Vô Ảnh (Shadow) là tác phẩm thuộc thể loại dã sử võ hiệp kỳ tình, lấy cảm hứng từ biểu tượng âm dương và nghệ thuật thư họa nổi tiếng của Trung Quốc. Bộ phim xoay quanh câu chuyện về kẻ thế thân, những âm mưu và dục vọng của con người thời loạn lạc.

Trailer của phim Vô Ảnh

Mọi sự khởi nguồn từ thành Cảnh Châu, vốn dĩ là vùng cương thổ của Bái Quốc nhưng bị Viêm Quốc chiếm giữ suốt hai mươi năm, trấn nơi đây là tướng quân võ nghệ cao cường Dương Thương (Hồ Quân thủ vai) của Viêm Quốc.

Vô Ảnh được bắt đầu từ cuộc chiến loạn lạc

Một phần đất nước rơi vào tay ngoại bang thế nhưng Bái Vương (Trịnh Khải thủ vai) lại an phận thủ thường, hèn nhát chiều lòng kẻ địch thậm chí còn gả em gái của mình là công chúa Thanh Bình (Quan Hiểu Đồng thủ vai) cho con trai của Dương Thương.

Chứng kiến sự nhu nhược của kẻ đứng đầu, đại đô đốc của Bái Quốc là Tử Ngu (Đặng Siêu thủ vai) một mình đến giao đấu với Dương Thương và bị trọng thương nặng. Ông sau đó lui về sống ẩn dật trong hang tối đồng thời vạch ra một kế hoạch mới mang tên Ảnh Tử (kẻ thế thân).

Poster phim
Poster của Shadow

Giữa thời chiến và cũng là khi những cuộc tranh ngôi đoạt vị xảy ra thường xuyên, các vua quan triều đình luôn phải đối mặt với hàng loạt mưu mô ám sát vì thế họ bí mật sử dụng người có nhân dạng giống hệt mình, tuyệt đối trung thành để thay họ thực hiện các nhiệm vụ lớn nhỏ và ảnh tử chính là tên gọi của những người như vậy.

Là thế thân của Tử Ngu, Cảnh Châu (Đặng Siêu thủ vai) từ năm tám tuổi đã phải sống vô danh như chưa hề tồn tại, đến lúc bây giờ anh được sử dụng cho kế hoạch đầy toan tính của vị đại đô đốc Bái Quốc.

Nửa đầu, Vô Ảnh phát triển theo hai mặt. Một mặt Cảnh Châu và vợ của Tử Ngu là Tiểu Ngải (Tôn Lệ thủ vai) phải đối chất trước Bái Vương để che giấu thân phận thật sự, mặt khác anh cùng vợ chồng họ ngày đêm luyện tập chiêu thức hóa giải đao pháp của Dương Thương. 

Nhân vật Cảnh Châu
Cảnh Châu lộ diện dưới thân phận của Tử Ngu

Về sau thời điểm chín muồi rồi cũng đến thế nhưng khi Cảnh Châu vỡ trận cũng là lúc Tử Ngu và Bái Vương khó tránh khỏi thế đối đầu, một trận huyết chiến thực sự ở trước mắt.

Vô Ảnh là tác phẩm đánh dấu cột mốc ba mươi năm làm phim của đạo diễn Trương Nghệ Mưu kể từ khi Cao Lương Đỏ được ra mắt vào năm 1988. Trên Straits Times, ông nói rằng cảm hứng để tạo nên Vô Ảnh bắt nguồn từ bộ phim Võ Sĩ Thế Thân của Akira Kurosawa.

Vô Ảnh là một sự khác biệc của Trương Nghệ Mưu

Chủ động bỏ qua câu chuyện hoành tráng của các anh hùng xích bích thời tam quốc, Trương Nghệ Mưu lần này tập trung kể về sự sống chết của một nhân vật nhỏ bé.

Vợ chồng Tử Ngu
Vợ chồng Tử Ngu trong một phân cảnh phim

Ông đã lấy quá trình trưởng thành của Cảnh Châu, từ một kẻ bình thường đến nhân tố quan trọng để thúc đẩy diễn tiến cho toàn bộ câu chuyện, điều chưa từng xảy ra trong phim cổ trang của ông trước đây.

Trong thời loạn lạc, lúc ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh như sợi chỉ, chuyện người thật và cái bóng ai sẽ trụ được đến cuối cùng trở thành tâm điểm hồi hộp nhất của Vô ảnh.

Xuất phát từ kết cấu, Vô Ảnh giống như một câu chuyện bi kịch theo kiểu Shakespeare vì vậy đạo diễn phim đã yêu cầu diễn viên phải đáp ứng các yếu tố “thanh, đài, hình, biểu”, đặc biệt phải phát âm chuẩn tiếng phổ thông và có cách diễn xuất kiểu mẫu.

Vô Ảnh với trận chiến trong mưa
Phân cảnh chiến đấu ác liệt trong mưa của Vô Ảnh

Ở tác phẩm lần này, Đặng Siêu gây được ấn tượng mạnh với diễn xuất xuất thần khi đóng cùng lúc hai vai, hai tính cách hoàn toàn đối lập.

Với Cảnh Châu, nam diễn viên thể hiện nét bộc trực xen lẫn chút trầm mặc của người ôm nỗi niềm về thân phận. Trong Tử Thu, anh cho người xem thấy được vẻ mưu mô đầy tham vọng của một vị quan xem vua là bù nhìn.

Đặng Siêu đã hy sinh nhiều cho vai diễn lần này với quá trình thay đổi cân nặng chóng mặt, tăng mười kg trong hai tháng để trở thành một Cảnh Châu phóng khoáng, khỏe mạnh và sau đó hóa thành bệnh phu Tử Ngu bằng cách giảm hai mươi kg trong gần một tháng.

Đặng Siêu đảm nhiệm cùng lúc hai nhân vật
Đặng Siêu hóa thân xuất sắc cùng lúc hai nhân vật

Vốn là cặp phu thê ngoài đời thực, Tôn Lệ đã phối hợp ăn ý với Đặng Siêu, những chuyển biến tình cảm của Tiểu Ngải được sao nữ Hậu Cung Chân Hoàn Truyện lột tả một cách sâu sắc và chân thực.
Nữ diễn viên tạo được sự thu hút với tâm lý biến đổi khôn lường, tả xung hữu đột, bị giằng xé giữa đạo nghĩa vợ chồng và dục vọng của một người phụ nữ.

Đảm nhiệm nhân vật Bái Vương, Trịnh Khải chia sẻ rằng đây là vai diễn khó nhất trong sự nghiệp của anh đến thời điểm lúc bấy giờ bởi Bái Vương không chỉ sở hữu tài mạo song toàn, năng văn năng võ mà còn có sự đa diện trong tính cách.

Trịnh Khải đảm nhiệm vai Bái Vương
Trịnh Khải gây ấn tượng với vai diễn đa diện tính cách

Để trở thành người đứng đầu của Bái Quốc, nam diễn viên đã phải luyện tập thư pháp, bắn cung thậm chí uống rượu trước khi diễn nhằm đạt được sự nhập tâm tuyệt đối.

Về phần Hồ Quân, anh không gặp khó khăn gì với nhân vật mạnh mẽ sở trường, các diễn viên còn lại như Quan Hiểu Đồng, Ngô Lỗi cũng đều thể hiện rất tốt nhân vật của mình.

Tất cả đã tự biến mình thành một mảnh ghép không thể thiếu trong kiệt tác điện ảnh lần này của Trương Nghệ Mưu, để lại dấu ấn khó phai trong lòng khán giả.

Tôn Lệ với vai diễn Tiểu Ngãi
Một Tiểu Ngãi đẹp dịu dàng và không hề đơn giản

Vô Ảnh phát triển theo tiết tấu chậm rãi, có những phân cảnh chỉ tập trung vào lời thoại nhằm làm nổi bật màn đấu trí giữa các nhân vật. Hiệu ứng làm chậm được sử dụng phù hợp và hiệu quả, vừa giữ được nhịp vừa tạo được sự đồng điệu xuyên suốt tác phẩm.

Các nhà làm phim đã xây dựng nên một câu chuyện phi tuyến tính, đan xen giữa hiện tại và quá khứ từ đó gợi được trí tò mò nơi người xem đồng thời dẫn dắt họ đến những biến tấu đầy bất ngờ ở cuối.

Thay vì dành nhiều thời gian ban đầu cho việc giới thiệu bối cảnh hay nhân vật thì Trương Nghệ Mưu lại đi theo hướng tạo ra những mâu thuẫn rồi giải quyết. Bằng cách này, vị đạo diễn tài ba đã giúp cho chân dung nhân vật dần được thể hiện, lộ rõ những toan tính không ai ngờ tới.

Phân cảnh luyện tập võ thuật của Vô Ảnh
Tử Ngu luyện võ cùng Ảnh tử của mình trong vòng bát quái

Hình ảnh ô cửa xuất hiện dàn trải nửa cuối phim cũng là dụng tâm của đạo diễn, nó thể hiện cho ham muốn tình dục của người phụ nữ, chứng minh sự mê đắm vương quyền của người đàn ông có thể khiến họ nhẫn nhịn đến nhường nào. Đồng thời đây cũng là kết quả của sự chấp nhận thực tại, dấu đi sự thật để sống một cuộc đời dối trá nhưng mãn nguyện.

Tác phẩm giàu triết lý và đậm chất nghệ thuật

Theo dõi Vô Ảnh, người xem dễ dàng nhận thấy triết lý âm dương, ngũ hành trong từng hình ảnh, chi tiết. Biểu tượng âm dương được lặp lại nhiều lần trong quẻ bói, trong hang tối nhân vật luyện võ cho đến võ đài ở trận chiến.

Đao pháp của Dương Thương tượng trưng cho sự mạnh mẽ, dũng mãnh của nam nhân, để khắc chế nó Cảnh Châu phải sử dụng chiêu thức có sự mềm mại, linh hoạt của nữ nhân, triết lý “lấy nhu thắng cương” của Đạo gia đã được thể hiện một cách đầy tinh tế trên màn ảnh rộng.

Tiểu Ngãi và Cảnh Châu luyện võ
Tiểu Ngãi giúp Cảnh Châu hóa giải đao pháp của Dương Thương

Trở lại sau bộ phim thương mại Tử Chiến Trường Thành không được đánh giá cao, Trương Nghệ Mưu bên cạnh việc xây dựng một nội dung hấp dẫn còn tạo nên một kỳ quan thị giác, một bức tranh thủy mặc tĩnh tại độc đáo.

Độc đáo ở đây chính là trong mỗi khung hình của phim hiện lên không chỉ là trắng đen hoàn toàn mà còn có sự phối hợp của nhiều tông màu sáng tối tương phản, gợi được cảm giác mơ hồ như hư như thực, thể hiện sự đối lập giữa âm và dương, giữa hai phe vương triều và cả trong cùng một bản thể con người.

Đạo diễn bộ phim đã sử dụng sự thần bí và ý nhị của thủy mặc để miêu tả tính chất phức tạp của nhân tính, nó không chỉ đơn thuần là trắng- đen, thiện – ác mà còn có vùng xám trung gian rất khó nhìn thấu và hiểu rõ.

Nghệ thuật thủy mặc trong Vô Ảnh
Từng phân cảnh phim hiện lên đều đẹp đến nao lòng

Xây dựng phân cảnh hành động trong không gian thủy mặc hiếm có ấy, Vô Ảnh đạt được sự duy mỹ, tráng lệ đến nao lòng khiến các tạp chí điện ảnh uy tín của thế giới như Variety, The Film Stage phải dùng từ “choáng ngợp”.

Để đạt được kết quả này, các nhà làm phim phải dành gần một năm thực hiện khâu thiết kế bối cảnh và trang phục. Toàn bộ chi tiết lớn nhỏ như cột nhà, màn treo, binh khí đều được thiết kế và phối màu tuân theo triết lý chung của tác phẩm.

Ở từng công đoạn, Trương Nghệ Mưu đều rất khắt khe và đặt yêu cầu cao. Ông hạn chế sử dụng kỹ xảo máy tính và ưu tiên hiệu ứng thật ở trường quay nhằm đề cao giá trị nguyên bản của điện ảnh.

Cảnh chiến đấu chân thật trong Vô Ảnh
Cảnh chiến đấu chân thật và đầy sống động của phim

Không chỉ đạt được thành công về mặt nội dung và hình ảnh, phần âm thanh của Vô Ảnh cũng vô cùng xuất sắc, trên nền nhạc đàn tam lục điệp sự đối kháng giữa các nhân vật luôn được đẩy lên cao trào.

Ở những phân cảnh cần lột tả nội tâm của nhân vật, âm thanh lại nhẹ nhàng đong đưa vô cùng phù hợp và tinh tế, nó trở thành một gia vị không thể thiếu trong món ăn nghệ thuật tinh gọn này.

Vô Ảnh là màn tái xuất ấn tượng của Trương Nghệ Mưu, với tác phẩm lần này ông đã được vinh danh Đạo diễn xuất sắc nhất cùng với ba giải ở hạng mục chuyên môn tại giải thưởng điện ảnh Kim Mã lần thứ 55.

Đạo diễn phim
Đạo diễn Trương Nghệ Mưu

Ngoài ra bộ phim còn lọt vào danh sách phim trình chiếu không tranh giải tại Liên hoan phim Venice lần thứ 75 và phim triển lãm chính tại Liên Hoan phim quốc tế Toronto lần thứ 43.
Diễn đạt một khái niệm mới dựa trên tài nguyên văn hóa truyền thống đồng thời còn thể hiện nội dung sâu sắc và hình ảnh mãn nhãn, có thể nói rằng Trương Nghệ Mưu đã tạo nên một tác phẩm đặc biệt và thành công mang tên Vô Ảnh.

Chiêu Đan