Căn bệnh trầm cảm đang ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống của con người, không ngoại trừ bất cứ yếu tố nào như tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính. Nó có khả năng nhấn chìm và hủy hoại, khiến người bệnh không tìm được cảm giác an lạc và tận hưởng niềm vui sống.
Thấu hiểu điều đó, cuốn sách Đại dương đen của tác giả Đặng Hoàng Giang ra đời như một tiếng nói đồng điệu, có khả năng đồng cảm nỗi niềm với những người không may bị trầm cảm.
Vài nét giới thiệu về tác giả Đặng Hoàng Giang
Đặng Hoàng Giang là một trong số những nhà hoạt động xã hội có sức ảnh hưởng lớn ở Việt Nam. Ông đã tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Công nghệ Thông tin tại Đại học Kỹ thuật tổng hợp Ilmenau và Tiến sĩ Kinh tế phát triển từ Đại học Công nghệ Vienna.
Những cuốn sách của Đặng Hoàng Giang để lại trong lòng người đọc sự ấn tượng về lối viết khách quan, giọng điệu sắc bén nhưng vẫn bộc lộ rõ sự đau đáu với các vấn đề đang nhức nhối.
Các hoạt động nghiên cứu, triển khai chính sách của ông đều hướng tới mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần và thúc đẩy tiếng nói cho người dân. Tác giả nỗ lực không ngừng trong việc truyền bá tri thức, phá bỏ định kiến, kỳ thị, xây dựng một xã hội giàu lòng khoan dung, trắc ẩn.
Không chỉ đồng hành với người cận tử ở cuốn sách Điểm đến của cuộc đời, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang còn dành nhiều thì giờ, tâm sức để tìm hiểu, lắng nghe những câu chuyện trong thế giới của người trầm cảm.
Trong bối cảnh hạ tầng y tế của lĩnh vực sức khỏe tinh thần đang yếu kém, xã hội có nhiều định kiến, kỳ thị, hiểu lầm, tác giả Đặng Hoàng Giang cùng chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành đã đồng khởi xướng Đường dây nóng Ngày Mai.
Tổ chức phi lợi nhuận này hoạt động với sứ mệnh tiếp nhận thông tin, tham vấn tâm lý miễn phí qua điện thoại cho những người khủng hoảng tinh thần. Dự án thực sự là một nơi trú ẩn an toàn dành cho người đang trầm cảm.
“Ở đây chúng tôi lắng nghe và không phán xét những câu chuyện cá nhân.” – Dự án Đường dây nóng Ngày Mai
Đến nay, ông đã cho xuất bản năm đầu sách gồm Bức xúc không làm ta vô can, Thiện, Ác và Smartphone, Điểm đến của cuộc đời, Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ, Đại dương đen.
Tuy số lượng không nhiều nhưng giá trị gửi gắm trong mỗi tác phẩm đều mang đến cho độc giả cơ hội mở rộng vốn hiểu biết, nâng cao trình độ văn hóa. Những cuốn sách của ông thực sự là nơi tìm về, chỗ trú ẩn an toàn đối với người trẻ.
Những hình dung ban sơ về cuốn sách Đại dương đen
Trước tiên, độc giả có thể hình dung Đại dương đen là một cuốn sách viết về trầm cảm. Tác phẩm đã thuật lại những câu chuyện cá nhân hết sức chân thực trong cuộc sống hằng ngày và đưa ra các mô hình lý giải căn bệnh cùng phương pháp trị liệu.
Cuốn sách là chặng đường dài của tác giả Đặng Hoàng Giang khi hòa mình cùng thế giới người trầm cảm. Ông kiên trì lắng nghe, tỉ mẩn ghi lại từng câu chuyện vừa dữ dội, vừa tê tái.
Hầu hết chúng đến từ những số phận lặng lẽ, ít tiếng nói trong đời sống hằng ngày. Đó là một bộ phận những người bị tước đi quyền được yêu thương, hạnh phúc bởi chính định kiến và sự thiếu hiểu biết của gia đình, xã hội.
Đại dương đen được coi như tiếng nói chia sẻ hiếm hoi, nó không chỉ là lời kêu gọi hãy xóa bỏ kỳ thị trong xã hội mà còn là công trình giáo dục tâm lý, cung cấp kiến thức căn bản về trầm cảm.
Đi qua từng câu chuyện, người đọc dần hiểu được những biểu hiện, nguyên nhân, hậu quả và phương thức trị liệu của căn bệnh. Từ đó, mỗi độc giả biết cách hành động để những người không may mắn được sống an hòa với bản thể của mình.
“Những câu chuyện người thật việc thật ở đây có thể gây cảm giác nặng nề, mong bạn đọc lưu ý.” – Lời đề từ ở bìa sách Đại dương đen
Đây là lời nhắn nhủ phù hợp vì người tìm đến Đại dương đen hầu như đang mang trong mình biểu hiện của trầm cảm. Tác giả viết dòng ấy nhằm khuyên người đọc chuẩn bị tâm thế sẵn sàng trước khi bước vào những câu chuyện phía sau.
Đại dương đen được chia thành hai phần, vừa ghi lại trải nghiệm cá nhân của người mắc bệnh, vừa cung cấp những kiến thức chính xác về bệnh. Từ triệu chứng, nguồn cơn đến phương pháp trị liệu đều có ghi chép rất rõ ràng.
Các nhân vật trong cuốn sách trải dài ở mọi lứa tuổi, nghề nghiệp của họ cũng vô cùng đa dạng. Điều này giúp độc giả hiểu trầm cảm có thể xảy ra trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ ai mà không màng tuổi tác, công việc, giới tính.
Hố sâu đại dương đen bị chôn vùi
Trầm cảm ở Việt Nam ngày càng phổ biến và lan rộng, thế nhưng điều đáng lo âu là đối với một đất nước đang phát triển thì hầu hết người mắc bệnh không thực sự được tham vấn trị liệu đúng cách.
Đa số người dân đều cho những trạng thái đau buồn, tiêu cực ấy là bình thường, ai cũng ít nhất một lần trải qua. Chúng ta nên cố gắng vui vẻ, lạc quan để đẩy lùi và nếu không tự thoát ra khỏi mớ hỗn độn nghĩa là chưa nỗ lực hết mình.
Người bệnh không chấp nhận trạng thái của mình
Biểu hiện mới chớm của trầm cảm rất khó để nhìn ra. Cùng với đó là một số nguyên nhân xuất phát từ định kiến xã hội, vì người bệnh không dễ dàng chấp nhận trạng thái bên trong mình.
Thành là nhân vật đầu tiên trải lòng ở Đại dương đen. Vào khoảnh khắc nhận thấy những phản ứng tâm lý bất thường, Thành đã đi đến bệnh viện nhưng lại tỏ ra không tin trước kết luận từ bác sĩ.
“Cháu… bình thường mà, hôm nay cháu nghỉ làm sớm để tới đây.”
Tiếp nối câu chuyện của Thành là Bảo Anh, một cô gái xinh đẹp, giỏi giang và đang theo học ngành Thiết kế thời trang. Tuy nhiên, Bảo Anh mang trong mình mặc cảm về việc bị bỏ rơi, không xứng đáng nhận sự quan tâm và yêu thương.
Vì gặp biến cố nặng nề về tinh thần, cô đã chịu khủng hoảng lớn và tự cho rằng đó là sự trừng phạt khủng khiếp dành cho mình. Thậm chí, Bảo Anh từ chối mọi sự giúp đỡ từ gia đình, người thân.
“Cả ngày nó giam mình trong phòng, trùm cái chăn qua đầu và khóc.”
Chưa dừng lại ở hai nhân vật, chàng luật sư Xuân Thủy sau ba lần được bác sĩ và chuyên gia tâm lý chẩn đoán vẫn nhất quyết không chịu thừa nhận bản thân có bệnh. Anh kiên quyết chối bỏ những phản ứng tâm lý bất thường đang ngự trị bên trong cơ thể.
Đến đây, độc giả có lẽ sẽ hình dung được rõ ràng rằng ngay cả với bệnh nhân đang bị trầm cảm nặng cũng rất khó chấp nhận tình trạng của mình.
“Không, mình không thể bị cái bệnh đó, nó không liên quan gì tới mình. Nó là cái thứ mà chỉ những người kém cỏi, thô thiển, thường xuyên khóc lóc vật vã, mới bị. Mình lịch lãm, sạch sẽ, đẹp đẽ, ăn nói gãy gọn, IQ, EQ sáng láng, mình không bị trầm cảm được.”
Không chỉ với Xuân Thủy, trong hầu hết các câu chuyện, những người khủng hoảng tâm lý đều không sẵn sàng đối diện với căn bệnh mình đang gặp phải. Họ cố gắng vật lộn với thời gian, cố gắng tiếp tục sự sống dù chỉ là những ngày tháng ít ỏi.
Người thân không dũng cảm nhìn vào sự thật
Rất ít nhân vật trong cuốn sách may mắn được người thân đồng hành hay có thể tiếp cận phương pháp trị liệu phù hợp. Phần lớn họ phải chịu đựng một mình, từng ngày chiến đấu với hố đen mục ruỗng từ thể xác đến tinh thần, giành lại sự sống bằng chút sức lực mong manh.
Có lẽ bởi vậy nên người bệnh càng trở nên mặc cảm và thu mình với thế giới xung quanh. Họ không còn tìm thấy một bến đỗ đồng cảm hay nơi nào đó an toàn để có thể trút bày ra tất cả những nỗi niềm chất chứa trong lòng. Ngay cả khi bệnh nhân đã có xác nhận là trầm cảm nặng thì người thân vẫn một mực chối bỏ.
Câu chuyện của Thành là một minh chứng tiêu biểu cho hiện trạng này trong cuộc sống thường nhật. Khi mang giấy chẩn đoán của bệnh viện về, bố anh đã phản ứng gay gắt không thể ngờ.
“Mày bị vậy là do mày hết! Mày điên là do lỗi của mày. Tao không điên! Không, tao không điên, tao không có lỗi!”
Những lời nói sắc lạnh hơn băng, có khả năng làm rỉ máu nỗi lòng của một người đang tan nát. Nó trở thành vết thương khó có thể chữa lành, in hằn trong tâm trí, đi theo đến mãi sau này.
Không chỉ thanh niên như Thành phải chịu đựng mà cả người già như bác Thạch, một bộ đội về hưu cũng gặp cảnh mất ngủ, căng thẳng và chập chờn cả đêm. Dù vậy, nỗi lòng của người đàn ông ấy đã bị con cái gạt phắt đi.
“Bố có bị tâm thần gì đâu, bố tự điều chỉnh đi.”
Chính những thế hệ trẻ, vốn có nhận thức và hiểu biết cũng đang quan niệm tâm thần là điều nặng nề. Trong tư duy của đa số người dân, dường như hai từ trầm cảm vẫn còn xa lạ, chưa từng nghe nói tới.
Lời kể của các nhân vật ở Đại dương đen đã giúp độc giả có thể hình dung rõ ràng về những định kiến đang bao trùm tất thảy. Hầu hết mọi người không dễ dàng chấp nhận việc mình và người thân gặp triệu chứng liên quan đến tâm thần, đặc biệt là trầm cảm.
Đại dương đen cung cấp những hiểu biết về bệnh trầm cảm
Sự phong phú các chân dung cùng vô vàn trải nghiệm từ nhiều đời sống như minh chứng thuyết phục về mức độ phổ biến của căn bệnh. Trầm cảm không phải thứ để nói vui hợp thời mà thực sự là bệnh, biểu hiện dưới những dạng khác nhau, có thể xảy tới với bất kỳ ai.
Bên cạnh những câu chuyện trải nghiệm cá nhân, ở phần hai của cuốn sách, tác giả Đặng Hoàng Giang đã dành một phần dung lượng khá lớn để truyền tải cho người đọc những kiến thức cần thiết về bệnh trầm cảm.
Biểu hiện của bệnh trầm cảm
Trầm cảm biểu hiện rất đa dạng trong từng hành vi, lối nghĩ, thái độ nhưng cần có hiểu biết và sự quan sát kĩ lưỡng mới nhận ra. Những nhân vật trong cuốn sách Đại dương đen đều gạt đi những triệu chứng mới chớm đến khi không thể chịu đựng được lâu hơn nữa.
Khi chưa gọi tên được căn bệnh, Thành đã thấy những triệu chứng suy nhược cơ thể, mệt mỏi rõ rệt. Đối với anh, mỗi ngày qua đi là một lần cố gắng bám trụ lại với sự sống một cách phi thường.
Bản thân Thành có lẽ đã phải vật lộn không ngừng nghỉ hàng giờ để kiểm soát chính mình. Từ lâu, chàng kỹ sư không còn tìm được niềm vui sống, lê lết bước hết quỹ thời gian trong sự đau đớn, quằn quại.
Dù biểu hiện trầm cảm ở mỗi người khác nhau nhưng điểm chung giữa họ là đều không thiết tha sự sống. Những người trầm cảm thường không còn hy vọng việc niềm vui trọn vẹn sẽ quay lại và hạnh phúc thì luôn xa ngoài tầm với.
Nhân vật Uyên 21 tuổi, sinh viên ngành Kinh tế cũng đã kể lại những biểu hiện tồi tệ khi trầm cảm bắt đầu len lỏi trong cơ thể.
“Ý nghĩ muốn chết bắt đầu xuất hiện, và điều khiến tôi lo sợ là nhiều khi nó nổi lên mà không cần một lý do hay tác động bên ngoài nào.”
Từ những lời chia sẻ chân thành đó, độc giả có cơ hội hiểu hơn về thế giới của trầm cảm. Khi cơn khủng hoảng ấy kéo đến, phần lớn người bệnh đều thể hiện chung một trạng thái thờ ơ, hờ hững với sự sống.
Họ cho rằng cuộc đời vô nghĩa, không còn khả năng cảm nhận niềm vui và luôn thường trực ý định tìm tới sự kết thúc, nghỉ ngơi.
Chưa dừng lại ở đó, người mang căn bệnh trầm cảm còn hay tự làm đau chính mình bằng cách dùng những vật nhọn rạch tay, chân. Họ bị mất ngủ triền miên, bỏ bữa, chán nản, thường suy nghĩ bản thân không có ý nghĩa, giá trị, xứng đáng bị khước từ.
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm
Việc trầm cảm bắt nguồn từ hai yếu tố là di truyền và căng thẳng. Trong gia đình, ông bà, bố mẹ từng bị căn bệnh này thì thế hệ sau có khả năng cao cũng sẽ mắc phải. Hoặc trầm cảm đến khi con người gặp nhiều bất hạnh, khổ đau, đặc biệt ở khoảng thời gian quá khứ bị bỏ rơi, đánh đập, xâm hại tình dục hay không được yêu thương.
Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến trầm cảm ở Thành bắt nguồn từ những tổn thương tâm lý tuổi thơ. Ngày nhỏ, cậu bé lúc nào cũng nơm nớp về không khí gia đình buổi hôm đó khi đi học về.
“Tuổi thơ của hai anh em là một biển âm thanh hỗn tạp.”
Một nhân vật khác trong cuốn sách là chị Hoa, khi nghĩ lại bệnh tình của mình cũng tự cho rằng nguyên nhân đến từ khoảng thời gian tuổi thơ lẻ loi ở căn phòng rộng lớn, trống trải.
“Nếu như hồi nhỏ chị được lắng nghe, được vuốt ve, được tặng quà, thì liệu nỗi cô đơn có tích tụ lại thành bệnh như thế này không?”
Trầm cảm len lỏi vào từng ngõ ngách trong cuộc sống của con người. Với Thạch, người đã sang cái dốc bên kia cuộc đời, nguyên dẫn dẫn đến trầm cảm là vì ông dành hầu hết quỹ thời gian của mình để đồng hành và chăm sóc đứa con trai cũng bị bệnh.
Đi qua nhiều câu chuyện trong thế giới trầm cảm, độc giả không chỉ xót xa cho số phận những người kém may mắn mà còn thêm hiểu biết. Căn bệnh này thực sự đã lan rộng trong cuộc sống chúng ta, đặc biệt là khi xã hội ngày càng trở nên vội vã.
Những định kiến và kỳ thị của xã hội
Trong thực tế cuộc sống, bệnh trầm cảm vẫn còn vấp phải nhiều định kiến và kỳ thị của xã hội. Khi bệnh nhân tìm cách tự làm đau mình hay nói không muốn tồn tại nữa thì lại thường xuyên nhận sự đánh giá, phán xét từ mọi người xung quanh.
Cô nàng Bảo Anh đã phải lắng nghe không biết bao nhiêu lời bình phẩm, dè bỉu từ những người chỉ chứng kiến phần bề nổi câu chuyện. Họ không hề hay biết chính điều đó có khả năng hủy hoại một con người đang yếu ớt bám trụ lại với sự sống.
Đây cũng là lý do khiến người trầm cảm ngày càng cô độc trong cuộc sống bình thường. Họ rút lui, khép mình lại, không chia sẻ nhiều và tự cho bản thân chẳng khác nào kẻ xấu xí, vô dụng.
Từ ấy, người trầm cảm lựa chọn cách sống âm thầm nơi bóng tối, đầy rẫy cảm giác dằn vặt, quằn quại đến một giới hạn không thể chịu đựng được nữa.
Đại dương đen gửi gắm mong muốn thay đổi xã hội của tác giả
Suốt thời gian dài đồng hành và lắng nghe những câu chuyện từ thế giới của trầm cảm, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã không ít lần gặp khó khăn, trở ngại trên con đường này.
“Khi bước vào hành trình kéo dài hai năm với người trầm cảm mà điểm kết của nó là cuốn sách này, tôi đã cho rằng nó sẽ không quá khó khăn. Tôi đã từng đồng hành với người trẻ mười tám, đôi mươi, khoảng cách thế hệ giữa tôi và họ rất lớn, đã từng đi cùng người cận tử, sự đau đớn thể xác và cái chết luôn cận kề, còn những nhân vật này, họ “chỉ trầm cảm thôi mà. Tôi đã nhầm làm sao.”
Dẫu vậy, khi Đại dương đen ra đời, độc giả dễ dàng cảm nhận được mong muốn cháy bỏng về việc thay đổi về hạ tầng y tế liên quan tới sức khỏe tinh thần của ông.
Vô vàn trải nghiệm cá nhân của người trầm cảm khi tìm đến phương pháp trị liệu đã phơi bày cho độc giả hình dung rõ nét về chất lượng tham vấn tâm lý ở nước ta hiện nay. Điều thường thấy là các bác sĩ chú trọng vào việc kê đơn thuốc hơn là để ý đến biểu hiện của người bệnh.
Trải nghiệm mà Thành gặp phải khi đi khám là minh chứng tiêu biểu cho điều này. Bác sĩ không hề trò chuyện, hỏi han những triệu chứng anh gặp phải mà chỉ đưa bài kiểm tra và yêu cầu hoàn thành, sau đó kê đơn thuốc.
Sự vô tâm, lạnh lùng biểu hiện rõ trong từng hành động, cử chỉ. Khi Thành tìm đến người thứ hai, được giới thiệu là bác sĩ có tiếng trong ngành nhưng sau khoảng thời gian dùng thuốc thì bệnh tình của anh lại tiến triển xấu đi.
“Đấy không phải là vấn đề của bác.” – Vị bác sĩ đáp lại lạnh lùng khi nghe Thành trình bày về những vấn đề anh gặp phải
Bệnh trầm cảm cần nhất là tình yêu thương, khả năng lắng nghe, trao cho họ cảm giác bản thân có giá trị. Đó là bước đầu tiên để bác sĩ có thể bước vào hố đen đặc quánh của người trầm cảm, tiếc rằng hệ thống thăm khám bệnh tâm lý trước đây vẫn còn bất cập.
“Tôi cũng nghe được những trải nghiệm tích cực về những nhân viên y tế nhẹ nhàng, tôn trọng người bệnh, nhưng chúng ít tới mức khi nó xảy ra, người ta có thể cảm động tới phát khóc.” – Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang từng chia sẻ về điều này
Qua đây, chắc hẳn độc giả đã hiểu ra món quà tuyệt diệu nhất dành tặng cho người trầm cảm là sự lắng nghe và tình yêu thương chân thành.
Khi việc chăm sóc sức khỏe tinh thần còn bỏ ngỏ, nền y tế vẫn đang hoàn thiện thì cuốn sách Đại dương đen của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang thực sự có vai trò to lớn trong công cuộc giáo dục tâm lý, làm bạn với người trầm cảm.
Trường Xuân
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất