Hãy chăm sóc mẹ là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của nữ nhà văn Shin Kyung-sook, cuốn sách đã bán được một triệu bản chỉ trong vòng một năm kể từ khi phát hành và là điểm chói sáng của văn học Hàn Quốc năm 2009.
Câu chuyện về một người mẹ đi lạc và hành trình ngược dòng hồi ức của những đứa con đã mở ra những cảnh trí khác nhau của đất nước Đại Hàn, khai quật những lãng quên về đức hi sinh của người mẹ và chạm tới ngóc ngách sâu nhất của trái tim những người làm con.
Cuốn sách ra đời cách đây một thập kỉ nhưng có giá trị lay động trường tồn, được xuất bản tại nhiều quốc gia và danh tiếng của nó đã vang xa khắp Châu Á.
Shin Kyung-sook và sự vụt sáng bất ngờ trong giới Văn học Hàn Quốc
Nữ nhà văn Shin Kyung-sook sinh năm 1963 tại tỉnh Jeolla, Hàn Quốc và là con thứ tư trong một gia đình làm nghề nông. Không có điều kiện vào trường trung học nên khi mới mười sáu tuổi, cô đã lên Seoul lao động và tranh thủ học tại chức vào ban đêm.
Nhiều năm sau, cô gái trẻ bén duyên với văn học bằng tiểu thuyết đầu tay Winter’s Fable, tác phẩm đã đoạt giải thưởng danh giá Munye Joongang dành cho tác giả trẻ. Thành công này đã mở đầu cho chuỗi quả ngọt mà Shin Kyung-sook gặt hái được từ sự nghiệp văn chương của mình.
Tuy nhiên, phải đến khi Hãy chăm sóc mẹ ra mắt thì cái tên Shin Kyung-sook mới thực sự vươn tầm thế giới, nội dung xoay quanh chuyện người mẹ đi lạc ở Seoul trong lúc đến thăm cậu con trai cả và hành trình tìm kiếm mẹ trong hiện thực lẫn hồi ức của những đứa con.
“Cảm động và ám ảnh.” – Newsday
Thời điểm ra mắt năm 2009, cái tên Hãy chăm sóc mẹ đã tạo nên một làn sóng dữ dội trong dư luận nhưng phần lớn đều là những bình luận tích cực. Trong vòng mười tháng, một triệu bản đã được tiêu thụ tại Hàn Quốc và cho đến nay con số ấy vẫn tăng đều.
Đặc biệt, cuốn sách nhỏ bé này đã vượt khỏi biên giới xứ sở Kim Chi, ra mắt tại xứ Cờ Hoa và lọt vào danh sách sách bán chạy nhất của tờ New York Times. Không dừng lại ở đó, Hãy chăm sóc mẹ tiếp tục được xuất bản tại Anh, Canada, Pháp, Tây Ban Nha và các nước khu vực châu Á.
“Phần là câu chuyện về sự chuyển dịch của xã hội Hàn Quốc từ nông thôn ra thành thị, phần là khúc ca về sức mạnh của mối ràng buộc gia đình được hình thành từ sự quên mình của người phụ nữ; đây là một tác phẩm vô cùng cảm động.” – Kirkus Reviews
Đến nay, Hãy chăm sóc mẹ đã được dịch sang hai mươi thứ tiếng. Có thể thấy, tiểu thuyết của Shin Kyung-sook đã nhận được sự chú ý rất lớn của độc giả quốc tế, điều mà rất ít nhà văn Hàn Quốc có được.
Thậm chí, nhiều độc giả cho rằng Hãy chăm sóc mẹ đã trở thành cuốn sách mở đường cho văn học Hàn Quốc tiến ra thế giới.
Cũng nhờ chính cuốn sách này mà Shin Kyung-sook trở thành người phụ nữ đầu tiên nhận được giải thưởng Văn học châu Á năm 2011, giải thưởng danh giá nhất châu lục dành cho các tác giả.
Hãy chăm sóc mẹ là câu chuyện tưởng lạ mà quen
Sau khi được đài truyền hình VTV1 giới thiệu thông qua chuyên mục Mỗi ngày một cuốn sách, Hãy chăm sóc mẹ đã được nhiều độc giả tại Việt Nam săn đón và trở thành điển hình cho dòng sách viết về tình mẫu tử.
“Mẹ bị lạc đã một tuần.”
Dòng thông báo đơn giản này đã cuốn người đọc vào câu chuyện phía sau đó, trong sự hỗn loạn của bốn người con và một người chồng khi họ cứ thế cãi vã, đổ lỗi cho nhau về việc người mẹ của họ, bà Park Sonyo đi lạc.
Đến khi quyết định viết tờ rơi tìm mẹ, họ cũng rơi vào bối rối vì những kí ức và hiểu biết về mẹ chỉ đủ để họ biết rằng mẹ đã già, “tóc muối tiêu ngắn, gò má cao, khi đi lạc mặc áo sơ mi màu xanh da trời..” cùng với số tiền trao thưởng cho người tìm được mẹ không thể “đời” hơn khi vỏn vẹn năm triệu Won.
Thậm chí, việc tìm được một bức ảnh gần đây của mẹ đối với họ cũng là điều khó khăn. Chỉ đến khi cô con gái thứ hai tức giận trước việc không ai ra ga tàu đón mẹ thì mới giật mình vì nhận lại câu hỏi đầy trực diện.
“Còn cô đã ở đâu?”
Lúc này, dòng hồi ức mới thật sự thoát chảy trong tâm trí những người đang vây quanh nhau để trách tội đó. Đầu tiên là cô con gái thứ, tiếp theo là anh cả, cô con gái út và ông chồng, lần lượt từng người một hồi tưởng lại những ký ức của họ về người mẹ tội nghiệp ấy.
Để rồi, người cuối cùng hồi tưởng lại chính là người mẹ đi lạc, bà đã sử dụng danh xưng “tôi” để nhớ lại những bí mật mà bản thân luôn chôn giấu.
Trong dòng chảy đó, bà hiện lên là người phụ nữ thấm đẫm sự hi sinh, tần tảo và lam lũ sớm hôm. Hình ảnh bà chỉ gắn liền với bếp, với ruộng đồng, với những mùa nối tiếp mùa và tay chân không lúc nào ngơi nghỉ.
Cuộc đời người mẹ này đã trải qua nhiều biến cố, mất mát và đớn đau, thậm chí bà đã không thể khóc khi chị mình mất vì cơn đau đầu dữ dội khiến đầu như muốn nổ tung. Dù vậy, trong vai trò của một người mẹ thì bà vẫn luôn mạnh mẽ, dẫu có giả vờ hay thực tâm.
Cũng vì vậy, người con gái thứ Chi-hon mỗi khi nhớ về bà thì lại nhớ về hình ảnh người phụ nữ “bước đi giữa biển người với phong thái có thể đe dọa cả những tòa nhà lừng lững đang từ trên cao nhìn thẳng xuống..”.
Để rồi khi người đi đường miêu tả về “một bà già cứ lững thững bước đi, thỉnh thoảng lại ngồi bệt xuống đường hay đứng thẫn thờ trước cầu thang cuốn” thì sự đối lập đó đã khiến cô giật mình, không biết vì bận rộn hay vì bản thân đã tin vào hình ảnh mạnh mẽ của mẹ quá lâu để giờ đến cô cũng không rõ hình bóng thật sự của người phụ nữ tảo tần ấy.
Có thể độc giả ban đầu sẽ thấy lạ, phần vì chúng ta chưa từng nghĩ đến việc sẽ để lạc mất mẹ ngay ở thành phố mình đang sinh sống, để đôi khi buông lời chỉ trích các nhân vật trong sách vì quá bất cẩn.
Vậy chúng ta có thật sự đang giữ được mẹ bên cạnh và chăm lo cho người ấy khỏi những đắng cay của tuổi già đang ngày một đến gần hay chỉ đang bận rộn với những công việc của chính mình mà quên mất nghĩa vụ của người làm con, câu hỏi đầy nhức nhối mà Hãy chăm sóc mẹ đặt ra đã chạm đến trái tim của từng người một.
Người mẹ trong sách đã đi lạc giữa chốn Seoul xa lạ và đông người, một hình ảnh khiến ta giật mình khi nghĩ rằng mẹ của mình có lẽ đã không đi lạc trong thành phố nào đó mà đang lạc lõng trong chính nỗi cô đơn, buồn tủi của những ngày cao niên.
Có lẽ nếu không có cuốn sách, chúng ta sẽ vô thức chạm đến sự mất mát như những nhân vật thì mới nhận ra mình đã lâu không nắm lấy tay mẹ.
Hơn nữa, những gian truân và nhọc nhằn trong đời người mẹ cũng hiện lên trên trang sách rất thực. Có lẽ vì người mẹ Hàn Quốc cũng giống người mẹ Việt Nam, đều lam lũ và hy sinh cho gia đình.
Đặc biệt là những người mẹ ở làng quê, cảnh lúng túng và vụng về của họ khi bước chân ra thành phố lớn chắc chắn không hề lạ với mỗi người trong số chúng ta, khi ai cũng từng được mẹ đến thăm trong quãng thời gian đi học xa nhà.
Tưởng những cảnh tượng trong cuốn sách chỉ hiện hữu đâu đó bên đất nước Đại Hàn nhưng thực tế lại như gần ngay trước mắt, để mỗi lần lật giở trang sách là mỗi lần liên tưởng, giật mình và nghèn nghẹn.
Hãy chăm sóc mẹ được yêu mến tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác chưa chắc đã vì lối viết hay, mà có lẽ vì sự thật hiển hiện đến đau lòng.
Người mẹ nào cũng có ước mơ không thành hiện thực
Đối với những người con trong Hãy chăm sóc mẹ, hình ảnh mẹ trong họ luôn gắn liền với bếp núc, hết gia súc lại đến gia cầm, hết muối dưa rồi lại đan lát. Những điều đó thân thuộc đến nỗi trở thành điều hiển nhiên, họ chưa từng nghĩ đến việc mẹ sẽ làm gì khác ngoài chăm lo cho gia đình.
Một ngày khi Chi-hon còn ở quê, tiếng gọi “Anh trai” và lao vào lòng người anh của mẹ đã khiến cô bật cười vì hình ảnh mẹ lúc đó như một đứa trẻ. Để rồi tiếng cười đó bỗng hóa chua chát khi cô nhận ra, bản thân mình đã mất quá lâu để nhận ra mẹ cũng có cảm xúc như bao người khác.
“Với cô, mẹ lúc nào cũng là mẹ. Cô chưa bao giờ nghĩ rằng mẹ cũng từng chập chững bước đầu tiên, mẹ cũng lên ba, rồi mười hai rồi hai mươi tuổi. Cô luôn cho rằng mẹ là mẹ. Mẹ sinh ra đã là mẹ.”
Đối với Park Sonyo, bà quan niệm rằng việc chăm sóc cho người con trai cả để nó toàn tâm toàn ý trở thành công tố viên chính là niềm ấp ủ cả đời. Đây cũng chính là ước mơ của bà thời trẻ nhưng giờ đã khép gọn vào một góc, ươm mầm nhưng không thể nở hoa.
Cũng giống như bà Park, những người mẹ đều lớn lên từ một đứa trẻ và họ đều nuôi trong mình một ước mơ chờ ngày hé nở. Để rồi, ước mơ ấy chỉ còn cất sau những nồi niêu, bếp ga và củi lửa.
Niềm yêu thương gia đình và bản năng làm mẹ, làm vợ khiến họ chấp nhận quên đi những khát vọng riêng của bản thân, một thân một mình đối diện với mọi sự bạc đãi của thời đại mà không hề oán trách.
Những người mẹ này có thể thích nấu nướng nhưng cũng có thể không, vậy mà sự đời đã không cho họ quyền lựa chọn. Chỉ có điều, những người con lại thường quên mất điều đó mà để đến khi đấng sinh thành đã không còn ở lại nơi thế gian này nữa, họ mới bắt đầu nghĩ về điều mẹ ước ao.
“Nhiều khi em nghĩ chính con cái đã kìm hãm cuộc đời mình. Khi nào đứa út lớn thêm một chút nữa, em sẽ gửi cháu đến nhà trẻ hoặc thuê người về trông cháu để em còn phải làm việc của em nữa chứ. Nhất định em sẽ làm như vậy. Vì em cũng phải có cuộc sống của riêng mình nữa. Khi nhận ra suy nghĩ này ở bản thân, em tự hỏi sao mẹ có thể làm được những việc mẹ đã làm, và khi đó em mới biết rằng mình không thực sự hiểu mẹ.
Dù đã làm mẹ, em vẫn có rất nhiều mơ ước của riêng mình và vẫn nhớ không sót một chuyện gì về thời thơ ấu, thời niên thiếu cũng như thời thiếu nữ của mình, thế nhưng tại sao ngay từ đầu chúng ta chỉ luôn nghĩ về mẹ như là một người mẹ mà thôi? Tại sao em chưa từng mảy may nghĩ tới những ước mơ của mẹ?”
Bức thư của cô con gái út gửi chị là một vũng lặng, để mỗi độc giả đọc và ngẫm sâu từng nét chữ đậm nhạt, thấy lòng mình như có sóng trào mà không thể ghìm xuống, thấy tim mình như sắp vỡ tung ra mà không thể dồn nén lại.
Hãy chăm sóc mẹ và lời nhắn nhủ đừng để sự dằn vặt là điều còn lại sau cùng
Sau khi mẹ mất tích, gia đình của Chi-hon trở thành mớ bòng bong với hàng loạt cãi vã xoay vần. Trong nỗi lo lắng và cắn rứt, họ cũng thắc mắc tại sao bà không tự biết hỏi đường để quay về nhà cho đến khi phát hiện ra sự thật rằng mẹ không biết chữ, căn bệnh ung thư cũng khiến bà không còn minh mẫn nữa rồi.
“Có những khoảnh khắc mà người ta thường suy ngẫm lại sau khi việc gì đó xảy ra, nhất là sau khi chuyện không may xảy ra. Khoảnh khắc mà người đó nghĩ, lẽ ra mình không nên làm vậy”
Thật trớ trêu khi những sự thật động trời đó chỉ được phát hiện sau khi mẹ đã mất tích, để rồi sự vô tâm là câu trả lời cuối cùng cho những nỗi hỏi han mà họ không biết phải gửi ai, phải tìm kiếm như thế nào trong những vùng ký ức không rõ nét.
Mãi đến lúc này thì Chi-hon mới nhớ đến giây phút mẹ cãi nhau với bố để tìm cách kiếm tiền cho cô đi học, tất cả nhằm mong người con ấy có tương lai tốt đẹp hơn. Ngay cả khi cô khóc và nước mũi quện lẫn mùi mồ hôi, mẹ vẫn đội đúng chiếc khăn ấy đi đến trường.
Mãi đến lúc này thì Hyong-chol mới nhớ rằng mẹ cũng hay khóc khi nhìn mình, hay nói lời xin lỗi. Lời hứa năm nào của anh rằng nhất định sẽ để mẹ ngủ trong một gian phòng ấm áp thay vì phòng trực đêm của ủy ban phường đã phai nhạt từ lâu, thậm chí anh còn đang nhậu say với đồng nghiệp trong ngày mẹ mất tích.
Mãi đến lúc này thì ông Yun, chồng của bà mới nhớ ra mình đã bất mãn với quê hương cả thời trẻ để phiêu bạt khắp nơi, thậm chí đưa về nhà một phụ nữ lạ mà không màng đến cảm xúc của vợ mình. Bà luôn mong ông đi chậm một chút nhưng chưa một lần ông ngoái đầu nhìn lại hay nắm lấy tay bà.
Các thành viên trong gia đình đến giờ phút này mới đồng loạt nhận ra mình đã trưởng thành, lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ và cứ xem đó là điều hiển nhiên. Chưa một lần họ ngoảnh lại để nhìn rõ nét mặt của người luôn hy sinh và chăm sóc cho mình, để rồi thời gian dành cho họ cũng đã không còn.
Hình ảnh người mẹ “bị thương ở mu bàn chân, đi đôi dép lê màu xanh, một bên dép cứa vào đôi bàn chân chỗ gần ngón chân cái sâu đến nỗi miếng thịt long ra tạo thành vết rách sâu hoắm, ruồi muỗi vây quanh vết thương đang rỉ mủ” là nỗi ám ảnh lớn nhất dành cho người đọc sau khi gấp lại trang sách.
Ngoài ra, không còn bất cứ một chi tiết dữ dội và rùng rợn nào ở lại. Sự thản nhiên đi qua những đớn đau và cô độc, nỗi bao dung cho những vô tâm đến từ con cái của người mẹ mới chính là điều gặm nhấm tâm tư bạn đọc từng chút một, cứ thế xuyên suốt ba trăm trang sách.
“Hãy chăm sóc mẹ”
Đó là tiêu đề của cuốn sách và cũng là kết thúc cho một hành trình dài. Nhà văn Shin Kyung-sook đã không dùng bất kỳ câu cảnh tỉnh hay nhắc nhở nào, vậy mà đến khi gập cuốn sách lại thì chúng ta mới nhận ra sự thôi thúc hãy yêu thương, hãy chăm sóc người sinh thành ra mình trước khi quá muộn.
Độc giả có thể tìm đến Hãy chăm sóc mẹ vì những lời có cánh trên báo chí, vì những danh hiệu vẻ vang mà nó đã giành được. Tuy nhiên nếu đã chạm tay vào trang sách, hãy đứng trên phương diện một người yêu mến văn chương và yêu mến Hãy chăm sóc mẹ như một món quà tâm hồn.
Bởi vì đây là một cuốn sách ngập tràn sự ấm áp và lấp lánh những giá trị thuần Á Châu của tình mẫu tử, từng câu chữ cứ thế vun trồng những giá trị thiêng liêng nhất của mỗi người từ bên trong.
Đinh Ngọc
Đinh Ngọc
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất