Hành trình về phương Đông là một sáng tác của tác giả Baird Thomas Spalding, tác phẩm khắc hoạ hành trình sang Ấn Độ để nghiên cứu và giải thích những sự kiện huyền bí của của một đoàn khoa học, trong đó bao gồm cả các chuyên gia hàng đầu của Hội Khoa Học Hoàng Gia Anh.
Tất cả những điều gì xảy ra mà không có sự giải thích khoa học, hợp lí đều bị loại bỏ.
Bắt đầu chuyến hành trình về phương Đông, họ đã nản lòng trước những cảnh mê tín dị đoan, lợi dụng lòng tin của người dân để lừa đảo, thần thánh hoá huyền thoại để đề cao văn hoá xứ Ấn. Vô vàn những con người vỗ ngực tự xưng cho mình chức danh như Hiền triết, Sư tổ, đại đức hay thậm chí thánh nhân giáng thế.
Trải qua nhiều cuộc tranh luận khác nhau đến từ nhiều giáo phái, việc nghiên cứu của phái đoàn buộc phải tạm dừng khi bên nào cũng có lí lẽ và hiểu biết riêng của mình.
Khi đang bước đi trong sự bế tắc và cô đơn thì giáo sư Spalding đã bất ngờ có cuộc hội ngộ với một người Ấn kì lạ, khác hẳn với những giáo sĩ bịp bợm mà ông đã gặp trước kia. Nhưng chính nhờ cuộc gặp gỡ ấy, những thành viên trong phái đoàn đã được soi sáng về lối đi sau này.
Họ như những con người đang lê bước trên sa mạc cằn cỗi, hoang vu bỗng dưng được đắm mình trong làn suối của sự sống.
Trong tâm thế hứng khởi, phái đoàn tiếp tục cuộc hành trình về phương Đông, trên con đường ấy, họ đã có dịp gặp gỡ nhiều con người khác nhau với mong muốn có được câu trả lời cho các thắc mắc về những bí ẩn tâm linh của mình.
Thế nhưng ngạc nhiên thay các Chân sư đã giải đáp họ bằng thứ ngôn ngữ khoa học nhất, đan xen cả những trích dẫn trong cuốn sách đầy quen thuộc với người Tây Âu là Kinh Thánh. Điều này không chỉ làm những thành viên của phái đoàn ngạc nhiên mà người đọc cũng bất ngờ không kém trước vô vàn kiến thức không hề mê tín, dị đoan của họ.
Không dừng lại ở đó, phái đoàn còn liên tục được trải nghiệm các bí truyền của Ấn Độ như Yoga, thiền định, luật nhân quả, các cõi giới…trong chuyến hành trình về phương Đông.
Đến với Yoga, họ đã được nghe nói về việc đầu tiên là phải ngồi cho thoải mái, ngồi trên ghế, nhất là các ghế bành êm ái rất có hại cho xương sống, con đường vận hành chính của luồng hoả hầu và là nguyên nhân gây nên các chứng đau lưng, phong thấp.
“Phép ngồi thật ra rất dễ, chỉ cần ngồi xếp bằng dưới đất, không dựa vào đâu, không nghiêng ngả bên nào, giữ cơ thể thật thăng bằng, xương sống phải thật thẳng và thở nhẹ, đều đặn.
Khi giữ được xương sống thẳng và thở hít đều đặn, thì luồng chân khí sẽ lưu thông khắp cơ thể và từ đó sẽ điều chỉnh các chỗ bế tắc, ứ đọng trong chân thân.”
Chẳng phải tất cả những gì vị đạo sĩ nói đều rất khoa học mà chẳng hề mê tín dị đoan hay sao?
Thậm chí các kiến thức toán học, vật lí hay địa lí, tất cả đều được đan xen nhau trong câu trả lời của hành trình kế tiếp.
“Trái đất quay quanh trục của nó với vận tốc 1600 cây số một giờ ở giữa đường xích đạo. Nếu nó quay chậm 10 lần thì ngày sẽ dài gấp 10 và dĩ nhiên sức nóng của mặt trời cũng gia tăng gấp 10 lần. Thế thì cây cối, sinh vật đều bị thiêu sống hết còn gì.
Nếu cái gì chống được sức nóng cũng chết lạnh vì đêm cũng dài ra gấp 10 và sức lạnh cũng tăng lên gấp 10 lần kia mà. Ai đã làm trái đất quay trong một điều kiện tốt đẹp như thế ?”
Đến đây hẳn ai cũng bất ngờ vì trong một đất nước Ấn Độ kém phát triển thế mà lại tồn tại một con người với bộ óc đầy tinh thông và khôn khéo như vậy.
Những cuộc gặp gỡ tiếp theo đã triệt để thay đổi cấu trúc thế giới quan của đoàn nghiên cứu, họ và cả chính chúng ta tựa như đàn cừu đầy ngây thơ nhưng lại mang nhiều định kiến, phiến diện trong suy nghĩ.
Khi đoàn nghiên cứu càng ngày càng tiếp cận hơn với bí mật trong chuyến hành trình về phương Đông của mình thì phái đoàn bất ngờ nhận được tối hậu thư của chính quyền Anh với yêu cầu phải dừng ngay cuộc kiểm nghiệm và không được công bố mọi công trình mà họ đã ghi chú và tìm ra.
Thế nhưng sau cùng, các nhà khoa học đã đi theo tiếng lòng của mình với mong muốn tìm kiếm bản thân một cách hoàn thiện nhất. Giữa những ồn ào, hối hả của cuộc đời thì đôi chân của họ lại cất bước, trên một hành trình mà chính các nhà khoa học tự chọn cho mình, không tuân theo các luật lệ hay sự điều khiển của bất kì ai.
Tác phẩm Hành trình về phương Đông là kết tinh tất cả những gì thành công nhất của Baird Thomas Spalding. Ông là một nhà văn xuất chúng góp phần đóng góp những giá trị kiến thức cho phương Tây về những bậc Chân sư lỗi lạc, về minh triết lẫn tôn giáo.
Cuốn sách cũng đã làm dấy lên những nghi ngờ và tranh cãi về bản quyền và độ xác thực của nó.
Nếu như nội dung trong bản dịch của Nguyên Phong là về tâm linh, thiền định, chữa bệnh, dưỡng sinh, yoga và các triết lý Phật giáo thì trong cuốn Life and teachings of the Masters of the Far East được cho là bản gốc của Hành trình về phương Đông lại dẫn dắt người đọc đến thế giới vô hình, thuyết lượng tử, ý thức nhị nguyên, tập trung về Đức Chúa trời và chúa Jesus.
Song song đó, tác phẩm còn được nhà xuất bản BookSurge Publishing tại New York cùng hai dịch giả Poven Leace và Biện Giang đã liên hệ xin phép Nguyên Phong để dịch ngược sang tiếng Anh với tựa Journey to the East với tên Nguyên Phong ở ngoài bìa ở vị trí của một tác giả, đã khẳng định cả hai tác phẩm là hoàn toàn khác nhau.
Mặc dù gây nên nhiều tranh cãi về bản quyền thế nhưng vẫn không thể phủ định sức hút của tác phẩm Hành trình về phương Đông. Câu chuyện đầy hấp dẫn này càng về cuối càng đặc biệt hơn nữa, không chỉ vì cốt truyện biến hoá khôn lường, mà còn vì tấm tư tưởng càng ngày càng nâng cao một cách bất ngờ của nó.
Bên cạnh đó, mặc dù Hành trình về phương Đông có một cốt truyện chưa thật sự hấp dẫn nhưng qua bàn tay tài ba của tác giả thì tác phẩm đã được xây dựng lại thành một câu truyện mang đầy tính nghệ thuật.
Không cầu kì, hoa mĩ nhưng nhịp văn của Hành trình về Phương Đông vẫn đem lại cho người đọc một bức tranh với những gam màu độc đáo và ấn tượng với các chi tiết có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Chúng đối lập mà tương đồng lẫn nhau đã tạo nên một cốt truyện rất mới so với những tác phẩm khác.
Có thể nói, Hành trình về phương Đông đã tác động đầy mạnh mẽ đến thế giới quan của người đọc, giúp họ thức tỉnh và thúc đẩy mọi người hướng đến cuộc sống “Chân Thiện Mỹ”. Ngoài ra, tác phẩm còn tạo cảm hứng cho nhiều độc giả trên thế giới đến Ấn Độ để kiểm chứng thông tin, những điều ghi trong cuốn sách.
Plato cho rằng con người chúng ta là những tù nhân trong hang đá tựa như sự ngu dốt, có người tự nguyện ở trong đó và có những người muốn được giải thoát để được nhìn thấy ánh sáng của sự thật.
Nhưng niềm tin và định kiến là hai thứ hoàn toàn khác nhau trong chuyến hành trình về phương Đông gian khổ.
Thế còn bạn đã sẵn sàng để ra khỏi hang chưa ?
Ngọc Anh
Diệp Hồ Ngọc Anh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất