Cánh đồng bất tận là tuyển tập truyện ngắn nổi bật nhất của Nguyễn Ngọc Tư. Những góc khuất của miền Tây sông nước và sự thiện lành, nỗi nhớ nhung, niềm thù hận rất đời của con người nơi đây đã góp một màu rất riêng vào bức tranh văn học thời điểm đầu những năm 2000.

Điểm xuyết trong Cánh đồng bất tận là màu vàng cây lúa, màu xanh những con kênh gợi tình người, tình quê dịu dàng, chứa chan như lúa như nước.

Tuy nhiên, khác với sự tĩnh lặng và hiền hoà thường thấy, cánh đồng trong bức tranh của nữ văn sĩ lại ẩn chứa nỗi đau và niềm bất hạnh của những kiếp người cơ cực.

Nguyễn Ngọc Tư và những trang chữ mang nắng gió Nam Bộ

Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 tại Đầm Dơi, Cà Mau và là nữ nhà văn trẻ của Hội nhà văn Việt Nam, được nhiều độc giả gọi trìu mến là “Cô Tư”. Cô ghi tên tuổi trong lòng bạn đọc toàn quốc bằng những tập truyện như Ngọn đèn không tắt, Nước chảy mây trôi, Biển người mênh mông, Giao thừa và đặc biệt là Cánh đồng bất tận.

Những cuốn sách nổi bật của Nguyễn Ngọc Tư
Những cuốn sách nổi bật của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Trong trang chữ của Nguyễn Ngọc Tư, viết giống như một cách để giải tỏa và thể nghiệm, một cách để những điều gần gũi và thân thương nhất trong đời hóa thành câu chữ san sẻ muôn nơi.

Cũng chính vì điều đó mà đời sống và con người Nam Bộ trở thành đề tài chính trong những áng văn của cô, được ghi lại sau khi nữ văn sĩ đưa bước chân qua nhiều vùng đất và thấu hiểu ít nhiều những bất hạnh lẫn khổ đau.

Cánh đồng bất tận cũng đã dẫn lối nhiều thế hệ bạn đọc qua những vùng đất mang nắng gió phương Nam, tựa như đang xem một cuốn phim cũ màu được tận tụy ghi lại bằng lòng cảm thương và cái nhìn sâu cay của một cô gái.

Bìa sách Cánh đồng bất tận được thay đổi qua nhiều lần tái bản
Bìa sách Cánh đồng bất tận được thay đổi qua nhiều lần tái bản

Vùng đất đó là “những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị của nước, từ ngọt sang mặn chát” hay những con kênh chảy từng dòng chở một kiếp sống lênh đênh, cũng có thể là nơi tiếng cười tự trào trong cảnh nghèo nhưng cũng chẳng ngoại trừ sự tăm tối khiến ta xót xa và ám ảnh.

Cuốn sách nhỏ bé này đã đạt giải thưởng Hội Nhà Văn năm 2006, giải thưởng Văn học Asean 2008, giải thưởng LiBeraturpreis 2018 do Hiệp hội Quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin tại Đức (Litprom) bình chọn.

Năm 2010, truyện ngắn cùng tên trong Cánh đồng bất tận được chuyển thể thành phim và gây tiếng vang lớn. Sách được dịch ra nhiều thứ tiếng và góp phần quảng bá tên tuổi của Nguyễn Ngọc Tư đến gần hơn với bạn đọc Việt Nam cũng như quốc tế.

Cánh đồng bất tận là thành tựu rực rỡ trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Ngọc Tư
Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Ngọc Tư đã in dấu thành công với Cánh đồng bất tận

Khoảng thời gian sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư tính đến nay đã hai mươi năm, tuy nhiên Cánh đồng bất tận vẫn được xem là thành công lớn nhất tính tới thời điểm này của nhà văn.

Cánh đồng bất tận là bức tranh muôn màu về đời sống con người Nam Bộ

Mở đầu sách là truyện ngắn có tựa đề Cải ơi!, tiếng gọi cất lên nghe chân chất và ngọt lịm, dễ thương như giọng hò miền Tây nhưng ẩn sau đó lại là câu chuyện đau lòng về một người cha dành cả đời tìm con, chỉ bởi cô bé sau khi lỡ đánh mất đôi trâu thì sợ đến nỗi bỏ nhà đi mất.

Đau khổ vì mất con đã đành, miệng đời khắc nghiệt khiến ánh mắt người vợ nhìn chồng mình đầy nghi hoặc. Trong thâm tâm của bà thì ông đã hắt hủi cô bé vì nó là con của chồng trước, thậm chí những người xung quanh cho rằng ông là kẻ đã giết chính con gái mình.

Câu chuyện kết thúc mà lời đáp cho tiếng gọi khắc khoải “Cải ơi, về đi con, ơi Cải” của ông già Năm Nhỏ vẫn chưa được đáp lại, khiến nỗi buồn cứ kẹt mãi trong lòng người đọc chẳng thể tan ra. Vậy mà nỗi buồn đó đâu đã hết, nó chỉ là mở đầu cho những nỗi buồn về sau, man mác mà đeo đẳng.

Cánh đồng bất tận là bức họa miền Tây đa sắc
Cánh đồng bất tận là bức họa miền Tây đa sắc

Điều đặc biệt là những nỗi buồn này bắt nguồn từ những con người, những hoàn cảnh rất khác nhau và để lại dư vị cũng hết sức riêng biệt.

Đó là niềm đau của bác Tư Mốt khi nhìn những bóng lưng rời đi khỏi mảnh đất Mút Cà Tha để về với khói bụi thành phố, khác với sự tan vỡ của trái tim hai người thương nhau mà chẳng lấy được nhau.

Đó là Cái nhìn khắc khoải của ông Hai khi trót khuyên người ta đi tìm lại hạnh phúc, để rồi chính mình chờ hoài hạnh phúc trở về trong khói bay lên, trong lá khô vỡ giòn như bước chân ai quay lại.

Đó là Dòng nhớ chảy hoài trong những người đã có một tổ ấm mà lòng cứ hướng về khúc sông lồng lộng một mối tình xưa chẳng trọn vẹn.

Những câu chuyện ấy đều gợn lên dư vị buồn bã, có điều bản chất của chúng là khác nhau.

Mỗi cái tên chứa một nỗi buồn riêng biệt
Mỗi cái tên chứa một nỗi buồn riêng biệt

Những Cuối mùa nhan sắc, Duyên phận so le hay Biển người mênh mông cũng vậy. Mỗi câu chuyện là những nỗi đau của kiếp người rất riêng, chẳng ai giống ai. Chỉ quanh quẩn nơi miền Tây sông nước thôi mà Cánh đồng bất tận đã mở ra biết bao cảnh sắc, bao mảnh đời, bao ngang trái.

Tựa hồ sau một nhiếp cửa tranh vẫn còn cánh cửa khác đóng im lìm, tựa hồ sau một con đường đất cụt vẫn còn một con đường lắm bùn tanh, sau những mảnh ruộng khô khốc và cằn cỗi vẫn cựa quậy một mầm sống không tên khao khát ánh mặt trời.

Sau những mảnh ruộng khô khốc và cằn cỗi vẫn cựa quậy một mầm sống không tên khao khát ánh mặt trời
“…sau những mảnh ruộng khô khốc và cằn cỗi vẫn cựa quậy một mầm sống không tên khao khát ánh mặt trời…”

Trong tác phẩm ấy, Nguyễn Ngọc Tư dường như muốn vẽ một miền Tây nhưng phải chăng cô đã tiện tay vẽ cả một bức tranh muôn sắc, gồm cả sắc đời và sắc tình.

Cánh đồng bất tận là tiếng khóc âm ỉ sau những con chữ

Ở truyện ngắn cuối cùng và cũng là truyện ngắn mang tên sách, câu chuyện về bốn kiếp sống phiêu bạt, một người lớn bất mãn trước sự đời, hai đứa trẻ vô tội và cô điếm miền Tây đã khoét một nỗi đau, nỗi ám ảnh quá lớn vào tâm thức người đọc.

“Con kinh nhỏ nằm vắt qua một cánh đồng rộng. Và khi chúng tôi quyết định dừng lại, mùa hạn hán hung hãn dường như cũng gom hết nắng đổ xuống nơi này. Những cây lúa chết non trên đồng, thân đã khô cong như tàn nhang chưa rụng, nắm vào bàn tay là nát vụn”.

Những câu mở đầu đã mở ra một trúc trắc, một lênh đênh, một khốn khó đang bủa vây một gia đình du mục cùng tài sản là đàn vịt đòi khát thức ăn trong cái nắng rát mặt người.

Từ cái bắt đầu này, những nhân vật khác dần xuất hiện mà phần lớn là những người đàn bà không tên, trôi dạt. Tất cả những con người ở cái xứ sông nước này đều nhuốm một nỗi đau riêng trong cái nền xám chung của truyện.

Cánh đồng bất tận là tiếng khóc âm ỉ sau những con chữ
Cánh đồng bất tận là tiếng khóc âm ỉ sau những con chữ

Trong truyện ngắn ấy, Út Vũ là cha của nhân vật xưng “tôi” và cũng là người mang một nỗi đau không thể xóa nhòa. Cũng vì hận tình, hận đời mà ông đã đốt nhà rồi dẫn hai đứa con và đàn vịt vào những cánh đồng trong cõi hận.

Điều này cũng bắt nguồn từ vết thương lòng của chính ông, đó là nỗi hận người vợ trẻ không chung tình. Cũng từ đó mà Út Vũ quay sang trả thù đời bằng cách dụ dỗ và bỏ rơi những cô gái trẻ dấn bước theo mình, thậm chí là trút giận lên những đứa con vô tội.

 “Cha vẫn thường đánh chị em tôi, thường đánh khi vừa ngủ dậy. Đó là khi người ta thấy hoang hoải, chán chường sau một giấc dài, mở mắt ra, vẫn gió đìu hiu, vẫn nắng võ vàng trên những cánh đồng hoang lạnh… hay tại tôi càng lớn càng giống má”

 “Cha tôi tính toán rất vừa vặn, sao cho vừa đủ yêu, vừa đủ đau, vừa đủ bẽ bàng và bỏ rơi họ đúng lúc… tôi có cảm giác cha quắp lấy người ấy vùi mặt vào da, vào thịt, ngấu nghiến mà lòng cha lạnh ngắt… trong cha tôi không còn một chút cảm xúc nào, nét mặt tràn ngập những rắp tâm, chưa gặp mặt đã tính chuyện phụ phàng”

Đó là sự trả thù bắt nguồn từ nỗi hận mà quá khứ đeo vào một cách dai dẳng, ngự trị và dần giết chết tâm hồn ông, nỗi đau không tẩy xóa nổi ấy khiến người đọc vừa giận vừa thương.

Truyện ngắn Cánh đồng bất tận cũng là phần khép lại cuốn sách đã được chuyển thể thành phim năm 2010
Truyện ngắn Cánh đồng bất tận đã được chuyển thể thành phim vào năm 2010

Cánh đồng bất tận còn ôm nỗi đau của những kiếp đàn bà không được sống trong tình yêu thương để dần tha hóa như người vợ của Út Vũ, hay bị ruồng bỏ, bị lừa dối trắng trợn về thể xác và tinh thần như những người phụ nữ đi ngang đời ông.

Điểm đặc biệt trong truyện là nỗi đau thẳm sâu trong cõi hồn khô héo của Sương, một cô gái làm nghề mua vui cho thiên hạ và đã gắn với ba cha con ấy như một định mệnh.

“…người ta đổ keo dán sắt vào cửa mình của chị.”

“Chị bị đánh ghen quen rồi.”

Thẳm sâu trong thân thể “mục nát” của những cô điếm như Sương là những khát khao về yêu thương thực sự, chúng không hé lộ ra với người ngoài nhưng vẫn đang thoi thóp sống.

 “Chị hướng cái nhìn sâu nhói về phía cha tôi, rất chậm rãi, chị thay áo, lấy nón, xỏ dép… Thời gian dằng dặc. Tôi biết chị chờ và hi vọng. Tôi biết, đi một quãng xa chị vẫn còn dỏng tai đợi một tiếng gọi, quay lại đi, Sương. Nhưng chỉ gió nghêu ngao soi mói vào mảng thịt sau tà áo người phụ nữ đang xiên xiên trên bờ cỏ rập rờn”

Cuối cùng là nỗi đau của Nương và Điền, những đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh khắc nghiệt, thiếu vắng tình thương và phải tự mình trải, tự mình biết, tự chứng kiến những bất công để trưởng thành.

“Những gì không biết chúng tôi thử. Những gì không hiểu, chúng tôi chất thành khối trong lòng. Nhiều khi thấu đáo được một điều nào đó, chúng tôi phải trả giá rất cao”

Đắt như bản năng trỗi dậy mạnh mẽ ở tuổi dậy thì mà Điền phải kìm hãm bằng tất cả sự miệt thị và hận thù, đắt như kỳ kinh nguyệt đầu tiên của Nương không có mẹ lẫn cha bên cạnh, hai chị em phải tọng đọt chuối vào miệng nhai ngốn ngấu để lấy bã rịt lại chỗ máu.

Hai đứa trẻ đáng thương phải trả giá quá đắt cho “sự trưởng thành” mà lẽ ra chúng có quyền được đón nhận bằng sự dạy dỗ và lòng yêu thương.

Trích đoạn lời của nhân vật Nương ở bìa sau của sách
Trích đoạn lời của nhân vật Nương ở bìa sau của sách

Nói về Cánh đồng bất tận, nhà phê bình Thụy Điển Stefan Jonsson đã viết những lời như sau:

“Kết cấu chặt chẽ và hoàn hảo… Nhiều hình ảnh gợi buồn về nỗi con người bị số phận hay chính cơ hội quật ngã.”

Còn phía Nhà xuất bản trẻ lại cho rằng:

“…ở đó người ta tìm thấy sự dữ dội, khốc liệt của đời sống thôn dã qua cái nhìn của một cô gái. Bi kịch về nỗi mất mát, sự cô đơn được đẩy lên đến tận cùng, khiến người đọc có lúc cảm thấy nhói tim…”

Cánh đồng bất tận suy cho cùng không chỉ là những câu chuyện buồn được ghép lại với nhau thành một tuyển tập. Đó là tập hợp của những bi kịch đời thường, là tiếng khóc bi thương không cất lên thành lời của những mảnh đời éo le, những con người đáng thương miền sông nước Nam Bộ.

Cánh đồng bất tận là sự trần trụi và thực đến nao lòng
Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư là sự trần trụi và thực đến nao lòng 

Có điều, cô Tư đã kể bi kịch trần trụi mà như kể chuyện đầu xóm, bình thản và mượt mà. Chính sự bình thản đó khiến người đọc không khóc được, chỉ thấy lòng như bị xé thành từng mảnh nhỏ, những mảnh day dứt và khắc khoải khôn cùng.

Có tình người ngát thơm như Cánh đồng bất tận chạy ngút chân trời

Cánh đồng bất tận tuy chứa đựng những nỗi buồn, nỗi đau hoang hoải nhưng không làm ta bi quan mà trái lại, cuồn cuộn khát khao được sống và niềm tin vào cuộc đời vì nhận ra tình yêu vẫn len lỏi giữa mảnh đất khô cằn nhất.

Như giữa cảnh mất con để lang bạt suốt đời đi tìm, ông già Năm Nhỏ vẫn yêu thương và cưu mang chàng thanh niên trẻ, đam mê ca hát, bỏ nhà đi để “mai mốt con làm ca sĩ nổi tiếng cho ba coi”.

Như tình thương của hai chị em với cô điếm tên Sương, tình thương của người vợ dành cho người đàn bà khắc khổ mà chồng mình vẫn luôn nhớ về và trăn trở.

Có tình người ngát thơm như Cánh đồng bất tận chạy ngút chân trời
Có tình người ngát thơm như Cánh đồng bất tận chạy ngút chân trời

Hay tình thương của người cha, người đã tạo ra những tội lỗi bởi lòng thù hận với cô vợ phụ tình nhưng vẫn lờ mờ cảm thấy trách nhiệm đối với hai đứa con.

Chi tiết ông mua cho đứa con gái chiếc nhẫn để dành cho đám cưới cũng như việc “cởi cái áo trên người để đắp lên cho đứa con gái. Ông ta bò quanh nó, tìm bất cứ cái gì để có thể che cơ thể nó dưới ánh mặt trời” cho thấy tình thương và sự hối hận của người làm cha đã sống dậy.

“Đứa bé không cha nhưng chắc chắn sẽ được đến trường, sẽ sống hạnh phúc.

Vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”

Cái mầm thiện trong trái tim nhân vật “tôi” dù ngập trong nước mắt nhưng vẫn bừng xanh niềm hi vọng sâu sắc, thiêng liêng rằng nếu như “bị có con” sau cuộc bạo hành, cuối cùng vẫn nên thứ tha.

Có thể nói, biểu tượng “cánh đồng” là biểu tượng về nỗi khắc khoải của số phận con người nhưng cũng chính là biểu tượng về niềm tin vào lòng cuộc sống “bất tận”.

Nguyễn Ngọc Tư đến phút cuối đã để cho những thù hận qua đi, những vết thương được cánh đồng mênh mông nước trắng làm cho lành lại, cho bùn đất ngấm vào da thịt để cảm nhận sự bất tận của tình yêu thương.

Cánh đồng bất tận là tình người dạt dào và sâu sắc
Cánh đồng bất tận là tình người dạt dào và sâu sắc

Trong câu chữ của cô Tư, từ ngôn ngữ cho đến cảnh nhà, cảnh đời, cảnh thiên nhiên và cách kể chuyện cũng đều đậm miền Tây. Chúng dẫn người đọc đi sâu vào từng ngõ nhỏ thôn quê để đôi khi đau đớn nhận ra đó là ngõ cụt, chỉ còn niềm thánh thiện trên nụ cười khắc khổ là nằm mãi cuối con đường.

Đó cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nên vân chữ của nữ tác giả Nguyễn Ngọc Tư và kéo mọi người lại gần hơn với những cuốn sách của cô, gần hơn với miền Tây sông nước, nơi những con người lành như đất đã ngấm vào đời văn của cô như phù sa ở đáy sông.

“Không có những hạt mầm tốt gieo vào lòng đất thì trên những “cánh đồng bất tận” mãi mãi chỉ có nắng nung người, gió cháy da, chất phèn chua lét, đàn vịt cọc còi và những người đàn bà… làm đĩ. May thay, hạt mầm đã có và được gieo không bởi tuyên ngôn của các vĩ nhân mà là được gieo bởi những kẻ khốn cùng trong xã hội”

Cánh đồng bất tận là bối cảnh cho nỗi đau, bất hạnh, cơ cực của những kiếp người nhưng cũng là nơi gieo những hạt mầm yêu thương và lòng khát khao về hạnh phúc. Cuốn sách khép lại đã mười bốn năm kể từ lần đầu xuất bản nhưng dư âm của nó đã trải dài bất tận trong lòng người đọc.

Đinh Ngọc