Đi tìm nhân vật là cuốn tiểu thuyết được chắp bút bởi nhà văn Tạ Duy Anh. Trong tác phẩm, tác giả xây dựng một bối cảnh hư ảo với những mốc thời gian không xác định, để từ đó cuốn người đọc vào từng trang văn rồi nghiền ngẫm về câu chuyện đầy chua xót ẩn sau nó.
Đôi nét về Tạ Duy Anh và tác phẩm Đi tìm nhân vật
Tạ Duy Anh tên thật là Tạ Viết Dũng, sinh năm 1959 tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Trước khi trở thành một nhà văn, ông từng là cán bộ giám sát bê tông tại dự án thủy điện Hòa Bình. Sau này, tác giả theo học tại trường viết văn Nguyễn Du, trở thành thủ khoa khóa đó và được giữ lại trường giảng dạy.
Cùng với những cái tên như Nguyễn Ngọc Tư hay Nguyễn Nhật Ánh, Tạ Duy Anh là tác giả rất được yêu mến trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại. Ông viết rất sung sức và thử thách bản thân ở nhiều thể loại, có thể kể đến truyện ngắn, truyện tranh và tiểu thuyết.
Tính đến nay, sau hơn hai mươi năm sáng tác, Tạ Duy Anh để lại dấu ấn của mình trên thi đàn văn học nước nhà với một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ, mà trong số ấy nổi bật là Bước qua lời nguyền, Lão Khổ, Bến thời gian hay Ngày hội cuối cùng.
Nhắc đến Tạ Duy Anh, chúng ta nhớ đến nhà văn với ngòi bút phê phán gay gắt, những tác phẩm của ông phanh phui, châm biếm góc tối của một xã hội tưởng như chứa đầy ánh sáng tự do. Nhà văn cũng ưa thích tạo ra câu chuyện với màu sắc u ám song hành với vô vàn cảm xúc, suy tư chồng chéo của nhân vật.
Cũng chính vì cá tính này trong lối viết mà nhiều cuốn sách của Tạ Duy Anh không qua được vòng kiểm duyệt của hội văn học Việt Nam và bị cấm xuất bản như tác phẩm Mối Chúa.
Trước Mối Chúa, vào năm 2002, Đi tìm nhân vật cũng từng bị cấm phát hành do gây ra nhiều tranh cãi, tuy nhiên sau mười lăm năm tác phẩm đã được “hồi sinh” để một lần nữa đến với bạn đọc.
Đi tìm nhân vật chủ yếu xoay quanh Chu Quý, người tự xưng là tôi, tiến sĩ N, nhà văn Trần Bân và Thảo Miên, một cô gái gọi cao cấp. Chu Quý là một nhà báo đến với thành phố G để tìm hiểu về cái chết của em bé đánh giày nhưng trong cuộc truy lùng sự thật ấy nhiều sự thật xót xa đã được hé lộ.
Xuyên suốt tác phẩm là những câu chuyện cùng dòng chảy nội tâm của các nhân vật, để từ đó phê phán bóng tối của một xã hội đang dần nuốt chửng vô vàn con người đang sống lay lắt trong nó.
Con người trong khuôn đúc cứng nhắc của xã hội
Chu Quý vô tình đọc được thông tin về cái chết của thằng bé đánh giày trong một tờ báo và hình dạng của hung thủ được mô tả khiến ký ức thơ ấu của anh dội về. Bề ngoài hắn rất giống người đã giết chết ông anh, bố anh và thậm chí đe dọa cả tính mạng của Chu Quý nữa, chính điều ấy đã thôi thúc chàng trai trẻ phải tìm ra sự thật.
Trong khu phố G, Chu Quý ghé vào rất nhiều cửa hàng và quán cà phê để tìm chút manh mối về vụ án anh đang theo đuổi. Thế rồi qua lời bàn tán cùng ánh mắt phán xét của mọi người, anh đã trở thành một kẻ điên, trong câu chuyện của mỗi người anh chàng nhà báo lại biến thành một người khác.
Anh nghe người ta bàn tán về mình rồi ngờ ngợ thì ra bản thân là người như thế và đã làm những điều như vậy, Chu Quý suy nghĩ không biết rằng ngày mai, ngày kia qua lời kể của họ, anh sẽ biến thành ai, có thể là gã điên hoặc tên lừa đảo.
“Người ta đối thoại với nhau như những người máy, chỉ được nạp ngần ấy dữ liệu và phải nằm trong một hệ thống các quy ước. Kẻ nào ra khỏi hệ thống đó sẽ thành cô độc, thành dị thường, thành đối địch. Một thế giới mọi người giống hệt nhau nhưng không hiểu nhau.”
– Đi tìm nhân vật
Một thời gian sau Chu Quý trở lại con phố G, nơi người ta chẳng còn nhớ anh là ai và họ bắt đầu kể cho anh nghe về một gã lừa đảo đã đi khắp nơi này, hắn cũng hỏi về cái chết của thằng bé đánh giày. Chu Quý dần đánh mất chính mình trong vô vàn khuôn đúc mà người ta tạo ra, anh băn khoăn mình là ai và tên lừa đảo kia có phải bản thân mình không.
Trong một cuộc hội thảo, Chu Quý đã tham luận về chủ đề Sự uyển chuyển trong tính cách của người Việt bằng cách kể lại bốn câu truyện cổ tích Rùa chạy thi với thỏ, Trí khôn của ta đây, Tấm Cám và Mị Châu – Trọng Thuỷ.
Anh nêu lên một góc nhìn khác biệt và đầy bi quán về mức độ tăng dần của sự gian dối, nó trở thành tấm màn để bưng bít sự thật, để rồi khi bị quyền lực chi phối thì cái ác đè bẹp cái thiện một cách thảm hại. Chu Quý kết luận rằng khi độc ác, dối lừa bị phanh phui, vạch trần thì chỉ còn tình yêu tồn tại, đó là chân lý tối thượng.
Bản tham luận bị chỉ trích thảm hại và anh trở thành kẻ đứng ngoài khuôn mẫu. Ngòi bút Tạ Duy Anh lên án gay gắt những mặt tối của xã hội, con người để giả dối lên ngôi, mặc phép cho quyền lực điều khiển cuộc sống và đó chính là khi họ đánh mất bản ngã của chính mình.
Trong thế giới bị rập khuôn ấy, con người dần bị nhấn chìm bởi những hành động cùng tư tưởng suy đồi, thậm chí tình cảm gia đình hay tình yêu đôi lứa cũng biến mất trong xã hội ấy.
“Một khi nó lóe sáng thì mọi thiết chế quyền lực sụp đổ, mọi mưu toan độc ác, lừa dối… đều vô nghĩa, hiển hiện một viên minh châu đã cứu chuộc mọi lầm lỗi, ngu muội. Ở đó chỉ còn lại chân lý tối thượng, biểu hiện ra bằng tình yêu. Và những chiếc lông ngỗng không phải là kẻ chỉ điểm, không phải là minh họa cho sự khờ dại mà nó đánh dấu con đường đi đến sự vĩnh cửu.”
– Đi tìm nhân vật
Hơn một lần, độc giả thấy sự khẳng định về chiến thắng của ác quỷ trong trang văn của Tạ Duy Anh, con người hoàn toàn bị chi phối bởi lòng tham và hận thù. Như gã thợ săn, đứng trước quan tòa, hắn nhất định không thừa nhận mình đã giết người, dù rằng chính gã là kẻ đã bắn nạn nhân.
Hắn khăng khăng rằng mình chỉ cầm súng lên và bóp cò nhưng có người đã sai khiến hắn, đó chính là bóng đen của sự ganh ghét, cơn giận cùng thù hận. Tên thợ săn đã để bản thân rơi vào tay quỷ giữ và trao cho chúng cái quyền mặc phép điều khiển bản thân mình.
Đi tìm nhân vật bao trùm bởi màu sắc u ám, với những sự kiện chồng chéo cùng tuyến thời gian lộn xộn, Tạ Duy Anh khiến người đọc phải đặt ra rất nhiều câu hỏi về cuộc sống, con người và những bản ngã, điều ấy tạo ra một sức hấp dẫn đặc biệt cho tác phẩm.
Đi tìm nhân vật và bóng tối u ám bao trùm
Các nhân vật trong tác phẩm Đi tìm nhân vật đều mang trong mình một bóng tối vô hình, nó được tạo ra từ những mục nát của xã hội cùng những bản ngã xấu xa trong chính thâm tâm họ. Bàn tay ấy đã dồn những con người khốn khổ vào đường cùng, họ loay hoay trong mê cung để đi tìm lại chính mình.
Trong nhiều năm trời, kể từ những ngày thơ ấu, Chu Quý luôn bị ám ảnh bởi một gã không tên mà anh gọi là hắn. Nhân vật chính luôn cảm tưởng rằng hắn nấp trong bóng tối vĩnh cửu và chỉ trực chờ anh sơ suất mà nuốt trọn.
Chu Quý sống một cuộc đời đầy lo sợ, bất an mà câu trả lời cho điều ấy, tác giả khéo léo đan xen trong từng chi tiết của mạch truyện. Khi gập cuốn sách lại, trong những dòng chữ cuối ta cảm nhận ở anh nhà báo một sự giải thoát, có lẽ anh đã tìm được lại chính bản thân mình.
Nhân vật hắn Chu Quý từng lo sợ không ai khác mà chính là bóng tối, sự gian trá cùng những toan tính ác độc bao trùm lấy anh. Lúc này, anh đã có thể đi ngang khu phố G mà không sợ bị nhào nặn thành một dị bản khác, bản ngã của riêng Chu Quý đã được tìm ra.
“Cái ý nghĩ: ‘thực ra tôi có phải là tôi không?’bám riết lấy tôi như một điều phi lý nhất cứ tồn tại.”
– Đi tìm nhân vật
Thảo Miên là một gái gọi hạng sang, người mà Chu Quý đem lòng yêu thương. Cô là nạn nhân của những ô uế trong gia đình và xã hội, tâm hồn ngây thơ của cô bé bị vấy bẩn bởi hành động ngoại tình băng hoại đạo đức của người mẹ.
Kể từ giây phút tận mắt chứng kiến sự việc ấy, tâm hồn Thảo Miên đã chết và cô quyết định giao lại phần thân xác của mình cho quỷ satan với hy vọng trả thù tất cả kẻ ngoại tình bỉ ổi.
Đến cuối cùng, Thảo Miên đã chọn cái chết bằng cách tự thiêu, giữa màn đêm tăm tối cô gái trẻ sáng rực bên bờ sông như một ngọn đuốc. Cô thắp lên ánh sáng cho cuộc đời vốn như địa ngục của mình và giải thoát bản thân khỏi tất cả đau khổ đã trải qua.
Trước khi bán cơ thể mình cho bóng tối, cô đã dâng hiến bản thân cho người đàn ông trạc bốn mươi tuổi và mong rằng ông sẽ giúp cô giữ mãi sự trong trắng này. Mãi cho đến sau này, Chu Quý mới biết người Thảo Miên vẫn luôn nhớ tới là nhà văn Trần Bân.
Trần Bân dành cả cuộc đời để đi tìm nhân vật cho cuốn tiểu thuyết mà ông rất tâm đắc, hắn phải là một người miệt mài đi thu gom các kiểu chết với cuộc đời đầy bí ấn và chẳng ai phù hợp với những tiêu chí ấy hơn Chu Quý.
Thế nhưng khi nhân vật ông mất cả đời tìm kiếm đã xuất hiện, lại có một nỗi sợ hãi không thể gọi tên dấy lên trong lòng, thứ đã thúc giục ông tìm đến cái chết. Trần Bân đã gặp được tự do và thoát khỏi nỗi ám ảnh về hình ảnh người con gái ông yêu thuở nhỏ bị chôn sống, còn ông chỉ có thể đứng nhìn.
“Tôi bị rơi vào một tình trạng trống rỗng kinh khủng. Những gì tôi đánh đổi cả đời mới có, đầy nguy cơ trở thành vô nghĩa. Tôi đã làm một cuộc hành trình đi tìm nhân vật, đã đi qua hầu hết những ngáng trở của cuộc đời và đã từng thất vọng bởi thời đại tạo ra đủ thứ…nhưng không tạo nổi nhân vật. Vậy mà khi nó hiện ra ngay trước mắt tôi, trong tầm tay tôi… thì từ thất vọng tôi chuyển sang sợ hãi. Nó quá mọi sức tưởng tượng của tôi. Tôi cố đánh lừa rằng nó chỉ là một dạng khác của quỷ Satan. Nhưng nếu nó có tính quỷ thì nó vẫn không phải là quỷ. Nó đích thị là nhân vật, là dấu ấn của thời đại mà tôi không được chuẩn bị một chút gì để hiểu nổi nó. Ðiều đó còn thê thảm, nặng nề hơn cả cái chết.”
– Đi tìm nhân vật
Trong Đi tìm nhân vật còn rất nhiều tuyến nhân vật phụ khác, họ đều mang một nỗi u uẩn riêng do xã hội mang lại. Họ là nạn nhân của dối trá, ác độc và toan tính, tất cả nhào nặn nên vô vàn con quỷ chiếm lĩnh trong sâu thẳm mỗi người.
Khi tác phẩm khép lại, nhiều độc giả băn khoăn về cái kết cùng rất nhiều câu hỏi còn ngổn ngang, chưa lời giải đáp, điều ấy kích thích sự tò mò trong họ, Tạ Duy Anh khiến chúng ta phải suy ngẫm về một xã hội chất chứa đầy bóng đêm, nơi con người vẫn đang vùng vẫy tìm cho mình lối thoát.
Đi tìm nhân vật mang đến hơi thở mới lạ trong dòng chảy văn học Việt Nam với hành văn cùng cấu trúc truyện được bố trí cách tân, khác lạ. Đây cũng là tiểu thuyết mạnh dạn phê phán một góc tối khác trong đời sống hiện đại, chính vì thế cuốn sách xứng đáng trở thành một kiệt tác của tác giả Tạ Duy Anh.
Ngọc Linh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất