Lòng dạ đàn bà là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Hồ Biểu Chánh, được xuất bản vào năm 1935. Thông qua những trang văn của mình, tác giả đã khắc họa chân dung ba người phụ nữ mà mỗi người đều mang một nét tính cách khác biệt.
Đôi nét về nhà văn Hồ Biểu Chánh và tác phẩm Lòng dạ đàn bà
Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ Văn Chung, sinh năm 1885 trong gia đình nghèo và đông con. Tuy hoàn cảnh không mấy khá giả nhưng ông vẫn được cha mẹ cho đi học, vì thế mà từ nhỏ Hồ Biểu Chánh đã biết chữ Nho, thậm chí là tiếng Pháp.
Năm hai mươi tuổi, Hồ Biểu Chánh thi vào ngạch ký lục của Soái phủ Nam Kỳ và bắt đầu làm ký lục và thông ngôn. Đến năm 1936, ông được thăng chức lên đốc phủ sứ và dần giữ chức chủ quận tại nhiều địa bàn.
Khi đương chức, Hồ Biểu Chánh không chỉ nổi tiếng với sự thanh liêm, yêu thương dân nghèo mà còn được biết đến rộng rãi với những tác phẩm thơ, dịch thuật hay tuỳ bút phê bình. Tiêu biểu trong giai đoạn này phải kể đến Tân soạn cổ tích, Lửa ngún thình lình, U tình lục, Vậy mới phải và Chưởng Hậu quân Võ Tánh.
Sau khi nhà văn về hưu vào năm 1941, ông được Pháp mời về làm cố vấn với chức danh Nghị viện Hội đồng Liên bang Đông Dương và Phó Đốc lý thành phố Sài Gòn. Ngoài ra, ông còn là giám độc cho nhiều tờ báo tuyên truyền chủ nghĩa Pháp-Việt.
Năm 1946, Nam Bộ bị tái chiếm và Cộng hoà tự trị Nam Kỳ được thành lập, Hồ Biểu Chánh lại được mời làm cố vấn, lần này là cho chính phủ Nguyễn Văn Thinh. Thế nhưng, vài tháng sau chính quyền Cộng hoà tự trị sụp đổ, ông quyết định lui về ở ẩn và dành phần đời còn lại cho văn chương.
Từ khi còn làm trong bộ máy chính quyền đến lúc nghỉ hưu, tránh xa chính trị, Hồ Biểu Chánh đã sở hữu gia tài văn chương đồ sộ. Suốt nửa thế kỷ sáng tác, ông đã để lại cho hậu thế hơn một trăm tác phẩm với nhiều thể loại khác nhau như tiểu thuyết, tuồng kịch, hồi ký và truyện ngắn.
Tuy nhiên, khía cạnh mà ông được giới phê bình và công chúng đánh giá cao hơn cả là văn chương tự sự mà Lòng dạ đàn bà là một trong số đó. Tác phẩm được viết theo thể loại đoản thiên, kể về số phận cũng như bi kịch của ba người phụ nữ trong xã hội cũ.
Khung cảnh miền Nam Việt Nam hiện lên trong những trang văn của Hồ Biểu Chánh
Hồ Biểu Chánh là người con miền Nam nên ngòi bút của ông thường hướng đến con người và cuộc sống nơi đây, từ đó làm rõ những biến chuyển của xã hội trong thời kỳ chiến tranh. Nhờ vậy, lối viết mộc mạc, chân thật nhưng đầy sức hấp dẫn đã tái hiện nét văn hoá đặc trưng của vùng đất này.
Lòng dạ đàn bà được mở đầu với khung cảnh quen thuộc, nơi đây thiên nhiên và con người có chung nhịp đập. Thông qua những miêu tả của nhà văn, độc giả có thể cảm nhận được bản thân như là một phần của câu chuyện.
“Mặt trời chen lặn, ngọn gió lao xao. Dọc theo đường Cái-Tắc đi Long-Mỹ, lúa gần chín, nên trông ra ruộng có đám ửng vàng, có đám còn xanh lét.
Ngang mấy xóm, người ta thừa hứng cái cảnh trời chiều mát mẻ, nên lăng xăng ngoài đường, người thì chấp tay sau đít, bước chậm rãi, mắt ngó mông vô đồng; kẻ thì ngồi dựa bên lề, mặt tươi cười, miệng nhai nhóc nhách; khúc thì dụm năm dụm ba hỏi nhau lúa trúng ước mấy giạ một công; chỗ thì con gái con trai trửng giởn chạy tứ tung, nói cười inh ỏi.”
– Lòng dạ đàn bà
Khi ấy, văn hoá Pháp đã du nhập vào Việt Nam, có sức ảnh hưởng đặc biệt đến nếp sống sinh hoạt của người dân miền Nam nhưng tại vùng quê của nhà văn, con người lại chọn gió trời mát mẻ, hỏi thăm từng khóm mạ ruộng lúa.
Những câu văn của Hồ Biểu Chánh không chỉ mang độc giả trở về vùng quê xưa mà còn khẳng định, thú vui tiêu khiển của giới thượng lưu như hột xoàn, xem đua ngựa chẳng ảnh hưởng gì đến nơi đây, đặc biệt với người từng giữ nhiều chức cao trong bộ máy chính quyền là ông.
Bên cạnh nếp sống miền quê, Hồ Biểu Chánh còn viết nên câu chuyện về Lê Tấn Thành, người đại diễn cho tầng lớp thượng lưu bấy giờ. Lê Tấn Thành còn được gọi là ông Hội Đồng, ngoài bà Hội Đồng thì người đàn ông này còn có quan hệ với cô Ba Huyền và cô Tư Thanh Thuỷ.
Những rắc rối trong mối quan hệ bốn người nối tiếp nhau, khó lòng giải thoát bởi thói hư tật xấu của của ông Hội và định kiến xã hội. Họ luẩn quẩn không tìm được lối đi, nổi thống khổ vô hình ấy cũng dần được Hồ Biểu Chánh khắc hoạ, thể hiện sự thương cảm với những phận đời mỏng manh.
Lòng dạ đàn bà khắc họa bi kịch của người phụ nữ trong những năm đầu của thế kỷ XX
Lòng dạ đàn bà kể về cuộc đời của ba người phụ nữ mà mỗi người đều gánh vác những gian truân riêng, có người lựa chọn cách chịu đựng, người lại cố gắng để vượt qua và cũng có kẻ bị xã hội dồn ép tới mức tha hoá bản chất.
Kim Diệp sinh ra trong một gia đình khá giả nên từ nhỏ đã được đi học, tính cách của bà bởi vậy cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Thế nhưng, Kim Diệp đã quyết định cưới Lê Tấn Thành khi mới mười tuổi, bi kịch cũng bắt đầu từ đây.
Sau vài năm chung sống, hai người đã có với nhau ba đứa con, hai gái và một trai. Tưởng chừng gia cảnh khấm khá, con cái đuề huề sẽ khiến Kim Diệp hạnh phúc nhưng sự thật phũ phàng, chồng bà qua lại với một cô ả đào bên ngoài.
Thậm chí, ông ta còn mua nhà và sống vợ lẽ trên thành phố, hiếm lắm mới chịu về quê với bốn mẹ con bà. Dẫu uất ức nhưng trong xã hội nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, đàn ông được phép năm thê bảy thiếp, Kim Diệp cũng chẳng dám lớn tiếng đòi quyền lợi.
“Nhờ cái dịp ấy, cô Thanh Thủy mới hiểu cô Kim Diệp buồn rầu đến nỗi ốm là tại ông Lê Tấn Thành từ ngày đắc cử làm nghị-viên Hội Ðồng Quản Hạt, ông giao thiệp rộng, lên xuống Sài Gòn thường, rồi ông say đắm một cô mỹ nữ, tên là Ba Huyền, 22 tuổi, nhan sắc thiệt là xinh đẹp, mà tánh nết thiệt là lả lơi, mua một cái nhà tại Phú Nhuận mà ở với cô, sắm xe hơi cho cô đi chơi, mua hột xoàn cho cô trang điểm, ngày như đêm say sưa mê mẩn cùng duyên mới, không kể gì đến vợ hiền đức, con thơ ngây ở nhà.”
– Lòng dạ đàn bà
Người phụ nữ thứ hai trong Lòng dạ đàn bà là Thanh Thuỷ, tuy cô mang nét đẹp truyền thống nhưng suy nghĩ lại có phần hơi hướng hiện đại. Thanh Thuỷ không để cái danh goá chồng và chưa có con cản bước, cô tập tành kinh doanh hột xoàn để tăng thêm niềm vui cho cuộc sống.
Thanh Thuỷ và Kim Diệp vốn là bạn bè thân thiết từ lâu, lúc biết tin ông Hội Đồng theo ả đào trên thành phố mà bỏ bê vợ con, không thèm đoái hoài thì cô rất tức giận, thậm chí còn rơi nước mắt thay cho bà Hội Đồng.
Thế nhưng, sự thương cảm và cảm khái của độc giả với mối tình chị em này nhanh chóng bị thay thế bởi những câu hỏi. Thanh Thuỷ tuy tìm mọi cách để ông Lê Tấn Thành hiểu về giá trị gia đình nhưng lại thầm cười khi Kim Diệp ngỏ lời, mong cô làm vợ lẽ của chồng mình.
“Cô Tư Thanh Thủy chau mày và ngó lơ, không đối đáp chi hết. Nhưng mà xe rút chạy, cô đứng ngó theo cho tới chừng xe quẹo khuất rồi, cô mới thủng thẳng trở vô nhà, miệng cười ngỏn ngoẻn.”
– Lòng dạ đàn bà
Người phụ nữ cuối cùng trong tác phẩm là cô ba Huyền, tình nhân của ông Hội đồng. Cô có một vẻ đẹp lả lơi cùng giọng nói mê hoặc, chính điều này đã khiến ông Lê Tấn Thành sa bẫy, bỏ hết vợ con ở quê để ở lại thành phố chiều chuộng, cưng nựng.
Cô ba Huyền giấu giếm vô cùng khéo léo về thân phận thật của mình, cô vốn đã có chồng, là thằng du côn Bảy Cu. Tuy đã kết ông nhưng Huyền không sợ Bảy Cu phát hiện, vì chính hắn đã bắt cô phục vụ những gã trai khác để lấy tiền cá độ, cờ bạc.
“Cô Ba Huyền ở trong buồng đi ra, mặt giồi phấn, môi thoa son, hai gò má ửng hồng, cặp chơn mày nhỏ rứt, tóc uốn vặn khu ốc, cổ đeo chuỗi lòng thong, mình mặc một bộ đồ khói nhang, chơn mang một đôi giày thêu cao gót, tai đeo một đôi bông xoàn thiệt lớn, tay xách một cái bốp da bọc nhung, miệng chúm chím cười có duyên, dầu thơm bay mùi bát ngát.”
– Lòng dạ đàn bà
Nhìn từ bên ngoài, cô ba Huyền là người đáng trách khi xen vào cuộc hôn nhân và phá vỡ hạnh phúc của một gia đình. Thế nhưng, ở một góc nhìn khác thì đây là nhân vật có nỗi thống khổ hơn cả, cô trở thành công cụ kiếm tiền cho một gã chồng tồi.
Lòng dạ đàn bà đã phơi bày những sự thật cũng như các góc khuất đen tối trong xã hội Việt Nam đương thời, đồng thời Hồ Biểu Chánh đã đưa ra một góc nhìn đa chiều về hình ảnh những người phụ nữ thời ấy để hiểu rõ hơn về những bi kịch họ đang phải đối mặt.
Lòng dạ đàn bà và thành công ở mảng điện ảnh
Sau gần tám thập kỷ, Lòng dạ đàn bà của Hồ Biểu Chánh đã được đạo diễn Hồ Ngọc Xum chuyển thể thành phim. Tác phẩm đã góp phần đưa khán giả Việt đến gần với điện ảnh và văn chương nước nhà, từ đó thấu hiểu số phận người phụ nữ ngày xưa.
Ở phiên bản truyền hình, câu chuyện giữa bốn người đã được thay đổi phần nào so với tác phẩm gốc. Lê Tấn Thành (Cao Minh Đạt thủ vai) theo sự tham vọng của người vợ Kim Diệp (Ngọc Lan thủ vai) đã chuyển nơi làm việc từ Mỹ Tho lên Sài Gòn, tại đây ông đảm nhiệm một chức vụ trong Hội đồng quản hạt thành phố.
Tiếc thay cho cuộc sắp đặt hoàn mỹ của Kim Diệp, chồng bà bất ngờ sa vào lưới tình của ả đào Ba Huyền (Vân Trang thủ vai). Với miếng lưỡi dẻo gọi, cô ta nhanh chóng câu dẫn ông Hội Đồng và bắt phải chu cấp cho mình, toàn bộ số tiền ấy Ba Huyền lại đem cho Bảy Thẹo, tình nhân thật sự.
Không lâu sau, Lê Tấn Thành phát hiện ra kế hoạch của Ba Huyền và Kim Diệp ở quê cũng biết được chồng mình ngoại tình. Biến cố gia đình nhà ông Hội Đồng cũng bắt đầu từ đây, hai bên đều tỏ ra chán ghét và quá quắt với đối phương.
Sự xuất hiện vừa mới vừa quen của Thanh Thuỷ (Dương Cẩm Lynh thủ vai) một lần nữa rung động trái tim ông Hội Đồng, dù người vợ vẫn còn đó. Đứng trước mưu cầu hạnh phúc cơ bản của con người và tình chị em lâu năm với Kim Diệp, người phụ nữ bán đá quý nổi tiếng trong vùng không khỏi suy nghĩ.
“Lần đầu tôi biết đến tác phẩm “Lòng dạ đàn bà” là bộ phim truyền hình cùng tên của đài HTV. Ngay từ những tập đầu tiên, tôi đã bị hấp dẫn bởi những tình tiết, những giai thoại và cả cái tựa quá sức đặc biệt. Nhưng dường như là chưa đủ, sau khi xem xong bộ phim, tôi lại tiếp tục xem truyện, và đến khi xem xong, tôi mới hiểu hết bốn chữ “lòng dạ đàn bà”.
– Piper Cloudy
Tuy ra mắt sau nhưng bộ phim Lòng dạ đàn bà lại có sức lan toả và ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều, sự tiếp cận rộng rãi của khán giả với sóng truyền hình đã giúp tác phẩm của Hồ Biểu Chánh lần nữa sống lại, được không ít người tìm đọc.
Ngọc Linh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất