Cuộc đời của Pi (Life of Pi) được viết bởi nhà văn người Canada Yann Martel, xuất bản lần đầu tiên năm 2001. Cuốn sách kể về Piscine, một cậu bé có đức tin mãnh liệt vào Chúa dẫu hành trình cuộc đời còn nhiều chông gai.
Xuất phát từ trí tưởng tượng nhưng Yann Martel đã mang đến cho độc giả một câu chuyện rất thật, chuyến tàu vượt Thái Bình Dương trong 227 ngày đó đã diễn ra. Nhờ lối kể chuyện thành công, Cuộc đời của Pi đã chiến thắng Giải thưởng Man Booker năm 2002 ở hạng mục tiểu thuyết.
Đôi nét về tác giả Yann Martel và tiểu thuyết Cuộc đời của Pi
Yann Martel sinh năm 1963 tại Salamanca, Tây Ban Nha. Tuy nhiên, do công việc của cha mẹ nên ông sớm đã được đi nhiều nơi, thời thơ ấu vì thế mà gắn liền với nhiều quốc gia như Costa Rica, Pháp, Ấn Độ, Iran và Mexico.
Trưởng thành trong gia đình có cha mẹ là công chức, Martel sớm nhận được những điều kiện giáo dục tốt. Từ năm 1979 đến năm 1985, ông liên tiếp theo học và hoàn thành chương trình học tại Trường Cao đẳng Trinity, Đại học Trent và Đại học Concordia.
Tuy tốt nghiệp Đại học với tấm bằng Triết học nhưng ảnh hưởng từ người cha Nicole Martel, nhà ngoại giao đồng thời là nhà thơ tài năng, Martel đã dấn thân vào văn chương khi tròn 27 tuổi. Trước khi quyết định gắn mình với viết lách, ông đã từng làm nhiều việc vặt như thủ thư, người trồng cây, rửa bát thuê, nhân viên bảo vệ và nhân viên ở bãi đỗ xe.
Năm 1990, Những sự kiện có thật đằng sau vụ Roccamtions Helsinki của Yann Martel xuất hiện lần đầu trên Tạp chí Malahat. Tác phẩm gồm bốn câu chuyện, kể về người đàn ông mắc bệnh AIDS, tài năng soạn nhạc của người gác cổng, chín bức thứ của quản giáo gửi cho mẹ và cuộc đối thoại giữa chàng trai trẻ với bà của mình.
Sáu năm sau, Yann Martel cho xuất bản với Bản ngã (Self), tiểu thuyết đầu tay trong sự nghiệp sáng tác. Câu chuyện trong cuốn sách là lời kể của nhân vật, một thanh niên đã tường thuật lại ba mươi năm đầu tiên của mình với quá trình phục hồi sau chấn thương nặng.
Thế nhưng, Bản ngã lại không được đánh giá cao và gây tiếng vang như Những sự kiện có thật đằng sau vụ Roccamtions Helsinki. Khoảng thời gian sau đó, Yann Martel im hơi lặng tiếng hơn tiếng rất nhiều, ông không cho xuất bản thêm cuốn sách nào.
Mãi đến khi Cuộc đời của Pi, tiểu thuyết thứ hai của nhà văn xuất bản năm 2001, Yann Martel chính thức vụt sáng trên văn đàn thế giới. Để làm được điều đó, ông đã đến Ấn Độ để tìm hiểu và khám phá cuộc đời mình sẽ đi đến đâu.
“Mọi việc ở đời có bao giờ diễn ra như ta vẫn tưởng, nhưng biết làm sao. Cuộc đời đem cho ta cái gì thì ta phải nhận cái đó và chỉ còn cách làm cho chúng đẹp nhất mà thôi.”
Trích dẫn trên là lời mở đầu của tác giả, nó gây ấn tượng vì giống như cảnh báo về những trang sách sắp xuất hiện. Đó có thể là câu chuyện mà chúng ta không thể tưởng tượng được, biến cố không thể ngờ đến nhưng chỉ còn cách chấp nhận và vượt qua.
Cuộc đời của Pi kể về cậu bé Piscine Molitor Patel, hay còn gọi là Pi. Pi khác với những đứa trẻ cùng trang lứa, cậu sinh ra và lớn lên trong vườn bách thú Poddicherry, nhờ vậy mà Pi có niềm say mê tôn giáo và động vật học.
Vì có biến cố xảy ra nên gia đình cậu phải bán vườn bách thú, di cư từ Ấn Độ đến Canada trên một con tàu Nhật Bản Tsimtsum. Đây là chuyến đi đáng nhớ và kinh hoàng nhất trong cuộc đời của Pi, do tàu bị đắm mà tất cả thành viên trong gia đình đã ra đi.
Giờ đây, hành trình di cư của gia đình đã trở thành chuyến phiêu lưu của Pi cùng những con vật còn sót lại như linh cẩu, đười ươi, ngựa vắn và hổ. Cậu cùng chúng sống nương tựa nhau, trải qua gần ba trăm ngày lênh đênh trên biển Thái Bình Dương.
Trôi dạt vô định trên Thái Bình Dương, sống sót qua cái đói cái khát đã là một thử thách, Pi còn phải đối đầu với những con thú ăn thịt. Trong nghịch cảnh, cậu không chỉ phải đảm bảo cho sinh mạng của mình mà còn có các con vật khác.
Trước sự đe doạ của chú hổ Richard Parker, kẻ mạnh nhất trên thuyền, Pi đã thu phục nó để có thể chiến đấu với những con vật còn lại. Những ngày sau, chú hổ đã dần dần giết chết các con thú khác ở trên thuyền để làm miếng mồi ngon cho mình.
Sau khi đã vượt qua được những thách thức sóng gió trên biển, con thuyền của Pi cũng đã cập được bến bờ. Richard Parker, chú hổ đã bỏ Pi để trở về với rừng xanh, còn Pi thì về với xã hội loài người.
Cuộc đời của Pi là những lời do chính nhân vật Pi Patel tự thuật và được tác giả Yann Martel ghi chép lại. Đó là lí do tại sao khi cầm cuốn sách này trên tay, độc giả có cảm giác như đang lạc và chốn phiêu lưu cùng Pi và chú hổ, như chính mình cũng đang phải giành giật giữa sự sống và cái chết.
Câu chuyện về niềm tin của con người
Cuốn tiểu thuyết đề cập đến những vấn đề về tôn giáo, đức tin của con người vào Chúa nhưng nó đã được Yann Martel lồng ghép một cách tinh tế vào cuộc phiêu lưu trên biển của Pi. Từ đó, để nhân vật cũng như độc giả tự suy nghiệm ra rằng Chúa luôn hiện diện ở mọi người, luôn hướng đôi mắt về phía con người.
“Câu chuyện sẽ khiến cho anh phải tin vào Thượng đế.”
Chính Pi đã kể cho nhà văn nghe hai câu chuyện, về những loài vật và sự tàn nhẫn, máu lạnh của đồng loại. Điều này đặt ra cho Martel và độc giả nhiều thắc mắc và suy ngẫm, thực sự ta có tin vào sự hiện diện của Thượng đế hay không.
Tuy nhiên, câu chuyện mà Pi kể lại với những điều tra viên người Nhật lại khác với những người Martel được nghe. Từ nguyên nhân vụ đắm tàu đến chuyến hành trình phiêu dạt, tìm cách sống sót trên vùng biển mênh mông, rộng lớn.
Pi Patel, một người theo ba tôn giáo, một người ăn chay nhưng khi bị đẩy vào nghịch cảnh lại ra tay giết chết đồng loại để lấp đầy chiếc bụng rỗng. Pi đã giết chết tên đầu bếp và người thủy thủ, bản năng sinh tồn trỗi dậy khiến cậu phải giết đồng loại để tìm con đường sống cho chính mình.
Không ai sống sót qua vụ đắm tàu ngoài Pi, thông tin câu chuyện bởi vậy cũng khó xác thực đúng sai. Tất cả đều phụ thuộc vào niềm tin con người, lựa chọn tin vào câu chuyện ly kì, thú vị của những loài vật hay câu chuyện máu me, khốc liệt của loài người.
“Câu chuyện nào hay hơn, chuyện có các con vật hay là chuyện không có các con vật?”
Như Pi nói, Thượng đế thích câu chuyện thứ nhất hơn. Bởi Ngài tin vào con người, tin rằng đồng loại sẽ không máu lạnh mà tàn sát nhau như vậy. Còn chúng ta, hoàn toàn có thể tự tìm câu trả lời cho riêng mình.
Nhân vật chính có niềm tin mãnh liệt vào Thượng đế trong suốt hành trình của mình. Bởi anh tin rằng, Người đã giúp mình vượt qua những chông gai, bão tố và sóng gió ở trên biển suốt 227 ngày.
Thật khó tưởng tượng số phận của Pi sẽ ra sao khi trôi dạt vào hòn đảo ăn thịt người, cùng một con hổ chưa được thuần hóa và một chú linh cẩu hung dữ. Niềm tin của Pi vào Thượng đế chưa bao giờ lung lay, ngay cả khi bị đẩy vào đường cùng ngõ cụt.
Thế nhưng, cũng có lúc Ngài không ở cạnh Pi. Đó là khi một anh chàng ăn chay mộ đạo xuống tay giết những con cá và chú rùa, hay là thời khắc kết thúc sinh mạng của người đầu bếp trên tàu. Cốt để lấy thịt ăn, duy trì mạng sống cho bản thân.
Tuy đã thành công thuần hóa chú hổ nhưng kỳ thực, con hổ dữ tợn đó cũng chính là tấm gương phản chiếu con người Pi. Quay trở về thời ấu thơ, lúc Pi muốn nhìn cận cảnh con hổ đang được nuôi ở trong vườn thú nhà mình, cha anh cũng đã nói rằng:
“Con hổ này không phải bạn con. Khi con nhìn vào mắt nó, con đang thấy cảm xúc của chính con phản chiếu lại.”
Bản chất của hổ là loài động vật ăn thịt và khát máu, và nó đã phản chiếu được một phần nào con người của Pi. Đâu đó trong sâu thẳm của anh chàng này cũng như vậy, chỉ đến lúc bị đặt vào hoàn cảnh ngặt nghèo thì bản năng sinh tồn mới trỗi dậy.
Cuộc đời của Pi được chuyển thể thành phim
Năm 2012, Cuộc đời của Pi đã được đạo diễn Lý An chuyển thể thành phim. Tác phẩm điện ảnh này đã tái hiện chân thực những khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ và hùng vĩ, cùng với đó là màu nước xanh biển khơi tuyệt đẹp.
Với thời lượng hơn hai tiếng, Cuộc đời của Pi do đạo diễn Lý An sản xuất đã mang đến những thước phim chân thực, khắc hoạ hành trình cũng như nội tâm, đức tin của Pi trong chuyến hành trình lênh đênh trên biển.
Một năm sau khi công chiếu, Cuộc đời của Pi đã xuất sắc giành bốn tượng vàng tại lễ trao giải Oscar lần thứ 85. Các hạng mục mà phim chiến thắng là Đạo diễn xuất sắc nhất, Nhạc phim hay nhất, Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất và Quay phim xuất sắc nhất.
Câu chuyện về cuộc đời của Pi đã cho chúng ta hiểu rằng, khi con người đã có niềm tin thì không thể nào bị hoàn cảnh đánh bại. Niềm tin luôn là bước chân đầu tiên, dù ta không thể nhìn thấy toàn bộ chiếc cầu thang.
Khánh Nguyên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất