Khóc giữa Sài Gòn là một trong những tác phẩm đặc sắc của nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Thạch được xuất bản vào năm 2014, cuốn sách sẽ đưa người đọc đến với từng khoảng tối bủa vây bên trong lòng Sài Gòn luôn lấp lánh ánh đèn.
Đôi nét về tác giả Nguyễn Ngọc Thạch và cuốn sách Khóc giữa Sài Gòn
Nguyễn Ngọc Thạch là một chàng trai thuộc cộng đồng LGBT sinh năm 1988 tại thành phố Hồ Chí Minh, anh còn được biết đến với nghệ danh Jade Vissel qua những truyện ngắn làm mưa làm gió trên mạng xã hội như Đời Callboy, Thất tình không sao hay Lưng chừng cô đơn.
Anh thường khai thác những mặt tối của hiện thực cuộc sống, đào sâu những vấn đề nhạy cảm và gây nhiều tranh cãi như đồng tính hay mại dâm, chính vì viết về mảng đề tài như thế nên đa phần các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Thạch đều tác động mạnh mẽ đến bạn đọc, đặc biệt là các bạn trẻ.
Văn phong của Nguyễn Ngọc Thạch không cầu kì, hoa mỹ nhưng nó đủ dữ dội và mãnh liệt để khiến người đọc có thể trải qua từng cung bậc cảm xúc cùng nhân vật, chính lối hành văn này đã giúp cho tác giả để lại một dấu ấn khó phai trong lòng độc giả.
Ở cuốn sách Khóc giữa Sài Gòn, nhà văn vẫn tiếp tục viết về những góc khuất của xã hội được giấu đi sau lớp vỏ hào nhoáng, tác phẩm sẽ đưa độc giả đến một Sài Gòn không ồn ào tiếng xe, không rực rỡ đèn hoa, chỉ còn bốn bề là bóng tối và tiếng lòng người cô đơn.
Truyện kể về sáu nhân vật cùng sống trên mảnh đất Sài Gòn, họ có một cuộc đời riêng biệt với mỗi nỗi niềm khác nhau nhưng điểm chung giữa những con người ấy là đang dần bị nuốt chửng bởi rối ren giữa đô thị rộng lớn, vùng đất này đã để họ gặp gỡ và cùng nhau đi qua những hỉ nộ ái ố trong cuộc sống.
Những kiếp người lênh đênh đang Khóc giữa Sài Gòn
Trong những trang đầu tiên của Khóc giữa Sài Gòn, Nguyễn Ngọc Thạch đã vẽ nên một thành phố mang màu gam màu xám đen của bóng đêm đặc quánh hòa quyện với nỗi u ám, cô đơn của những kiếp người xuôi ngược.
Ở Sài Thành rộng lớn này, có sáu số phận với sáu câu chuyện khác nhau đang từng ngày chiến đấu với cuộc sống của chính mình.
Phan là giám đốc ở toàn soạn Thiên Đường, với một gia thế giàu có cùng với đầu óc tài hoa nên cuộc sống của anh luôn êm đềm và suôn sẻ. Trong tình yêu, Phan luôn ngọt ngào, ân cần, dẫu là một người đồng tính nhưng anh không hề ngần ngại khi nhắc đến điều ấy trước báo chí.
Tuy nhiên, trong công việc Phan lại vô cùng lạnh lùng và tàn nhẫn, chỉ cần giúp bài viết của Thiên Đường có lượt phản hồi lớn, anh sẽ bất chấp làm mọi điều dù đó là việc trái với đạo đức, cũng chính bởi vậy mà đến cuối cùng, Phan đã phải chịu sự trừng phạt cả đời của toà án lương tâm.
Nam là người yêu của Phan, chàng trai trẻ với nhiều vết thương lòng được giấu sau vẻ mặt hạnh phúc, nỗi đau dâng đến tột cùng khi người thân của cậu đều bị mất sau một vụ tai nạn.
Cậu một mình cô độc với những mảng kí ức bị đánh rơi, cho đến khi tác phẩm kết thúc, người đọc vẫn luôn bị ám ảnh bởi nỗi bi ai mà Nam phải trải qua, đặc biệt hơn khi ngày cận kề lễ cưới của cậu lại là ngày buồn nhất.
“Phan hay nghe người ta than trời trách đất rằng cuộc sống không công bằng. Phan thấy buồn cười, vì thường những người không nhìn đời từ đủ góc độ mới có nhận định như thế. Cuộc sống vốn dĩ rất công bằng, chỉ có con người vì nhiều mục đích nên mới hành động bất công với nhau.”
– Khóc giữa Sài Gòn
Nguyễn Ngọc Thạch đã dồn hết bút lực cho câu chuyện tình cảm giữa Nam và Phan, tưởng chừng đó là những lát cắt màu hồng sẽ có một kết thúc đẹp đẽ cho đôi lứa nhưng đến cuối cùng, tác giả lại gieo rắc khúc mắc vào cuộc tình ấy để rồi kết thúc lại là sự tan tác, lìa xa.
Khóc giữa Sài Gòn còn là câu chuyện về Thụy, một chàng trai vì cuộc sống mưu sinh mà phải bỏ học để làm việc ở một phòng massage cho đàn ông đồng tính và rồi đã có lúc, anh bơ vơ, hoang mang đi tìm câu trả lời cho câu hỏi mình là ai.
Ân, một cô gái gái mắc chứng ám ảnh xã hội lại là người kéo Thụy thoát ra khỏi sự mông lung, không có câu trả lời ấy, giữa thành phố tấp nập người qua lại, những kẻ cô đơn lại tựa vào nhau để gắng gượng bước qua những ngày chỉ thấy mây mù bủa vây.
Nguyễn Ngọc Thạch lại một lần nữa để cho câu chuyện giữa Ân và Thụy diễn ra thật chóng vánh, mối quan hệ của họ đã một kết thúc chơi vơi như một lời bỏ ngỏ.
Mễ là một trong hai nữ nhân vật chính của tác phẩm, khác với Ân, nỗi đau trong cô quặn thắt và dày vò hơn rất nhiều, tuy rằng Mễ rất đam mê tìm hiểu suy nghĩ của người khác nhưng đã có lúc, cô lại cảm thấy run sợ khi hiểu được bản chất thẳm sâu trong con người.
“Cũng đúng, cái cảm giác khó chịu nhất chính là phải đi giải quyết rắc rối của người khác, trong khi chính bản thân mình cũng đang trong tình trạng tương tự và loay hoay không biết làm sao để thoát ra.”
– Khóc giữa Sài Gòn
Cô là một bác sĩ tâm lý thế nhưng lại không thể tìm được phương thuốc cho tâm bệnh của chính mình, sau nhiều lần đổ vỡ trong tình yêu thì niềm tin vào đàn ông trong Mễ đã hoàn toàn biến mất.
Tuy nhiên, sau khi gặp được Tú, người đàn ông yêu viết lách, người đầu tiên tìm đến cô không phải vì những đam mê dục vọng tầm thường thì một lần nữa, Mễ đã tìm lại được cảm xúc yêu đương trong mình.
Sáu con người mắc kẹt giữa Sài Gòn lại được thành phố này kết nối để gặp gỡ rồi cùng nhau trải qua những đắng cay cuộc sống. Tác giả đã dùng câu chữ của mình để kéo người đọc cuốn theo từng cảm xúc của mỗi nhân vật, từ đó chúng ta có thể cảm nhận trọn vẹn từng cái giật thót ở đáy tim hay vị mặn chát của nước mắt.
Vấn đề thực từ những câu chuyện giả
Nguyễn Ngọc Thạch tập trung vào khai thác những mảng tối của xã hội lúc bấy giờ, từ đó thông qua mỗi nhân vật và từng câu chuyện hư cấu, cây bút trẻ đã đề cập đến những vấn đề nổi cộm giữa lòng Sài Gòn náo nhiệt.
Sự vô cảm ở tác phẩm trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bi kịch trong chuyện tình của Phan và Nam. Sau khi mất đi người thân, anh là chỗ dựa tinh thần duy nhất của cậu nhưng lúc biết được những điều mà người yêu mình đã làm thì Nam không còn cảm thấy an toàn khi ở bên Phan nữa.
Nam loay hoay không biết người đứng trước mặt có phải người mà mình vẫn luôn yêu thương hay không, nhìn thấy những góc sâu kín trong Phan, cậu thấy bóng lưng ấy quá xa lạ và bản thân không thể thoát ra được những suy nghĩ vẩn vơ trong mình.
“Vì sự nghiệp, vì danh tiếng, con người ta có thể bỏ qua nỗi đau của đồng loại, thậm chí đó là người thân của mình sao?
Em không biết Phan nhận được gì để bảo vệ danh tiếng cho những con người kia, hay Phan đang tự bảo vệ cho sự kiêu hãnh, bất khuất của mình trước tất cả khó khăn.
Em không hiểu, nhưng em biết là Khanh đã rất khó xử. Em cứ tự hỏi mình, Phan là ai?”– Khóc giữa Sài Gòn
Để kiếm được những đồng tiền mưu sinh, Tú đã phải đánh đổi bằng đạo đức của mình, thứ mà Phan khẳng định rằng nó không có giá trị gì hết nhưng đến cuối cùng, lương tâm của Tú đã chiến thắng, anh nghỉ việc tại công ty mà bản thân vẫn luôn xem như địa ngục trần gian.
Trong cuộc trò chuyện giữa Tú và mẹ, một góc khác của Sài Gòn đã hiện ra dưới con con mắt của kẻ bị ám ảnh bởi bụi đường tỏa ra từ xe cộ hòa với sự hối hả của dòng người qua lại, trong thành phố ấy luôn tồn tại những con người ngày một vô cảm với nhau vì miếng cơm manh áo.
“Người Sài Gòn lòng cũng xanh xanh đỏ đỏ, lúc thì cười nói với nhau như thân thiết lắm, lúc thì quay sang đã có thể giẫm đạp nhau để ngoi lên trong đường mưu sinh. Dòng mưu sinh ở Sài Gòn thì lại cuốn người ta phăng phăng theo nó, sơ sẩy một chút là bị đẩy ra bên lề của cuộc đua, không khéo còn chẳng sống được đến ngày mai để nhìn mặt trời, nhìn mặt đời.”
– Khóc giữa Sài Gòn
Là một người thuộc cộng đồng LGBT, không khó để đoán ra rằng những chi tiết về tình yêu đồng giới xuất hiện xuyên suốt hơn ba trăm trang sách, ở trong tác phẩm, nhà văn đã khai thác cảm xúc của những người bị gia đình cấm đoán cũng như những người được sống thật với chính mình.
Minh, một chàng trai sau khi công khai tính hướng của bản thân đã bị chính người mẹ ruột chối bỏ và đuổi ra khỏi nhà. Sau nhiều năm, anh không còn trở về nhà, bất cứ ai hỏi đến Minh mẹ anh đều nói rằng anh đã chết.
Nam và Phan may mắn hơn khi được sống đúng với tình yêu chân thật của mình tuy nhiên điều ngăn cách họ lại là sự nghiệp, đây là khía cạnh mà những người đồng tính thường xuyên phải đối mặt, hơn ai hết, tác giả hiểu rõ điều ấy và đã đem trăn trở đó vào tác phẩm của mình để tìm được nhiều sự đồng cảm ở bạn đọc.
Khóc giữa Sài Gòn còn phản ánh những tệ nạn xã hội như thuốc phiện hay mại dâm, để từ đó cho chúng ta thấy được ở sau thành phố lung linh ánh đèn ấy vẫn luôn có những con ngõ tối không tìm thấy đường ra.
Những mảnh đời tuy lay lắt, quằn quại và đau thương ở Sài Gòn nhưng vẫn gắn bó với nơi đây, không đơn giản chỉ để mưu sinh mà còn vì cảm giác gắn bó với thành phố này.
” – Cực vậy sao không kiếm nơi nào khác để đi?
– Em cũng không biết, hình như mảnh đất Sài Gòn này có sức hút người ta vô rồi giam ở đó, không cho đi, vùng vẫy cỡ nào cũng chỉ muốn ở đây, lây lất cũng được, miễn sao còn được ở Sài Gòn.”
– Khóc giữa Sài Gòn
Gam màu chủ đạo của Khóc giữa Sài Gòn là sự u buồn, sầu não, đây sẽ là một cuốn sách thích hợp cho những ai muốn khám phá thành phố này ở góc nhìn mới mẻ hơn, nơi luôn luôn sáng đèn nhưng lại nặng trĩu nỗi âu lo của kiếp người khi màn đêm buông xuống.
Ngọc Linh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất