Lắng nghe gió hát được xuất bản vào năm 1979, đây là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami. Tựa đề cuốn sách bắt nguồn từ câu cuối trong truyện ngắn Đóng lại cánh cửa cuối cùng của Truman Capote

Cuốn sách xoay quanh tình yêu của tuổi trẻ gắn liền với nhiều đánh đổi và mất mát. Tiểu thuyết gồm 40 chương nhỏ, đề cập đến các chủ đề như phong trào sinh viên Nhật Bản, những thú vui trẻ, nấu ăn, âm nhạc phương Tây cùng những giá trị sống.

Haruki Murakami cùng sự ra đời của Lắng nghe gió hát

Tác giả Haruki Murakami sinh 1949 tại Kyoto và lớn lên ở tỉnh Hyogo, Nhật Bản. Ông là một trong những tiểu thuyết gia, dịch giả văn học người Nhật được biết đến nhiều nhất hiện nay cả trong lẫn ngoài nước.

Chân dung nhà văn Haruki Murakami
Chân dung nhà văn Haruki Murakami

Từ thời điểm nhận giải thưởng Nhà văn mới Gunzo năm 1979 đến nay, những tác phẩm của ông đã được dịch ra khoảng 50 thứ tiếng trên thế giới. Haruki trở thành hiện tượng trong văn học Nhật Bản đương đại với những mỹ danh như nhà văn được yêu thích, nhà văn bán chạy nhất hay nhà văn của giới trẻ.

Từ nhỏ, Haruki đã chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa phương Tây đặc biệt là âm nhạc và văn học. Ông lớn lên cùng hàng loạt tác phẩm của các nhà văn Mỹ như Kurt Vonnegut và Richard Brautigan. Sự ảnh hưởng đó cũng chính là đặc điểm giúp mọi người phân biệt ông với những nhà văn Nhật khác.

“Tôi thích rượu vang Pháp. Nhưng chẳng ai bảo rằng vì vậy mà tôi chịu ảnh hưởng mạnh của văn hóa Pháp. Tôi vẫn là một tiểu thuyết gia Nhật Bản, không gì khác. Tôi không nghĩ đấy là điều gì lạ lùng, sai lạc, kỳ quặc, trái khoáy, phi tự nhiên hay đáng thẹn.”

– Haruki Murakami 

Văn học Nhật thường chú trọng đến vẻ đẹp ngôn từ, điều đó có thể khiến cho khả năng diễn đạt bị giới hạn và trở nên cứng nhắc. Trong khi đó, phong cách của Haruki Murakami tương đối thoáng đạt, uyển chuyển.

Điều này được chứng minh qua một số tác phẩm nổi tiếng do ông chắp bút như Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời, Người tình Sputnik hay Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương.

Haruki học nghệ thuật sân khấu tại Đại học Waseda, Tokyo. Ban đầu ông là nhân viên ở một cửa hàng băng đĩa, nơi mà một trong những nhân vật chính trong tác phẩm Rừng Na Uy đã làm việc. Sau này, nhà văn mở một tiệm cà phê chơi nhạc jazz nên tiểu thuyết của ông thường được lấy ý tưởng từ chủ đề này.

Ông kể rằng, khi đang xem một trận bóng chày thì bản thân đột ngột nảy ra ý tưởng cho tiểu thuyết đầu tay Lắng nghe gió hát. Sau đó, lúc cầu thủ người Mỹ Dave Hilton đánh được quả cầu thứ hai, Haruki bỗng nhận ra mình có khả năng sẽ viết được một câu chuyện và ông đã bắt tay viết ngay hôm ấy.

“Đến năm 29 tuổi tôi mới bắt đầu viết. Trước thời gian đó tôi chẳng có gì để viết. Đôi khi bạn phải sống cuộc đời của chính mình cho hết sức hết lòng, hết mực chân thành, sau đó bạn mới tìm thấy một cái gì đó của riêng mình để viết.”

– Haruki Murakami 

Sau khi hoàn thành, ông gửi Lắng nghe gió hát đến một cuộc thi văn học duy nhất chấp nhận tác phẩm ngắn và giành được giải nhất. Trong tiểu thuyết đầu tay này, phong cách của Haruki dần định hình gắn liền với phương Tây, hài hước, thâm thúy nhưng đủ tình yêu quê hương sâu sắc.

Tiểu thuyết đầu tay Lắng nghe gió hát được nhà văn chắp bút
Tiểu thuyết đầu tay Lắng nghe gió hát được nhà văn chắp bút

Thành công ban đầu của Lắng nghe gió hát đã khuyến khích ông tiếp tục theo đuổi sự nghiệp cầm bút. Một năm sau đó, ông xuất bản Pinball, 1973  Cuộc săn cừu hoang. Đây đều là thành công về mặt phê bình, sử dụng lại những yếu tố không tưởng và một cốt truyện mang tính kết thúc.

Lắng nghe gió hátPinball, 1973 và Săn cừu hoang tạo thành Bộ ba Chuột. Khác với phong cách văn chương đặc biệt của Haruki, Lắng nghe gió hát không nhấn mạnh quá sâu vấn đề tình dục hay cái chết. Năm 1981, tiểu thuyết được chuyển thể thành phim có cùng tên bởi đạo diễn Omori Kazuki. 

Bối cảnh trong tiểu thuyết diễn ra vào khoảng thời gian trong tháng tám năm 1970. Lắng nghe gió hát xoay quanh nhân vật tôi và cậu bạn thân Chuột, địa điểm hai người thường lui tới là quán bar Jay’s Bar. Tiểu thuyết xây dựng nên các cuộc gặp gỡ và câu chuyện tình yêu đầy mất mát giữa những người trẻ trong một mùa hè ở Tokyo.

Lắng nghe gió hát và những cuộc gặp gỡ tình cờ

Nét đặc trưng dễ bắt gặp ở văn chương Haruki là gam màu có phần ảm đạm, u buồn. Lắng nghe gió hát cũng phảng phất khung cảnh lặng lẽ, ít người nhưng lại được lồng ghép với tinh thần tươi sáng của tuổi trẻ. Đó là một cuộc sống của những trái tim có phần nổi loạn, hoang dại và nhiệt huyết. 

Nhân vật tôi đã kể hết cuộc đời mình bằng những mẫu nhật ký vụn vặt và không có trật tự. Một cô gái cậu từng hẹn hò ở trường đại học đã tự tử nên cậu đến quán bar của J cùng với người bạn thân Chuột và dành thời gian cả mùa hè để uống bia trong sự ám ảnh.  

“Thứ mà tôi có thể viết ra ở đây chỉ là một danh sách. Không phải tiểu thuyết hay văn chương, cũng không phải nghệ thuật. Chỉ là cuốn sổ với đường kẻ ở chính giữa mà thôi. Và có lẽ là thêm đôi chút giáo huấn ở đâu đó.”

Lắng nghe gió hát

Tất cả bắt đầu từ cuộc gặp tình cờ trong phòng vệ sinh ở quán bar, nhân vật tôi quen được một cô gái với bàn tay trái chỉ có bốn ngón và làm tại cửa hàng băng đĩa. Họ ăn uống, nghe nhạc, nói những câu chuyện vu vơ về hiện tại, quá khứ rồi ôm nhau ngủ và khi thức dậy, hai người cùng ngắm cảnh vật phía bên ngoài cửa sổ.

Haruki đã khai thác rất sâu những ký ức rời rạc của nhân vật tôi, đó là những mối quan hệ và cuộc gặp giữa cậu với nhiều cô gái trong suốt những năm tháng tuổi trẻ. Họ đều là những người bạn từ hồi cấp ba, quen cậu khi cả hai đều bồng bột và non trẻ, từ đó mà mạch truyện cũng trở nên bỏ ngỏ, rời rạc.

Cuộc sống của những người trẻ có phần nổi loạn, hoang dại và nhiệt huyết
Cuộc sống của những người trẻ có phần nổi loạn, hoang dại và nhiệt huyết

Một người là bạn hồi cấp ba, tin tưởng, yêu nhau mãnh liệt rồi chia tay sau khi tốt nghiệp chỉ vài tháng. Cô nàng hippie gặp ở ga tàu điện ngầm, sống chung căn hộ với nhân vật tôi một tuần rồi đột ngột đi mất cùng một số đồ đạc. 

Còn cô bạn học khoa Pháp văn mà cậu quen ở thư viện trường đại học đã treo cổ chết trong một khu rừng tồi tàn gần sân tennis vào năm hai mốt tuổi, thi thể lơ lửng trong vài tuần mà chẳng ai phát hiện. Lý do về cái chết của cô gái thì không ai biết, kể cả nhân vật tôi.

Và cả cô gái tặng bài hát California girls của nhóm The Beach Boys cho cậu cũng biến mất.

“Hút xong điếu thuốc, tôi thử nhớ lại tên cô gái trong suốt khoảng mười phút, nhưng chỉ vô ích. Vả chăng tôi cũng chẳng nhớ liệu mình có biết tên cô ta hay không.”

Lắng nghe gió hát

Rất nhiều cuộc gặp của tuổi trẻ ấy chỉ lướt qua nhẹ nhàng và chẳng liên quan gì đến nhau nhưng mỗi tình tiết lại góp phần thể hiện rõ tính cách của các nhân vật không tên. Một người trẻ có phần chững chạc hơn tuổi, cô độc, lặng lẽ và hoang mang giữa từng khoảng thời gian bất định.

“Này, cậu nghĩ rốt cuộc bọn con gái ăn gì để sống?

Đế giày

Lẽ nào lại thế.”

Lắng nghe gió hát

Ở tác phẩm đầu tay này, chúng ta sẽ gặp được một Haruki Murakami chân thật, là chính mình nhất. Có những đoạn kể bỏ lửng, bởi dường như nhà văn không biết viết gì tiếp nữa, từ đó người đọc sẽ cảm giác được rằng, mỗi câu chuyện trong Lắng nghe gió hát không liền mạch, trơn tru và ngắt quãng.

Bản nhạc trầm bổng của tuổi trẻ hoang dại

Mười tám ngày của mùa hè, nhân vật tôi hằng ngày đọc sách, hút thuốc, cùng Chuột uống bia rồi nói vài chuyện vẩn vơ. Thi thoảng cậu lại tạt qua hàng bán đĩa, bám vào mối duyên lỏng lẻo với cô gái có bàn tay bốn ngón. Họ tìm đến nhau bởi sự đồng cảm và cùng hoà quyện giữa bầu không khí đầy cô độc, lạc lõng này.

Mạch truyện không chỉ là giai đoạn tuổi trẻ hoang dại mà còn là giai điệu của tiếng gió hát bên bờ biển, tạo nên cảm giác thanh xuân trôi qua chóng vánh như gió, lúc cuồng nhiệt lúc nhẹ nhàng. Haruki không miêu tả tình tiết quá cao trào nhưng lại có đủ những nút thắt cho từng dấu ấn trở nên khó phai.

“Anh có hạnh phúc không? Nếu được hỏi vậy tôi chỉ có thể trả lời – “Dĩ nhiên”. Vì thứ được gọi là ước mơ cuối cùng cũng chỉ là mơ ước.”

Lắng nghe gió hát

Một ngày nọ, cô gái không ngón út gặp nhân vật tôi tại một nhà hàng gần bến cảng. Tối hôm đó, cô đã tiết lộ chuyện mình vừa phá thai. Đoạn ký ức dần được miêu tả lướt qua nhanh chóng, cậu trở lại Tokyo khi kỳ nghỉ kết thúc, quyết định kết hôn và sống ở đây.

Lắng nghe gió hát là một khúc nhạc trầm bổng của tuổi trẻ
Lắng nghe gió hát là một khúc nhạc trầm bổng của tuổi trẻ

Xuyên suốt tác phẩm, nhân vật không có nổi một cái tên. Tất cả được miêu tả bằng hình ảnh, hành động và những suy tưởng nhưng người đọc vẫn nhớ về họ một cách day dứt, khó quên.

Nhà văn viết về tình yêu, tình bạn với nhiều tình tiết và các vấn nạn thường gặp trong cuộc sống như phá thai hay tự tử, chính điều đó đã khiến cho Lắng nghe gió hát trở nên khác biệt hơn so với những tác phẩm lúc bấy giờ.

Một đoạn tuổi trẻ đã khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc, đó là vài cuộc hội thoại ngắn ngủi, hài hước và vô số những lần gặp gỡ  của nhân vật tôi với mỗi người mười tám, đôi mươi.

Chết chóc, vô định hay lạc lõng đều được nhà văn viết ra một cách trần trụi để tô đậm những dấn ấn của tuổi trẻ, từ đó người đọc dễ dàng nhìn thấy một phần của chính mình ở từng trang viết mang tên Lắng nghe gió hát.

Dấu ấn mở đầu phong cách văn học của tác giả Haruki Murakami 

Haruki Murakami từng cho rằng, ông không có gì để viết cả. Tác phẩm đầu tay ra đời khi bản thân vừa qua tuổi hai chín, chính mình đã hiểu hết những trải nghiệm của tuổi trẻ và đi qua nhiều thăng trầm, đấu tranh trong nửa đời người.

Bắt đầu từ Lắng nghe gió hát, tác giả đã định hình phong cách viết đi sâu khai thác nội tâm nhân vật một cách mạnh mẽ, logic. Ở đó có sự cô độc, lạc lõng của từng nhân vật không tên và cả nhiều gam màu đan xen trong cuộc sống. Những góc khuất trong tâm hồn bước ra trang viết mang nét chân thật hơn bao giờ hết.

“Cuối cấp ba, tôi quyết định sẽ chỉ nói phân nửa những gì mình nghĩ trong lòng. Tôi quên mất vì lý do gì, nhưng tôi đã thực hiện ý định đó suốt mấy năm trời. Rồi một ngày, tôi nhận ra mình đã trở thành loại người chỉ có thể nói ra một nửa những gì mình nghĩ.”

Lắng nghe gió hát

Lắng nghe gió hát mở đầu cho những không gian u buồn, ảm đạm trong tiểu thuyết của Haruki. Ông viết về thanh xuân với nhiều hoang dại, điên rồ nhưng không thể phủ nhận, đó còn là vẻ đẹp của tuổi nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm và mạnh mẽ bước vào đời bằng tất cả sự dũng cảm dấn thân.

Vào mùa đông năm ấy, nhân vật tôi đã quay trở lại nhưng cô gái đó đã rời khỏi quầy băng đĩa và căn hộ của mình. Đó là cách nhà văn để cho chuyện tình ấy  được khép lại khi cả hai dần buông bỏ chấp niệm trong lòng mình.

Chính vì thế mà các tiểu thuyết do Haruki Murakami chắp chút luôn ẩn chứa một tinh thần tươi sáng và những giá trị sống xoay quanh các mối quan hệ như tình yêu hay tình bạn đẹp đẽ.

Dù phải bước qua nhiều biến cố nhưng mùa hè năm ấy vẫn là những năm tháng mang tên tuổi trẻ đầy trọn vẹn và tươi đẹp, đủ để người ta nhớ về với những kỷ niệm day dứt khó phai.

Độc giả  trên khắp thế giới có thể ấn tượng bởi một ngòi bút Haruki Murakami đanh thép, chỉn chu và trưởng thành trong các tác phẩm thành công sau này nhưng Lắng nghe gió hát vẫn mãi là cuốn tiểu thuyết gối đầu để chúng ta hiểu hơn về tuổi trẻ của chính mình.

Tiểu My