Đồi Thỏ là tác phẩm đầu tay nổi bật của nhà văn Richard Adams. Được xuất bản lần đầu năm 1972, chỉ sau vài năm đã bán được hơn một triệu bản trên toàn thế giới và có tên trong danh sách 100 quyển sách của mọi thời đại.

Quyển tiểu thuyết đầu tay nổi bật của nhà văn Richard Adams
Quyển tiểu thuyết đầu tay nổi bật của nhà văn Richard Adams

Đây được xem là quyển sách sẽ làm phá vỡ mọi nhận định trước kia của bạn về một tác phẩm dành cho thiếu nhi. Quyển tiểu thuyết dày cộm gần năm trăm trang giấy sẽ mang chúng ta đến với một cuộc phiêu lưu đầy mới mẻ, lạ lùng nhưng cũng vô cùng hùng tráng và vĩ đại của loài thỏ.

Richard Adams đóa hoa nở muộn của văn học nước Anh

Tuy còn xa lạ với độc giả Việt Nam nhưng trên văn đàn thế giới Richard Adams lại là một gương mặt quen thuộc. Ông sinh vào tháng 5 năm 1920 ở phía bắc Hamsphire, Anh và trải qua một thời tuổi thơ gắn bó thân thuộc với điều kiện tự nhiên nơi đây.

Chân dung tác giả Richard Adams
Chân dung tác giả Richard Adams

Richard Adams đã từng phục vụ cho Quân đội Anh trong Thế chiến thứ II, về sau học đại học rồi tham gia Cơ quan dân sự. Đến tận hai năm sau, ông mới chính thức trở thành tác giả toàn thời gian.

Đồi Thỏ và cuộc hành trình đầy kinh ngạc của những chú thỏ kiếm tìm vùng đất hứa

Khung cảnh mở đầu câu chuyện là một cánh đồng cỏ rộng lớn ở Sandlefort, nơi những chú thỏ sống trong những cái hang ấm áp được dẫn dắt bởi Thỏ Thủ lĩnh và đội ngũ Cốt Cán – những chú thỏ khỏe mạnh nhanh nhẹn làm nhiệm vụ điều hành và canh gác.

Cây Phỉ và Thứ Năm là hai anh em thỏ cũng sinh sống ở cánh đồng ấy. Thứ Năm là chú thỏ em, cậu nhỏ bé, yếu ớt nhưng lại có bản năng đặc biệt là dự cảm về những điều sắp xảy đến.

Vào một buổi chiều, Thứ Năm bỗng có linh cảm chẳng lành, cậu cảm thấy một thảm họa kinh hoàng sắp ập đến và sẽ đe dọa đến sự sinh tồn của cả cánh đồng Thỏ. Một tấm biển báo tưởng như vô hại mà ẩn chứa đầy những tai ương, báo hiệu sự xuất hiện của con người.

“Không có gì nguy hiểm ở đây – vào lúc này. Nhưng nó đang đến – đang kéo đến. Ôi Cây Phỉ ơi, anh nhìn kìa! Cánh đồng! Toàn máu là máu!”

Cây Phỉ và Thứ Năm sau đó tìm đến Thỏ Thủ Lĩnh để cảnh báo nhưng vô ích, họ đành tập hợp một nhóm thỏ khác rồi vội vã rời đi ngay trong đêm. Từ đây cuộc hành trình đầy mạo hiểm của Cây Phỉ, Thứ Năm, Tóc Giả, Xám Bạc, Mâm Xôi, Nồi Đất và Bồ Công Anh bắt đầu.

Cuộc di cư vạn dặm đầy kinh ngạc của nhóm thỏ trong Watership down
Cuộc di cư vạn dặm đầy kinh ngạc của lũ thỏ trong Đồi Thỏ

Theo lời của Thứ Năm, lũ thỏ sẽ phải tìm đến một ngọn đồi – vùng đồi Watership, nơi hoàn hảo để bắt đầu đầu cuộc sống mới và cũng là trạm dừng chân cuối cùng của câu chuyện nhưng đó thật sự không phải là một chuyến phiêu lưu dễ dàng.

Xuyên suốt cuộc di cư vạn dặm là vô vàn những hiểm nguy, trắc trở, từ những cung đường trống vắng, những con sông rộng, những loài thiên địch dữ tợn, độc ác đến những hiểm họa khôn lường từ con người và cả những cuộc đụng độ đầy máu lửa giữa nhóm thỏ với những con khác bầy.

Để rồi sau cùng khi trải qua tất cả gian nan, bầy thỏ lại nắm trong tay cái kết viên mãn và sống cùng nhau ở miền đất hứa đến trọn đời. Đồi Thỏ vốn dĩ là câu chuyện dành cho thiếu nhi nên một cái kết có hậu quả là không hề bất ngờ.

Bản ca hào hùng về loài thỏ trong tác phẩm Watership down
Bản ca hào hùng về loài thỏ trong tác phẩm Đồi Thỏ

Sự tài tình trong việc sử dụng nghệ thuật miêu tả cùng nhân hóa của Richard Adams đã vẽ nên một bức tranh đầy chân thực, sống động về loài thỏ. Ông tinh tế khắc họa những biến chuyển tâm lý của từng chú thỏ một đồng thời thông qua cuộc hành trình di cư tìm vùng đất mới lại phản ánh nhiều vấn đề của con người.

Đồi Thỏ là câu chuyện mà tinh thần đoàn kết và sức mạnh được tạo ra từ tập thể được đề cao hết mực

Trong tác phẩm, ta nhìn thấy một nhóm thỏ mà ở đó mỗi chú đều có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Thế nhưng dưới sự lãnh đạo của Thủ Lĩnh Cây Phỉ, dường như mỗi chú thỏ đều phát huy được tối đa năng lực và thế mạnh của mình.

“Loài vật không cư xử như con người. Nếu phải đánh nhau chúng sẽ đánh, nếu phải giết chúng sẽ giết. Nhưng chúng không không ngồi lại với nhau, dùng trí khôn của mình để nghĩ ra những cách thức khác nhau hòng huỷ hoại cuộc sống hoặc làm tổn thương những sinh vật khác. Chúng có lòng tự trọng và tính thú.”

Cảm tưởng như mỗi chú thỏ dù nhỏ bé nhất cũng được xem như một mảnh ghép không thể thiếu để bức tranh được hoàn chỉnh, mỗi chú đều có vai trò to lớn cho sự thành công của chuyến di cư.

Một ấn phẩm khác của tác phẩm Watership down
Một ấn phẩm khác của tác phẩm Đồi Thỏ

Đồi Thỏ hội tụ đủ sức mạnh của đồng đội, sự tin tưởng lẫn nhau, nắm tay cùng nhau bước qua gian khó, chứng kiến sự trưởng thành của từng người bạn đồng hành. Thật không ngoa khi ví Đồi Thỏ như bản anh hùng ca dành cho loài thỏ thông minh, quật cường và rất đỗi tình nghĩa.

Nhiều điều còn ẩn chứa sau câu chuyện dành cho mọi nhà

Đồi Thỏ mang đến cho độc giả nhiều bài học mà không hề lý thuyết, giảng giải, mỗi bài học đều được nghiệm ra từ chính người đọc. Có thể thấy đó là cái hay của Richard Adams, ông không ép buộc một ai tin vào điều ông tin, người ta tin vào điều họ muốn tin.

“Hóa ra nhiều người khác đã nhìn thấy lịch sử của họ trong cuốn sách đó.”

Có nhiều chuyên gia phân tích nói rằng qua Đồi Thỏ người thì xem đây là một câu chuyện ngụ ngôn ẩn dụ cho cuộc đấu tranh chống Chiến tranh Lạnh, chống chủ nghĩa phát xít, có người lại thấy câu chuyện đại diện cho cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Đồi Thỏ là một quyển sách hàm chứa rất nhiều ý nghĩa
Đồi Thỏ là một quyển sách hàm chứa rất nhiều ý nghĩa

Nhưng bất kể là gì đi nữa thì dường như với tất cả những người đọc tác phẩm, họ đều được chào đón để mang theo mảnh chuyện của riêng mình sau đó chiêm nghiệm thông qua quyển sách.

Thế giới thiên nhiên huyền ảo dưới lăng kính của Richard Adams

Một điều nữa cũng góp phần to lớn vào thành công vang dội của tác phẩm chính là những khung cảnh thiên nhiên đẹp đến nao lòng dưới ngòi bút của Richard Adams. Ông đặt mắt nhìn quan sát cảnh sắc không phải bằng đôi mắt của bản thân mà là dưới ánh nhìn của loài thỏ.

Bởi thế những khóm hoa dại tầm thường, những vạt rừng ẩm ướt, những dòng suối, thảm cỏ hay cánh đồng xơ xác sau mùa gặt,… tất cả đều bỗng chốc trở nên kì vĩ lạ thường. Thế giới mà chúng ta tưởng chừng như quen thuộc lại hiện lên khác biệt đến thế.

“Ông biến một vùng quê nho nhỏ thành cả một vũ trụ đầy xúc động.” – Nhà văn Nicholas Tucker nhận xét.

Nhà văn đã dùng những sắc màu thuần khiết nhất của tự nhiên để tạo nên một thế giới quá đỗi đẹp đẽ, tựa như vùng địa đàng hoàn hảo nơi xa xăm, bí ẩn khiến người đọc dẫu biết là một thế giới ảo nhưng vẫn mãi luyến tiếc, không cách nào thoát ra.

Học được cách sinh tồn trong Đồi Thỏ
Học được cách sinh tồn trong Đồi Thỏ

Chính vì là một người vô cùng thân thuộc, gắn bó và trân trọng thiên nhiên đến thế nên trong tác phẩm không khó để bắt gặp thông điệp lên án sự vô tâm của con người đối với tự nhiên được Richard Adams gửi gắm.

Phía sau sự ra đời của quyển tiểu thuyết kinh điển Đồi Thỏ

Thực ra ý tưởng cho Đồi Thỏ được tác giả nảy ra trong một dịp rất tình cờ. Trong một chuyến đi dài của Richard Adams cùng hai cô con gái nhỏ, hai cô than vãn với bố rằng các cô đang rất buồn chán.

Thế là câu chuyện về những chú thỏ cứ ngẫu hứng ra tuôn ra khỏi đầu, ông kể cho chúng nghe để xóa đi sự chán nản. Ban đầu, đó chỉ đơn giản như một câu chuyện thường ngày nhưng sau đó hai cô con gái lại khăng khăng khuyên ông nên viết câu chuyện đó ra. Sau vài lần trì hoãn, ông bắt đầu viết vào một buổi tối năm 1966 và hoàn thành 18 tháng sau đó.

“Một cuốn sách dành cho tất cả người đọc. Họ tìm đến và yêu thích nó. Không kể họ 6 tuổi hay 66 tuổi.”

Trước khi gây tiếng vang lớn trên diễn đàn văn học thế giới, quyển sách đã từng bị từ chối bản thảo đến bảy lần. Nhưng ngay khi xuất bản lần đầu, cuốn sách như một hiện tượng lạ nhận được sự ca ngợi từ quốc tế gần như ngay lập tức vì đã tiếp thêm sinh lực cho tiểu thuyết nhân học với chủ nghĩa tự nhiên.

Nhà văn Richard Adams cùng hai cô con gái
Nhà văn Richard Adams cùng hai cô con gái

Đồi Thỏ sau đó được nhà xuất bản Penguin công bố là một trong hai quyển sách bán chạy nhất mọi thời đại, nhận Huy chương Carnegie danh giá cùng giải thưởng Guardian cho thể loại tiểu thuyết viết cho thiếu nhi năm 1972.

“Nếu không có chỗ cho Đồi Thỏ trong các hiệu sách dành cho trẻ em, thì văn học thiếu nhi đã chết.” – The Economist

Tính đến nay, quyển tiểu thuyết đã hai lần được chuyển thể thành phim. Bộ phim hoạt hình đầu tiên có cùng tên công chiếu lần đầu năm 1978 và gần nhất là năm 2018, cả hai phiên bản đều nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả trên toàn thế giới. 

Poster phim Đồi Thỏ
Poster phim Đồi Thỏ

Đồi Thỏ hiện lên trên màn ảnh quá đỗi đẹp đẽ.

Đây là câu chuyện phiêu lưu không tì vết, mất mát xoay quanh những chú thỏ anh hùng khiến những độc giả khó tính nhất cũng phải buông bỏ lí trí hoài nghi để đắm chìm vào vùng đất lý tưởng của Richard Adams.

Đó là một thế giới tưởng tượng đầy lộng lẫy và kì vĩ, cho chúng ta những giờ phút tận hưởng thật sự, một khoảng không lánh xa khỏi những cuồng quay của thực tại khắc nghiệt.
Với thông điệp đơn giản lại vô cùng to lớn tất cả đã tạo nên sức hút độc đáo riêng biệt cho quyển sách, bạn chắc chắn sẽ không phải hối hận khi quyết định đọc Đồi Thỏ.

 Thanh Thảo