Nguyễn Công Hoan là một nhà văn tiêu biểu của nền văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1940 – 1945. Trong những tác phẩm của ông viết về theo khuynh hướng sáng tác này, tiêu biểu có thể kể đến Bước đường cùng ra đời năm 1938.
Tác phẩm phản ánh đời sống khổ cực của người nông dân dưới cảnh áp bức một cổ hai tròng, trong hoàn cảnh tối tăm đó, con đường duy nhất giúp họ thoát khỏi vũng bùn đen chính là giáo dục và sự đoàn kết.
Đôi nét về tác giả Nguyễn Công Hoan và tác phẩm Bước đường cùng
Nguyễn Công Hoan sinh vào tháng 3 năm 1903 tại Xuân Cầu phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc tỉnh Văn Giang, huyện Hưng Yên.
Xuất thân từ một gia đình Nho học thất thế nên từ nhỏ ông đã được nghe và học thuộc nhiều câu thơ, giai thoại mang tính châm biếm, đả kích tầng lớp quan lại. Chính điều này đã mang đến một nét đặc sắc trong ngòi bút của nhà văn sau này.
Ba người em trai của Nguyễn Công Hoan đều là những nhân tố chính yếu hoạt động trong Cách mạng, đó chính là ông Nguyễn Công Miều hay còn gọi là Lê Văn Lương, ủy viên bộ chính trị, Nguyễn Công Bồng phó tổng giám đốc Nha công an và Nguyễn Công Mỹ Tổng giám đốc đầu tiên của Nha bình dân học vụ.
Năm 1926, Nguyễn Công Hoan tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm, sau đó đi dạy học ở nhiều nơi cho đến khi Cách mạng tháng Tám nổ ra.
Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Công Hoan bắt đầu từ sớm, ngay khi mười bảy tuổi ông viết tập truyện ngắn đầu tay Kiếp Hồng Nhan. Được Tản đà thư điếm xuất bản năm 1923, tác phẩm được đánh giá là một đóng góp lớn cho nền văn xuôi Việt Nam bằng chữ quốc ngữ.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Nguyễn Công Hoan đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong các tổ chức về văn học ở Việt Nam như biên tập viên báo Vệ quốc quân, chủ nhiệm và biên tập tờ Quân Nhân học báo. Ông còn từng làm việc trong ngành giáo dục, biên soạn sách giáo khoa và sách lịch sử.
Nguyễn Công Hoan là một trong những nhà văn đặt nền móng cho chủ nghĩa văn học hiện thực phê phán Việt Nam thời kì 1930 – 1945. Những tác phẩm của ông vạch trần bộ mặt giả dối và tàn độc của bọn tham quan chỉ biết lợi dụng quyền lực ức hiếp dân lành hòng vơ vét của cải vào túi riêng.
Điển hình là tác phẩm Kép tư bền, khi được xuất bản năm 1935 đã tạo nên một tiếng vang lớn trên văn đàn, trở thành đề tài gây tranh cãi, thu hút nhiều bút lực xoay quanh hai quan điểm văn học lúc bấy giờ là nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh.
Trong suốt thời gian gần năm mươi năm sáng tác , Nguyễn Công Hoan để lại một di sản văn học lớn với hơn 200 truyện ngắn, 30 truyện dài và nhiều thể loại khác.
Không chỉ vậy, một số tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành nhiều dạng nghệ thuật sân khấu khác như Tắt lửa lòng thành vở cái lương Lan và Điệp nổi tiếng hay vở kịch Người ngựa ngựa người.
Với những cống hiến cho nền văn học nước nhà, năm 1996 Nguyễn Công Hoan được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.
Một trong những sáng tác nổi tiếng của nhà văn có thể kể đến là Bước đường cùng, tác phẩm được sáng tác năm 1938. Theo một cuốn tự truyện của tác giả, cuốn sách được ông hoàn thành trong vòng nửa tháng.
“Cuốn ấy tôi viết ngày, viết đêm; viết cho chóng xong để còn đi chơi nhiều nơi, trước khi phải ra “an trí” tại Trà Cổ. Vừa nghĩ, vừa viết, vừa sửa; tôi đã hoàn thành cuốn truyện trong 16 hôm, từ 1 đến 16/7/1938.”
Là một tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Công Hoan, Bước đường cùng viết về số phận của những người nông dân thấp cổ bé họng trong xã hội Việt Nam trước cách mạng, phải chịu cảnh một cổ hai tròng mà không thể vùng lên chống lại.
Số phận người nông dân trong bước đường cùng
Tác phẩm kể về anh nông dân Pha bị phá sản vì nạn địa chủ, quan lại và đế quốc. Hoàn cảnh của anh là điển hình cho rất nhiều người nông dân tội nghiệp khác trong thời điểm ấy.
Anh Pha là một người nông dân lương thiện, gia cảnh nhà anh ban đầu không phải thuộc loại quá nghèo túng, cũng có ruộng có vườn còn vợ anh thì đi buôn.
Mọi việc bắt đầu trở nên tồi tệ khi vợ anh Pha sinh em bé, đặt tên con là Bạch để trả thù nhà hàng xóm. Hai nhà xích mích lẫn nhau, kết quả là người hàng xóm Trương Phi đã lén bỏ rượu lậu vào ruộng nhà anh. Đọc đến đây, người đọc chắc hẳn sẽ không khỏi cảm thấy hồi hộp và có chút lo sợ cho số phận của Pha.
May mắn thay, Trương Phi đã bỏ nhầm vào ruộng nhà Nghị lại, gia đình Pha tạm qua được một gánh nạn.
Thế nhưng, sau này vợ chồng Pha vì ít học, nghe Nghị lại xúi giục đi kiện Trương Phi, ngỡ tưởng được hắn lo lót cho quan trên, ngờ đâu đó chỉ là thủ đoạn để đẩy anh đến bước đường mất nhà mất cửa.
Nghị Lại cho Pha vay tiền để đi cửa sau nhưng lại lấy lãi cắt cổ, hơn nữa còn không chịu nhận tiền trả nợ sớm mà đợi đến khi lãi mẹ đẻ lãi con, hòng chiếm đoạt ruộng vườn nhà anh Pha.
Trong Bước đường cùng, Nguyễn Công Hoan tập trung mô tả sự đối lập giữa cuộc sống giàu sang của tầng lớp quan lại và sự khốn khó tột cùng của người dân. Giàu có như vậy mà đám quan tham vẫn không chừa mọi thủ đoạn, lừa gạt những người dân lương thiện và vơ vét hết của cải của họ.
“Nghị Lại giàu có một cách hỗn láo. Tiền, thóc, ruộng, nhà của người khác lọt vào tay ông dễ dàng như trở bàn tay. “
Đến mỗi vụ thuế, bọn kỳ hào vắt kiệt người nông dân để thu lợi riêng, khi nước sông lên cao hàng trăm nông dân phải đi hộ đê. Về phía gia đình nhà anh Pha, sau khi bị Nghị Lại lừa mất ruộng phải đến nhà hắn phục dịch, anh thường xuyên bị đánh, đuổi oan ức. Cuối cùng vợ con Pha đã chết một cách đau khổ vì thiếu thốn, để lại mình anh bơ vơ lạc lõng.
Con giun xéo lắm cũng quằn, Sau bao tủi nhục, đau khổ vì bị đẩy vào tuyệt lộ, ở cuối câu chuyện hình ảnh Pha vùng dậy, phang vào đầu Nghị lại với tất cả uất nghẹn căm thù.
Đánh được Nghị lại một đòn, Pha hết sức hả hê, dù cho bị bỏ tù anh cũng không hối hận. Pha quyết nuôi mối thù với Nghị Lại, bỏ đi khỏi làng chờ ngày về trả thù.
Con đường thoát khỏi áp bức là giáo dục và đoàn kết
Năm 1924 trong Bản Án chế độ thực dân Pháp, Bác Hồ có viết:
“Nhân dân Đông Dương khẩn khoản đòi mở trường học vì trường học thiếu một cách nghiêm trọng… Hàng ngàn trẻ em đành chịu ngu dốt vì nạn thiếu trường… Chính phủ thuộc địa tìm đủ mọi cách để ngăn cản không cho thanh niên An Nam sang du học bên Pháp,… Làm cho ngu dân để dễ cai trị đó là chính sách mà các nhà cầm quyền ở các thuộc địa của chúng ta ưa dùng nhất.”
Ngay từ những ngày đầu đi tìm đường cứu nước, Bác đã nhận ra một sự thật về các chính quyền thuộc địa đó là “Làm cho ngu dân để dễ cai trị”.
Vì vậy, trước Cách mạng tháng 8, nước ta có chín mươi lăm phần trăm dân số mù chữ. Giặc dốt đã tạo nên nhiều tác hại lo lớn trong đời sống của người dân, họ có tinh thần nổi dậy giải phóng nhưng còn dốt nát, chưa biết làm cách nào để đạt được mục đích.
Trong Bước đường cùng, tác giả cũng để cho nhân vật bác trai Tân nhận ra một sự thật xót xa như thế:
“Rút cục chỉ dân chết, chết vì nạn nhà giàu, chết vì nạn quan. Dân quê còn chết về nhiều cái nạn khác nữa, nạn ăn ở bẩn thỉu, dại dột, sưu cao thuế nặng, nạn lụt, nạn đại hạn, nạn hủ lậu, rút cục nạn gì cũng do cái dốt nát nó đẻ ra cả.”
Người dân đã lờ mờ ý thức được tầm quan trọng của giáo dục, họ nhận ra việc ít học đã ảnh hưởng đến cuộc đời họ như thế nào. Đặc biệt sau khi vợ con chết và gặp lại anh trai, Pha lúc bấy giờ mới khao khát sự học, muốn trở thành người hiểu biết như Hòa để không ai có thể bắt nạt mình vô cớ.
Hòa cũng nói cho Pha về sự đoàn kết giữa những người nông dân khi họ làm việc, khi họ chống lại cái ác, rằng hải hợp lại với nhau để trở thành một sức mạnh chung, đến lúc đó thì không ai có thể chèn ép họ được.
Con đường Nguyễn Công Hoan vẽ ra cho người nông dân có thể chưa rõ ràng, vì chính tác giả thời bấy giờ cũng như một số trí thức đương thời chưa gia nhập cách mạng nhưng những gì mà nhà văn viết lên trong trang sách của mình được như một cú đánh thức tỉnh người dân ý thức được thực trạng hiện tại của mình, để sau này họ nhận ra Cách mạng là con đường đúng đắn mà họ có thể tin tưởng
Được mệnh danh là người đặt nền móng cho nền văn học hiện thực phê phán, trong Bước đường cùng, Nguyễn Công Hoan hướng ngòi bút châm biếm của mình, tố cáo những thế lực tàn ác chà đạp lên số phận con người, đồng thời thể hiện thái độ đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh và điều đó được thể hiện qua tác phẩm đã tái hiện một bức tranh đa chiều về cuộc sống của người nông dân nơi hương thôn sống dưới sự bóc lột nhũng nhiễu của địa chủ và quan lại trước Cách mạng tháng Tám.
Nhật Hằng
Nhật Hằng
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất