Mẹ, thơm một cái là một trong những tác phẩm thành công của Cửu Bả Đao, cuốn sách được viết nhằm kể lại toàn bộ quá trình tác giả đã chăm sóc mẹ qua những tháng ngày bà chống trọi với bệnh tật. Từ đó anh dần nhận ra sự thiêng liêng của tình mẫu tử và những giá trị vô giá mà gia đình mang lại.
Đôi nét về tác giả Cửu Bả Đao và tác phẩm Mẹ, thơm một cái
Cửu Bả Đao là bút danh của Kha Cảnh Đằng, một tiểu thuyết gia và đạo diễn người Đài Loan. Anh bắt đầu viết từ năm 1999, thể loại sáng tác hầu hết là kinh dị, khoa học viễn tưởng và lãng mạn.
Sáng tác đầu tiên của Cửu Bả Đao được phát hành trên mạng, kể từ đó anh đã hoàn thành hơn 60 tác phẩm khác nhau và rất nhiều trong số đó đã được chuyển thể thành phim.
Một số tác phẩm của anh có thể kể đến như Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi, Cà phê đợi một người, Tình yêu hai ba tốt xấu và Mẹ, thơm một cái. Trong đó tiểu thuyết Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi đã được chuyển thể thành phim vào năm 2011 và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ công chúng cũng như giới chuyên môn.
Với tài hoa cùng sự khéo léo của mình, Cửu Bả Đao đã mang đến cho người đọc những cốt truyện hài hước nhưng không kém phần sâu lắng. Bằng cách đó anh đã nhẹ nhàng giúp độc giả có thể cảm nhận sâu sắc cuộc đời thăng trầm của nhân vật và để lại cho họ dư vị vấn vương, bồi hồi.
Mẹ, thơm một cái là một trong những tác phẩm tiêu biểu của anh, được viết theo thể loại hồi ký nhằm ghi lại những tháng ngày chăm sóc mẹ trên giường bệnh của chính tác giả. Cuốn sách là những tình cảm chân thành và cảm động về mẹ, đồng thời cũng góp phần tôn vinh đức hy sinh cùng nghị lực của người phụ nữ trong gia đình.
Chính vì câu chuyện là những nỗi niềm, suy nghĩ chân thật của Cửu Bả Đao nên đã dễ dàng chạm đến trái tim độc giả và để lại những lắng động khó quên trong lòng người đọc.
Không nỗi sợ nào lớn hơn nỗi sợ mất đi mẹ
Cuốn tiểu thuyết xoay quanh gia đình của Cửu Bả Đao khi mẹ anh phát hiện ra bà bị bệnh ung thư máu. Nhà Cửu Bả Đao có ba anh em, anh cả tốt nghiệp thạc sĩ dược phẩm thô đồng thời cũng là tiến sĩ điều trị ung thư, em út thì đang học cao học năm thứ nhất còn anh là nhà văn nổi tiếng trên mạng.
Gia đình tác giả có một tiệm thuốc do ba mẹ anh kinh doanh, nhờ kinh nghiệm từng là hộ lý cộng thêm tinh thần ham học hỏi của mẹ mà tiệm thuốc được rất nhiều hàng xóm tin tưởng và tín nhiệm.
Mẹ của anh là mẫu người phụ nữ của gia đình, cũng vì thế nên mọi người trong nhà đều phụ thuộc vào bà, ngay cả những chuyện nhỏ nhặt như ngoáy tai, rửa bát hay xếp quần áo đều không thể tự làm được.
Một tay mẹ nuôi lớn ba người con trai đến ngày thành đạt, dù từ khi anh còn nhỏ gia đình đã vướng phải nợ nần nhưng bà chưa bao giờ đắn đo khi chi tiền cho anh em Cửu Bả Đao đi học. Bà luôn cố gắng hết sức để dành dụm, gom góp cho con được học tiếng anh hay tập làm văn chỉ với mong muốn chúng đều có thành công riêng.
Mỗi lần thầy giáo đưa cái phong bì bằng giấy bìa, bảo về nhà cho học phí vào đấy, con số viết trên đó đều khiến tôi hoang mang.
Hễ nghĩ đến chuyện mẹ quyết không bao giờ nhíu mày trước các khoản học phí, sống mũi tôi lại cay sè.
Biến cố xảy ra khi mẹ anh phát hiện mình bị mắc bệnh bạch cầu tuỷ cấp tính, kể từ khi bắt đầu nhập viện, cả gia đình thay phiên nhau chăm sóc bà. Mẹ tiếp nhận điều trị đồng nghĩa với việc nhà thiếu đi người phụ nữ và từng thành viên dần nhận ra sự quan trọng của bà.
Những thứ tôi sợ quả thực là quá nhiều. Cuộc đời tôi dường như là quá trình phát hiện, tích luỹ những thứ mình sợ. Sợ độ cao, sợ ma, sợ người khác không tin mình, sợ mình không được ôm Puma lúc nó qua đời, sợ gãy mất đôi tay trị giá hai trăm triệu.
Nhưng tôi có thể khẳng định rằng, tôi sợ nhất là không có mẹ.
Mẹ anh rất kiên cường, ngay cả khi đứng giữa ranh giới sinh tử bà vẫn điềm tĩnh đón nhận sự sắp đặt của số phận. Bà luôn chủ động trong việc điều trị khi nhìn xem lượng thuốc truyền bao giờ sẽ hết hoặc bảo các con xin y tá thuốc nếu mình có dấu hiệu sốt, chắc hẳn bà cũng muốn khoẻ lại để không phụ lòng mong mỏi của ba anh em.
Với chồng bà luôn tận tuỵ hết mực vừa chăm sóc chồng vừa quán xuyến công việc ở tiệm thuốc của gia đình, dù rơi vào cảnh nợ nần nhưng bà vẫn cân đối thu chi hợp lý, thậm chí còn tiết kiệm được tiền mua xe RV.
Ngay cả khi ở bệnh viện bà vẫn phải động viên tinh thần cho ba anh em, nhắc nhở chồng uống thuốc đúng giờ và hướng dẫn ông tìm đồ vật trong nhà.
Những chi tiết như mẹ không than phiền khi bệnh nhân giường bên gây ồn ào, tác giả chăm sóc vụng về mà vẫn dịu dàng đón nhận hay âm thầm chịu đựng những đau đớn khi hoá trị đã làm sáng lên hình ảnh người phụ nữ nhân hậu, hiền lành nhưng cũng không kém phần bản lĩnh.
Bằng ngòi bút uyển chuyển, tác giả đã miêu tả tinh tế hình ảnh tuyệt vời của người mẹ. Qua đó giúp người đọc có cái nhìn chân thật và đồng cảm trước sự hy sinh lớn lao của người phụ nữ với gia đình, đồng thời cảm nhận được sự ngọt ngào từ câu chuyện.
Mẹ, thơm một cái và cách người trẻ bày tỏ tình yêu với mẹ
Qua tác phẩm có thể thấy ba anh em Cửu Bả Đao đã bộc bạch tình thương với mẹ một cách vụng về nhưng lại vô cùng chân thành và cảm động.
Anh cả nằm dư trong bụng mẹ một tuần, bởi không chịu rời khỏi mẹ
Tôi nằm thiếu một tuần trong bụng mẹ , bởi muốn sớm nhìn thấy mẹ
Thằng út nằm trong bụng mẹ không thiếu ngày nào, bởi dã hẹn với mẹ
Ba anh em, từ khi trong bụng mẹ, đã dùng cách thức của riêng mình để yêu thương mẹ.
Những hành động được anh đề cập đến như cả ba anh em thu xếp công việc ở Đài Bắc để có thể thay phiên nhau chăm sóc mẹ đã phần nào cho thấy tinh thần trách nhiệm của họ. Đó là việc anh cả học y nhưng vẫn sợ hãi khi mẹ co giật, người em luôn kỹ lưỡng trong vấn đề vệ sinh, còn tác giả thì học chép “tâm kinh” và chú ý từng thói quen ăn uống của mẹ, những hành động ấy không chỉ thể hiện tình thương của anh em Cửu Bả Đao dành cho bà mà còn bày tỏ lòng hiếu thảo của họ.
Cả ba tuy mỗi người một vẻ, mỗi người chọn cho mình lối đi riêng nhưng khi đối mặt với bệnh tình của mẹ thì vô cùng đồng lòng và sáng suốt. Họ luôn trấn tĩnh, động viên nhau để chăm sóc bà cho thật tốt dù lòng ai cũng có nỗi niềm.
Chính nhờ biến cố này mà anh em Cửu Bả Đao đã hiểu nhau hơn đồng thời nhận ra sự cực nhọc của người phụ nữ khi dành nửa đời chăm sóc cho gia đình.
Cửu Bả Đao đã khéo léo lồng ghép những chi tiết nhỏ nhặt nhưng vô cùng quan trọng trong việc khắc hoạ tình cảm của các nhân vật. Mỗi người trong câu chuyện đều có một cách riêng để bày tỏ sự lo lắng, quan tâm đối với người thân của mình.
Nốt nhạc thăng trầm nhưng chứa đầy hương vị ấm áp trong Mẹ, thơm một cái
Mẹ, thơm một cái đã tái hiện lại hình ảnh của một gia đình truyền thống khi mà người phụ nữ phải quán xuyến hết mọi việc trong nhà, còn đàn ông thì xem đó như trách nhiệm của họ. Nguời mẹ đổ bệnh cũng là lúc bà được nghỉ ngơi trọn vẹn nhất, những thành viên bà đã dành hơn nửa đời chăm sóc giờ đang đổi vị trí với bà.
Tuy cốt truyện không chứa đựng quá nhiều tình huống kịch tính hay bi thương nhưng lại đong đầy tình cảm chân thành của những người con dành cho mẹ. Xuyên suốt chặng hành trình, những điều nhỏ bé được tác giả chọn lọc đã để lại bài học giá trị về tính nhân văn và lòng hiếu thảo.
Cuốn sách nhận được nhiều phản hồi tích cực khi đã thành công lột tả trọn vẹn những khía cạnh khác nhau của cuộc sống, không chỉ về tình mẹ mà còn có cả tình yêu, sự nghiệp và tình cảm gia đình.
Nhiều độc giả chia sẻ rằng cốt truyện của tác phẩm không quá đặc sắc hay chi tiết cao trào nhưng vẫn là một sự lựa chọn nhẹ nhàng dành để thư giãn sau những ngày bận rộn, điều cuối cùng động lại trong lòng người đọc là tình yêu thương chân thành và giản dị.
Tác giả đã khéo léo đưa hình ảnh căn bếp bận rộn, mâm cơm đầy đủ thành viên, giúp người đọc quay về những tháng ngày ấu thơ được che chở trong vòng tay mẹ.
Dù có nhiều biến cố xảy đến nhưng trong bóng đêm tăm tối Cửu Bả Đao vẫn không quên thêm thắt những chi tiết hóm hỉnh, ngọt ngào nhằm xoa dịu người đọc, đồng thời thắp lên tia hy vọng cho các nhân vật trong câu chuyện.
Mẹ, thơm một cái thu hút độc giả bởi lối văn mộc mạc, nhẹ nhàng nhưng không kém phần tinh tế, cuốn sách vừa mang đến cảm giác yên bình vừa truyền đi thông điệp tích cực, lạc quan về cuộc sống.
Thiên Nhi
Thiên Nhi
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất