọc người khác.
Hài hước thay, chính những tay lão làng thuộc giới thượng lưu lại không nhận ra được thân phận thật sự của hai kẻ xảo trá này còn đặc biệt xem chúng như “đồng loại” và cung kính đối đãi.
Tiếng cười nhạo báng nhằm vào đề tài “danh tính” dường như vẫn chưa đủ thoả mãn Park Chan Wook, ông tiếp tục tấn công đến quyền lực mà chúng nắm giữ.
Từ thời xa xưa đến nay, khi con người bắt đầu nhận thức về chế độ tư hữu, xã hội luôn có sự phân chia giai cấp rõ ràng và cụ thể.
Trong khi những người nghèo khổ thường “thấp cổ bé họng” thì tầng lớp thượng lưu với đồng tiền và quyền lực có thể chi phối thế giới lại luôn dễ dàng chiếm được mọi thứ.
Xuất phát từ hiện thực tối tăm ấy, những tay quý tộc trong Người hầu gái cũng tự cho mình quyền sinh sát đối với người khác và luôn ngạo nghễ tin rằng mình sẽ đạt được bất kỳ điều gì mà mình cần.
Sự thật phũ phàng và sự châm biếm sâu cay bắt đầu xuất hiện khi trong thực tế, chúng không những không thể sở hữu tất cả mà còn phải gánh chịu cái kết thảm khốc.
Điều này thể hiện thông qua tình tiết Kouzuki và Fujiwara với tham vọng chiếm đoạt Hideko nhưng cuối cùng thì chúng đều bị lừa để rồi phải chết rục trong tầng hầm bẩn thỉu.
Park Chan Wook đã gửi gắm thông điệp rằng chỉ vì một cá nhân giàu sang hay quyền lực không có nghĩa là người đó có tất cả. Ngược lại, khi cố gắng cưỡng ép một cách cực đoan thì cuối cùng kẻ phải nếm mùi cay đắng lại chính là bản thân mình.
Ngoài Kouzuki và Fujiwara thì tiểu thư Hideko cũng đóng vai trò truyền tải bài học trớ trêu ấy, dù là con nhà giàu có và sở hữu hàng trăm đôi giày đẹp đẽ thì nàng cũng không được phép đi đâu ngoại trừ việc dạo quanh toà dinh thự chết chóc.
Kể cả khi khoác lên thân thể bộ cánh ngọc ngà, đôi găng tay đắt đỏ và những chiếc giày xinh xắn thì nàng cũng chỉ là một “con thiên nga” bị giam cầm trong khắc khoải còn người nghèo nàn, khổ sở như Sook Hee lại được tự do lèo lái cuộc đời mình.
Hàng loạt chi tiết châm biếm sắc sảo mà thâm thuý được lồng ghép trong Người hầu gái là tiếng nói vạch trần hiện thực xấu xa của cánh đàn ông xuất thân từ tầng lớp thượng lưu và những hiện tượng tồi tệ trong xã hội đương thời.
Các nhân tố đắt giá làm nên siêu phẩm Người hầu gái
Song song với kịch bản đầy quy mô và được chăm chút cẩn thận, Người hầu gái còn gây ấn tượng mạnh mẽ đối với khán giả và giới phê bình bằng các nhân tố nổi bật mà không phải bất kỳ bộ phim nào cũng sở hữu.
Những nhân tố ấy đưa Người hầu gái lên một tầm cao mới trong làng điện ảnh châu Á và “tung hoành” sang cả thị trường phim ảnh thế giới.
Người hầu gái sở hữu kỹ xảo điện ảnh và âm thanh công phu
Vốn là một bộ phim tấn công trực diện vào tâm lý con người, Người hầu gái không chứa những phân cảnh bạo lực hay máu me phải sử dụng đến kỹ xảo điện ảnh quá nhiều như bao bom tấn khác.
Mặc dù vậy, sẽ là thiếu sót rất lớn khi công chúng không đề cập đến kỹ xảo của tác phẩm này bởi nó đã góp phần làm cho bộ phim trở nên chân thật và ấn tượng hơn rất nhiều.
Với bối cảnh được lấy ngay thời kỳ loạn lạc và đề tài tối tăm, các nhà làm phim đã sử dụng tông màu lạnh, có phần u buồn xuyên suốt Người hầu gái.
Nét màu trầm đậm tấn công vào nỗi sợ của loài người, khiến giới mộ điệu cảm nhận được sự ngột ngạt và khắc khoải như thể họ là một nhân vật hữu hiện trong tác phẩm.
Sự kết hợp giữa tông màu và cảnh quay hướng nhìn (Point of View), góc quay tự sự của chính nhân vật khiến khán giả không còn là những người theo dõi cốt truyện đơn thuần mà họ dường như đã “hoá thân” thành một phần trong chuyến phiêu lưu của Sook Hee, Hideko và Fujiwara.
Trong điện ảnh, mỗi một góc quay đều có nguyên tắc, giá trị của nó và các nhà quay phim sử dụng chúng để bộc lộ những ý đồ đặc biệt. Chính vì thế, các góc quay toàn cảnh không gian (Establishing shot), cận cảnh (Close-up), đặc tả (Extreme close-up) và vô vàn ứng dụng góc quay khác đều ẩn chứa mục đích riêng.
Có lẽ một bộ phận khán giả sẽ khó nắm bắt toàn bộ ý đồ sâu xa của nhà làm phim nhưng họ hoàn toàn có thể cảm nhận tất cả ý tưởng được gửi gắm thông qua các phân cảnh và đó chính là sự thành công mà Người hầu gái đã đạt được.
Hàng loạt khung cảnh đẹp xao xuyến như cây hoa anh đào trong vườn nhà Kouzuki, cánh đồng xanh mướt cũng giúp công chúng có dịp đắm chìm trong nghệ thuật thiết kế bối cảnh và quay phim xuất chúng của đoàn làm phim Người hầu gái.
Toà biệt thự mang kiến trúc Nhật Bản – Tây Âu với phương thức sắp xếp đồ vật chỉn chu để làm toát lên vẻ đẹp vừa truyền thống, vừa hiện đại trong Người hầu gái chắc chắn cũng là một yếu tố nghệ thuật đắt giá thu hút ánh nhìn của người xem.
Sự kết hợp của những giá đỡ nến, những hoạ tiết tinh tế trên tường, những cầu thang uốn lượn tinh xảo đậm chất phương Tây và các cánh cửa trượt, các tấm chiếu tatami kinh điển của Nhật Bản một cách hài hoà, những chi tiết ấy đã thể hiện sự sùng bái đất nước hoa anh đào và các quốc gia Tây Âu của Kouzuki.
Chính vì vẻ đẹp xa hoa và tự nhiên mà ít ai nhận ra rằng thực chất khung cảnh bên ngoài toà dinh thự được tạo nên bởi kỹ thuật đồ hoạ (CGI) “khét tiếng” trong điện ảnh, các kỹ thuật viên đã dùng bàn tay màu nhiệm để tạo nên một thế giới phim ảnh đẹp đến mức làm rung động trái tim khán giả.
Về phương diện âm thanh, Người hầu gái đã lồng ghép các bản nhạc ấn tượng để mang lại cho người xem cảm xúc chân thật hơn.
Nhà làm phim không chèn hiệu ứng âm thanh bừa bãi mà thay vào đó, họ đảm bảo rằng mình đã tận dụng triệt để và đúng đắn cho “đứa con tinh thần” của mình.
Nhạc phẩm nổi bật trong phim Người hầu gái
Một trong các phân cảnh áp dụng âm nhạc đáng chú ý nhất của Người hầu gái là phân đoạn mà Sook Hee và Hideko phá huỷ kho tàng dâm thư Kouzuki đã dày công sưu tầm.
Bản nhạc có nhịp điệu vừa dồn dập, vừa hào hứng thể hiện sự tức giận của Sook Hee và cũng là tín hiệu cho niềm hạnh phúc đang chờ đợi ở phía trước của Hideko.
Suốt bốn phút này, trái tim khán giả đập theo nhịp của giai điệu bài hát và bất giác hứng khởi, vui vẻ với niềm vui cũng như lo sợ cho số phận nhân vật sau khi chống lại Kouzuki.
Từ những nhân tố trên, Người hầu gái dường như không còn là một tác phẩm điện ảnh thông thường nữa mà nó trở thành một thế giới chân thực, trần trụi và sâu sắc đến ám ảnh.
Trang phục là chìa khoá mở cửa hình tượng nhân vật
Khi đặt Người hầu gái vào bối cảnh những năm 1930 lúc Triều Tiên đang bị chiếm đóng bởi Nhật Bản và bị ảnh hưởng bởi văn hoá phương Tây, bộ phim phải đối diện với vấn đề tìm kiếm phục trang phù hợp với thời đại lúc bấy giờ.
Với tư cách là một tiểu thư quyền quý trong ngôi nhà tôn sùng Tây Âu, Hideko luôn chưng diện bằng những chiếc đầm dạ hội sang trọng mà tinh tế.
Đi kèm với các bộ trang phục ấy là corset, một loại áo định hình dáng người đồng hồ cát cho phụ nữ và găng tay, phụ kiện thường xuất hiện cùng với các tiểu thư danh giá.
Corset và găng tay vốn đã rầm rộ trong giới thời trang từ lâu bởi nó khiến cho người con gái trở nên thon thả, thanh nhã hơn, nhờ các phụ kiện này mà nhan sắc cùng thần thái của Hideko được nâng tầm lên rất nhiều.
Một số bộ vest lịch lãm mà Fujiwara mặc xuyên suốt Người hầu gái cũng là nét đẹp hiện đại của thời trang phương Tây được thể hiện qua tác phẩm.
Bên cạnh những bộ phục trang ấy thì dàn nhân vật trong phim còn khoác lên mình các bộ Kimono truyền thống của Nhật Bản.
Màn kết hợp, hoán đổi trang phục tùy theo bối cảnh của Người hầu gái đã ghi dấu ấn mạnh trong lòng khán giả và là chiếc chìa khóa mở cửa hình tượng nhân vật một cách toàn diện.
Sự điệu nghệ trong nghệ thuật thổi hồn cho nhân vật của các diễn viên Người hầu gái
Giữa vô vàn lý do làm nên kiệt tác Người hầu gái, dàn diễn viên thực lực với diễn xuất xuất thần hẳn là một trong các nhân tố gây chú ý nhất của bộ phim.
Sở hữu hàng loạt gương mặt được “đo ni đóng giày” cho tác phẩm, Người hầu gái không gặp nhiều khó khăn khi truyền tải tinh thần của dự án.
Minh tinh Kim Min Hee và màn hóa thân để đời
Xuất thân là một người mẫu với ngoại hình không quá nổi bật, Kim Min Hee phải nỗ lực hết mình trong sự nghiệp để đạt đến danh hiệu “minh tinh” như hiện nay.
Hàng loạt giải thưởng danh giá mà nữ diễn viên gặt hái được trước khi tham gia Người hầu gái là “bảo chứng” cho diễn xuất tuyệt vời của cô.
Chính bởi lẽ đó và vì ngoại hình thanh khiết, không mấy ngạc nhiên khi Kim Min Hee được Park Chan Wook lựa chọn cho vai diễn Hideko xinh đẹp.
Trong Người hầu gái, Hideko vốn là một nhân vật với tâm lý phức tạp khi nàng bị bạo hành từ nhỏ, sống khép mình và luôn thờ ơ với hầu hết mọi thứ.
Thẳm sâu trong tim, Hideko cũng như bao người con gái khác, nàng khao khát tự do, tình yêu và sự hạnh phúc thiêng liêng.
Khi hóa thân vào vị tiểu thư này, Kim Min Hee không chỉ dừng lại ở việc “làm tròn vai” mà cô còn giúp Hideko “hồi sinh” từ những trang kịch bản, khiến công chúng cảm giác như mình đang được ngắm một Hideko bằng xương bằng thịt.
Diễn xuất tự nhiên, chân thật của Kim Min Hee đã khiến từng cái nhấc tay, chau mày, mỉm cười bộc lộ tâm tư, tình cảm Hideko hàm chứa từ sâu đáy lòng nàng.
Nhờ vai diễn thành công mà nữ minh tinh đã giành về cho mình năm giải thưởng ở các Lễ trao giải khác nhau, trong đó nổi bật nhất là giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Buil Film Awards và Lễ trao giải Blue Dragon Film Awards.
Sự nghiệp lên như diều gặp gió của Kim Min Hee đã chững lại sau khi bê bối đời tư bùng nổ ngay sau đó, thế nhưng dù có bị tẩy chay hay ghét bỏ nhưng không ai có thể phủ nhận tài năng xuất chúng của ngôi sao màn bạc này.
Nữ diễn viên tài ba Kim Tae Ri với màn thể hiện nổi bật
Bên cạnh tiểu thư Hideko, Sook Hee do Kim Tae Ri thủ vai cũng là nhân vật để lại ấn tượng mạnh trong lòng khán giả.
Kim Tae Ri bắt đầu gia nhập làng điện ảnh vào năm 2010, cô tham gia nhiều tác phẩm và được đánh giá là một diễn viên với kỹ năng diễn xuất ổn định, linh hoạt.
Năm 2016, Tae Ri có cơ hội bén duyên với Người hầu gái và được Park Chan Wook lựa chọn cho vai diễn Sook Hee bởi ông nhận định rằng nữ diễn viên chính là một Sook Hee hoàn hảo.
Thời điểm ấy, Tae Ri vốn chỉ là diễn viên tân binh và chưa có nhiều kinh nghiệm bằng các đồng nghiệp. Mặc dù vậy, cô đã vượt qua 1500 thí sinh để có thể giành lấy vai Sook Hee và điều này chứng tỏ thực lực nổi bật của “viên ngọc” mới nổi trong giới giải trí.
Sook Hee không phải là nhân vật với nội tâm phức tạp như Hideko song cô hầu gái này lại có cá tính rất mạnh mẽ, điều ấy đòi hỏi diễn viên thủ vai phải thể hiện được “tính nữ” cũng như lột tả được sự kiên định, dũng cảm của Sook Hee.
Không kể đến sự hỗ trợ của việc hóa trang, Kim Tae Ri đã thành công mang đến hình ảnh cô hầu gái nhỏ nhắn, nghèo nàn mà thông minh và can đảm đến bất ngờ.
Sau khi Người hầu gái đóng máy, Kim Tae Ri đã giành được nhiều giải thưởng cao quý cho vai Sook Hee, đặc biệt phải kể đến giải thưởng Nữ diễn viên mới xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Buil Film Awards lần thứ hai mươi lăm và Lễ trao giải Blue Dragon Film Awards lần thứ ba mươi bảy.
Tay bá tước kiêu ngạo dưới sự thủ vai của ông hoàng phòng vé Ha Jung Woo
Bắt đầu sự nghiệp diễn xuất vào năm 2003, có thể nói Ha Jung Woo là một trong các tên tuổi sở hữu gia tài điện ảnh đồ sộ nhất trong dàn diễn viên tham gia dự án Người hầu gái.
Vốn đã tích lũy kinh nghiệm dày dặn, Ha Jung Woo không chỉ khiến khán giả thích thú với nhân vật Fujiwara mà còn làm cho đạo diễn Park Chan Wook phải ngạc nhiên vì anh đã thể hiện vai diễn vượt xa mong đợi của mình.
Trong Người hầu gái, Fujiwara mang hai danh tính cùng một lúc khi gã vừa là một tên lừa đảo thông minh vừa là một tay quý tộc khôn khéo, điềm đạm.
Để đảm bảo truyền tải được quan điểm sống của Fujiwara một cách trọn vẹn, nam diễn viên phải thấu hiểu nhân vật cũng như không e ngại trong việc thực hiện các cảnh quay táo bạo.
Nhờ tài năng xuất chúng của Ha Jung Woo, Fujiwara hiện lên với hình tượng vừa đáng ghét lại vừa đáng thương, gã lôi cuốn trái tim giới mộ điệu nhưng đồng thời cũng mang về cho mình sự tẩy chay bởi tư duy nông cạn.
Với màn thể hiện hoàn hảo, Ha Jung Woo đã chứng minh rằng vai diễn Fujiwara được sinh ra là để dành cho anh.
Gương mặt gạo cội Cho Jin Woong và sự thành công của nhân vật Kouzuki
Đối với vai diễn “khó nhằn” Kouzuki, Park Chan Wook đã lựa chọn tên tuổi gạo cội Cho Jin Woong để đảm nhận nhân vật này.
Cho Jin Woong ra mắt làng điện ảnh vào năm 2004, cho đến nay thì lượng các tác phẩm mà anh góp mặt là con số vô cùng ấn tượng.
Bề dày kinh nghiệm và thành tích giúp anh dễ dàng hóa thân vào nhân vật Kouzuki, tay quý tộc tôn thờ Nhật Bản và phương Tây đến mù quáng.
Thời lượng xuất hiện của Kouzuki không nhiều, ít lời thoại song nhờ đôi mắt chứa đầy cảm xúc mà Jin Woong đã giúp nhân vật này nổi bật với nét tính cách đặc trưng của mình.
Nam diễn viên không cần phải góp mặt trong mọi cảnh quay để gây ám ảnh cho khán giả nhưng mỗi một phân đoạn mà anh tham gia, công chúng phải rùng mình bởi sự tàn nhẫn và dã tâm của Kouzuki.
Thành quả xứng đáng cho Cho Jin Woong với sự cống hiến vì nghệ thuật này chính là giải thưởng Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Baeksang Arts Awards lần thứ năm mươi ba.
Bên cạnh bốn nhân vật chính làm nên “linh hồn” của tác phẩm thì các nhân vật phụ được thể hiện bởi những diễn viên chuyên nghiệp cũng mang đến vô số trải nghiệm quý giá dành cho người xem.
Sự đón nhận của giới phê bình và công chúng dành cho Người hầu gái
Với sự đầu tư công phu và chỉn chu, Người hầu gái đã gia nhập vào danh sách kiệt tác điện ảnh kinh điển của xứ sở Kim chi.
Bộ phim là tổ hợp của đạo diễn thiên tài, kịch bản cuốn hút, dàn diễn viên xuất chúng và vô vàn nhân tố vàng khác, chính vì thế mà Người hầu gái không những gây tiếng vang trong giới phê bình mà còn để lại ấn tượng mạnh mẽ với khán giả khắp nơi trên toàn thế giới.
Nhà phê bình Benjamin Lee của tờ báo The Guardian đánh giá Người hầu gái 4/5 sao và miêu tả tác phẩm này là “một kiệt tác giật gân đồ sộ mà vẫn đậm tính giải trí”.
Tác phẩm đạt được hàng loạt các giải thưởng nổi tiếng như giải thưởng Phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại Lễ trao giải BAFTA Film Award, giải thưởng Bộ phim xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Blue Dragon Awards, đề cử giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes và hơn sáu mươi giải thưởng cùng một trăm đề cử danh giá khác.
Dự án thu về lợi nhuận gấp bốn lần so với chi phí dành ra cho việc sản xuất phim, doanh thu ấn tượng này thể hiện sự quan tâm mà khán giả dành cho Người hầu gái.
Trên các chuyên trang đánh giá phim ảnh như IMDB, Rotten Tomatoes, Người hầu gái cũng gặt hái được sự công nhận khi số điểm IMDB lên đến 8.1/10 và 8.4/10 tại Rotten Tomatoes.
Cùng lúc đó, bộ phim cũng đạt 84/100 điểm trên chuyên trang đánh giá phim ảnh, âm nhạc và nhiều sản phẩm nghệ thuật khác là Metacritic.
Sự thành công ở mọi mặt trận là minh chứng cho chất lượng tuyệt vời của Người hầu gái, dù đam mê bộ môn nghệ thuật thứ bảy hay không thì bất cứ ai cũng nên thưởng thức tác phẩm này một lần để tận hưởng những trải nghiệm hiếm có của điện ảnh.
Bích Thùy
Bích Thùy
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất