Liêu trai chí dị hay còn được hiểu là những câu chuyện quái dị ở căn nhà tạm, được xem là một trong những tác phẩm nổi bật nhất của tác giả Bồ Tùng Linh. Tập truyện ngắn còn được ví như một kì thư và được đánh giá là đỉnh cao của tiểu thuyết văn ngôn thời cổ đại.

Tác phẩm nổi bật của Bồ Tùng Linh
Tác phẩm nổi bật của Bồ Tùng Linh

Tác phẩm gồm mười sáu quyển chia làm 448 thiên truyện ra đời vào khoảng cuối thế kỷ 17. Cho đến nay dù đã qua hơn ba thế kỉ nhưng Liêu trai chí dị vẫn giữ được nét hấp dẫn, kì ảo lạ thường thuở ban đầu của mình.

Qua những con chữ, Bồ Tùng Linh mang người đọc đến với những thế giới huyền hoặc bí ẩn, ma quái để rồi lại ẩn chứa trong đó nhiều thông điệp ý nghĩa sâu xa.

Bồ Tùng Linh cùng đôi nét về tác phẩm Liêu trai chí dị

Bồ Tùng Linh là một văn sĩ người Trung Hoa dưới triều đại nhà Thanh. Các sáng tác của ông rất đa dạng bao gồm thơ, truyện ngắn và cả tiểu thuyết. Trong đó nổi bật phải kể đến là thiên tiểu thuyết Liêu trai chí dị.

Bộ truyện thực chất là tổng hợp của nhiều tập truyện ngắn mà đề tài chủ yếu xoay quanh những câu chuyện trong dân gian hay các truyện truyền kỳ thời Đường được Bồ Tùng Linh sưu tầm, ghi chép lại rồi gia công sáng tạo thêm.

Liêu trai chí dị là thiên truyện để đời phản ánh chân thực bức tranh thời cuộc
Liêu trai chí dị là thiên truyện để đời phản ánh chân thực bức tranh thời cuộc

Hầu hết các truyện kể về những thế giới huyền ảo, lạ kỳ nơi tồn tại những điều không thực như thần tiên ma quái đến hổ báo độc trùng. Đồng thời yếu tố con người cũng được tác giả đưa vào tác phẩm theo một cách dị thường.

Bồ Tùng Linh đã xử lý các đề tài một cách khéo léo để thông qua đó mà ít nhiều ngầm lên án, chỉ trích nền chính trị tàn bạo của triều đình Mãn Thanh và phê phán thói hư tật xấu của bọn nho sĩ cùng thể hiện những tư tưởng dân chủ trong hôn nhân và tình yêu.

Liêu trai chí dị đả kích và vạch trần sâu sắc chế độ chính trị đen tối đương thời

Chỉ khi đọc qua Liêu trai chí dị ta mới cảm nhận được sâu sắc nỗi bất lực cùng sự phẫn uất với thời đại của Bồ Tùng Linh. Qua nhiều câu chuyện, người đọc thấy được ý định muốn ngầm đả kích bọn tham quan ô lại, bọn thổ hào thân sĩ độc ác của tác giả một cách rõ rệt.

Bộ truyện Liêu trai chí dị
Bộ truyện Liêu trai chí dị

Chính vì bọn bè lũ quan lại không từ một tội ác nào mà ra sức hà hiếp, bóc lột của cải từ tay những người dân lương thiện thế nên Bồ Tùng Linh đã thể hiện sự đồng tình to lớn của mình với cảnh ngộ thống khổ của họ qua các câu chuyện như Xúc chức, Tịch Phương Bình, Hướng Cảo.

Trong Xúc Chức, câu chuyện bi thương của gia đình Thành Danh do Bồ Tùng Linh dựng lên đã khắc họa chân thực bức tranh đầy thê lương của thời cuộc. Ông thẳng thắn phơi bày bản chất tàn bạo của giai cấp thống trị phong kiến bức hại nhân dân.

Tấn bi kịch của gia đình Thành Danh bắt nguồn từ một thú vui tiêu khiển vô cùng nhảm nhí của nhà vua.

Ông ta yêu cầu dân chúng hằng năm đều phải tìm và bắt những con dế mèn thật khỏe, chọi thật hay để dâng lên ông ta vì ông rất thích chọi dế. Bọn quan lại địa phương xun xoe xu nịnh lại nhân cơ hội này để dọa dẫm, hạch sách dân.

Cuộc sống người nông dân bị bè lũ quan lại hà hiếp thể hiện trong Liêu trai chí dị
Cuộc sống người nông dân cơ cực bị bè lũ quan lại dồn vào đường cùng thể hiện trong Liêu trai chí dị

Trong khi đó, Thành Danh vốn là người thật thà và an phận thủ thường. Đến nỗi, khi đã cống nạp đến khuynh gia bại sản mà vẫn không cách nào thỏa mãn được yêu cầu đầy tham bạo ngày một nhiều từ bè lũ quan lại.

Trầy trật mãi anh được một bà đồng chỉ bảo cách, sau đó anh bắt được một con dế mèn rất khỏe nhưng trớ trêu thay lại bị đứa con chín tuổi vô ý làm chết mất. Trong khi Thành Danh đang lo lắng thì chợt phát hiện con mình đã tự tử vì sợ hãi. Về sau người con ấy sống lại nhưng linh hồn lại hóa thành một chú dế mèn.

Thành Danh mang con dế ấy tiến cung và cũng chính nhờ vậy mà thoát được số phận bất hạnh.

Tình tiết này phản ánh trần trụi cuộc sống bi thảm của dân chúng trong xã hội phong kiến. Đồng thời, nó cũng thể hiện sự bức hại cả về thể xác lẫn tinh thần to lớn mà người dân phải gánh chịu. Họ không còn cách nào khác hơn là biến chính mình thành thú vui tiêu khiển cho bọn vua chúa.

Những tội ác và tệ lậu của chế độ khoa cử dưới thời Mãn Thanh được phơi trần chân thật trong thiên tiểu thuyết

Thêm vào đó, Bồ Tùng Linh cũng lên án gay gắt chế độ khoa cử thời Mãn Thanh. Bởi chính vì Bồ Tùng Linh cũng là một văn sĩ nên ông là người thấu rõ nhất hiện thực tối tăm lúc bấy giờ. Do vậy, chủ đề này cũng được ông đào sâu và khai thác triệt để.

Chế độ thi cử thối nát được tái hiện qua tác phẩm của Bồ Tùng Linh
Chế độ thi cử thối nát được tái hiện qua tác phẩm của Bồ Tùng Linh

Dù cho chế độ thời xưa có xấu xa, thối nát đến mức nào thì văn nhân cũng chỉ có thể bất lực mà than với trời để rồi sau đó vẫn phải chấp nhận mà tham gia cốt cũng chỉ để tìm một chút công danh ở đời. Đấy chính là nỗi bi kịch lớn nhất của tầng lớp Nho sĩ từ đời xưa.

Các câu chuyện như Tì văn lang và Vương Tử An là những câu chuyện nổi bật mà Bồ Tùng Linh đưa vào trong đề tài này.

Không dừng lại ở đó Liêu trai chí dị còn thể hiện nỗi khát vọng muôn đời của con người về tình yêu và hạnh phúc

Và cuối cùng, như lẽ thường tình đề tài tình yêu bao giờ cũng là đề tài mà các văn sĩ giành nhiều tâm huyết cùng lao tâm khổ tứ nhất. Ở Liêu trai chí dị, Bồ Tùng Linh đã rất thành công khi đi vào loại đề tài vĩnh cửu này.

Nỗi niềm khao khát hướng đến hạnh phúc cũng được đề cập trong thiên tiểu thuyết kinh điển của văn học trung đại
Nỗi niềm khao khát hướng đến hạnh phúc cũng được đề cập trong thiên tiểu thuyết kinh điển của văn học trung đại

Nguyện vọng và khao khát mãnh liệt hướng tới hạnh phúc của Bồ Tùng Linh được thể hiện thông qua sự phản kháng đối với những điều bất hợp lý của chế độ hôn nhân thời phong kiến đương thời. Qua đó người đọc phần nào cùng thấy được những quan niệm tiến bộ so với thời đại lúc bấy giờ về tình yêu của tác giả. 

Những đặc sắc nghệ thuật trong thiên tiểu thuyết dưới ngòi bút tài hoa của Bồ Tùng Linh

Với việc sử dụng bút pháp truyện ngắn truyền kỳ kết hợp với lời văn điêu luyện, Liêu trai chí dị đặc biệt ở điểm tác phẩm không vẽ lên trước mắt người đọc bức tranh thật của xã hội hiện thời mà thay vào đó là một khung cảnh hoàn toàn khác hẳn.

Bồ Tùng Linh đi vào miêu tả những chốn bồng lai tiên cảnh nơi có cả người lẫn tiên. Ông tưởng tượng đến địa ngục nơi Diêm vương và quỷ sứ ngự trị còn ở cõi nhân gian thì nhà văn lại lấy bóng đêm mờ ảo làm bối cảnh chính nơi mà phần lớn nhân vật là ma và hồ ly.

Một ấn bản khác của Liêu trai chí dị
Một ấn bản khác của Liêu trai chí dị

Chính điểm độc đáo này phần nào cũng bộc lộ với độc giả rằng niềm tin vào con người của Bồ Tùng Linh ngày càng phai nhòa. Trong một thời điểm mà tình hình nước nhà không ngừng biến động, các giá trị đạo đức bị bóp méo đến không còn hình hài thì quả thật cũng dễ hiểu khi nhà văn hành văn như thế.

Trên hết, trí tưởng tượng phong phú cùng phong cách viết văn có nhiều chỗ cách tân, sáng tạo của Bồ Tùng Linh đã góp phần quan trọng trong việc đem đến sự thành công rực rỡ cho hàng trăm nhân vật giai nhân tài tử trong Liêu trai chí dị.

Các nhân vật được ông cá tính hóa đến mức cao độ và gần như toàn bộ các nhân vật ban đầu đều bị quật ngã bởi những khó khăn nhưng về sau dù cho có khắc nghiệt đến mức nào thì họ cũng tìm cách thoát hiểm để tồn tại và tỏa sáng. Đó chính là điểm mới lớn nhất của Bồ Tùng Linh.

Một phân cảnh trong bộ phim chuyển thể cùng tên nổi tiếng của đài TVB
Một phân cảnh trong bộ phim chuyển thể cùng tên nổi tiếng của đài TVB

Tính đến năm 2019 thì Liêu trai chí dị đã có hơn mười bộ phim chuyển thể được lấy cảm hứng từ tác phẩm.

Từ phim truyền hình đến điện ảnh, các bộ phim một là lấy những câu chuyện nổi bật hoặc đôi khi sẽ mượn cái không gian ma mị, kỳ quái mà Bồ Tùng Linh tạo ra sau đó dựa vào những diễn biến câu chuyện mà phát triển thành kịch bản, sáng tạo thêm.

Nổi bật nhất phải nhắc đến có lẽ là bộ phim truyền hình chuyển thể Liêu trai do TVB sản xuất năm 1966.

Bộ phim đã không phụ lòng mong đợi từ độc giả khi mang lên màn ảnh những thước phim cực kỳ chất lượng. Từ trang phục đến diễn viên đến cả bối cảnh đều phác họa thành công được bầu không khí lạ thường đặc trưng trong tác phẩm của Bồ Tùng Linh.

Cuối cùng, dẫu trải qua sự phán xét khắc nghiệt của thời gian và dòng chảy liên tục của thời đại, Liêu trai chí dị đến nay vẫn lung linh tỏa sáng như thuở vừa mới xuất hiện. Đọc quyển sách thêm một lần người ta lại như một lần nhận ra thêm được một điều gì đó mới mẻ và kì diệu. 

Thanh Thảo