Ngàn mặt trời rực rỡ là cuốn sách thứ hai của nhà văn Khaled Hosseini, được xuất bản vào năm 2007. Tác phẩm kể về hành trình vượt qua số phận bi thương, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn của hai người phụ nữ Afghanistan.
Thông qua trang viết, tác giả phác họa những mảnh đời không chỉ đau khổ vì chiến tranh mà còn bị vùi dập bởi giáo luật hà khắc. Thế nhưng, sức sống con người dường như trở nên mạnh mẽ hơn trong nghịch cảnh ấy.
Bậc thầy kể chuyện Khaled Hosseini và tác phẩm Ngàn mặt trời rực rỡ
Khaled Hosseini sinh năm 1965, ông là người gốc Afghanistan. Trước khi bén duyên với viết lách, tác giả đã có thời gian dài làm việc trong ngành dược.
Năm 1980, do hậu quả chiến tranh nên Khaled Hosseini và gia đình phải rời quê hương để tới Hoa Kỳ. Sống tại đây đã lâu nhưng ông luôn mang nỗi nhớ khôn nguôi về đất mẹ, điều này đã khơi nguồn cảm hứng cho hai tác phẩm tiêu biểu, Người đua diều và Ngàn mặt trời rực rỡ.
Nhà văn mang mảnh đất Trung Đông vào tiểu thuyết đầu tay với tựa đề Người đua diều. Cuốn sách được xuất bản vào năm 2003 và trở thành ấn phẩm bán chạy nhất The New York Times suốt hai năm liên tiếp.
Cùng năm ấy, ông trở về Afghanistan và có cơ hội trò chuyện với những người phụ nữ ở thủ đô Kabul. Niềm cảm thương với mảnh đời bất hạnh của họ đã thôi thúc Khaled Hosseini viết nên tác phẩm Ngàn mặt trời rực rỡ.
Vào mùa xuân năm 2003, tôi đến Kabul và nhớ rằng đã nhìn thấy những người phụ nữ mặc áo khoác burqa ngồi ở các góc phố, với bốn, năm, sáu đứa trẻ, ăn xin… Tôi đã nói chuyện với nhiều phụ nữ ở Kabul. Câu chuyện cuộc đời họ thật sự rất đau lòng… Khi bắt đầu viết Ngàn Mặt Trời Rực Rỡ, tôi thấy mình suy nghĩ mãi về những người phụ nữ kiên cường ấy.
– Khaled Hosseini
Nhan đề Ngàn mặt trời rực rỡ lấy cảm hứng từ bài thơ Kabul của đại thi hào Saib Tabrizi, thể hiện cảm xúc của nhà văn đối với miền đất Afghanistan loạn lạc.
Không ai có thể thể đếm được bao nhiêu mặt trăng tỏa sáng trên những mái ngói của nàng
Hay ngàn mặt trời rực rỡ ẩn sau những bức tường của nàng.
– Kabul
Khaled Hosseini gói gọn bốn thập kỷ biến động của Afghanistan qua hành trình của Mariam và Laila, tuy khác thế hệ lẫn xuất thân nhưng họ lại chịu chung bi kịch bạo hành gia đình.
Hai thân phận khác biệt nhưng mang cùng một nỗi đau
Mariam là con của thương nhân Jalil giàu có và người quản gia Nana. Vì mẹ xuất thân thấp kém nên từ khi sinh ra, cô bé đã bị ghẻ lạnh và không được công nhận là thành viên của gia đình.
Thời thơ ấu, Mariam bị trói chặt trong vòng xoáy căm phẫn của người mẹ. Bà không ngừng nói rằng cô chỉ là đứa con hoang, được sinh ra trong tội lỗi và dơ bẩn.
May mắn thay, tâm hồn Mariam được cứu vớt bởi Jalil, người cha với những câu chuyện đẹp đẽ và ngọt ngào. Vì sống tách biệt với bên ngoài nên điều ông nói như niềm hy vọng sống, giúp cô thoát khỏi lời lẽ hà khắc của mẹ.
Ông là sợi dây liên kết của Mariam, là bằng chứng cho thấy sự tồn tại của một thế giới rộng lớn bên ngoài kolba, ngoài Gul Daman và cả Herat nữa.
– Ngàn mặt trời rực rỡ
Qua lời cha, Mariam đã lấy hết dũng khí để bước ra khỏi kolba, túp lều chật hẹp và tù túng của hai mẹ con. Lần đầu tiên sau mười lăm năm, cô được chứng kiến khung cảnh tráng lệ của Herat, nơi đây tấp nập xe cộ và có rừng hoa rực rỡ.
Tuy nhiên, thiên đường ấy nhanh chóng biến thành địa ngục khi Mariam nhận ra sự thật trong lời mẹ nói. Người cha tôn thờ bấy lâu thực chất là một kẻ hèn nhát và vô trách nhiệm, nhẫn tâm bỏ mặc con gái giữa màn đêm lạnh lẽo.
Mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn khi Mariam trở về thì mẹ đã tự sát. Thế giới xung quanh đứa trẻ ấy như sụp đổ, cô hổ thẹn vì đã cãi lời mẹ Nana để chạy theo những yêu thương giả tạo bên ngoài.
Thời điểm Jalil đón Mariam về nhà cũng là lúc cuộc đời cô rơi vào vũng bùn. Ông ta ép con gái phải cưới Rasheed, một thợ đóng giày giàu có ở Kabul.
“Tôi đã từng tôn thờ ông,” cô nói. Jalil im bặt giữa chừng.
– Ngàn mặt trời rực rỡ
Mariam chuyển đến nhà Rasheed, nơi đây tuy rộng rãi hơn túp lều tồi tàn trước kia nhưng lại thiếu vắng hạnh phúc. Anh ta thường xuyên đánh đập vợ khi cô sảy thai nhiều lần, không đủ khả năng sinh con trai.
Trái ngược với Mariam bi thảm, Khaled Hosseini đã xây dựng nhân vật Laila tươi trẻ và mạnh mẽ. Cô sinh ra trong gia đình đầy đủ cha mẹ, xung quanh luôn có người che chở và yêu thương.
Khi bị bạn bè bắt nạt, Laila lập tức phản kháng thay vì nhẫn nhịn. Không chỉ bảo vệ bản thân, hành động này của cô bé còn giữ lấy danh dự, tôn nghiêm cho Mommy, Babi và bạn thân.
Thế nhưng, hạnh phúc ấy đã bị chiến tranh huỷ hoại, cha mẹ cô ra đi trong một trận đánh bom. Đau thương nối tiếp khi Laila nhận ra bên cạnh không còn người thân, ngay cả bạn trai Tariq cũng rời xa.
Khi tôi nói tôi sắp trở về Kabul, cậu ấy bảo tôi tìm cô. Để cho cô biết rằng cậu ấy đang nghĩ về cô. Rằng cậu ấy nhớ cô. Tôi đã hứa với cậu ấy là tôi sẽ làm như vậy.
– Ngàn mặt trời rực rỡ
Tariq luôn nhớ về cô, dù là khi tỉnh táo hay thập tử nhất sinh. Tình cảm ấy đã trở thành động lực sống cho Laila, người con gái mười bốn tuổi quyết định trở thành vợ lẽ của Rasheed để bảo vệ đứa con của hai người.
Hai người phụ nữ xa lạ bị xã hội xô đẩy, để rồi vô tình sống chung dưới một mái nhà. Những ngượng ngùng ban đầu nhanh chóng được xóa bỏ, Mariam và Laila dần thấu hiểu và đồng cảm với tình cảnh của đối phương, lặng lẽ trở thành chỗ dựa cho nhau.
Ngàn mặt trời rực rỡ là khúc ngợi ca về vẻ đẹp của người phụ nữ
Trong tác phẩm, Khaled Hosseini hướng ngòi bút đến những người phụ nữ có số phận đau thương giữa xã hội đầy biến động của Afghanistan, qua đó bày tỏ sự đồng cảm với nỗi bất hạnh và khao khát yêu thương luôn thường trực ở họ.
Thông qua Mariam và Laila, tác phẩm còn miêu tả quá trình đấu tranh để tìm đến những giá trị sống đúng nghĩa.
Khao khát được yêu thương qua từng trang văn
Ngàn mặt trời rực rỡ đem là bức tranh toàn cảnh về số phận và quá trình đấu tranh của người phụ nữ, nổi bật là hình ảnh của Mariam và Laila. Tuy cuộc đời và số phận khác nhau, điểm chung giữa họ là mong ước được chở che và trân trọng.
Thông qua lời kể và từng đoạn đối thoại ngắn của Nana, cuộc đời Mariam hiện lên với những chuỗi đau thương nối dài. Nếu mẹ cô không mắc phải căn bệnh lạ khiến nhiều người kinh sợ thì số phận hẳn đã có nhiều thay đổi, bà sẽ không trở thành người hầu và mang thai Mariam.
Thế rồi, một tuần trước ngày cưới, jinn đã nhập vào người Nana. Mariam không cần nghe kể lại cũng có thể hình dung ra được. Cô bé đã từng nhiều lần chứng kiến tận mắt cảnh mẹ đột ngột ngã xuống, cơ thể mẹ trở nên cứng đờ, mắt trợn lên, tay chân co giật như thể có thứ gì đang bóp nghẹt bà từ bên trong, miệng bà sủi bọt trắng và đôi khi còn thấy cả máu đỏ tươi. Rồi bà rơi vào trạng thái vô thức, mất phương hướng đến kinh sợ và miệng lẩm bẩm những thứ không rõ ràng. “Họ đã được một phen sợ chết khiếp,” Nana chốt lại.
Chiếc váy cưới được cất đi. Từ đó về sau, không có người nào đến cầu hôn nữa.
– Ngàn mặt trời rực rỡ
Điều này có tác động vô cùng lớn đến sự phát triển và nhận thức của Mariam, cô nhận được sự yêu thương từ mẹ nhưng cũng mang mặc cảm sâu trong mình. Cả tuổi thơ, Mariam kẹt giữa hai người yêu thương nhất, đó là người mẹ bất hạnh và người cha từng tôn thờ.
Niềm khao khát yêu thương thể hiện trong những lần cô đợi cha đến thăm hằng tuần, việc trân trọng những món quà được tặng và đặc biệt là mong ước sống trong một gia đình trọn vẹn.
Ngay cả khi niềm tin với Jalil không còn nữa, Mariam bị bắt gả cho Rasheed thì niềm khao khát ấy cũng không vì thế mà mất đi.
Thời gian đầu, dù phần lớn cảm giác với chồng chỉ là nỗi hoang mang, lo sợ nhưng Mariam cũng mong muốn được yên ấm và chở che, cô hy vọng sẽ có cuộc sống hạnh phúc với Rasheed.
Sau này, khi liên tiếp mất con và chịu ghẻ lạnh từ chồng thì Mariam vẫn tìm thấy niềm khao khát yêu thương với mẹ con Laila.
Trái ngược với Mariam, Laila là đứa trẻ may mắn khi ngay từ nhỏ đã nhận được tình yêu thương trọn vẹn và đầy đủ từ cha mẹ. Cô được học trong môi trường giáo dục lành mạnh nên nhận thức rõ giá trị của bản thân.
Chịu cảnh chung chồng với Mariam, phải sớm từ biệt người thương và bị hành hạ bởi Rasheed nhưng tất cả chỉ làm khao khát được tự do, hạnh phúc ở cô trỗi dậy mãnh liệt.
Nhưng không hiểu sao trong những tháng qua, Laila và Aziza – hóa ra con bé lại là một harami giống cô – đã trở thành những cánh tay nối dài của cô và giờ đây nếu thiếu họ, cuộc sống mà Mariam đã chịu đựng trong từng ấy năm bỗng như không thể chịu đựng được nữa.
Bọn em sẽ trốn khỏi đây vào mùa xuân, Aziza và em. Hãy đi cùng bọn em, chị Mariam
– Ngàn mặt trời rực rỡ
Mariam và Laila có số phận khác nhau nhưng độc giả vẫn thấy họ cùng chung một mong muốn, đó là được yêu thương đúng nghĩa. Niềm mong ước ấy dẫn dắt cả hai đấu tranh, cho mình và cho cả người khác.
Sức sống mãnh liệt của người phụ nữ Afghanistan
Nếu Mariam đại diện cho lớp phụ nữ truyền thống Afghanistan thì Laila là hiện thân của sự đấu tranh, thoát khỏi khuôn khổ để tìm đến hạnh phúc.
Sau khi cùng Rasheed động phòng, cô nhận ra bản thân đang dần thay đổi và trở thành một người phụ nữ đúng nghĩa. Laila biết mình đã mang thai nhưng đứa con trong bụng lại chính là giọt máu của Tariq.
Đứa trẻ không chỉ là sợi dây kết nối với quá khứ tươi đẹp mà còn khơi dậy trong Laila nguồn năng lượng sống mạnh mẽ. Bản năng vốn có cùng tình mẫu tử thiêng liêng không cho phép cô vứt bỏ sinh linh với người mình yêu thương.
Một phần của Tariq vẫn còn sống trong cô, đang hình thành đôi cánh tay bé nhỏ và đang phát triển hai bàn tay mờ mờ.
– Ngàn mặt trời rực rỡ
Aziza ra đời, những cuộc cãi vã giữa Rasheed với Laila ngày một nhiều hơn, ông ta ghét mùi hôi của tã, đồ chơi và tiếng khóc hằng đêm. Suốt tháng ngày tuyệt vọng ấy, chỉ đứa con gái mới là động lực giúp cô sống tiếp.
Mùa xuân năm 1994, Laila và Mariam quyết định bỏ trốn nhưng chưa kịp lên chuyến tàu đến Pakistan thì niềm hy vọng tự do đã lụi tàn, cả hai bị cảnh sát bắt lại và đưa về cho Rasheed xử lý.
Trải qua rất nhiều trận đòn roi và những lời lăng mạ của Rasheed nhưng họ chưa bao giờ gục ngã. Đã có lúc, Laila đứng lên chỉ trích người chồng hung bạo và đánh trả khi ông không ngừng chê bai mình
Chỉ một phút trước đó cô vẫn còn đang nói, còn giờ đây cô nằm sõng soài trên sàn với đôi mắt mở to, khuôn mặt đỏ bừng và hơi thở hổn hển. Cô cảm thấy cứ như thể một chiếc xe chạy với tốc độ tối đa vừa đâm vào mình, đúng ở khoảng thân mềm giữa xương ức và rốn. Cô nhận ra mình vừa làm rơi Aziza và Aziza đang khóc. Cô cố gắng thở nhưng chỉ có thể phát ra những tiếng kêu khàn khàn. Nước dãi cô nhễu ra khỏi miệng.
– Ngàn mặt trời rực rỡ
Sau mười năm, sự trở về đột ngột của Tariq mang đến niềm hy vọng về cuộc sống mới cho Laila nhưng cũng kéo theo vô vàn bi kịch. Khi Rasheed phát hiện mối quan hệ đó, ông đã điên cuồng đánh đập vợ bằng thắt lưng, thậm chí suýt giết chết cô.
Vượt qua nỗi sợ với những trận đánh tàn bạo, Mariam không ngần ngại đánh cược cả tính mạng để bảo vệ người mà bản thân quý trọng. Trước khi mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn, bà đã giải thoát cho chính mình và đồng thời giải cứu cho Laila.
Khi bà bước hai mươi bước cuối cùng, bà đã không thể ngăn mình ao ước được sống thêm.
– Ngàn mặt trời rực rỡ
Khaled Hosseini đã xây dựng câu chuyện tựa như một thấu kính hội tụ, quy hợp những mảnh đời ngỡ chẳng liên quan đến nhau về chung một điểm, thắp sáng hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chủ nghĩa nữ quyền ở Afghanistan vì vậy hiện lên trọn vẹn qua hình ảnh ba người phụ nữ trong Ngàn mặt trời rực rỡ. Nếu Nana đại diện cho sự cam chịu, Mariam dừng lại ở tư tưởng phản kháng thì Laila là biểu tượng về hành động dám đứng lên đấu tranh, giành lấy hạnh phúc của chính mình.
Vẻ kiên cường và sự đấu tranh của những người phụ nữ Afghanistan đến đây trở nên hoàn thiện, qua đó thể hiện sự thông cảm và trân trọng của Khaled Hosseini.
Ngàn mặt trời rực rỡ qua góc nhìn của độc giả
Xuất bản năm 2007, Ngàn mặt trời rực rỡ đến nay vẫn chiếm một vị trí vững chắc trong nền văn học thế giới. Bên cạnh việc đào sâu nội tâm nhân vật, Khaled Hosseini còn khiến độc giả ấn tượng khi khắc họa mặt trái tăm tối của Afghanistan.
Đó là một xã hội tan tác do chiến tranh và mục nát bởi những hủ tục hà khắc. Trong hoàn cảnh đó, con người phải chịu nỗi đau phân tán cũng như không được làm chủ cuộc đời.
Mặc dù đây là câu chuyện hư cấu, nhưng tôi nghĩ điều đáng khen ngợi là những gì Hosseini đã làm được với những câu chuyện này. Chúng giúp thay đổi quan điểm của độc giả về những người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh ở những quốc gia như thế này.
– Goodreads
Dù vậy, độc giả vẫn cảm nhận được sức sống tiềm tàng ở Mariam và Laila. Qua từng trang tiểu thuyết, họ hiện lên như những bông hoa giữa rừng bi thương, từ đó để lại dấu ấn mạnh mẽ.
Mariam và Laila lớn lên tại một đất nước thiếu quan tâm đến phụ nữ, số phận của họ đều bị hủy hoại bởi những người đàn ông. Thế nhưng, sự tàn nhẫn ấy không thể ngăn cản khao khát tìm lại hạnh phúc của hai nhân vật.
Giống như những viên kim cương và hoa hồng ẩn dưới đống đổ nát của bom đạn, đây là một câu chuyện về vẻ đẹp và sức mạnh mãnh liệt bị chôn vùi dưới bề mặt của cuộc sống tàn nhẫn và thất thường áp đặt lên hai người phụ nữ Afghanistan
– Good reads
Không chỉ độc giả, Ngàn mặt trời rực rỡ còn nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn, đặc biệt là nhà phê bình Michiko Kakutani của New York Times. Bà cảm thán khả năng kể chuyện và cách dẫn dắt cảm xúc của Khaled Hosseini.
“Ông ấy đã thành công trong việc biến thực tế cảm xúc trong cuộc sống của Mariam và Laila trở nên hữu hình với chính ta, bằng cách gợi lại những thói quen hàng ngày của họ, Khaled có thể cho chúng ta biết cuộc sống hàng ngày ở Kabul như thế nào, cả trước và trong thời kỳ thống trị khắc nghiệt của Taliban.”
Ngàn mặt trời rực rỡ đưa người đọc trải qua nhiều rung cảm phức tạp, từ tột cùng bi thương đến ngập tràn hạnh phúc. Cuốn sách một lần nữa khẳng định ngòi bút tài tình của nhà văn, giúp ông vang danh trong nền văn học hiện đại.
Ngọc Linh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất