Cây chuối non đi giày xanh là một trong những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh viết về tình yêu, tình bạn nảy nở giữa những năm tháng tươi đẹp nhất của tuổi thơ.

Bằng cách hành văn nhẹ nhàng, Nguyễn Nhật Ánh như đưa người đọc về một miền quá khứ tươi đẹp với biết bao kỉ niệm đã trở thành quen thuộc, khiến mỗi lần gấp lại cuốn sách đều không tránh khỏi cảm giác bồi hồi, xao xuyến.

Đôi nét về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sinh năm 1955 tại làng Đo Đo, huyện Thăng Bình thuộc Tỉnh Quảng Nam, ông là nhà văn chuyên viết về mảng đề tài thiếu nhi và đã gặt hái được nhiều thành công.

Tác giả bắt đầu sự nghiệp viết lách của mình từ rất sớm, năm mười ba tuổi đã có tác phẩm thơ được đăng lên báo và kể từ đó đến nay, Nguyễn Nhật Ánh đã cho ra đời hơn một trăm tác phẩm đa dạng về các thể loại như truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết và bút ký.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Chân dung nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Tên tuổi của nhà văn gắn liền với những tác phẩm từ lâu đã trở thành một phần tuổi thơ của hàng ngàn độc giả qua bao thế hệ như Còn chút gì để nhớ, Hạ đỏ, Mắt BiếcNgồi khóc trên cây. Truyện của ông được tái bản liên tục và luôn có một sức hút đặc biệt với người đọc.

Các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh nhận được nhiều giải thưởng khác nhau. Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối nhận giải thưởng văn học hạng A hay tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của ông được trao tặng Giải thưởng Văn học ASEAN vào năm 2010.

Về phần mình, năm 1995 tác giả được bình chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm thông qua cuộc trưng cầu ý kiến của bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi Trẻ, đồng thời được bình chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu tiểu trong giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1995.

Nhiều tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được chuyển thể thành những bộ phim nổi tiếng, điển hình như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh trở thành cơn sốt năm 2015, Cô gái đến từ hôm qua ra rạp năm 2017 và gần đây nhất là Mắt Biếc, một trong những bộ phim đạt doanh thu từ phòng vé cao nhất 2019.

Những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Cây chuối non đi giày xanh là truyện dài của tác giả Nguyễn Nhật Ánh được xuất bản lần đầu tiên năm 2017. Tác phẩm viết về những rung động đầu đời của cậu bạn Đăng với người bạn từ thủa nhỏ của mình là Thắm.

Bên cạnh tình cảm trong sáng mà đôi bạn trẻ dành cho nhau tác phẩm còn đề cập đến tình bạn thân thiết, tình yêu của người lớn và tình cảm xóm giềng đều là những nét điển hình trong phong cách viết truyện của tác giả.

Cây chuối non đi giày xanh là câu chuyện về tình cảm trong sáng tuổi mới lớn

Bắt đầu từ lời gọi mời của cậu bạn năm nào giờ này đã trở thành chủ tịch thị trấn, nhân vân Đăng đã viết lên một cuốn tiểu thuyết nói về kỉ niệm năm nào của nhóm bạn khi còn ở Hà Lam. 

“Viết về Hà Lam thì có cả tỉ thứ để viết, vì đây là thị trấn tuổi thơ tôi; biết bao kỷ niệm của tôi gắn với nơi này. Nhưng chính vì quá nhiều kỷ niệm ùa về cùng một lúc, tôi không biết phải bắt đầu bài viết của mình từ đâu. Giống như quả bom thì có rồi nhưng chưa mò ra ngòi nổ nằm chỗ nào. Người phương Tây có câu ” Ôm nhiều thì ôm không chặt “. Tôi đang rơi ngay chóc vào tình cảnh đó, vì vậy mà tôi cứ lần lữa mãi.”

Cuối cùng, nhà văn chọn viết về nỗi sợ hãi kinh hoàng đã ám ảnh trong suốt tuổi thơ của anh nói riêng và tất cả đám con trai làng nói chung đó là ông Cứ hớt tóc dạo.

“Hồi bốn, năm tuổi, tôi sợ ông vô cùng. Hồi đó, ông Cứ trạc năm mươi tuổi nhưng đã rụng mất hai răng cửa. Ông lại thích nhai trầu, miệng lúc nào cũng đỏ lòm như máu. Ông thích hả họng ra để hù dọa bọn trẻ con. Mỗi lần như thế, bọn tôi sợ chết khiếp. Nhiều đứa sợ hãi thét be be, có đứa òa ra khóc.”

Những kỉ niệm về ông Cứ là cầu nối đưa người đọc đến với câu chuyện kể về mối tình đẹp tuổi học trò của đôi bạn nảy nở giữa khung cảnh đồng quê, gợi cho độc giả nhiều cảm xúc sâu lắng về tuổi thơ.

Đăng và Thắm là đôi bạn thân từ thưở hai đứa học chung lớp tiểu học, cùng đám con nít trong làng bày biết bao nhiêu trò nghịch ngợm.

“Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao hồi đó tôi thích chơi với nhỏ Thắm. Da ngăm ngăm đen, nó không phải là đứa con gái xinh nhất lớp tôi. So với những đứa khác, nhỏ Thắm chỉ xếp hạng trung bình. Chắc tôi thích nó vì nó thắt tóc bím. Mỗi khi nó chạy nhảy hoặc nó vùng vằng với tôi, hai bím tóc không ngừng nhảy nhót trên vai nó như hai con sóc nhỏ trông rất ngộ nghĩnh. Cũng có thể tôi thích nó vì nó hay cười. Sau này lớn lên, tôi luôn thích những đứa con gái hay cười. Con gái cười trông có duyên tệ. Nhưng có lẽ lý do quan trọng là nhỏ Thắm ngồi cạnh tôi trong lớp, hay trò chuyện với tôi, và tôi thích nó còn vì nó hay chống tay lên cằm mắt nhìn xa xăm đi đâu đó bên ngoài cửa sổ.”

Mặc dù cũng có những giây phút hờn giận vu vơ nhưng chính sự gắn bó trong những năm tháng theo học ở trường làng đã gieo mầm cho tình cảm đẹp đẽ của họ sau này.

Bìa tác phẩm Cây chuối non đi giày xanh
Cây chuối non đi giày xanh khiến người đọc gợi nhớ về những năm tháng tuổi thơ

Vì nghĩ rằng Đăng thích màu xanh lá nên mỗi lần gặp, Thắm đều diện cho mình những món đồ màu xanh khi thì chiếc áo, khi thì đôi giày hay cái nón khiến cho Đăng cảm thấy cô bé giống hệt một cây chuối non ngộ nghĩnh. Sau này cây chuối non đó đã trở thành một kỉ niệm đẹp đẽ trong tâm trí Đăng.

Thế rồi thời gian thấm thoắt trôi đi, một ngày cậu bé nhận ra tình cảm mình dành cho cô bạn nhỏ ngày nào bỗng trở nên khác lạ.

“Tôi chán tiếng ve kêu. Tôi chán ngắm hoa phượng, dù đó là loài hoa tôi yêu nhất trên đời. Tôi giấu bức tranh nhỏ Thắm vào giữa chồng tập, thỉnh thoảng lại lôi ra ngắm. Ngắm tới ngắm lui, tôi vẫn chẳng thấy nhỏ Thắm xinh tẹo nào. Nó chẳng xinh, mà sao tôi nhớ nó quá thể. Có lẽ tôi nhớ miệng cười của nó. Nhớ những lúc nó lơ đãng chống cằm trong giờ học bị cô Sa la hoài. Nhớ những câu hỏi lằng nhằng của nó nữa”

Tuy vậy, tình cảm trong sáng của đôi bạn trẻ cũng trải qua những sóng gió, trắc trở, ví như lần mẹ Thắm không muốn Đăng đến rủ Thắm đi học hay việc cô bị ép gả cho con trai người bạn cũ của cha dù cho hai người không biết mặt nhau.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong buổi ra mắt tác phẩm Cây chuối non đi giày xanh
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong buổi ra mắt tác phẩm Cây chuối non đi giày xanh

Nhờ sự giúp đỡ của những người bạn tốt là chú tiểu Khôi và Phan, họ đã cùng nhau dần dần hóa giải những khúc mắc.

Chú tiểu Khôi là một cậu bé tốt bụng, sống cùng sư thầy ở chùa Giác Nguyên, được đi học với bạn bè cùng trang lứa. Sau khi sư thầy mất, cậu bé mới biết mình không mồ côi mà cha cậu bé chính là bạn ông Ước cha của Thắm.

Phan là một cậu bé nhanh nhẹn, thông minh và luôn hết mình vì bạn bè. Nhờ có sự lanh lợi đó của cậu đã giúp bạn bè giải quyết được vô số chuyện.

Bên cạnh đó, tác giả còn lồng vào câu chuyện tình cảm của những người hàng xóm láng giềng khiến cho bức tranh làng quê thêm phong phú và sinh động.

bìa sách Cây chuối non đi giày xanh
Cây chuối non đi giày xanh như làn gió mát cho tâm hồn

Đó là chuyện anh Thắng vì theo đuổi cô giáo Sa mà phải giả khùng, thường ngồi dưới lớp cô hát những bài tiếng Pháp với giai điệu buồn bã hay tình cảm trong sáng của hai chị em nhỏ Lan, nhỏ Phượng đối với Đăng.

Thị trấn Hà Lam mơ mộng còn chứa đựng nhiều chi tiết mang đậm không khí làng quê Việt như tiệm sách bán truyện kiếm hiệp và Quỳnh Dao hay nút thắt về những mối quan hệ khó hiểu của người lớn hiện lên trong mắt người đọc trong veo đầy tình nhân ái.

Những kỉ niệm đẹp tuổi thơ được tái hiện qua Cây chuối non đi giày xanh

Tình yêu quê hương và những kỉ niệm về thời thơ ấu luôn là những đề tài quen thuộc trong những trang văn của Nguyễn Nhật Ánh. Cái tài của ông là có thể mô tả cảnh thiên nhiên gần gũi, sinh động khiến cho người đọc như thực sự bước vào khu vườn đó.

Cây chuối non đi giày xanh
Bìa tác phẩm cây chuối non đi giày xanh

Ở tác phẩm Cây chuối non đi giày xanh, người đọc thấy được làng Hà Lam hiện ra quen thuộc đến từng ngóc ngách, như thể đó chính là một quê hương trong tâm tưởng của họ vậy.

“Khác với mùa thu rón rén, bao giờ mùa hè cũng về với những bước chân rộn ràng. Cây phượng trước sân trường tôi và cây phượng trước sân chùa Giác Nguyên thi nhau nở hoa đỏ thắm mấy hôm nay. Trên những ngọn cây cao hai bên bờ suối, tiếng ve đã bắt đầu râm ran. Và trên cánh đồng dẫn vô con suối xóm Trong, cỏ khô đi dưới cái nắng như thiêu, rủ nhau chuyển sang màu rơm rạ và phát ra tiếng lạo xạo mỗi khi bánh xe của chú tiểu Khôi lăn qua.”

Những kỉ niệm thời thơ ấu của mỗi nhân vật trong truyện đều khiến mỗi chúng ta như nhớ về từng hồi ức của chính mình như những lần trốn nhà đi tập bơi bên bờ suối, trận chiến thập tử nhất sinh với lũ bạn ở cầu Hà Kiều hay rung động đầu đời nơi bờ suối yên bình hò hẹn.

Tất cả đều thoảng vương vất một màu hoài niệm quen thuộc trong kí ức xa xăm mà mỗi khi nghĩ lại chúng ta đều cảm thấy như một nơi bình yên trong tâm hồn.

Cây chuối non đi giày xanh
Tác phẩm Cây chuối non đi giày xanh tái hiện những kỉ niệm đẹp về tuổi thơ

Cây chuối non đi giày xanh trong lòng độc giả quen thuộc như một bài đồng dao, ở đó có những trò quậy phá của tuổi thơ nồng nhiệt như nắng hè, những tình cảm đầu đời bừng nở xanh mướt như chồi non hay những cuộc tình gập ghềnh như dòng suối trước khi hòa vào biển rộng.

Ta thấy được qua trang sách nét hồn nhiên của mỗi nhân vật trong những giây phút dỗi hờn hay khoảnh khắc trái tim cựa mình trước một tình cảm sâu lắng, tất cả như một làn suối mát trong tim mỗi người đọc, gợi về những hồi ức trong trẻo nhất trong cuộc đời.

Nhật Hằng